NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Quốc Gia Khởi Nghiệp

Chương 6: Một Chính Sách Công Nghiệp Hiệu Quả

Tác giả: Dan Senor - Saul Singer
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Ads Top

Thật không đơn giản khi phải thuyết phục mọi người rằng nuôi cá trên sa mạc là việc làm có ý nghĩa.

– GIÁO SƯ SAMUEL APPELBAUM –

Câu chuyện về phương thức giúp Israel đạt được thành tựu như hiện nay – tăng trưởng kinh tế 50 lần trong vòng 60 năm – không chỉ xoay quanh nét lập dị trong văn hóa của người Israel, bản lĩnh kinh doanh được tôi luyện trên chiến trường hay yếu tố ngẫu nhiên mang tính địa chính trị. Trong câu chuyện này phải tính đến hiệu quả của các chính sách do chính phủ ban hành, có khả năng thích nghi tương tự như quân sự và dân sự của Israel, và cũng trải qua nhiều bước ngoặt của số phận.

Lịch sử của nền kinh tế Israel là một trong hai bước tiến vĩ đại, bị chia cắt bằng một giai đoạn kinh tế đình trệ và lạm phát tăng cao. Những chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của đất nước rồi đảo ngược và giải phóng nó theo những cách mà ngay cả chính phủ cũng không mong đợi.

Bước tiến vĩ đại đầu tiên diễn ra từ năm 1948 đến 1970, giai đoạn thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp bốn lần và dân số Israel tăng gấp ba lần, thậm chí giữa giai đoạn Israel đang tham gia ba cuộc chiến lớn.[72] Lần thứ hai là từ năm 1990 đến nay, giai đoạn Israel chuyển mình từ một vùng ao tù nước đọng trở thành trung tâm hàng đầu của các chương trình sáng tạo toàn cầu. Người ta đã áp dụng những biện pháp hoàn toàn khác biệt – gần như đối lập: Giai đoạn đầu của việc mở rộng được thực hiện thông qua một chính phủ khởi nghiệp có vai trò chi phối đối với khối doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé và sơ khai; giai đoạn thứ hai thông qua khối doanh nghiệp tư nhân kinh doanh phát đạt mà ban đầu được xúc tác bằng những hành động của chính phủ. Gốc rễ của giai đoạn tăng trưởng kinh tế đầu tiên đã xuất hiện từ trước ngày lập quốc vào cuối thế kỷ 19. Ví dụ, trong những năm 1880, một nhóm khai hoang người Do Thái đã cố gắng xây dựng cộng đồng nông nghiệp tại một thị trấn mới thành lập – Petach Tikva – cách Tel Aviv ngày nay vài dặm. Đầu tiên nhóm người tiên phong này sống trong những căn lều tạm, sau đó đã thuê dân Ả-rập địa phương xây những căn chòi vách đất cho họ. Nhưng khi trời mưa, căn chòi này bị dột còn tệ hơn cả lều; còn khi nước sông tràn bờ, các kết cấu này bị nhão ra. Vài người trong nhóm bị kiết lỵ và sốt rét. Rồi chỉ sau vài mùa đông, tiền tiết kiệm của nhóm nông dân đã cạn kiệt, lối mòn dẫn ra đường cái bị xói lở, và gia đình họ gần như chết đói.

Tuy nhiên, vào năm 1883, mọi việc bắt đầu sáng sủa hơn, Edmond de Rothschild, nhà từ thiện kiêm chủ ngân hàng người Pháp gốc Do Thái đã cấp cho họ khoản hỗ trợ tài chính cần thiết. Một chuyên gia nông nghiệp khuyên nhóm người khai hoang trồng cây khuynh diệp ở những đầm lầy do nước lũ tràn vào, các rễ cây sẽ hút nước trong đầm lầy. Tỉ lệ mắc bệnh sốt rét giảm rõ rệt, và ngày càng nhiều gia đình chuyển đến sống với cộng đồng đang phát triển này[73].

Bắt đầu từ những năm 1920 và trong suốt thập kỷ đó, năng suất lao động ở Yishuv – cộng đồng Do Thái tiền nhà nước Palestine – đã tăng 80%, tạo ra lượng sản phẩm quốc gia nhiều gấp bốn lần cùng dân số Do Thái tăng gấp đôi. Ấn tượng hơn, trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 1931 đến 1935, tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm của người Do Thái và Ả-rập ở Palestine lần lượt là 28% và 14%.

Những cộng đồng nhỏ do những người khai hoang lập ra, như Petach Tikva, không bao giờ có thể tự mình đạt được sự tăng trưởng bùng nổ đó. Họ được bổ sung bằng làn sóng dân nhập cư mới, những người không chỉ đóng góp về mặt số lượng, mà còn mang theo những đặc tính tiên phong đã lật đổ nền kinh tế dựa trên lòng thiện nguyện.

Một trong số những người nhập cư đó là David Gruen, một luật sư đến từ Ba Lan vào năm 1906 khi 20 tuổi. Khi đến nơi, anh đổi sang tên Do Thái là Ben-Gurion – tên một vị tướng Do Thái từ thời đế chế La Mã, vào năm 70 sau Công Nguyên – và nhanh chóng nổi lên để trở thành lãnh đạo không thể chối bỏ của cộng đồng Yishuv. Tác gia người Israel Amos Oz đã viết: “Trong những năm đầu của nhà nước mới, nhiều người Israel xem ông như sự kết hợp của Moses, George Washington, Garibaldi và Chúa Toàn Năng”[74].

Ben-Gurion còn là doanh nhân quốc gia đầu tiên của Israel. Theodore Herzl có thể đã khái niệm hóa tầm nhìn cho chủ quyền của người Do Thái và bắt đầu khích Do Thái tha hương bằng khái niệm lãng mạn của một nhà nước chủ quyền; song chính Ben-Gurion mi là người tổ chức tầm nhìn này từ một ý tưởng để trở thành một nhà nước – dân tộc có năng lực vận hành. Sau Thế chiến II, Winston Churchill gọi Đại tướng Mỹ George Marshall là “người tổ chức sự thắng lợi” của lực lượng Đồng Minh. Diễn giải theo cách nói của Churchill, Ben-Gurion là “người tổ chức chủ nghĩa Phục quốc Do Thái”; hoặc theo thuật ngữ kinh doanh, Ben-Gurion là một “người vận hành”, người đã thật sự xây dựng đất nước Israel.

