Sắp hết giờ trị liệu, Du chậm rãi đứng dậy cúi chào. Văn cũng đứng lên và định đưa cô cuốn nhật kí nhưng đã khựng lại vài giây. Thật ra, Văn muốn hỏi Du một chuyện, ngay từ lần đầu gặp anh đã rất muốn hỏi câu ấy. Nhưng vỏ bọc đơn độc bao quanh Du khiến Văn khó mở lời. Thậm chí ngay bây giờ anh cũng cảm giác có điều gì ngăn cản mình. Vẻ như là chưa đến thời điểm thích hợp.
– Bác sĩ còn chuyện gì sao?
Câu hỏi từ Du mau chóng kéo Văn trở về thật tại. Văn bảo chẳng sao cả, tiếp tục trao cho Du cuốn nhật kí. Và trong khoảnh khắc đó, ngón tay hai người tình cờ chạm nhau. Một luồng điện rất nhẹ chảy truyền qua từng người khiến họ hơi giật mình lẫn bối rối. Du thoáng rụt tay lại, riêng Văn vẫn còn cầm cuốn sổ. Chỉ đơn thuần là sự va chạm thông thường nhưng đủ khiến lòng cả hai bất giác nảy sinh một chút cảm giác lạ lùng. Hay vì họ nhận ra hơi ấm từ đối phương?
Du cầm lại cuốn nhật kí, mau chóng chào bác sĩ. Dõi theo những sợi tóc ngắn hơi rối kia qua song sắt cửa sổ, đôi mắt Văn trở nên mông lung. Lát sau chàng trai trẻ nhìn xuống ngón tay mình, nhận ra vẫn còn vương chút hơi ấm lạ.
Tranh thủ thời gian ngủ trưa, Vân Du ngồi viết thư cho Oanh. Dù đang ở xa, dù không được gặp mặt hay ôm hôn, Du vẫn muốn tiếp tục kiên cường với tình yêu thương dành cho con gái bé bỏng. Du sẽ mạnh mẽ hơn nữa, giờ đây những lá thư sẽ là thứ kết nối duy nhất giữa hai mẹ con. Du nghe âm thanh trở mình ngay bên cạnh của con Muội, rất nhanh nó hỏi với giọng ngái ngủ:
– Chị đang viết nhật kí điều trị à?
– Không, chị viết thư cho con gái.
Tự dưng con Muội thoáng im lặng, chẳng rõ là đang suy nghĩ hay đang ngủ tiếp, lát sau nó chợt hỏi tiếp con gái Du tên gì. Du đáp, tên Hoàng Oanh! Con Muội khen cái tên nghe sang dữ, là chim oanh vàng tự do bay khắp nơi. Du nói Oanh là chú chim nhỏ bé quý giá mà trời ban cho mình. Bất giác tiếng thở từ con Muội trở nên nhẹ tênh:
– Thật ngưỡng mộ tình thương của chị dành cho con gái!
Du nhận ra có một sự hờn trách thoáng qua, lại nhớ lần chị Giảo kể con Muội ghét mẹ ruột, rồi còn trẻ mà đã đi theo giang hồ. Du nhìn con Muội nằm nhắm mắt, ngực thở đều đều nhưng biết chắc nó còn thức, liền cất tiếng khẽ khàng:
– Em vẫn còn cha mẹ đúng không?
Con Muội ngần ngừ rồi đằng hắng:
– Cha tôi chết lâu rồi, còn mẹ thì có cũng như không.
– Mẹ em tái hôn à?
– Chị cũng biết nhiều dữ, ừ thì bả thích một ông có tiền sau đó thì lấy luôn. Bả chẳng lo gì cho tôi cả, suốt ngày chỉ biết kiếm tiền, buồn buồn thì la mắng quản thúc. Tôi ghét quá nên bỏ học, đi giang hồ chơi. Chắc chị nghĩ tôi có phúc mà không biết hưởng chứ gì.
