NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Tây Sơn Bi Hùng Truyện

Chương 10

Tác giả: Lê Đình Danh
Thể loại: Văn Học Việt Nam
Ads Top

Nói về Nguyễn Khắc Tuyên chỉ kịp dắt theo vài chục tên lính cận vệ ra cổng Bắc thành Quy Nhơn mà chạy. Ngặt nỗi Khắc Tuyên thân hình mập béo, ngựa nặng quá không chạy mau được, một giờ đi được ba mươi dặm. Lại thêm trời nắng chang chang, đi đến trưa người ngựa đều mệt, đến chân núi Bô Chinh Sơn, thấy cây cao bóng mát Khắc Tuyên hối quân xuống ngựa ngồi nghỉ. Bỗng thấy trong núi một đoàn người ngựa kéo ra, đi đầu là năm viên dũng tướng. Khắc Tuyên hoảng sợ than:

– Sau lưng giặc đuổi, trước mặt cướp chặn đường về, bởi trước giờ ta giết người vô tội, hà hiếp lương dân nên nay phải đền mạng ở nơi này. Ngựa đã đuối sức làm sao chạy kịp nữa.

Bỗng nghe một trong năm viên tướng ấy hỏi:

– Người ngồi ấy có phải là Tuần vũ phủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên chăng?

Khắc Tuyên thất sắc chối:

– Không phải! Tôi là dân trong thành Quy Nhơn. Thành bị quân cướp Tây Sơn Nguyễn Nhạc cướp nên chúng tôi mới bỏ nhà chạy loạn đến đây.

Người kia ôn tồn nói:

– Tôi có nghe bá tánh bảo rằng Quan tuần vũ phủ Quy Nhơn hình dạng to lớn khác thường. Nay thấy người lại thấy cốt cách sang trọng hơn kẻ bình thường thì chẳng phải là đại quan đó sao?

Khắc Tuyên ấp úng chưa biết nói thế nào thì người ấy nói tiếp:

– Xin đại quan chớ ngại. Tôi là Chu Đoan Chữ, các em của tôi là Chu Văn Tiếp, Chu Đoan Chân, Chu Đoan Hãn và Phạm Văn Sĩ quê ở huyện Phù Ly tập hợp được năm trăm binh mã ở núi Bô Chinh Sơn định ngày đầu quân đánh thằng buôn trầu Nguyễn Nhạc. Nay nghe chúng cướp thành Quy Nhơn mới đem quân đến cứu mà thôi.

Khắc Tuyên lúc bấy giờ mới hoàn hồn, mừng quá liền hỏi:

– Ta chính là Tuần vũ Nguyễn Khắc Tuyên. Thành Quy Nhơn bị chúng lấy mất, lũ giặc sắp sửa đuổi đến đây vậy phải làm sao?

Chu Văn Tiếp bước lên nói:

– Đại quan nên sai vài tên quân chạy về phi báo cho hai huyện Phù Ly, Bồng Sơn, rồi bảo quan huyện Bồng Sơn kíp báo về cho quan tổng trấn dinh Quảng Nam là Nguyễn Phúc Nghiêm được biết mà đem đại binh vào đánh dẹp. Còn đại quan nặng quá ngựa không chở nổi đi đường bộ không tiện, tôi sẽ cho Phạm Văn Sĩ theo phò đại quan về phía Đông Bô Chinh Sơn rồi dùng thuyền ra cửa Cách Thử mà xuôi gió Đông nam về Bắc.

Chu Văn Tiếp nói đến đây bỗng nghe tiếng quân hò reo, tiếng trống dồn dập, liền hối:

– Phạm Văn Sĩ theo phò tá đại quan còn bốn anh em ta ở đây chặn giặc.

Khắc Tuyên vội vàng lên ngựa chạy theo Phạm Văn Sĩ. Chu Đoan Chữ hỏi:

– Giặc đông ta ít phải liệu thế nào?

Tiếp đáp:

– Quân cốt giỏi chẳng cốt nhiều. Ta chia quân làm hai cánh phục ở hai bên bìa rừng chờ chúng đến rồi đổ ra đánh ắt là phải thắng.

Khi ấy tướng Tây Sơn là Vũ Văn Dũng và Vũ Văn Nhậm kéo quân đến phía Nam núi Bô Chinh Sơn, thấy rừng rậm hoang vu, cỏ cây chằng chịt, Nhậm có ý lo ngại hỏi Dũng.

