NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Tây Sơn Bi Hùng Truyện

Chương 44

Tác giả: Lê Đình Danh
Thể loại: Văn Học Việt Nam
Ads Top

Nhắc lại Bằng Trung Công Nguyễn Hữu Chỉnh ở Thăng Long nghe tin anh em nhà Tây Sơn đánh nhau, Chỉnh cả mừng nói:

– Ngày trước khi khuyên Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc diệt Trịnh phò Lê ta đã biết trước Nguyễn Nhạc tất đem lòng đố kỵ mà trị tội kháng mệnh của Nguyễn Huệ, thật quả không sai. Nhưng không ngờ Nguyễn Huệ xem nhẹ luân thường đạp trên đạo lý nên phản chúa phụ anh, điều này ta không lường trước được. Nay Nguyễn Huệ tất bị thiên hạ chê cười, mất lòng tin trăm họ thì dù có tài dùng binh như Tôn Ngô ngày trước cũng chẳng ích gì. Đây chính là lúc ta thu đất Nghệ An dùng sông Linh Giang chia hai thiên hạ như hai nhà Trịnh – Nguyễn trước kia thì Nguyễn Huệ chỉ còn có đất Thuận Hóa nghèo nàn chật hẹp sao sánh cùng ta được.

Con Chỉnh là Nguyễn Hữu Du hỏi:

– Cha làm thế nào thu phục được đất Nghệ An?

Chỉnh đáp:

– Trước khi đem quân ra Bắc ta có hẹn cùng hai tướng trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Duy và Nguyễn Huỳnh Đức khi ta chiếm được Bắc Hà, Du và Đức sẽ trở giáo theo ta đánh lại Tây Sơn. Ta đã có kế này không tốn một mũi tên hòn đạn, không những lấy được Nghệ An mà có thể thu phục Động Hải nữa là khác.

Hữu Du hỏi:

– Nguyễn Duy và Huỳnh Đức trước đã giao ước cùng ta vậy nay ta lấy đất Nghệ An là việc dễ. Nhưng làm thế nào có thể lấy được Cát Dinh, Động Hải mà không tốn một mũi tên hòn đạn.

Chỉnh kề tai Du nói nhỏ như vầy… như vầy… nghe xong Du khen:

– Cha thật là đa mưu túc trí. Nguyễn Huệ không thể bì kịp.

Nguyễn Hữu Chỉnh liền viết thư sai sứ giả đem vào Nghệ An trao cho Nguyễn Duy và Nguyễn Huỳnh Đức.

Nhận được thư Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Duy bàn với Nguyễn Huỳnh Đức rằng:

– Bằng Trung Công bảo ta viết thư cho trấn thủ Động Hải là Vũ Văn Nhậm, khuyên Nhậm làm phản Bắc Bình Vương rồi cùng hợp binh vào Phú Xuân đánh Bắc Bình Vương. Vậy ý ông thế nào?

Nguyễn Huỳnh Đức đáp:

– Kế này rất hay. Nguyễn Huệ vừa đánh nhau với Nguyễn Nhạc. Vũ Văn Nhậm lại là con rể của Nguyễn Nhạc tất sợ bị Nguyễn Huệ nghi ngờ sớm muộn gì cũng làm hại. Nay được liên mình với ta đánh Nguyễn Huệ lập công với cha vợ ắt phải thuận lòng.

Nguyễn Duy nghe lời ấy liền viết thư sai người tâm phúc vào Động Hải trao cho Vũ Văn Nhậm. Vũ Văn Nhậm nhận được thư của Nguyễn Duy nhủ thầm rằng: Bắc Bình Vương Hoàng Thúc là người kiệt hiệt, lại thêm các tướng đều trí dũng song toàn, dù ta liên minh cùng Nguyễn Duy và Huỳnh Đức cũng không dễ gì chống nổi ông ấy. Vả lại ta có nghe Trần Quang Diệu mở đường Thượng đạo ra đến Nghệ An. Nếu Bắc Bình Vương sai Diệu theo đường này chiếm lấy Nghệ An thì ta ở Động Hải lưỡng đầu thọ địch tiến thoái lưỡng nan ắt là phải chết. Chi bằng ta đem việc này tâu cùng Bắc Bình Vương để lấy lòng tin của ông ấy là hơn.

