NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Tây Sơn Bi Hùng Truyện

Chương 60

Tác giả: Lê Đình Danh
Thể loại: Văn Học Việt Nam
Ads Top

Nhắc lại vua Quang Trung mất rồi, đình thần bèn phò Thái tử Toản mới mười tuổi lên ngôi vua. Quang Toản xưng đế hiểu là Cảnh Thịnh. Vua Cảnh Thịnh tuổi còn nhỏ chỉ nghe lời cậu ruột của mình là quan nội thị Bùi Đắc Tuyên, phong Tuyên làm Thái sư đứng đầu ba quan trong triều.

Tuyên mừng rỡ về nhà hỏi Vũ Tâm Can:

– Ta này được chức Thái sư là nhờ ấu quân ta phong nhưng e lòng người không phục. Vậy nên là thế nào để khiến chúng được.

Vũ Tâm Can cười đáp:

– Nếu Thái sư biết dùng nanh vuốt của mình thì quyền nghiêng thiên hạ đó.

Tuyên lấy làm lạ hỏi:

– Thế nào là biết dùng nanh vuốt?

Can đáp:

– Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân gọi Thái sư là chú ruột. Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân xưa mang ơn nhà họ Bùi của Thái sư, họ đều là đại tướng anh hùng cả. Nếu Thái sư dùng họ làm nanh vuốt củng cố thế lực thì ai dám không nghe.

Tuyên lắc đầu hỏi:

– Diệu, Xuân dù cháu ta nhưng chưa hẳn đã lôi kéo được, làm thế nào sai khiến họ đây?

Vũ Tâm Can hiến kế:

– Thái sư cứ làm như vậy… như vậy… ắt bá quan sợ thế lực của Diệu, Xuân mà phải đến chúc mừng Thái sư. Ấy là kế cáo mượn oai hùm.

Bùi Đắc Tuyên mừng rỡ khen:

– Thật là diệu kế!

Nói rồi liền theo kế ấy thi hành.

Hôm sau vợ chồng Diệu, Xuân nhận được chiếu chỉ của vua Cảnh Thịnh vời đến tư dinh của Bùi Đắc Tuyên. Diệu ngạc nhiên hỏi Xuân:

– Vua gọi ta thì phải gọi vào ngự điện, sao lại gọi đến tư dinh Thái sư là cớ gì.

Bùi Thị Xuân đáp:

– Vua còn nhỏ chưa tháo triều nghi. Vả lại Thái sư là chú ruột của thiếp có gì mà chẳng phải ngại.

Diệu nghe xuôi tai liền theo vợ đến nhà Bùi Đắc Tuyên. Bá quan trọng thấy bảo nhau rằng:

– Thái sư là cậu ruột của vua lại là chú ruột của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bùi Thị Xuân và chồng là quan thiếu phó thượng tướng Trần Quang Diệu đang nắm giữ binh quyền lại theo về với Bùi Thái sư. Vậy bọn ta nên đến chúc mừng Thái sư mới được.

Bàn rồi bá quan văn võ liền đến nhà riêng của Bùi Đắc Tuyên chúc mừng và dâng tặng vật. Khách về cả rồi, Vũ Tâm Can nói với Bùi Đắc Tuyên rằng:

– Tôi bày kế món cáo mượn oai hùm mà trăm quan thảy đều khiếp oai của Thái sư. Vậy Thái sư ban thưởng cho tôi vật gì đây?

Tuyên mặt dàu dàu đáp:

– Trăm quan đến chúc mừng ta không vui. Có mấy người chưa đến làm ta lo lắm.

Can liền hỏi:

– Mấy người ấy là ai.

Tuyên đáp:

– Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đang trấn thủ Bắc Hà thì chẳng nói làm chi. Con anh em Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, anh em Đặng Văn Long, Đăng Xuân Bảo, Đặng Xuân Phong và hai tướng thuỷ binh là Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Tuyết không thấy đến. Họ đều là danh tướng cùng Trần Quang Diệu Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân nổi danh là Tây Sơn thập hổ. Nay bọn họ không đến tức là không phục nên ta vẫn lấy làm lo lắm.

Vũ Tâm Can cười nói:

– Ta dùng kế cáo mượn oai hùm đe doạ chồn cáo, chứ hùm sao doạ được hổ. Nay Thái sư hãy làm như vậy… như vậy… tất đưa được bảy tướng ấy ra khỏi kinh thành và gọi Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân về làm vây cánh cho mình.

