NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Quốc Gia Khởi Nghiệp

Chương 14: Các Mối Đe Dọa Đối Với Sự Thần Kỳ Của Nền Kinh Tế

Tác giả: Dan Senor - Saul Singer
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Ads Top

Chúng tôi đang dùng ngày càng ít xi lanh để đưa cỗ máy này tiến về phía trước.

– DAN BEN-DAVID –

Khi nền kinh tế Israel vẫn còn trong giai đoạn trứng nước, cộng đồng các công ty khởi nghiệp vững vàng hiện nay được sinh ra gần như cùng lúc với nền kinh tế Internet, chỉ hơn một thập niên trước đó. Giai đoạn bùng nổ công nghệ ở Israel không chỉ trùng hợp với sự tăng trưởng công nghệ thông tin toàn cầu mà còn với bong bóng chứng khoán công nghệ ở Mỹ; sự khởi động ngành đầu tư mạo hiểm của Israel qua chương trình Yozma; làn sóng nhập cư khổng lồ từ Liên Xô cũ; và Hiệp ước Hoà bình Oslo năm 1993, mang lại những gì có vẻ là triển vọng hoà bình và ổn định. Nếu nền kinh tế thần kỳ của Israel chỉ đơn giản là được xây dựng dựa trên sự trùng hợp may mắn của các sự kiện thì liệu nó có biến mất trong hoàn cảnh kém may mắn hơn? Ngay cả nếu nền kinh tế non trẻ của Israel không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên, thì đâu là các mối đe dọa đích thực cho thành công kinh tế lâu dài của họ?

Người ta không cần suy đoán về điều gì sẽ xảy ra nếu các nhân tố tích cực tạo nên cuộc bùng nổ công nghệ của Israel vào cuối thập niên 1990 biến mất. Hầu hết trong số đó đã biến mất.

Năm 2000, bong bóng công nghệ đã vỡ. Năm 2001, tiến trình hoà bình Oslo sụp đổ, khi một làn sóng đánh bom tự sát ở các thành phố Israel tạm thời xóa sổ ngành công nghiệp du lịch tại đây và góp phần vào cuộc suy thoái kinh tế. Một làn sóng dân nhập cư khổng lồ từ Liên Xô cũ làm dân số Do Thái ở Israel tăng lên 1/5 và đã tự triệt tiêu vào cuối thập niên 1990.

Những diễn tiêu cực này xảy ra nhanh chóng và đồng thời cũng như những tiến triển tích cực chỉ vài năm trước đó. Tuy vậy, tình hình mới chưa mang đến kết cục cho cơn bùng phát mới chỉ năm năm tuổi. Từ năm 1996 đến 2000, xuất khẩu công nghệ của Israel đã tăng hơn gấp đôi, từ 5.5 tỷ USD đến 13 tỷ USD. Khi bong bóng công nghệ vỡ, kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ, còn gần 11 tỷ USD vào năm 2002 và 2003, nhưng rồi tăng vọt trở lại, đạt con số gần 18 tỷ USD vào năm 2008. Nói cách khác, cỗ máy công nghệ của Israel chậm lại không đáng kể dù bị tác động bởi nhiều biến cố liên tiếp từ năm 2000 đến 2004, và nó không chỉ hồi phục mà đến năm 2008, còn bất ngờ vượt mức xuất khẩu năm 2000 gần 40%.

Có thể thấy bức tranh tương tự trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Khi bong bóng đầu tư mạo hiểm vỡ năm 2000, các khoản đầu tư vào Israel đã giảm đáng kể. Nhưng thị phần của Israel trong dòng chảy vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu từ 15% tăng lên 30% chỉ trong vòng ba năm, ngay cả khi nền kinh tế của họ đối mặt với áp lực ngày một tăng.

Tuy vậy, Israel có thể không giữ được phong độ như thế trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, vốn không giống như năm 2000, không chỉ giới hạn ở các cổ phiếu công nghệ quốc tế và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm mà còn khiến hệ thống ngân hàng toàn cầu suy yếu trầm trọng.

