NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Tây Sơn Bi Hùng Truyện

Chương 4

Tác giả: Lê Đình Danh
Thể loại: Văn Học Việt Nam
Ads Top

Nói về chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, sau khi xa giá hồi kinh, phần tâm thần kinh động vì việc bị thích khách, phần vừa giận vừa tiếc vì bị mất ngựa quý nên bệnh trở nặng thêm. Chúa cho mời quan Quốc phó Trương Phúc Loan đến bảo:

– Đời người ai cũng phải chết, nay số ta đã hết, có mấy điều căn dặn, khanh hãy vì ta mà hứa hết lòng.

Phúc Loan nước mắt dầm dề tâu:

– Xin Chúa thượng hãy an tâm, xin thề có trời cao chứng giám, nếu thần phụ lòng Chúa thượng thì sẽ bị trăm quan bắt giao cho kẻ địch xử tội bêu đầu.

Chúa thều thào nói:

– Khi trước Thế tử Nguyễn Phúc Hiệu mất, Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương mới chín tuổi hãy còn nhỏ dại. Nay ta đã viết di chiếu truyền ngôi cho con thứ hai của ta là Nguyễn Phúc Luân lên kế vị… Đây là gươm lệnh, khanh chớ sai lời.

Nói xong chúa mất!

Sau khi mai táng chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, Trương Phúc Loan cho gọi bá quan văn võ thiết triều. Loan nói:

– Chúa chẳng may lâm bệnh qua đời. Trước khi nhắm mắt Tiên vương phó thác cho ta lập Thế tử Nguyễn Phúc Thuần lên kế vị. Đây là tờ di chiếu và ngọc ấn Tiên vương giao cho ta. Hãy đọc cho các quan cùng nghe.

Di chiếu truyền rằng:

Võ vương Nguyễn Phúc Khoát truyền chỉ.

Nay ta sắp theo về cùng các Tiên vương. Đúng lệ là Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương là con Thế tử Nguyễn Phúc Hiệu lên kế vị. Nhưng quả nhân xét thấy Hoàng tôn mới chín tuổi hãy còn nhỏ dại không thế đảm đương được quốc gia đại sự. Vậy nay truyền chỉ phong Nguyễn Phúc Thuần làm Thế tử. Sau khi quả nhân qua đời Thế tử Nguyễn Phúc Thuần sẽ lên thay quyền kế vị trị quốc an dân.

Nay chiếu.

Chiếu đọc xong, Hoàng tử Nguyễn Phúc Luân bước ra nói:

– Ngày trước Thế tử mất, Phụ vương thường nói ngày sau sẽ cho ta kế vị, sao trước lúc lâm chung lại có sự nhầm lẫm như thế? Vả lại, nói rằng Hoàng tôn mới chín tuổi còn nhỏ nên không lập, mà lại lập Nguyễn Phúc Thuần cũng mới mười hai tuổi, ấy chẳng phải là điều vô lý hay sao?

Trương Phúc Loan giơ gươm lệnh lên nói:

– Đây là gươm lệnh của Tiên vương. Thấy gươm như thấy chúa. Xin Hoàng tử đừng khi quân phạm thượng.

Nguyễn Phúc Luân đùng đùng nổi giận:

– Ngươi có gươm lệnh thì làm gì được ta nào. Có mặt trăm quan ở đây há để cho ngươi làm điều thoán đoạt hay sao. Bá quan nghĩ thế nào? Đây là tờ di chiếu giả.

Luân nói chưa dứt lời liền bị Loan thét võ sĩ lôi ra chém. Thái úy Trương Văn Hạnh bước ra nói:

– Xin Quốc phó bớt giận, Hoàng tử dù buông lời nói càn, nhưng tiên chúa mới qua đời nếu làm thế e thiên hạ dị nghị rằng: Mồ cha chưa xanh cỏ, con đã tranh giành nhau của cải. Xin Quốc phó tha cho.

Loan ngẫm nghĩ rồi nói:

– Nể lời quan Thái uý không giết nhưng hãy giam vào ngục chờ chọn ngày lành tháng tốt lập Thế tử Nguyễn Phúc Thuần lên kế vị, rồi xử trị thế nào do Tân vương định đoạt.

Bỗng hộ giá quan Ngô Mãnh bước ra nói:

– Tôi thường ngày hộ giá Tiên vương, thường được xem văn thư của chúa. Vậy xin cho xem di bút của tờ di chiếu.

