NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Án Tử Một Tình Yêu – The Death Of A Love

Chương 4

Tác giả: Võ Anh Thơ
Ads Top

Chị Hận phát hiện dáng vẻ khập khiễng kỳ quặc của Du. Quan sát chốc lát, chị ta đoán Du bị đau vì đang bặm môi, da mặt nhợt nhạt. Lại nghĩ ra trò vui thú mới, chị Hận huých nhẹ cánh tay của con Xíu. Nó nheo mắt nhìn Du rồi quay qua cười nham nhở với “chị đại”. Con Xíu lại bắt đầu tướng đi kênh kênh, tiến về phía này. Vờ lướt ngang qua, nó lập tức dùng vai đẩy mạnh vai Du. Cú đẩy bất ngờ cộng thêm chân đứng không vững làm Du ngã nhào xuống đất. Trước mắt tối sầm lại, cô lịm dần.

Đúng lúc, Đồng Văn và bác sĩ Hiên đi ngang qua, liền ngừng cuộc trò chuyện bởi bắt gặp cảnh nhốn nháo của các phạm nhân nữ trong vườn cây. Hai cán bộ hối hả chạy đến nói gì đấy mà không lâu sau, họ thấy bốn nữ phạm nhân tức tốc khiêng một người chạy về phía khu bệnh xá. Chẳng nhiều lời, bác sĩ Hiên chào Văn rồi rời đi. Dõi theo nhóm phạm nhân kia, dù không rõ nhưng Văn vẫn kịp nhìn ra người ngất xỉu chính là Du.

Khi cán bộ yêu cầu mọi người trở về làm việc tiếp thì con Muội hướng mắt qua chị Hận với con Xíu. Ban nãy con Xíu đến gần thì Du liền đột ngột ngã xuống nên nó nghi ngờ hai kẻ này đã giở trò. Khó chịu với tia nhìn dò xét đó, chị Hận đằng hắng, tao có làm gì nó đâu chứ! Con Muội chẳng nói gì mà lẳng lặng đi uống nước. Phun bãi nước bọt, con Xíu chửi tục với “cái đứa cứ thích xía vô chuyện người khác”. Đã gai mắt con Muội từ chuyện hôm qua rồi, chị Hận liền gườm nó:

– Rồi tao sẽ dạy cho con nhỏ đó một bài học!

Du được đưa vào khu bệnh xá với tình trạng sốt cao, mồ hôi ướt nhem cả người như vừa tắm xong. Nằm trên giường, Du thở nặng nhọc còn miệng cứ lẩm bẩm những từ ngữ không rõ ràng. Bác sĩ Hiên khám bệnh thấy Du siết chặt lớp vải áo bên hông thì mở ra xem. Vết thương mà một tuần trước ông may chỉ hiện giờ sưng đỏ và sắp làm mủ. Đã rõ nguyên nhân khiến phạm nhân phát sốt, ông chuẩn bị tiêm thuốc rồi lau rửa vết thương.

Còn Du tuy chìm vào mê man nhưng chưa hoàn toàn mất đi ý thức. Bên tai nghe văng vẳng tiếng người nói, âm thanh va chạm lạnh tanh từ dụng cụ y tế. Nơi vết thương đau buốt được thấm thuốc sát trùng lạnh lẽo bất giác làm Du tỉnh táo hơn. Đôi mắt lim dim mở hé, cô gái trẻ mơ màng trông thấy một bóng áo blouse trắng. Từng đường nét nhòe nhoẹt, là ảo ảnh ư? Bởi vì sao Du không nhận ra gương mặt bác sĩ Hiên mà thay vào đó là bác sĩ Dương? Anh vẫn thế, đứng bên cạnh mỉm cười thân thiện ấy thế cô nỡ nhẫn tâm đâm một nhát vào tim anh, cướp đi cả cuộc đời tươi trẻ anh đang có.