Bùi Đắc Tuyên khen:

– Ấy thật là diệu kế.

Hôm sau đến hạn thiết triều, vua Cảnh Thịnh hạ lệnh:

– Tiên đế vừa băng hà e rằng Nguyễn Phước Ánh nghe tin ấy thừa cơ đem thuỷ binh ra đánh các trấn dọc theo bờ biển của ta. Vậy nay ta lệnh cho Đặng Văn Long ra trấn thủ Nghệ An. Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Văn Tuyết trấn thủ Thanh Hoá. Đặng Xuân Bảo, Đặng Xuân Phong trấn thủ Thuận Hoá. Võ Văn Dũng và Võ Đình Tú ra trấn thứ Bắc Hà thay cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân.

Vũ Văn Dũng bước ra thưa:

– Tâu Hoàng thượng, địa hình nước Nam ta các trấn phủ đều nằm dọc theo bờ biển nên chia tướng trấn thủ đề phòng Nguyễn Phúc Ánh đem thuỷ binh ra đánh là rất đúng. Còn riêng Bắc Hà đã có Sở và Lân hùng tài trấn thủ sao lại phải thay anh em tôi.

Cảnh Thịnh lấp lửng đáp:

– Việc này trẫm không rõ. Thử hỏi Thái sư xem.

Bùi Đắc Tuyên xen vào nói:

– Tiên đế băng hà, Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ở Thăng Long chưa về chịu tang. Vậy tướng quân ra thay để hai tướng ấy về chịu tang Tiên đế. Vua đã có lệnh tướng quân lại chẳng tuân sao.

Vũ Văn Dũng nghe vậy chẳng biết nói sao đành cùng các tướng nhận lệnh mà đi. Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân được triệu hồi kính. Ba quan trong triều lại bảo nhau rằng:

– Đại tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân trước kia mang ơn nhà họ Bùi của Thái sư cũng Trần Quang Diệu. Bùi Thị Xuân là anh em kết nghĩa. Nay hai người này được triệu về kinh còn các tướng khác bị đổi đi xa. Vậy quyền thế của Thái sư đã lớn làm rồi. Bọn ta nên về theo Thái sư mới là kẻ thức thời.

Từ ấy Bùi Đắc Tuyên làm việc gì cũng mượn danh thiên tử, Cảnh Thịnh còn nhỏ nhất nhất tuân theo, các quan lại a dua theo, Bùi Đắc Tuyên quyền uy tột đỉnh.

Ngày kia Bùi Đắc Tuyên nghe người thân tín về báo:

– Thưa Thái sư, thiên hạ trong thành bàn tán rằng Thái sư đầu độc Tiên đế.

Tuyên sửng sốt hỏi:

– Bọn họ suy luận thế nào mà dám nói lão như vậy?

Quần thân tín đáp:

– Họ bảo Thái sư đầu độc Tiên đế để nương theo ấu quân nên từ chức quan nội thị quèn nhảy lên làm Thái sư dễ dàng như Võ Đình Tú nhảy quá nóc nhà vậy.

Tuyên vỗ án quát:

– Bọn này láo! Mau đi tìm xem đứa nào nói bậy chém chết cho ta.

Vũ Tâm Can vội vã can:

– Chém người này thì con người khác nói, chẳng lẽ đem chém hết hay sao. Tôi có một kế dùng một mũi tên mà trúng hai con nhạn.

Tuyên hỏi:

– Kế thế nào.

Can đáp:

– Thái sư cho người phao tin rằng Thái hậu Lê Ngọc Hân đầu độc Tiên đế, rồi đem mẹ con Thái hậu ra làm tội. Ấy là đã rửa tiếng nhơ cho mình, lại trừ được đối thủ, chẳng phải là nhất cử lưỡng tiện hay sao?

Bùi Đắc Tuyên khen rằng:

– Ấy mới thật là tuyệt diệu kế.

