Lời giới thiệu: đâm, đâm, đâm.
Học ngoại ngữ cũng là một môn thể thao. Một gã tham gia đội đấu kiếm ở trường chỉ để trốn lớp thể dục như tôi mà bàn về thể thao, vẻ cũng nực cười. Nhưng nói gì đi nữa, việc tấn công đối phương bằng vũ khí đầu nhọn và học ngoại ngữ có khá nhiều điểm tương đồng. Mục tiêu của bạn trong môn đấu kiếm là tự động “đâm” trúng đối thủ. Bạn bỏ công ghi nhớ tên vũ khí cùng cách chơi, luyện tập thuần thục từ dáng đứng, thế phòng thủ, thế phản công, thế bổ nhào. Cuối cùng, bạn vào cuộc, chờ đến thời khắc thăng hoa quên đi hết thảy: Bạn vung kiếm lên, gạt phăng đường kiếm đến, và đâm thẳng vào ngực đối phương. Ghi điểm!
Bạn muốn lại gần người lạ, quên hết mọi quy tắc ngữ pháp và bất giác bật lời. Chuyện có vẻ xa vời bởi ngôn ngữ không hề đơn giản. Nhưng thật ra, chỗ “khó” không nằm ở bản thân ngôn ngữ bởi bất kể tay ngốc nghếch nào cũng có thể thành thạo thứ tiếng cha sinh mẹ đẻ từ khi còn nhỏ. “Khó” ở chỗ là chọn được cách học phù hợp giữa đời sống tất bật thường ngày.
Là một ca sĩ opera, tôi cần phải học tiếng Đức, Ý, Pháp và Nga. Cuốn sách này được đúc kết từ những năm tháng học ngoại ngữ ấy. Phương pháp học của tôi là kết quả của nỗi ám ảnh liên tục cải tiến, tìm tòi, rồi cải tiến. Dần dà, bộ đồ nghề học ngoại ngữ của tôi đã trở thành cỗ máy trơn tru, biến khung giờ cố định mỗi ngày thành hiệu quả học tập rõ rệt và liên tục. Tôi hy vọng những điều mình chia sẻ sẽ đưa bạn đến với thế giới kỳ lạ của việc học ngoại ngữ. Bạn sẽ hiểu rõ hơn cách não bộ làm việc. Và bạn sẽ học được cách nói một ngôn ngữ khác.
ĐIỂM BẮT ĐẦU
Tôi nhớ mãi một khoảnh khắc ở Viên vào năm 2012. Khi ấy, tôi đang trở về nhà sau buổi diễn thì một đồng nghiệp người Nga bước tới. Trước giờ, chúng tôi vẫn chào hỏi xã giao nhau tiếng bằng tiếng Đức. Và rồi tôi bất ngờ thông báo bằng một câu tiếng Nga: “Cậu biết không, tớ nói được tiếng Nga rồi đấy.”
Bạn tôi ngây người, miệng há hốc. Cô ấy lắp bắp: “Cái gì? Khi nào? Làm thế nào vậy?” rồi chúng tôi say sưa nói chuyện bằng tiếng Nga, về việc học ngoại ngữ, cuộc sống và những thứ giao thoa giữa chúng.
Thời đầu học ngoại ngữ của tôi thì chẳng có gì đáng nói. Tôi từng học bảy năm ở một trường Do Thái. Chúng tôi hát hò, học bảng chữ cái Hebrew, thắp rất nhiều nến, uống rất nhiều nước quả và không vào đầu được là bao. À, trừ bảng chữ cái, riêng bảng chữ cái đó thì tôi thuộc nằm lòng.
Hồi cấp ba, tôi rất mết cô giáo Nowakowsky dạy tiếng Nga. Cô thông minh, xinh đẹp, có một cái tên rất Nga, và tôi thì làm theo mọi thứ cô yêu cầu. Năm năm sau, tôi học được một vài cụm từ, nhớ được vài bài thơ và dùng thạo bảng chữ cái. Giờ nhìn lại, tôi thấy có gì không ổn. Tại sao tôi chỉ nhớ được bảng chữ cái? Tại sao những thứ khác lại quá khó thế?
Tháng Sáu năm 2004, khi khóa đào tạo toàn phần bằng tiếng Đức cho các ca sĩ opera tại Vermont khai giảng, tôi mới là một kỹ sư đam mê ca hát. Đam mê đó đòi hỏi tôi phải biết tiếng Đức, Pháp và Ý cơ bản. Giờ chỉ còn cách nhảy xuống bể để học bơi. Tôi phải ký cam kết chỉ dùng tiếng Đức trong bảy tuần tiếp theo, nếu vi phạm sẽ bị đuổi học và không hoàn lại học phí. Đó có vẻ là quyết định thiếu khôn ngoan, bởi bấy giờ tôi còn không biết một chữ tiếng Đức bẻ đôi. Tôi vẫn liều lĩnh ký. Vài học sinh trình độ cao hơn tiến lại làm quen: “Hallo!” Tôi nhìn họ giây lát rồi đáp lại: “Hallo!” Và chúng tôi bắt tay nhau.
