Sau hai năm kể từ khi cuốn sách này được xuất bản, nền kinh tế của “Quốc gia khởi nghiệp” vẫn tiến triển mạnh mẽ. Ở chương 1, chúng tôi đã so sánh số vốn đầu tư mạo hiểm tính trên đầu người mà các quốc gia khởi nghiệp nhận được. Theo số liệu gần đây (năm 2010), Israel vẫn là quốc gia dẫn đầu về lượng gia tăng vốn đầu tư mạo hiểm trên đầu người, gấp 2,5 nước đứng thứ nhì là Mỹ.
Thành công nối tiếp khiến các nước chú ý nhiều hơn đến mô hình kinh tế của Israel, và chúng tôi đã được mời đi nói chuyện khắp châu Á, Âu, Nam Mỹ, Mỹ và Canada về các bài học được rút ra từ Quốc gia khởi nghiệp. Vì có quá nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại nên chúng tôi sẽ đề cập một số vấn đề chính trong ấn bản này.
Chúng tôi luôn thoải mái công nhận rằng Israel có rất nhiều thách thức. Hơn nữa, cũng như bất kỳ nền kinh tế sôi nổi nào, Israel luôn gặp phải mối nguy là họ có thể trở nên tự mãn và đánh mất ưu thế cạnh tranh của mình. Tuy đây là những vấn đề thường được chất vấn nhiều nhất, chúng tôi tin là Israel chỉ mới bắt đầu khai thác tiềm năng của mình, và sẵn sàng trở thành đối thủ tầm cỡ hơn trên đấu trường sáng tạo toàn cầu, nếu so với hôm nay. Qua những câu hỏi và câu trả lời bên dưới, chúng tôi cân nhắc tiềm năng này và những gì tiếp theo cho Quốc gia khởi nghiệp.
Tháng 5-2011
DAN SENOR và SAUL SINGER
1. Quốc gia khởi nghiệp ra mắt đã làm dấy lên cuộc tranh luận gì?
Cuốn sách đã và đang được dịch sang tiếng Trung (ở Trung Quốc và Đài Loan), tiếng Hàn Quốc, Nga, Bồ Đào Nha (ở Brazil), Đức, Pháp, Ý, Bulgaria, Séc, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, và Ả-rập. Nó cũng là cuốn sách bán chạy ở Singapore và Ấn Độ. Sự quan tâm của độc giả quốc tế đối với mô hình kinh tế của Israel cho thấy rằng tầm quan trọng của sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp không chỉ rất lớn, mà còn đang tăng lên.
Trong quyển sách này, chúng tôi giải thích lý do tại sao một chương trình chính phủ được thai nghén ở Israel mang tên Yozma, đã giúp xây dựng khu vực đầu tư mạo hiểm và tiếp nhiên liệu cho hàng nghìn công ty khởi nghiệp đầy tiềm năng. Chương trình Yozma hoạt động được là do nó xúc tác cho một thực tế đang diễn ra. Nó không tạo ra thực tế đó, nhưng nó tạo lực đẩy. Chúng tôi ngờ rằng cuốn sách này thành công – dĩ nhiên ở mức độ nhỏ hơn – theo một cách tương tự. Chúng tôi không tạo ra thứ gì mà chỉ kể lại câu chuyện. Đáng lẽ Israel đã mang tên Quốc gia khởi nghiệp từ lâu, nhưng phương diện nổi bật này của Israel đã bị bỏ sót và đánh giá thấp.
Với các quốc gia đã và đang phát triển, một trong những cách tốt nhất để thay thế số công việc bị mất và duy trì tăng trưởng là thông qua sự sáng tạo, và phần lớn sáng tạo sẽ đến từ các công ty khởi nghiệp. Quả thực, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đã nhanh chóng khởi động các kế hoạch đầy tham vọng: “Nước Mỹ khởi nghiệp” và “Nước Anh khởi nghiệp”. Gạt sang một bên những câu hỏi về tính hiệu quả của các chương trình này, thật khó để tìm ra một nền kinh tế phát triển hay mới nổi nào mà không muốn có thêm các công ty khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp lớn hơn nữa.