Có thể nói, sự sụp đổ của nền tài chính quốc tế đã tác động đến hệ thống ngân hàng của hầu hết quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có hai trường hợp ngoại lệ đáng chú ý là Canada và Israel: cả hai đều không phải đối mặt với một vụ phá sản ngân hàng nào. Kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng và lạm phát phi mã của Israel vào đầu thập niên 1980 – lên đến đỉnh điểm vào năm 1985 – với sự can thiệp tay ba của cả Israel, chính phủ Mỹ lẫn IMF – hệ thống tài chính nước này đã phải áp dụng những hạn chế chặt chẽ. Các định chế tài chính của Israel vẫn tuân thủ các chính sách cho vay bảo thủ, với tỷ lệ vay vốn thông thường là 5:1, trong khi các ngân hàng Mỹ thời trước khủng hoảng là 26:1, còn một số ngân hàng châu Âu lên tới 61:1. Không có tình trạng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Israel, và không tồn tại một thị trường thế chấp thứ cấp nào. Chỉ có sự thiếu vốn tài chính – ngay cả trước cuộc khủng hoảng – cho các doanh nghiệp nhỏ ở Israel là đã đẩy thêm nhiều người bước vào khu vực công nghệ, nơi thuế và luật lệ thân thiện hơn và có sẵn vốn đầu tư mạo hiểm.

Như nhà phân tích tài chính Israel, Eytan Avriel, nhận xét, “Các ngân hàng Israel là những cỗ xe ngựa kéo còn những ngân hàng Mỹ là xe đua. Nhưng các xe đua ấy bị va đụng nặng nề trong khi các xe kéo đi chậm hơn và vẫn tồn tại trên đường.”[177]

Đây là tin tốt lành cho Israel. Tuy vậy, trong khi nền kinh tế Israel không chịu ảnh hưởng của những hoạt động cho vay xấu hay các sản phẩm tín dụng phức tạp, nó lại chịu tác động lớn hơn mức cần thiết đối với lĩnh vực tài chính mạo hiểm, dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Các hãng đầu tư mạo hiểm chủ yếu được tài trợ từ các định chế đầu tư như các quỹ hưu trí, quỹ cống hiến,và quỹ đầu tư quốc gia. Các nhà đầu tư này có những khoản phân bổ cụ thể với các giải pháp đầu tư xen kẽ (quỹ mạo hiểm, cổ phần tư nhân, quỹ dự phòng), thông thường chiếm từ 3% – 5% toàn bộ danh mục đầu tư của họ. Song, khi giá trị đồng USD của vốn chủ sở hữu công (tức thị trường chứng khoán) của họ sụt giảm – chịu ảnh hưởng lớn từ sự sụp đổ thị trường toàn cầu – thì nó cũng làm suy giảm số tiền khả cung cho những khoản đầu tư xen kẽ kia. Toàn bộ chiếc bánh đã bị thu nhỏ, làm suy giảm nguồn vốn sẵn có cho các dự án đầu tư mạo hiểm.

Việc sụt giảm nguồn vốn đầu tư mạo hiểm có nghĩa là nền tài chính ít có “đổi mới” cho nền kinh tế Israel. Hàng nghìn công nhân ở khu vực công nghệ đã bị mất việc, và nhiều công ty công nghệ khác đã chuyển sang chế độ làm việc bốn ngày để tránh phải sa thải công nhân nhiều hơn. Trong hoàn cảnh thiếu nguồn vốn tài chính mới, nhiều công ty khởi nghiệp ở Israel đã buộc phải đóng cửa.

Cùng với việc quá lệ thuộc vào đầu tư mạo hiểm toàn cầu, các công ty Israel cũng quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Hơn một nửa GDP của Israel đến từ việc xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, và châu Á. Khi các nền kinh tế này chậm lại hay sụp đổ, các công ty khởi nghiệp Israel có ít khách hàng hơn. Cũng vì sự tẩy chay của người Ả-rập, Israel không thể tiếp cận hầu hết các thị trường trong khu vực. Và thị trường nội địa thì quá nhỏ để đóng vai trò thay thế.

