NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Tây Sơn Bi Hùng Truyện

Chương 17

Tác giả: Lê Đình Danh
Thể loại: Văn Học Việt Nam
Ads Top

Nói về Nguyễn Nhạc kéo quân đến núi nhỏ của Vũ Văn Dũng và Võ Đình Tú trấn thủ. Nhạc đứng trên núi ấy nhìn ra Hải Vân quan trên mây dưới bể, trên thì núi non trùng điệp, đá dựng chênh vênh, nhiều hòn cao ngất đụng đến trời mây, dưới biển rộng mênh mông ầm ầm sóng vỗ vào chân đá dựng. Quân Trịnh đóng quân án giữ đường đèo lều trại san sát, thủy binh đậu ngoài biển ghe thuyền lố nhố. Nhạc chỉ tay ra nói với các tướng:

– Hải Vân quan quả nhiên hiểm trở, kỳ vĩ lạ thường. Nay quân Trịnh thủy bộ hai mặt án giữ đường ra kinh thành, quân sư và các tướng có kế gì phá địch hay chăng?

Võ Đình Tú bước ra nói:

– Thưa Chúa công, binh cốt giỏi chớ không cốt nhiều, tôi xin đem ba ngàn quân làm tiên phong đánh giặc. Nếu không thắng xin trị tội theo tướng lệnh.

Nguyễn Nhạc vỗ vai Đình Tú cười bảo:

– Qua trận vừa rồi ta mới biết Đình Tú là người dũng lược. Nhưng trên vai còn mang vết thương thế kia ngộ nhỡ ra trận có điều gì sơ sẩy e hối không kịp!

Đình Tú cứng cỏi đáp:

– Thưa Chúa công, hôm trước tướng Trịnh là Hoàng Đình Thể đem một vạn quân tiến chiếm núi này. Tôi chỉ có năm trăm kỵ binh đi trước, hiền huynh Vũ Văn Dũng dẫn một ngàn năm trăm bộ binh đi sau mà đánh lui một vạn quân của Hoàng Đình Thể chạy về Hải Vân quan. Đại trượng phu một lời đã nói bốn ngựa khó theo, tôi đâu phải là hạng người chỉ khua môi múa mép mà không dám kí vào quân lệnh trạng!

Nghe Đình Tú nói, Tập Đình tức khí bước ra thưa:

– Lần trước tôi không kí quân lệnh trạng là e rằng mang tiếng tranh quyền tiên phong với tướng quân Đình Tú. Nay tôi xin đem quân bản bộ cướp trại địch, nếu không thắng xin Chúa công xử theo tướng lệnh.

Đình Tú cầm tay Tập Đình nói:

– Tôi một lòng vì Chúa công nên nói thế, vô tình xúc phạm đến tướng quân. Xin tướng quân vì sự đoàn kết trong quân đừng để bụng làm gì! Lúc đánh đèo Thạch Tân đã biết oai võ của tướng quân, nay thấy tướng quân khí khái hơn người, Tú tôi rất lấy làm cảm phục.

Nghe Đình Tú khen mình Tập Đình lại ngạo mạn nói với Nguyễn Nhạc:

– Tôi dù thất thế theo về với Chúa công nhưng cũng là đại tướng của Thiên triều, thì sá gì lũ quân Trịnh tôm tép kia. Xin kí vào quân lệnh trạng thua binh chém tướng.

Nguyễn Nhạc cả mừng nói:

– Nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Có mọi người đều nghe lời tướng quân làm minh chứng, thôi không phải ký tá làm gì. Tướng quân mau ra oai võ của Thiên triều.

Tập Đình lãnh lệnh hùng hổ đi ngay.

Tập Đình đem một ngàn binh bản bộ đến trước doanh trại quân Trịnh dưới chân Hải Vân quan. Quân do thám vào báo cùng Hoàng Ngũ Phúc:

– Thưa đại tướng quân, có một đạo quân toàn là người Tàu đang tiến gần doanh trại quân ta.

