NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Cách Học Ngoại Ngữ Nhanh Và Không Bao Giờ Quên

Chương 2

Tác giả: Gabriel Wyner
Thể loại: Học Ngoại Ngữ
Ads Top

Tải Ngoại Ngữ Vào Trí Nhớ: Năm Nguyên Tác Để Ngừng Quên

Gia tài thực sự của một người là trí nhớ. Ngoài nó ra, chẳng vì lẽ gì khác mà anh ta giàu, cũng chẳng vì lẽ gì khác mà anh ta nghèo.

— Alexander Smith —

CẢNH TRONG PHIM MA TRẬN, HÃNG WARNER BROTHERS, 1999:

TANK mỉm cười và ngồi xuống trước bàn điều khiển, lục tìm chồng đĩa. Anh chọn một chiếc và cho vào máy tính. NEO nhìn vào màn hình.

NEO: Nhu thuật1? Tôi sẽ học được… Nhu thuật ư?

1. Danh từ gọi chung cho nhiều môn phái võ thuật cổ truyền của người Nhật. (BTV)

TANK mỉm cười nhấn nút “Load”.

Cơ thể của NEO vùng vẫy rồi bật lên dù đã bị kéo ghì lại bằng dây trói, mắt anh vẫn nhắm nghiền.

Màn hình nhấp nháy loạn xạ, còn tim anh đập liên hồi, adrenalin tăng đột biến, và anh cảm giác não mình như muốn nổ tung vì quá tải.

NEO: Ôi mẹ ơi!

TANK mỉm cười.

Công nghệ ngày nay chưa thể tải trực tiếp nhu thuật vào não bộ, nhưng đã có cách chúng ta tiếp thu nhanh hơn. Sức mạnh của nó nằm ở năm nguyên tắc ghi nhớ sau đây:

• Khiến ký ức trở nên đáng nhớ hơn.

• Tối đa hóa sự lười biếng.

• Đừng xem lại! Hãy tập nhớ lại!

• Khoan đã! Khoan đã! Đừng nói cho tôi biết vội!

• Tái tạo ký ức.

Những quy tắc này sẽ cho phép bạn ghi nhớ nhiều hơn, nhanh hơn. Khi kết hợp với nhau, chúng tạo thành một hệ thống có thể đưa sâu vào tiềm thức não bộ hàng nghìn từ mới và quy tắc ngữ pháp. Tuyệt vời nhất là hệ thống này có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi mỗi ngày của bạn, và liên tục chuyển thành ngoại ngữ hữu dụng.

NGUYÊN TẮC 1: LÀM CHO KÝ ỨC TRỞ NÊN ĐÁNG NHỚ HƠN

Bất cứ thông tin nào cũng trở nên quan trọng khi nó được kết nối với một thông tin khác.

—Umberto Eco, Con lắc foucault —

Để học cách ghi nhớ, chúng ta cần học về bản chất và vị trí của trí nhớ. Các nhà khoa học trong những năm 40-50 của thế kỷ XX đã bắt đầu hành trình tìm kiếm trí nhớ ở nơi nghe có vẻ hiển nhiên nhất: Các nơ-ron trong tế bào não của con người. Họ cắt bỏ các phần khác nhau của não chuột, cố gắng khiến con chuột quên đường trong mê cung. Nhưng dù bị cắt bỏ phẫn não nào, con chuột cũng không quên cái mê cung đó. Vào năm 1950, nhóm nghiên cứu bỏ cuộc, và kết luận rằng trí nhớ hẳn phải ở một nơi nào khác ngoài bộ não.

Các nhà nghiên cứu kế tiếp đã đổi hướng tìm kiếm trí nhớ sang những sợi kết nối giữa các nơ-ron, thay vì bên trong chính tế bào não.

Mỗi nơ-ron trong hàng trăm tỉ nơ-ron não bộ kết nối với khoảng 7.000 nơ-ron khác tạo thành mạng lưới dày đặc với hơn 150.000 km sợi thần kinh1. Mạng lưới này liên hệ sâu sắc với trí nhớ của chúng ta, khiến các nhà khoa học không thể tìm thấy nơi lưu trữ ký ức về mê cung trong não chuột. Ký ức về mê cung của mỗi con chuột đã được trải đều khắp não bộ của nó. Mỗi khi bị cắt bỏ một phần bộ não, con chuột chỉ bị tổn thương một phần nhỏ trong chuỗi liên kết ký ức đó. Càng loại bỏ nhiều phần của não, con chuột càng mất nhiều thời gian hơn để nhớ đúng, nhưng chúng không bao giờ quên hoàn toàn mê cung. Cách duy nhất để loại bỏ hoàn toàn ký ức là loại bỏ hoàn toàn con chuột.

1. Thật quá sức tưởng tượng! Lượng dây này đủ lớn để quấn ba vòng quanh Trái Đất. Các nơ-ron có thể chơi trò “Sáu cấp độ của Kevin Bacon” theo cách điên rồ nhất: Bạn có thể kết nối bất kỳ một nơ-ron nào với một nơ-ron khác dưới sáu bước nhảy, và không một nơ-ron nào trong số chúng liên quan đến Kevin Bacon.

Quy tắc kết nối ghi nhớ này dựa trên một quy luật đơn giản: Các nơ-ron được kích hoạt cùng với nhau sẽ kết nối lại với nhau. Đây chính là Quy luật Hebb, giúp giải thích cách ghi nhớ mọi thứ.

Hãy xem trải nghiệm đầu tiên của tôi với bánh quy. Tôi mất 10 phút ngồi chờ trước lò nướng, tắm mình trong hơi nóng và mùi thơm của bơ, bột mì, đường. Tôi đợi đến khi chúng được lấy ra khỏi lò nướng, và nhìn làn hơi trắng tỏa ra khi chúng nguội dần. Đến khi hết chịu nổi, cha tôi đưa cho tôi một cốc sữa, tôi vớ lấy một chiếc bánh quy, và hiểu tại sao quái vật bánh quy trong chương trình Phố Vừng (Seame Street) lại phát điên lên vì nó.

Mạng lưới nơ-ron dành để ghi nhớ khái niệm “bánh quy” của tôi bao gồm cả ký ức về hình ảnh, hương thơm và mùi vị. Có cả yếu tố âm thanh nữa – âm thanh của từ “bánh quy”, âm thanh của tiếng sữa được rót vào cốc. Tôi cũng nhớ gương mặt giãn ra của cha mình khi ông cắn chiếc bánh quy ngon tuyệt trần đời. Đó là một cuộc diễu hành của cơ man cảm giác, kết nối chặt chẽ lại với nhau trong một mạng lưới liên kết nơ-ron dày đặc. Những liên kết này cho phép tôi trở về quá khứ mỗi lần bắt gặp một chiếc bánh quy mới. Đối diện với mùi bơ thơm quen thuộc, mạng lưới nơ-ron cũ lại trỗi dậy, não tôi kích hoạt lại một loạt hình ảnh, âm thanh, cảm xúc và hương vị, để tôi được sống lại trải nghiệm tuổi thơ.

Hãy so sánh với một trải nghiệm khác: Ký ức đang hình thành với từ mjöður. Chẳng có gì nhiều để làm một cuộc diễu hành. Bạn không thể phát âm đúng từ này nếu chỉ nhìn vào cách viết, và để chơi ác hơn, tôi sẽ không cho bạn biết nghĩa. Bạn sẽ bị kẹt khi nhìn vào kết cấu của nó: hai chữ cái ngoại lai bị kẹp giữa bốn chữ cái quen thuộc. Trừ khi nỗ lực phi thường, bạn mới không quên được từ mjöður khi chương này kết thúc, thậm chí còn sớm hơn.

Các cấp độ xử lý: Bộ lọc của trí nhớ

Thứ tạo nên sự khác biệt giữa từ mjöður lạ lẫm của bạn và từ bánh quy quen thuộc của tôi gọi là cấp độ xử lý. Từ bánh quy của tôi là một thứ đáng nhớ, bởi nó chứa quá nhiều các mối liên kết. Tôi có thể truy cập vào ký ức bánh quy theo hàng nghìn cách khác nhau. Tôi sẽ nhớ bánh quy nếu đọc về nó, nghe thấy nó, nhìn thấy nó, ngửi thấy nó hoặc nếm nó. Từ ngữ này đã quen thuộc tới mức không quên nổi.

Chúng ta cần khiến cho từ mjöður của bạn cũng quen thuộc như vậy, bằng cách tạo thêm bốn loại kết nối mới: kết nối kết cấu, kết nối âm thanh, kết nối khái niệm và kết nối cá nhân. Đó là bốn cấp độ xử lý được các nhà tâm lý học xác định vào những năm 70 của thế kỷ XX. Họ đã lập một bảng điều tra kỳ lạ với bốn dạng câu hỏi, và đưa cho các sinh viên:

• Kết cấu: Có bao nhiêu chữ cái in hoa trong từ “BEAR”?

• Âm thanh: Từ “APPLE” có vần với từ “Snapple” không?

• Khái niệm: “TOOL” có phải là từ đồng nghĩa với “instrument” không?

• Kết nối cá nhân: Bạn có thích “PIZZA” không?

Sau đó, họ bất ngờ kiểm tra những sinh viên này xem họ còn nhớ được từ nào trong số các từ vừa thấy. Trí nhớ của những người trả lời chịu ảnh hưởng lớn của dạng câu hỏi mà họ gặp: ví dụ, số lượng sinh viên nhớ được từ “PIZZA” nhiều gấp sáu lần số nhớ được từ “BEAR”. Bí mật của những câu hỏi này nằm ở một đặc điểm tâm lý thú vị. Để trả lời được câu hỏi đếm số chữ cái in hoa trong từ “BEAR”, bạn không cần phải nghĩ đến con gấu to lớn nhiều lông màu nâu làm gì cả. Bạn chỉ cần kích hoạt cấp độ xử lý thấp nhất − kết cấu. Ngược lại, bạn phải kích hoạt rất nhiều khu vực trên não bộ mới biết có thích “PIZZA” không. Đầu tiên, não tự động phân tích kết cấu từ để xác định xem bạn đang nhìn vào từ gì. Cùng lúc đó, bạn sẽ nghe thấy âm thanh từ “PIZZA” vang lên trong đầu khi tưởng tượng ra hình ảnh đĩa bánh phủ phô mai nóng, thơm, vàng ruộm. Cuối cùng, bạn sẽ thâm nhập vào hàng nghìn ký ức trong quá khứ để biết mình có thích ăn “PIZZA” hay không. Trong một phần triệu của một giây, câu hỏi đơn giản − Bạn có thích “PIZZA” không? − có thể cùng lúc kích hoạt cả bốn cấp độ xử lý. Chúng được kết nối lại với nhau, tạo thành một ký ức mạnh mẽ mà bạn nhớ được nó dễ hơn đến sáu lần so với từ “BEAR”.

Bốn cấp độ xử lý này không chỉ là một đặc điểm sinh học ngẫu nhiên, chúng như một bộ lọc, ngăn chúng ta bị quá tải thông tin. Chúng ta sống giữa một biển thông tin, bị vây quanh bởi một lượng thông tin đầu vào nhiều đến chóng mặt, từ ti vi, Internet, sách, giao tiếp với người khác, và các sự kiện trong chính cuộc sống của chúng ta. Não bạn sử dụng các cấp độ xử lý khác nhau này để quyết định thông tin nào cần giữ, thông tin nào nên bị vứt bỏ. Bạn sẽ không muốn nghĩ đến số chữ cái trong từ “con hổ” khi đang bị hổ rượt, hay không muốn bị bủa vây bởi hàng trăm nghìn ký ức về đàn bò thong dong gặm cỏ trên thảo nguyên mỗi lần đi mua sữa. Để giúp cho bạn khỏi phát điên, não cố gắng sử dụng cấp độ xử lý thấp nhất, vừa đủ để hoàn thành công việc. Khi mua sữa tại siêu thị, bạn chỉ đơn giản tìm kiếm những từ như sữa sô-cô-la, hoặc thậm chí là sữa hữu cơ vị sô-cô-la được làm từ những con bò hạnh phúc, rất tốt cho sức khỏe. Đây là kiểu tìm kiếm bằng cách so khớp mẫu, và não bạn chỉ sử dụng cấp độ xử lý kết cấu để lướt nhanh qua hàng trăm nghìn nhãn hàng. May mắn là bạn sẽ quên gần hết các nhãn hàng này khi tìm thấy món bạn cần. Nếu không, thứ kiến thức như Wikipedia về các nhãn hàng sẽ khiến bạn trở thành gã trai nhạt nhẽo trong các buổi tiệc tùng. Trong các tình huống kích thích hơn, như khi đang bị hổ đuổi sát gót, não bạn sẽ có hưng phấn với ký ức đang tạo thành. Nếu chạy thoát, bạn sẽ nhớ đến già rằng không nên trèo vào chuồng hổ. Theo đó, các cấp độ xử lý đóng vai trò như bộ lọc trong não bạn, giữ cho bạn sống sót và không quá nhạt nhẽo.