Các công ty Israel cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đàm phán các lối thoát vốn chủ sở hữu – giống như kỳ IPO của Given Imaging trên sàn NASDAQ hay việc bán Fraud Sciences cho PayPal – mặc dù đây thường là phương tiện để các doanh nhân và nhà đầu tư Israel kiếm tiền. Một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ kéo theo ít các vụ IPO và thôn tính hơn.

Tình hình an ninh trong khu vực tiếp tục xấu đi cũng có thể đe dọa đến sự thành công kinh tế của Israel. Vào năm 2006 và giai đoạn chuyển giao từ 2008 sang 2009, Israel phải chiến đấu với hai nhóm được Iran đào tạo và tài trợ. Trong khi các cuộc chiến này ít ảnh hưởng đến nền kinh tế Israel, và các công ty Israel đã trở nên rành rẽ trong việc duy trì cam kết với khách hàng và nhà đầu tư, bất kể các mối đe dọa an ninh lớn hay nhỏ, phiên bản kế tiếp đến từ Iran lần này có thể rất khác so với bất cứ cuộc chiến nào mà Israel trải qua.

Như đã được các cơ quan chức năng quốc tế và các hãng tin thông báo rộng rãi, Iran đang theo đuổi chương trình hạt nhân. Nếu chính phủ Iran thiết lập một chương trình hạt nhân hoá vũ khí, họ có thể tạo ra cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở khắp thế giới Ả-rập. Điều này có thể làm đóng băng đầu tư nước ngoài trong khu vực.

Trong khi hầu hết những quan sát quốc tế đều tập trung vào mối đe dọa tiềm năng là Iran sẽ bắn tên lửa hạt nhân vào Israel, giới lãnh đạo chính trị và an ninh của Israel lại cảnh báo về tác động của một Iran sở hữu hạt nhân trên khắp khu vực, ngay cả nếu chúng không bao giờ được dùng đến. Như Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói với chúng tôi, “Mục tiêu giai đoạn đầu của Iran là đe dọa những công dân tài năng nhất của Israel, khiến họ phải bỏ đi.”[178]

Rõ ràng, nếu mối nguy từ Iran không được xử lý thích đáng, nền kinh tế của Israel có thể bị ảnh hưởng. Tuy vậy, cho đến nay sự hiện diện của các mối đe dọa tiềm năng như thế vẫn không ngăn cản các công ty và quỹ đầu tư nước ngoài tăng mức độ đầu tư của họ tại Israel.

Quả thực, khi nói đến các mối nguy hại cho nền kinh tế, cuộc bàn luận trong nội bộ Israel xoay quanh các yếu tố trong nước nhiều hơn. Có lẽ vì Israel đã tự “tiêm phòng” để chống lại các mối nguy gây hại cho nền kinh tế trong quá khứ, hoặc có lẽ vì viễn cảnh của hiểm họa hạt nhân quá nghiêm trọng để nhắc đến, nhà kinh tế học Dan Ben-David thuộc Đại học Tel Aviv lại lưu tâm đến một hiểm họa khác – hiện tượng “chảy máu chất xám” trong các trường đại học của Israel.

Có thể nói Israel là nước đi đầu trong cộng đồng học thuật quốc tế. Trong một khảo sát toàn cầu năm 2008, tạp chí Scientist nêu tên hai học viện của Israel – Học viện Weizmann và Đại học Hebrew ở Jerusalem – là hai “nơi tốt nhất để làm việc trong các học viện” bên ngoài nước Mỹ[179].