Nỗi ám ảnh bủa vây lấy cơ thể cứng ngắc cùng sự sợ hãi chảy tràn vào tim Du. Nụ cười của bác sĩ Dương méo mó lẫn vẹo vọ đến kỳ dị, tiếp theo Du nghe anh hỏi băng giá: Tại sao lại giết tôi? Bất thình lình Du gạt mạnh tay bác sĩ Hiên đang lau vết thương ra rồi vùng dậy một cách kịch liệt. Trước phản ứng kích động ấy, những bác sĩ tỏ ra kinh ngạc. Du co người mặc cho máu rỉ thấm vào lớp áo ngay bụng, hai tay ôm đầu run rẩy:

– Xin lỗi… xin lỗi… Tôi không cố ý… Xin hãy tha lỗi cho tôi…

– Phạm nhân 3969 hãy bình tĩnh! – Một bác sĩ trấn an.

Bản thân chẳng còn nghe và hiểu chuyện gì nữa, Du vẫn ôm đầu cúi rạp người xuống giường, run lẩy bẩy khi chỉ nói bằng hơi thở:

– Tha thứ cho tôi… Thật sự xin lỗi… Tôi sai rồi bác sĩ Dương…

Tình hình phạm nhân trở nên tệ hơn, bác sĩ Hiên ra dấu cho vài bác sĩ khác kìm giữ Du lại để ông mau chóng chích mũi thuốc an thần. Sau vài phút kích động, cuối cùng Du cũng chìm vào giấc ngủ yên bình.

Bác sĩ Hiên gặp Văn ngoài cửa khu bệnh xá. Văn có ý chờ ông cùng đi ăn trưa, ngoài ra còn vì muốn hỏi thăm về tình hình của Du. Lúc nghe Văn hỏi, bác sĩ Hiên thở dài trầm tư rồi kể lại phản ứng kỳ lạ của nữ phạm nhân. Văn nhíu mày khi lặp lại lần nữa:

– Nữ phạm nhân đó liên tục xin lỗi một bác sĩ tên Dương sao?

– Đúng, với tâm trạng hoang mang lẫn kích động. Mà nếu tôi nhớ không lầm thì đấy là người mà cô ấy đã giết.

– Đây là biểu hiện của sự hối hận?

– Hoặc có thể cô gái này không cố ý sát hại nạn nhân.

Câu phỏng đoán từ vị bác sĩ trung niên lần nữa khiến sự tò mò trong lòng Văn càng trỗi dậy nhiều hơn.

Vào buổi sáng nói chuyện với Phó giám thị Dũng, Văn từng nghĩ Vân Du vô cùng tàn ác và nhẫn tâm khi đã giết mẹ kế cùng một bác sĩ còn rất trẻ. Nhưng hành động xin lỗi đầy sợ hãi của Du qua lời kể từ bác sĩ Hiên, ngay lúc này làm anh cảm thấy phân vân. Liệu kẻ thủ ác có thể hối hận, hay thật sự đằng sau vụ án đó còn những uẩn khúc? Văn muốn thử tìm hiểu tuy nhiên lại chẳng rõ phải làm gì, bắt đầu từ đâu. Chắc chắn rằng, Du sẽ không bao giờ nói cho anh biết.

*****

Sau giờ trưa, Văn đến khu giam I khám cho các phạm nhân nam. Trên đường trở về bệnh xá, Văn vẫn còn chìm trong mớ suy nghĩ mông lung và lúc đi ngang qua phòng đăng ký thăm tù, anh chợt nghe giọng con nít vang lên:

– Ngoại ơi, con muốn gặp mẹ Du!

Không hiểu sao hai từ “mẹ Du” khiến Văn liên tưởng đến Vân Du. Dừng bước, Văn chậm rãi quay qua. Cách đó không xa là cảnh một đứa bé gái trạc sáu tuổi đang nắm tay người đàn ông trung niên ngoài năm mươi, dáng kheo khư với gương mặt khắc khổ đen đúa. Vẻ như ông ta đang gặp khó khăn khi vừa nhìn cái giỏ đồ trên tay vừa nhìn vào phòng đăng ký. Linh cảm mách bảo Văn đây có thể là cha và con gái của Du.