Chính bộ lọc này đã khiến cho các ngoại ngữ trở nên khó nhớ. Bộ não chỉ đang làm đúng phận sự; làm sao nó biết được bạn muốn nhớ từ mjöður, chứ không phải từ disodium phosphate (một chất nhũ hóa trong sữa sô-cô-la).

Làm thế nào để nhớ ngoại ngữ mãi mãi?

Để tạo nên ký ức mạnh mẽ cho một từ như mjöður, bạn cần dùng đến cả bốn cấp độ xử lý. Kết cấu, cấp độ thấp nhất, cho phép bạn nhận diện chữ cái và xác định xem từ này dài hay ngắn, được viết bằng tiếng Anh, tiếng Nhật hay tiếng gì. Não bạn đang nhận diện kết cấu khi bạn sắp xếp từ odctor thành doctor. Đây là cấp độ tối quan trọng cho việc đọc, nhưng nó sử dụng quá ít các phần của não bộ để tạo nên ký ức dài hạn. Gần như không sinh viên nào trong thí nghiệm về các cấp độ xử lý nhớ đã từng đếm số chữ cái in hoa trong từ “BEAR”. Mjöður khó nhớ bởi bạn chưa biết cách xử lý những chữ cái khó nhằn như ö hay ð và dừng lại ở cấp độ kết cấu.

Nhiệm vụ đầu tiên của bạn khi học ngoại ngữ là chạm đến cấp độ xử lý tiếp theo: âm thanh. Âm thanh kết nối với tai và miệng, giúp bạn bật lời. Bạn sẽ bắt đầu học phát âm, nhận biết chữ cái nào thì tạo ra âm thanh nào. Học phát âm trước sẽ giúp bạn dễ nhớ từ. Các sinh viên trong thí nghiệm nói trên nhớ được từ “APPLE” (vần với “Snapple”) dễ gấp đôi so với nhớ từ “BEAR” (có bốn chữ cái in hoa). Chính âm thanh giúp bạn nhớ bắt chước như vẹt. Hãy lấy tên của người mới quen, ví dụ Edward, hoặc lấy một cặp từ, ví dụ “cat-mèo”, và đọc nhiều lần, liên tục kích hoạt những phần não giúp kết nối với âm thanh. Từ mjöður của chúng ta đại khái phát âm là “miu-thơ”, và càng phát âm chuẩn, bạn càng dễ ghi nhớ nó hơn.1 Dần dần, từ mjöður của bạn cũng sẽ dễ nhớ như cái tên Edward. Cấp độ này tốt hơn cấp độ kết cấu, nhưng vẫn chưa đủ tốt cho nhu cầu của chúng ta. Có rất nhiều người không giỏi nhớ tên người mới quen, bởi não bộ lọc những cái tên này nhanh chẳng kém tốc độ chúng ta cố nạp chúng vào đầu.

1. Đoạn trước tôi có nói với bạn là hãy bỏ đi bất cứ cuốn sách nào có thứ phiên âm bồi kiểu “bông-dua”. Giờ chính tôi lại đang dùng “miu-thơ”. Tôi sẽ còn làm nhiều lần nữa, vì chắc bạn không muốn tôi giải thích quy tắc phát âm cho từng ngôn ngữ. Xin đừng bỏ cuốn sách này nhé!

Chúng ta cần tìm cách đi qua bộ lọc này, và sẽ tìm thấy nó ở cấp độ xử lý thứ ba: Cấp độ khái niệm. Các sinh viên trong thí nghiệm nhớ từ “TOOL” (đồng nghĩa với “instrument”) dễ gấp đôi so với từ “APPLE” (vần với “Snapple”). Khái niệm có thể được chia ra thành hai nhóm: trừu tượng và cụ thể. Hãy bắt đầu với nhóm khái niệm trừu tượng trước. Nếu tôi nói rằng sinh nhật tôi vào tháng Sáu, bạn hẳn sẽ không nhìn thấy ngay hình ảnh bánh kem, bóng bay và quà cáp. Không sao, bạn cũng không cần phải làm thế; và như đã nói, não bộ luôn cố gắng làm việc ở cấp độ xử lý thấp nhất. Nó giúp chúng ta không phải nghĩ nhiều và bị phân tán bởi vô vàn thông tin vặt vãnh. Dù thế, ngày sinh nhật của tôi vẫn là một khái niệm có ý nghĩa, dù hơi trừu tượng. Điều này khiến nó đáng nhớ hơn âm thanh đơn thuần; và bạn sẽ dễ nhớ sinh nhật của tôi vào tháng Sáu hơn việc từ “sinh nhật” trong tiếng Basque là urtebetetze.

Sâu hơn cả các khái niệm trừu tượng là khái niệm cụ thể, có thể cảm nhận bằng nhiều giác quan. Nếu nói bữa tiệc sinh nhật sắp tới của tôi sẽ bắt đầu bằng màn bắn súng sơn đã đời, rồi ăn chiếc bánh kem được trang trí bằng bánh quy và kem lạnh, rồi quậy tưng bừng trong bể bơi đến khi tàn tiệc; bạn có lẽ sẽ nhớ rõ từng chi tiết bữa tiệc hơn ngày sinh nhật tôi. Chúng ta ưu tiên lưu giữ những khái niệm cụ thể bởi chúng kích thích nhiều phần trong não bộ hơn, chứ không phải chúng quan trọng hơn. Thực ra, chi tiết trên về bữa tiệc sinh nhật không quan trọng bằng địa điểm, thời gian tổ chức.

Vậy làm sao chúng ta có thể khiến một từ ngoại lai, kỳ lạ như mjöður trở nên dễ nhớ hơn? Bản thân từ này không phải vấn đề. Chúng ta dễ dàng ghi nhớ từ ngữ khi kết nối chúng với các trải nghiệm cụ thể, đa cảm giác. Nếu tôi nói mật khẩu e-mail của tôi là mjöður, bạn chắc (và tôi hy vọng là) sẽ không nhớ lâu; bởi bạn chỉ đang xử lý nó ở cấp độ âm thanh và kết cấu. Nhưng nếu chúng ta đang ở trong quán bar, và tôi đưa cho bạn một thứ đồ uống đang bốc cháy rừng rực, bên trong ngâm một con rắn chết và nói: “Cái này − mjöður! Uống đi!,” bạn chắc sẽ nhớ từ đó như in. Chúng ta dễ dàng gọi tên sự vật; trong hơn 450.000 mục từ của Webster’s Third International Dictionary (Từ điển quốc tế Webster), danh từ chiếm đại đa số.1 Chỉ đến khi những cái tên đó không được kết nối với khái niệm cụ thể nào, chúng ta mới khó lòng ghi nhớ. Mục tiêu của chúng ta, và cũng là một trong các mục tiêu chính của cuốn sách này, là làm cho những từ ngữ xa lạ như mjöður trở nên cụ thể và có ý nghĩa.

1. Thế nào là đa số? Không ai biết chính xác. Khi phân tích một đoạn văn thuộc dòng phi giả tưởng (non fiction − có 80% là danh từ), chúng ta gặp rắc rối khi đếm từ. Từ ngữ hóa ra lại cực kỳ khó đếm hoặc phân loại. Liệu “bear” là danh từ, động từ, hay cả hai? Chúng ta có nên tách “bear” với “bears” không? Đó quả là một nghệ thuật.

Vượt qua các bộ lọc: Sức mạnh của hình ảnh và những kết nối cá nhân

Ở trên, chúng ta đã đề cập đến một cặp từ song ngữ: cat-mèo. Cách luyện tập thông thường là đọc đi đọc lại hai từ này cho đến khi hình thành một kết nối âm thanh giữa chúng. Cấp độ này quá thấp để nhớ sâu, và thực ra nó cũng không đáp ứng mục tiêu của chúng ta. Khi đọc được từ “cat”, bạn không nên nghĩ đến từ “mèo” mà là thứ này:

Chúng ta sẽ thu được kết quả tốt hơn nếu bỏ qua từ ngữ trong tiếng mẹ đẻ, thay vào đó dùng một bức tranh hay một bức ảnh.

Ký ức hình ảnh dễ gọi hơn rất nhiều so với từ ngữ, bởi chúng ta luôn tự động suy nghĩ ở cấp độ khái niệm mỗi khi nhìn thấy hình ảnh. Các nghiên cứu về trí nhớ đã chứng minh ký ức hình ảnh cực kỳ mạnh mẽ. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, một nhóm các nhà khoa học đã tiến hành một bài kiểm tra trí nhớ kinh hoàng trên các sinh viên: “Bài kiểm tra hai lựa chọn cưỡng ép” (The Two-Alternative Forced-Choice Test). Sinh viên được cho xem 612 bức ảnh quảng cáo trên tạp chí (ắt hẳn khi đang bị trói vào ghế và banh mắt ra), sau đó được yêu cầu chọn lại chúng giữa một bộ ảnh khác. Xác suất chọn đúng các bức ảnh lên đến 98,5%. Vẫn chưa thỏa mãn, các nhà khoa học lặp lại thí nghiệm trên với nhiều hình ảnh hơn, quyết tâm xem các sinh viên sẽ chịu đựng đến đâu với mức bồi dưỡng rẻ mạt và đồ ăn miễn phí. Kết quả là dường như không có giới hạn nào. Họ sẵn sàng ngồi trong phòng tối năm ngày, xem khoảng 10.000 bức ảnh liên tục không nghỉ. Xác suất chính xác lên đến 83%. Khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh của chúng ta rất phi thường; chỉ cần biết tận dụng mà thôi.

Bởi cái cần ghi nhớ là từ ngữ, không phải hình ảnh, nên chúng ta sẽ kết hợp chúng và sẽ còn hiệu quả hơn nếu chỉ có hình ảnh đơn thuần. Thậm chí cả khi hình ảnh chẳng liên quan đến từ ngữ: Bạn có thể nhớ một bức tranh trừu tượng dễ dàng hơn nếu bên cạnh nó có thêm một câu “Táo ngon tuyệt”. Khi đối diện với một bức tranh khó hiểu và một cụm từ không liên quan, não bạn sẽ cố gắng tìm ra ý nghĩa nào đó, kể cả khi không có ý nghĩa nào cả. Trong quá trình đó, nó sẽ tự động chuyển từ ngữ này từ cái thùng rác của đám disodium phosphate sang lãnh địa thân thuộc của bánh quy. Và kết quả là bạn sẽ nhớ.

Chúng ta có thể tiến sâu hơn bằng cách dùng cấp độ xử lý cuối cùng, kết nối cá nhân. Khi có kết nối cá nhân, bạn sẽ nhớ khái niệm dễ hơn 50%; và đó cũng là lý do các sinh viên nhớ từ “PIZZA”(Có, chúng tôi có thích “PIZZA!”) dễ hơn đến 50% so với từ “TOOL”(Có, chúng đồng nghĩa với “instrument”). Nhưng không phải ghi nhớ ở cấp độ khái niệm là không hiệu quả. Nếu kết nối từ “cat” với bức tranh chú mèo dễ thương, bạn sẽ có thể nhớ từ đó dễ hơn nhiều. Nhưng nếu kết nối thêm cat với ký ức về con mèo hồi nhỏ của mình, thì bạn gần như không thể quên nổi cái từ kia.

Làm thế nào áp dụng được điều này trong thực tế? Một từ ngữ xa lạ cũng giống như tên của một người bạn mới, một chú mèo mới gặp, hay một món đồ uống mới. Hãy tìm cách ghi nhớ tên người bạn mới bằng cách sử dụng bốn cấp độ xử lý.