2. Điều gì kế tiếp cho Quốc gia khởi nghiệp?
Israel đang bắt đầu xây dựng một cơ sở công nghệ vững chắc với các hình thức sáng tạo khác. Một khu vực đầy hứa hẹn là sự sáng tạo trong mô hình kinh doanh. Ví dụ, hệ thống xe hơi chạy bằng điện của Better Place không phải dựa trên ắc quy kỳ diệu mà dựa trên một cuộc cách mạng về cơ cấu quyền sở hữu chiếc xe, giúp cắt giảm giá trợ giá hiện tại đối với xe hơi chạy điện. Công ty thực phẩm lớn nhất Israel, Strauss – một công ty nhỏ nếu xét theo tiêu chuẩn quốc tế – bán cà phê ở Brazil đang sử dụng một mô hình kinh doanh sáng tạo, chứ không phải công nghệ mới.
Điều tương tự cũng đúng với KCPS, một hãng quản lý đầu tư ở Tel Aviv làm việc cho rất nhiều nhà đầu tư tinh vi nhất thế giới ở cả các quốc gia đã và đang phát triển. Các nhà sáng lập công ty tin rằng việc Israel tập trung vào sự cách tân có thể được xem là mang tính chuyển hóa trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, cũng như trong lĩnh vực công nghệ trước đây.
Toàn cầu hóa cũng là lĩnh vực quan trọng của tiềm năng phát triển. Một công ty Trung Quốc gần đây đã mua lại Machteshim Agan – một công ty Israel bán các sản phẩm bảo vệ cây trồng – không hẳn vì công nghệ, mà vì công ty này đã hoạt động ở hơn một trăm quốc gia. Sự hợp tác này giúp công ty Trung Quốc nhanh chóng toàn cầu hóa ngay lập tức.
Bởi vì người Israel gần như không có thị trường nội địa và bị loại ra khỏi phần lớn thị trường khu vực, Israel đã trở thành chuyên gia trong việc tìm lối tiếp cận toàn cầu theo dạng này – xuất khẩu mọi lúc. Với những công ty đang tìm cách mở rộng thị trường quốc tế, tư duy này khiến trở thành một đối tác tự nhiên của họ.
Chúng tôi cũng trông đợi Israel sẽ trở thành một “quốc gia thử nghiệm” (trích lời nhà sáng lập Better Place là Shai Agassi) để giải quyết các thách thức gần như không thể vượt qua trong lĩnh vực giáo dục, thực phẩm, năng lượng, nước và chăm sóc sức khỏe. Công nghệ và sự sáng tạo, sau cùng, đều không phải mục đích, mà là các công cụ và phương tiện để tiến đến thế giới tốt đẹp hơn. Việc giải quyết những vấn đề toàn cầu thông qua sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp kinh doanh – cùng với nguồn năng lượng sáng tạo đến từ sự kết hợp của họ trong một cụm tập trung – có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Israel.
3. Những yếu tố nào đang kìm hãm nền kinh tế khởi nghiệp hiện nay của Israel?
Trong khi Israel có những trường đại học đẳng cấp thế giới – Đại học Tel Aviv đã xếp trên Oxford, Cambridge và Yale tính theo số trích dẫn khoa học trên số lượng cán bộ nghiên cứu – các học sinh trung học của Israel lại thua nếu tính trên điểm số các kỳ thi quốc tế, và các trường đại học đang đau đầu với vấn nạn “chảy máu chất xám” khi một số lượng lớn giảng viên đã chuyển sang Mỹ. Israel còn có tỉ lệ tham gia lao động tương đối thấp, và mức chênh lệch thu nhập lớn giữa khu vực công nghệ và phần còn lại của nền kinh tế.