Ngũ Phúc hỏi:

– Bọn chúng là quân nào thế? Khoàng bao nhiêu người, dùng thứ vũ khí gì?

Tên quân đáp:

– Thưa, bọn chúng ước một ngàn quân, đều cởi trần, đầu vấn khăn vàng, tay cầm khiên, tay cầm đao, bộ tướng trông rất dữ dằn.

Ngũ Phúc lấy làm lạ hỏi Hoàng Đình Thể:

– Hôm trước ngươi đánh nhau với quân Tây Sơn có thấy quân này không?

Đình Thể đáp:

– Hôm trước quân Tây Sơn toàn là người Đàng Trong, quân thì mặc áo đỏ, tướng thì đội mũ lông, không thấy có lũ quân này!

Hoàng Ngũ Phúc hỏi các tướng:

– Ai xung phong ra trận hỏi xem chúng là bọn cướp phương nào? Nếu dung nạp được thì cho làm tiền quân đi đánh Tây Sơn.

Có một viên tiểu tướng bước ra thưa:

– Bọn cướp đường này thì phiền gì các tướng quân phải ra trận cho nhọc sức. Tôi tuy tài hèn mọn, xin ra trận chặn bọn chúng hỏi cho rõ sự tình!

Ngũ Phúc hỏi:

– Người này là ai?

Đình Thể đáp:

– Đây là tùy tướng của tôi tên Vũ Tá Kiên.

Ngũ Phúc mừng rỡ đáp:

– Được! Ta cho ngươi hai ngàn tinh binh ra trận. Chưa rõ lai lịch của chúng thì chớ giết bừa.

Vũ Tá Kiên vâng lệnh đi ngay. Hai bên giáp mặt thấy đạo quân người Tàu dàn đội hình chiến đấu, Vũ Tá Kiên thúc ngựa đến hỏi lớn:

– Các ngươi là giặc cướp phương nào? Có phải quân Tây Sơn chăng?

Nghe địch hỏi, Tập Đình biết địch quân không biết mình là quân Tây Sơn, giả vờ nói:

– Ở phía Nam thành Quảng Nam có khu phố Hội An là phố của người Tàu chúng tôi sinh sống. Chẳng may quân Tây Sơn đem quân đánh chiếm Quảng Nam sát hại chúng tôi. Gặp quân chúa Nguyễn cũng bảo chúng tôi theo Tây Sơn nên đánh đuổi. Chúng tôi không còn đất dung thân nên mới chạy đến đây, xin tướng quân dung nạp.

Vũ Tá Kiên cả tin nói:

– Ngươi hãy tạm đóng binh ở nơi này để ta thu quân về bẩm cùng đại tướng quân sẽ thu nạp các ngươi.

Nói xong liền lui quân. Chờ quân Trịnh mới quay lưng không đề phòng, Tập Đình hô quân xông tới hét lớn:

– Ta là tiên phong của Tây Sơn đây!

Vũ Tá Kiên thất kinh hô quân quay lại đánh.

Quân Trịnh bất ngờ trở tay không kịp bị quân Tây Sơn đánh giết rất nhiều. Vũ Tá Kiên mới ra trận lần đầu, cố sức mà đánh, Tập Đình lỡ hứa cùng Nguyễn Nhạc quyết thắng không lui. Hai đàng đánh nhau bất phân thắng bại. Quân của Tập Đình đánh hăng quá, quân Trịnh càng đánh càng tử vong, nao núng muốn lui. Hoàng Ngũ Phúc bèn sai Hoàng Đình Thể đem kỵ binh trợ chiến. Hoàng Đình Thể cùng hai người con đem năm trăm kỵ binh xung trận. Hoàng Phùng Cơ đem bộ binh tiếp chiến. Tập Đình không chống nổi bèn cùng đám quân tín cẩn quay ngựa chạy trốn vào rừng. Đạo binh người Tàu tan vỡ chạy về núi nhỏ cùng quân Tây Sơn. Tập Đình ngửa mặt lên trời than rằng:

– Chỉ tại ta kiêu căng háo thắng, trước mặt Nguyễn Nhạc đòi ký quân lệnh trạng quân thua chém tướng. Lý huynh từng nhắc nhở mà ta vẫn không chừa thói ngạo mạn, nên mới ngu muội đưa các ngươi vào chỗ chết. Nay ăn năn đã muộn, muốn quay về cũng không được, biết làm sao đây!