Giả sử tên cậu ta là Edward. Chỉ cần nghĩ đến “Edward” thôi, chúng ta đã chạm đến cấp độ xử lý thứ hai – âm thanh. Nếu muốn đi sâu hơn, tới lãnh địa của khái niệm, chúng ta sẽ phải tìm kiếm một hình ảnh cụ thể cho cái tên Edward, ví dụ như tên nhân vật chính trong bộ phim Edward Scissorhands (Người tay kéo). Nếu dành một giây để tưởng tượng người bạn mới có đôi tay kéo, chúng ta sẽ nhớ tên anh ta rất dễ dàng hơn. Đây chính là bí kíp của những người tranh giải ghi nhớ chuyên nghiệp và chúng ta sẽ bàn kỹ hơn trong Chương 4 và 5.

Hiệu quả ghi nhớ còn tốt hơn nếu chúng ta tìm thấy một kết nối cá nhân với cái tên đó. Có thể bạn đã từng xem phim Edward Scissorhands ở rạp, có thể anh trai bạn tên là Edward. Khi liên tưởng người bạn mới của mình với những hình ảnh-Edward và ký ức cá nhân- Edward, bạn đang kích hoạt mạng lưới rộng lớn hơn trong não mình. Lần tiếp theo khi gặp Edward, tất cả những hình ảnh và ký ức này sẽ ùa về, và bạn sẽ khó lòng quên được tên anh ta.

Quá trình suy nghĩ này cần đôi chút sáng tạo, nhưng bạn có thể học nhanh chóng và dễ dàng. Với một từ ngữ cụ thể như cat, bạn có thể tìm một hình ảnh phù hợp trên Google Hình ảnh (images.google.com) chỉ trong vài giây. Nếu tự hỏi mình “Lần cuối mình thấy một con cat là bao giờ nhỉ?” bạn sẽ gắn thêm vào ký ức này một kết nối cá nhân, và ghim sâu từ này vào trí nhớ. Dễ ợt!

Với một từ trừu tượng như economía (tiếng Pháp: nền kinh tế) cũng chẳng khó khăn gì. Khi tìm kiếm trên Google Hình ảnh, chúng ta sẽ thấy hàng nghìn tranh ảnh về tiền bạc, những con lợn tiết kiệm, các biểu đồ chứng khoán và các chính trị gia. Bằng việc chọn lựa bất cứ hình ảnh nào trong số đó, bạn sẽ buộc bản thân phải suy nghĩ một cách cụ thể ở cấp độ khái niệm. Kết quả là từ đó sẽ dễ nhớ hơn rất nhiều. Nếu bạn tự hỏi bản thân rằng liệu economía có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta hay không, bạn sẽ có thêm kết nối cá nhân cần thiết để ghi nhớ từ đó mãi mãi.

Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ học từ vựng theo hai giai đoạn: Xây dựng nền tảng, bằng các từ cụ thể, dễ học; rồi sử dụng nền tảng đó để học các từ trừu tượng. Trong suốt quá trình đó, chúng ta sẽ sử dụng các cấp độ xử lý để gần gũi hóa các từ xa lạ.

NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ

• Não bạn có một bộ lọc tinh vi, khiến những thông tin hời hợt trở nên dễ quên và những thông tin có ý nghĩa trở nên đáng nhớ. Các từ ngữ xa lạ thường rơi vào nhóm “dễ quên”, bởi chúng dường như vô nghĩa và không liên quan gì tới chúng ta.

• Bạn có thể lách qua bộ lọc này bằng ba cách sau:

+ Học hệ thống phát âm của ngoại ngữ.

+ Kết nối các âm đó với hình ảnh.

+ Kết nối các hình ảnh đó với ký ức cá nhân.

NGUYÊN TẮC 2: TỐI ĐA HÓA SỰ LƯỜI BIẾNG

Tôi từng nghe, chưa ai chết vì làm việc chăm chỉ, nhưng tại sao phải mạo hiểm thử làm gì?

— Ronald Reagan

Cơ chế lãng quên của não bộ là một đối thủ đáng gờm. Ngày nay, chúng ta có được những hiểu biết về cơ chế lãng quên phần lớn nhờ vào Hermann Ebbinghaus, một nhà tâm lý học người Đức. Ông đã dành nhiều năm trời ghi nhớ những âm tiết vô nghĩa (Guf Ril Zhik Nish Mip Poff ), sau đó ghi lại tốc độ quên của mình bằng cách so sánh lượng thời gian cần để học chúng lần đầu và học các lần sau. “Đường cong lãng quên” là một kỳ tích của ngành tâm lý học thí nghiệm, của lòng quyết tâm, và cả sự “đam mê” khắc khổ của người thực hiện.

Đường cong trên cho thấy chúng ta quên nhanh đến đâu, và phần còn lại sau khi quên. Phần bên phải của đường cong cho ta chút khích lệ: Sau nhiều năm, Ebbinghaus vẫn có thể học lại những từ ngữ ngớ ngẩn cũ nhanh hơn những từ ngớ ngẩn hoàn toàn mới. Dấu vết của những điều đã học, dẫu ít ỏi nhưng sẽ ở lại với ông mãi mãi. Không may, phần bên trái của đường cong lại là một thảm họa: Các ký ức chảy ào ạt ra khỏi đầu chúng ta như nước tràn qua mắt lưới. Lưới vẫn ướt, nhưng nếu cố giữ lại một thứ quan trọng – như số điện thoại, tên người vừa gặp, hay từ mới – chắc chắn chúng ta chỉ nhớ được khoảng 30% vào ngày hôm sau.

Chúng ta có thể làm tốt hơn bằng cách nào? Bản năng mách bảo chúng ta làm việc chăm chỉ hơn, để vượt qua những bài kiểm tra và sự vụ ngoài đời. Khi gặp người bạn mới có tên Edward, chúng ta thường ghi nhớ bằng cách nhắc đi nhắc lại tên anh ấy. Nếu nhất thiết phải nhớ bằng được – Edward là sếp mới của bạn chẳng hạn – bằng cách nhắc đi nhắc lại, chúng ta sẽ phát bệnh mất. Nếu chăm chỉ hơn, chúng ta sẽ khá nhớ tên anh ấy… trong khoảng vài tuần.

MỘT MÁY ĐÁNH NHỊP, BỐN NĂM, SÁU TRIỆU LẦN LẶP LẠI

Nghiên cứu năm 1885 của Hermann Ebbinghaus được coi là “cuộc điều tra xuất sắc nhất trong lịch sử tâm lý học thí nghiệm”. Ông đã ngồi một mình trong phòng với chiếc máy đếm nhịp tích, tích, lặp đi lặp lại hơn sáu triệu lần danh sách dài những âm tiết vô nghĩa, tự khiến bản thân “kiệt sức, đau đầu và đủ các triệu chứng khác” để đo tốc độ ghi nhớ và tốc độ quên thực sự. Đó là nghiên cứu với dữ liệu thực đầu tiên về bộ não con người, và hẳn nhờ nó mà ông trở nên vô cùng nổi tiếng.

Học theo kiểu “tụng niệm” như thế không giúp cải thiện trí nhớ dài hạn một chút nào. Liệu bạn còn nhớ số kiến thức đã cố công nhồi nhét vào đầu để làm bài kiểm tra hôm trước? Liệu bạn còn nhớ điều gì về buổi kiểm tra đó? Nếu thực sự muốn học ngoại ngữ, chúng ta sẽ muốn nhớ nó hàng tháng, hàng năm, thậm chí hàng chục năm. Nếu không thể chăm chỉ hơn, chúng ta vươn tới mục tiêu này bằng cách làm càng ít càng tốt.

NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ

• Học bằng cách “nhai đi nhai lại” rất nhàm chán, và nó không có tác dụng với trí nhớ dài hạn.

• Thay vào đó, hãy chọn con đường lười biếng: Học một khái niệm cho tới khi bạn có thể thốt nhiên bật ra nó. Xét cho cùng, “lười biếng” chỉ là một cách nói khác của “hiệu quả”.

NGUYÊN TẮC 3: ĐỪNG XEM LẠI! HÃY TẬP NHỚ LẠI!

Ở trường, chúng ta được học về mọi thứ, sau đó làm bài kiểm tra. Trong cuộc sống, chúng ta làm bài kiểm tra trước rồi mới học về mọi thứ.

— Admon Israel

Giả sử, tôi hứa cho bạn 20 đô-la với mỗi từ bạn nhớ được trong danh sách từ mới tiếng Tây Ban Nha. Bài kiểm tra sẽ tới trong một tuần, và bạn có hai lựa chọn: (1) Cầm danh sách từ trong tay và cố học thuộc trong 10 phút, hoặc (2) Học từ trong 5 phút rồi lấy một tờ giấy trắng và cây bút chì. Nếu chọn phương án thứ hai, bạn sẽ phải viết ra bất cứ từ nào nhớ được, rồi đưa lại tờ giấy đó cho tôi.

Đây là kết quả ở một thí nghiệm tương tự. Trong đó, các sinh viên tham gia hoặc là đọc một đoạn văn hai lần, hoặc là đọc nó một lần rồi viết xuống những gì họ còn nhớ. Sau đó, họ tham gia làm một bài kiểm tra sau 5 phút, hai ngày, hoặc một tuần sau đó. Hãy để ý, cách học hai (hay nhiều) lần có thể giúp ghi nhớ tốt trong một vài phút, nhưng lại phản tác dụng trong thời gian dài. Kỳ lạ là cách học với một tờ giấy trắng sẽ giúp bạn nhớ được rất nhiều so với việc có thêm thời gian học. Bạn sẽ nhớ nhiều hơn đến 35% sau một tuần.[1]

[1]. Các nghiên cứu bổ sung cho thấy: tỷ lệ lợi ích giữa tự kiểm tra lại với tự đọc lại lên đến 5:1, tức là 5 phút tự kiểm tra lại giúp ghi nhớ tốt tương đương 25 phút đọc đi đọc lại một thứ gì đó.

Hãy thử điều này: Sau khi đọc qua danh sách từ mới tiếng Tây Ban Nha một lần, bạn có thể:

A. Thêm 5 phút để đọc đi đọc lại danh sách từ.

B. Lấy một tờ giấy trắng và tự kiểm tra bằng cách ghi ra xem mình nhớ được bao nhiêu.

C. Lấy ba tờ giấy trắng và tự kiểm tra ba lần liên tiếp. Đây là kết quả ghi nhớ cuối cùng sau đó một tuần:

Thật điên rồ! Vì sao việc làm một bài kiểm tra y hệt nhau ba lần liền lại có tác dụng tích cực tới vậy? Thực ra điều này vẫn tuân theo các quy tắc của hiểu biết thông thường. Khi học bằng cách xem đi xem lại nhiều lần, bạn đang tập đọc, không phải tập nhớ. Nếu muốn có ghi nhớ tốt hơn, bạn nên tập nhớ lại. Tờ giấy trắng của chúng ta cũng có thể được thay thế bằng một tập thẻ học, một bài kiểm tra trắc nghiệm nhiều đáp án, hoặc chỉ đơn giản là việc cố nhớ lại. Đây chính là dạng luyện tập hiệu quả. Nó cải thiện khả năng nhớ lại bằng cách tận dụng khả năng tuyệt vời nhất của bộ não – sự đan cài giữa ký ức và cảm xúc.

Sâu bên trong não bộ có một “con hải mã” và một “quả hạnh nhân” cùng sánh đôi trong một điệu nhảy hóa học, giúp chúng ta quyết định thứ gì quan trọng và thứ gì đáng để quên. Bộ phận có hình giống con hải mã được gọi là hồi hải mã, đóng vai trò như một bảng phân phối tín hiệu điện trong não bộ, kết nối các vùng cách xa nhau trong bộ não và tạo nên một tấm bản đồ liên kết giữa các vùng. Bạn sẽ truy cập vào tấm bản đồ này mỗi khi cần nhớ lại một ký ức nào đó gần đây.1 Các nơ-ron được liên kết để tạo nên ký ức đó sẽ cùng được kích hoạt trở lại, và bạn sẽ sống lại trải nghiệm quá khứ của mình. Qua nhiều năm nhiều tháng, những nơ-ron được liên kết này sẽ bớt phụ thuộc dần vào tấm bản đồ của hồi hải mã, và sống tự do kiểu Bohemian ở những ngoại biên xa xôi của não bộ.

1. Lưu ý là tôi chỉ đang nói đến ký ức về thông tin và sự kiện. Các loại ký ức khác – về thói quen, kỹ năng, v.v.. – có vẻ nằm ở đâu đó. Người bị tổn thương hồi hải mã sẽ mất khả năng hình thành ký ức mới về thông tin và sự kiện, nhưng vẫn có thể học hoặc phát triển các kỹ năng (như vẽ tranh), ngay cả khi không nhớ là đã từng học nó.