– Chị cũng đâu có một gia đình trọn vẹn, mẹ mất khi chị còn nhỏ, cha thì cũng ít quan tâm và sau đó đi thêm bước nữa. Chị và mẹ kế không hòa thuận…
Du ngừng lại vì chẳng muốn kể tiếp nữa, và cũng bởi nhớ đến cảnh mình thẳng tay đâm chết người đàn bà ấy. Con Muội thấy Du trầm tư quá mới chậc lưỡi, dựng người ngồi dậy nói tiếp về quãng đời mình.
Con Muội ghét tiền dù không thể phủ nhận sự quan trọng của đồng tiền. Nhưng để sống chết vì cái thứ mà “xuống mồ cũng chả mang theo được” ấy thì có đáng chăng? Mẹ con Muội suốt ngày lao đầu vô kiếm tiền, lại mê đắm đuối đàn ông… Nó ghét cha dượng, cứ gặp mặt là ông lại nhắc nhở luôn mồm, mệt cả tai. Ồ lạ, ông có sinh ra nó đâu mà quản chi? Con Muội chán cái nhà không có lấy bóng người, không có lấy bữa cơm gia đình đàng hoàng, càng không có cảm giác ấm áp.
Con Muội nhớ ngày xưa mẹ hay ôm mình, mỉm cười dịu dàng và thích nấu cơm cho nó ăn. Khi đó vẫn còn cha, gia đình ba người cứ thế sống hạnh phúc. Rồi ông mất, mẹ tự dưng đổi tính. Nó thèm khát quãng thời gian tươi đẹp lúc xưa nhưng biết đi đâu mà tìm?
Quá khứ cứ hiện hữu rồi trở thành nỗi ám ảnh giày vò, cuối cùng con Muội đập tan hiện tại. Nó đóng cánh cửa ước mơ lại, đi theo bọn giang hồ. Thấy nó mặc áo sexy, xăm trổ mình mẩy, lại còn hút thuốc, mẹ giận dữ đánh mắng. Con Muội đời nào chịu nghe, càng hả hê hơn khi thấy bà khổ sở vật vã. Nó trả thù mẹ bằng cách hủy hoại chính mình.
Rồi con Muội theo “đám bạn tốt” đi đánh nhau và giở trò cướp giật. Một thời gian sau, công an biết đến tên nó. Bữa nọ nó kéo lũ đầu gấu đi đánh con nhỏ tình địch, lúc công an chạy đến thì mấy đứa kia bỏ chạy mất dạng để nó lại một mình lãnh tội. Đối phương nhập viện thương tật hơn mười phần trăm, tòa xét thấy vụ việc khá nghiêm trọng nên phán nó ba năm ngồi tù để cảnh tỉnh. Thế là xong!
Du hỏi mẹ con Muội ra sao khi hay tin nó ngồi tù? Con Muội nói vu vơ là bà dùng tiền chạy chọt thuê luật thư đủ thứ để con gái không phải ngồi tù nhưng đâu ăn thua gì. Mà kể từ ngày vô tù, nó nhận ra mẹ quan tâm mình hơn vì bà cứ ra vô thăm tù hoài.
Ngặt nỗi con Muội đâm bướng, quyết không gặp mặt bà với cha dượng. Duy có lần gặp hôm bữa, ngồi nói chuyện chưa tới mười phút là nó khó chịu đứng dậy nói mấy câu chọc tức rồi bảo hai người đừng đến nữa. Và sau lần đó con Muội luôn từ chối đến phòng thăm, bao nhiêu đồ mẹ gửi thì nó mang cho người ta hết.
Con Muội kể xong thì lấy giấy màu dưới gối Du ra xếp hạc giấy tỉnh bơ, cứ như câu chuyện nãy giờ là cuộc đời của một con nhỏ nào lạ hoắc lạ huơ. Du nhìn nhỏ em gái bướng bỉnh tự hủy hoại tuổi trẻ của mình.