Năm tuần sau đó, tôi tự tin hát tiếng Đức trong lớp diễn xuất. Tôi tìm một góc kín đáo trong sân trường, bí mật gọi điện cho bạn gái và thì thầm bằng tiếng Anh: “Anh sắp trở thành ca sĩ opera rồi.” Vào ngày hôm đó, tôi quyết định sẽ phải thành thạo tất cả ngôn ngữ mà sự nghiệp mới yêu cầu. Tôi quay trở lại Đại học Middlebury ở Vermont và học thành thạo tiếng Đức. Rồi tôi chuyển đến Áo để học lấy bằng thạc sĩ. Trong thời gian ở châu Âu vào năm 2008, tôi ghé tới vùng Perugia (Ý) để học tiếng Ý. Hai năm sau, tôi đã có một vụ… gian lận.
KẺ GIAN LẬN ĐÔI KHI LẠI THÀNH CÔNG: BA CHÌA KHÓA QUAN TRỌNG ĐỂ HỌC NGOẠI NGỮ
Cuốn sách này sẽ chẳng ra đời nếu tôi không gian lận trong một bài kiểm tra tiếng Pháp. Dẫu chẳng đáng tự hào gì, nhưng sự thật là thế. Chuyện là trường ngoại ngữ Middlebury đào tạo năm trình độ: sơ cấp, sơ cấp “giả” – cho người từng học nhưng đã quên gần hết, trung cấp, cao cấp và thành thạo. Bấy giờ, tôi đang ở trình độ sơ cấp, nhưng vì từng học một thứ tiếng gốc Rôman, nên tôi muốn học lớp sơ cấp “giả”. Do vậy, lúc làm bài kiểm tra đầu vào trực tuyến, tôi đã sử dụng Google Dịch và một số trang web về ngữ pháp.
Một tháng sau, tôi nhận được kết quả vượt quá mong muốn. “Chào mừng đến với khóa học! Bạn đã được xếp vào lớp trình độ trung cấp!” Thôi xong! Giờ tôi có ba tháng để học một lượng tiếng Pháp tương đương với một năm, nếu không muốn trông như thằng ngốc ở bài phỏng vấn đầu vào. Trong bài thi này, không có chỗ cho những trò ma mãnh. Bạn ngồi trong phòng với một người Pháp, thao thao bất tuyệt suốt 15 phút về cuộc sống, và nhận kết quả xếp lớp cuối cùng. Hoặc bạn nói được tiếng Pháp, hoặc khua khoắng tay chân với bộ dạng mỉa mai của anh hề câm hạng hai trên đất Paris.
Vì đang học thạc sĩ ngành opera và ca khúc nghệ thuật, nên tôi chỉ rảnh một giờ mỗi ngày trên tàu điện ngầm và toàn bộ các Chủ nhật. Tôi xới tung Internet để tìm cách học ngoại ngữ nhanh nhất. Tôi bất ngờ nhận ra: Có vô số công cụ hiệu quả học ngoại ngữ, nhưng không có chương trình nào kết hợp chúng với nhau.
Tôi thu thập được ba chìa khóa quan trọng:
1. Học phát âm trước
2. Không dịch
3. Dùng hệ thống nhắc lại cách quãng
Chìa khóa đầu tiên, học phát âm trước (phương pháp phổ biến của quân đội và giáo sĩ Mormon), được đúc kết từ những năm tháng học nhạc. Ca sĩ thường phải học phát âm trước, bởi họ cần hát trước khi hiểu lời bài hát. Đôi tai của chúng tôi quen dần với âm thanh, từ đó việc tích lũy từ vựng, nghe hiểu và nói bằng ngoại ngữ diễn ra nhanh hơn. Và tự nhiên, chúng tôi có được ngữ điệu cực chuẩn.
Chìa khóa thứ hai, không dịch, được rút ra từ thời tôi học ở trường ngoại ngữ Middlebury. Người mới bắt đầu học có thể bỏ qua công đoạn dịch. Đây là bước quan trọng để tiến tới tư duy bằng ngoại ngữ, giúp cho việc học trở nên khả thi. Đây chính là sai lầm chết người của tôi khi học tiếng Hebrew và tiếng Nga: luyện kỹ năng dịch thay vì kỹ năng nói. Bằng cách tạm thời không sử dụng tiếng mẹ đẻ, tôi có thể luyện nói thành thạo thay vì giải mã từng từ một.
Chìa khóa thứ ba, sử dụng hệ thống nhắc lại cách quãng (Spaced Repetition Systems − SRSs), đến từ các blog học ngoại ngữ và các nhà phát triển phần mềm. Hệ thống nhắc lại cách quãng là thẻ “tăng cường”. Căn cứ vào những gì bạn nhập vào, hệ thống sẽ xây dựng kế hoạch học tập cá nhân cho bạn, “đẩy” thông tin vào sâu trong trí nhớ dài hạn của bạn. Mặc dù là công cụ tối đa hóa trí nhớ nhưng chúng vẫn ít được biết đến.