Nghĩ rồi liền thét võ sĩ chém đầu sứ giả, lại sai người vào Phú Xuân báo tin cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ liền bảo quân:

– Mau ra Động Hải truyền lệnh ta bảo Vũ Văn Nhậm cất quân đánh Nghệ An bắt Nguyễn Duy và Huỳnh Đức về đây cho ta.

Quân vâng lệnh đi ngay. Nguyễn Duy ở Nghệ An nghe thám mã về báo rằng:

– Vũ Văn Nhậm chém đầu sứ giả, lại vâng lệnh Bắc Bình Vương chỉnh đốn binh mã chuẩn bị tiến ra Nghệ An đánh ta. Xin tướng quân định liệu.

Nguyễn Duy thất sắc hỏi Nguyễn Huỳnh Đức:

– Nay ta phải liệu thế nào?

Huỳnh Đức đáp:

– Nay ta đã là người của Bằng Trung Công vậy ta hãy cầu ông ấy đem binh cứu viện.

Nguyễn Duy nghe lời bèn sai sứ giả cấp tốc ra Thăng Long báo cho Hữu Chỉnh hay và xin binh cứu viện.

Nhận được tin ấy Chỉnh nói với sứ giả:

– Ngươi hãy về thưa với Nguyễn Duy tướng quân rằng: việc này lộ ra là do Nguyễn Duy không kín đáo nên mới đến tai Bắc Bình Vương. Vậy Nguyễn Duy hãy tự lo lấy, việc Nghệ An không can dự gì đến ta.

Sứ giả về tâu cùng Nguyễn Duy, Duy thất kinh nói:

– Chỉnh hứa sẽ dung ta, bày ta kế liên minh cùng Vũ Văn Nhậm. Nay lại bỏ ta là cớ làm sao?

Huỳnh Đức điềm nhiên đáp:

– Vũ Văn Nhậm không dám phản Bắc Bình Vương nên mới lộ việc. Hữu Chỉnh sợ nếu cứu ta là ra mặt chống đối Bắc Bình Vương, nhỡ Bắc Bình Vương đem quân đánh ra thì không chống nổi nên mới bỏ ta.

Nguyễn Duy nổi giận quát:

– Thằng giặc Chỉnh thật là phường bất nhân bất nghĩa. Ta ít quân giữ cũng không được mà chạy theo Chỉnh cũng không xong. Vậy phải làm sao?

Huỳnh Đức làm ra vẻ bí mật đáp:

– Ta hãy còn có một con đường sống.

Duy hỏi:

– Ấy là đường nào?

Đức cười đáp:

– Ông trước là tôi của Chúa Nguyễn Định Vương, nay hãy cùng tôi trốn sang Tiêm La Quốc theo phò Chúa Nguyễn Vương Phúc Ánh. Ấy là con đường sống vậy.

Nguyễn Duy than:

– Đến nước này chỉ còn con đường ấy mà thôi.

Nói rồi Nguyễn Duy cùng Nguyễn Huỳnh Đức bỏ Nghệ An đem theo trăm quân tín cẩn xuống thuyền ra bể tìm đường sang Tiêm La Quốc.

*

* *

Đến Vọng Cát ra mắt Nguyễn Vương Phúc Ánh, Huỳnh Đức tâu:

– Tội thần là Nguyễn Huỳnh Đức ngày trước bị giặc Tây Sơn bắt ở cửa Hàm Luông, nay thoát được về đây xin ra mắt Thượng vương.

Phúc Ánh hỏi:

– Từ ngày ngươi bị bắt đến nay đã được bốn năm ở dưới trướng của giặc sao mãi đến nay mới về được.

Đức đáp:

– Hạ thần bị bắt, Nguyễn Huệ dụ hàng nhưng thần quyết chẳng nghe. Sau Huệ giao ước nếu về sau biết Thượng vương ở đâu thì đi hay ở là tuỳ ý sở cầu nên thần mới tạm hàng Nguyễn Huệ. Nay nghe Thượng vương ở Tiêm La Quốc bèn nhắc lời giao ước với Nguyễn Huệ rồi vượt biển đến đây.

Phúc Ánh chỉ Nguyễn Duy hỏi:

– Còn người này là ai?

Đức đáp:

– Đây là tướng quân Nguyễn Duy trước trấn thủ thành Trường Dục dưới thời Chúa Định Vương. Nay theo thần về phò Thượng vương.

