NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Án Tử Một Tình Yêu – The Death Of A Love

Chương 13

Tác giả: Võ Anh Thơ
Ads Top

Dạo nọ, mối hiềm khích giữa Du với bà Nhuệ lên đến đỉnh điểm và đó cũng là lúc nó căm ghét người cha đã sống cùng mình mười mấy năm trời. Khi ấy Du phát hiện bà Nhuệ lén lấy số tiền ở trong tủ bếp mà nó cố dành dụm để đóng tiền học phí và trang trải sinh hoạt hàng ngày. Du lao đến giật lấy tiền trong tay bà, nói to:

– Bà không được lấy số tiền này! Đó là của tôi!

– Mày đưa đây! Tiền của cha mày tức là tiền của tao! – Bà Nhuệ gằn giọng.

– Không! Bà lại lấy tiền đánh đề chứ gì?

– Đừng có nhiều lời! Hôm nay tao sẽ trúng, mày mau đưa đây!

Du nhất quyết không đưa, hai tay vò siết nắm tiền ít ỏi như thể đấy là phần mạng sống cuối cùng của mình. Bà Nhuệ mím môi, mắt long lên tức thì lao đến giật mạnh tay Du. Hai người giằng co qua lại cho đến khi nghe tiếng ông Thạch vang lên thì dừng lại:

– Chuyện gì xảy ra vậy?

Chỉ chờ có thế, bà Nhuệ đấm ngực gào lên với chồng rằng:

– Tôi chỉ lấy một chút tiền để đánh đề mà con gái cưng của ông không cho kìa!

Thấy cha nhìn mình, Du lắc đầu nói quả quyết:

– Đây là tiền con đóng học phí ngày mai, làm sao đưa bà ấy được!

Bà Nhuệ vờ nức nở rồi gắt lên:

– Ông bảo nó trả tiền cho tôi đi!

Vẫn như mọi lần, ông Thạch chỉ biết răm rắp nghe theo vợ, liền bảo con gái:

– Du, đưa tiền cho mẹ đi con!

– Cha biết rõ bà ấy mang đi đánh đề mà! Rồi số tiền này cũng sẽ mất hết!

– Cha nói con nghe không?

Du kiên quyết giữ tiền đến cùng. Ông Thạch nghiến răng trước sự cứng đầu của Du, phần lại nghe bà Nhuệ quát: Con ông mà ông không làm gì được à? Ông liền tiến về phía Du với vẻ giận dữ, sự nhu nhược của một người đàn ông ở trước mặt vợ lại có thể biến thành sự hung bạo đối với đứa con. Chẳng nói lời nào, ông Thạch dang tay đánh mạnh vào vai Du khiến nó ngã xuống đất. Chưa kịp hoàn hồn, Du đã bị ông giật lấy tiền.

Giương mắt nhìn ông đưa tiền cho bà Nhuệ, Du ngồi sững sờ. Lần đầu tiên, cha thô bạo với nó. Lần đầu tiên, ông đánh nó. Cũng là lần đầu tiên nó nhận ra, mình đã mất đi người cha ấy rồi. Để mặc bờ vai đau buốt, Du bặm môi, nước mắt rơi lã chã ướt đẫm mặt mày. Chẳng buồn lau, Du đứng bật dậy rồi lao lên phòng đóng sầm cửa lại.

Du ngồi bó gối trong góc tối, liên tục nấc lên. Nó căm ghét bà Nhuệ, nhưng giờ thì càng căm ghét ông Thạch hơn nữa. Nó quyền rủa mọi thứ, kể cả sự nhu nhược yếu đuối của ông. Ngày hôm đó, Du hiểu rằng chỉ còn lại bản thân mình mà thôi, không ai yêu thương, không ai bênh vực chở che cho nó nữa. Du phải tự đứng lên chống chọi với tất cả để cứu lấy mình.