Thách thức Ben-Gurion phải đối mặt trong lĩnh vực quản lý vận hành và lên kế hoạch hậu cần là vô cùng phức tạp. Xem xét chỉ riêng một vấn đề: Làm thế nào để tiếp nhận làn sóng dân nhập cư. Từ những năm 1930 cho đến khi kết thúc nạn thảm sát người Do Thái (Holocaust), hàng triệu người châu Âu gốc Do Thái bị chuyển đến các trại tập trung, một số đã tìm cách đào tẩu đến Palestine. Tuy nhiên, những người trốn thoát lại bị nhiều nước từ chối cho tị nạn và buộc phải sống chui lủi, thường là trong những điều kiện khủng khiếp. Sau năm 1939, chính phủ Anh khi đó, vốn là siêu cường thuộc địa phụ trách Palestine, đã ban hành lệnh cấm hà khắc lên làn sóng nhập cư với một chính sách được biết đến với tên gọi “Bạch Thư” (White Paper). Nhà cầm quyền Anh từ chối hầu hết những người muốn tị nạn tại Palestine.

Đáp lại, Ben-Gurion phát động hai chiến dịch tưởng chừng trái ngược nhau. Đầu tiên, ông thuyết phục và thu xếp cho khoảng 18 nghìn người Do Thái đang sống ở Palestine quay về châu Âu để gia nhập quân đội Anh trong “Tiểu đoàn Do Thái” chống Đức Quốc xã. Cùng lúc đó, ông tạo ra một cơ quan ngầm để bí mật vận chuyển người tị nạn Do Thái từ châu Âu sang Palestine, thách thức chính sách nhập cư của Anh. Ben-Gurion, một mặt cùng chiến tuyến với người Anh ở châu Âu; mặt khác chống lại người Anh ở Palestine.

Hầu hết lịch sử của kỷ nguyên này tập trung vào những cuộc tranh đấu quân sự và chính trị để dẫn đến sự ra đời của nhà nước Israel vào năm 1948. Trong suốt quá trình đó, đã nổi lên một huyền thoại xung quanh khía cạnh kinh tế trong câu chuyện này: Ben-Gurion là một người theo chủ nghĩa xã hội và Israel được sinh ra dưới hình hài một nhà nước xã hội chủ nghĩa triệt để.

Nguyên nhân của huyền thoại này rất dễ hiểu.

Ben-Gurion bị đắm chìm trong môi trường chủ nghĩa xã hội của kỷ nguyên đó, và chịu ảnh hưởng sâu sắc sự trỗi dậy của chủ nghĩa Mác và cuộc Cách mạng Nga năm 1917. Rất nhiều người Do Thái trong thời kỳ tiền nhà nước Palestine đến từ Liên bang Xô Viết và Đông Âu là những người theo chủ nghĩa xã hội, và họ đều chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa nà

Nhưng Ben-Gurion tập trung một cách khác thường vào việc xây dựng nhà nước, bằng mọi phương tiện. Ông không đủ kiên nhẫn để thí nghiệm những chính sách mà ông tin rằng được tạo ra đơn giản chỉ để công nhận giá trị hệ tư tưởng Mác xít. Trong quan điểm của ông, mọi chính sách – kinh tế, chính trị, quân sự hoặc xã hội – đều phải phục vụ cho mục tiêu xây dựng quốc gia. Ben-Gurion là một hình mẫu bitzu’ist cổ điển, đây là một từ trong tiếng Hebrew có nghĩa gần với “người theo chủ nghĩa thực dụng”, nhưng có thêm nhiều phẩm chất của một nhà hoạt động. Bitzu’ist là người làm việc tới nơi tới chốn.

Chủ nghĩa bitzu’ là trung tâm của những đặc tính tiên phong và là động lực của tinh thần khởi nghiệp Israel. “Gọi một người là bitzu’ist tức là khen ngợi người đó một cách sâu sắc”, tác gia kiêm biên tập viên Leon Wieseltier viết. “Bitzu’ist là người xây dựng, người tưới ruộng, phi công, kẻ buôn lậu súng và là người khai hoang. Người Israel công nhận loại hình xã hội: Cộc cằn, tháo vát, nôn nóng, mỉa mai, hiệu quả, không cần nghĩ nhiều mà cũng không cần ngủ nhiều”[75]. Tuy Wieseltier đang miêu tả một thế hệ người tiên phong, song từ ngữ của ông cũng phù hợp để nói về bất kỳ ai dám mạo hiểm mọi thứ để thành lập những công ty “khởi nghiệp”. Chủ nghĩa Bitzu’ là chủ đề đi từ những con người dám đối mặt với kẻ cướp và tát cạn đầm lầy cho đến những doanh nhân tin rằng họ có thể bất chấp những điều kỳ quặc và nòng súng để biến ước mơ thành hiện thực.

Đối với Ben-Gurion, nhiệm vụ chủ yếu là làm sao để dàn trải người dân trên mảnh đất sau này sẽ trở thành Israel. Ông tin rằng tập trung cao độ vào chương trình định cư là cách duy nhất để đảm bảo chủ quyền tương lai của Israel. Nếu không, những khu vực không có hoặc ít người định cư sẽ bị kẻ thù đoạt mất – những kẻ sẽ dễ dàng thuyết phục cộng đồng quốc tế nếu người Do Thái không có mặt tại những khu vực tranh chấp. Hơn nữa, sự tập trung dày đặc ở các đô thị – trong các thành phố và thị trấn như Jerusalem, Tiberias và Safed sẽ biến những nơi này thành mục tiêu rõ ràng cho lực lượng không quân thù địch, đây cũng là một lý do để phân tán rộng rãi dân cư.