Đang nắm tay ông ngoại nằng nặc đòi đi gặp mẹ thì Hoàng Oanh chợt rụt người bước lùi ra sau lưng ông vì thấy Văn từ xa tiến lại gần. Con bé vốn sợ người lạ. Ông Thạch cũng khó hiểu trước nụ cười của chàng trai không quen biết. Khi đã đứng trước mặt hai ông cháu, Văn từ tốn giới thiệu:

– Chào chú, cháu tên Văn, bác sĩ tâm lí của Trại. Thấy chú hình như gặp chuyện nan giải nên cháu đến hỏi thử.

Ông Thạch mừng rỡ vì tìm được người giúp đỡ, tức thì bảo ngay:

– Tôi vào thăm con gái đang ở trong tù nhưng chẳng biết làm sao mong cậu chỉ hộ.

– Chú chỉ cần vào phòng đăng ký nói với cán bộ để nhận giấy vào thăm là được. Mà cháu có thể hỏi con gái chú tên gì, phạm tội gì mà lại bị bắt?

Ông Thạch đảo mắt, ra điều lưỡng lự. Như hiểu nên Văn cũng nói thêm:

– Chẳng giấu gì chú, cháu đang điều trị tâm lí cho một nữ phạm nhân tên Vân Du, vừa vào đây hơn hai tuần trước. Ban nãy nghe bé gái này gọi “mẹ Du” thì liền nghĩ đến cô ấy.

Đôi mắt sáng bừng do nghĩ Văn quen biết mẹ Du, Oanh quên nỗi sợ liền bước ra nắm lấy tay anh, hớn hở reo:

– Mẹ con tên Vân Du đó ạ, chú dẫn con đến chỗ mẹ đi mà.

Văn chưa kịp trả lời thì đã nghe ông Thạch lên tiếng nhắc nhở cháu, tiếp ông nhìn trở lại chàng bác sĩ đang chờ đợi, khẽ khàng đáp:

– Tôi tên Thạch, là cha của Vân Du, nó bị bắt về tội giết người chắc cậu biết rồi. Lúc nhận được tin, tôi bàng hoàng lắm. Rồi tôi được công án báo Du định tự tử ở trong tù nên tôi muốn vào thăm. Ngặt nỗi mải lo chuyện ma chay cho bà nhà, đến hôm nay mới dẫn con Oanh đến đây. Cậu là bác sĩ chữa bệnh cho Du à, nó hiện giờ thế nào hả cậu?

Văn không muốn ông Thạch thêm lo lắng mới nói trấn an rằng Du vẫn ổn, chỉ là cần điều trị tâm lí một thời gian. Nếp nhăn nơi đuôi mắt dãn ra, ông Thạch thấy nhẹ nhõm và bảo muốn đi gặp con gái. Văn lại nói sáng nay Du phát sốt, giờ đang nằm nghỉ trong bệnh xá không thể gặp thân nhân. Oanh nghe thế liền quay sang hỏi ông ngoại, vậy là con không được gặp mẹ ạ? Thấy ông gật đầu thì nó buồn bã, đôi mắt to tròn rơm rớm nước.

Dẫu biết lúc này chưa thích hợp nhưng sự tò mò thôi thúc Văn phải tìm hiểu về Du, người đang mang những bí mật kỳ lạ.

– Cháu cứ thắc mắc lí do khiến Du giết mẹ kế…

Câu nói lấp lửng từ Văn khiến đôi mắt đứng yên của ông Thạch có điều gì mơ hồ vụt thoáng qua. Nhưng sự im lặng không kéo dài lâu, ông nói qua loa chính mình cũng không hiểu nguyên do. Văn nhận ra ông đang tránh né.

– Liệu giữa họ có mâu thuẫn gì chăng?