*****

Kể từ dạo đó, Vân Du sống trong nhà như một chiếc bóng, chẳng nói gì với bà Nhuệ và ông Thạch ngoài những câu cần thiết. Bà Nhuệ gần như nắm giữ tiền trong nhà, và Du chẳng thể nào ngửa tay xin lấy một đồng nào từ bà ta nên quyết định đi làm thêm kiếm tiền. Chưa học xong lớp mười, Du biết mình sẽ khó tìm ra công việc thích hợp nhưng may thay cuối cùng nó cũng được nhận vào làm một chân bưng bê trong quán hủ tiếu. Cứ hễ chiều tan học, Du đến quán phụ việc rồi đến tối mịt mới về nhà với bộ dạng mệt lử.

Lúc đầu, Du chỉ đủ trang trải tiền sinh hoạt nhưng sau một thời gian chắt chiu từng đồng thì nó đã có thể đóng học phí theo dạng gia đình khó khăn. Quen dần với nhịp sống lo toan, Du không còn thấy quá mệt mỏi như trước. Du vui vì từ giờ mình biết sống tự lập. Đại học, ước mơ và những hoạch định tương lai mở ra trước mắt.

Nhưng rồi một lần nữa, bi kịch lại đổ ập xuống cuộc đời cô bé mười sáu tuổi. Số phận của Du rẽ sang chiều hướng vô cùng nghiệt ngã…

Buổi chiều mưa tầm tã cuối tháng chín, Du đi học về với bộ dạng ướt nhem vì quên mang theo áo mưa. Dựng chiếc xe đạp cọc cạch ở trong sân, Du bước vội vào nhà. Bên trong đèn mở sáng trưng, Du bắt gặp bà Nhuệ đang ngồi nói chuyện với một người đàn ông lạ mặt. Ông ta đeo kính, mặc vest, thân hình to béo trông như thể là kẻ có nhiều tiền.

Nhác thấy Du, bà Nhuệ lên tiếng, tự dưng nghe nhẹ nhàng đến kỳ lạ:

– Con về rồi hả? Đến chào chú một tiếng đi nào.

Dù chẳng biết bà Nhuệ đang vờ vịt chuyện gì nhưng Du vẫn giữ chút thể diện cho mẹ kế, cúi chào một tiếng. Lúc ngước mặt lên, Du phát hiện đôi mắt của người đàn ông đó đang hướng vào mình đăm đăm, sau đó là cái nhìn hau háu hệt như nhìn thấy miếng mồi béo bở. Nỗi thèm muốn chợt xuất hiện trên mặt ông ta và nó khiến Du cảm giác bất an lẫn lo lắng. Du không ở lại lâu hơn mà đi nhanh lên phòng. Trên những bậc cầu thang, nó nghe hai người nọ thì thầm gì đó với nhau.

Du vào phòng và bấm chốt cửa vì không an tâm. Vừa lúc, Du nghe tiếng xe gắn máy kêu rền rĩ ở dưới nhà thì biết là ông Thạch đã về. Sự xuất hiện của ông khiến lòng yên tâm hơn, Du lấy quần áo đi tắm. Nửa tiếng sau rời phòng tắm, trên đường Du trở về phòng mình thì nghe âm thanh tranh cãi khá nhỏ ở dưới nhà. Hình như là của ông Thạch và bà Nhuệ, nhưng Du chẳng quan tâm.

Nhìn màn mưa giăng ngoài cửa sổ, Du tranh thủ ngủ một giấc. Đặt lưng xuống chiếc nệm chiếu mỏng tanh, Du nhắm mắt nghe tiếng mưa rơi dữ dội trên mái nhà.

Căn phòng nhỏ tối om, và khi Du sắp chìm vào giấc ngủ thì bất chợt tiếng bước chân vang lên trên từng bậc thang gỗ ọp ẹp. Du mơ màng cứ nghĩ là ông Thạch, nhưng đột ngột chốt cửa kêu tách thật khẽ rồi ai đó bước vào phòng. Tức thì Du mở mắt ra, trong bóng tối mờ mờ nơi đây hiện ra một bóng dáng đàn ông to lớn. Du chưa kịp bật dậy thì ông ta đã dùng tay bịt chặt miệng rồi đè nó xuống.