Nói rồi ôm mặt khóc. Có tên quân quỳ thưa:

– Việc đã đến nước này, tướng quân sầu thảm cũng chẳng ích gì. Chi bằng chúng ta hãy tìm lối băng rừng lần ra ngoài cửa bể, rồi tìm thuyền về nơi quê quán ở Quảng Đông an phận cuốc cày, không màng thế sự chẳng thanh thản hơn ư.

Tập Đình gạt nước mắt nói:

– Giờ chỉ có đường sống ấy mà thôi!

Rồi cùng mươi quân tín cẩn tìm đường về Quảng Đông. Đến nơi bị quan quân nhà Thanh bắt được đem chém.

*

* *

Nói về quân Trịnh đánh tan quân Tập Đình thừa thắng tiến đánh núi nhỏ, bị quân Tây Sơn từ trên núi lăn gỗ đá xuống không sao tiến được. Gặp lúc tối trời Hoàng Ngũ Phúc hạ lệnh đóng đồn, rồi họp các tướng bàn kế sách đánh Tây Sơn. Hoàng Đình Thể bàn rằng:

– Quân Tây Sơn từ trên cao lăn gỗ đá xuống, quân ta từ dưới đánh lên thật là thất thế. Xin đại tướng quân hãy lệnh cho Hoàng Đình Bảo và Nguyễn Hữu Chỉnh đem thủy binh vào đánh lấy thành Quảng Nam, rồi từ Quảng Nam đánh ra. Quân Nhạc lúc bấy giờ không còn đường lui ắt phải đầu hàng. Nhược bằng Nhạc không hàng, nếu dễ thì ta hai mặt giáp công, nếu chúng liều chết cố thủ thì ta cứ vây chặt, tuyệt đường binh lương, Nguyễn Nhạc không hàng chẳng lẽ chịu chết đói hay sao?

Hoàng Ngũ Phúc khen:

– Kế này rất hay!

Nói rồi sai người đem mật lệnh cho Hoàng Đình Bảo và Nguyễn Hữu Chỉnh đem thủy binh theo đường bể vào đánh thành Quảng Nam.

*

* *

Trong đêm ấy bên doanh trại Tây Sơn, Trương Văn Hiến bàn rằng:

– Quân Trịnh quân đông thế mạnh, Hoàng Ngũ Phúc lại rất giỏi dụng binh. Binh ta ít, nhựa hỏa hổ khó tìm từ Quy Nhơn chưa vận chuyển ra kịp. Nếu ta cứ đồn binh ở đây cố thủ với Hoàng Ngũ Phúc, ngộ nhỡ chúng đem thủy binh theo đường bể vào đánh thành Quảng Nam, e rằng Lý Tài với một ngàn quân bản bộ đương không nổi. Nếu mất thành Quảng Nam thì ta tiến thoái lường nan.

Nguyễn Nhạc bèn hỏi:

– Theo ý quân sư thì phải thế nào?

Hiến chậm rãi đáp

– Cái thế yếu của quân ta là không có thủy binh thật khó bề chống giữ. Vả lại lương thực lấy được của quân Nguyễn ta đã đem phân phát cho dân nghèo. Chi bằng ta hãy tạm lui quân bỏ Quảng Nam về giữ Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ ta chia quân ra giữ cửa sông Trà Khúc, thì không phải lo quân Trịnh đem thủy binh vào các cửa bể thọc vào sườn rồi đánh vào sau lưng ta. Đợi hết xuân sang hạ quân Trịnh sẽ khắc lui binh.

Đình Tú, Văn Dũng, Văn Nhậm đồng thanh hỏi:

– Cớ gì hết xuân sang hạ chúng lại lui binh?