Ben-Gurion cũng hiểu mọi người sẽ không chịu chuyển đến các khu vực kém phát triển, cách quá xa trung tâm thành thị và cơ sở hạ tầng cơ bản nếu chính phủ không đi đầu trong việc giải quyết và khuyến khích tái định cư. Ông biết nhiều nhà tư bản tư nhân sẽ không muốn phải chịu rủi ro cho những nỗ lực như vậy.

Song sự tập trung cao độ vào công cuộc phát triển cũng tạo ra di sản là một chính phủ không chính thức can thiệp vào nền kinh tế. Sự chuyên chế của Pinchas Sapir rất tiêu biểu. Trong suốt những năm 1960 và 1970, Sapir giữ nhiều trọng trách như Bộ trưởng Tài chính hay Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp. Phong cách quản lý của Sapir vi mô đến mức ông đã thiết lập những tỉ giá ngoại tệ khác nhau cho từng nhà máy khác nhau – với tên gọi “phương pháp 100 tỉ giá hối đoái” – và theo dõi tất cả tỉ giá này bằng cách ghi vào một quyển số nhỏ màu đen.

Theo Moshe Sanbar, Thống đốc thứ hai của Ngân hàng Israel, Sapir nổi danh với hai cuốn sổ. “Một trong hai cuốn sổ là Cục Thống kê trung ương của riêng ông: Sapir yêu cầu mọi nhà máy lớn phải báo cáo lại họ đã bán được bao nhiêu, bán cho ai, đã tiêu thụ bao nhiêu điện… Và đây là cách ông ta nắm rõ, trước khi những số liệu thống kê chính thức được lưu lại, nền kinh tế đang diễn ra như thế nào.”

Sanbar cũng tin rằng hệ thống này chỉ hiệu quả trong một quốc gia lý tưởng, luôn cố gắng phấn đấu và có diện tích nhỏ: Không có chính phủ minh bạch, nhưng “mọi chính trị gia lúc bấy giờ đều qua đời trong cảnh nghèo khó… Họ can thiệp vào thị trường, quyết định bất kỳ điều gì họ muốn, nhưng không lấy trong túi ai dù chỉ một xu”[76], Sanbar cho biết.

NÔNG TRANG (KIBBUTZ) VÀ CUỘC CÁCH MẠNG NÔNG NGHIỆP

Trung tâm của cú nhảy vĩ đại đầu tiên là một phát kiến xã hội mà quy mô không hề tương xứng với tầm ảnh hưởng địa phương và quốc tế của chính nó: Nông trang (kibbutz). Ngày nay, tuy chiếm chưa đến 2% dân số Israel, song những nông trang viên sản xuất đến 12% lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước.

Những nhà sử học đã gọi nông trang là “hoạt động công xã thành công nhất thế giới”[77]. Tuy nhiên vào năm 1944, bốn năm trước thời điểm lập quốc của Israel, chỉ có 16 nghìn người sống trong các kibbutzim (kibbutz nghĩa là “tập hợp” hoặc “hợp tác”, kibbutzim là số nhiều, còn những thành viên gọi là kibbutznik). Được tạo ra như các khu định cư nông nghiệp nhằm xóa bỏ sự tư hữu và đem lại bình đẳng cho toàn dân, phong trào đã phát triển trong suốt 20 năm tiếp theo, lên thành 80 nghìn người sống trong 250 cộng đồng, song con số này vẫn chỉ chiếm 4% dân số Israel. Tuy nhiên ngày nay, các nông trang đã đóng góp 15% thành viên của Knesset – tên gọi Quốc hội Israel, và một con số còn lớn hơn thế cho lực lượng sĩ quan và phi công của quân đội Israel. Một phần tư trong ố 800 lính Israel hy sinh trong Cuộc chiến Sáu ngày năm 1967 là các kibbutznik – gấp sáu lần so với tỉ lệ của họ trong tổng dân số[78].

Mặc dù viễn cảnh về một công xã chủ nghĩa xã hội có thể mang hình ảnh của một nền văn hóa du mục, nhưng điều này không đúng với nông trang lúc ban đầu. Những nông trang viên bắt đầu biểu tượng hóa sự chịu đựng gian khổ và loại bỏ tính lễ nghi, sự theo đuổi bình đẳng triệt để của họ đã sản sinh ra chủ nghĩa khổ hạnh. Ví dụ tiêu biểu là Abraham Herzfield, một lãnh đạo phong trào nông trang trong những năm đầu tiên của nhà nước Israel, người cho rằng việc xả nước nhà vệ sinh là sự suy đồi không thể chấp nhận được. Ngay cả trong một nước Israel nghèo khổ và bị vây hãm của những năm 1950, khi những nhu yếu phẩm cũng bị giới hạn, bệ xí xả nước vẫn được xem là tiện nghi phổ thông trong mọi khu dân cư và thành phố của Israel. Người ta đồn rằng khi chiếc bệ xí đầu tiên được lắp tại một nông trang, Herzfield đã tự tay dùng rìu phá tan nó. Nhưng đến những năm 1960, ngay cả Herzfield cũng không thể chống lại sự tiến bộ, và hầu hết các nông trang đều lắp đặt nhà vệ sinh có xả nước[79].

Mô hình nông trang có tính chất tập trung và dân chủ cao độ. Mỗi câu hỏi của vấn đề tự quản, như trồng cây gì hay thành viên có nên sở hữu tivi đều được đưa ra thảo luận không dứt. Shimon Peres nói với chúng tôi: “Tại nông trang không có cảnh sát, không có tòa án. Thời tôi làm thành viên ở đó, người ta không có tiền riêng; và thậm chí còn không có cả thư riêng trước lúc tôi đến. Thư gửi đến và ai cũng được đọc”.

Có lẽ điều gây tranh cãi nhất là việc trẻ em tại nông trang được tất cả mọi người nuôi dưỡng. Tuy mỗi nơi mỗi khác, nhưng hầu hết các nông trang đều có những “nhà trẻ”, ở đó trẻ em cùng chung sống và được các thành viên trong nông trang chăm sóc. Tại hầu hết các nông trang, trẻ con được gặp cha mẹ của chúng vài tiếng mỗi ngày, nhưng chúng ngủ cùng bạn bè, chứ không phải ở nhà cha mẹ.

