NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Truyện cổ Nhật Bản

Lòng biết ơn của con cáo

Tác giả: Nhiều tác giả
Ads Top

Ngày xưa, trong một làng nọ, có hai vợ chồng già. Ông già làm việc trong một thửa ruộng nhỏ và đi lượm củi khô trong rừng. Khắp các vùng quanh đấy, mọi người đều kính trọng ông vì ông là người chân thật và có lòng nhân ái, thậm chí không làm hại đến một con ruồi. Bà già thì có hơi ưa gây gổ một chút và lắm lời nhưng lại cần cù và tề gia nội trợ khá gương mẫu. Cả một đời, hai người làm việc đầu tắt mặt tối, nhưng vẫn không bao giờ giàu lên được. Càng ngày họ càng già yếu mà vẫn tay làm hàm nhai. Thường thường khi về nhà, còng lưng dưới gánh củi, ông lại than thở:

Bây giờ thì cũng còn được, ta còn sức đi lượm củi khô đem ra chợ bán. Nhưng khi không còn làm được nữa, thì ta sẽ ra sao nhỉ? Ai sẽ chăm sóc chúng ta?

Bà già cũng đồng tình với chồng, bà nhún vai đáp:

Đúng thế đấy, đời ta sẽ ra sao nhỉ? Cuộc sống thật khốn khó, chúng ta đã làm việc không chút nghỉ ngơi, thế mà không dành dụm được ít tiền bạc để dùng trong lúc già yếu!

Mỗi lần ông già mang củi ra chợ bán, cả hai lại hy vọng lần này sẽ còn dư chút đỉnh, nhưng rồi họ lại tiêu hết, không để dành được đồng nào. Khi thì hết muối, khi khác phải trả món nợ đã vay mượn từ lâu.

Một hôm, ông già đi bán củi ở chợ về, lần này thì ông gặp may, nợ đã trả hết, mà trong lưng lại còn mấy đồng tiền đồng.

Chắc bà già sẽ mừng lắm! Ông nhủ thầm – số tiền này ta sẽ cho vào hũ. Cuối cùng chúng ta đã bắt đấu để dành được cho tuổi già rồi.

Ông bước đi, trong lòng phấn khởi. Khi gần đến làng, ông thấy dưới lòng sông khô nước, có một tốp con nít nhảy múa reo hò và ông nghe những tiếng kêu than thở. Bọn con nít trong làng vừa bẫy đánh một con cáo, và chúng đang nô đùa bằng cách hành hạ con vật khốn khổ. Đứa thì giật đuôi, đứa thì lấy kim dài đâm, tất cả đều chế nhạo con cáo: “Này cáo già, mày bị vào bẫy rồi. Nghe nói mày khôn ranh lắm kia mà, nào, bây giờ hãy giở ngón khôn ranh ra đi coi.” .

Ông già thấy thương hại con vật. Hai mắt nó buồn xo, và hơn nữa, nó đã ngất ngư rồi.

Các cháu không thấy xấu hổ à? – Ông già nhìn bọn trẻ nói – Hành hạ một con vật khốn khổ. Các cháu hãy thả ngay con cáo ấy ra đi!

Nhưng bọn trẻ lại quay qua chế nhạo ông già:

Ông đừng xía vào chuyện không liên quan đến mình. Chúng tôi bắt được con cáo, nó là của chúng tôi, và muốn làm gì nó thì tùy chúng tôi. Nếu thương hại con cáo thì ông mua nó đi. Chúng tôi sẽ bán cho ông với giá đắt đấy!

Ông già suy nghĩ. Ông thương hại con cáo thật, nhưng không thể làm gì bọn trẻ được. Lại còn đem số tiền vừa dành dụm lần đầu tiên để mua con cáo của chúng ư? Nhưng con cáo cứ rên rỉ than van, thấy tội nghiệp quá. Ông bèn quyết định dứt khoát, ông rút cái ví tiền ra, lấy mấy đồng đưa cho bọn trẻ, ông tự nhủ: “ta vẫn còn làm việc được, vậy ta còn có thể để dành sau”

Bọn trẻ lấy tiền và trong nháy mắt là ông già thấy chỉ còn mình ông với con cáo. Ông tháo con cáo ra khỏi bẫy, nhưng con vật quá yếu không thể nhúc nhích được. Thế là ông già ôm lấy con cáo, mang nó vào sâu trong rừng. Ông thả con cáo ra và nói:

Này cáo, mày ở trong rừng, đừng bao giờ về làng nữa. Chuyện xảy ra hôm nay là một bài học quí giá cho mày đấy! Làng là thuộc về người, còn rừng mới thuộc về mày.