Trên Internet, số người áp dụng hệ thống nhắc lại cách quãng ngày càng tăng, nhưng chỉ dùng để ghi nhớ phần dịch nghĩa. Ngược lại, những nơi ủng hộ “không dịch” như Middlebury hay Berlitz lại áp dụng phương pháp học tập khá lỗi thời, không tận dụng được các công cụ số hóa như hệ thống nhắc lại cách quãng. Trong khi đó, gần như chỉ có ca sĩ nhạc thính phòng và giáo sĩ Mormon chú trọng học phát âm.
Tôi quyết định kết hợp tất cả các công cụ này. Tôi dùng phần mềm hỗ trợ ghi nhớ trên điện thoại thông minh để “nạp” tiếng Pháp vào đầu, và đảm bảo không có từ tiếng Anh nào trên thẻ học. Tôi bắt đầu làm thẻ quy tắc phát âm, chèn cơ số tranh ảnh minh họa cho danh từ và một số động từ, xây dựng dần định nghĩa đơn giản bằng tiếng Pháp cho những từ trừu tượng. Đến tháng Sáu, tranh thủ một giờ mỗi ngày trên tàu điện ngầm, tôi đã học được 3.000 từ và chủ điểm ngữ pháp. Tới Middlebury, tôi ngồi đợi trong một căn phòng, chờ đến lượt. Vòng phỏng vấn đầu vào lần này nhằm kiểm tra xem tôi có giở trò ma mãnh gì ở bài thi trực tuyến không. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi
trò chuyện bằng tiếng Pháp. Người giáo viên ngồi xuống trước mặt tôi và mở lời: “Bonjour!” Tôi đáp lại bằng từ tiếng Pháp đầu tiên nảy lên trong đầu mình: “Bonjour!” Mọi thứ vẫn suôn sẻ! Khi câu chuyện rộng dần ra, tôi ngạc nhiên khi thấy mình biết tất cả từ cần thiết để đáp lời. Tôi đang suy nghĩ bằng tiếng Pháp! Dòng suy nghĩ đó rất chậm chạp và khó nhọc, nhưng nó là tiếng Pháp. Tôi bị sốc. Trường Middlebury xếp tôi vào lớp trình độ cao. Trong bảy tuần ở đó, tôi đã đọc 10 cuốn sách, viết một lượng bài luận xấp xỉ gần 70 trang, và lượng từ vựng của tôi tăng lên mức 4.500 từ. Đến tháng Tám, tôi đã thành thạo tiếng Pháp.
CHIẾN LƯỢC CHO CUỘC CHƠI
Thế nào là thành thạo ngoại ngữ? Mỗi người hẳn sẽ có một đáp án riêng. Thuật ngữ này không có định nghĩa chính xác tuyệt đối, và sẽ bớt chính xác hơn mỗi lần ai đó viết thêm một cuốn sách, một bài báo, hay một e-mail rác với tiêu đề như “U Can B FLUENT in 7 DAY5!1!” về nó. Tuy vậy, trong đầu chúng ta hẳn luôn có một hình dung về điều này kiểu như: Một chiều hè tại quán cà phê ở Paris, ngỗi tán gẫu bằng tiếng Pháp với cô bồi bàn mà không cần phải lo lắng về chia động từ hay ngữ nghĩa này nọ. Vượt ra khỏi mức độ thành thạo tại quán cà phê đó, chúng ta phải tự xác định xem mình muốn thành thạo cỡ nào.
Tôi tự tin rằng mình thành thạo tiếng Đức. Tôi cũng sống ở Áo sáu năm, và có thể bàn luận đủ chuyện trên trời dưới biển, nhưng tôi chắc chắn vẫn sẽ phải vòng vo hồi lâu để diễn tả ý không muốn phải nộp phạt 200 euro cho chiếc xe đi thuê bị bể nắp bình xăng (“nắp bình xăng” trong tiếng Đức hình như là Tankdeckel, và các từ để nói “Tôi cóc cần quan tâm chuyện tôi có phải là người đầu tiên lái chiếc xe này hay không, cái lò xo giữ nắp bình xăng đã hỏng sẵn rồi ông biết chưa?!” bắt đầu với “Das ist mir völlig Wurst…”) Bạn cũng sẽ phải tự xác định xem “thành thạo ngoại ngữ” với bạn có bao gồm bàn chuyện chính trị, bình thơ, làm điệp viên mật hay giảng dạy vật lý lượng tử tại Sorbonne.
Chúng ta chật vật đạt từng mức thành thạo, bởi đơn giản có quá nhiều thứ để nhớ. Cuốn sách luật chơi ngôn ngữ quá dày. Chúng ta đến các lớp học thảo luận về nó, luyện tập liên tục từng luật một, nhưng không bao giờ vào cuộc thực sự. Giả thử đến được trang cuối, chúng ta chắc đã quên hết mấy trang đầu. Hơn nữa, chúng ta còn đang bỏ qua cuốn sách còn lại (cuốn sách về từ vựng), chứa hàng ngàn từ khó nhớ tương đương cuốn luật chơi.