TRƯỜNG HỢP KỲ LẠ CỦA H.M.

Vai trò của hồi hải mã trong việc ghi nhớ thông tin chỉ mới được phát hiện gần đây, trong một ca bệnh nổi tiếng bậc nhất của ngành tâm lý học thần kinh — trường hợp của Henry Molaison. Năm 1953, các bác sĩ đã cắt hồi hải mã của ông để chữa trị bệnh động kinh. Molaison khỏi bệnh nhưng phải chịu di chứng mất trí nhớ nặng nề. Ông có thể nhớ những ký ức cũ bởi bản đồ của chúng đã được trải đều khắp bộ não. Nhưng vì mất hồi hải mã, ông đồng thời mất đi khả năng hình thành ký ức mới. Câu chuyện của ông trở thành nguồn cảm hứng cho đạo diễn Christopher Nolan dựng Memento, bộ phim về một người đàn ông mất trí nhớ đi tìm kẻ sát hại vợ mình.

Người bạn nhảy của hồi hải mã, hạch hạnh nhân, chỉ cho hồi hải mã biết nên giữ hoặc bỏ đi thứ gì. Nó làm điều này bằng cách phiên dịch cảm xúc thành các tín hiệu hóa học, khiến tuyến thượng thận gửi đi những dòng hoóc-môn tăng cường trí nhớ với cường độ khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu bị kích thích cảm xúc mạnh – “Nhìn kìa, một con hổ! Á, tay tôi!” – thì hạch hạnh nhân sẽ khuếch đại ký ức đó. Nếu không – “Nhìn cái bút chì kìa. Ôi, tôi đói!” – thì nó sẽ không làm gì cả. Điều này cho chúng ta nỗi sợ hiển nhiên với loài hổ, và sự thờ ơ hiển nhiên với việc coi bút chì là đồ ăn.

Đồng hành với trung khu tưởng thưởng nằm cạnh đó, hạch hạnh nhân tạo nên cơ chế kỳ diệu đằng sau phép màu với tờ giấy trắng. Cảm xúc của chúng ta hành động theo phản xạ. Chúng phản ứng vô thức với môi trường xung quanh. Dù vận đủ mưu lừa não phấn khích học danh sách từ mới tiếng Tây Ban Nha, não cũng không bao giờ dính bẫy. Trừ khi bạn nổi da gà khi nhớ el dentista nghĩa là “nha sĩ”, nếu không, hạch hạnh nhân sẽ từ chối kiến tạo ký ức mới. El dentista chỉ đơn giản là không đáng sợ bằng el tigre (con hổ). Bạn có thể thử tiêm trực tiếp amphetamine1 vào hạch hạnh nhân, sẽ có tác dụng đấy nhưng lợi bất cập hại.

1. Một loại chất kích thích làm tăng sự tỉnh táo và tập trung, đồng thời làm giảm mệt mỏi và thèm ăn. (BTV)

Nhưng tờ giấy trắng của chúng ta lại thay đổi mọi thứ. Vào thời điểm bắt đầu chấm điểm “màn trình diễn”, não bộ sẽ nhận ra rằng nó nên làm việc tử tế hơn. Kết quả là, khi nhớ ra bất cứ ký ức nào, bạn sẽ được thưởng một liều chất hóa học giúp tăng cường trí nhớ. Khi những ký ức này được kích hoạt trở lại, hạch hạnh nhân gọi ra các hoóc-môn, hồi hải mã vạch ra bản đồ mạng lưới thần kinh tham gia vào ký ức này, và các nơ-ron bắt đầu kết nối chặt chẽ lại với nhau theo đúng bản đồ. Phần thưởng mà trung khu tưởng thưởng tiết vào hồi hải mã là chất dopamine2, nó kích thích các ký ức đó phát triển thành ký ức dài hạn. Tờ giấy trắng đã tạo nên một bữa tiệc đầy “chất kích thích” trong não bộ. Kiểu học tụng niệm buồn chán sao cạnh tranh nổi với cách học này!

2. Hoóc-môn tạo cảm giác dễ chịu và niềm vui, đồng thời giúp nâng cao tinh thần và sự tập trung. (BTV)

NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ

• Cố gắng nhớ lại điều gì đó để khởi động điệu nhảy hóa học phức tạp trong não sẽ kích thích việc lưu giữ ký ức dài hạn.

• Để tối đa hóa hiệu quả ôn tập, hãy dành nhiều thời gian để tập nhớ lại, chứ không phải tập đọc lại.

• Bạn có thể đạt được mục tiêu này bằng cách làm thẻ học kiểm tra khả năng ghi nhớ từ vựng, quy tắc phát âm, hay cấu trúc ngữ pháp. Khi kết hợp với hình ảnh minh họa và kết nối cá nhân, những tấm thẻ này sẽ hình thành nền tảng cho một hệ thống ghi nhớ mạnh mẽ.

NGUYÊN TẮC 4: KHOAN ĐÃ! KHOAN ĐÃ! ĐỪNG NÓI CHO TÔI BIẾT VỘI!

Những gì khó nhớ, cũng sẽ khó quên.

— Arnold Schwarzenegger

Ở trường học hay công sở, chúng ta đôi khi bị buộc phải ghi nhớ thật chính xác điều gì đó, nhưng chẳng mấy khi được chỉ dẫn rõ ràng. Thực ra, không có thứ gì gọi là “ghi nhớ chính xác tuyệt đối” cả. Chúng ta có thể suy nghĩ, nhắc lại, nhớ lại và tưởng tượng, nhưng không được sinh ra để ghi nhớ chính xác. Não bộ của chúng ta được thiết kế với cơ chế tự động nhận diện và lưu giữ những gì quan trọng. Khi bị con hổ từng yêu quý trong vườn bách thú rượt đuổi, bạn sẽ không nghĩ miên man: “Mình phải nhớ đến già: hổ rất xấu! Đừng có quên! Chúng rất xấu!” Bạn đơn giản chỉ vắt chân lên mà chạy, việc ghi nhớ cứ để não lo. Thứ gần nhất với “ghi nhớ chính xác” là luyện tập nhớ lại (ví dụ: “Gã đó tên là gì nhỉ?”). Nó sẽ trông ra sao?

Hãy thử cố nhớ lại những từ ngoại ngữ xuất hiện trong cuốn sách này từ đầu đến giờ. Bạn chắc sẽ lập tức nhớ ra một số từ – có thể ở ngay vài trang trước: el tigre, el dentista. Nếu cố gắng hơn nữa, bạn sẽ dễ dàng nhớ thêm một vài từ – có thể là từ cat ở đâu đó rất gần. Cuối cùng, lẩn sâu trong một ngõ ngách hết sức mờ mịt của não bộ, một vài từ sẽ chần chừ mãi mới xuất hiện.1 Nếu theo dõi khả năng ghi nhớ những từ này, bạn sẽ thấy bất ngờ. Bằng giờ này tuần sau, rất có thể bạn đã quên sạch những từ mà hiện tại bạn nhớ nhất – từ bạn nhớ ra ngay lập tức. 20% khả năng, bạn sẽ nhớ được những từ cần một lúc để xuất hiện.

1. Tôi đã dùng urtebetetze (sinh nhật), tankdeckel (nắp bình xăng), Das ist mir völlig Wurst (Tôi cóc cần quan tâm!), economía (kinh tế), bonjour (xin chào/chúc một ngày tốt lành), tschüss (tạm biệt!), và hallo (xin chào). Mjöður là một từ trong tiếng Iceland, có nghĩa là “rượu mật ong”. Nó không phải là thứ đồ uống bốc cháy rừng rực, nhưng bạn vẫn có thể cho xác một con rắn vào, nếu muốn.

Nhưng những từ bạn phải khó khăn lắm mới nhớ ra sẽ khắc sâu trong ý thức của bạn. 75% khả năng bạn sẽ nhớ ra chúng trong tương lai. Và với những từ bạn phải chật vật hồi lâu với cảm giác như chúng ở ngay đầu lưỡi mà không bật thành lời được, thì khả năng ghi nhớ còn tăng gấp đôi.

Có chuyện gì đang xảy ra vậy? Hãy thử nhìn vào ví dụ mạnh nhất, vào cái từ cứ nằm ở đầu lưỡi bạn mãi mà bạn mới bật ra được. Nó chính là một ký ức chưa hoàn chỉnh. Bạn có quyền truy cập vào một phần ký ức đó, nhưng chưa thể thấy toàn bộ bức tranh. Bạn nhớ mang máng nó bắt đầu bằng chữ s, có nghĩa là một bài thơ hay bài độc thoại gì đó, đọc na ná từ solipsist hoặc solitaire, nhưng phải một lúc sau mới nhớ ra từ đó là soliloquy (đoạn độc thoại).

Thông thường, chúng ta sẽ nhớ ra thông tin chính xác. Từ của chúng ta chính xác bắt đầu bằng chữ cái s. Não bộ lao vào tìm kiếm điên cuồng, thậm chí có chút tuyệt vọng, để tìm ra mảnh ký ức còn thiếu, liên tục đưa ra các từ có chữ s và bỏ qua khi chúng không khớp với thứ đang tìm. Hạch hạnh nhân coi những cuộc tìm kiếm này là chuyện sống còn, bạn tưởng như nếu không nhớ ra diễn viên đóng vai nhà trị liệu tâm lý cho Matt Damon trong phim Good Will Hunting thì mình sẽ nhảy ra ngoài cửa sổ tức thì.1 Bạn thở phào nhẹ nhõm sau khi tìm được từ của mình. Và từ đó sẽ hằn sâu mãi mãi trong trí nhớ.

1. Đó là Robin Williams.

Làm thế nào lợi dụng được cơ chế này? Mà thực ra là chúng ta có muốn làm thế không? Lừa cho não bộ lao vào một cuộc tìm kiếm điên cuồng nghe có vẻ mệt mỏi. Bạn sẽ kiệt quệ nếu một làm việc này liên tục 100 lần. May mắn là chúng ta không cần phải đánh đổi sự mệt mỏi mới để ghi nhớ mà chỉ cần tạo hứng thú thôi. Chúng ta sẽ ngán đến tận cổ nếu chỉ liên tục tự vấn bản thân có còn nhớ tên người bạn Edward không. Nó quá dễ, quá nhàm chán, và ít hiệu quả. Nếu đợi lâu hơn – cho đến lúc gần như sắp quên – thì việc nhớ tên người bạn Edward sẽ trở thành một thử thách hấp dẫn. Chúng ta đang muốn nhắm tới thời điểm khi mà một chút khó khăn trở thành lượng gia vị vừa đủ khiến cuộc chơi hấp dẫn. Nếu có thể nhớ ra nó, chúng ta đã thu được gấp đôi lợi ích từ khoảng thời gian bỏ ra và trải nghiệm thêm hàng hàng cảm giác thú vị.

NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ

• Bài kiểm tra trí nhớ đạt hiệu quả cao nhất khi có tính thử thách. Bạn càng gần với việc quên hẳn một từ, nó sẽ càng khắc sâu hơn vào trong tâm trí cho đến khi bạn nhớ ra.

• Nếu có thể liên tục kiểm tra trí nhớ của mình trước khi kịp quên, bạn sẽ tăng được gấp đôi hiệu quả của mỗi bài kiểm tra.

NGUYÊN TẮC 5: TÁI TẠO KÝ ỨC

Sự khác biệt giữa ký ức giả và ký ức thật cũng giống như ở đá quý: Đồ giả thường trông thật nhất, lóng lánh nhất.

— Salvador Dalí

Có lần tôi thức giấc với một bản nhạc ngân vang trong đầu. Tôi mơ mình đang ngồi soạn nhạc, và lúc tỉnh dậy, giai điệu của nó hãy còn văng vẳng. Tôi tự hào chạy tới chỗ anh trai. “Nghe này!” Tôi ngâm nga vài giai điệu đầu. “Tuyệt không? Em sáng tác trong khi ngủ đấy!” “Nhầm rồi nhóc!” Anh trai tôi trả lời. “Đó là nhạc nền bộ phim Superman, anh em mình vừa mới xem tuần trước.”