Đến hạn thiết triều, Bùi Đắc Tuyên rước vua Cảnh Thịnh ngự triều rồi sai quân đi mời Thái hậu Lê Ngọc Hân. Lê Thái hậu đến, Tuyên hỏi:

– Mới đây nghe bá tánh trong thành đồn rằng Tiên đế vì dứt nhà Lê, đuổi Lê Chiêu Thống chạy sang Mãn Thanh rồi lên ngôi Hoàng đế nên Thái hậu là công chúa nhà Lê mới oán hận đầu độc vua để trả thù. Thần trộm nghĩ không có lửa làm sao có khói nên vời Thái hậu đến hỏi cho ra lẽ.

Lê Thái hậu sửng sốt, nghẹn lời không nói được, Phan Văn Lân nổi nóng xen vào hỏi:

– Việc quy tội phải có tang chúng, sao lại tin vào lời đồn mà kết án người ta.

Bùi Đắc Tuyên quay lại bảo quân:

– Mau vời nhận chứng vào đây!

Quân đưa một người đến dưới bệ. Tuyên vỗ án hỏi:

– Tên kia? Ngươi quan hệ thế nào với Thái hậu. Mau khai ra.

Tên ấy đáp:

– Thần tên Hồ Bật, là người nấu bếp của Tiên đế. Thái hậu bảo thần đầu độc Tiên đế, thần lỡ dại nghe lời. Xin Bệ hạ giáng tội!

Bùi Đắc Tuyên quay sang hỏi Lê Thái hậu:

– Thái hậu còn chối cãi nữa chăng.

Lê Thái hậu khóc ngất, nghẹn ngào không thốt lên câu:

– Xin cho giấy bút viết lời tường thuật.

Tuyên mừng rỡ bảo:

– Quân mau đem giấy bút cho Thái hậu viết lời thú tội.

Quân đem giấy bút đến. Lê Thái hậu vừa khóc vừa viết liền một mạch xong bài thú tội. Bùi Đắc Tuyên cầm lấy bảo Trần Văn Kỷ:

– Quan Trung thu lệnh văn hay chữ tốt hãy đọc cho mọi người cùng nghe Thái hậu nhận tội thế nào?

Trần Văn Kỷ đón lấy đọc. Thơ rằng:

“Gió hắt hiu phòng tiêu lạnh lẽo.

Trước thềm lan hoa héo don don.

Cầu tiên khói toả đỉnh non.

Xe rồng thăm thẳm bóng loan dàu dàu!.

Nỗi niềm đau dễ hầu than thở.

Trách nhân duyên lỡ vỡ cớ sao?.

Sầu sầu thảm thảm xiết bao.

Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!.

Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc.

Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.

Xe duyên vâng mệnh Phụ hoàng.

Thuyền lan chèo quế thượng đường vu quy.

Trăm ngàn dặm quản chi non nước.

Chữ nghi gia mừng được phải duyên.

Sang yêu muôn đợi ơn trên.

Rõ ràng vẻ thuý, nỗi chen tiếng cầm!.

Lượng che chở vụng lắm nào kê.

Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời.

Dẫu rằng biển đổi non dời.

Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.

Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội.

Khắp tôn thân cũng đội ơn sang.

Miếu đường Lê vẫn tế thường.

Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.

Nhờ hồng phúc đôi cành hoè quế.

Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi.

Non Nam lấn chục tuổi trời.

Dâng câu đại thọ, ngỏ lời an khang.

Những ao ước trập trùng tuổi hạc.

Nguyện trăm năm ngõ được vầy vui.

Nào hay sông cạn biển vùi.

Lòng trời tráo trở. lòng người biệt ly!.

Đọc đến đây Trần Văn Kỷ lệ tuôn lã chã, đặt giấy lên án nói:

– Thần nghẹn lời không đọc được nữa. Xin người khác đọc thay cho!

Các quan đều ứa nước mắt nói:

– Thương thay cho Thái hậu!

Bùi Thị Xuân gạt lệ nói:

– Trần tiên sinh là văn sĩ nên lòng mềm yếu. Tôi xin đọc thay.

…Đoạn Xuân đọc tiếp rằng:

“Từ nắng Hạ, mưa Thu trái tiết.

Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên…”.

Thị Xuân vùng khóc kêu lớn:

– Tiên đế ơi! Tiên đế! Người định đến cuối Hạ sang Thu sẽ đem quân đánh Phúc Ánh thì đến lúc ấy người đã ra người thiên cổ. Ôi! Nắng hạ mưa thu trái tiết. Tiên đế ơi! Tiên đế!