Con Muội mới hai mươi, cái tuổi không còn nhỏ dại nhưng cũng chưa đủ lớn để hiểu chuyện. Ở cái tuổi mà người ta dễ trở nên nổi loạn điên cuồng, và cảm thấy thế giới dường như đều chống đối lại mình. Rồi nó đứng giữa lằn ranh của sự ngoan ngoãn và hư hỏng. Phải oằn mình, dùng cả sức lực trẻ dại mà đánh bật với số phận. Nó muốn được yêu thương nhưng lựa chọn sai lầm.
Chợt, hai chị em nghe tiếng sấm rền phía xa xa. Nắng đang gay gắt đột nhiên tắt màu, đám mây xám xịt chẳng rõ ở đâu kéo đến vùi lấp ông mặt trời. Du và con Muội liền xích lại gần cửa sổ, hướng ánh mắt mong mỏi ra bên ngoài. Hệt như lũ trẻ chờ đợi một điều gì thú vị. Và không lâu sau, những hạt mưa đầu hạ bắt đầu trút xuống. Cái nóng hầm hập biến mất, bầu không khí dịu mát hơn.
Các phạm nhân nữ khác ngồi dậy khi tiếng mưa rơi lộp độp. Họ kháo nhau đến bên hai ô cửa nhỏ hẹp ngắm nhìn vô số hạt nước trong lành tuôn xuống.
Cái mùi đất xộc lên nồng nồng khiến Du thấy bình yên lạ lùng.
*****
Buổi sáng hôm sau, một người cán bộ đưa Vân Du đến gặp vài nhà báo xin phỏng vấn để viết bài. Trên đường đi, Du lồng hai tay vào nhau, siết chặt. Mồ hôi dần tuôn ra ướt lòng bàn tay, hoàn toàn tỉ lệ thuận với nỗi lo lắng đang ngập tràn trong lòng.
Du biết mình sẽ ngồi trong căn phòng lạnh lẽo, đối diện với mấy ánh mắt đầy chất vấn và các câu hỏi cứ tua đi tua lại. Dĩ nhiên các nhà báo sẽ yêu cầu Du tường thuật lại toàn bộ sự việc ngày hôm đó, cả nguyên nhân vì sao giết người. Du thật sự chưa rõ mình nên nói những gì và không nên nói những gì.
Cho đến khi mớ suy nghĩ ngổn ngang kia kết thúc thì cũng là lúc Du bước chân vào phòng. Du đưa mắt nhìn, căn phòng khá trống trải chẳng có gì nhiều ngoài cái bàn để ngồi. Ngoài các phóng viên và nhà báo ra, dĩ nhiên còn có công an.
Du cảm thấy lo lắng dù chỉ mới ngồi xuống ghế, hai tay bị còng lạnh toát y như cái đêm mưa cô bị bắt đến Trại giam. Người cán bộ nói về việc các nhà báo và phóng viên đến đây để phỏng vấn Du. Họ đứng sau lưng cán bộ để chụp hình và ghi chép.
Đầu tiên một nhà báo hỏi Du về lí lịch, quê quán. Bất giác Du thấy đầu lưỡi như cứng lại, nên trả lời khá chậm. Tiếp theo, anh ta đi vào vấn đề chính:
– Chị và bà Ngô Thị Nhuệ có mối quan hệ gì?
– Là mẹ kế và con chồng.
– Còn bác sĩ Nguyễn Đăng Dương?
– Anh ấy là bác sĩ điều trị của con gái tôi.
– Giữa chị và hai nạn nhân trước đó có xích mích hay mâu thuẫn gì không?
– Giữa tôi và bác sĩ Dương không có chuyện gì cả.
– Còn bà Nhuệ thì sao?
– Tôi và bà ấy… vài năm trước có xảy ra mâu thuẫn…
– Vài năm trước ư? Mâu thuẫn đó là gì, chị có thể kể rõ?
Đôi mắt đảo liên tục, Du nuốt nước bọt khô ran. Du không muốn kể về cái quá khứ kinh khủng năm ấy, càng không muốn đối diện với nó vào lúc này.