Con cáo nhìn ông già với ánh mắt biết ơn, rồi chạy ẩn mình trong hang. Ông già về nhà với hai bàn tay không. Bà già cằn nhằn ông đã quá xem nhẹ tiền bạc, nhưng cằn nhằn một thời gian, rồi bà cũng quên chuyện này.

Một hôm, con cáo bỗng xuất hiện trong sân nhà của hai vợ chồng ông già. Bà già thấy sợ, và bỗng thấy nhớ đến số tiền ông chồng đã tiêu. Bà liền càu nhàu:

Vì mày mà chúng tao đã tốn một số tiền, rồi lại còn lo lắng vì ông già về quá trễ, thế chưa đủ sao mà bây giờ mày lại còn đến tận nhà chúng tao? Thôi, cút đi!

Bả già đi kiếm cây gậy để đuổi con cáo.

Nhưng cáo không đếm xỉa đến những lời la lối của bà già: nó đợi cho đến khi ông già bước ra sân để xem có chuyện gì, nó mới đến gần ông và nói.

Thưa ông nội. Ông đã cứu sống tôi, tôi không bao giờ quên ơn ông. Tôi định có dịp sẽ dùng xảo thuật của mình để trả ơn ông. Vết thương của tôi lành đã lâu rồi, cho nên hôm nay tôi đến thăm ông. Hãy cho tôi biết ông cần gì để tôi giúp ông.

Nhưng ông già càu nhàu:

Đừng nói như thế mà nhọc công, hãy trở về rừng mau đi để bọn trẻ lại thộp cổ được mày nữa đấy! Lần này thì ta không thể giúp được gì cho mày đâu, vì ta không có một đồng xu dính túi. Thôi, đi đi!

Nhưng con cáo đáp:

Nếu ông không muốn gì hết, thì tôi xin nói cho ông nghe cái ý mà tôi đã nghĩ ra trong lúc nằm dưỡng sức trong hang. Không xa nơi đây, có một tu viện, ông thầy tu già trong ấy rất thích sưu tập đồ dùng cũ và các bình chứa cũ. Ông ta đã thuê người đi khắp nơi để mua những cái chảo cũ, những ấm nước cũ và những thứ đại loại như thế. Tôi sẽ biến thành một cái ấm nấu nước sôi thật đẹp và ông hãy mang đến bán cho ông ấy. Ông ta sẽ trả cho ông một số tiền khá lớn, và ông khỏi lo tuổi già không nơi nương tựa.

Ông già một mực nói rằng ông không cần, và bảo nó nên về rừng mau lên, nhưng con cáo đã quấn đuôi quanh chân, cúi đầu xuống, quay quanh ba vòng rồi thay vì là cáo, trước mắt hai vợ chồng già là cái ấm đồng xưa thật đẹp. Nắp ấm có hình một cái đầu cáo, và cái vòi giống như cái mõm cáo kéo dài ra.

Cả ông lẫn bà già đều ngạc nhiên không nói nên lời được. Bà già là người lấy lại bình tĩnh trước, bà cầm lên gõ mấy cái vào thành ấm làm vang lên tiếng kêu của loại đồng nguyên chất.

“Có lẽ ông thầy tu sẽ trả giá cái ấm này đắt lắm đây” – bà nghĩ thế và như thấy tiền bạc đang hiện ra trước mắt mình. Bà liền thuyết phục ông:

Ông hãy bình tĩnh đến tu viện đi. Con cáo có lý đấy. Mình đã vì nó mà hết nhẵn tiền thì bây giờ nó làm thế này đề chúng ta lấy lại tiền thôi chứ chúng ta làm quái gì với cái ấm đẹp thế này. Con cáo nói thật đấy, nó sẽ không biến hóa lại nữa đâu.

Cuối cùng, ông già đành lấy cái ấm, gói vào trong một tờ giấy bóng, nhưng ông vẫn ngần ngừ, nói:

Tôi không thích làm những việc như thế này. Nhỡ ông thầy tu hỏi tôi đào đâu ra mà có cái ấm quí như thế này, thì tôi biết trả lời làm sao. Ai mà không biết nhà ta nghèo ra sao.

Nhưng bà già đã trấn an để ông khỏi sợ. Bà dặn ông cứ việc nói là đã nhặt được cái

ấm lâu rồi nhưng để đấy xem có ai đến nhận là của mình không nhưng mãi vẫn không thấy ai đến nhận lại, nên họ quyết định đem bán, vì không biết làm gì với cái ấm đẹp như thế.