Tim đập mạnh, máu chảy dồn dập, nỗi sợ hãi bủa vây khắp người khi Du trông rõ gương mặt ham muốn của gã đàn ông mặc vest ban nãy. Biết rõ chuyện kinh khủng sắp xảy ra với mình, Du cố hết sức vùng vẫy để thoát thân nhưng đứa con gái mười sáu tuổi không thể địch nổi sức mạnh của gã đàn ông to lớn khỏe mạnh. Bị bịt miệng, giọng Du nghẹn ứ kêu ư ư trong cổ họng, nghe rõ hơi thở dồn dập từ ông ta cùng câu nói lạc dần:

– Đừng sợ, anh không làm bé đau đâu… Ngoan đi, anh cho tiền.

Dứt lời, ông ta kéo xốc chiếc áo thun lên tới cổ Du, đôi tay thô ráp tham lam sờ soạng khắp thân thể mới lớn của đứa con gái. Du sợ hãi vô cùng cứ lắc đầu nguầy nguậy, nước mắt chảy ra đầm đìa. Rồi ông ta tuột mạnh quần Du xuống, Du kêu cứu tuyệt vọng trong thinh lặng đồng thời giãy giụa đôi chân liên tục. Cơ thể nặng trịch của ông ta đè mạnh xuống người Du như dán chặt nó vào chiếc nệm.

Biết bản thân không thể tự thoát, Du ngoẹo đầu nhìn về phía cửa phòng khép hờ cầu mong ai đó hãy cứu mình. Qua khe hở của cánh cửa và qua làn nước mắt nhòe nhoẹt, Du trông rõ bà Nhuệ đang đứng bên ngoài với vẻ mặt vô cảm lẫn dửng dưng. Đôi mắt ngập nước của Du chỉ nhận lấy tia nhìn chằm chằm tàn nhẫn từ bà ta. Và ngay bên cạnh, ông Thạch đang đứng yên.

Du thấy ông nhìn vào phòng rồi lại lảng đi né tránh, đôi tay siết chặt đầy sốt ruột. Chắc rằng ông biết con gái đang đau đớn nhưng sự nhu nhược, yếu đuối khiến người cha đó đã lựa chọn việc im lặng thay vì bảo vệ nó. Du nhìn về phía ông Thạch đầy cầu xin, tiếng kêu cứu thảm thiết nén chặt trong cổ họng.

Cha ơi cứu con với! Làm ơn cứu con! Xin cha đừng đối xử với con như thế!

Không biết tiếng kêu cứu vô vọng đó đã bật lên trong đầu Du bao nhiêu lần. Cuối cùng điều Du nhớ chỉ là thân thể bị giày vò, cái đau nhói ở phần dưới và hình ảnh người cha nhẫn tâm ở bên ngoài cánh cửa đọng lại trong đáy mắt mờ nhạt lẫn tối sầm. Rồi tiếng bà Nhuệ nói: Tôi vay “nóng” nếu không có tiền trả thì chúng sẽ giết tôi! Để con gái ông chịu khổ một chút thì có sao? Ông Thạch thốt lên: Nhưng tội con Du… Bà Nhuệ gắt khẽ: Vậy ông muốn xã hội đen xử lý cái nhà này à? Sau đó là một sự im lặng kéo dài.

Mưa vẫn tầm tã không ngớt. Bên trong ngôi nhà nhỏ, một cuộc mua bán trinh tiết đã diễn ra và đứa con gái phải chịu đựng nỗi đau, sự tủi nhục cùng cực.

… Du nằm bất động trên chiếc nệm nhàu nhĩ, thân thể trần truồng lạnh ngắt, mắt nhìn trừng trừng lên trần phòng tối đen. Du mất hết cảm giác rồi, kể cả hơi thở của chính mình cũng vô thực. Đôi mắt ráo hoảnh bị vắt khô nước mắt, đầu óc Du trống rỗng chẳng tồn tại bất kỳ điều gì ngoài những khung hình mang rợ đầy ám ảnh vừa diễn ra.