Du sợ báo chí sẽ ghi lại rồi đưa lên trang báo và hôm sau tất cả mọi người trên cả nước đều biết về mình. Còn Oanh sẽ ra sao nếu bị người ta kì thị. Miệng lưỡi người đời sẽ đào bới chuyện con bé không có cha lẫn quá khứ bất hạnh của người mẹ.
– Tôi… tôi…
Du chẳng rõ mình đã lặp lại chữ “tôi” bao nhiêu lần trong sự ngạc nhiên của những người còn lại. Đột ngột, một nhà báo cầm máy ảnh lên chụp hình. Ánh flash lóe sáng khiến Du chói mắt, đồng thời vô số hình ảnh hiện lên chớp nhoáng trong đầu cô. Về bà Nhuệ và bác sĩ Dương vào đêm mưa hôm ấy. Đôi mắt sâu cay của người đàn bà đó. Sự lo lắng hiện diện trên nét mặt chàng bác sĩ trẻ. Tiếng khóc của Oanh. Nỗi căm phẫn khiến Du quơ lấy cây kéo, đâm mạnh một nhát.
Tất cả vụt tắt. Du nghe câu hỏi từ người công an. Hay anh nhà báo vô tình va trúng lọ bút trên bàn. Âm thanh va chạm nhau giữa mấy cây viết bi cũng trở nên lùng bùng. Chúng khiến Du nhớ đến cú rơi lạnh băng của chiếc kéo nhuốm máu xuống nền sàn đêm đó. Cuối cùng hình ảnh bừng sáng trước mắt cô là thân thể ngã quỵ của bác sĩ Dương.
Nước mắt rơi liên tục lúc nào không biết, Du đưa hai tay lên ôm đầu, nấc lên:
– Không… Tôi không cố ý… Tôi xin lỗi…
Du cảm giác người mình nghiêng đi, như mất hết trọng lượng. Hình như Du đã ngã xuống, để cho bóng tối tràn đến. Lan nhanh. Nuốt trọn lấy mình.
Du được đưa đến bệnh xá. Bác sĩ Hiên nói với các cán bộ, Du không bị bệnh gì trầm trọng chẳng qua là tâm lí hơi kích động nên choáng ngất. Trong lúc những âm thanh lào xào trỗi dậy thì Du đã tỉnh rồi, tuy nhiên vẫn không muốn mở mắt ra. Cô sợ phải trở lại căn phòng ấy. Và Du đã giả vờ nằm yên trên giường cho đến hết ngày.
Lúc chiều buông, Du nghe bên ngoài trời đổ mưa. Không gian yên ắng của phòng bệnh xá được khỏa lấp bằng âm thanh rơi đều từ những hạt mưa xuống mái tôn, nền đất và trên mấy chiếc lá non. Lòng Du thấy có chút khoan khoái, chút bình yên. Mưa rào đến nhanh và cũng đi nhanh.
Du khẽ trở mình nằm nghiêng, mùi cồn chốc chốc xộc vào mũi cô. Du không cho phép bản thân có được cái cảm giác bình yên, vì tội lỗi. Cứ hễ nằm ở đây, trên chiếc giường trắng rồi bắt gặp những bóng áo blouse trắng đi qua lại là nỗi cồn cào khó thở trỗi dậy. Du nhắm nghiền mắt, để nước mắt rơi xuống gối nằm.
Sẩm tối, Du lại nghe văng vẳng tiếng chim quyên hót. Sau cơn mưa ướt át, tiếng hót đó càng khiến đêm đen thêm bi ai, thê thiết. Du nhổm dậy, lấy cuốn nhật kí ra viết. Đề dòng đầu tiên, cô đã hỏi một câu đầy run rẩy:
Ngày… tháng… năm…
Bác sĩ đã bao giờ nằm mơ thấy ác mộng chưa? Những thứ kinh hãi khiến bác sĩ mất ngủ từ ngày này qua ngày khác?