Ánh nghiêm giọng chỉ mặt Nguyễn Duy nói:

– Ngươi là tôi của nhà Nguyễn ta, quân Trịnh đến thì theo hàng quân Trịnh, Tây Sơn đánh Trịnh thì bỏ Trịnh đầu Tây. Nay cùng đường lại theo về với ta. Loài phản phúc như ngươi để sống làm gì.

Nói rồi hô quân lôi Nguyễn Duy ra ngoài mà chém.

Võ sĩ lôi Nguyễn Duy đi xong, Phúc Ánh ngoảnh lại bảo các tướng rằng:

– Đó là kết cuộc của kẻ bất trung, các ngươi hãy lấy đó làm gương.

Nguyễn Huỳnh Đức dập đầu lạy thưa:

– Hạ thần không phải như Nguyễn Duy, xin Thượng vương xét lại.

Phúc Ánh đỡ Đức dậy an ủi rằng:

– Lòng trung của khanh ta đã biết, khanh không cần phải lo sợ. Khanh hãy nói rõ tình hình quân Tây Sơn như thế nào.

Đức đáp:

– Năm Bính Ngọ Nguyễn Huệ truyền hịch phò Lê diệt Trịnh đem quân ra Bắc, trong một tháng giết Trịnh Khải chiếm Thăng Long.

Phúc Ánh giật mình nói:

– Họ Trịnh binh hùng tướng mạnh lại là một nước đã nên gốc rễ hơn hai trăm năm. Vậy mà Nguyễn Huệ đem quân vào nước người chỉ trong một tháng đã diệt được họ Trịnh ư. Tài Nguyễn Huệ thật là đáng sợ. Rồi sau đó thế nào?

Huỳnh Đức đáp:

– Tâu Thượng vương, Nguyễn Nhạc thấy Nguyễn Huệ lập võ công hiển hách, uy danh lừng lẫy nên đem lòng nghi kỵ gọi về Quy Nhơn thọ tội, Huệ giận đem quân vây thành Quy Nhơn, Nhạc không chống nổi phải xin hòa. Từ ấy Nhạc phong cho Huệ làm Bắc Bình Vương cai quản từ đèo Hải Vân trở ra Phú Xuân, Thuận Hóa và phong Nguyễn Lữ là Đông Định Vương cai quản từ đèo Vân Phong vào đến Gia Định, Sài Côn.

Nghe đến đây Phúc Ánh vui mừng reo lên rằng:

– Anh em Nhạc, Huệ, Lữ bất hòa chia ba lãnh thổ, Nguyễn Huệ lại trấn thủ mặt Bắc, thật là trời giúp ta rồi vậy.

Nguyễn Văn Thành xen vào nói:

– Nhưng trấn thủ Gia Định với Nguyễn Lữ còn có Đặng Văn Long. Đặng Văn Long trí dũng song toàn, ngày trước chính nó đã bắt sống Nguyễn Huỳnh Đức ở cửa Hàm Luông, sau lại chặn đường về của ta ở Rạch Gầm trên sông Tiền Giang. Gia Định còn Đặng Văn Long là còn một mối lo vậy.

Nguyễn Huỳnh Đức đáp:

– Đặng Văn Long là tay chân của Nguyễn Huệ. Nay Nhạc, Huệ bất hòa Long sợ Nhạc làm tội nên bỏ Gia Định theo về Phú Xuân với Nguyễn Huệ rồi.

Phúc Ánh lại vỗ tay giậm cẳng nói:

– Ấy thật là trời đã bày ra chuyện thằng buôn trầu Nguyễn Nhạc có tính đố tài để giúp cho ta khôi phục cơ đồ rồi vậy.

Nguyễn Huỳnh Đức bàn rằng:

– Nay Nguyễn Huệ và các tướng giỏi đều đã ở Phú Xuân cả, vậy Thượng vương nên nhân cơ hội này về nước chiêu binh mãi mã chiếm đất Gia Định khôi phục cơ nghiệp đừng bỏ lỡ thời cơ.

Phúc Ánh nói:

– Từ ngày ta cho con là hoàng tử Cảnh theo Bá Đa Lộc sang nước Pháp Lang Sa làm con tin để cầu viện đến nay đã hai năm mà chẳng thấy tin tức gì, ta thật lấy làm lo lắng. Để ta sai người đến Pháp Lang Sa liên lạc với Bá Đa Lộc xem sự thể thế nào rồi sẽ liệu sau.