Như đã nói ở trên, ký ức chính là một mạng lưới các kết nối: Các nơ-ron riêng biệt được kích hoạt cùng với nhau, kết nối lại với nhau, và sẽ có xu hướng cùng được kích hoạt trở lại trong tương lai. Tôi nhớ ra nhạc nền phim Superman cùng lúc khi mơ mình ngồi sáng tác nhạc. Não tôi, theo phản xạ, kết nối hai thứ này lại với nhau thành một ký ức mới rất có sức thuyết phục – một ký ức giả – khiến tôi tự làm bẽ mặt mình trước anh trai. Chuyện này xảy đến với tất cả chúng ta, và nó là kết quả của cách chúng ta lưu giữ ký ức.

Trong một nghiên cứu về ký ức tiến hành năm 2011, các nhà nghiên cứu đã cho hai nhóm sinh viên xem một đoạn quảng cáo rất sống động về một nhãn hàng bắp rang bơ giả có tên Orville Redenbacher’s Gourmet Fresh. Sau đó, họ cảm ơn nhóm thứ nhất và tiễn họ ra về. Đối với nhóm thứ hai, họ cho nếm thử một mẫu bắp rang bơ mới ra lò. Một tuần sau, họ hỏi ấn tượng của hai nhóm đó. Đây chính là lúc mọi thứ trở nên kỳ quặc: cả hai nhóm cùng nhớ rất rõ đã được ăn thử bắp rang bơ vào ngày hôm đó, cho dù có một nhóm chưa hề làm thế. Họ đều nghĩ món bắp rang bơ này ngon tuyệt hảo.

Khi nhớ lại, chúng ta không chỉ truy cập lại vào các ký ức mà còn tái tạo chúng. Khi xem quảng cáo bắp rang bơ, những sinh viên này nhớ đến những buổi xem phim với mùi hương của bắp và bơ mới ra lò, vị giòn tan trong miệng, vị mằn mặn của muối bám trên môi. Giữa lúc đang sống lại những trải nghiệm đó, họ trông thấy hình ảnh những người khác đang ăn bắp rang bơ thương hiệu Orville Redenbacher’s Gourmet Fresh, và ký ức của họ thay đổi. Mạng lưới nơ-ron từ những buổi xem phim và ăn bắp rang bơ trong quá khứ được kích hoạt khi họ nhìn thấy logo của hãng bắp rang bơ kia. Bởi vì các nơ-ron nào được kích hoạt cùng với nhau sẽ kết nối lại với nhau, não của họ ghi lại những kết nối này như thể chúng đã luôn ở đó, là một phần của ký ức ngay từ đầu.

Các ký ức riêng lẻ thật ra là “hợp thể” của tất cả trải nghiệm mỗi khi nhớ lại. Khi tôi nhắc bạn nhớ lại từ cat, bạn có lẽ sẽ nhớ đến hình ảnh con mèo bé xíu ở đầu chương. Nhưng khi hình ảnh đó chạy loanh quanh trong đầu, bạn sẽ không thể lưu nó trở lại hệt như cũ. Lúc này, bạn đã là một người khác, với những thông tin khác ở trong não bộ và một phần khác của cuốn sách này ở trước mặt bạn. Có lẽ bạn đã thay đổi căn phòng, trạng thái cảm xúc, hoặc giờ bạn đang có một con mèo thật trong lòng. Lần này, bạn đã có một bộ nơ-ron hoàn toàn mới liên quan đến trải nghiệm với từ cat. Kết quả là ký ức mới về từ cat sẽ gắn các kết nối nơ-ron bạn có ở hiện tại với các kết nối quá khứ vừa được kích hoạt lại. Chỉ trong hành động cố nhớ lại đó, ký ức về từ cat đã tăng gấp đôi về dung lượng.

Quá trình tái tạo ký ức này chính là động cơ đằng sau của việc hình thành ký ức dài hạn. Mỗi hành động nhớ lại của bạn đã gắn thêm vào ký ức cũ một phần hiện tại. Phần gắn thêm này mang lại cho ký ức những kết nối mới: hình ảnh mới, cảm xúc mới, âm thanh mới, và từ liên quan đến nó, khiến ký ức này càng thêm dễ nhớ. Một khi tái tạo những ký ức này nhiều lần, chúng sẽ vĩnh viễn không bị lãng quên.

Sự trợ giúp của phản hồi Tất nhiên, bạn cần phải nhớ một ký ức nào đó trước khi bạn tái tạo nó. Bạn sẽ nhớ nằm lòng câu slogan “American Express: Don’t leave home without it” (American Express: Đừng rời nó khi rời nhà) bởi American Express đã chi hàng triệu đô-la cho câu quảng cáo khiến bạn khắc cốt ghi tâm. Mỗi lần xem một quảng cáo mới của American Express, các hình ảnh và âm thanh mới lại được viết thêm ký ức về câu slogan kia. Bạn sẽ nhanh chóng quên đi câu slogan giữa mỗi đợt quảng cáo nếu họ bỏ đi những diễn viên nổi tiếng và những video ấn tượng. Nếu vậy, quá trình tái tạo quan trọng sẽ không diễn ra. “Don’t leave home without it” cũng sẽ trở thành một mẩu quảng cáo hạng ba, thay vì một trong những chiến dịch quảng cáo thành công nhất trong lịch sử. Bằng việc tập luyện nhớ lại, chúng ta đang nhắm tới việc liên tục tái tạo các ký ức. Chúng ta tạo ra một ký ức cho từ cat, và bổ sung thêm ký ức đó qua mỗi lần luyện nhớ lại, cho đến khi nó không thể quên nổi như câu slogan kia.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta không thể nhớ nổi? Chắc chắn chúng ta sẽ không thể nhớ nổi tất cả những gì đã học, đặc biệt là khi chúng ta cố chờ đợi càng lâu càng tốt giữa hai lần luyện tập nhớ lại. Rất có thể tới một ngày, khi chúng ta cố nhớ từ cat và không nghĩ ra được gì hết. Chúng ta đã quên nó, và trong tình huống này, nó sẽ tiếp tục bị lãng quên. Cũng giống như với những từ vô nghĩa của Ebbinghaus, chúng ta sẽ tốn ít thời gian hơn để học lại chúng, nhưng chẳng thu được lợi ích gì từ việc luyện tập nhớ lại. Chúng ta cần tìm cách khôi phục lại các ký ức đã quên, và sẽ tìm thấy nó ở phản hồi tức khắc.

“Phản hồi” là một khái niệm đơn giản nhưng hiệu quả đáng kinh ngạc. Nếu gặp phải thẻ học có từ cat và không nhớ nổi nó là gì, chúng ta chỉ cần lật mặt sau tấm thẻ và thấy hình ảnh một con mèo. Chúng ta vừa cho bản thân một phản hồi tức khắc, và sẽ xảy ra hai trường hợp. Nếu ký ức về từ cat đã biến mất hoàn toàn, chúng ta phải quay lại từ đầu. Chúng ta sẽ tạo nên một trải nghiệm mới vào đúng thời điểm bế tắc và phải nhìn vào câu trả lời. Tuy không tốt bằng việc nhớ ra trải nghiệm ban đầu, nhưng điều này cũng rất hiệu quả. Não của chúng ta đã được chuẩn bị và sẵn sàng tạo ký ức mới. Khi tìm kiếm hình ảnh và kết nối có liên quan đến cat, chúng ta tạo nên một mạng lưới liên kết nơ-ron rộng lớn. Chúng ta có thể nhớ ra cat là một loài động vật, nhưng không thể nhớ chính xác là loài nào. Nếu gặp hình ảnh con mèo khi các liên kết này đang kích hoạt, mạng lưới đã hoàn chỉnh của chúng ta sẽ tự động bừng lên, trung khu tưởng thưởng trong não bộ được kích hoạt, đồng thời chúng ta sẽ có một ký ức mới, sâu sắc và đáng nhớ để tiếp tục bổ sung vào.

Một khả năng khác là chúng ta vẫn còn có thể thâm nhập vào ký ức cũ về cat. Ký ức này sẽ bừng tỉnh − “Tuyệt vời!” − ngay tại thời điểm chúng ta nhìn thấy hình ảnh con mèo. Ký ức cũ sống dậy, kết nối với trải nghiệm mới, và được tái tạo lại. Chỉ nhờ hành động đơn giản là phản hồi tức khắc, chúng ta đã có lại khả năng tái tạo ký ức. Phản hồi cho phép chúng ta hồi sinh những ký ức bị lãng quên, và tối đa hóa hiệu quả của mỗi lần tập luyện ghi nhớ.

NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ

• Mỗi lần bạn nhớ thành công, bạn sống lại và tái tạo được trải nghiệm trong quá khứ, bổ sung vào ký ức cũ những mảnh nhỏ hiện tại, tạo thành một ký ức mới với nhiều liên kết hơn.

• Bạn sẽ tận dụng tối ưu thời gian lúc tập nhớ lại nếu có trải nghiệm ban đầu sâu sắc. Bạn có thể làm được điều này bằng cách kết nối âm thanh, hình ảnh và kết nối cá nhân vào mỗi từ mình học.

• Khi đã thực sự lãng quên, hãy sử dụng phản hồi tức khắc để kéo lại ký ức.

QUAN TRỌNG NHẤT LÀ XÁC ĐỊNH ĐÚNG THỜI ĐIỂM: DẤU CHẤM HẾT CHO SỰ LÃNG QUÊN

Hãy quan sát kỹ từng giây, bởi xác định đúng thời điểm luôn là yếu tố tiên quyết.

— Hesiod

Làm thế nào để kết hợp năm nguyên tắc này lại với nhau? Chúng ta muốn ký ức ban đầu càng sâu sắc và càng tác động đến nhiều giác quan càng tốt; (1: Khiến các ký ức sâu sắc hơn). Chúng ta muốn học càng ít càng tốt; (2: Tối đa hóa sự lười biếng), và luyện tập nhớ lại càng nhiều càng tốt; (3: Đừng xem lại. Hãy tập nhớ lại). Chúng ta muốn những lần luyện tập nhớ lại có tính thách thức, nhưng cũng không quá khó; (4: Khoan đã! Khoan đã! Đừng nói cho tôi biết vội!). Cuối cùng, khi luyện tập, chúng ta muốn gần như quên hết các trải nghiệm ban đầu. Khi thực sự lỡ quên toàn bộ, chúng ta sẽ muốn có phản hồi tức khắc, để đưa chúng ta trở lại đúng tiến độ; (5: Tái tạo ký ức).

Nếu có thể dự đoán chính xác thời gian ghi nhớ mỗi thứ, chúng ta sẽ có thể tạo phép màu với tâm trí. Khi đó, chúng ta sẽ có thể cài báo động mỗi khi bỏ quên chìa khóa xe trên bàn, và cuộc sống sẽ là một thế giới tuyệt diệu không có sự quên lãng. Không may là các ký ức của chúng ta quá ư lộn xộn. Chúng tạo ra các kết nối không thể đoán định với mọi thứ chúng ta trải nghiệm hoặc nghĩ đến. Chúng làm rơi rụng những mảnh quá khứ và tự gắn thêm những mảnh hiện tại. Bất kể sự đề cập nào đến cái xe, chìa khóa, hoặc thậm chí chỉ là một từ vần với “chìa khóa” cũng có thể củng cố hoặc làm thui chột các ký ức có liên quan đến chiếc chìa khóa của chúng ta. Tôi không thể đếm xuể những lần ghi nhớ được một từ gì đó, chỉ để có một từ mới, nghe có vẻ giông giống từ cũ xuất hiện vào vài tháng sau và phá tan tất cả. Chúng ta không thể dự đoán chính xác khi nào sẽ quên một ký ức cụ thể, đơn lẻ.

Tuy nhiên, chúng ta có thể dự đoán “hạn sử dụng” của một nhóm ký ức. Hãy cho một nhóm sinh viên học những thông tin vặt vãnh nhưng ít phổ biến, kiểu “Ai là người đã sáng tạo ra môn đánh golf trên tuyết?”[1] Sau đó, để họ tập luyện nhớ lại một lần, và kiểm tra lại sau sáu tháng. Tùy thuộc vào thời điểm của lần luyện tập nhớ lại, bạn sẽ có các kết quả khác nhau:

[1]. Đó là Rudyard Kipling, người đã không thể chờ nổi đến mùa xuân để được chơi lại môn thể thao yêu thích. Trong khi viết cuốn sách The Jungle Book (Câu chuyện rừng xanh) ở vùng nông thôn Vermont, ông đã sơn đỏ các quả bóng golf, xếp những chiếc lon thiếc trên nền tuyết, và chơi say sưa.