Hiến trầm ngâm đáp:

– Quân Trịnh vốn là người phương Bắc ngại nóng ưa lạnh. Nay đang xuân khí trời mát mẻ, chúng còn mạnh khỏe hung hăng, đợi sang hè khí nghịch hỏa xông gió Nam khô nóng, tạng người không hợp ắt sinh bệnh tật. Vả lại tôi xem khí tượng thấy gần đây vùng trời đất Quảng Nam đêm đêm thấp khí rất nhiều. Đến mùa hè thì hỏa nhiệt thịnh. Hễ khí tượng mà sinh ra thấp nhiệt thì con người sẽ bị bệnh nơi trường vị mà sinh chứng tả lỵ triền miên. Thưa Chúa công ta cứ bỏ Quảng Nam cho quân Trịnh, nhất định sang mùa hạ Hoàng Ngũ Phúc sẽ bỏ đất Quảng Nam mà lui binh. Nếu không như thế Hiến tôi xin chịu mất đầu theo tướng lệnh.

Nguyễn Nhạc nghi ngờ hỏi:

– Xin hỏi quân sư việc làm ấy có chắc lắm không?

Hiến bình tĩnh đáp:

– Tôi xin đem tánh mạng ra bảo đảm. Xin Chúa công đừng ngại.

Nguyễn Nhạc vẫn bán tín bán nghi, nhưng không có kế nào khác bèn hạ lệnh cho toàn quân trong đêm ấy bỏ đất Quảng Nam lui về giữ phủ Quảng Ngãi.

Trương Văn Hiến tuổi già sức yếu dầm sương dãi gió chinh chiến triền miên về đến Quảng Ngãi thì lâm trọng bệnh. Vào dinh phủ thấy Văn Hiến hơi thở thỏn mỏn, Nhạc lo sợ hỏi:

– Quân sư cảm thấy trong người có khỏe không?

Hiến thều thào đáp:

– Mạng tôi đến đây là hết. Chúa công hãy gắng sức vì muôn dân bá tánh dựng nghiệp Võ Thang.

Nhạc vừa khóc vừa kể:

– Kể từ ngày Tây Sơn dấy nghĩa, quân sư ngày quên ăn đêm bỏ ngủ lo bàn mưu định kế, lại chẳng quản gió sương cùng Nhạc tôi xông pha trận mạc, nên quân ta mới được như bây giờ. Nay đại sự chưa thành mà quân sư nỡ bỏ ra đi. Đương lúc quân ta tình thế nguy nan, ngoài thì Hoàng Ngũ Phúc đánh vào, trong thì Tống Phước Hiệp đánh ra. Nghĩa binh ta lưỡng đầu thọ địch, không có quân sư tôi biết liệu thế nào đây?

Hiến gắng gượng đáp:

– Chúa công hãy yên tâm, xin cho vời Nguyễn Huệ đến đây. Tôi còn đôi điều chưa dạy cho Huệ xong, muốn dặn dò Huệ vài lời mới yên lòng nhắm mắt.

Nói xong mệt quá lịm đi. Nguyễn Nhạc bảo Vũ Văn Dũng trông nom Văn Hiến, rồi sai người cấp tốc vào Quy Nhơn triệu Nguyễn Huệ.

*

* *

Lại nói về tôi thần của chúa Nguyễn Định Vương là Tĩnh Điệp Hầu Nguyễn Đăng Trường giả dạng thường dân đưa mẹ vượt bao gian khổ hiểm nghèo lội suối trèo đèo chạy theo chúa Định Vương, lần hồi đến phủ Quy Nhơn. Chẳng may có một tên dân trước là quân Nguyễn nhận dạng Nguyễn Đăng Trường bèn vào thủ phủ báo cùng Nguyễn Huệ:

– Thưa tướng quân, có một người là quan tham tán quân cơ của chúa Nguyễn đang ở trong thành, tôi xin vào bẩm báo tướng quân.

Huệ hỏi:

– Sao ngươi biết?

Tên dân đáp:

Lúc trước còn trong quân chúa Nguyễn có thời gian tôi làm cấm vệ trong thành nên có biết ông ấy!