Sự trỗi dậy của nông trang một phần là kết quả của những đột phá trong công nghệ và nông nghiệp do các nông trang và trường đại học của Israel thực hiện. Sự chuyển dịch từ những khó khăn khắc nghiệt và những lý tưởng không thể lay chuyển của thế hệ lập quốc cũng như chuyển dịch từ việc cày bừa sang công nghiệp tiên tiến là điều có thể quan sát được tại một nông trang như Hatzerim. Nông trang này, cùng với 10 khu định cư nhỏ và biệt lập khác, đã được dựng lên chỉ trong một đêm tháng 10 năm 1946, khi Haganah, lực lượng quân sự chính của nhà nước tiền Do Thái muốn thiết lập sự hiện diện của mình tại những điểm chiến lược ở khu vực phía nam sa mạc Negev. Khi bình minh ló dạng, năm người phụ nữ và 21 người đàn ông được phái đến để xây dựng cộng đồng, thấy mình đang đứng trên một ngọn đồi khô cằn và hoang dã, chỉ thấy một cây keo duy nhất ở phía chân trời.

Phải mất một năm trước khi nhóm quản lý xây dựng đường ống có đường kính 6 inch dẫn nước từ khu vực cách đó 40 dặm. Trong suốt Cuộc chiến Độc lập năm 1948, nông trang Hatzerim đã bị tấn công và cắt đứt nguồn nước. Thậm chí sau khi cuộc chiến kết thúc, do đất bị nhiễm mặn, khó canh tác mà vào năm 1959, những thành viên nông trang đã tranh cãi về chuyện đóng cửa Hatzerim để chuyển đến địa điểm khác có môi trường thân thiện hơn.

Nhưng cuối cùng, cộng đồng này đã quyết định ở lại khi nhận ra vấn đề đất nhiễm mặn không chỉ ảnh hưởng đến Hatzerim mà hầu như là toàn bộ vùng Negev. Hai năm sau, thành viên quản lý nông trang Hatzerim đã thau rửa đất đai tới mức có thể trồng trọt được. Tuy nhiên, đây chỉ mới là những đột phá đầu tiên của Hatzerim cho chính họ và cho cả quốc gia.

Vào năm 1965, kỹ sư thủy lợi Simcha Blass đến Hatzerim với ý tưởng cho một phát minh ông muốn thương mại hóa: Công nghệ tưới nhỏ giọt. Đây là khởi đầu của đơn vị mà sau này đã trở thành Netafim, công ty toàn cầu về kỹ thuật tưới tiêu nhỏ giọt.

Giáo sư Ricardo Hausmann đứng đầu Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Harvard, và là nguyên Bộ trưởng Phát triển trong chính phủ Venezuela. Ông cũng là chuyên gia nổi tiếng thế giới về các mô hình phát triển kinh tế quốc gia. Mọi quốc gia đều có khó khăn và hạn chế, ông nói với chúng tôi, nhưng điều gây kinh ngạc của Israel chính là thiên hướng tiếp nhận các vấn đề – như sự thiếu nước – và biến chúng thành tài sản – như trong trường hợp này là dẫn đầu trong các lĩnh vực nông nghiệp vùng hoang mạc, tưới nhỏ giọt và khử mặn. Mô hình nông trang luôn ở vị trí tiền tuyến của quá trình này từ khi bắt đầu. Những khó khăn về mặt môi trường mà các nông trang phải đối mặt cuối cùng lại vô cùng hiệu quả, giống như những mối đe dọa an ninh của Israel. Ngân sách lớn chi cho việc phát triển và nghiên cứu để giải quyết các vấn đề quân sự thông qua công nghệ cao – bao gồm công nghệ nhận diện giọng nói, thông tin liên lạc, quang học, phần cứng, phần mềm và nhiều lĩnh vực khác – đã giúp Israel khởi động, đào tạo và duy trì khối công nghệ dân sự.

Bất lợi của quốc gia khi có một phần lãnh thổ bị sa mạc hóa đã được chuyển hóa thành của cải. Nhìn vào Israel hôm nay, hầu hết du các khách sẽ ngạc nhiên khi biết 95% diện tích của đất nước bị xếp vào nhóm bán khô hạn, kh hoặc rất khô hạn, dựa vào lượng mưa hằng năm. Thật vậy, khi mới lập quốc, sa mạc Negev đã tràn lên phía Bắc, giữa Jerusalem và Tel Aviv. Vẫn là vùng đất lớn nhất Israel, nhưng tiến trình xâm thực của sa mạc Negev đã bị đảo lộn khi vùng đất phía Bắc của nó đã phủ đầy các cánh rừng và các cánh đồng nông nghiệp do con người trồng. Phần lớn điều này đạt được là nhờ các chính sách thủy lợi sáng tạo từ thời của Hatzerim. Israel ngày nay dẫn đầu thế giới về tái chế nước thải: Hơn 70% lượng nước được tái chế, gấp ba lần tỉ lệ tại Tây Ban Nha, quốc gia đứng vị trí thứ hai[80].

Nông trang Mashabbe Sade, cũng trong sa mạc Negev còn đi xa hơn: Những thành viên nông trang đã tìm ra cách sử dụng nước tái chế không chỉ một mà những hai lần. Họ đã đào giếng sâu bằng chiều dài mười sân bóng đá – gần nửa dặm – và phát hiện nguồn nước vừa ấm vừa mặn. Điu này không có vẻ gì là tuyệt vời, cho đến khi họ tham khảo ý kiến từ Giáo sư Samuel Appelbaum của trường Đại học Ben-Gurion tại Negev: Ông ấy nhận ra đây là nguồn nước hoàn hảo để nuôi cá nước ấm.

“Thật không đơn giản khi phải thuyết phục mọi người rằng nuôi cá trên sa mạc là việc làm có ý nghĩa”, nhà ngư học Appelbaum nói. “Nhưng việc đập tan ý nghĩ rằng đất đai cằn cỗi đồng nghĩa với vô dụng là rất quan trọng”[81]. Các nông trang viên bắt đầu bơm nguồn nước nóng 37 độ vào trong các bể chứa cá rô phi, cá chẽm và cá vược để sản xuất thương mại. Sau khi được dùng trong bể cá, chỗ nước chứa chất thải của cá giờ lại là nguồn phân bón hoàn hảo cho các rặng cây chà là và ôliu. Các nông trang cũng tìm ra cách trồng rau và cây ăn trái được tưới trực tiếp bằng nguồn nước ngm.