Nhà kinh tế Dan Ben-David chỉ cho chúng tôi một nghiên cứu của hai học giả Pháp, xếp hạng các quốc gia ngoài Mỹ dựa theo số bài báo đăng trên các tạp chí kinh tế hàng đầu thế giới từ năm 1971 đến 2000. Trong đó, nước Anh – bao gồm trường Kinh tế London, Oxford, và Cambridge – đứng thứ hai. Dựa trên số bài báo/lượng người nghiên cứu, nước Đức chưa bằng một nửa Anh, và Israel đứng đầu. “Không phải là hơn 5% hay 10%, mà gấp bảy lần – đứng riêng một cõi.” Ben-David hào hứng nói: “Các nhà kinh tế học của Israel đã xuất sắc, các nhà khoa học máy tính của chúng tôi còn xuất sắc hơn, liên quan đến lĩnh vực của họ. Gần đây chúng tôi có hai giải Nobel về kinh tế, và một hay hai giải về hoá học.”[180]

Nhưng bất chấp những thành công này, Ben-David vẫn lo lắng. Ông nói với chúng tôi rằng vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực học thuật của Israel đã suy yếu trong vài năm gần đây, và sẽ suy giảm hơn nữa khi các giảng viên cao tuổi về hưu và nhiều ngôi sao mới nổi ra nước ngoài giảng dạy. Trong lĩnh vực kinh tế của ông, Ben-David nêu ra một nghiên cứu cho thấy, trong hàng nghìn nhà kinh tế hàng đầu thế giới, được xét dựa trên số trích dẫn bài báo của họ từ năm 1990 đến 2000, có hai mươi lăm người Israel, và mười ba người trong số đó thực sự ở nước này. Từ khi nghiên cứu này ra đời, chỉ có bốn người trong số họ ở Israel toàn thời gian. Không có ai trong số mười hai người Israel làm việc ở nước ngoài năm 2000 quay trở về quê hương. Tổng cộng, ước tính có khoảng ba nghìn giáo sư người Israel đã chuyển sang các trường đại học ở nước ngoài.

Ben-David là một trong bốn nhà kinh tế hàng đầu vẫn bám trụ ở Israel. Ông đang rung một hồi chuông cảnh báo về mức độ tăng trưởng kinh tế không ngừng của nước này. Từ năm 2005 đến 2008, Israel tăng trưởng nhanh hơn hầu hết các quốc gia phát triển. Tuy đã trải qua cuộc suy thoái vài năm trước, Ben-David lý giải, “những gì chúng tôi làm là quay trở lại con đường mục tiêu dài hạn. Chúng tôi không ở trong vùng lãnh thổ vô danh trên bản đồ; chúng tôi ở nơi lẽ ra mình sẽ ở nếu không có cuộc suy thoái.”

Theo Ben-David, vấn đề ở chỗ, trong khi khu vực công nghệ tăng trưởng với tốc độ phi mã và có năng suất ngày càng tăng, phần còn lại của nền kinh tế vẫn không theo kịp. “Nó giống một cỗ máy,” ông nói. “Anh có tất cả xi-lanh trong cỗ máy. Anh có toàn bộ dân số trong đất nước mình. Song chúng tôi đang sử dụng ngày càng ít xi-lanh để đưa cỗ máy tiến về phía trước.” Về thực chất, các ngành công nghệ cao đang tài trợ vốn cho phần còn lại của đất nước, những nơi “không có được công cụ hay điều kiện làm việc trong một nền kinh tế hiện đại.”

Việc tận dụng công suất ở dưới mức khiến chúng tôi tin rằng hiểm hoạ lớn nhất cho sự tăng trưởng kinh tế liên tục của Israel là sự tham gia ít ỏi vào nền kinh tế. Chỉ hơn nửa số lao động ở Israel là có đóng góp vào nền kinh tế một cách hiệu quả, so với 65% ở Mỹ. Tỉ lệ lao động tham gia thấp tập trung chủ yếu ở hai cộng đồng: Haredim, tức người Do Thái chính thống cực đoan, và người Do Thái gốc Ả-rập[181].

Trong số cư dân Do Thái Israel ở độ tuổi từ 25 – 64, 84% nam giới và 75% nữ có việc làm. Trong số những phụ nữ Ả-rập và đàn ông haredim, tỉ lệ này gần như ngược lại: Lần lượt 79% và 73% không có việc làm[182].