Các quan nghe Thị Xuân nói thế cũng sụt sùi ngấn lệ. Bùi Thị Xuân cắn răng đọc tiếp:

“Từ nắng Hạ, mưa Thu trái tiết.

Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.

Xiết bao kinh sợ lo phiền.

Miêu thần đã đảo thuốc tiên lại cầu.

Khắp mọi chốn thầy hay tìm rước.

Phương pháp nào đổi được cùng chăng.

Ngán thay mày tạo bớt bằng.

Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan!.

Cuốc tụ tán bi hoan kíp bấy.

Kể xúm vầy đã mấy năm nay.

Lênh đênh chút phận bèo mây.

Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu.

Trằn trọc luống đêm thâu ngày tới.

Biết cậy ai giập nỗi bi thương.

Trông mong luống những mơ màng.

Mơ hồ như mộng, bàng hoàng như say.

Khi trận gió hoa bay thấp thoáng.

Ngỡ hương trời lảng bảng còn đâu.

Vội vàng sửa áo lên chầu.

Thương ôi quạnh quẽ trước lầu nhện giăng!

Đọc đến đây Xuân lấy vạt áo lau nước mắt rồi đọc tiếp :

Khi bóng trăng lá in lấp lánh.

Ngỡ tàn vàng ngắm cảnh ngự chơi.

Vội vàng dạo bước tới nơi.

Thương ôi vắng vẻ giữa trời tuyết sa!.

Nhớ hình dáng xót xa đòi đoạn.

Mặt rồng sao cách biệt lâu nay.

Có ai chốn ấy về đâY.

Nguồn cơn xin ngỏ cho hay được đành!.

Nẻo u minh khéo chia đôi ngả.

Nghĩ đôi phen nồng nã đôi phen.

Kiếp này chưa trọn chữ duyên.

Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương.

Đọc đến đây Xuân ôm mặt oà lên khóc. Các quan

cùng gạt lệ nhìn nhau bảo:

– Lòng Thái hậu thương Tiên đế đến thế lẽ nào bày việc hại vua!

Phan Văn Lân thấy Thị Xuân khóc không đọc được bèn bước đến nói:

– Chị vừa bảo Trần tiên sinh là văn sĩ mềm yếu, còn chị tuy là võ tướng cũng bụng đàn bà. Thôi đưa đây tôi đọc cho mọi người rõ lòng Thái hậu.

Nói xong Lân liền cầm bài thơ lên đọc tiếp rằng:

Nghe trước có đấng vương Thang Võ.

Đức càng sâu tuổi thọ càng cao.

Mà nay áo vải cờ đào.

Giúp dân dựng nước xiết bao công trình!.

Mới đọc được bốn câu Lân vùng khóc rống lên rằng:

– Tiên đế ơi! Tiên đế!

Vua Cảnh Thịnh cũng khóc theo:

– Phụ hoàng ơi! Phụ hoàng!.

Ngô Văn Sở thấy thế hỏi Văn Lân:

– Phan đệ chê chị Xuân bụng đàn bà sao vừa đọc bốn câu đã khóc rống lên vậy?

Văn Lân đáp:

– Trước Trần tiên sinh và chị Xuân đọc cảnh nhớ nhung, mây, nước, gió, trăng thì tôi không khóc. Nhưng bốn câu tôi vừa đọc làm tôi nhớ đến công lao dựng nghiệp của Tiên đế mà khóc đấy thôi!

Nói rồi Văn Lân đọc tiếp:

Nghe rành rành trước vua Nghiêu Thuần.

Công đức dày ngự vận càng lâu.

Mà nay lòng cả ơn sâu.

Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần!.

Công thế ấy mà nhân dường ấy.

Tuổi thọ sao hẹp bấy hóa công.

Nếu cho chuộc được tuổi rồng.

Đổi thân này cũng thoả lòng riêng tôi!.

Đến đây Van Lân lại khóc rống lên rằng:.

– Tiên đế ơi! Tiên đế!.

Ngô Văn Sở thấy vậy nói:.

– Phan đệ tánh hay mủi lòng, đưa đây tôi đọc cho.

Ngô Văn Sở cầm lên đọc một mạch:

Buồn thay nhẽ! Sương rơi gió lọt.

Cảnh đìu hiu thánh thót châu sa.

Trùng lời di chúc thiết tha.

Khóc nào lên tiếng, thức mà cũng mê.