Với các sinh viên đang cố nhớ một thứ gì đó trong sáu tháng, việc luyện tập nhớ lại ngay sau khi học xong (thứ đem lại kết quả ghi nhớ là 27%) là không tệ chút nào. Nhưng khi khoảng cách tăng thành 28 ngày – 4 tuần – số điểm của các sinh viên tăng gấp đôi. Quy luật này xảy ra ở rất nhiều nghiên cứu, mặc dù khoảng cách lý tưởng nhất giữa học và ôn tập phụ thuộc vào ngày làm bài kiểm tra. Có một sự cân bằng phức tạp giữa lợi thế của việc gần như quên và bất lợi của việc thực sự lãng quên, và nó chia đường cong lãng quên thành hai nửa:1

1. Con số kỳ diệu ở đây là khoảng thời gian bằng 10-20% từ lúc học đến lúc làm bài kiểm tra. Tức là, nếu sau một năm mới có bài kiểm tra, thì lý tưởng nhất là ôn tập 56 ngày một lần. Cứ như thể bộ não của chúng ta biết rằng thứ gì gặp một lần một tuần sẽ trở nên quan trọng trong 5-10 tuần tới, nhưng thứ gì gặp một năm một lần sẽ trở nên quan trọng trong 5-10 năm tới.

Chỉ một lần luyện tập nhớ lại duy nhất đó đã làm thay đổi tương quan giữa gần như quên hết và ghi nhớ tương đối nhiều. Đây là câu hỏi cuối cùng: Nếu ôn luyện ngay sau khi học là tốt thì đợi thêm một thời gian còn tốt hơn, nếu ôn luyện một lần là tốt thì nhiều lần còn tốt hơn nữa, vậy sẽ ra sao nếu đợi thêm một thời gian rồi mới ôn luyện đều đặn nhiều lần?

Chúng ta đã tìm ra dấu chấm hết cho sự lãng quên. Bạn học một từ mới vào ngày hôm nay và cất nó đi một thời gian. Khi nó quay trở lại, bạn cố nhớ lại, rồi cất nó đi, cứ thế cho đến khi không thể nào quên được. Trong khi đợi các từ đã học quay trở lại, bạn có thể học các từ mới và tiếp tục gửi chúng tớ i tương lai, khi gặp lại chúng lần nữa bạn sẽ đẩy chúng vào trí nhớ dài hạn của mình. Ít nhất cho đến khi chưa có công nghệ tải nhu thuật vào não bộ, đây vẫn là cách tối ưu để ghi nhớ mãi mãi một lượng thông tin lớn.

Tìm kiếm khoảng thời gian chờ đợi lý tưởng nhất

Bạn sẽ muốn nhớ được càng nhiều càng tốt vào lúc này, sau này, và vào rất lâu sau này. Để chọn được đúng tần suất luyện tập nhớ lại phù hợp, bạn cần cân bằng giữa hiệu quả và mức độ thoải mái của bản thân. Thông thường, chắc bạn sẽ không phải học chỉ vì một bài kiểm tra vào một ngày, vậy nên sẽ không có khoảng thời gian chờ đợi lý tưởng cố định. Để hình thành ký ức cực kỳ dài hạn, bạn sẽ có được kết quả tốt nhất khi đợi hàng năm trời giữa các lần ôn tập. Nhưng điều đó sẽ không giúp ích cho trí nhớ ngắn hạn chút nào. Hơn thế nữa, những lần luyện tập của bạn cực kỳ dễ gây nản lòng. Sau một quãng thời gian chờ đợi rất dài, bạn sẽ quên đi phần lớn mọi thứ. Mặt khác, nếu ôn luyện quá thường xuyên, bạn sẽ ghi nhớ gần như tất cả mọi thứ, nhưng những từ cũ thường xuyên quay trở lại sẽ chôn vùi bạn mỗi ngày.

Mối dây liên kết giữa hai mục tiêu này – nhớ được ngay lúc này và nhớ được nhiều năm sau này – bắt đầu từ những điều nho nhỏ và lớn dần lên. Bạn sẽ bắt đầu với những mức chờ đợi nhỏ (hai đến bốn ngày) giữa những lần ôn tập. Mỗi lần nhớ thành công một điều gì đó, bạn sẽ tăng mức chờ đợi lên (ví dụ, chín ngày, ba tuần, hai tháng, sáu tháng, v.v..), chẳng mấy chốc sẽ chạm đến mốc chờ đợi hàng năm trời.

Việc này giúp cho các lần luyện tập đủ thách thức để liên tục đưa thông tin vào trí nhớ dài hạn.

Nếu trót quên mất một từ, bạn phải quay lại từ đầu với những khoảng chờ ngắn, và tiếp tục phát triển dần những khoảng chờ dài cho đến khi từ đó trở thành ký ức vĩnh viễn. Quy luật này giúp bạn luôn làm việc với những ký ức yếu ớt nhất, trong khi vẫn duy trì và củng cố những ký ức mạnh nhất. Bởi các từ đã được nhớ tốt sẽ lùi xa vào tương lai và xuất hiện trở lại trong những lần ôn tập sau này, việc luyện tập thường xuyên sẽ tạo nên một thế cân bằng giữa cũ và mới. Bạn sẽ dành một lượng thời gian cố định hằng ngày để học từ mới, nhớ lại các từ đã học từ tuần trước, và thỉnh thoảng gặp lại những người bạn cũ là các từ đã học từ tháng trước hoặc năm trước. Bằng cách này, bạn sẽ dành phần lớn thời gian liên tục nhớ lại những từ đã gần như quên, và xây dựng nền tảng tốt cho việc bồi đắp từ mới.

Việc xác định đúng thời gian như thế gọi là nhắc lại cách quãng, và nó cực kỳ hiệu quả. Trong khoảng bốn tháng, với 30 phút luyện tập mỗi ngày, bạn có thể học và nhớ được 3.600 thẻ học với độ chính xác từ 90 đến 95%. Những tấm thẻ học này có thể dạy bạn về bảng chữ cái, từ vựng, ngữ pháp và thậm chí cả quy tắc phát âm. Chúng giúp bạn không bị nhàm chán, bởi luôn đầy thách thức. Nhắc lại cách quãng là món quà trời phú cho những tác vụ mệt mỏi của trí nhớ như học ngoại ngữ. Đáng tiếc là nó không được dạy ở trường, khi mà tôi có quá nhiều thứ để nhớ.

Về cơ bản, hệ thống nhắc lại cách quãng là một danh sách nhắc việc có thể tự động thay đổi dựa vào kết quả sau mỗi lần ôn tập. Nếu bạn có thể nhớ pollo nghĩa là “con gà” sau khoảng thời gian chờ đợi hai tháng, thì hệ thống nhắc lại cách quãng sẽ tự động đợi từ bốn đến sáu tháng sau mới cho từ pollo trở lại danh sách từ cần học. Nếu hai tuần liền, bạn không thể nhớ chính xác ropa là “quần áo”, thì hệ thống nhắc lại cách quãng sẽ tự động cho nó vào danh sách thường xuyên hơn, chừng nào bạn nhớ được vĩnh viễn mới thôi.

Tất cả những điều này trông sẽ thế nào khi áp dụng vào thực tế? Hệ thống nhắc lại cách quãng có hai loại: trên giấy và trên máy tính. Phiên bản máy tính có thể tự động sắp xếp lịch học giúp bạn. Mỗi lần bạn truy cập vào máy tính, nó sẽ tự động dạy bạn 20-30 thẻ học mới, và kiểm tra trí nhớ của bạn với hàng trăm tấm thẻ bạn sắp sửa quên. Công việc của bạn là cho hệ thống nhắc lại cách quãng biết bạn có còn nhớ hay không, và công việc của hệ thống nhắc lại cách quãng là xây dựng danh sách từ cần học hằng ngày dựa trên những gì bạn cung cấp. Danh sách đặc biệt này được thiết kế nhằm tối đa hóa hiệu quả ghi nhớ, đồng thời tiết kiệm thời gian học của bạn.

Phiên bản hệ thống nhắc lại cách quãng trên giấy cũng làm được điều tương tự, bằng việc sử dụng hộp phân loại thẻ nhiều ngăn, lịch học chi tiết và hướng dẫn đơn giản. Về cơ bản nó là một trò boardgame giống như Cờ tỷ phú. Trò chơi này có bảy cấp độ, mỗi cấp độ tương ứng với một ngăn đã được dán nhãn (ví dụ: cấp độ 1, cấp độ 2, v.v..) Mỗi tấm thẻ đều được bắt đầu ở cấp độ 1, và tiến dần lên các cấp độ sau mỗi lần bạn nhớ ra thành công. Nếu bạn quên, tấm thẻ sẽ tự động lùi về cấp độ 1. Một khi đã vượt qua cấp độ 7, tấm thẻ đã chiếm được một vị trí trong trí nhớ dài hạn của bạn rồi.

Mỗi lần chơi với phiên bản giấy, bạn sẽ tham khảo lịch học của mình để chọn các cấp độ tương ứng cần học (ví dụ: ngày 9 tháng 12, ôn lại các cấp độ 4, 2 và 1). Đây là danh sách nhắc việc hằng ngày, và nó sẽ thay đổi phù hợp với kết quả ghi nhớ của bạn, những tấm thẻ bạn nhớ được “lên cấp”, còn tấm thẻ quên thì “hạ cấp”. Bằng tuân thủ luật chơi (xem Phụ lục 3 ở cuối cuốn sách này), bạn thực chất đã tạo ra được một phần mềm máy tính thô sơ, chạy trên giấy. Phần mềm này cũng hiệu quả và thú vị như phiên bản trên máy tính vậy, và nó còn giúp bạn hài lòng theo kiểu “tôi đã tự làm hết tất cả đống này đấy”. Ở cuối chương này, chúng ta sẽ so sánh kỹ hơn phiên bản hệ thống nhắc lại cách quãng trên giấy và trên máy tính, do vậy bạn chưa cần phải quyết định nên chọn cái nào ngay.

Tự làm một bộ thẻ học

Đây không phải là phần mềm học ngoại ngữ “Rosetta Stone”. Bạn không thể chỉ tải về một bộ thẻ học để nạp vào hệ thống nhắc lại cách quãng của mình và học được ngoại ngữ một cách thần kỳ đâu. Tại sao? Vì các tấm thẻ học có tác dụng tuyệt vời để nhắc bạn nhớ về trải nghiệm ban đầu, nhưng chúng không giỏi tạo nên các ký ức mới. Nếu bạn đọc tấm thẻ cat của ai đó khác, bạn sẽ không tự động nghĩ đến con mèo thời thơ ấu hay hình ảnh chú mèo trong bộ phim Shrek: Puss in Boots (Shrek: Chú mèo đi hia) xuất hiện trên Google Hình ảnh. Ở đây không có bộ phim, âm thanh, hay câu chuyện nào cả. Trong hoàn cảnh này, bạn rất khó hình thành một ký ức sâu sắc, đa cảm giác trong khi còn đang bận tranh thủ học trên đường đi làm. Đây không phải là lỗi của hệ thống nhắc lại cách quãng mà nằm ở bản chất của trò chơi ngôn ngữ.

SỨC MẠNH CỦA QUÁ TRÌNH SÁNG TẠO

Bạn đã bao giờ ôn tập bằng cách tự tóm tắt lại vở ghi chép của mình chưa? Cách học đó khá hiệu quả phải không? Khi bạn tạo ra một thứ gì đó, nó trở thành một phần của bạn. Nếu chỉ đơn giản sao chép lại tập vở ghi của ai đó, bạn sẽ không thu được nhiều lợi ích đến thế. Khi bạn cố ghi nhớ sản phẩm của người khác, bạn đang chiến đấu với vài lớp bộ lọc trong não bộ, mà bạn đang thấp cơ hơn. Dù cho tấm thẻ “cat = [hình ảnh một con mèo]” dễ nhớ hơn nhiều so với cat-mèo, thì nó vẫn chưa đủ kích thích để giúp bạn lưu giữ ký ức vĩnh viễn; bởi một ai đó khác đã chọn nó, không phải bạn. Ngược lại, khi cat là một con mèo do chính bạn chọn, thì nó sẽ cho phép bạn lách qua những lớp bộ lọc trong não mình. Kết quả là bạn sẽ dễ dàng nhớ mọi thứ hơn rất nhiều.