“Quên” là kẻ thù lớn nhất, và chúng ta cần chiến lược bài bản để đánh bại nó. Có một câu chuyện học ngoại ngữ rất “kinh điển”. Anh chàng nọ chuyển đến Tây Ban Nha, đem lòng yêu một cô nàng bản xứ, nên cả năm trời không quản ngày đêm học tiếng. Chính trải nghiệm “đắm mình” đã hạ gục gọn ghẽ kẻ thù “quên”. Và người hùng si tình của chúng ta thành công bởi anh ta không có thời gian để kịp quên. Ngày nào cũng bơi trong một bể thuần tiếng Tây Ban Nha thì làm sao quên nổi. Tôi đã học tiếng Đức theo cách này, khi có cơ hội nghỉ việc, chuyển đến Vermont, và cắt đứt mọi liên lạc với thế giới nói tiếng Anh trong hai mùa hè trọn vẹn. “Đắm mình” là trải nghiệm rất tuyệt vời. Nhưng nếu bạn có một công việc ổn định, một chú chó cưng, một gia đình, một tài khoản ngân hàng cần được nạp tiền liên tục, thì bạn không thể rũ bỏ hết chỉ để học ngoại ngữ. Chúng ta cần một cách học tối ưu, đưa thông tin đúng vào đầu mình, và ngăn chúng “chảy” ngược ra ngoài.
Tôi sẽ chỉ cho bạn cách chống quên, để bạn vào cuộc chơi thực sự. Và tôi sẽ chỉ cho bạn những điều phải nhớ để trở thành tay chơi chuyên nghiệp. Chúng ta cũng sẽ thiết lập lại tai để nghe được những âm mới, và thiết lập lại lưỡi để làm chủ giọng điệu mới. Chúng ta sẽ tìm hiểu cấu tạo từ ngữ, quy tắc ngữ pháp để lắp ghép từ ngữ thành suy nghĩ, đưa suy nghĩ ra đầu lưỡi mà không cần chuyển ngữ. Chúng ta sẽ tận dụng tối đa lượng thời gian có hạn của bạn, tìm hiểu xem nên học từ nào trước, dùng mẹo giúp ghi nhớ những chủ điểm trừu tượng, và phát triển hiệu quả kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Tôi muốn bạn học được cách dùng những công cụ của tôi, nhưng cũng muốn bạn hiểu tại sao chúng lại hiệu quả. Học ngoại ngữ cũng là một trải nghiệm cá nhân. Bạn sẽ thâm nhập vào chính tâm trí của mình, và thay đổi cách mình suy nghĩ. Nếu dự định dành hàng tháng, hàng năm để đạt được mục tiêu, bạn cần phải tin tưởng vào những công cụ này và biến chúng thành của bạn. Tôi muốn chỉ cho bạn con đường tới đích ngắn nhất, để bạn có thể quên hết mọi luật lệ và bắt đầu nhập cuộc.
Khi học xong tiếng Đức, tôi đã thầm tiếc nuối: “Giá có thể quay ngược thời gian và mách nước cho mình trong quá khứ, thì có lẽ mình đã học tiếng dễ hơn nhiều.” Tôi cũng nghĩ y như thế sau khi học xong tiếng Ý, Pháp, Nga (vào năm 2012), và tiếng Hungary (dự án của năm 2013). Cuốn sách này như cỗ máy thời gian của tôi. Nếu nheo mắt lại, tôi có thể trông thấy bạn như tôi khi chưa biết ngoại ngữ nào vào chín năm về trước, và tôi đang tạo ra một nghịch lý thời gian nhằm giúp bạn tránh được tất cả những hố bẫy hầm chông đã giúp tôi tạo ra cỗ máy thời gian này.
CẦN BAO LÂU ĐỂ THÀNH THẠO MỘT NGOẠI NGỮ?
Để ước tính thời gian, chúng ta nên cân nhắc các yếu tố như: mục tiêu thành thạo của bạn, ngôn ngữ bạn đã biết, ngoại ngữ bạn đang học, và thời gian bạn có. Như tôi đã nói, không có khái niệm “ngôn ngữ khó”. Tuy vậy, có những ngôn ngữ sẽ khó với bạn, bởi chúng không cùng hệ ngôn ngữ bạn đã biết. Người nói tiếng Anh khó học tiếng Nhật và ngược lại, người Nhật cũng khó học tiếng Anh bởi có quá ít từ ngữ và chủ điểm ngữ pháp chung giữa hai ngôn ngữ, chưa kể chúng còn có hai dạng bảng chữ cái khác hẳn nhau. Tuy nhiên, người nói tiếng Anh học tiếng Pháp nhàn nhã hơn nhiều. Kho từ vựng tiếng Anh có 28% là tiếng Pháp và 28% là tiếng Latinh. Ngay khi một người nói tiếng Anh học được cách phát âm tiếng Pháp, họ đã có sẵn khoảng 1.000 từ trong tay.