Dân Do Thái chính thống cực đoan, hay haredim, thường không phục vụ trong quân đội. Để đủ điều kiện miễn chế độ nghĩa vụ quân sự, haredim phải chứng tỏ rằng họ đi học toàn thời gian trong các chủng viện của người Do Thái (yeshivot). Tiêu chuẩn này được David Ben-Gurion đề ra, nhằm nhn được sự hỗ trợ về chính trị của haredi vào thời điểm lập quốc của Israel. Song trong khi sự “miễn trừ yeshiva” ban đầu chỉ áp dụng cho 400 sinh viên, kể từ đó nó đã tăng đến mức hàng chục nghìn sinh viên chọn yeshiva thay vì quân đội.

Kết quả của việc này đã tăng gấp ba lần hệ luỵ cho nền kinh tế. Haredim thường tự cách ly khỏi lực lượng lao động vì họ thiếu kinh nghiệm làm việc trong quân đội; thêm nữa, vì họ không được phép làm việc nếu họ muốn miễn trừ nghĩa vụ quân sự – tức là họ phải học – những thanh niên trẻ sẽ không có kinh nghiệm trong cả khu vực tư nhân lẫn trong quân đội (thiếu kinh nghiệm doanh nhân); và vì vậy xã hội haredim ngày càng phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ để sinh tồn.

Có hai lý do chính tại sao tỉ lệ người Ả-rập ở Israel tham gia vào nền kinh tế thấp. Một là vì họ không được thực hiện nghĩa vụ quân sự, nên giống như haredim, họ ít có cơ hội phát triển những kỹ năng kinh doanh và ứng phó mà quân đội Israel đã khắc sâu. Hai là, họ cũng không phát triển được mạng lưới kinh doanh mà những người Do Thái trẻ xây dựng khi phục vụ trong quân đội, sự chênh lệch này đã làm trầm trọng khoảng cách văn hoá lâu đời giữa dân Do Thái trong nước và những cộng đồng người Ả-rập.

Mỗi năm, hàng nghìn sinh viên Ả-rập tốt nghiệp các trường công nghệ và kỹ thuật của Israel. Tuy vậy, theo Helmi Kittani và Hanoch Marmari, đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển Kinh tế Do Thái – Ả-rập, “chỉ có ít người tìm được việc làm phù hợp với kỹ năng được đào tạo… các sinh viên Ả-rập mới ra trường cần được trang bị hành trang quan trọng mà chính phủ không thể mang lại: Một mạng lưới bạn bè đúng chỗ.”[183] Và vì thiếu vắng những mối quan hệ cá nhân như vậy, người Ả-rập càng là người Do Thái mất lòng tin về khả năng tổ chức và quản trị của mình.

Một vấn đề khác là thành kiến trong cộng đồng Ả-rập ở Israel đối với phụ nữ trong lực lượng lao động. Một nghiên cứu năm 2008 của tổ chức Chống bạo hành phụ nữ, một tổ chức của người Ả-rập Israel, cho thấy quan điểm chung của người Ả-rập địa phương có thể đang dần thay đổi, nhưng quan niệm truyền thống vẫn còn thâm căn. Trong một cuộc khảo sát, ngay cả những người “chống quan điểm bảo thủ”, vẫn đồng ý với tuyên bố: “Phần lớn xã hội Ả-rập nên được nam giới kiểm soát, đàn ông được xem là người quyết định; phụ nữ là người thấp kém và phải có ý thức phục tùng… Người đàn ông đối xử với bạn đời theo cách nằm ngoài quy chuẩn chấp nhận được đồng nghĩa với việc làm nguy hại đến chỗ đứng của anh ta trong xã hội.”