Ông già không muốn cãi cọ lôi thôi với vợ, bèn đi đến tu viện nơi ông thầy tu sưu tầm xoong chảo cũ, ấm xưa và cái thứ đại loại như thế. Ông đi vào tu viện, mở giấy bóng đưa cái ấm cho ông thầy tu xem.

Vừa cầm cái ấm, thầy tu đã khoái chí reo lên:

Chưa bao giờ tôi thấy một cái ấm đẹp như thế này, dù tôi có rất nhiều ấm! Đây quả là cái ấm bằng đồng nguyên chất! Thật hiếm khi thấy được một vật như thế này! Ông kiếm được nó ở đâu thế?

Ông già bèn lập lại những lời bà già đã dặn, và ông thầy tu khen bà già đã có một quyết định hết sức đúng đắn khi đem cái ấm đi bán rồi trả cho ông già bảy đồng tiền vàng.

Ông già sung sướng quay về nhà. Chưa bao giờ ông có nhiều tiền như thế này, thậm chí ông còn chưa thấy đồng tiền vàng ra sao nữa là.

– Đừng lo đến chuyện ngày mai nữa nhé, – ông tự nhủ.

Ông già vừa đi khỏi, thầy tu gọi đệ tử đến, sai đem cái ấm xuống sông để chùi cho sạch.

Ta sao muốn xem thử chế trà trong cái ấm như thế này có mùi vị ra sao!

Các đệ tử lấy cái ấm chạy xuống sông, lấy cát chà mạnh vào cái ấm đến nỗi tay họ đỏ rần lên. Nhưng cái ấm thì sao? Nó phát ra tiếng rên nho nhỏ. Họ ngạc nhiên, bèn súc cái ấm và đánh nhè nhẹ cho bóng. Lần này thì họ nghe như cái ấm đang cười và nói: “ha ha ha thọc lét nhột quá!”. Các đệ tứ sợ quá, múc nước đầy ấm rồi chạy về, kể lại cho ông thầy tu nghe.

Cái ấm này kỳ quặc quá. Khi chúng con chà cát thì nghe có tiếng rên, còn khi đánh bóng thì nó lại cười.

Có gì đâu mà lấy làm lạ, – thầy tu trấn an họ. – Loại ấm quí như thế thường phát ra những âm thanh lạ lùng khi ta lau chùi. Đây là cái ầm quí ta chưa từng thấy đó.

Ông ra lệnh cho đệ tử nhóm than, khi lửa đã đỏ, ông treo ấm nước lên lò.

Nước chưa sôi mà cái ấm đã có điệu bộ rất kỳ lạ. Nó nhảy nhót trên lò lửa, bật lên cao rồi càu nhàu; biến thành con cáo và vùng dậy chạy thật nhanh dù chân cẳng đang bị phỏng.

Ông thầy tu cho gọi ông già đến, bắt phải trả lại tiền. Ông già xin lỗi hết lời, nói với vị tu sĩ là chắc cái ấm bị bùa phép nên mới thế. Ông thầy tu đáp:

Rõ ràng là thế rồi, nhưng tiền bạc của tôi là tiền thật. Hãy trả lại tiền cho tôi! Trên đường trở về nhà, ông già càu nhàu trách vợ và con cáo:

Hậu quả thế đấy. Đi lui đi tới thật vô ích, đã vậy còn mang nhục nữa.

Mấy ngày sau con cáo lại xuất hiện ở nhà ông già. Chân cẳng nó đã lành. Nó xin lỗi đã làm phiền ông già.

Lửa nóng quá khiến tôi không chịu nổi, – nó nói. – Khi họ xát cát vào người, tôi đã không chịu nổi rồi. Vậy mà họ còn lọc lét tôi nữa chứ! Đúng, quả là ý kiến này không ổn. Nhưng lúc nghỉ ngơi trong hang, tôi lại nảy ra một ý hay khác. Tôi sẽ biến thành một con ngựa thật đẹp, ông hãy đem ra phố mà bán. Dù đường lên phố có hơi xa nhưng sẽ có nhiều thương gia giàu có muốn mua ngựa tốt để thồ hàng hóa. Chắc chắn ông sẽ kiếm được một số tiền lớn để an dưỡng tuổi già. Và ai có được ngựa tốt như thế cũng không lấy cát mà xát hay đùng lửa để đốt đâu.

Ông già chưa kịp phản đối, thì con cáo đã quấn đuôi quanh chân, cúi đầu, quay tròn ba vòng trước mặt ông già liền hiện ra một con ngựa giống. Nó ngẩng đầu lên kiêu hãnh, bờm sáng loáng như vàng, bộ lông mượt mà, và nó nhún nhẩy như sẵn sàng phóng đi khi có lệnh.