Viện Nghiệp vụ Ngoại giao Hoa Kỳ1 đã công bố bảng xếp hạng ngôn ngữ theo độ khó với người nói tiếng Anh (xem Phụ lục 2). Bảng xếp hạng này khá chuẩn xác. Thời gian học tiếng Nga (cấp độ 2) của tôi gần gấp đôi thời gian học tiếng Pháp (cấp độ 1), và tôi ngờ rằng thời gian học tiếng Nhật (cấp độ 3) sẽ gấp đôi tiếng Nga. Tôi đã đạt trình độ trung cấp, “nghĩ được bằng tiếng Pháp và sử dụng từ điển Pháp-Pháp”, trong vòng ba tháng với một giờ học mỗi ngày (cộng thêm các ngày cuối tuần), và đạt trình độ tương tự với tiếng Nga sau sáu tháng, mỗi ngày 30 tới 45 phút (cộng thêm các ngày cuối tuần). Bảy đến tám tuần sau đó, tôi “đắm mình” trong hai ngôn ngữ này, để đạt đến độ “thoải mái tán chuyện trong quán cà phê, không ngại nói về vấn đề xe cộ”. Tôi cũng đã thấy kết quả tương tự ở học sinh của mình. Nếu không thực sự “đắm mình”, tôi ngờ rằng để đạt đến trình độ cao trong tiếng Pháp tôi sẽ phải mất từ năm tới tám tháng, với 30 tới 45 phút tự học mỗi ngày. Những ngôn ngữ ở cấp độ 2 như tiếng Nga, Hebrew sẽ cần gấp đôi thời gian đó, và ngôn ngữ cấp độ 3 như tiếng Hoa, Ả Rập, Nhật, Hàn có lẽ sẽ cần gấp bốn.
1. Nguyên văn: The US Foreign Service Institute.
Ngôn ngữ khó hơn sẽ tốn nhiều thời gian hơn, nhưng không lý gì bạn không học được. Bạn đã sẵn có điều kiện tiên quyết: niềm hứng thú. Như việc tập thể hình chẳng hạn. Để thành công, bạn cần phải thích tập đã, nếu không sớm muộn bạn sẽ bỏ dở. Hầu hết, chúng ta đều không có cơ bụng sáu múi hoặc mặc vừa đồ cỡ M. Tôi đã thử tập bụng sáu múi (tôi đã đầu hàng việc mặc vừa đồ cỡ M từ lâu rồi), nhưng chưa bao giờ thành công vì ít hứng thú. Phải thích tập thể dục mới thành công được. Người nghiện tập thể hình tìm được niềm vui (và cả hoóc- môn endorphin) trong những bài tập nặng mỗi ngày. Số còn lại như chúng ta có thể ép bản thân đến phòng tập, nhưng nếu không hứng thú thì khó lòng duy trì trong khoảng từ 6 tới 24 tháng để thấy được kết quả. Các bài tập thể hình cứ thế giảm dần để tạo cảm giác dễ thở hơn – Cơ thể gọn gàng: 30 phút, Giải pháp: 10 phút, Cơ thể săn chắc: 5 phút, Bài tập thể dục: 3 phút. Bất kể thế nào, cuối buổi tập, chúng ta vẫn sẽ đầm đìa mồ hôi, đau nhức mình mẩy, và việc ép bản thân tập tành trong một thời gian dài lại khó khăn gấp bội.
Học ngoại ngữ cũng gặp vấn đề tương tự. Không ai thích luyện ròng rã các bài ngữ pháp và ngồi tụng niệm danh sách từ mới dài dằng dặc. Kể cả khi có gói “Thành thạo ngoại ngữ chỉ với 30 phút mỗi ngày”, bạn cũng sẽ khó lòng duy trì đều đặn nếu không hứng thú.
Chúng ta sẽ bỏ qua những thứ chán ngắt, và tìm kiếm những điều thú vị. Các công cụ của tôi rất hiệu quả. Quan trọng hơn là dùng chúng rất vui. Chúng ta đều thích tìm tòi nên mới mê sách, báo, tạp chí và lướt web như: Lifehacker, Facebook, Reddit, v.v.. Mỗi lần chúng ta đọc được một mẩu tin giật gân (ví dụ: “Vào năm 536 trước Công nguyên, một đám mây bụi lớn đã che khuất Mặt trời tại châu Âu và châu Á trong suốt một năm, gây ra nạn đói và chết chóc kinh hoàng từ Scandinavia cho tới Trung Quốc. Nguyên nhân hiện vẫn chưa được làm rõ”), trung tâm hưng phấn trong não chúng ta được kích hoạt, chúng ta nhấp vào đường dẫn tiếp theo. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ tự “gây nghiện” học ngoại ngữ. Chúng ta sẽ học từ vựng và ngữ pháp qua Facebook; tập hợp từ, nghĩa, hình ảnh và các thứ khác lên thẻ học; và ghi nhớ từ mới qua trò chơi điện tử.
Không có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào cả: Chỉ khi thích thú, chúng ta mới học tốt được, và trong quá trình tìm kiếm những cách học nhanh nhất, tôi tình cờ khám phá ra nhiều điều thú vị. Tôi thích học ngoại ngữ một phần vì có thể chơi điện tử thỏa thích mà không phải “hối hận” về sau (ví dụ: “Sao mình có thể đốt sáu tiếng đồng hồ cắm đầu vào mấy trò vớ vẩn trên Facebook”). Tôi dành 30 đến 60 phút mỗi ngày xem phim Mất tích bằng tiếng Nga trên điện thoại hoặc ti vi. Tôi học được ngoại ngữ từ thú vui đó và thấy mình không hề lãng phí thời gian.