Phúc Loan thấy Mãnh đeo gươm bên hông bèn trỏ mặt Mãnh quát rằng:

– Ngô Mãnh! Khi thiết triều trong cung điện không ai được mang vũ khí, sao ngươi dám đeo gươm bên mình là có ý gì?

Ngô Mãnh đáp:

– Lúc Tiên vương còn tại thế tôi làm Đô thống chỉ huy cấm vệ quân. Tiên vương cho phép tôi theo hầu ở bất cứ đâu, kể cả cung cấm của Tiên vương. Xin Quốc phó xét cho.

Loan cầm gươm lệnh giơ lên quát:

– Ngày trước ngươi làm chưởng cấm vệ quân chứ há phải ngày nay. Gươm của ngươi lại bằng gươm lệnh của chúa hay sao? Võ sĩ đâu lôi ra chém!

Võ sĩ xông ra bắt Ngô Mãnh trói lại. Thái úy Trương Văn Hạnh can:

– Thưa Quốc phó, Ngô Mãnh đeo gươm chẳng qua là sự vô tình. Nay Quốc phó đem ra giết đi, chẳng phải là cố chấp hay sao? Vả chăng Ngô Mãnh muốn xem di bút của Tiên chúa, Quốc phó chẳng cho xem lại mượn sự đeo gươm mà giết đi e thiên hạ dị nghị rằng có điều mờ ám.

Văn Hạnh nói chưa dứt câu, Phúc Loan lại vỗ đùi quát:

– Việc mờ ám chính là ngươi đó!

Văn Hạnh hỏi:

– Tôi làm việc gì mà gọi là mờ ám?

Loan đáp:

– Ngày trước chúa xa giá vào Nam, Ngô Mãnh tiến cử cháu ngươi là Trương Văn Hiến theo hộ giá để âm mưu hại chúa. Việc không thành Ngô Mãnh lại để mất ngựa quý nên chúa buồn giận mà mất. Nay lại phạm luật đeo gươm vào triều, hai tội ấy không đáng chết lắm sao? Nay ngươi còn đứng ra ngăn trở chẳng phải là đồng đảng đồng mưu ư?

Nói xong truyền quân giam Trương Văn Hạnh vào ngục và đem Ngô Mãnh ra chém.

Võ sĩ lôi Ngô Mãnh ra ngoài cung điện, có người tùy tướng của Ngô Mãnh là Phan Văn Long xông đến đâm chết mấy tên võ sĩ rồi cắt dây trói cho Ngô Mãnh. Long hối:

– Tướng quân mau chạy đi, để tôi ở lại chặn binh triều.

Mãnh than:

– Đã đến nước này đằng nào cũng mang tiếng bất trung. Ta trốn đi đã đành nhưng còn ngươi thì sao?

– Thần đội ơn tri ngộ của tướng quân, nay dù có xương tan thịt nát là dịp để báo đền. Binh triều kéo đến kìa, tướng quân mau về đem gia quyến trốn đi. Xin tướng quân bảo bọc con thần là Phan Văn Lân thì thần yên lòng nhắm mắt. Một lạy này xin vĩnh biệt tướng quân.

Nói xong Long vung thương xông đến phía binh triều. Ngô Mãnh chạy thoát về nhà. Phan Văn Long chặn binh triều giết chết trăm tên quân rồi trúng tên chết. Loan sai Chữ Đức bằm thây trăm mảnh. Ngô Mãnh chỉ kịp dắt theo con Phan Văn Long là Phan Văn Lân, và cháu nội mình là Ngô Văn Sở. Toàn gia quyến bị Loan bắt giết sạch. Nguyên Sở và Lân là con nhà võ tướng nên mới mười ba tuổi đã thạo nghề cưỡi ngựa. Ba ông cháu ra cổng Nam thành Phú Xuân nhắm hướng Nam mà chạy.

Ngô Mãnh dắt hai cháu lội suối trèo đèo, đêm ngày không nghỉ, lần hồi đến Quy Nhơn thì Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ngã bệnh, Mãnh đành phải ra giữa chợ hành khất để kiếm tiền chữa bệnh cho cháu. Bỗng có một phú nông họ Bùi đi ngang qua thấy lão ăn mày quắc thước và hai thiếu niên khôi ngô tuấn tú đem lòng thương, xuống ngựa hỏi Ngô Mãnh:

– Tôi xem cụ và hai cháu đâu phải kẻ hèn, cớ sao đến nông nỗi này?