Một thế kỷ trước, Israel đã được Mark Twain và nhiều du khách khác miêu tả là vùng đất đa phần cằn cỗi. Giờ đây nơi này có khoảng 240 triệu cây xanh do hàng triệu người cùng trồng. Rừng cây được trồng trên khắp đất nước, nhưng lớn nhất và có lẽ cũng là phi thường hơn cả chính là rừng Yatir.

Năm 1932, Yosef Weitz trở thành quan chức lâm nghiệp hàng đầu tại Quỹ quốc gia Do Thái, một tổ chức tiền nhà nước chuyên mua đất và trồng cây trên mảnh đất mà sau này là Israel. Weitz mất hơn 30 năm để thuyết phục chính tổ chức và chính phủ của mình trồng rừng trên khu đồi ở rìa sa mạc Negev. Hầu hết đều nghĩ việc này là bất khả thi. Giờ đây ở đó có khoảng 4 triệu cây trồng. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy khu rừng vươn ra như một bản sắp chữ có thể nhìn thấy bằng mắt thường, bao quanh là sa mạcà đất khô ở một nơi khu rừng lẽ ra không thể tồn tại. FluxNet là một dự án nghiên cứu môi trường toàn cầu phối hợp cùng NASA thu thập dữ liệu từ hơn 100 tháp theo dõi trên khắp thế giới. Chỉ có một ngọn tháp nằm giữa khu rừng trong vùng bán khô hạn: Rừng Yatir.

Rừng Yatir sống nhờ nước mưa, mặc dù lượng mưa hằng năm tại đây chỉ đạt 280mm, tương đương 1/3 lượng mưa hằng năm ở Dallas, Texas. Thế nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện cây trồng trong rừng Yatir có tốc độ sinh trưởng tự nhiên nhanh hơn kỳ vọng, và lượng hấp thụ khí carbon dioxide từ không khí của chúng tương đương với những khu rừng ở vùng ôn đới.

Dan Yakir là nhà khoa học tại Viện Weizmann, người quản lý trạm nghiên cứu FluxNet tại Yatir. Ông cho biết khu rừng không chỉ chứng minh rằng cây cối có thể phát triển ở những khu vực bị xem là hoang mạc, mà còn cho thấy chỉ cần trồng rừng trên 12% diện tích đất bán hoang mạc của thế giới là có thể giảm một tỉ tấn carbon ở tầng khí quyển mỗi năm – tương đương với lượng khí carbon thải ra từ 1000 nhà máy nhiệt điện công suất 500 MW hằng năm. Một tỉ tấn carbon cũng góp vào một trong bảy “nhân tố bình ổn” mà giới khoa học cho là sẽ cần thiết để cân bằng lượng carbon trên tầng khí quyển ở mức hiện tại.

Tháng 12 năm 2008, Đại học Ben-Gurion chủ trì một hội nghị chống sa mạc hóa lớn nhất thế giới do Liên Hợp Quốc tài trợ. Các chuyên gia đến từ 40 nước háo hức được tận mắt chứng kiến tại sao Israel là quốc gia duy nhất mà sa mạc đang dần bị đẩy lùi[82].

CÚ NHẢY VỌT CỦA ISRAEL

Câu chuyện nông trang chỉ là một phần của quỹ đạo chung trong cuộc cách mạng kinh tế Israel. Dù theo chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa phát triển hay lai giữa hai loại, thành tích kinh tế của Israel trong 20 năm đầu vẫn rất ấn tượng. Từ năm 1950 đến hết năm 1955, kinh tế Israel tăng trưởng khoảng 13% mỗi năm, mức tăng trưởng hằng năm chỉ quanh quẩn dưới 10% vào những năm 1960. Nền kinh tế Israel không chỉ mở rộng, mà còn trải qua điều mà Hausmann gọi là “cú nhảy vọt”, diễn ra khi một nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách thu nhập theo đầu người với những quốc gia giàu có ở thế giới thứ nhất[83].

Trong khi những giai đoạn tăng trưởng kinh tế rất phổ biến ở hầu hết các nước, thì những cú nhảy vọt lại hiếm hoi hơn. Một phần ba thế giới đã trải qua giai đoạn tăng trưởng trong 50 năm qua, nhưng chưa tới 10% số này đạt được một bước nhảy vọt. Tuy nhiên, nền kinh t Israel đã tăng thu nhập bình quân đầu người của mình từ mức chỉ bằng 25% Mỹ vào năm 1950 lên thành 60% vào năm 1970. Điều này có nghĩa Israel đã tăng gấp đôi tiêu chuẩn sống so với Mỹ chỉ trong vòng 20 năm[84].

Trong suốt giai đoạn này, chính phủ đã không có nỗ lực nào để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp tư nhân, và nếu có, cũng chỉ là cường điệu sự thù địch sâu sắc với lợi ích của khối tư nhân. Mặc dù phe đối lập của chính phủ bắt đầu phản đối bàn tay kinh tế nặng nề và thái ộ chống thị trường tự do của chính phủ, những cũng chỉ một thiểu số lên tiếng chỉ trích. Nếu chính quyền biết trân trọng và tìm cách mở đường cho các sáng kiến dành cho khối tư nhân, nền kinh tế đã có thể tăng trưởng còn nhanh hơn.