Một trong những lý do khiến các phần mềm học ngoại ngữ thường không hiệu quả là vì không ai có thể cho bạn một ngôn ngữ; bạn phải tự mình thu lấy nó. Bạn đang tái kết cấu lại chính não bộ của mình. Để thành công, bạn cần phải tham gia tích cực. Mỗi một từ trong ngoại ngữ bạn chọn phải trở thành từ của bạn, mỗi quy tắc ngữ pháp trở thành quy tắc ngữ pháp của bạn. Những phần mềm như Rosetta Stone có thể cung cấp trải nghiệm đầu tiên tương đối tốt cho những từ như “ball” (quả bóng) hay “elephant” (con voi), nhưng dần dần bạn cũng sẽ phải đối mặt với những từ như “economic situation” (tình hình kinh tế). Những từ ngữ trừu tượng như thế này cần đến kết nối phức tạp, mang tính cá nhân, nếu bạn muốn dùng chúng thuần thục. Bạn sẽ phải tự mình tạo nên các kết nối đó, bởi không ai khác có thể cho bạn biết cái “situación económica” (tình hình kinh tế) hiện đang ảnh hưởng thế nào tới chính bạn.

Bạn đồng thời cũng cần ghi nhớ được các kết nối đã tạo ra, kể cả khi đang bận rộn học tiếp từ mới. Đây là một mớ bòng bong công việc cần làm một lúc, do đó bạn nên kiếm những công cụ tối ưu. Cho đến khi có công nghệ cắm USB vào sau gáy chúng ta, thì vũ khí hiệu quả nhất để chống lại sự lãng quên vẫn là hệ thống nhắc lại cách quãng. Và vì cần những trải nghiệm sâu sắc, đáng nhớ để sử dụng hệ thống này hiệu quả nhất, chúng ta nên có được trải nghiệm đó ngay trong quá trình làm thẻ học.

Quá trình làm những tấm thẻ học là một trong những cách học ngoại ngữ thú vị và thư giãn nhất. Vững tâm khi biết mọi chi tiết rồi sẽ trở thành ký ức vĩnh viễn, bạn trở thành kiến trúc sư của chính tâm trí mình. Bạn nghĩ đến giống chó nào khi nghĩ đến từ “dog”? Bạn sẽ chọn ví dụ nào để gợi nhớ đến quy tắc chia động từ? Những từ ngữ nào có ích nhất, đáng học nhất với bạn?

Việc đưa ra những quyết định này tạo thành một phần rất thú vị của quá trình học và, hơn hết, tốn rất ít thời gian. Sau khi đã quen với cách dùng hệ thống nhắc lại cách quãng, bạn có thể tạo thêm thẻ học mới trong chỉ vài giây. Với các danh từ, bạn có thể chỉ cần gõ một lần, tìm hình ảnh về nó trên Google Hình ảnh, và sao chép (hoặc vẽ lại nó) vào thẻ học của mình. Tất cả những điều này tốn không đến 15 giây. Hình ảnh cho các khái niệm phức tạp hơn dĩ nhiên sẽ tốn nhiều thời gian tìm kiếm hơn – một quá trình mà tự bản thân nó sẽ cho bạn những kết nối cần để biến một từ thành của riêng bạn.

Tôi thật lòng ước có thể bán thẻ học của mình. Nếu tính hữu dụng của nó chuyển được sang cho người khác, tôi đã có thể kiếm được bộn tiền và giúp được bao người. Nhưng tôi lại đăng chúng miễn phí trên trang web cá nhân, với lời ghi chú là không ai ngoài tôi từng sử dụng chúng thành công. Trong số vài ngàn người từng tải xuống, chưa ai phản bác lại lời khẳng định đó của tôi, do vậy tôi có thể tự tin nói rằng bộ thẻ học của riêng tôi vô dụng với bất kỳ ai khác ngoài tôi. Nếu vẫn muốn dùng, bạn nên cân nhắc cảnh báo này nhé.

Cảm giác nản lòng và số phận chiếc điện thoại thông minh

Hãy thử hình dung nhanh xem điều gì sẽ xảy ra khi một ai đó (dĩ nhiên không phải bạn) dùng thẻ học của tôi. Đến một lúc nào đấy, anh ta sẽ gặp phải tấm thẻ dog, và thấy hình ảnh một chú cún con giống Golden Retriever. Tôi đã có trải nghiệm 15 giây khi tìm kiếm hình ảnh này trên Internet, thấy rất nhiều chú chó khác nhau với đủ các giống, độ tuổi, và cuối cùng tôi đã chọn chú cún giống Golden Retriever này. Trong vài giây tìm kiếm ngắn ngủi đó, tôi đã học được từ này có nghĩa là gì và chọn được một lời nhắc dễ thương cho trải nghiệm học tập của mình. Tuy nhiên, người khác sẽ phải trả lời một loạt các câu hỏi mà không có manh mối để tìm lời đáp. Liệu từ này có phải nhắc đến một giống chó cụ thể nào đó không? Một độ tuổi cụ thể nào đó? Một màu lông cụ thể nào đó? Khi dùng một bộ thẻ không được tùy chỉnh bởi chính cá nhân mình, khoảnh khắc lúng túng này của bạn cũng sẽ được ghi lại cùng với ký ức, và ý nghĩa của từ này sẽ trở nên mù mờ.

Bản thân sự không chắc chắn không phải là điều quá xấu; rất nhiều sự không chắc chắn thường xuyên xuất hiện khi bạn học một ngoại ngữ ở nước ngoài. Vấn đề với sự không chắc chắn khi học bằng thẻ học là cản trở việc luyện tập nhớ lại hằng ngày, tiêu tốn thêm thời gian và khiến bạn dễ quên hơn (đồng nghĩa là tiếp tục tốn thêm thời gian). Trải nghiệm đầu tiên mà bạn nhớ với mỗi lần ôn tập sẽ trở thành: “Cái này có nghĩa là gì? Mình không có thời gian cho cái của nợ này!” Một thứ dễ dàng dẫn đến sự nản lòng.

Điểm vừa nói ở trên đặc biệt nguy hiểm. Khi việc ôn tập hằng ngày khiến bạn nản lòng, bạn sẽ càng lúc càng khó ngồi xuống và thực hiện nó. Có thể bạn vẫn sẽ ép bản thân làm được trong vài tuần, nhưng sẽ cần nhiều hơn vài tuần để thấy được kết quả. Điều này trở thành một vòng lặp lại nguy hiểm, bởi cảm giác nản lòng ngăn khả năng ghi nhớ của bạn, thứ đến lượt nó lại làm tăng thêm cảm giác nản lòng khi tấm thẻ đó xuất hiện trước mặt bạn thường xuyên hơn, dần dần gây ức chế đến mức bạn muốn quăng luôn chiếc điện thoại thông minh ra ngoài cửa sổ.

Tất cả những điều này là không cần thiết. Quá trình học một từ mới tốn rất ít thời gian, và nên đầu tư vừa mức. Nếu bạn chỉ dành một vài giây để nhắc mình nhớ lại ý nghĩa của một từ, từ đó sẽ được ghi lại mãi mãi trong trí nhớ bạn. Điểm này được Damien Elmes, người sáng tạo ra phần mềm nhắc lại cách quãng ưa thích nhất của tôi – Anki, tóm tắt rất gọn gàng: “Tự tạo ra bộ thẻ của riêng bạn là cách hiệu quả nhất để học một môn phức tạp. Những môn như ngoại ngữ hay khoa học không thể chỉ được hiểu bằng cách ghi nhớ thông tin – chúng cần có lời giải thích và ngữ cảnh cụ thể để học hiệu quả nhất. Hơn thế nữa, tự mình nhập vào các thông tin này sẽ buộc bạn phải quyết định đâu là điểm cần nhớ để dễ hiểu hơn.” Thêm nữa, tự làm thẻ học rất vui. Bạn dành thời gian cho chính mình, để học, khám phá và sáng tạo ra một thứ gì đó.

Một khi đã làm được điều này, việc ôn luyện hằng ngày sẽ trở nên thú vị, bởi phần lớn thời gian bạn sẽ dành để nói với chính mình “Thật không thể tin được mình vẫn còn nhớ cái từ đó! Mình quá siêu!” Nó là liều tăng lực cho sự tự tin của bạn mỗi ngày, vô tình giúp bạn học ngoại ngữ, và là thói quen dễ tạo ra, dễ duy trì. Chính thói quen đã tạo nên sự khác biệt giữa thoải mái tán chuyện bằng tiếng Pháp với cô hầu bàn Paris và ngại ngùng hỏi xin menu bằng tiếng mẹ đẻ.

NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ

• Hệ thống nhắc lại cách quãng chính là thẻ học được bơm thuốc tăng lực. Chúng “sạc” siêu tốc cho quá trình ghi nhớ, bằng cách tự động giám sát quá trình học của bạn hằng ngày, và sử dụng những thông tin đó để thiết kế ra danh sách từ cần học mỗi ngày, được tùy chỉnh riêng cho cá nhân bạn, chứa cả những từ mới cần học và những từ cũ để ôn lại.

HÃY LÀM ĐIỀU NÀY NGAY: HỌC CÁCH DÙNG MỘT HỆ THỐNG NHẮC LẠI CÁCH QUÃNG

Chúng ta đã tìm ra cách đánh bại sự quên lãng. Bây giờ, phải xác định những thứ cần nhớ. Trong bốn chương tiếp theo, tôi sẽ cho bạn thấy chính xác những gì cần phải học và làm thế nào để học chúng.

Chúng ta sẽ bắt đầu với âm và bảng chữ cái trong ngoại ngữ của bạn. Điều này sẽ cho bạn thấy cấu trúc cần để nhớ từ mới một cách dễ dàng. Để thực hiện điều này, tôi sẽ chỉ cho bạn các công cụ cũ và mới để nhanh chóng thiết lập lại tai, và sử dụng hệ thống nhắc lại cách quãng để ghi nhớ nhanh chóng những từ ví dụ cho mỗi sự kết hợp chữ cái quan trọng (ví dụ, “gn” như trong gnocchi). Rồi bạn sẽ sớm nắm vững các âm trong ngoại ngữ.

Sau khi được trang bị bằng các âm, bạn có thể bắt đầu giải quyết từ vựng. Tôi sẽ chỉ cho bạn danh sách 625 danh từ cụ thể, động từ và tính từ được dùng thường xuyên nhất. Những từ này dễ hình dung, và do đó cũng dễ nhớ. Chúng ta sẽ đưa chúng vào hệ thống nhắc lại cách quãng bằng cách kết hợp hình ảnh, kết nối cá nhân và âm thanh. Đổi lại, hệ thống nhắc lại cách quãng sẽ nhanh chóng đưa chúng vào trí nhớ dài hạn của bạn. Trong quá trình này, bạn sẽ xây dựng được một nền tảng để hình thành các phần còn lại của ngữ pháp và từ vựng.

Cuối cùng, tôi sẽ cho bạn thấy làm thế nào sử dụng Google Hình ảnh để tìm kiếm những câu chuyện minh họa cho mỗi từ và mỗi khái niệm ngữ pháp. Bạn sẽ sử dụng những câu chuyện này để làm ra những thẻ học dễ nhớ, hiệu quả cho hệ thống nhắc lại cách quãng của mình. Chẳng mấy chốc, ngữ pháp của bạn sẽ trở thành một phản xạ, và bạn không cần phải lo lắng nữa. Mỗi từ mới sẽ củng cố thêm cho phản xạ ngữ pháp đó, và mỗi mảnh ngữ pháp mới sẽ củng cố thêm các từ mới của bạn. Ngoại ngữ của bạn sẽ tự đưa nó đến trình độ lưu loát, và bạn cũng sẽ luôn đồng hành cùng với nó.

Trước khi bắt đầu, bạn cần phải đưa ra quyết định. Có hai loại hệ thống nhắc lại cách quãng chính: trên giấy và trên máy tính. Hãy chọn hệ thống phù hợp và học cách sử dụng nó. Sau đó, hãy nhìn vào thời gian biểu hằng ngày và xác định xem bạn có bao nhiêu thời gian. Chúng ta sẽ sử dụng thông tin đó để tạo ra thói quen học ngôn ngữ.