Huệ quay sang hỏi Nguyễn Thung:

– Tiên sinh có biết ông ấy là người thế nào chăng?

Thung đáp:

– Ông ấy làm tham tán quân cơ bàn mưu tính kế cho Định Vương, tước Tĩnh Điệp Hầu, tên Nguyễn Đăng Trường, tính người trung nghĩa thờ mẹ rất có hiếu. Lúc quân Trịnh vào đánh Phú Xuân ông ấy khuyên chúa đem gia quyến chạy vào Quảng Nam. Một mình ông ta ở trong thành chặn giặc, ông ấy mở toang cổng Bắc thành đề bảy chữ “Mở cổng thành giết Hoàng Ngũ Phúc”. Phúc thấy thế nghi ngại không dám đem quân đuổi theo chúa, nhờ vậy chúa thoát được vào Quảng Nam. Sau đó ông ấy một mình phò tá mẹ, nên không kịp chạy theo chúa vào Quảng Nam xuống thuyền vào Gia Định. Có lẽ ông ấy muốn đi đường bộ vào Nam nên mới lánh nạn đến đây!

Huệ bảo tên dân:

– Ta cho vài mươi tên quân theo ngươi đến nơi ẩn náu của Nguyễn Đăng Trường vời ông ấy về đây cho ta hầu chuyện.

Tên dân vâng lệnh đi ngay. Quân dẫn Nguyễn Đăng Trường và mẹ đến. Huệ mời ngồi hỏi:

– Xin hỏi, tiên sinh có phải là quan tham tán quân cơ của chúa Định Vương?

Biết tông tích bại lộ, Trường đáp:

– Phải, ta chính là Tĩnh Điệp Hầu Nguyễn Đăng Trường!

Huệ ân cần hỏi:

– Nay tiên sinh định đưa Nguyễn mẫu đi đâu?

Trường thản nhiên đáp:

– Ta định đưa mẹ vào Gia Định cùng chúa, chẳng may bọn giặc Tây Sơn các ngươi bắt được, muốn làm gì thì làm chớ hỏi lôi thôi.

Huệ ôn tồn nói:

– Quân Tây Sơn tôi dấy binh đánh đổ Quốc phó Trương Phúc Loan, đưa ngôi chí tôn trả về cho Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương. Nay đại huynh tôi đang tôn phò Hoàng tôn đánh nhau với quân Trịnh mong chiếm lại kinh thành, thu phục cơ đồ cho nhà chúa Nguyễn, sao tiên sinh lại gọi quân Tây Sơn tôi là giặc?

Nghe Huệ nói, Nguyền Đăng Trường cười lớn:

– Hoàng tôn Dương tuổi còn nhỏ dại chưa từng trải việc đời, nên mới bị các ngươi đem nghĩa tôn phò ra lừa dối chứ gạt ta sao được!

Huệ kính cẩn đáp:

– Tôi nào dám nói gạt tiên sinh.

Trường lớn tiếng nói;

– Chẳng qua bọn giặc các ngươi thừa dịp triều đình có biến, mượn tiếng tôn phò, thu chúng mị dân, mưu định bá đồ vương. Ta là một kẻ sĩ trong thiên hạ, đâu phải như lũ ngu dân kia hòng cho mi dối gạt!

Huệ vẫn dịu giọng rằng:

– Nếu đại huynh tôi định bá đồ vương đem ấm no về cho thiên hạ lại không đúng hay sao?

Trường cười nhạt báo:

– Thừa nước loạn dấy binh phản chúa, ta nói ngươi đúng ở chỗ nào?

Huệ không đáp lời Trường mà hỏi lại:

– Muôn dân đói khổ lầm than, quân Tâm Sơn tôi khởi nghĩa đi đến đâu muôn dân đều có cơm ăn áo mặc nên thiên hạ đều phục. Dám hỏi tiên sinh, so với vua Lê Thái Tổ khởi binh ở Lam Sơn thì đại huynh tôi khởi nghĩa ở Tây Sơn khác nhau ở chỗ nào?