Vẫn còn nhiều việc phải làm. Song nếu có thứ gì đó lớn hơn cả những thách thức, thì đó là tiềm năng của nền kinh tế Israel. Hơn 80 phần trăm vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp ở Israel (FDI – chủ yếu là các trung tâm phát triển của các công ty đa quốc gia lớn) ở Israel đến từ Mỹ; chưa tới 20 phần trăm đến từ châu Âu, châu Á và phần còn lại của thế giới. Điều này nghĩa là vẫn còn tiềm năng khổng lồ cho các công ty từ những khu vực khác sao chép các đồng nghiệp Mỹ của họ và hưởng lợi từ sự sáng tạo của Israel.
4. Có phải Quốc gia khởi nghiệp là một bức ảnh chụp nhanh, phản chiếu thời kỳ khởi sắc của nền kinh tế Israel? Liệu Israel có duy trì được vị trí đa năng của nó không?
Israel là một quốc gia non trẻ, chỉ mới hơn sáu mươi năm tuổi, và nền kinh tế sáng tạo của nó chỉ vừa bắt đầu khởi sắc vào giữa thập niên 1990. Căn cứ vào đó, câu hỏi quan trọng mà chúng tôi đã tự hỏi mình là, liệu nó có bền vững không?
Sau khi quyển sách được phát hành, một cột báo trong tờ Economist thừa nhận rằng Israel là một “cường quốc công nghệ cao”, nhưng sau đó tự hỏi “Tin tốt lành này kéo dài được bao lâu
Bằng chứng mạnh mẽ nhất cho sự bền vững của nền kinh tế sáng tạo Israel có thể được tìm thấy trong thành tích của quốc gia này qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn: sự bùng nổ của bong bóng Internet vào năm 2000 và hệ quả là sự sụp đổ nền công nghệ/viễn thông năm 2001, và cuộc suy thoái toàn cầu bắt đầu năm 2008. Năm 2000, khi quang cảnh khởi nghiệp ở Israel vẫn còn chông chênh, nhiều yếu tố thuận lợi đã cùng lúc biến mất: tiến trình hòa bình Oslo tan vỡ, dòng nhập cư khổng lồ từ Liên Xô cũ trở nên nhỏ giọt, vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu cạn kiệt và khu vực công nghệ sụp đổ, và làn sóng chủ nghĩa khủng bố đã nhấn chìm nền kinh tế Israel vào suy thoái. Tuy vậy, đến năm 2005, các công ty khởi nghiệp của Israel đã được vực dậy mạnh mẽ tới nỗi quốc gia này nhận được lượng vốn đầu tư mạo hiểm còn lớn hơn năm 2000, như đã nêu trong các chương trước. Đứng dậy từ đống đổ nát, Israel vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Điều tương tự xảy ra vào năm 2008. Theo tờ Economist, Israel là một trong những “quốc gia cuối cùng bước chân vào suy thoái và trong số những nước thoát ra sớm nhất.” Quả thực, Israel chỉ có một quý tăng trưởng âm, và từ đó đến nay luôn dẫn đầu khu vực OECD về tốc độ tăng trưởng.
Một báo cáo vào tháng 12 năm 2010 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nêu ra một câu hỏi, “Tại sao Israel lại ít chịu ảnh hưởng từ cuộc Đại suy thoái?” Báo cáo của IMF cho thấy lượng thất nghiệp tại nước này đã nhanh chóng giảm từ đỉnh cao ngất ngưởng so với mức trung bình của khối OECD năm 2003, thấp hơn rất nhiều mức trung bình năm 2010. Và còn bất ngờ hơn, lượng xuất khẩu của Israel tiếp tục tăng trưởng, bất chấp đây là một trong những đồng tiền mạnh nhất trên thế giới và xuất khẩu không có hàng hóa.