Kể từ lúc vào đây, không đêm nào tôi không mơ thấy cơn ác mộng của đêm mưa đó. Cái ngày mà đôi tay tôi nhuốm máu. Tôi thấy bác sĩ Dương với bờ ngực đỏ vì bị chiếc kéo đâm xuyên vào da thịt, đôi mắt trắng dã vô hồn liên tục hỏi tôi vì sao…? Anh ấy không biết đã chết bao nhiêu lần trong giấc ngủ chập chờn của tôi. Để rồi mỗi lần thức dậy, tôi sờ lên chiếc gối kê đầu thấy ướt đẫm nước mắt.
Tôi không biết phải làm sao để thoát khỏi nỗi ám ảnh giày vò này.
Hôm nay phóng viên đến gặp để hỏi tôi về vụ án, và tôi chẳng thể kể lại chuyện mình đã giết người ra sao, cả lí do dẫn đến thảm kịch ấy. Tôi lại thấy hình ảnh bác sĩ Dương hiện lên, tôi hoang mang và ngất đi. Bác sĩ à, tôi chợt nghĩ: bản thân tôi từng bị tổn thương nhưng rồi chính tôi lại tiếp tục làm tổn thương người khác. Có lẽ tôi đang trốn chạy chính mình.
Chiều nay có cơn mưa rào, đến khi sẩm tối tôi lại nghe tiếng chim quyên hót. Liệu bác sĩ có nghe thấy chăng?
Nhật kí tù nhân 3969.
Phản chiếu trong đáy mắt ngấn nước của Du là trang nhật kí với những đốm nước mắt loang lổ làm nhòe con chữ.
Bi kịch quá khứ biến Du trở thành người gai góc. Ít khóc nhưng đồng thời cũng ít cười. Du như cây dại sau cơn mưa bão táp, bị gió dập vùi, vẫn mạnh mẽ vươn lên. Đặc biệt từ khi sinh Hoàng Oanh, Du càng vững vàng và mang cái vẻ lạnh lùng cô độc. Nhưng rồi giờ đây, đêm nào cô cũng nhấn chìm mình trong nước mắt sợ hãi, ân hận. Chỉ vì Du không ngờ rằng, cái giá phải trả cho khoảnh khắc sai lầm ấy lại tàn khốc đến vậy.
*****
Đồng Văn bước xuống chiếc taxi đang đậu trước một con hẻm nhỏ vắng vẻ. Trả tiền cho tài xế xong, Văn bước nhanh đến đứng dưới tán cây bàng to, ngước mặt quan sát những dãy nhà lụp xụp hai bên hẻm. Ánh nắng gay gắt buổi trưa khiến anh nheo mắt.
Tư lự một lúc, Văn lấy trong túi áo khoác ra một mảnh giấy xé vội với số địa chỉ viết bằng bút bi đen. Vài tia nắng len qua khoảng trống giữa những chiếc lá trên cao, chiếu lỗ chỗ lên mảnh giấy được cầm bởi bàn tay ngập ngừng. Văn đảo mắt nghĩ ngợi nhưng sau cùng vẫn tiếp tục chuyến hành trình đi tìm hiểu sự thật, đến nhà ông Thạch.
Văn biết chuyện Du ngất xỉu rồi đọc những dòng nhật kí đau đớn của cô. Đến nước này thì Văn không thể nhẫn nại ngồi yên chờ đợi, bản thân kiên quyết phải tìm hiểu rõ những sự việc quay quanh cô gái kỳ lạ ấy, và nếu may mắn thì anh sẽ biết được bí mật giấu kín trong lòng cô. Quá khứ lẫn quãng thời gian sáu năm Du rời khỏi nhà. Người duy nhất ở hiện tại có thể cho Văn lời giải đáp chỉ là ông Thạch.