– Thỉnh thoảng cũng có nhưng không đến nỗi gì… Thôi, chắc tôi vào xin cán bộ được phép gửi đồ cho Du. Chào cậu.

Văn vẫn muốn biết thêm một điều nữa nên cố gắng hỏi với theo:

– Chú có biết cha của bé Oanh là ai không?

Ông Thạch nhìn xuống cháu gái đang thút thít vì không được gặp mẹ, rồi nhìn Văn lắc đầu. Tự dưng bé Oanh vừa chùi nước mắt vừa ngoái lại đáp rành rọt:

– Mẹ Du nói Hoàng Oanh không cần phải có cha ạ!

Ông Thạch lại nhắc cháu đừng nói bậy. Như muốn kết thúc sự hiếu kỳ quá mức của anh chàng bác sĩ, ông trả lời nốt lần cuối:

– Chuyện của Du tôi chẳng mấy tường tận vì nó bỏ nhà đi sáu năm rồi.

Dứt lời, ông Thạch nắm tay Oanh đi nhanh vào phòng đăng ký trong khi con bé cứ vẫy tay với Văn: “Chú nói với mẹ là cháu nhớ mẹ lắm nha”. Văn mỉm cười gật đầu, trong đầu sắp xếp lại những điều vừa nghe.

Du bỏ nhà đi sáu năm vậy tại sao ông Thạch tìm ra bé Oanh nhanh như vậy? Có lẽ ông biết rõ nơi Du đang sống nhưng lí do gì lại không bảo con gái về nhà? Chẳng lẽ do mâu thuẫn giữa Du với mẹ kế? Dẫu chưa biết đó là gì nhưng Văn chắc rằng nó chẳng hề đơn giản như ông Thạch nói và không chừng đấy cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hành động giết chết bà ấy của Du.

… Du mở mắt ra, một vùng sáng đèn huỳnh quang đổ ập xuống cái nhìn vẫn còn mơ màng. Du như vừa trải qua giấc mơ kỳ lạ, bị rượt đuổi và đeo bám. Chẳng hiểu sao trái tim cứ chùn xuống trĩu nặng, Du nhớ mang máng mình đã nhìn thấy bác sĩ Dương vụt thoáng qua. Đó là ảo ảnh, cô biết, nhưng vẫn sợ hãi. Du chưa kịp nhắm mắt tĩnh tâm đã nghe chất giọng trầm bên cạnh:

– Phạm nhân Du thấy trong người thế nào?

Con ngươi đảo nhẹ, Du nhận ra gương mặt hiền từ của bác sĩ Hiên. Trái với đêm đầu tiên lúc Du vào Trại, ông không hề tỏ ra bất an hay lo lắng nữa mà lúc này lại ân cần quan tâm hơn khi hỏi han tình hình cô gái trẻ. Ánh mắt vẫn tối lắm nhưng đầy u buồn, Du nói mình ổn. Bác sĩ Hiên mỉm cười bảo cô cứ nằm nghỉ ở bệnh xá cho khỏe, sáng mai sẽ có cuộc gặp với bác sĩ Văn cho lần điều trị thứ hai.

Du lặng im cho đến lúc bác sĩ Hiên rời đi.

Du tự hỏi ngày mai sẽ thế nào nếu anh chàng bác sĩ Đồng Văn ấy phát hiện cô chưa ghi lấy một từ nào vào cuốn nhật kí điều trị? Biết đâu anh ta sẽ thấy chán nản và từ bỏ…

*****

Trái với suy nghĩ của Vân Du, Đồng Văn không hề khó chịu hay chán chường trước việc cầm cuốn nhật kí lên xem mà chỉ toàn giấy trắng, kể cả dòng đề ngày tháng năm cũng chẳng có. Phản chiếu trong đáy mắt hờ hững của Du là vẻ mặt hết sức bình thản từ đối phương. Cứ như thể Văn đã sớm đoán ra được chuyện cô sẽ không viết nhật kí vậy.