Ngô Mãnh gạt lệ đáp:

– Tôi quê ở Phú Xuân, rủi gặp nạn phải dắt cháu ăn xin độ nhật. Xin ông thương tình bố thí để chữa bệnh cháu thơ.

Bùi ông nói:

– Tôi có thể giúp cụ, nhưng cháu bớt bệnh rồi thì tá túc vào đâu? Chi bằng cụ về tệ xá tại ấp Tây Sơn ở tạm, thuốc men đã có thầy nhà.

Nói rồi bèn đem ông cháu Ngô Mãnh về nhà mình đối đãi tử tế, lo thuốc men cho Sở và Lân đến khi hồi phục.

Một đêm kia Ngô Mãnh đang ngon giấc bỗng nghe la “cướp, cướp” liền tung cửa chạy ra. Thì ra bọn cướp độ chừng vài chục tên hành hung người nhà Bùi ông, toan giở trò đạo tặc. Ngô Mãnh nghĩ bụng, đây là lúc để ta đáp nghĩa ân nhân. Mãnh quát lên như sấm:

– Lũ cướp dừng tay!

Mãnh tay không xông vào bọn cướp đến đâu chúng ngã lăn ra đến đấy, đứa vỡ đầu lọi cẳng gãy tay, lạy lục xin tha. Ngô Mãnh khuỳnh tay quát:

– Ta lấy đức hiếu sinh tha cho chúng bay một lần. Hãy cải tà quy chánh, chớ đem lòng đạo tặc mà có ngày chuốc vạ vào thân.

Tha bọn cướp xong, Bùi ông mời lão Ngô vào nhà hỏi.

– Cụ tài đức vẹn toàn mà phải tha phương cầu thực ắt là có uẩn khúc chi đây? Nếu không nghi ngại có thể bày tỏ cho vơi nỗi lòng được chăng?

Ngô Mãnh đáp:

– Giờ này chẳng dám giấu ân nhân. Tôi tên Ngô Mãnh làm Đô thống ở thành Phú Xuân bị Quốc phó Trương Phúc Loan làm hại nên trốn vào đây, gặp ân nhân ra tay tế độ lòng rất áy náy bấy lâu không biết lấy chi đền đáp.

Nói xong quỳ lạy Bùi ông. Bùi ông đỡ dậy nói:

– Làm việc nghĩa ai lại nghĩ đến chuyện trả ơn. Nhưng nếu cụ muốn trả ơn cũng chẳng khó gì. Tôi có một con gái tên là Bùi Thị Xuân, tính ưa theo đòi cung kiếm, phiền cụ chỉ dạy cho cháu phòng khi hữu sự.

Nói xong gọi con ra bái Ngô Mãnh làm thầy, Ngô Mãnh thấy Bùi Thị Xuân mày tằm mắt phượng, môi nhỏ má hồng, dáng vẻ thanh tao mà thần sắc oai phong trong bụng rất mừng.

Từ ấy ông ngày đêm ra sức dạy võ nghệ binh thư cho Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Bùi Thị Xuân. Ngày qua tháng lại thấm thoát năm năm Xuân cùng Lân, Sở ba người đều võ nghệ siêu quần, tài trí hơn người, tiếng lành đồn khắp gần xa.

*

* *

Trong khi Ngô Mãnh thoát chết trốn vào phủ Quy Nhơn tá túc nhà Bùi ông ở ấp Tây Sơn thì Trương Văn Hạnh bị giam vào ngục, Phúc Loan lại cho quân vây nhà Văn Hạnh bắt hết gia quyến, người tùy tướng là Trương Văn Hiến đơn thương độc mã đột phá trùng vậy chạy thoát khỏi thành Phú Xuân nhắm hướng Nam mà chạy.

Lần hồi đến Quy Nhơn phủ thấy núi non hung vĩ cỏ cây sầm uất, Hiến nghĩ thầm:

– Nơi đây là thành Đồ Bàn cũ của vua Chiêm, sau lưng dựa vào núi non hiểm trở, trước mặt trông ra biển lớn, trong ngoài đều có đèo cao án ngữ, thật là đất dụng võ. Thảo nào ngày xưa vua Chiêm là Chế Bồng Nga lập kinh đô ở đất này đã làm nên võ công hiển hách. Địa linh ắt sinh nhân kiệt. Thôi thì ta tạm tìm nơi ẩn náu rồi sẽ liệu sau.