Trường lại cười lên ha hả:

– Bọn các ngươi thật là lũ nông dân ít học. Hỏi một câu mà đứa con nít cũng phải bật cười!

Nghe Trường buông lời vô lễ, tả hữu rút gươm khỏi vỏ. Huệ ngăn lại vẫn kính cẩn nói:

– Anh em tôi thật là nông dân, vì dân dấy nghĩa. Xin tiên sinh giảng giải vì sao tôi hỏi thế, đứa con nít cũng phải bật cười?

Trường trịch thượng đáp:

– Ngày xưa vua Lê Thái tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn là đánh đuổi quân Minh ở nước Tàu ra ngoài bờ cõi, chính nghĩa rạng ngời. Còn các ngươi thừa lúc triều đình có biến đấy binh phản chúa, mượn tiếng mị dân kẻ thức giả ai mà không biết. Hai việc khác nhau một trời một vực lại ngây ngô hỏi rằng khác ở chỗ nào, bảo ta không cười sao được?

Nghe Trường nói xong Huệ bèn nói tránh:

– Anh em tôi vừa mới cai quản phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi chưa biết phép trị dân, vừa rồi có một kẻ ỷ mạnh đánh một người hàng xóm rất dã man, lại có một người cha đánh một đứa con cũng rất dã. man. Cả hai nạn nhân đều thương tích như nhau. Xin tiên sinh dạy cho phải xử người nào tội nặng hơn?

Trường đáp:

– Phải xử người cha đánh con tội nặng hơn!

Huệ ung dung hỏi:

– Vì sao?

Trường cao giọng rằng:

– Vì cha con là tình thâm cốt nhục, còn hai kẻ kia là người dưng nước lã. Cha mà đánh con dã man như người dưng là ác tâm hơn, phải xử tội nặng hơn!

Bẩy giờ Huệ bẻ lại rằng:

– Cảm ơn tiên sinh vui lòng dạy bảo Vậy xin hỏi tiên sinh giặc Minh là người Tàu khác dòng khác giống sang xâm chiếm nước ta, đàn áp bóc lột dân ta ấy là lẽ thường tình. Còn như chúa tôi họ Nguyễn là cha mẹ của dân, sao quan lại thì dinh thự đồ sộ, cổng kín tường cao, ra ngoài thì lên xe xuống ngựa, trong nhà gấm lụa thiếu chi! Còn muôn dân đói cơm rách áo, không tiền nộp thuế phải chịu roi vọt tù đày, kẻ ăn xin đầy rẫy phố phường, người chết đói dọc đường nhan nhản. Xin hỏi tiên sinh ấy chẳng phải là chúa tôi nhà Nguyễn ác tâm hơn lũ giặc Minh xâm lược kia sao? Mà ác tâm hơn thì chẳng phải là đáng tội hơn sao?

Trường bất ngờ bị Huệ bẻ lại chưa biết đối đáp thế nào, Huệ liền nói tiếp:

– Tội đã nặng như thế thì không đáng để đánh đổ hay sao? Anh em ta khởi binh ở Tây Sơn cứu giúp muôn dân đánh đổ bạo tàn, trên thuận ý trời dưới hợp lòng dân sao dám gọi là không sáng ngời chính nghĩa. So với vua Lê Thái Tổ khởi binh ở đất Lam Sơn nào có khác gì? Có khác chăng là xưa nay kẻ sĩ trong thiên hạ nặng óc nhân trung, cho nên ta mới mượn tiếng tôn phò. Tiên sinh là người thức giả ta chẳng giấu làm gì. Nhưng người thức giả thì phải hiểu câu: “Chim khôn chọn cây mà đậu, tôi hiền chọn chúa mà thờ”. Nay chúa Nguyễn hôn muội, quan lại tham nhũng bạo tàn, tiên sinh là người trung nghĩa thanh liêm lại quyết một lòng theo chúa Định Vương sao?

Đăng Trường khăng khăng đáp:

– Ta chỉ biết câu: “Tôi trung không thờ hai chúa”, sống làm tôi nhà Nguyễn, chết làm ma nhà Nguyễn, muốn chém giết mặc lòng!