Trong khi IMF ghi nhận vai trò của việc giám sát ngân hàng và kỷ luật trong tài khóa đối với sự phục hồi nhanh chóng của Israel, chúng tôi tin rằng các yếu tố này chỉ là một phần của câu chuyện. Trên hết, nền kinh tế của Israel lấy sự khởi nghiệp làm trọng tâm, và khu vực công nghệ cao là một nửa nguồn lực xuất khẩu của Israel. Các công ty công nghệ khởi nghiệp tuy nhỏ, nhưng là chất xúc tác ở trung tâm một hệ sinh thái đang mạnh mẽ.
Israel đã gây dựng một đặc tính khác thường: khả năng không chỉ đương đầu mà còn tận dụng mọi nghịch cảnh – từ việc thiếu thị trường nội địa và khu vực, sự kham hiếm tài nguyên thiên nhiên, cho đến một loạt sự tẩy chay và các cuộc tấn công. Cốt lõi trong câu chuyện Quốc gia khởi nghiệp chính là khả năng của một quốc gia biến nghịch cảnh thành một nguồn năng lượng sáng tạo có thể tái chế được – phần lớn trong số này đi vào lĩnh vực công nghệ cao, nhưng cũng có thể thấy trong tinh thần khởi nghiệp xã hội, trong y học, khoa học và nghệ thuật.
5. Liệu Israel có thể xây dựng những công ty lớn hơn, không “chỉ” là các công ty khởi nghiệp?
Đây là câu hỏi khiến nhiều người Israel làm việc trong khu vực công nghệ và trong chính phủ bận tâm. Nhiều năm nay, có nhiều người đã hỏi đầy nuối tiếc, “Nokia của chúng ta đâu?” – họ nhìn vào Phần Lan như một nước nhỏ bé nhưng đã sinh ra và thống trị một thương hiệu công nghệ danh tiếng và nhà máy sản xuất điện, chứ không “chỉ” là các công ty khởi nghiệp loại nhỏ. Điều lo lắng nằm ở chỗ Israel đã không tiếp tục sản sinh ra các công ty lớn kể từ sau Checkpoint, Converse, Amdocs và những công ty khác, ấy là chưa kể một công ty lớn đích thực toàn cầu là Teva, một gã khồng lồ về dược phẩm gốc. (Ngẫu nhiên, có thể nói Nokia là Teva của Phần Lan. Thị trường của Teva gấp 1,5 lần thị trường của Nokia.)
Điều mà những người này chưa hoàn toàn nhận thức được là nhiều người ở các quốc gia khác nhau như Brazil, Phần Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Singapore đã đến Israel để tìm lời giải đáp cho câu hỏi của chính họ: “Công ty khởi nghiệp của chúng ta đâu?”
Nó chỉ ra rằng Israel đã tình cờ phát triển một sở trường là việc sản sinh ra các yếu tố khó khăn nhất, cần thiết nhất cho hệ sinh thái công nghệ toàn cầu. Hầu hết công ty khởi nghiệp đã thực hiện điều đó trong hoàn cảnh không thuận lợi về doanh thu, nhân lực, hay khách hàng; điều họ làm được là tập trung sáng tạo. Giai đoạn chuyển biến này khó khăn hơn bạn tưởng, một phần bởi vì nó lãng mạn hóa (nhiều công ty khởi nghiệp được mô tả như là vài thành viên mày mò làm việc trong một ga-ra), và cũng vì cái bản chất của sự sáng tạo này bị hiểu sai.
Nếu tra từ “sáng tạo” ở Google Images, sẽ cho ra tới tấp những bóng đèn điện. Điều này cho thấy cách hiểu phổ biến là sự đổi mới chỉ đơn thuần là các ý tưởng sáng chói. Tuy vậy, nghiên cứu của chúng tôi về mô hình Israel cho thấy các ý tưởng chỉ là khởi đầu của sự sáng tạo, chứ không phải phần cốt yếu nhất.