Hãy cùng vừa chơi vừa học.
HÃY LÀM ĐIỀU NÀY NGAY: CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC
Mách nhỏ: Trong suốt cuốn sách này, tôi sẽ giới thiệu rất nhiều công cụ và nguồn tài liệu. Nếu chưa rõ, bạn có thể tra cứu tại Mục chú giải và các thuật ngữ ở cuối sách, với phần giải thích ngắn gọn. Được rồi, giờ thì bắt đầu nhé!
Tôi muốn dạy bạn cách học như thế nào, thay vì học cái gì. Chúng ta không thể nói về toàn bộ từ ngữ, hệ thống ngữ pháp và hệ thống phát âm của mọi ngôn ngữ, vì vậy bạn sẽ cần thêm nguồn tham khảo. Nhắc đến đây, bạn nên bắt đầu bằng việc chọn ngôn ngữ muốn học.
Chọn ngoại ngữ bạn muốn học
Hãy chọn ngoại ngữ dựa trên cơ hội việc làm, độ khó của ngôn ngữ, nguồn học liệu và số lượng người nói ngôn ngữ đó. Xét cho cùng, quan trọng nhất là chọn ngôn ngữ bạn thích. Một độc giả từng nhờ tôi tư vấn xem nên học tiếng Nga hay tiếng Pháp. Họ hàng của anh ấy đều nói tiếng Nga, và anh ấy rất thích văn hóa Nga, nhưng lại e khó quá. Tiếng Pháp có vẻ là lựa chọn an toàn hơn.
Đừng bao giờ hài lòng với sự an toàn khi bạn có thể chọn niềm vui thích. Ngôn ngữ mà bạn chọn sẽ trở thành bạn đồng hành bền vững. Nếu thích thú, bạn sẽ hào hứng học nó và tiếp thu nhanh hơn.
Bạn có rất nhiều cơ hội để lựa chọn.
Sách ngoại ngữ
Hãy chọn những cuốn sách phù hợp. Đã có những người dành nhiều tháng (hoặc thậm chí nhiều năm ròng, lạy Chúa) để tập hợp các kiến thức bạn cần, và bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 15 đến 25 đô-la Mỹ để mua. Trong Phụ lục 1, tôi có liệt kê những cuốn sách cho 11 ngôn ngữ nhiều người muốn học nhất. Nếu ngôn ngữ bạn chọn không có trong danh sách đó, hãy ghé thăm trang web của tôi, Fluent-Forever.com. Mục tiêu của tôi là gợi ý chọn sách để học tốt mọi ngôn ngữ cho mọi người.
HÃY MUA NHỮNG THỨ NÀY NGAY LẬP TỨC
Một cuốn sách ngữ pháp tốt sẽ tận tình giúp bạn vượt qua mê trận ngữ pháp.1 Nó cũng sẽ cung cấp cho bạn khoảng 1.000 từ vựng, vô vàn ví dụ, bài tập, và đáp án ở cuối sách. Bạn sẽ bỏ qua 90% bài tập trong cuốn sách để tiết kiệm vô khối thời gian khi bắt đầu học ngữ pháp. Nếu cuốn sách có những dạng phiên âm bồi (Bonjour: bông- dua, Tschüss: chu-xờ), bạn nên bỏ nó ngay và kiếm một cuốn sách khác. Cô bồi bàn xinh đẹp của quán cà phê Paris sẽ bơ luôn nếu bạn cất lời: “bông-dua”. Nếu cuốn sách ngữ pháp có kèm luôn đĩa CD thì càng tuyệt vời hơn.
1. Chúng sẽ giải thích từng quy tắc ngữ pháp chủ yếu bằng tiếng mẹ đẻ của bạn. Tôi biết, điều này vi phạm quy tắc “không dùng tiếng mẹ đẻ”, nhưng bạn biết đấy “Quy tắc được sinh ra là để bị phá vỡ”.
Có hai dạng sách cần tránh khi học ngữ pháp. Thứ nhất là sách liệt kê trùng trùng quy tắc ngữ pháp cũng như những trường hợp bất quy tắc. Tôi đã từng thích những cuốn sách như vậy – cho đến khi tôi thử học theo. Những cuốn sách vĩ đại này tổng hợp vô số thuật ngữ, trình bày toàn bộ hệ thống ngữ pháp cùng cơ man bảng biểu khổng lồ. Chúng là những tài liệu nghiên cứu và tra cứu tuyệt vời, nhưng khó có thể dùng để học-từng-bước-một.
Thứ hai, cẩn thận với phần lớn những cuốn sách dạng giáo trình, đặc biệt là sách không có đáp án ở cuối. Chúng thường được dùng trong lớp học và ít giải thích, bởi những người làm sách tin rằng các giáo viên đủ khả năng giải quyết phần lớn thắc mắc từ học sinh. Bạn nên tìm một cuốn sách cho người tự học.