Tuy nhiên, khi nhìn lại quá khứ, rõ ràng màn trình diễn của nền kinh tế Israel một phần là nhờ sự can thiệp của chính phủ, thay vì để nó tự phát. Trong suốt những giai đoạn đầu của bất kỳ nền kinh tế sơ khai nào, luôn có nhiều cơ hội dễ nhận biết cho đầu tư quy mô lớn: Đường xá, hệ thống nước, nhà máy, cầu cảng, mạng lưới điện và xây dựng nhà cửa. Những khoản đầu tư khổng lồ của Israel dành cho các dự án như hệ thống dẫn nước quốc gia Israel, dẫn nước biển Galilee từ phía Bắc xuống vùng Negev khô hạn ở phía Nam đã giúp kích thích tốc độ tăng trưởng cao. Sự phát triển thần tốc của nhà cửa ở các nông trang đã tạo ra tăng trưởng trong xây dựng và các ngành dịch vụ. Nhưng điều quan trọng khi không khái quát hóa chính là: Nhiều nước đang phát triển khi triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn đã lãng phí lượng ngân sách nhà nước khổng lồ vì tham nhũng và sự thiếu hiệu quả của chính phú. Israel cũng không phải là một ngoại lệ.

Mặc dù các dự án cơ sở hạ tầng có lẽ là yếu tố dễ nhận thấy nhất, song điều gây ấn tượng hơn cả là sự hình thành một cách thận trọng của các ngành công nghiệp, chẳng hạn các dự án kinh doanh từ bên trong nhà nước. Shimon Peres và Al Schwimmer, một người Mỹ từng buôn lậu máy bay và vũ khí vào Israel trong suốt Cuộc chiến Độc lập đã nuôi giấc mơ tạo dựng ngành công nghiệp hàng không của Israel. Khi họ trình bày ý tưởng với Chính phủ Israel vào những năm 1950, phản ứng họ nhận được đi từ sự hoài nghi đến giễu cợt. Vào thời điểm đó, hàng hóa thiết yếu như sữa và trứng vẫn còn khan hiếm, và hàng ngàn người tị nạn mới đến vẫn phải sống trong lều, nên không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các vị bộ trưởng đều nghĩ rằng Israel không đủ khả năng và cũng khó thành công với nỗ lực đó.

Peres đã thuyết phục được David Ben-Gurion rằng Israel có thể bắt đầu sửa chữa các máy bay còn lại từ Thế chiến II. Họ thành lập một doanh nghiệp lớn nhất ở Israel khi đó là Bedek. Ngày nay, Bedek trở thành Israel Aircraft Industries, doanh nghiệp dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không.

Trong suốt giai đoạn phát triển này của Israel, các doanh nghiệp tư nhân có thể không có vai trò quan trọng, do những nhu cầu lớn và cấp bách nhất của nền kinh tế là rất rõ ràng. Song hệ thống này đã sụp đổ khi nền kinh tế dần trở nên phức tạp hơn. Theo nhà kinh tế học người Israel, Yakir Plessner, một khi chính phủ làm nền kinh tế bị bão hòa với ngân sách lớn dành cho cơ sở hạ tầng, chỉ có thể trông cậy vào các doanh nhân để thúc đẩy tăng trưởng; chỉ họ mới có thể tìm thấy “những ngách hẹp của lợi thế tương đối”[85].

Việc chuyển đổi từ phát triển tập trung sang nền kinh tế tư nhân lẽ ra đã phải xuất hiện vào giữa những năm 1960. Trong khoảng thời gian 20 năm từ 1946 đến 1966, nhiều khoản đầu tư quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng đã được thực hiện. Năm 1966, khi không còn mục tiêu đáng kể để đầu tư, Israel lần đầu tiên nếm trải mức tăng trưởng kinh tế gần như bằng không. Điều này lẽ ra đã đủ để thuyết phục chính phủ Israel mở cửa nền kinh tế cho các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng thay vào đó, những sự cải cách cấp bách lại bị trì hoãn vì Cuộc chiến Sáu ngày. Chỉ trong một tuần kể từ ngày 6 tháng 6 năm 1967, Israel đã chiếm Bờ Tây, Dải Gaza, bán đảo Sinai và cao nguyên Golan. Tổng diện tích của các vùng lãnh thổ này gấp ba lần đất nước Israel.

Bỗng nhiên, một lần nữa, chính phủ Israel lại bận rộn với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Và bởi vì quân đội Israel cần thiết lập vị trí tại những vùng lãnh thổ mới, các khoản ngân sách khổng lồ được dành cho các công trình quốc phòng, an ninh biên giới và những cơ sở hạ tầng tốn kém khác. Đây là một chương trình “kích thích” kinh tế khổng lồ.

Kết quả là từ năm 1967 đến 1968, đầu tư cho thiết bị xây dựng đã tăng 725%. Thời điểm xảy ra cuộc chiến đã giúp củng cố bản năng sống còn của những chuyên gia hoạch định kế hoạch trung ương của Israel.

“THẬP KỶ MẤT MÁT” CỦA ISRAEL

Dẫu vậy, nền kinh tế của Israel lúc đó vẫn đang sống trong một thời kỳ vay mượn. Một cuộc chiến khác diễn ra sáu năm sau đó, cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, đã không không mang lại sự thúc đẩy kinh tế tương tự. Israel đã hứng chịu con số thương vong nặng nề (ba ngàn người chết và hàng ngàn người khác bị thương) và thiệt hại to lớn về cơ sở hạ tầng. Trong tình cảnh buộc phải huy động số lượng lớn quân dự bị, quân đội Israel đã kéo hầu hết lực lượng lao động khỏi nền kinh tế trong sáu tháng. Ảnh hưởng của một đợt tổng động viên dai dẳng như vậy đã làm tê liệt các công ty và thậm chí toàn bộ các ngành công nghiệp. Hoạt động kinh doanh cũng bị ngưng trệ.

Trong bất kỳ môi trường kinh tế bình thường nào, thu nhập cá nhân của giới lao động trong nước cũng sẽ bị giảm theo. Nhưng ở Israel lại không thế. Thay vì để cho tiền lương rơi tự do, chính phủ đã chống đỡ bằng một phương tiện mà kết quả là dẫn đến mức nợ công rất cao.

Để cố gắng bù đắp cho khoản nợ mỗi ngày một phình to, mọi mức thuế – bao gồm cả thuế đánh vào vốn đầu tư – đều tăng. Các khoản nợ ngắn hạn có lãi suất cao được sử dụng để tài trợ cho các khoản thâm hụt tài chính, về sau đã làm tăng khoản trả lãi.