Sau chuyện đã xảy ra lần trước, ông già không muốn thử thời vận nữa, nhưng bà già lại cương quyết:

Này ông ơi, con cáo nói đúng đấy, ông hãy dắt con ngựa lên phố mà bán. Thế nào người ta cũng trả cho ông một giá cao để mua con ngựa đẹp như thế này, còn chúng ta, chúng ta làm gì với con ngựa? Hay ông muốn thả con ngựa vào rừng? Còn chúng ta thì làm sao nuôi nó? Tốt hơn hết là đem bán nó đi thôi.

Ông già biết làm gì bây giờ? Bà già chắc không để cho ông yên. Ông mang dép, đóng

dây cương vào ngựa rồi dẫn nó lên chợ trên phố. Khi đi trên đường phố, nhiều người quay đầu nhìn con ngựa tuyệt đẹp, người thì khen dáng điệu, kẻ lại khen cái bờm, người thứ ba lại khen bộ lông dày dặn láng mướt.

– Ai mua được con ngựa như thế chắc sẽ tuyệt vời lắm! – Đấy là ý kiến của mọi người.

Đến thành phố, ông già liền đi tìm xem chợ nằm ở đâu. Chỉ một lát sau ông đã đến chợ, vừa mới ăn xong một tô cơm, liền có một thương gia giàu có đi qua. Con ngựa làm ông ta thích quá, và sợ người khác mua trước, ông ta bèn trả bốn mươi đồng tiền vàng. Người thương gia nói với ông già:

Ông đến đúng lúc quá, ngày mai tôi phải thồ hàng ra chợ nên cần một con ngựa thật khỏe. Đừng nghĩ ngợi lôi thôi, không ai trả cao hơn tôi đâu, hết giá rồi đấy.

Ông giả bỏ bốn mươi đồng tiền vàng vào túi, sung sướng quay về nhà, nhưng còn con cáo thì sao?

Con ngựa mua xong, tôi tớ người thương gia liền dẫn nó về, ở đây nó được uống nước trong và ăn lúa mạch ngon. Rồi một tên đầy tớ còn đến chải lông cho nó nữa. Con cáo tự khen mình:

– Lần này thì chắc kế hoạch của mình tốt rồi.

Nhưng vào sáng hôm sau, cục diện lại khác đi. Người ta xua hết ngựa ra khỏi chuồng để thồ những bao muối và trà cực nặng.

Ông chủ đứng trên hành lang, ra lệnh cho tôi tớ:

Hãy chất lên con ngựa mới mua nhiều hàng hơn. Nó khỏe lắm có thể mang nặng gấp đôi những con khác.

Nặng gấp đôi! Chú cáo tội nghiệp chắc sẽ sụm thôi. Nó nguyên chỉ là con vật nhỏ, làm sao mang nổi một trọng lượng nặng như một con ngựa giống? Nhưng đã quyết giúp ông già rồi, cho nên nó nghiến răng chịu đựng và cố sử dụng tối đa tài ảo thuật mình biết, để giữ sao cho khỏi đổ sụm liền dưới một sức nặng khủng khiếp như thế.

Khi hàng hóa đã chất xong xuôi, đoàn ngựa chở hàng lên đường. Chú cáo cố gắng cất chân bước đi, nhưng nó khập khiễng nặng nề khó nhọc, và vừa ra khỏi thành phố là nó ngã quỵ.

Quả là con ngựa kỳ lạ. – Những người dẫn đoàn ngựa chở hàng nói. – Nó có vẻ mạnh khỏe, thế mà không chở được cái gì hết. Chúng ta phải làm gì nhỉ? Chắc phải đem nó ra bán ở chợ trưa thôi.

Họ hỏi ý kiến, và vì con ngựa có vẻ như có thể chết thình lình, nên họ dỡ hàng trên lưng nó chất lên các con ngựa khác và bỏ nó lại dọc đường.

Chú cáo ở đấy một hồi thật lâu, mệt phờ. Khi đã lấy lại một ít sức lực để có thể biến thành cáo, nó bèn đi chầm chậm về phía hang của mình.

Sau một thời gian, con cáo quay lại nhà ông già, cặp vợ chồng già vui sướng đón tiếp nó, vì từ khi bán con ngựa đến nay, họ sống rất thoải mái. Họ hỏi chuyện gì đã xảy đến cho chú cáo, và cáo kể hết những gì đã xảy ra với mình.