“Từ điển cụm từ” (phrase book) là công cụ tra cứu tuyệt vời, bởi khó có thể tìm thấy trong từ điển thông thường những mẫu câu cần thiết như “Am I under arrest?” (Tôi đang bị bắt à?) hay “Where are you taking me” (Các anh đang đưa tôi đi đâu thế này?). Loạt sách từ điển cụm từ của Lonely Planet rất rẻ và luôn đi kèm với một cuốn từ điển từ vựng nhỏ, tiện dụng. Chúng ta sẽ dùng bộ từ điển nhỏ này khi bắt đầu học từ mới, bởi chúng dễ tra cứu hơn nhiều so với một cuốn từ điển chuẩn dày trăm trang. Chúng ta hãy tạm chấp nhận kiểu phiên âm ngây ngô “bông-dua” trong những cuốn sách này.
CÂN NHẮC MUA THÊM CẢ NHỮNG THỨ NÀY
Từ điển tần suất sẽ liệt kê khoảng 5.000 từ quan trọng nhất trong ngoại ngữ của bạn, xếp theo mức độ được sử dụng (đứng đầu trong tiếng Anh là từ “the” – trung bình cứ 25 từ lại có một từ “the”). Những cuốn sách tuyệt vời này thường khéo léo chọn lựa những ví dụ và bản dịch phù hợp. Chúng giúp bạn tiết kiệm cả núi thời gian và đồng thời cũng ngốn cả đại dương thời gian cùng công sức của các tác giả. Nên, hãy tung hoa và thưởng tiền cho họ. Có từ điển tần suất trực tuyến, nhưng không hiệu quả bằng sách giấy. Không phải ngôn ngữ nào cũng có từ điển tần suất. Nếu ngoại ngữ của bạn mà có thì thật là may mắn. Hãy mua ngay!
Sách hướng dẫn phát âm sẽ giúp bạn nắm được cả hệ thống phát âm với sự giúp đỡ của đĩa CD chứa các bản ghi âm và sơ đồ cho thấy vị trí của răng và lưỡi. Trong nhiều ngôn ngữ, bạn có thể tìm thấy sách hướng dẫn kèm đĩa CD dạy phát âm. Chúng là những nguồn tài liệu tuyệt vời, đáng đồng tiền bát gạo. Tôi cũng đã đặt ra mục tiêu phát triển các bộ công cụ luyện phát âm cho càng nhiều ngôn ngữ càng tốt. Những bộ công cụ này có thể làm được những điều mà sách giấy không thể. Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn trong Chương 3. Không phải ngôn ngữ nào cũng có sách hướng dẫn phát âm hay bộ công cụ luyện phát âm. Nếu ngoại ngữ bạn đang học có các tài liệu ấy, bạn may mắn vô cùng.
Bạn có lẽ cũng sẽ muốn tìm hai cuốn từ điển khác nữa, có thể là bản trực tuyến hoặc sách giấy, tùy bạn. Thứ nhất là từ điển song ngữ (ví dụ: Anh-Pháp hoặc Pháp-Anh) truyền thống, với phiên âm chính xác được ghi đầy đủ bên cạnh mỗi từ. Một lần nữa, nếu bạn thấy những phiên âm bồi như “bông-dua”, hãy bỏ cuốn sách ngay lập tức. Ngược lại, nếu thấy những ký hiệu ngồ ngộ , hãy giữ sách bên mình. Chúng ta sẽ làm quen với bảng phiên âm quốc tế (International Phonetic Alphabet − IPA) trong Chương 3. Cuốn từ điển thứ hai là từ điển đơn ngữ (ví dụ: Pháp-Pháp); những cuốn này sẽ có định nghĩa thực sự của từ chứ không phải bản chuyển ngữ. Bạn sẽ không bao giờ thấy những thứ như “bông-dua” trong các từ điển này.
Bạn hẳn cũng sẽ ước ao một cuốn tổng hợp từ vựng theo chủ đề. Chúng sắp xếp các từ vựng theo các nhóm chủ đề, như xe cộ, thức ăn, y tế, v.v.. Chúng giúp điều chỉnh vốn từ vựng của bạn (chúng ta sẽ bàn kỹ hơn trong Chương 6.)
VỚI NHỮNG NGƯỜI Ở TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP
Nếu bạn đã từng học qua ngoại ngữ tới trình độ trung cấp, hãy điều chỉnh danh sách mua sắm của bạn như sau:
Trước tiên, hãy chắc chắn bạn hài lòng với cuốn sách ngữ pháp của mình. Nếu không, hãy tìm một cuốn khác phù hợp với trình độ của bạn.
Thứ hai, nếu không có từ điển cụm từ thì bạn nên mua ngay. Ngay cả khi đã đủ giỏi để đọc sách bằng ngoại ngữ, bạn vẫn có thể không nắm chắc toàn bộ những mẫu câu hỏi về giờ làm việc của một nơi nào đó, hay thủ tục làm bảo hiểm thuê xe. Bạn có thể tra cứu tất cả những mẫu câu thông dụng trong từ điển cụm từ.
Thứ ba, bạn nên sắm ngay từ điển tần suất, vì bạn sẽ dùng nó sớm hơn cả những người mới bắt đầu. Hãy tìm ngay đi!