Tất cả những điều này trùng hợp với sự suy giảm số dân nhập cư thuần. Người nhập cư mới luôn là nguồn sinh lực chủ yếu cho nền kinh tế của Israel. Đã từng có tăng trưởng ròng số lượng nhập cư khi số người nhập cư tăng gần 100 nghìn người vào giữa năm 1972 và 1973. Nhưng con số này giảm xuống còn 14 nghìn người vào năm 1974 và gần như bằng không vào năm 1975.

Điều đã khiến sự hồi phục của Israel trở nên khó khăn – nếu không muốn nói bất khả thi – là sự độc quyền thị trường vốn của chính phủ Israel. Như chính Ngân hàng Trung ương Israel đã miêu tả vào lúc đó: “Sự tham gia của chính phủ đã vượt quá những gì từng được biết tại những nước dân chủ”. Chính quyền Israel đã thiết lập các điều khoản và mức lãi suất cho mọi khoản vay và công cụ nợ dành cho đối tượng khách hàng cá nhân và tín dụng doanh nghiệp. Những ngân hàng thương mại và quỹ hưu trí bị buộc phải dùng tiền gửi để mua trái phiếu không được phép chuyển nhượng của chính phủ, hoặc phải tài trợ cho các khoản vay của doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án dành riêng cho chính phủ[86].

Đây là tình trạng của nền kinh tế Israel trong suốt giai đoạn thường được giới kinh tế học mô tả là “thập kỷ mất mát” của Israel, kéo dài từ giữa những năm 1970 đến giữa những năm 1980. Ngày nay, quyết định của Intel trong việc tìm kiếm các kỹ sư tài năng ở Israel có vẻ như một động thái rõ ràng. Thế nhưng một Israel mà Intel tìm thấy vào năm 1974 lại hoàn toàn không giống hiện tại. Trong khi Israel có vẻ không còn giống như một vùng đất đầy cát, đầm lầy và bệnh sốt rét, song du khách trong những năm 19 có thể tưởng như họ vừa hạ cánh xuống một nước thuộc thế giới thứ ba.

Những trường đại học và kỹ sư tài năng của Israel trong thời kỳ này đã khá tiên tiến, nhưng hầu hết cơ sở hạ tầng đều đã lỗi thời. Sân bay thì nhỏ, kỳ dị và tồi tàn. Một người đến Israel và làm thủ tục nhập cảnh sẽ cảm thấy ngay phong vị kiểu Xô Viết. Không có con đường chính nào đủ tiêu chuẩn đường cao tốc. Tín hiệu truyền hình thì chập chờn, nhưng cũng không thành vấn đề vì khi đó chỉ có duy nhất một đài truyền hình của chính phủ bằng tiếng Hebrew, cùng một số kênh truyền hình Ả-rập mà một ăngten đủ mạnh có thể bắt được sóng từ Jordan hoặc Lebanon.

Không phải ai cũng có điện thoại ở nhà riêng, không phải vì họ đều có điện thoại di động, thứ này chưa tồn tại khi đó. Nguyên nhân là việc kéo đường dây điện thoại được một cơ quan có thẩm quyền cấp rất chậm, và phải đợi rất lâu mới đến lượt. Các siêu thị, không giống những chợ thực phẩm phổ biến ở các khu phố, là điều rất mới mẻ và nó không có nhiều hàng hóa quốc tế.

Các chuỗi cửa hàng bán lẻ quốc tế cũng chưa xuất hiện. Nếu cần thứ gì đó từ nước ngoài, bạn phải tự đến đó mua hoặc nhờ ai đó mang về hộ. Thuế hải quan cao – nhiều người ủng hộ chính sách cố gắng làm hài lòng các nhà sản xuất địa phương – khiến hầu hết hàng hóa nhập khẩu hết sức đắt đỏ.

Xe hơi trên đường là một đống sắt di động, một số được sản xuất tại Israel (chúng đã trở thành đối tượng trong các câu truyện cười, giống như xe hơi Nga sản xuất ở Nga) và các mẫu xe rẻ tiền nhất, chủ yếu của Subaru và Citroen, hai công ty dũng cảm hoặc tuyệt vọng tới mức dám thách thức lệnh tẩy chay kinh tế của khối Ả-rập. Hệ thống ngân hàng và các quy định tài chính của chính phủ cũng lỗi thời như ngành công nghiệp ôtô. Việc đổi tiền USD là phạm pháp ở bất kỳ đâu, ngoại trừ các ngân hàng, vốn dùng tỉ giá hối đoái do nhà nước thiết lập. Thậm chí có tài khoản ở ngân hàng nước ngoài cũng là bất hợp pháp.

Tâm trạng chung khi đó khá khắc khổ. Sự hưng phấn có được nhờ thắng lợi chấn động năm 1967 – được một số người so sánh như là được ân xá tử hình rồi thắng xổ số – nhanh chóng tiêu tan sau cuộc chiến Yom Kippur 1973 và bị thế chỗ bằng thứ cảm giác mới của sự bất an, bị cô lập, và có lẽ tệ hơn tất cả là sai lầm bi kịch. Quân đội Israel hùng mạnh đã hoàn toàn bị bất ngờ và tổn thất nặng nề. Sự an ủi hiếm thấy lúc đó, theo thuật ngữ quân sự, là Israel đã chiến thắng trong cuộc chiến. Nhưng người Israel cảm thấy các lãnh đạo chính trị và quân đội đã làm họ thất vọng hoàn toàn.

Một ủy ban thra công khai được chỉ định, dẫn đến việc sa thải Tham mưu trưởng quân đội Israel, Giám đốc tình báo và nhiều quan chức an ninh cao cấp khác. Tuy được ủy ban miễn tội, nhưng Thủ tướng Golda Meir đã nhận trách nhiệm cho những gì được xem là thất bại và xin từ chức chỉ một tháng sau khi công bố bản báo cáo của ủy ban. Nhưng người kế nhiệm bà, Yitzhak Rabin đã bị buộc từ chức thủ tướng vì phu nhân của ông bị phát hiện sở hữu tài khoản ngân hàng nước ngoài vào năm 1977.