Nhẹ nhàng đặt cuốn sổ xuống bàn, Văn chậm rãi hỏi Du về tình hình sức khỏe. Du đáp bản thân rất tốt. Văn lại hỏi lí do vì sao không viết nhật kí. Du biết ngay nên im lặng, càng cố tỏ ra cứng đầu. Cứ ngỡ Văn sẽ khuyên nhủ nhưng nào ngờ, anh bỗng nói một câu làm cô không lường trước:

– Trưa hôm qua tôi đã gặp Hoàng Oanh, con gái cô. Đứa bé rất đáng yêu.

Du nhìn Văn, đôi mắt đã không còn hời hợt nữa mà trở nên tập trung hơn.

– Bé Oanh nhờ tôi gửi lời đến cô: “Con rất nhớ mẹ”.

Lần đầu tiên khi nói chuyện với Văn, giọng Du dứt khoát đến thế:

– Ai đã đưa con bé vào đây?

Văn cũng trả lời nhanh chóng, là ông Thạch! Đúng như Du nghĩ, cha mình đang chăm sóc Oanh. Là công an đã gửi con bé cho ông hay ông tự tìm đến phòng trọ đó? Sự thật thì Du chẳng còn muốn liên hệ gì đến ông Thạch, tuy nhiên giờ đây ngoài ông ra thì ai có thể chăm sóc Oanh chứ. Đối diện, Văn bảo:

– Ông Thạch nói cô bỏ nhà đi sáu năm trước nhưng vẻ như ông ấy luôn biết rõ cô sống ở đâu. Tôi tò mò vì sao ông ấy không gọi cô về nhà.

– Dù ông ta có gọi, tôi cũng tuyệt đối không về lại căn nhà ấy.

– Có phải giữa cô và mẹ kế, một trong hai nạn nhân, xảy ra mâu thuẫn lớn?

– Ông ta nói gì với bác sĩ sao?

– Ngược lại, tôi cảm giác ông Thạch muốn che giấu điều này. Tôi cũng có hỏi về cha của bé Oanh và ông ấy bảo không biết…

Mỗi lần nghe nhắc đến “cha của Hoàng Oanh” là Du đều phản ứng y như nhau, gương mặt trở nên lạnh tanh còn đôi mắt tối đen đó sáng vụt lên một tia bén sắc, phẫn uất. Nó khiến đầu lưỡi Văn bất giác hơi cứng lại, mặc dù anh luôn là người điềm tĩnh trước mọi tình huống. Tiếng Du trở nên khẽ khàng hơn:

– Bác sĩ đừng quan tâm quá nhiều về chuyện người khác.

Nếu như bình thường thì hẳn Văn sẽ im lặng hoặc đáp một câu thản nhiên, ấy vậy giờ đây anh lại giải thích bằng điều lạ lùng:

– Tôi chỉ mong có thể nói chuyện với cô nhiều hơn.

Sự đề phòng mau chóng biến mất trong ánh mắt, Du bắt đầu ngạc nhiên. Ý của anh chàng bác sĩ này là gì? Một bác sĩ tâm lí muốn trao đổi nhiều hơn với bệnh nhân hay Văn muốn tìm hiểu Du với vai trò khác? Lần đầu gặp gỡ, Du có đôi chút nhận ra hai người khá giống nhau, dường như Đồng Văn cũng mang những bí mật, những nỗi niềm chôn kín. Và khi nãy nghe Văn nói thế, Du cảm giác nó xuất phát từ một tâm hồn đồng cảm.

Văn nghĩ mình vừa nói câu không phù hợp với vị trí bác sĩ nên chuyển cuộc đối thoại trở về đúng với ban đầu:

– Vẫn câu nói cũ, tôi hi vọng cô hãy viết nhật kí. Nếu cô cần ai đó để giãi bày và chia sẻ, tôi xin sẵn sàng. Cô muốn gặp lại con gái đúng không?