Nghĩ xong bỗng nghe tiếng binh khí chạm nhau loảng xoảng. Ngoảnh nhìn lại thấy một thanh niên vừa đánh vừa lui, một mình chống đỡ hơn mười tên mặt mày hung tợn. Xem người này yếu thế, đã thấm mệt, Hiến bèn xông ra nói lớn:

– Các người sao lại ỷ đông hiếp yếu thì đâu phải là người hào kiệt.

Tên đầu đảng quát:

– Bọn ta là cướp, cần bạc vàng chứ đâu cần làm hào kiệt. Giết!

Chúng vung đao chém bừa. Hiến chỉ múa vài đường roi bọn chúng văng vũ khí liền hò nhau bỏ chạy. Người thanh niên quỳ lạy tạ ơn. Hiến đỡ dậy hỏi:

– Đây là nơi hoang vắng, sao anh lại mạo hiểm đi một mình để gặp cướp thế này?

Người ấy đáp:

– Tôi tên Hồ Nhạc nhà ở ấp Kiên Thành thường đi buôn trầu ở Tây Sơn Thượng đem xuống thành Quy Nhơn bán, rồi lấy vàng bạc xuống chợ Giả ở cửa Bể mua muối chở lên bán cho người Thượng ở Tây Sơn Thượng. Nay giữa đường gặp cướp nếu không gặp ân nhân mạng ắt chẳng còn. Nghe tiếng nói ân nhân không phải là người địa phương, dám hỏi ân nhân quê quán ở đâu, vì sao phải đến chốn này?

Hiến ngậm ngùi đáp:

– Tôi tên Trương Văn Hiến quê ở thành Phú Xuân, thời loạn ly gặp đại nạn phải bỏ nhà trốn tránh nơi đây.

Nhạc hỏi:

– Giờ ân nhân định đi về đâu?

Hiến đáp:

– Giờ đây là kẻ không nhà chưa biết phải về đâu?

Nói xong khật khưỡng vừa đi vừa ca rằng:

Không nhà chẳng biết đói no

Khá khen tạo hóa bày trò trêu ngươi

Sự đời chỉ một trận cười

Ta theo trăng gió dạo chơi ngũ hồ.

Nhạc chạy theo quỳ trước mặt Hiến thưa:

– Xin ân nhân dừng bước. Tôi hiện còn một căn nhà trống ba gian, xin ân nhân hãy về ở tạm. Tài văn võ của tiên sinh nếu mở trường dạy học thì chẳng những đã có kế sinh nhai lại còn được người đời trọng vọng. Xin tiên sinh chớ chối từ.

Hiến xúc động nói:

– Cảm ơn tấm thịnh tình của anh. Nhưng ta từ phương xa đến đây, ai biết ta thế nào mà cho con em theo học?

Nhạc đáp:

– Việc ấy xin tiên sinh chớ ngại. Tôi tuy tài hèn nhưng người quanh vùng đều mến phục. Nay họ thấy tôi tôn tiên sinh làm thầy lo gì họ chẳng cho con em theo học.

Hiến bèn theo Nhạc về nhà. Hôm sau Nhạc đến gặp Hiến nói:

– Tôi vốn phụ thân đã mất nên phải thay cha lo kế sinh nhai. Hiện còn hai em trai, nay đem đến bái sư xin nhờ thầy giáo huấn.

Hiến nói:

– Anh khách sáo làm gì, hãy cho trẻ vào ra mắt.

Nhạc gọi hai em vào lạy chào. Nhạc trỏ hai em nói:

– Đây là Hồ Huệ, tên tục là Thơm tuổi mới mười ba, còn kia là Hồ Lữ tuổi mới mười hai.

Hiến ngắm Lữ thấy tay chân vạm vỡ mặt mày hiền lương chân chất lòng rất cảm thương, lại thấy Huệ tuy còn niên thiếu mà lưng hùm vai gấu, mặt vuông tai lớn, mắt sắc như gươm, ánh nhìn như chớp thì lấy làm lạ bèn hỏi:

– Vì sao Huệ lại có tên tục là Thơm?

Nhạc bảo Huệ:

– Em hãy bẩm với thầy xem.

Huệ kính cẩn thưa:

– Bẩm thầy, con nghe thân mẫu kể rằng lúc lâm bồn sanh con, hoa huệ trong vườn bỗng nở thơm ngát nên thân phụ mới đặt tên chữ là Huệ, tên tục là Thơm.