Bất chấp nghịch lý ấy, Giám đốc Aida Touma-Suleiman của tổ chức Chống bạo hành phụ nữ nói rằng, bà thấy đàn ông đang dần thay đổi cách nhìn của mình với phụ nữ, kể cả việc chấp nhận phụ nữ đi làm ở ngoài. Bà cho biết: “Có những người đàn ông Ả-rập không vui với sự bất bình đẳng này và mong muốn cải thiện mối quan hệ giữa hai giới. Họ thấy quyền lợi của phụ nữ cũng chính là quyền lợi của họ.”[184]

Tuy vậy, vì giới haredim lẫn người Ả-rập đều có tỉ lệ sinh cao, các nỗ lực nhằm làm tăng sự tham gia vào lực lượng lao động ở hai khu vực này cũng là cuộc đua với chiếc kim đồng hồ nhân khẩu học. Theo Israel 2028, báo cáo được ban hành bởi một ủy ban cao cấp, tỉ lệ người haredim và Ả-rập được dự đoán sẽ tăng từ 29% trong tổng dân số Israel năm 2007 lên 39% năm 2028. Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ trong mô hình lao động, sự xê dịch này sẽ làm giảm tỉ lệ tham gia lao động xuống thấp hơn nữa. “Xu hướng lao động hiện thời rõ ràng đi ngược sự phát triển mong muốn,” báo cáo này cảnh báo[185].

Trong quá trình diễn ra chiến dịch tái tranh cử chức vụ thủ tướng, Bibi Netanyahu mong muốn đưa Israel vào mười nền kinh tế lớn nhất thế giới (tính theo đầu người) và coi đó là vấn đề trọng tâm trong nghị trình của mình. Một nhóm chuyên gia cố vấn độc lập, Học viện Reut, đã theo đuổi một chiến dịch tương tự gọi là Israel 15. Gidi Grinstein, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Reut, là cố vấn của nguyên Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Ehud Barak, người từng là đối thủ chính trị của Netanyahu. Tuy Grinstein đồng ý với Netanyahu rằng mục tiêu của Israel không chỉ làquốc gia phát triển mà còn vươn lên vị trí các quốc gia hàng đầu tính theo bình quân GDP/ đầu người.

Như Grinstein nhìn nhận, “Thách thức này không phải là sự xa xỉ, mà là điều cần thiết.” Ông tin rằng Israel phải tăng trưởng ít nhất 4% bình quân theo đầu người trong một thập niên; khoảng cách hiện tại trong mức sống giữa Israel và các quốc gia phát triển khác khá mong manh. Ông nói, “Khu vực kinh doanh của chúng tôi thuộc hàng tốt nhất thế giới, và dân số chúng tôi có tay nghề và nền tảng giáo dục cao. Cùng lúc đó, chất lượng cuộc sống và chất lượng dịch vụ công ở Israel lại thấp, và với nhiều người, di cư là cơ hội để đổi đời.”[186]

Điều này có thể là cường điệu, vì số lượng kỷ lục những người Israel làm việc ở nước ngoài ở Mỹ và các quốc gia khác gần đây đã quay về, một phần vì luật miễn thuế mười năm mới ban hành đối với nguồn thu nhập từ nước ngoài của những người hồi hương này. Tất nhiên, nhiều yếu tố khác bên cạnh thu nhập cũng can dự vào quyết định liên quan đến “chất lượng cuộc sống” này.

Song, việc Israel có thể, nên, và buộc phải tăng trưởng nền kinh tế nhanh hơn nữa là rất quan trọng. Trong số những mối đe dọa và thách thức mà Israel đang phải đối mặt, đáng kể nhất chính là việc không thể giữ cho nền kinh tế tăng trưởng, vì điều này liên quan đến những cn trở về chính trị và quan tâm đến các vấn đề bị bỏ sót. Israel có một nền tảng văn hóa và thể chế hiếm hoi, độc nhất, thuần chất, giúp sản sinh ra sự sáng tạo và môi trường kinh doanh; điều còn thiếu là chính sách để khuếch đại hơn nữa và trải rộng thứ tài sản đó trong xã hội Israel. Điều may mắn với họ là việc thay đổi chính sách có lẽ dễ dàng hơn thay đổi nền văn hoá, như trường hợp của Singapore. Như nhà báo Thomas Friedman của Thời báo New York nói, “Tôi thà gánh chịu những vấn đề của Israel, phần lớn là về tài chính, về thiết chế, về cơ sở hạ tầng, hơn là các vấn đề của Singapore bởi vấn đề của Singapore là giới hạn văn hóa.”[187]

 

Bình luận
Ads Footer