Vào đầu những năm 1980, Israel còn bị ảnh hưởng từ lạm phát phi mã: Đi siêu thị đồng nghĩa với việc tiêu hàng ngàn đồng shekel vô giá trị. Lạm phát tăng từ 13% vào năm 1971 lên 111% vào năm 1979. Một phần là do giá dầu tăng vào thời điểm đó, nhưng nạn lạm phát ở Israel vẫn tăng vọt hơn nhiều nước khác, từ 133% vào năm 1980 lên 455% vào năm 1984, và gần đạt mức bốn con số trong vòng một hay hai năm tiếp theo[87].

Người dân tích trữ thẻ điện thoại, vì giá trị của chúng không thay đổi khi giá cả các mặt hàng khác liên tục tăng; cũng như khẩn trương đi mua nhu yếu phẩm trước khi giá dự kiến tăng. Theo một câu chuyện tiếu lâm thời đó, đi từ Tel Aviv đến Jerusalem bằng xe taxi thì tốt hơn bằng xe buýt, vì bạn có thể trả tiền ở cuối chặng, lúc đó đồng shekel đã kịp giảm giá trị rồi.

Lý do chính của nạn lạm phát phi mã, trớ trêu thay, lại chính là một trong những biện pháp mà chính quyền mất nhiều năm để đối phó với lạm phát: Lập các chỉ số. Hầu hết phương diện của nền kinh tế – quỹ lương, giá cả, giá thuê nhà – đều liên quan đến Chỉ số giá tiêu dùng, một thước đo của lạm phát.

Việc lập chỉ số nhằm bảo vệ công chúng khỏi cảm thấy ảnh hưởng của lạm phát, vì khi đó thu nhập của họ sẽ tăng cùng chi tiêu. Thế nhưng cuối cùng, việc lập chỉ số lại càng nuôi dưỡng vòng xoáy lạm phát.

CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ HỒI PHỤC?

Trong bối cảnh này, việc Intel mở chi nhánh tại Israel đặc biệt gây kinh ngạc vào những năm 1970. Tuy nhiên, một bí ẩn còn lớn hơn là việc làm thế nào Israel đã chuyển đổi bản thân từ một quốc gia tỉnh lẻ và bị cô lập để trở thành một quốc gia thịnh vượng về mặt công nghệ cao chỉ ba thập kỷ sau. Ngày nay, du khách đến Israel đặt chân lên một sân bay hiện đại hơn rất nhiều so với sân nay mà họ đã rời đi. Các đường dây điện thoại mới, với số lượng không giới hạn có thể được lắp đặt trong vài giờ chỉ với một thông báo, điện thoại Blackberry không bao giờ mất sóng, và sóng wifi có ở tiệm cà phê gần nhất. Sóng wifi dư thừa tới mức trong suốt cuộc chiến Lebanon năm 2006, người Israel còn mải so sánh loại dịch vụ Internet nào là tốt nhất trong hầm trú bom. Israel có tỉ lệ sở hữu điện thoại di động tính theo đầu người cao hơn bất kỳ đâu trên thế giới. Hầu hết trẻ em khoảng mười tuổi đã có điện thoại di động cũng như máy tính cá nhân trong phòng. Đường phố tràn ngập các xe hơi đời mới nhất, từ Hummers cho đến xe Smart của châu Âu đỗ kín gần nửa các bãi đỗ xe.

“Bạn cần tìm một số lập trình viên giỏi?” Gần đây trang CNNMoney.com đã đặt câu hỏi này trong bài viết, họ đã liệt kê Tel Aviv là “một trong những nơi tuyệt nhất để kinh doanh trong thế giới mạng”. “IBM, Intel, Texas Instruments và nhiều gã khổng lồ công nghệ khác đã đổ xô đến Israel vì sự hiểu biết công nghệ của chính nơi này… Địa điểm tuyệt nhất để kết thúc thương vụ là Yoezer Wine Bar, với bộ sưu tập các loại rượu vang phong phú, cùng món bò hầm kiểu Pháp hảo hạng”[88]. Mặc dù vậy, vào năm 1990, không hề có một chuỗi cửa hàng cà phê, và tất nhiên là không hề có lấy một quán rượu vang hay nhà hàng sushi tao nhã nào, MacDonald’s, Ikea, hay bất kỳ cửa hàng thời trang ngoại quốc nào trên khắp nước Israel. Cửa hàng McDonald’s đầu tiên mở cửa ở Israel là vào năm 1993, ba năm sau khi chuỗi cửa hàng lớn nhất mở tại Moscow, và 22 năm sau cửa hàng McDonald’s đầu tiên tại Sydney, Úc. Giờ đây McDonald’s có gần 150 cửa hàng tại Israel, nhiều gấp đôi so với Tây Ban Nha, Ý hay Hàn Quốc tính theo bình quân đầu người[89].

Cú chuyển mình thứ hai bắt đầu sau năm 1990. Cho đến lúc đó, nền kinh tế Israel có năng lực hạn chế để huy động vốn đầu tư vào những tài năng khởi nghiệp được nuôi dưỡng bằng văn hóa truyền thống và môi trường quân đội. Và việc tiếp tục bóp nghẹt khối tư nhân đã kéo dài thời kỳ lạm phát phi mã, vốn không được giải quyết cho tới năm 1985, khi Bộ trưởng Tài chính Shimon Peres triển khai một kế hoạch bình ổn do Ngoại trưởng Mỹ George Shultz, nhà kinh tế học thuộc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Stanley Fischer, và cựu Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Herbert Stein của nguyên Tổng thống Mỹ Richard Nixon phát triển. Kế hoạch này đột ngột cắt giảm nợ công, hạn chế chi tiêu chính phủ, bắt đầu tư hữu hóa và cải cách vai trò của chính phủ trong thị trường vốn. Nhưng điều này vẫn chưa đủ để tạo ra một nền kinh tế doanh nghiệp tư nhân năng động cho Israel.

Để nền kinh tế có thể thật sự cất cánh đòi hỏi ba nhân tố bổ sung: Một làn sóng người nhập cư mới, một cuộc chiến mới và một ngành đầu tư mạo hiểm mới

Bình luận
Ads Footer