Hiến nghe tiếng nói của Huệ sang sảng như chuông, thất kinh nghĩ thầm, thằng bé này về sau nhất định là bậc anh hùng quán thế, tài trùm thiên hạ chứ chẳng phải là kẻ tầm thường.

Từ ấy Trương Văn Hiến giữ Huệ và Lữ ở lại nhà truyền văn thụ võ.

*

* *

Một hôm Trương Văn Hiến có việc đi ngang qua núi Hoành Sơn. Khi đến chân núi, Hiến gặp một cậu bé trạc mười hai, mười ba tuổi đang ngồi hí hoáy vẽ. Thỉnh thoảng cậu bé đứng dậy đăm đăm nhìn lên núi rồi lại ngồi xuống chăm chú vẽ. Hiến lấy làm lạ đến gần hỏi:

– Cháu bé kia! Cháu vẽ gì thế?

Cậu bé đáp:

– Cháu vẽ núi!

Hiến nhìn vào bản vẽ cười to bảo:

– Vẽ núi thì phải có cỏ, có cây, có mây, có nước mới nên phong cảnh đẹp. Hình vẽ của cháu chỉ có hình mấy dãy núi và quả núi, lại có mấy đường ngoằn ngoèo dẫn lên núi thì cần gì mà quan sát kỹ lưỡng thế?

Cậu bé cũng cười to đáp :

– Cỏ cây mây nước của ông thì ai cũng nhìn thấy được, còn những đường ngoằn ngoèo của cháu mắt phàm không thể trông thấy, nên cháu phải quan sát kỹ lưỡng là do thế.

Hiến ngạc nhiên hỏi:

– Những đường ấy là đường gì mà mắt phàm không thể nhìn thấy được?

Cậu bé hỏi lại Hiến:

– Thế ông nhìn lên núi có thấy những đường ngoằn ngoèo như trong bản vẽ của cháu chăng?

Hiến đáp:

– Ta chỉ thấy cỏ cây chứ làm gì có những đường ấy!

Cậu bé cười ngặt nghẽo nói:

– Ấy mắt ông cũng là mắt phàm vậy.

Hiến tò mò hỏi:

– Cháu hãy nói xem những đường ấy là đường gì? Nếu nói hay ta sẽ thưởng.

Bấy giờ cậu bé chỉ tay lên núi hỏi Hiến:

– Núi non cỏ cây sầm uất đều xanh thẫm một màu, vậy còn vùng núi màu xanh lợt kia là gì ông có biết không?

Hiến cười đáp:

– Ấy là trảng cỏ tranh bị cháy rồi nảy mầm non nên có màu xanh lợt. Việc ấy có gì mà không biết.

Cậu bé nói:

– Nai, mang, mển trong rừng thường đến vùng cỏ mới cháy để ăn mầm non, nên cháu vẽ đường lên trảng cỏ tranh ấy cho phường săn của ông Đặng Đồng Phụng đến bắt nai, mang.

Hiến hỏi:

– Cháu đã lên đấy chưa mà biết được đường?

Cậu bé lại cười to đáp:

– Nếu đã biết đường thì cần gì phải nhìn núi mà vẽ!

Hiến lấy làm lạ hỏi:

– Không biết đường sao vẽ được đường?

Cậu bé lại cười đáp:

– Cháu nhìn núi xem dốc đổ phía nào mà biết được dòng suối chảy vào mùa mưa. Nước chảy tất phải trôi mất đất, mà không còn đất chỉ còn đá, tất cây không mọc được. Tự nhiên nơi ấy sẽ thành đường đi trong rừng. Đó là cái mà ngoài cháu ra kẻ mắt phàm không nhìn thấy được.

Hiến mừng rỡ reo lên:

– Đây thật là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Quả nhiên đất Quy Nhơn địa linh sinh nhân kiệt.

Đoạn Hiến hỏi cậu bé:

– Cháu tên gì? Nhà ở đâu?

– Cháu tên Võ Văn Dũng! Nhà ở Tây Sơn Hạ!

– Cháu có muốn làm học trò của ta chăng?

Văn Dũng hỏi lại Hiến:

– Ông có tài gì mà đòi làm thầy của cháu?