Đoạn Phúc Ánh liền sai sứ giả kíp đi ngay sang nước Pháp Lang Sa tìm Bá Đa Lộc.

*

* *

Nhắc lại sau khi Nguyễn Duy và Nguyễn Huỳnh Đức trốn đi rồi, tướng Tây Sơn trấn thủ Động Hải là Vũ Văn Nhậm kéo quân ra chiếm thành Nghệ An bỏ trống. Vào thành rồi Vũ Văn Nhậm tự đắc nói với tả hữu rằng:

– Nguyễn Duy và Nguyễn Huỳnh Đức mới nghe oai ta đã bỏ thành mà chạy. Nếu Bắc Bình Vương chẳng dặn trước là không được đánh ra Bắc thì ta đã kéo rốc ra Thăng Long bắt luôn Nguyễn Hữu Chỉnh cho thiên hạ biết tài.

Nói rồi Nhậm bèn sai quân về Phú Xuân báo tin thắng trận cho Nguyễn Huệ hay. Nguyễn Huệ nhận được thư báo tiệp của Vũ Văn Nhậm liền bảo với các tướng rằng:

– Nguyễn Hữu Chỉnh thật xảo quyệt. Hắn xúi Nguyễn Duy và Nguyễn Huỳnh Đức chống lại ta, khi lộ việc Vũ Văn Nhậm kéo quân ra đánh, hắn sợ không dám dung Nguyễn Duy nên Nguyễn Duy bất đắc dĩ phải theo Nguyễn Huỳnh Đức chạy theo phò Nguyễn Phúc Ánh.

Trần Văn Kỷ tâu:

– Dù Chỉnh có ra mặt dung túng Nguyễn Duy mà phản ta, ta cũng không phải vì cớ ấy mà cất quân đánh hắn được.

Các tướng đồng thanh hỏi:

– Vì sao ta lại không đánh Chỉnh được.

Huệ đỡ lời Trần Văn Kỷ:

– Vì Nguyễn Hữu Chỉnh đang nấp bóng phò Lê.

Nguyễn Văn Tuyết vểnh râu nói:

– Thằng giặc Chỉnh mấy phen được Chúa công cứu mạng lại cho mượn quân ra tung hoành trên đất Bắc, nay ra mặt làm phản ta thật tức chết đi được.

Nguyễn Huệ trầm ngâm nói:

– Nếu muốn cất quân đánh Chỉnh ta phải nhờ đến một người mới được!

Các tướng đồng thanh hỏi:

– Người ấy là ai?

Huệ đáp:

– Ấy chính là Ngọc Hân công chúa!

Nói xong Nguyễn Huệ truyền bãi triều rồi lui về hậu cung. Ngọc Hân hỏi Huệ rằng:

– Việc nước có gì hệ trọng mà phu quân buồn rầu như thế?

Huệ thở dài nói:

– Lúc trước ta vâng lệnh Tiên đế đưa cháu của nàng là Lê Duy Kỳ tên ngôi vua Chiêu Thống. Nhưng ngặt nỗi Hoàng huynh ta thình lình ra Bắc triệu về Quy Nhơn thọ tội nên ta không thể nào ở lại Thăng Long phò tá vua Lê. Bởi vậy Trịnh Bồng mới đem quân về kinh ép vua phải lập lại ngôi Chúa, phong vương cho Trịnh Bồng. Vua uất hận lấy máu viết mật thư triệu Nguyễn Hữu Chỉnh về kinh cứu giá. Chỉnh đã đuổi được Trịnh Bồng đi, nhưng Chỉnh là người kiêu ngạo tham quyền lại đi theo vết cũ họ Trịnh, lập con làm thế tử, tự ý phong hầu cho các tướng, hiếp đáp vua Lê, khiến hào kiệt bất bình nổi dậy khắp nơi, làm trăm họ thật là điêu đứng. Ta vì danh nghĩa là người của nước Tây Sơn ở Đàng Trong không thể lấy lý gì mà đem quân ra Bắc. Thấy muôn dân đói khổ lầm than nên trong lòng đau đớn mà ưu phiền là thế.

Huệ nói xong mặt mày càng ủ dột. Ngọc Hân thương lắm đến gần Huệ an ủi rằng:

– Xin phu quân chớ quá thương tâm. Thiếp có một kế có thể khiến vua Chiêu Thống viết mật chỉ vời phu quân ra cứu giá, trừ Hữu Chỉnh giúp dân.