Tôi muốn giúp ông, ông nội à. Vì ông đã cứu sống tôi. Nhưng lần nữa tôi không làm đến nơi đến chốn. Tôi chỉ là một con cáo yếu đuối không có sức mạnh như ngựa được. Nhưng ông đừng nghĩ một con vật bé nhỏ, yếu đuối như tôi mà không biết nhớ ơn đâu. Lần này xin ông hãy nghe kế hoạch của tôi.

Nó không nói nữa mà lấy đuôi của mình quấn quanh bốn chân, cúi đầu quay ba vòng: hai vợ chồng già ngạc nhiên thấy hiện ra trước mắt một cô gái thật đẹp, tóc dài, đen, da trắng muốt. Cô gái mỉm cười nhìn họ và tiếp tục nói giọng điệu của cáo:

Tôi sẽ là cháu nội của ông bà, tôi sẽ chăm sóc để ông bà được sống đầy đủ trong tuổi già. Ông nội này, ông lấy tiền bán ngựa rồi ra phố mua ba cái áo kimônô bằng lụa: một cái trắng, một cái màu hoa đào có vẽ quạt và một cái màu tím có trang hoàng hoa cúc trắng. Ông cũng mua một sợi dây lưng rộng bằng gấm, kim kẹp tóc dài và phấn đánh mắt. Tôi sẽ mặc áo kimônô chồng lên nhau và đánh phấn, rồi ông dẫn tôi ra phố, giới thiệu đây là cháu nội của mình. Tôi biết hát, biết múa, ông sẽ kiếm được nhiều tiền cho mà xem.

Ông già quá bối rối đến nỗi không nói ra lời. Nhưng bà già thì lại nói năng dễ hơn, bà kéo tay áo của ông và nói:

Ông đi phố mua các thứ nó yêu cầu đi. Con gái đẹp như thế này phải ăn mặc đẹp và phải đánh phấn. Nhưng phải hỏi người nào rành trước đã, vì ông không biết gì về các thứ này đâu.

Ông già ngần ngừ một chút và nói:

Cáo thân yêu này, mày đã làm nhiều cho chúng tao rồi, bây giờ mày hãy quay về rừng đi.

Nhưng cuối cùng ông cũng phải chịu thua lời thuyết phục của con cáo và nhất là của bà già. Ông làm theo lời cô gái yêu cầu.

Sau đó một thời gian ngắn, cô ca sĩ và là vũ công xinh đẹp, cháu nội của hai ông bà nhà quê già, đã nổi tiếng khắp nơi. Nhiều người ở xa cũng đến để được nghe cô hát và múa, và những gia đình giàu có nhất rất lấy làm vinh dự khi được cô gái đến trình diễn trong các buổi lễ của họ.

Cuối cùng, con cáo đã tìm ra một cách để bày tỏ lòng biết ơn đối với ông già mà không sợ gặp phải nguy hiểm. Cáo thích sống ở trong thành phố, vì ở đây luôn luôn có nhiều người, và ở đây nó học được những điều mới lạ rất hấp dẫn, đây là điểm khác biệt với cảnh yên tĩnh của núi rừng. Cho nên, con cáo cứ hát và múa để dành từng đồng bạc kiếm được. Nhưng với thời gian, nó bớt thích tiếng ồn và cảnh náo nhiệt xô bồ của thành phố, nó thấy cảnh tĩnh mịch của núi rừng. Nó suy nghĩ vài ngày, từ giã bạn bè, gói đồ đạc và tìm chiếc kiệu rồi quay về nhà hai vợ chồng già ở làng.

Cặp vợ chồng vui mừng biết bao khi được cáo tặng quà và thức ăn ngon lành đem từ thành phố về. Và tiền bạc cáo kiếm được nhờ ca múa, đã giúp hai vợ chồng già xóa được những mối lo ngại về tương lai. Nhưng hai người không làm sao yêu cầu cáo ở lại với họ được.

Cháu xin cảm ơn ông nội, bà nội ạ. Cháu đã sống với nhiều người quá rồi, giờ cháu chỉ muốn tìm lại cảnh yên tĩnh của núi rừng mà thôi.

Con cáo quay lại hang của nó ở trong rừng. Rồi hôm nào muốn sống bên người, nó lại đến thăm ông và bà nội buổi tối. Họ ngồi ngoài vườn nhớ lại đoạn đường đã qua. Khi con cáo chết vì cáo có đời sống ngắn hơn người, hai vợ chồng già xây trong rừng một tượng đài nhỏ để tưởng nhớ con cáo biết ơn và cho đến nay người ta vẫn còn thấy tượng đài này.

Bình luận
Ads Footer