Nếu như các ý tưởng là bản chất của sự sáng tạo, chúng ta có thể mong chờ các quốc gia dẫn đầu thế giới về số bằng sáng chế tính trên đầu người – bao gồm Hàn Quốc, Phần Lan và Israel – tất thảy đều có số lượng công ty khởi nghiệp ngang nhau.
Thế thì tại sao Israel, một quốc gia nhỏ bé như thế, lại có nhiều công ty khởi nghiệp hơn các quốc gia, tính trên các bằng sáng chế, lại sản sinh ra nhiều ý tưởng vĩ đại? Có vẻ như Israel còn có hai yếu tố quan trọng khác: định hướng nhiệm vụ và sự ấp nhận rủi ro nằm trong đặc tính văn hóa. Đó là những điều chúng ta nên khuyến khích các nhà hoạch định chính sách và nhà lãnh đạo kinh doanh tập trung vào.
Phải ngốn một lượng thời gian đáng kể, nguồn lực để biến một ý tưởng lớn thành một công ty khả thi. Hầu hết các công ty khởi nghiệp đều thất bại, bất kể chúng giới thiệu ở Israel hay thung lũng Silicon. Thế nên câu hỏi câu hỏi về sáng tạo trở thành câu hỏi về nguồn gốc mà xác định và chấp nhận rủi ro.
Hầu hết cuốn sách được dành để giải đáp câu hỏi này. Một phần câu trả lời là: tự bản thân Israel đã là một quốc gia khởi nghiệp. Ý tưởng Phục quốc Do Thái không chắc sẽ xảy ra như các kế hoạch kinh doanh mà những doanh nhân ngày nay đang tìm kiếm. Nhiều doanh nhân trong số đó nói rằng điều họ đang làm cũng tương tự như ông cha họ, chỉ khác là ở thế kỷ XXI – không phải tát cạn đầm lầy hay phủ xanh sa mạc, mà là tạo dựng công ty.
6. Nhiều quốc gia khác, nổi bật là Trung Quốc và Ấn Độ, đang nhanh chóng tạo dựng chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có ý nghĩa gì với Israel?
Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, và tiến tới chế tạo những sản phẩm công nghệ ngày càng tinh vi hơn. Chính phủ Trung Quốc, chưa kể đến hàng trăm nghìn kỹ sư mới tốt nghiệp ở nước này mỗi năm, đang quyết tâm biến “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc) thành “Made by China” (Sản xuất bởi Trung Quốc). Trong vài năm tới, chúng ta có thể thấy Trung Quốc vượt qua Mỹ để dẫn đầu các ngành như phát triển và chế tạo xe hơi chạy điện và sản xuất pin dùng cho nó. Ấn Độ đang trở thành một nhà máy khoa học và công nghệ. Cả hai nước này cũng có lợi thế trong việc tiếp cận thị trường phát triển nhanh chóng của họ, điều này khiến nhiều quốc gia phát triển phải ghen tỵ.
Song không có gì là tồi tệ cho Israel. Thực ra, đó lại là một cơ hội lớn. Cũng như việc các công ty khởi nghiệp và các trung tâm phát triển ở Israel đóng vai trò trọng yếu cho các gã khổng lồ công nghệ như Google, Microsoft, IBM, Intel và Cisco, các công ty Israel cũng có thể là đối tác lý tưởng cho các công ty của Trung Quốc và Ấn Độ – kể cả công ty khởi nghiệp – khi họ muốn tìm sự cách tân và cơ hội toàn cầu hóa. Một thách thức chính đối với các công ty phương Tây, bao gồm cả Mỹ và Israel, là giúp đưa hàng tỷ người ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ tiến vào tầng lớp trung lưu, và khi đó, các công ty này phải làm sao tiếp cận được thị trường tiềm năng của sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử của con người vào thế giới hoàn toàn hiện đại.