Cuối cùng, hãy tạm quên sách hướng dẫn phát âm hay bộ công cụ luyện phát âm, cho đến khi đi hết Chương 3. Đến khi ấy, bạn sẽ biết có cần đến chúng hay không.
INTERNET
Có nhan nhản những sách hướng dẫn ngữ pháp, hướng dẫn phát âm, danh sách từ tần suất, và từ điển với đủ mọi hình thức, kích cỡ trên Internet. Chất lượng của những tài liệu này không đồng đều và cũng thay đổi liên tục. Bạn có thể học ngoại ngữ miễn phí từ các tài liệu như thế trên Internet, nhưng còn có thể học nhanh hơn nếu biết kết hợp chúng với những cuốn sách tốt. Tôi đã lên danh sách những nguồn tài liệu Internet ưa thích nhất trên trang cá nhân (Fluent-Forever.com/language-resources), và chúng ta sẽ bàn đến những trang quan trọng nhất – Google Hình ảnh, cộng đồng các trang web học ngôn ngữ mới xuất hiện (Lang-8, italki, Verbling) – xuyên suốt cuốn sách này.
GIA SƯ VÀ CÁC KHÓA HỌC
Nếu muốn học cấp tốc và có đủ khả năng tài chính, bạn hãy học với gia sư (với giá cực kỳ phải chăng tại italki.com), hoặc tham gia khóa học tập trung ở nước ngoài. Con đường nhanh nhất để thành thạo ngoại ngữ cũng là con đường ít rải hoa thơm nhất: những chương trình Cách học ngoại ngữ nhanh và không bao giờ quên học “đắm mình”, dạy hoàn toàn bằng ngoại ngữ, trải nghiệm cuộc sống với ngoại ngữ. Chúng sẽ cung cấp cho bạn hơn 20 giờ học trên lớp, 10- 12 giờ bài tập ở nhà hằng tuần, và một kế hoạch “nói không với ngôn ngữ khác” trong suốt khóa học. Bạn sẽ tốt nghiệp với mức độ thành thạo ngoại ngữ đã chọn, đổi lấy hai tháng của cuộc đời và một cọc tiền lớn. Một số chương trình có chính sách hỗ trợ tài chính rất hào phóng nên nếu bạn thiếu tiền nhưng lại sẵn thời gian, hãy đăng ký sớm để giành học bổng ưu đãi.
CÁC LỚP HỌC NGOẠI NGỮ
Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ bàn đến quá trình tự học ngoại ngữ, bên ngoài lớp học. Nhưng nếu bạn đã đăng ký một lớp học (hoặc nếu có những lớp học tốt với chi phí phải chăng gần nơi bạn sống), thì hãy xem qua phần Phụ lục 6: Làm sao để sử dụng cuốn sách này trong lớp học ngoại ngữ?
Con đường phía trước
Trong các trang tiếp theo, chúng ta sẽ lần lượt đánh đổ các chướng ngại vật trên con đường chinh phục ngoại ngữ. Tôi sẽ giới thiệu với bạn một hệ thống ghi nhớ hiệu quả, cho phép bạn nhớ dễ dàng hàng nghìn thông tin và lưu giữ chúng vĩnh viễn. Sau đó, chúng ta sẽ quyết định nên học thông tin gì. Tôi sẽ hướng dẫn bạn từng bước học phát âm, từ vựng, và ngữ pháp. Ở mỗi bước, chúng ta đều dùng hệ thống ghi nhớ hiệu quả của tôi. Cuối cùng, chúng ta sẽ phát triển kỹ năng nghe hiểu và đọc hiểu, dần tiến tới thành thạo ngoại ngữ.
Tôi sẽ cho bạn xem tất cả “đồ chơi” yêu thích của tôi. Tôi thích tìm những hướng đi mới để công việc suôn sẻ và hiệu quả. Một ngày nào đó, quãng thời gian hàng tháng tôi bỏ ra để nhớ ngày sinh của hàng trăm nhà soạn nhạc sẽ được đền bù xứng đáng, nhưng ngày đó vẫn chưa tới.1 Nói về thành quả học ngoại ngữ, tôi thấy mình khá may mắn. Tôi cần phải học thành thạo bốn thứ tiếng để phục vụ cho sự nghiệp ca hát. Ngoài các thứ tiếng này, tôi còn muốn học cả tiếng Yiddish, Hebrew và Hungary để có thể nói chuyện với họ hàng, và tôi cũng thích mê tiếng Nhật. Bởi quá tham lam nên tôi phải bỏ rất nhiều thời gian tìm ra cách làm việc, cách học tối ưu, và vẫn không cảm thấy áy náy vì quyết định đó. Kết quả là, tôi đã có một hòm đồ nghề đầy ắp công cụ và đồ chơi ngôn ngữ. Chúng ta sẽ bắt đầu với “món” ưa thích nhất của tôi: Hệ thống nhắc lại cách quãng (SRS).
1. Mỗi lần viết lại thông tin về một nhạc sĩ mà không cần tra thông tin của ông ta (Johann Strauss Jr., 1825-1899!), tôi thấy công sức mình bỏ ra cũng xứng đáng.