Huệ cười lớn nói:

– Tấc lòng trung hiếu của tiên sinh Huệ tôi rất lấy làm cảm phục. Tiên sinh muốn đi Huệ tôi xin cấp ghe thuyền lương cho tiên sinh vượt biển vào Gia Định theo chúa.

Trường nghi ngờ hỏi:

– Ngươi thả cho ta đi thật ư?

Nghe Trường nói, Huệ lại cười lớn rồi khẳng khái đáp:

– Nếu muốn giết tiên sinh tôi cứ giết ở đây nào có sợ gì. Tiên sinh chớ ngại, Huệ tôi là người quang minh chính đại không dối gạt tiên sinh dâu!

Đoạn Nguyễn Huệ sai quân sắp sẵn một chiếc thuyền lớn và vật dụng lương thực đầy đủ. Đến bến sông Huệ tự tay đỡ Nguyễn mẫu và Đăng Trường lên thuyền hỏi: Tiên sinh đi chuyến này nghĩ rằng mình có thể xoay chuyển lại trời đất lần nữa được sao?

Trường cảm khái đáp:

– Xin cảm ơn tướng quân mở lượng hiếu sinh, tôi rất lấy làm khâm phục kẻ anh hùng, nhưng tôi sống ở đời không thể mang tiếng bất trung Sau này hai người hai chiến tuyến, nếu có dịp tôi nhất định trả ơn.

Huệ lại hỏi:

– Ngộ nhỡ tiên sinh bị tôi bắt lần nữa thì thế nào?

Trường đáp:

– Nguyễn Đăng Trường tôi chỉ có chết mà thôi!

Nói rồi vòng tay bái biệt mà đi, giong buồm ra cửa bể. Trường đi rồi, Nguyễn Thung hỏi Huệ:

– Người vô lễ ngạo mạn thế, sao tướng quân không giết quách cho rồi?

Huệ đáp:

– Giết Trường thì được lợi gì? Thiên hạ ai cũng biết Đăng Trường là người trung hiếu. Ta phải tôn kính Đăng Trường để tỏ lòng chiêu hiền đãi sĩ của ta chứ!

– Nhưng Đăng Trường là người đa mưu túc trí, theo về chúa Nguyễn ắt chống lại quân ta thì lợi ít hại nhiều đó!

Huệ cười rằng:

– Đăng Trường đã đa mưu túc trí như Gia Cát Vũ Hầu chưa? Thế sự bây giờ dù Gia Cát Lượng có sống lại thì đã làm gì được ta nào?

Nói rồi Huệ quay lưng vào thủ phủ. Bỗng có quân đến báo:

– Thưa tướng quân có ba người xưng là huynh đệ đồng môn của tướng quân xin vào ra mắt.

Huệ cho mời vào. Vừa trông thấy họ, Huệ reo lên:

– Đặng Văn Long tứ đệ! Từ ngày ta lên Tây Sơn Thượng dựng cờ khởi nghĩa, anh em ta chia tay đã ba năm sao giờ tứ đệ mới đến?

Đặng Văn Long vòng tay nói:

– Ngày ấy đệ hay tin mẹ bệnh nên không kịp lên Tây Sơn tụ nghĩa. Về nhà chăm sóc mẹ ít lâu, chẳng may mẹ bệnh nặng qua đời, phải ở nhà cư tang cho mẹ ba năm. Nay đã mãn hạn tang vội đến tìm đại sư huynh mong đem chút tài hèn mọn ra cứu dân.

Huệ mời ngồi rồi hỏi Đặng Văn Long:

– Còn hai vị này là ai?

Văn Long đáp:

– Người mặt đen tên là Đặng Xuân Phong. Người mặt đỏ tên Đặng Xuân Bảo cùng với đệ là huynh đệ đồng đường, đều là hào kiệt cả. Xin hỏi đại sư huynh thầy và nhị sư huynh Nguyễn Lữ, tam sư huynh Vũ Văn Dũng đang chinh chiến ở nơi nào?