– Nơi này địa thế hiểm trở nếu địch cho mai phục rồi chờ quân ta đến hai mặt giáp công thì làm thế nào?

Văn Dũng cười đáp:

– Lúc đi ông nói với tướng quân Nguyễn Huệ rằng lấy sông Phù Ly và Bồng Sơn thì quân Nguyễn triều ở đèo Thạch Tân bỏ đồn mà chạy, nay mới đến núi Bô Chinh Sơn là địa đầu của huyện Phù Ly mà lại e ngại thế.

Văn Nhậm đáp:

– Không phải là tôi sợ, nhưng muốn thắng địch thì phải hiểu rõ tình hình địch. Nay cho quân tạm nghỉ rồi phái người dò xét tình hình, sau sẽ tùy cơ ứng biến.

Văn Dũng nói:

– Theo tôi không cần phải dò xét làm chi.

Nhậm hỏi:

– Binh pháp có câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Nay chưa dò biết địch tình cứ nhắm mắt mà tiến quân ngộ nhỡ có mai phục ắt là ta đem binh vào chỗ chết hay sao?

Dũng đáp:

– Trong binh gia phải biết nắm thời cơ. Nay quân ta khí thế đang hăng đi đến đâu dân ùn ùn theo đến đấy, binh triều chỉ nghe tiếng là đã bắt giò lên cổ mà chạy, ta cứ thừa quân thế như chẻ tre mà tiến ấy là việc lớn. Còn nếu chúng có mai phục nhưng lòng quân đã rã, cầm giáo tay run, trong lòng chực chạy. Binh như thế thì dù mưu mẹo thế nào cũng dễ hồ thắng được ta sao? Ấy là ta biết lấy cái lớn mà bỏ điều nhỏ vậy. Tôi xin dẫn năm trăm quân đi trước mở đường nếu có mai phục tôi sẽ cố sức mà đánh. Tướng quân đem toàn quân hai mặt giáp công lại binh mai phục của địch ấy là dùng kế của địch mà thắng địch vậy.

Văn Nhậm nói:

– Thôi được cứ theo kế ấy mà làm.

Văn Dũng quay lại nói với ba quân:

– Các ngươi theo ta đi tiên phong đánh quan quân chúa Nguyễn. Lúc còn ở Tây Sơn Thượng tướng quân Nguyễn Huệ huấn luyện cho các ngươi một đánh được hai, ba, vào chỗ giáo gươm không hề nao núng. Nay ở cánh rừng phía trước có quân mai phục, nếu chúng bắn tên thì dùng khiên mà đỡ, nếu chúng đến gần thì liều chết mà đánh. Chỉ có tiến chứ chẳng có lùi. Các ngươi có đồng lòng gắng sức cùng ta chăng?

Ba quân đồng thanh nói:

– Chúng tôi xin cùng sống chết với tướng quân.

Nhậm hỏi Dũng:

– Tướng quân quả quyết trong ấy có mai phục hay sao mà bảo quân chuẩn bị kỹ lưỡng thế?

Dũng đáp:

– Binh pháp có câu: “Đừng cậy là địch không đến, hãy cậy là địch đến ta đã có kế sách để đợi chúng rồi vậy”. Tôi dặn quân như thế là đề phòng trường hợp nguy nhất mà thôi.

Nói rồi cầm đại đao lăm lăm đi trước, năm trăm quân hùng dũng theo sau.

Chu Đoan Chữ, Chu Văn Tiếp, Chu Đoan Chân, Chu Đoan Hãn chờ quân Tây Sơn lọt vào ổ mai phục liền hô quân tiến lên. Văn Dũng lập tức chia quân làm hai cánh sẵn sàng nghênh địch, nhưng khi thấy đạo quân đối địch mặc toàn y phục dân thường Dũng bèn gò ngựa lại hỏi lớn:

– Các ngươi là ai? Có đánh lầm nhau chăng?

Chu Đoan Chữ chẳng nói chẳng rằng thúc ngựa xông tới chém Văn Dũng. Văn Dũng cúi mình tránh khỏi, thuận tay hoành đao chém một nhát, Đoan Chữ đầu rơi xuống đất. Chu Văn Tiếp thấy anh chết thảm, uất khí xông lên hét vang một tiếng cùng hai em vây Văn Dũng vào giữa mà đánh. Vũ Văn Dũng một mình chống đỡ ba anh em họ Chu không hề nao núng. Quân Tây Sơn vốn đã chuẩn bị khí thế rất hăng lại thêm võ nghệ tinh nhuệ đánh quân họ Chu mỗi lúc một lùi. Khi ấy Vũ Văn Nhậm nghe tiếng trống trận của quân mình liền thúc quân tiến lên. Chu Văn Tiếp thấy quân mình thua, lại thấy Tây Sơn có binh tiếp ứng liền hô lui quân, chạy vào sào huyệt ở trong núi Bô Chinh Sơn.