Hiến chưa biết trả lời thế nào bỗng nghe sau lưng có tiếng quát lớn:

– Ta định nhận Văn Dũng làm học trò, ngươi là ai mà dám giành học trò của ta?

Hiến và Dũng giật mình quay lại thấy một ông già tuổi trạc lục tuần, tóc râu đã bạc nhưng thân thể hãy còn tráng kiện lắm. Võ Văn Dũng nói:

– Ấy là lão Đặng Đồng Phụng đầu phường săn.

Hiến hỏi lão Phụng:

– Vì sao tiền bối định nhận cháu Dũng làm học trò?

Lão Phụng đáp:

– Ta dạy võ nghệ cho nó mai sau lớn lên đi săn bắt thú rừng đem về thành bán cho quan quân. Như vậy cũng được phú quý.

Hiến hỏi Võ Văn Dũng:

– Còn ta sẽ dạy cho con văn võ binh thư, mai sau khôn lớn vẽ bản đồ sông núi nước Nam để dùng quân đánh đổ binh triều cứu nguy trăm họ. Vậy con muốn theo ai?

Võ Văn Dũng đáp:

– Con xin nhận thầy làm sư phụ.

Lão Phụng thấy vậy giận lắm quát lên:

– Nếu ngươi đánh thắng ta thì ta sẽ không giành học trò với ngươi nữa.

Quát xong xông vào đánh liền, Trương Văn Hiến đưa tay đỡ đòn. Hai tay chạm nhau, Hiến nghe tay mình đau buốt liền nhảy khỏi vòng chiến, Lão Phụng cả cười nói:

– Đặng Đồng Phụng ta được chân truyền về môn cương công. Ta tập luyện hai cánh tay như sắt, côn gỗ đánh vào còn không hề hấn gì thì tay ngươi sao chịu nổi. Vậy đã chịu thua chưa?

Hiến hỏi lại Lão Phụng:

– Nếu tôi đánh lại được tiền bối thì thế nào?

Lão Phụng cười to đáp:

– Ta sẽ nhường học trò cho ngươi, không giành nữa.

Văn Hiến mừng rỡ nói:

– Xin tiền bối chớ quên lời, vậy tiền bối hãy ra tay trước.

Đặng Đồng Phụng vung tay đánh Hiến. Hiến co ngón tay giữa nhô lên thành Độc giác chỉ điểm mạnh vào huyệt Hợp cốc ở hổ khẩu và huyệt Khúc trì ở khuỷu tay lão Phụng. Lão Phụng hai tay tê hại không cử động được, lão liền vung chân đá Hiến. Hiến lại co ngón tay giữa, điểm mạnh vào huyệt Ủy trung ở nhượng chân và huyệt Thừa sơn ở giữa bắp chân của lão Phụng. Lão Phụng cà nhắc một chân cúi đầu nói:

– Ông võ nghệ cao cường tôi xin bái phục. Xin hỏi vừa rồi ông sử dụng môn võ gì?

Hiến đáp:

– Môn cương công của tiền bối đã luyện tay chân cứng như sắt thật là vô địch thiên hạ. Muốn thắng được tiền bối tôi phải dùng nhu công điểm vào các yếu huyệt làm cho tay chân tê dại mà thôi!

Lão Phụng bảo Võ Văn Dũng:

– Ta mừng cho cháu gặp được thầy hay – rồi quay sang Trương Văn Hiến, Lão Phụng nói – Tôi có một đứa cháu nội tuổi trạc như Võ Văn Dũng tên là Đặng Văn Long. Cha nó chẳng may mất sớm, mẹ con nó được tôi nuôi dưỡng, nay xin gửi thầy theo học nghề văn võ mai sau giúp ích cho đời. Xin thầy vui lòng nhận cho.

Hiến vui vẻ chấp thuận.

Từ ấy hai cậu bé Võ Văn Dũng và Đặng Văn Long theo làm học trò Trương Văn Hiến.

Võ Văn Dũng và Đặng Văn Long gọi Hồ Huệ là đại sư huynh, gọi Lữ là nhị sư huynh. Huệ và Lữ gọi Văn Dũng là tam sư đệ và Đặng Văn Long là tứ sư đệ.

Trương Văn Hiến đem hết sở học truyền cho bốn học trò. Ngày qua tháng lại thấm thoát đã năm năm. Huệ, Lữ, Dũng, Long đã trở thành những trang thiếu niên anh kiệt. Tiếng lành đồn khắp gần xa.

Bình luận
Ads Footer