Du đau lắm, khắp mọi nơi trên người, trong tâm hồn mỏng manh bị giày xéo. Du hận, nỗi căm hận dữ dội. Ngồi dậy một cách vô thức, Du nhìn xuống vệt máu đỏ thẫm. Chỗ đó vẫn còn đau rát, và bấy giờ Du mới đủ sức mà gào khóc.

Bà Nhuệ và ông Thạch biến sắc khi thấy Du từ trên gác bước xuống với quần áo xộc xệch, tay cầm con dao cùng gương mặt phẫn uất cực độ. Hai người bước lùi vào góc nhà, sợ Du không kìm được mà lao đến đâm chết mình.

– Du, nghe cha nói… – Giọng ông Thạch run run.

– Mày đừng làm liều! Muốn vô tù hả? – Bà Nhuệ nuốt nước bọt khô ran.

Ánh mắt tuy căm phẫn nhưng kỳ thật Du không nhận thức rõ hành động hiện tại. Mọi suy nghĩ đều biến mất, trắng xóa nên Du vẫn đứng yên với con dao sắc lẹm. Đột ngột, Du phát hiện trên tay bà Nhuệ đang cầm một cọc tiền. Dĩ nhiên nó hiểu ra, đó là số tiền mà gã đàn ông thối nát kia dùng để mua trinh tiết của mình. Cắn chặt môi đến rỉ máu, Du điên tiết lao đến trong tiếng la của hai người kia. Nhưng Du không giết họ mà giật lấy tiền rồi bỏ chạy dưới cơn mưa chưa ngớt hạt.

*****

Vân Du được một người phụ nữ tốt bụng đưa về nhà sau khi trông thấy nó ngồi bệt dưới mái hiên của ngôi miếu nhỏ. Bà tên Sáu Lượm, chủ của khu nhà trọ tồi tàn, sống một thân một mình không chồng con. Có lẽ vì vậy mà lúc bắt gặp cái cảnh đứa con gái nhỏ tuổi trong bộ quần áo ướt mưa, đôi chân trần tím tái và ngồi co ro lạnh căm bên bức tường đổ nát thì bà thương cảm vô cùng. Bà hỏi gì, Du cũng lắc đầu chẳng nói. Riêng cái tên thì bà biết nó tên Vân Du.

Bà Lượm bảo Du ở lại đây. Du có vẻ tần ngần, thấy thế bà nói còn một căn phòng trọ nhỏ hơi tối không ai thuê mướn gì, nếu Du muốn thì cứ ở tạm rồi mỗi tháng trả chút tiền. Nghĩ bản thân cũng chẳng còn nơi nào để về nên Du gật đầu. Vậy là cuộc sống mới của Du bắt đầu từ ngày hôm đó.

Du bỏ học, bắt đầu bươn trải kiếm sống. Du tìm đủ mọi việc, ai thuê gì thì làm nấy sống tạm qua ngày. Mớ tiền lấy được của bà Nhuệ, Du giữ đó chứ không sử dụng đến vì mỗi khi thấy chúng là nỗi đau đớn và căm hận cứ trỗi dậy. Du muốn trả thù bà Nhuệ lẫn ông Thạch, mất số tiền này chắc chắn họ sẽ lao đao khốn khổ với bọn cho vay nặng lãi.

Và Du cứ sống như thế, không người thân, không mục đích hay mơ ước gì. Ngày đi làm thuê, tối về ngủ vùi để quên đi mọi thứ. Sống, bởi cuộc đời chưa cho Du chết. Có lẽ do bản năng sinh tồn nên Du thường gạt đi ý nghĩ tự tử. Du muốn vươn lên sống lại cuộc đời mới nhưng chẳng có ai, chẳng điều gì kéo nó dậy. Để rồi một bất ngờ đã xảy ra, không rõ là sự bất hạnh hay là món quà mà số phận mang đến khi hai tháng sau Du phát hiện mình mang thai.