Lúc Văn dừng trước một ngôi nhà có cái gác lửng nằm sâu hút trong hẻm thì đã thấy ngay ở bậu cửa, Hoàng Oanh ngồi cong lưng, tay nâng đỡ chiếc cằm nhỏ và đang cặm cụi tô tô vẽ vẽ vào trang giấy đặt trên hai chiếc đùi chụm lại. Khi nghe chất giọng cất lên gọi tên mình, Oanh liền ngẩng đầu nhìn, đôi mắt tròn xoe chớp vài cái ngạc nhiên rồi hỏi:
– Chú tìm ông ngoại ạ?
Văn gật đầu đến gần hơn, cúi người xuống thấp để ngang tầm mắt con bé:
– Oanh có nhớ chú không? Lần đầu tiên Oanh cùng ông ngoại đến thăm mẹ Du đó, chú là bác sĩ tên Văn ngày hôm ấy.
Con ngươi to như hột nhãn lồng đảo qua lại, Oanh phồng má ra dáng suy tư.
– Oanh nhớ rồi ạ! Chú mặc áo màu trắng dài thiệt dài, nói là quen với mẹ Du.
Văn cười cười, vỗ nhẹ mái đầu Oanh. Đúng lúc ông Thạch từ dưới nhà bước ra rồi thoáng sững lại khi nhận ra anh chàng bác sĩ tên Đồng Văn đã tỏ ra rất tò mò về chuyện của con gái mình. Văn đứng lên, khẽ cúi chào một tiếng. Ông Thạch lén thở dài.
Văn ngồi trên chiếc ghế gỗ cao đã bị mọt ăn gần hết chân, kín đáo quan sát ngôi nhà nhỏ hơi bề bộn. Đôi mắt Văn nhìn lên tấm ảnh thờ của một người phụ nữ mà anh ngầm đoán là mẹ kế Du. Đối diện, ông Thạch rót ly nước mời khách, gương mặt không bộc lộ điều gì. Bên cạnh, Oanh nhón chân tựa cằm lên chiếc bàn, vừa tô màu vừa nhìn chú bác sĩ. Khi ông Thạch đặt ấm nước xuống thì một khoảng lặng kéo đến. Nghĩ mình đột ngột tìm đến nên Văn liền lên tiếng trước:
– Xin lỗi chú vì cháu đến mà không báo trước.
– Không sao, tôi cũng đang rảnh rang. Bác sĩ đến đây có việc gì thế? Hay là con Du gặp chuyện gì à?
– Vân Du vẫn khỏe, chú yên tâm.
– Vậy thì…
– Thật ra hôm trước Du đến phòng gặp phóng viên, chưa nói được gì cả thì cô ấy ngất xỉu nhưng tình hình hiện tại thì đã ổn.
– Con Du ngất xỉu? Nó bị bệnh gì hả bác sĩ?
Văn hơi lưỡng lự khi nhìn sang bé Oanh đang giương mắt về phía mình. Dẫu không hiểu lắm nhưng hẳn con bé vẫn nhận ra phần nào mẹ Du đang gặp chuyện chẳng lành bởi qua chất giọng lo lắng từ ông ngoại. Ông Thạch như hiểu ý nghĩa qua ánh mắt Văn, liền bảo Oanh ra ngoài chơi để người lớn nói chuyện. Buồn bã, Oanh hạ chân xuống rồi lôi hết giấy, bút màu lẳng lặng đi ra ngoài hiên ngồi bệt xuống. Bấy giờ Văn mới nói tiếp:
– Du bị ám ảnh bởi việc mình đã giết người, tinh thần thường bị kích động do sợ hãi nên hay ngất xỉu.
Ông Thạch buông một câu thẫn thờ: Vậy sao? Giọng Văn trở nên đắn đo:
– Chú Thạch, cháu biết có thể mình đã can thiệp quá nhiều và đây cũng không phải quyền hạn được giao nhưng cháu thật sự muốn biết rõ về Du.
– Ý bác sĩ là gì?
– Cháu muốn biết về quá khứ của Du: giữa cô ấy và mẹ kế đã xảy ra chuyện gì, lí do cô ấy rời khỏi nhà và thời gian sáu năm cô ấy sống bên ngoài thế nào.