Dấu chấm hỏi cuối cùng ấy khiến lòng Du thổn thức. Nỗi khao khát được thấy mặt con đã trở thành dòng cảm xúc không thể ngăn nổi.

*****

Vân Du trở lại buồng giam vài ngày sau. Lúc đứng chờ mở cửa buồng, Du nghe quản giáo Ngà hỏi han. Du chỉ gật đầu, dù chữ nghe chữ mất. Tiếp, chị hỏi Du có bị bạn tù bắt nạt không? Du nhớ đến chị Hận với mấy trò trả đũa, nếu nói ra thì người chịu thiệt vẫn là mình nên Du lại lắc đầu. Thấy cô em gái ít nói quá, quản giáo Ngà vỗ vai động viên:

– Chuyện gì nhịn được thì nhịn, nhưng quá đáng quá thì em báo với cán bộ để kịp thời xử lý nhé. Đây là giỏ đồ của thân nhân gửi cho em.

Du ký tên xác nhận xong đưa lại chị Ngà, rồi ôm giỏ đồ bước vào buồng giam. Các phạm nhân nữ thay phiên nhau nhìn theo mỗi lần Du đi ngang qua họ. Chả biết nhỏ này bị gì mà hôm đó sốt cao đến ngất xỉu. Chắc do trận đòn hôm bữa của bà chị Hận! Du vừa ngồi xuống chỗ nằm, chị Giảo đã lật đật hỏi:

– Em khỏe chưa? Vết thương có sao không?

– Em khỏe rồi nên bác sĩ mới cho về buồng.

– Ừ vậy thì đỡ, thấy mặt em cũng bớt xanh. Mà em có đồ người nhà gửi hả?

Du đáp dạ, mở giỏ đồ được buộc kỹ càng bằng những sợi dây ni lông. Bên trong là ba chiếc áo khoác, mấy hộp sữa giấy, bánh kẹo và mứt cùng một mảnh giấy nhầu nhĩ với dòng chữ viết vội vã:

“Du à, cha muốn vào thăm con nhưng không được nên gửi cho con ít đồ. Nhớ giữ gìn sức khỏe con nhé, cha sẽ chăm sóc bé Oanh và mốt lại dẫn nó vào gặp con.”

Du vò tờ giấy trong tay, mím môi. Rồi chợt, Du thấy một bức hình vẽ hai mẹ con nắm tay nhau, liền cầm lên xem. Hình vẽ trái tim nguệch ngoạc được tô màu đỏ nằm ở giữa tờ giấy đập vào mắt cô. Du nhớ mình từng nói với con rằng, trái tim thể hiện sự yêu thương. Có lẽ Oanh vẽ nó để gửi niềm thương yêu đến mẹ.

Du đặt tay lên môi ngăn tiếng nấc khẽ. Đây là bức vẽ Oanh tặng mẹ. Nhìn từng nét màu siêu vẹo, Du lại nhớ con kinh khủng đến nỗi chẳng kìm nổi nước mắt. Trông thế, chị Giảo vuốt nhẹ lưng Du, lo lắng hỏi sao vậy? Du quệt nhanh hai gò má, lắc đầu. Chị nhìn bức hình trên tay cô em gái, hiếu kỳ:

– Của ai vẽ mà em xúc động thế?

– Con gái em…

– Ủa, nó bao nhiêu tuổi rồi?

– Sáu tuổi ạ.

– Em có con khi còn nhỏ tuổi hả?

Du thoáng gật đầu. Nhận thấy sự tĩnh lặng trên mặt Du, chị Giảo chỉ thở ra chứ không nói gì thêm, cũng chẳng có ý hỏi về cha đứa bé. Là người từng trải và đang ở tù, chị hiểu mỗi người đều mang một câu chuyện riêng, những nỗi niềm riêng khó giãi bày. Hỏi làm chi khi người ta muốn quên, cứa dao vào vết thương làm gì để nó chảy máu?

Bình luận
Ads Footer