Nguyễn Huệ lắc đầu nói:

– Lúc Hoàng huynh ra Bắc buộc ta rút binh về thì Tây Sơn ta đã thất tín với vua Lê và thiên hạ Đàng Ngoài. Vua Chiêu Thống đã không tin thì làm gì dám gọi ta về cứu giá?

Ngọc Hân ngậm ngùi đáp:

– Thiếp là công chúa nhà Lê theo chồng xa cố quốc, nay thiếp viết thư về thăm Hoàng tộc, lại ngầm sai sứ giả nói với vua thế này… thế này. Ắt vua phải tin phu quân mà vời chàng về cứu giá.

Nguyễn Huệ mừng rỡ khen:

– Nàng thật là đa mưu túc trí. Phen này dân Bắc Hà nhờ nàng mà thoát vòng loạn lạc vậy.

Ngọc Hân khiêm tốn nói:

– Việc cứu dân Bắc Hà về sau là nhờ vào tài kinh bang tế thế của phu quân. Kế mọn của thiếp có đáng kể gì?

Nói rồi Ngọc Hân liền viết thư sai người tâm phúc ra Thăng Long trao cho vua Lê Chiêu Thống.

*

* *

Sứ giả ra đến Thăng Long vào Hoàng cung xin gặp vua, quân canh liền dẫn vào dinh Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh hỏi:

– Ngươi là người ở đâu. Xin vào gặp vua có việc gì?

Sứ đáp:

– Tôi là người nhà của Ngọc Hân công chúa. Công chúa sai tôi mang thư ra dâng vua và thăm hỏi Hoàng tộc.

Chỉnh bảo:

– Phiền ngươi đưa thư cho ta xem trước thử có điều gì gian dối hay chăng?

Sứ giả vâng lời đưa thư cho Chỉnh. Chỉnh tiếp thư đọc thấy lời lẽ thăm hỏi bình thường không có ẩn ý gì, bèn bảo quân:

– Các ngươi mau lục soát khắp người hắn xem có giấu giếm gì chăng.

Quân soát xong chẳng phát hiện thấy vật gì, Chỉnh bèn trả thư cho sứ giả và nói:

– Hiện nay họ Trịnh đang cho tay chân tìm cách ám hại vua nên ta phải cẩn thận đề phòng. Ngươi đừng vì thế mà phiền lòng.

Đoạn Chỉnh cho phép sứ giả vào điện yết kiến vua Chiêu Thống. Đọc thư của công chúa Ngọc Hân xong vua Chiêu Thống hỏi sứ giả:

– Ngoài lá thư thăm hỏi này Hoàng cô còn nói gì nữa chăng?

Sứ giả đáp:

– Bắc Bình Vương và phu nhân có nhắn lời tạ lỗi cùng Bệ hạ.

Vua hỏi:

– Tạ lỗi thế nào?

Sứ đáp:

– Bắc Bình Vương bảo thần thưa cùng Bệ hạ rằng: Năm Bính Ngọ đem quân ra Bắc phò Lê diệt Trịnh, Bắc Bình Vương những muốn đóng quân ở lại giúp Bệ hạ định quốc an dân. Chẳng ngờ vua Thái Đức thình lình ra Bắc buộc Bắc Bình Vương phải rút quân về, làm cho Bắc Bình Vương mang tiếng là người thất tín. Nay Bắc Bình Vương và phu nhân bảo hạ thần nhắn lời tạ lỗi cùng Bệ hạ là do thế.

Vua Chiêu Thống lại hỏi:

– Nếu Bắc Bình Vương thật lòng sao không tự viết thư mà phải nhắn miệng. Thật là họ khinh ta quá lắm.

Sứ vội vàng đáp:

– Xin Bệ hạ chớ khá hiểu lầm. Bắc Bình Vương biết Hữu Chỉnh áp chế Bệ hạ tất phải dò xét người có liên quan nên Bắc Bình Vương không dám viết thư. Quả nhiên khi hạ thần đến đây liền bị Hữu Chỉnh kiểm duyệt thư và lục soát khắp người. Bắc Bình Vương và phu nhân không dám viết thư tạ lỗi cùng Bệ hạ là do thế.

Vua Chiêu Thống bấy giờ mừng rỡ nói:

– Nay Bắc Bình Vương đã tự lập riêng một cõi không phải chịu mệnh vua Thái Đức và thật lòng như thế, vậy ta mau viết mật chỉ cho ngươi đem về trao Bắc Bình Vương đem quân ra giúp trừ Nguyễn Hữu Chỉnh.