Lúc đầu Du hoang mang lẫn sợ hãi, bản thân chỉ mới mười sáu tuổi, lại chẳng có nghề nghiệp ổn định. Chưa kể, đứa bé này được hình thành từ nỗi giày vò, đớn đau lẫn tủi nhục của buổi chiều mưa đó. Nó là giọt máu của gã đàn ông bẩn thỉu, khốn nạn. Đặt tay lên bụng và Du tự nhủ, phải phá bỏ cái thai đáng quyền rủa này!

Nhưng dường như ông trời cho phép đứa trẻ ấy sống khi mà sau cùng Du đã không phá thai. Bà Lượm biết chuyện nên khuyên Du giữ lại, nếu không thì cho bà nhận nuôi. Một điều nào đó, phải chăng là tình mẫu tử, khiến Du chẳng đặng lòng bỏ con. Nhờ sự chăm sóc của bà Lượm, Du sinh ra một bé gái khi bước qua tuổi mười bảy.

Trước đó Du nghĩ mình không thể nào nhìn nhận, ẵm bồng hay chăm sóc đứa con ấy thế nhưng khi vừa trông thấy gương mặt say giấc của con bé thì Du rơi nước mắt. Du cảm giác bản thân như được sống một lần nữa, có thể yêu thương và sống vì một ai đó. Và Du quyết định nuôi dưỡng Hoàng Oanh.

Có thêm đứa con, cuộc sống của Du trở nên khó khăn nhưng lại hạnh phúc hơn. Du dùng số tiền cất giữ kia để nuôi con. Khi Hoàng Oanh hơn một tuổi, Du tìm được công việc bán thời gian trong một siêu thị nhỏ. Ngày ngày Du gửi bé Oanh cho bà Lượm chăm sóc, tối về nhà nấu cơm rồi chơi đùa cùng con. Nhờ có Oanh mà cuộc sống của Du thay đổi từng chút, hạnh phúc hơn và ấm áp hơn.

Những tháng ngày khổ cực đầy tiếng cười của hai mẹ con cứ thế trôi đi. Cho đến bốn năm sau, ông Thạch thình lình tìm ra căn phòng trọ đó. Du đứng sững khi thấy một gương mặt già nua đen đúa quen thuộc xuất hiện ngay trước cửa. Chỉ vừa nhìn ông thôi là quá khứ bất hạnh năm ấy lại ùa về khiến lòng Du quặn lên nỗi đau đớn khó tả. Du không biết vì sao ông Thạch lại tìm được đến đây.

– Du à…

Vừa nghe hai tiếng gọi đó là Du đã mím môi, đôi mắt vằn lên tia giận dữ:

– Ông nhìn nhầm rồi! Tôi không phải con ông! Tôi không có cha!

Ông Thạch chắp hai tay, dáng vẻ khổ sở đau xót trước thái độ chối bỏ của con:

– Du à, cha xin lỗi! Cha biết sai rồi! Từ ngày con bỏ đi, không ngày nào là cha không quyền rủa chính mình! Đến nỗi cha muốn chết quách cho xong!

– Thế sao ông không chết đi?

– Cha muốn tìm được con, rồi cha sẽ chết trước mặt con để tạ tội! Du à…!

Du toan hét lên thì chợt, bé Oanh đứng phía sau lưng mẹ liền hỏi ngây ngô:

– Mẹ Du ơi, ông ấy là ai ạ?

Du quay qua nhìn con gái đang nghiêng đầu khó hiểu. Về phía ông Thạch, đôi mắt nhăn nheo đầm đìa nước bỗng sáng bừng lên bởi thấy đứa bé gái với gương mặt bầu bĩnh lanh lợi, mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn mình chăm chú. Ông trông nó rất giống Du và còn gọi Du bằng “mẹ” thì dường như hiểu ra mọi chuyện.