Buồn thay nhẽ! Xuân về hoa nở.

Mối sầu riêng ai gỡ cho xong.

Quyết liều mong vẹn chữ tòng.

Trên rường nào ngại giữa dòng nào e!.

Con trứng nước thương vì đôi chút.

Chữ thâm tình chưa thoát được đi.

Vậy nên nấn ná đôi khi.

Hình tuy còn ở, phách thì đã theo!.

Theo buổi trước ngự đèo Bồng Đảo.

Theo buổi sau ngự nẻo Sông Ngân.

Theo xa thôi lại theo gần.

Theo phen điện quế, theo lần nguồn hoa.

Đương theo bỗng tiếng gà sực tỉnh.

Đau đớn thay ấy cảnh chiêm bao!.

Mơ màng thêm nỗi khát khao.

Ngọc kinh chốn ấy ngày nào tới nơi.

Tưởng thôi lại bồi hồi trong dạ.

Nguyện đồng sinh sao đã kíp phai.

Xưa sao sớm hỏi khuya bày.

Nặng lòng vàng đá, cạn lời tóc tơ.

Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ.

Tình cô đơn ai kể xót đâu.

Xưa sao gang tấc gần chầu.

Trước sân phong nguyệt trên lầu sính ca!.

Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi.

Tin hàn huyên khôn hỏi thăm nhanh.

Nửa cung gãy phím cầm lành.

Nỗi con côi cút nỗi mình bơ vơ.

Nghĩ nông nỗi ngẩn ngơ đôi lúc.

Tiếng Cuốc kêu thêm giục lòng thương.

Não người thay cảnh tiên hương.

Dạ thương quanh quất, mắt thương ngóng trông.

Trông mái Đông cánh buồm xuôi ngược.

Thấy mênh mông những nước cùng mây.

Trông Đông rồi lại trông Tây.

Thấy non cao ngất thấy cây rườm rà!.

Buồn trong trăng, trăng mờ thêm tủi.

Gương Hằng Nga đã bụi màu trong.

Nhìn gương càng thẹn tấm lòng.

Thiền duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà.

Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn.

Cánh hải đường đã quyện giọt sương.

Trông chím càng dễ đoạn trường.

Uyên ương chiếc bóng, Phụng Hoàng lẻ đôi!.

Cảnh nào cũng bùi ngùi cảnh ấy.

Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu.

Phút giây bãi bể nương dâu.

Cuộc đời là thế nài hầu được sao.

Chữ tình nghĩa trời cao đất rộng.

Nỗi đoạn trường càng sống càng đau.

Mấy lời tâm sự trước sau.

Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho!.

Ngô Văn Sở đọc xong rồi, Bùi Đắc Tuyên bảo:

– Từ lâu nghe Thái hậu nổi danh cầm kỳ thi hoạ, xuất khẩu thành chương, nay tận mắt trong thấy thật quả không ngoa. Nhưng trong bài thơ ấy không nói đến việc hại vua là ý thế nào. Muốn chạy tội chăng?.

Lê Thái hậu chỉ khóc mà không đáp. Phan Văn Lân thôi khóc ngửa mặt lên trời cười lớn mấy hồi.

Tuyên giận lắm quát hỏi Lân:

– Phan Văn Lân! Ngươi cười gì mãi thế?.

Lân nghiêm mặt đáp:

– Tôi cười Thái sư ít học nên không thấy được lời thuật việc hỏi Tiên đế trong bài thơ của Thái hậu.

Tuyên cố nén giận hỏi:

– Ngươi bảo lời thuật chỗ nào phải nói cho thông, bằng không phải chém!.

Văn Lân ung dung đáp:

– Thái sư hãy nhìn mọi người ở đây xem. Nghe bài thơ này ai nấy đều khóc lóc nhớ thương Tiên đế. Nếu Thái hậu hại vua sao trong phút chốc có thể viết lên bài thơ ai oán đó. Ấy chẳng phải là lời tự bạch cho nỗi oan của mình đó ư?.

Văn Lân vừa dứt lời trăm quan đồng thanh nói:

– Lời quan Nội hầu rất phải. Xin Thái sư xét lại kẻo oan cho Thái hậu.

Tuyên liệu bắt tội Lê Thái hậu không được bèn bước lại gần Hồ Bật bảo:

– Thái hậu vô tội, vậy là ngươi vu oan cho Thái hậu.