Sứ giả tâu:

– Nếu có mật chỉ, Bắc Bình Vương nào dám không vâng. Nhưng khi hạ thần ra về e rằng Hữu Chỉnh sẽ lục soát rồi mới cho đi. Nếu Chỉnh phát hiện ra mật thư thì nguy cho Bệ hạ.

Vua ngẫm nghĩ rồi bảo:

– Nay người của ta ra khỏi kinh thành đều bị Chỉnh kiểm soát. Vậy làm sao đưa mật chỉ cho Bắc Bình Vương được.

Sứ giả tâu:

– Phu nhân có dặn thần tâu cùng Bệ hạ kế này ắt việc sẽ thành.

Vua vội hỏi:

– Hoàng cô bày kế thế nào?

Sứ giả kề tai vua nói nhỏ:

– Bệ hạ vời Chỉnh đến nói như vầy… như vầy… ắt Chỉnh sẽ nghe lời mà đưa người của Bệ hạ vào Phú Xuân trao mật chỉ cho Bắc Bình Vương.

Vua mừng rỡ khen:

– Hoàng cô từ nhỏ đã nổi danh tài sắc vẹn toàn, nay xuất giá theo chồng mà còn lo lắng cho nước nhà. Thật đáng thương thay.

Sứ giả đi rồi Vua Chiêu Thống vời Chỉnh đến nói:

– Đất Nghệ An là nơi trọng yếu của nước ta nay Nguyễn Huệ đã lấy mất. Ta định bàn với khanh sai sứ giả vào đòi lại đất Nghệ An. Chẳng hay ý khanh thế nào.

Chỉnh nghi ngờ hỏi lại vua:

– Trước giờ không nghe Bệ hạ nói đến việc ấy. Nay bỗng dưng nảy ra ý định đòi lại đất Nghệ An là cớ làm sao?

Vua đáp:

– Lâu nay ta nghĩ Nguyễn Huệ là kẻ giảo quyệt nên ta không nói đến việc này. Nay Hoàng cô Ngọc Hân sai người tâm phúc ra nói với trẫm rằng: Năm Bính Ngọ vua Thái Đức ra Bắc buộc Nguyễn Huệ phải kéo quan về Quy Nhơn thọ tội cho nên Nguyễn Huệ đành thất tín với thiên hạ và nhà Lê ta. Bởi vậy Huệ giận mới cất quân đánh Nhạc. Nay biết Nguyễn Huệ không chịu mệnh vua Thái Đức lại thật lòng phò Lê, chắc chắn là Huệ phải trả đất Nghệ An cho ta. Vả lại, khanh sai sứ giả vào Phú Xuân đòi đất, ta sẽ cử thêm Hoàng thân Lê Duy Án nhân danh Hoàng tộc vào thăm Hoàng cô Ngọc Hân, xúi Ngọc Hân nói thêm vào. Nguyễn Huệ rất sùng ái Ngọc Hân lẽ nào chẳng bằng lòng.

Chỉnh cả mừng nói:

– Bệ hạ thật là sáng suốt. Phen này nước ta lại vẹn vẻ như xưa. Hạ thần xin theo kế ấy lập tức thi hành.

Nói xong Chỉnh từ biệt về dinh phủ sai Trần Công Xán cầm đầu sứ bộ định ngày vào Phú Xuân gặp Nguyễn Huệ.

Phần vua Chiêu Thống viết mật chỉ rồi bảo Lê Duy Án cuộn tròn vào trong thắt lưng quần mà giấu. Đoạn vua đưa Lê Duy Án qua dinh Nguyễn Hữu Chỉnh và nói:

– Hoàng thân Lê Duy Án sẽ theo sứ bộ vào Phú Xuân gặp riêng Hoàng cô Ngọc Hân, nhờ Hoàng cô nói thêm vào. Nghĩa chung và tình riêng đều thuận cả, phen này nhất định Nguyễn Huệ phải trả đất Nghệ An.

Nguyễn Hữu Chỉnh không chút nghi ngờ. Tiễn sứ đoàn đi xong, Chỉnh tươi cười hớn hở bảo Nguyễn Hữu Du:

– Lần này cái chí dùng sông Linh Giang chia đôi đất nước của cha đã thành rồi đó.

o O o

Bình luận
Ads Footer