– Nó là con của con hả Du?

– Ông về đi! Nó là ai không liên quan đến ông!

– Vậy cha nó là…

– Con tôi không có cha! Nó không cần cha!

Tiếng hét tức tưởi và dáng vẻ kích động của Du khiến ông Thạch chợt nghĩ đến gã đàn ông to béo vào buổi chiều mưa tầm tã. Cái gã mà ông không đủ dũng cảm đuổi đi để bảo vệ đứa con gái đang bị cưỡng hiếp. Vô cùng đau đớn, ông Thạch bước nhanh vào nhà khiến Du chẳng kịp ngăn lại, cúi xuống nắm lấy đôi tay nhỏ bé của cháu gái. Giọng ông run rẩy khi nhìn sâu vào đôi mắt ngơ ngác kia:

– Cháu ngoan… là ông ngoại đây…

– Ông ngoại là gì ạ?

Bé Oanh vừa hỏi xong là Du đã đẩy ông Thạch ra xa con bé, thét to:

– Đừng có đụng vào con gái tôi! Ông đi đi!

– Du, hãy cho cha được nhận cháu…

– Không! Con tôi chẳng cần cha hay ông ngoại gì cả!

– Du ơi, hãy cho cha chuộc lỗi với con! Cha sẽ bù đắp cho con, cha sẽ yêu thương chăm sóc con bé! Cha hứa không cho bà Nhuệ biết chỗ con sống đâu! Cha hứa trên chính mạng sống của mình! Con cho cha đến thăm cháu…

Du đẩy mạnh ông Thạch ra ngoài, đóng sầm cửa. Nghe âm thanh gọi liên tục bên ngoài, Du bịt tai lại rồi ngồi bệt dưới đất, mắt đỏ hoe. Bé Oanh ngồi xổm, ngước nhìn hỏi: Sao mẹ khóc ạ? Du liền ôm chầm lấy con gái, nước mắt chảy dài…

Kể từ dạo đó, ngày nào ông Thạch cũng tìm đến căn phòng trọ dù trời mưa hay nắng. Thậm chí nghe Du gào thét rồi đuổi đi ra sao ông vẫn chịu đựng để có thể ở bên cạnh con gái và chăm sóc cháu. Dần dà, bé Oanh quen mặt ông lại còn biết gọi hai tiếng “ông ngoại”. Nó thích lắm vì ông rất chiều mình nhưng mãi nó vẫn không hiểu tại sao mẹ lại giận dữ và ghét bỏ ông như thế.

*****

Một buổi chiều tháng ba hai năm sau, Vân Du đang ngồi chờ ở bệnh viện đa khoa với vẻ sốt ruột và lo lắng. Vừa nãy tan ca sớm, Du trở về nhà thì nghe bà Lượm báo Hoàng Oanh bị sốt còn ói mửa nữa nên cần đưa đến bệnh viện gấp. Thế là Du bế bé Oanh chạy vội đến đây nhờ bác sĩ chữa giúp. Bệnh viện khá đông, một tiếng sau bé Oanh mới được đưa vào phòng khám. Vị bác sĩ trung niên nói con gái Du đã giảm sốt, tình hình ổn rồi. Bây giờ bé Oanh sẽ được đưa vào phòng bệnh ở Khoa nhi, ở đấy sẽ có bác sĩ kiểm tra và theo dõi bệnh tình kỹ lưỡng cho nó. Du cảm ơn ông rồi nhìn con đang ngủ say.

Phòng bệnh có khá nhiều trẻ em, những người cha người mẹ mang gương mặt lo lắng ngồi túc trực bên cạnh chăm sóc con. Giường bé Oanh nằm trong góc phòng, bên cạnh Du cứ vuốt nhẹ lồng ngực nhỏ đang thở ra đều đều. Lát sau, một giọng nói trầm vang lên:

– Đây là giường của bệnh nhi Hoàng Oanh?

Bình luận
Ads Footer