Nói xong Tuyên rút gươm đâm Hồ Bật một nhát chết tươi. Thấy vậy Phan Van Lân nói:

– Đáng lý nên giữ Hồ Bật hỏi cho ra lẽ, ai đã bày mưu hại Thái hậu. Sao Thái sư lại giết hắn đi. Ngộ nhỡ có kẻ nói gièm rằng Thái sư giết người diệt khẩu thì sao?

Tuyên vỗ án quát:

– Phan Văn Lân to gan dám đổ tội cho ta. Võ sĩ đâu lôi ra chém tức thì.

Võ sĩ xông vào trói Văn Lân toan lôi đi. Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở cùng quỳ xin tội. Quang Diệu thưa:

– Văn Lân vì xót thương Thái hậu nói lỡ lời, xin Thái sư tha mạng. Vả lại Văn Lân xưa cùng Tiên đế kết nghĩa đệ huynh, là một bậc khai quốc công thần, có công một mình chặn giặc Mãn Thanh trên sông Như Nguyệt. Xin Thái sư nghĩ tình ấy mà tha cho Văn Lân mặt phen.

Bá quan cũng đều quỳ xin tha cho Văn Lân. Bùi Đắc Tuyên bảo:

– Nể lời trăm quân tha cho ngươi một lần. Lần sau tái phạm giết chết không tha.

Nói xong Tuyên dắt vua Cảnh Thịnh về cung. Ra ngoài Phan Văn Lân bàn với Ngô Văn Sở:

– Tôi e Thái sư lập kế hại Thái hậu. Kế không thành mới giết người diệt khẩu. Việc này không làm cho ra lẽ thật là tức chết.

Ngô Văn Sở bác đi bảo:

– Đang nào Thái hậu cũng đã được minh oan. Vả lại cũng không chắc người chủ mưu là Thái sư. Hơn nữa, xưa anh em ta tá túc trong nhà họ Bùi thì Thái sư kẻ như là người ơn của ta, cũng không nên tra cứu làm gì.

Nghe Sơ nói xong, Văn Lân lẳng lặng ra về.

Bùi Đắc Tuyên về nhà nói với Vũ Tâm Can:

– Nếu không có Phan Văn Lân ta đã làm tội được Lê Thái hậu rồi, thật là tức chết! Xưa nó ở nhờ trong nhà ta này lại phản ta. Phải làm sao trừ Văn Lân mới được.

Vũ Tâm Can bản rằng:

– Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân là anh em kết nghĩa từ lúc con để chỏm theo Đô thống Ngô Mãnh bỏ Phú Xuân lánh nạn vào Quy Nhơn. Phan Văn Lân nóng nảy bộc trực, Ngô Văn Sở điềm đạm, trầm tĩnh biết tính thiệt hơn. Nay Thái sư có người con gái là Xuân Hoa nên đem gả cho Ngô Văn Sở. Phan Văn Lân tất sẽ phải bỏ quan ở ẩn, hoặc sẽ nông nỗi làm càn. Khi ấy Thái sư bắt tội giết đi là trừ được hoạ.

Tuyên trầm ngậm bảo:

– Ta chỉ e Ngô Văn Sở không bằng lòng.

Vũ Tâm Can nói:

– Ngô Văn Sở đọc một mạch hết bài thơ của Thái hậu mà không hề rơi nước mắt, chứng tỏ Sở tình ít mà trí thì nhiều, người không bị tình cảm lưng lạc tất sẽ sáng suốt mới theo về với ta.

Tuyên nghe lời liền gọi Ngô Văn Sở đến hỏi:

– Ngô tướng quân đã lớp gia thất chưa.

Sở đáp:

– Tôi từ nhỏ theo Tiên để chinh chiến triền miên nên chưa thành gia thất.

Tuyên bảo:

– Xưa tướng quân và ông nội là Đô thống Ngô Mãnh gặp nạn ở Phú Xuân vào nhà ta tá túc. Ta vẫn xem tướng quân nhà người nhà, nay có còn gái tên là Bùi Xuân Hoa muốn gả cho tướng quân. Chẳng hay tướng quân thế nào?

Ngô Văn Sở bái tạ thưa:

– Thái sư đã bàn ơn tôi nào dám không vâng.