Đến nơi Tiếp nghiến răng khóc rằng:

– Giặc Tây Sơn giết chết anh ta thật là thê thảm. Thù này ta quyết chẳng đội trời chung.

Nói xong uất hận, ngã ra kêu gào thảm thiết. Chu Đoan Chân, Chu Đoan Hãn hết lời khuyên giải Tiếp vẫn chưa nguôi. Lúc ấy Phạm Văn Sĩ vừa về đến lựa lời khuyên nhủ:

– Nay việc đã lỡ, nhị ca dẫu có khóc than đại ca cũng không thể sống dậy được. Xin nhị ca tạm gác ưu phiền để cùng bàn kế sách về sau.

Chu Văn Tiếp gạt lệ hỏi:

– Quân ta còn được bao nhiêu?

Chu Đoan Chân đáp:

– Còn bốn trăm quân hao mất một trăm quân.

Văn Tiếp nói:

– Hãy cho người ra liên lạc với quan Trấn thủ dinh Quảng Nam Nguyễn Phúc Nghiêm đem quân vào đánh. Còn ta tuyển thêm quân, nếu giặc lấy Phù Ly và Bồng Sơn thì ta sẽ chặn đường về của chúng. Ấy chẳng phải là lập được đại công sao?

Phạm Văn Sĩ bàn:

– Nếu giặc lấy xong hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn thì quân ta nguy mất.

Văn Tiếp hỏi:

– Sào huyệt của ta trong núi Bô Chinh Sơn địa thế hiểm trở, giặc Tây Sơn không thể vào được, lương thảo của ta đủ dùng trong một năm. Nay nghe mất Quy Nhơn triều đình ắt lập tức đem binh thảo phạt, khi ấy ta xuất quân đánh giặc lập công thì nguy là nguy làm sao?

Văn Sĩ đáp:

– Nếu giặc lấy xong hai huyện tất đem quân đóng ở các cửa biển đề phòng binh triều đánh thủy binh. Nay đang là mùa khô nếu chúng dùng hoả công đốt núi khi ấy quân ta bốn mặt đều thọ địch thì chẳng phải là nguy ư!

Chu Văn Tiếp giật mình hỏi:

– Vậy giờ ta nên làm thế nào?

Văn Sĩ đáp:

– Nhân khi chúng chưa chiếm giữ cửa biển ta đem toàn quân xuống cửa Cách Thử mà chạy ra Quảng Nam đầu quân.

Văn Tiếp xua tay nói:

– Ta nhân lúc loạn tụ chúng thừa thời mà lập nên công lớn lưu danh hậu thế. Nếu ra Quảng Nam đầu quân chẳng qua chỉ làm một chức cai cờ là cùng. Ấy không phải là chí hướng của bậc đại trượng phu.

Phạm Văn Sĩ hiến kế:

– Ở phủ Phú Yên có một dãy núi tên là núi Trà Lang nằm về phía Nam đèo Mù Công. Thế núi rất là hiểm trở lại nằm án ngữ con đường độc đạo vào Nam. Nếu nhị ca không muốn đầu quân thì ta đi thuyền vào Phú Yên chiếm cứ núi này chiêu binh mãi mã truyền hịch phò chúa Nguyễn diệt Tây Sơn. Chặn đường Nam tiến của giặc Tây Sơn; ấy cũng là lập nên đại công đó!

Văn Tiếp khen:

– Diệu kế! Lời ấy rất hợp ý ta. Truyền quân mở đường theo chân núi ra cửa biển Cách Thử rồi xuống thuyền vào Phú Yên.

*

* *

Ngày ấy Nguyễn Nhạc và Trương Văn Hiến mở kho thóc phân phát cho dân trong thành Quy Nhơn vừa về dinh phủ, quân thám mã mặt Nam về báo rằng:

– Bẩm trại chủ, tướng quân Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đã chiếm đèo Cù Mông.

Lại có quân thám mã mặt Đông về báo:

– Bẩm trại chủ, tướng quân Nguyễn Văn Tuyết và Nguyễn Văn Lộc toàn thắng ở Cửa Giã lấy được hàng trăm chiếc thuyền của binh triều.