Huệ đáp:

– Nguyễn Lữ hiện đang trấn giữ ải Cù Mông. Thầy và Vũ Văn Dũng đang cùng đại huynh ta đánh nhau với quân Trịnh ở Quảng Nam…

Huệ chưa dứt lời có quân vào dâng thư. Tiếp thư đọc xong, Huệ nói:

– Quân Trịnh tiếng đánh Quảng Nam, đại huynh lui về Quảng Ngãi, thầy ta lại lâm trọng bênh. Đại huynh triệu ta phải kíp ra ngay!

Văn Long giật mình:

– Thôi chết. Tính mạng thầy ắt phải lâm nguy!

Huệ trách Văn Long:

– Tứ đệ thường ngày xuất ngôn nho nhã, sao nay lại nói năng hồ đồ thế!

Long lo lắng đáp:

– Trên đường đến đây ngang qua chùa Thập Tháp đệ gặp một cao nhân nói lời tiên tri nên bàng hoàng thốt chẳng giữ lời, xin đại huynh lượng thứ!

Huệ vội hỏi:

– Ngươi ấy nói thế nào?

– Người này cốt cách tiên phong, gặp ba anh em đệ liền nói: “Vừa mãn tang mẹ, đến để tang thầy”. Nay đại sư huynh nói thầy bệnh nặng, vừa nghe qua trong lòng thảng thốt…

Huệ trấn an Văn Long:

– Chẳng qua người ấy biết tứ đệ vừa để tang mẹ xong nên buông lời nói ngông đó thôi!

Long lắc đầu:

– Đệ với người này vốn chưa từng quen biết thì sao rõ gia cảnh của đệ được. Người ấy còn hỏi anh em đệ đi đâu? Đệ đáp: tòng quân Tây Sơn đánh giặc. Người ấy bảo: khởi binh Tây Sơn thì nhổ cây Sơn, trận đầu ra quân, trước dân xử tướng, dù là việc nên làm nhưng ấy là điềm gở. Danh là lưu hậu thế, nhưng sự nghiệp khó bền.

Huệ thất sắc bảo:

– Nếu nói vậy thì thầy ta nguy mất! Nay ba anh em tứ đệ hãy ở lại thành phụ tá Nguyễn Thung tiên sinh, trông coi mọi việc ở Quy Nhơn, ta phải lập tức đi ngay.

Nói xong vội vã lên đường.

Đến Quảng Ngãi, Huệ vào ra mắt Văn Hiến. Vũ Văn Dũng đang ở cạnh giường Hiến ôm lấy Huệ khóc rằng:

– Đại sư huynh! Thầy khó lòng qua khỏi!

Hiến cựa mình hỏi:

– Chúa công đâu?

Huệ cầm tay Hiến đáp:

– Thưa thầy đại huynh con đang đi nhắc các tướng canh phòng chiến trận cho cẩn mật.

Hiến bảo Huệ:

– Đại huynh con là người nhân nghĩa, nhưng không phải tài cao, chí lớn. Việc thống nhất sơn hà về sau con nên hết lòng giúp đỡ đại huynh.

Huệ nước mắt ròng ròng nói:

– Xin thầy hãy bình tâm tịnh dường, vì muôn dân con hứa hết lòng!

Huệ vừa nói xong Nhạc về đến. Hiến thều thào hỏi Huệ:

– Tình hình mặt trận phía Nam thế nào?

Huệ kính cẩn đáp:

– Tướng Nguyễn là Tống Phước Hiệp lãnh binh ở ba dinh Long Hồ, Phiên Trấn, Trấn Biên thuộc đất Gia Định cả thảy hai vạn quân tiến ra đánh Bình Thuận. Con đã lệnh cho Nguyễn Lữ và Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân bỏ Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên lui về trấn giữ ải Cù Mông.

Hiến giật mình hỏi lớn:

– Vì sao chưa đánh mà lui?

Huệ vội trấn an:

Thiếu hai trang 226-227

Bình luận
Ads Footer