Tuyên mừng rỡ đỡ Văn Sở dậy nói:

– Vậy ta định ngày làm lễ cưới, mời trăm quân dự linh đình cho thiên hạ biết con rể ta là một danh tướng trong Tây Sơn thập hổ.

Nói xong cả hai cùng tay bắt mặt mừng.

Nhắc lại Phan Văn Lân nhận được thiếp mời hôn lễ của Ngô Văn Sở và Bùi Xuân Hoa. Xem xong, Lân vào Bắc cung gặp Lê Thái hậu. Lân quỳ thưa:

– Thần này phải bỏ quan về ở ẩn. Xin Thái hậu nên bảo trọng.

Lê Thái hậu ngạc nhiên hỏi:

– Tướng quân là bề tôi ỷ trọng của triều đình, sao bỗng dưng lại từ quan?

Lân đáp:

– Ngô Văn Sở đã theo làm rể của Bùi Đắc Tuyên, vậy Văn Lân không còn đất dung thân nên phải ra đi.

Lê Thái hậu trầm ngâm nói:

– Ta có một kỷ vật của Tiên để muốn kỳ thác cho tướng quân giữ gìn. Chẳng hay tướng quân có vừa lòng chăng?

Lân khóc lấy thưa:

– Vật gì của Tiên đế xin Thái hậu cứ giao cho thần. Thần có thể mất đầu mà không mất vật.

Lê Thái hậu cả mừng liền vào trong ẵm một hai nhi ra. Thái hậu ứa nước mắt nói:

– Đây là Hoàng tứ Quang Thiệu, vừa tròn mười hai tháng, xin ký thác tướng quân.

Văn Lân thất kinh hỏi:

– Vì sao Thái hậu lại giao Hoàng tử cho thân. Triều đình có biến chăng?

Lê Thái hậu lệ tuôn lã chã đáp:

– Lúc Tiên đế còn tại thế định việc bình đất Gia Định, đòi đất Lưỡng Quảng mới vời La Sen Phu tử đến hội ý. Phu tử bảo không có điều binh Nam, Bắc tiến và khuyên vừa nên giữ gìn hậu đức của mình. Lúc ấy ta không tin, nay Tiên đế băng hà mới hay là thực. Đã đúng điều trước ắt nhằm điều sau, nên ta mới tìm người trung nghĩa gửi gắm Hoàng tứ. Nay xét thấy chỉ có tướng quân là đáng tin cậy mà thôi.

Phan Văn Lân hỏi:

– Nếu vậy thần xin vâng, nhưng làm sao đem được Hoàng tử ra khỏi cung cấm mà không bị nghi ngờ?

Lê Thái hậu gạt nước mắt đáp:

– Tướng quân vóc dáng thư sinh vậy hãy vở giả làm nhĩ nữ ẵm theo một trẻ trạc tuổi như Hoàng tử nói giả rằng người trong Hoàng tộc nhà Lê ở Thăng Long vào thăm Thái hậu. Vào rồi ta đánh tráo hai trẻ vậy khi đem Hoàng tứ ra khỏi Hoàng cung tất chân ai nghi ngờ.

Văn Lân nói:

– Vậy thần xin theo kế ấy lập tức thi hành.

Từ ấy về sau không ai biết Phan Văn Lân bỏ đi đâu và cũng không ai biết rằng Hoàng tử Quang Thiệu đang sống cùng Thái hậu là Hoàng tử giả.

Nghe tin Phan Văn Lân bỏ quan đi biệt tích, Vũ Tâm Can nói với Bùi Đắc Tuyên rằng:

– Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là cháu ruột của Thái sư nên dưới mắt thiên hạ cặp vợ chồng danh tướng này đã là vây cánh của Thái sư rồi vậy. Giờ đến Đại tư mã Ngô Văn Sở là con rể của Thái sư, đến nỗi Phan Văn Lân sợ mà bỏ trốn hỏi còn ai dám chống lại Thái sư nữa.

Bùi Đắc Tuyên hớn hở bảo:

– Ấy là nhờ kế cáo mượn oai hùm của ngươi đó. Để đền ơn, ta tiến cử ngươi lên vừa làm quan nội thị thế chỗ ta ngày trước. Ý ngươi thế nào?

Vũ Tâm Can quỳ lạy tạ ơn.

Bình luận
Ads Footer