Nguyễn Nhạc mừng rỡ nói:

– Hay lắm! Việc tranh lấy địa lợi còn chờ cánh quân mặt Bắc của Vũ Văn Nhậm và Vũ Văn Dũng lấy đèo Thạch Tân(1) nữa là xong. Không biết cánh quân mặt Bắc đã tiến đến đâu rồi?

Vừa nói xong quân thám mã về báo:

– Bẩm trại chủ, tướng quân Vũ Văn Nhậm và Vũ Văn Dũng đã chiếm được hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn.

Nhạc vội hỏi:

– Sao không thừa thắng đánh lấy đèo Thạch Tân?

Tên quân đáp:

– Đèo Thạch Tân binh triều canh phòng cẩn mật quân ta không tiến được. Tướng quân Vũ Văn Nhậm có thư trình trại chủ.

Nguyễn Nhạc giở thư ra, xem xong nói:

– Văn Nhậm gửi thư nói đèo Thạch Tân là con đường độc đạo, địch ở trên cao lăn gỗ đá bắn cung tên xuống như mưa, quân ta không làm sao tiến được. Lại có tin Tổng binh dinh Quảng Nam là Tôn Thất Hương đem ba vạn tinh binh đóng ở phía Bắc đèo Thạch Tân thuộc phủ Quảng Ngãi nay mai sẽ vượt đèo vào đánh quân ta. Nhậm và Dũng xin viện binh. Ý quân sư thế nào?

Trương Văn Hiến đáp:

– Nay quân ta trong thành được năm ngàn quân đem ra tiếp viện cho Vũ Văn Nhậm và Vũ Văn Dũng cả thảy chỉ có tám ngàn quân cũng chưa phải là đối thủ của ba vạn tinh binh triều. Quân của Sở và Lân, của Tuyết và Lộc cũng không thể điều ra mặt Bắc mà bỏ các nơi hiểm yếu ở mặt Đông và mặt Nam thành Quy Nhơn được.

Nguyễn Nhạc thở dài nói:

– Nếu lấy được đèo Thạch Tân thì quân ta có sợ gì ba vạn quân của chúng – Nhạc chợt nhớ điều gì liền hỏi – Nguyễn Huệ liệu việc không sai. Sao Huệ biết rằng đèo Thạch Tân lại khó đánh?

Hiến đáp:

– Đèo Thạch Tân địa thế hiểm trở, dễ giữ khó đánh. Ai lấy được đèo này phải từ trên đánh xuống, địch quân chỉ có một con đường độc đạo từ dưới đi lên, chẳng khác đèo Cù Mông ở phía Nam. Nhưng khi ta đánh thành Quy Nhơn thì Khắc Tuyên mở cổng Bắc thành mà chạy, nên binh triều ở đèo Thạch Tân hay được đã kíp đề phòng.

Nguyễn Nhạc nói:

– Theo ý tôi, ở địa giới huyện Phù Ly và Bồng Sơn có một đường đèo(2) nằm giữa hai ngọn núi Lại Khánh ở phía Tây và núi Bích Kê ở phía Đông. Ta đem năm ngàn quân đến phục ở hai sườn núi này, rồi truyền cho Nhậm và Dũng chờ quân Tôn Thất Hương đến thì ra đánh rồi giả thua mà chạy, nhử cho chúng lọt vào đèo này phục binh ta đổ ra đánh nhất định phải thắng. Quân sư thấy thế nào?

Văn Hiến đáp:

– Lúc tôi còn ở kinh thành có nghe anh em Tôn Thất Hương, Tôn Thất Tiệp đều là tướng trí dũng và trung nghĩa. Kế này chưa hẳn đã dụ được Tôn Thất Hương. Nhưng nếu Tôn Thất Hương không dám tiến binh thì ta dựa vào thế hiểm yếu của núi Lại Khánh và Bích Kê mà bảo toàn lực lượng, giữ vững từ huyện Phù Ly trở vào. Ấy cũng là thượng sách vậy. Trại chủ nên theo kế ấy mà làm.

Nguyễn Nhạc bèn để Nguyễn Lữ, Nguyễn Thung ở lại giữ thành Quy Nhơn rồi hạ lệnh xuất quân.

Chú thích:

(1)Nay là đèo Bình Đê, ranh giới giữa Bình Định và Quảng Ngãi.

(2)Nay là đèo Phủ Cũ.

Bình luận
Ads Footer