Chọn một hệ thống nhắc lại cách quãng cho bạn Hệ thống nhắc lại cách quãng phổ biến nhất là loại dùng trên máy tính, và phiên bản ưa thích nhất của tôi là Anki. Ra mắt lần đầu năm 2008, Anki là phần mềm miễn phí, dễ dùng, và hỗ trợ cho mọi hệ điều hành, cả máy tính lẫn điện thoại thông minh.1 Nó tự động đồng bộ dữ liệu giữa các thiết bị chung một tài khoản, do đó bạn có thể học trên máy tính ở nhà, học bằng điện thoại thông minh trên đường đến chỗ làm, hơn hết nó cho phép bạn chèn hình ảnh và các tệp âm thanh. Bạn cho nó biết số thẻ học mới bạn muốn học mỗi ngày, và nó sẽ lo phần còn lại. Trong khoảng 30 phút mỗi ngày, bạn có thể học 30 tấm thẻ mới, và duy trì tất cả những tấm thẻ cũ. Bạn có thể tăng mức độ đó hoặc giảm xuống tùy vào thời gian biểu cá nhân.

1. Anki là phần mềm miễn phí nhưng trừ ứng dụng OFFLINE trên iPhone hoặc iPad, bạn sẽ phải trả một chút phí. Nếu bạn có kết nối Internet ổn định trên iPhone hoặc iPad thì ứng dụng này không cần thiết (dù tôi vẫn khuyến khích bạn nên cài nó). Với các thiết bị chạy Android, ứng dụng này hoàn toàn miễn phí.

Nếu thích làm việc với đồ thủ công hơn, bạn có thể tự tạo ra hệ thống nhắc lại cách quãng với thẻ học bằng giấy. Được đặt theo tên của một nhà báo khoa học người Áo vào những năm 70 của thế kỷ XX, hộp Leitner là cách thông minh để sử dụng thẻ học với một số thanh ngăn và một tờ lịch. Trong phiên bản gốc, chiếc hộp được chia làm bốn ngăn. Bạn ôn tập ngăn 1 mỗi ngày, ngăn 2 hai ngày một lần, ngăn 3 ba ngày một lần, và cứ thế. Khi bạn nhớ thành công một tấm thẻ – ví dụ cat = [hình ảnh một con mèo dễ thương] – tấm thẻ đó được chuyển lên ngăn tiếp theo. Nếu bạn quên tấm thẻ đó, nó sẽ được chuyển lại về ngăn 1. Bất cứ từ nào đến được ngăn cuối cùng đều chiếm một vị trí trong trí nhớ dài hạn của bạn. Hệ thống gốc này dùng một khoảng chờ đợi ít hơn mức ta cần (một/hai/ba/bốn ngày thay vì hằng tuần/tháng), nhưng chúng ta có thể sửa nó bằng cách thêm vào vài ngăn nữa và thay đổi lịch làm việc một chút. Bạn sẽ tìm thấy hướng dẫn cụ thể và một lịch học phù hợp cho bộ hộp Leitner trong Phụ lục 3, cùng với đường dẫn tải phần mềm Anki.

Bạn đang nghi ngờ việc sử dụng hộp Leitner? Khi dùng thẻ học bằng giấy, bạn sẽ hưởng lợi từ trải nghiệm tự làm đồ thủ công. Đây là một trải nghiệm học tập tuyệt vời, khiến tấm thẻ của bạn dễ nhớ hơn rất nhiều, nhưng bạn sẽ mất đi trải nghiệm này khi chuyển sang học trên máy tính. Dù vậy, phiên bản hệ thống nhắc lại cách quãng trên máy tính vẫn có một số lợi thế nhất định so với phiên bản giấy, do đó bạn đừng quyết định vội.

Thứ nhất, bạn không thể khiến thẻ học bằng giấy phát ra âm thanh. Bạn cần học phát âm trước khi học từ vựng, và việc học phát âm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu những tấm thẻ học của bạn biết nói. Nếu bạn dùng thẻ học bằng giấy, bạn sẽ cần bỏ thời gian để nghe rõ phát âm của một từ, và sẽ phải sử dụng thành thạo bảng ký hiệu phiên âm . Thứ này không tốn nhiều thời gian, khá tốn công, và giờ thì bạn đừng nói rằng tôi đã không cảnh báo trước nhé.

Thứ hai, việc lấy hình ảnh từ Google Hình ảnh chèn vào thẻ học trên máy tính cực kỳ dễ, và hình ảnh là cách hiệu quả nhất để nhớ một lượng lớn thông tin. Kể cả khi sử dụng thẻ học bằng giấy và là một họa sĩ siêu tồi, bạn vẫn nên vẽ hình minh họa cho mỗi từ gặp phải. Trí nhớ hình ảnh của bạn là công cụ tuyệt vời, và chừng nào bạn còn phân biệt được con chó hình que với con mèo hình que, thì bạn vẫn thu được hiệu quả.

Thứ ba, quá trình tìm kiếm hình ảnh cho thẻ học trên máy tính cũng là một trong những trải nghiệm học tập vô cùng đáng nhớ. Một lần nữa, phải nhấn mạnh rằng não của bạn hút hình ảnh như bọt biển hút nước. Chỉ một vài giây lướt qua chừng 20 bức ảnh về các giống chó cũng đủ tạo nên một ký ức mạnh mẽ, lâu dài. Kể cả khi đang sử dụng thẻ học bằng giấy, bạn cũng đừng bỏ qua cơ hội học các từ ngữ qua Google Hình ảnh. Chúng ta sẽ bàn đến phần này kỹ hơn trong Chương 4.

Cuối cùng, với nhiều từ, bạn sẽ phải làm hai thẻ học: Một thẻ để hiểu (bear =?), và một thẻ để diễn giải (con thú to, nhiều lông, thích ăn mật ong=?) Tạo ra hai tấm thẻ giống nhau trên máy tính rất dễ, nhưng để sao chép chúng bằng tay có thể sẽ hơi nhàm chán. Nếu nó quá chán, hãy bỏ vài tấm thẻ diễn giải đi. Bạn có thể đã đủ trải nghiệm với từ đó qua quá trình làm thẻ thủ công rồi. Và nếu từ này khó nhớ, bạn có thể làm thêm thẻ diễn giải sau đó.

Hãy tới Phụ lục 3 và chọn hình thức ghi nhớ ưa thích của bạn. Nếu chọn hộp Leitner, bạn cần mua vài món (cọ, giấy, bút) và một cuốn lịch. Nếu chọn Anki, hãy tải nó về, cài đặt và làm theo video hướng dẫn của tôi cho đến khi bạn hiểu cách sử dụng.

Cam kết thời gian và thói quen học ngoại ngữ

Hãy dành vài phút lên kế hoạch cho thói quen học ngoại ngữ đang hình thành. Bạn sẽ có hai cam kết thời gian để tùy chỉnh: thời gian dành để làm thẻ học, và thời gian ôn luyện thẻ học. Việc ôn luyện nên được làm đều đặn, lý tưởng nhất là một khung cố định đều đặn mỗi ngày. Nếu có thể kết nối thời gian ôn luyện với một hoạt động thường xuyên (như: bữa sáng, thời gian di chuyển bằng tàu xe), bạn sẽ dễ dàng thiết lập thói quen học ngoại ngữ mới.

Ôn tập hằng ngày là tốt nhất, và bất cứ thói quen ôn tập nào cũng sẽ thích nghi tự nhiên với thời gian biểu của bạn. Chẳng hạn, nếu bỏ qua ngày cuối tuần thì bạn sẽ phải ôn tập nhiều hơn vào thứ Hai.

Hãy bắt đầu với một lượng thẻ học nhỏ (15 đến 30 thẻ) mỗi ngày, bạn có thể điều chỉnh nếu thấy cường độ đó khiến bạn phát điên. Như đã nói ở trên, mỗi ngày bạn có thể học 30 thẻ học mới và dành 30 phút để củng cố thẻ cũ. Nếu có quá nhiều số lượng thẻ mới, chúng sẽ quay trở lại, dù bạn có thời gian cho chúng hay không. Trong cuộc hành trình chinh phục tiếng Nga, tôi đã dành một mùa hè học 60 thẻ mới mỗi ngày (khoảng một giờ mỗi ngày). Sau mùa hè đó, khi tôi dành ít thời gian hơn hẳn, những tấm thẻ đó xuất hiện trở lại suốt hàng tháng trời trong những lần ôn tập hằng ngày. Tôi dần dần vượt qua, nhưng nếu đã bắt đầu với tiếng Nga theo cách như vậy, hẳn tôi đã phải khóc thét và bỏ chạy. Hãy học thẻ mới ở mức độ hợp lý, vừa sức.

Hãy nhớ rằng chúng ta đang nói đến việc học 30 thẻ mới mỗi ngày, thay vì 30 từ mới. Trong các chương tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu cho bạn biết làm thế nào để chia nhỏ các âm thanh, từ vựng và ngữ pháp thành những mẩu nhỏ nhất, vừa vặn để dễ nhớ nhất. Bạn sẽ nhớ mỗi mẩu một cách riêng biệt. Kết quả là với một số từ sẽ cần đến một vài thẻ. Nghe có vẻ như thêm việc phải làm (“Tôi sẽ phải học bốn thẻ riêng biệt chỉ để ghi nhớ một từ tiếng Trung ư?”), nhưng thực sự, nó giúp cho cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Hệ thống nhắc lại cách quãng cho bạn khả năng lưu giữ mọi thứ mà bạn quẳng vào. Chừng nào bạn còn ôn tập lại các thẻ học mỗi ngày, thì không có giới hạn nào cho số lượng thông tin bạn có thể đưa vào đầu, và chừng nào những tấm thẻ của bạn còn đơn giản và dễ nhớ, bạn sẽ còn nhớ nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Còn một sự cam kết thời gian nữa – thời gian làm thẻ học – vốn thất thường hơn nhiều so với việc ôn tập. Tôi thường làm thẻ mỗi tháng một lần, ngồi trước máy tính hàng giờ và làm hàng trăm thẻ một lúc trong một ngày cuối tuần. Tôi như bị bỏ bùa khi say mê làm điều gì đó. Có thể bạn sẽ thích cách nào đó điều độ hơn chăng. Bạn sẽ thấy đó là một cách hay để tiêu tốn một buổi chiều Chủ nhật dài dằng dặc, và nếu thời gian biểu của bạn đòi hỏi một thứ gì đó thường xuyên hơn, vậy thì 20 phút mỗi ngày có lẽ là đủ.

Khi bạn lỡ mất một ngày không học (và thỉnh thoảng bạn sẽ có những ngày “lỡ” như thế), đó vẫn chưa phải là tận thế. Khó khăn duy nhất là đống thẻ học của bạn đã chất cao như núi cho dù bạn có muốn hay không. Hãy nhớ, hệ thống nhắc lại cách quãng chỉ là một danh sách nhắc việc màu mè hơn thôi. Nếu hệ thống của bạn cho rằng bạn đang quên mất từ pollo, vậy thì thẻ có chứa từ đó sẽ rơi vào danh sách từ cần học hôm nay ngay cả khi bạn đang thư giãn ở Hawaii. Khi trở về từ kỳ nghỉ, bạn sẽ có một danh sách dài đợi sẵn. Lúc này, bạn nên hoàn tất việc ôn tập thẻ. Chúng sẽ đền đáp thỏa đáng cho thời gian bạn bỏ ra, và giúp bạn trở lại với nhịp độ ban đầu. Hãy tạm ngưng việc thêm thẻ mới, và dành một vài ngày ôn lại hết thẻ cũ đang “đáo hạn”, cho đến khi bạn trở lại với nhịp độ học bình thường.

Một khi đã tìm ra khoảng thời gian thuận tiện để ôn tập, nhịp độ hằng ngày của bạn sẽ tự biến thành một thói quen. Những thói quen này dễ dàng hình thành vì cùng một lý do lý giải tại sao các hệ thống nhắc lại cách quãng lại hiệu quả đến thế. Tất cả các hoóc-môn giúp ghi nhớ thông tin thường khiến bạn thấy vui hơn. Bạn sẽ thấy mình tự động chộp lấy thẻ học mỗi khi bắt đầu ngồi xuống ghế tàu điện ngầm hằng ngày. Hãy kiếm cho mình vài bộ thẻ học để có thể bắt đầu ngay bây giờ.

Với những người đã ở trình độ trung cấp

Bạn cũng sẽ phụ thuộc vào hệ thống nhắc lại cách quãng nhiều như những người mới bắt đầu vậy. Hãy chọn hệ thống nào bạn thích và bắt đầu làm quen với cách nó hoạt động. Sau đó, hãy nhìn vào thời gian biểu của bạn và xác định xem việc học ngoại ngữ sẽ được đặt vào đâu.

Bình luận
Ads Footer