NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Bão Lửa U23 – Thường Châu Tuyết Trắng

Những Bài Học Lớn

Tác giả: Nhiều Tác Giả
Chọn tập
Ads Top

NHỮNG BÀI HỌC LỚN SAU KỲ TÍCH CỦA U23 VIỆT NAM LÀ GÌ?

– Vũ Song Toàn –

Khi người ta đã tận lực vì một điều gì đó, thành hay bại đều lan truyền năng lượng tích cực tới tất cả những người xung quanh. Một nguồn năng lượng sạch trong, thấm vào từng tế bào yêu thương, chia sẻ và đồng cảm sâu sắc.

Hậu vệ Vũ Văn Thanh khoanh tay đứng hiên ngang sau khi thực hiện thành công cú sút 11m quyết định đưa đội tuyển U23 Việt Nam vào chung kết có lẽ là hình ảnh lung linh nhất cho kỳ tích của bóng đá Việt Nam tại AFC U23 châu Á.

Đó là hình ảnh của sự kiêu hãnh, của niềm tin, khát vọng vượt qua mọi rào cản, được tích tụ và vỡ oà của tuổi trẻ Việt Nam. Một hình ảnh thực sự gây xúc động khiến bất cứ ai là người Việt xem đi xem lại nhiều lần không chán. Một hình ảnh khiến chúng ta không chỉ yêu thương mà còn như một động lực thúc giục tất cả phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với trọng trách của mình.

VÌ SAO U23 VIỆT NAM ĐƯỢC “YÊU KHÔNG HỐI TIẾC”?

Ngay cả những cựu chiến binh đã ở tuổi thất thập cũng bảo rằng, chưa bao giờ có một ngày hội nào có thể sánh với lễ đón đội tuyển U23 Việt Nam về nước. Cũng chưa từng có buổi truyền hình trực tiếp nào trên đài truyền hình quốc gia lại kéo dài và kịch bản bị phá sản hoàn toàn như thế.

Không chỉ tại Thủ đô, khắp các hang cùng ngõ hẻm trên dải đất hình chữ S và trên thế giới, nơi có sự hiện diện của người Việt, hàng triệu con tim dường như hoà cùng nhịp đập. Hình ảnh cụ bà 95 tuổi khuôn mặt đầy vết chân chim, những em bé mặt búng ra sữa đều dán lá cờ tổ quốc trên má, đứng hàng tiếng đồng hồ trong giá rét, háo hức mong chờ các chàng trai bằng xương thịt dù chỉ thoáng qua… thực sự gây xúc động mạnh.

Có lẽ phải yêu lắm người ta mới có thể xả thân như vậy. Bởi chỉ xét ngay mỗi người chúng ta thôi, nếu bị người yêu “bỏ bom” 1 tiếng đồng hồ là chắc chắn có chuyện rồi. Vậy mà biển người cứ chờ, cứ mong, không một ai than van, không một lời oán thán. Tất cả đều hướng về những người hùng của mình như những người thân yêu xa cách lâu ngày, với một tình yêu không hối tiếc.

Bí quyết nào khiến ông thầy Park Hang Seo và các học trò chinh phục hoàn toàn tình yêu của người hâm mộ đến thế?

Trước hết là sự TẬN LỰC vì màu cờ sắc áo. Bên cạnh hình ảnh lung linh của Vũ Văn Thanh, có không ít những khoảnh khắc đã lay động trái tim của tất cả chúng ta.

Đó là trung vệ Bùi Tiến Dũng, trong những phút đầu của hiệp phụ thứ 2 trận chung kết, miệng toe toét máu sau pha va chạm với đối phương, vẫn nhất quyết không chịu rời sân để bác sĩ chăm sóc. Ông trọng tài Oman phải rất kiên quyết Dũng mới vội vàng chạy ra, vừa chạy vừa ngoái lại với một tâm trạng lo lắng tột độ. Sau vài giây được bác sĩ cầm máu, anh vội vàng lao ngay về vị trí.

Đó là Duy Mạnh, ở những phút cuối trận bán kết gặp Qatar hứng trọn quả tạt bóng vào mặt khiến máu mũi chảy ròng ròng. Trận đấu phải tạm dừng ít phút để các bác sĩ vào chăm sóc cho anh. Gượng dậy với chiếc bông dài ở mũi, Mạnh tiếp tục xả thân cho đến khi hiệp 2 trôi qua đươc 20 phút, HLV Park Hang Seo quyết định rút ra để thay đổi chiến thuật và giữ an toàn cho anh.

Đó là Quang Hải, sau khi ghi bàn thắng để đời vào lưới Australia, anh đã hôn vào lá cờ đỏ sao vàng trên ngực áo, ôm mặt và chỉ tay lên trời bật khóc – những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc vô biên, của sự nỗ lực vượt ngưỡng.

Đó là khi trọng tài nổi hồi còi kết thúc 120 phút của trận chung kết, những đôi chân đỏ vững vàng quỵ xuống thảm tuyết trắng. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt những người đàn ông mạnh mẽ, buồn nao lòng vì bị “tước đoạt” chiến quả vào những phút cuối. Các cầu thủ rơi nước mắt, hàng triệu người hâm mộ cũng rơi nước mắt. Hơn cả sự tiếc nuối, ấy là sự đồng cảm về sự may rủi phải chấp nhận trong bóng đá.

Khi người ta đã tận lực vì một điều gì đó, thành hay bại đều lan truyền năng lượng tích cực tới tất cả những người xung quanh. Một nguồn năng lượng sạch trong, thấm vào từng tế bào yêu thương, chia sẻ và đồng cảm sâu sắc.  

Sự ĐỒNG LÒNG là yếu tố tiếp theo mà đội quân của Park Hang Seo tạo dựng được trong lòng người hâm mộ.

Trong cuộc trò chuyện với VTV6 tối 29/1, Xuân Trường tiết lộ, sau trận ra quân thất bại 1-2 trước Hàn Quốc, anh và đồng đội đã nhận ra một điều gì đó phải làm. Thế là buổi tối hôm ấy, chỉ có các cầu thủ ngồi lại với nhau, không ai bảo ai, tất cả đều thống nhất một ý chí: chúng ta đến đây không phải “cọ xát, học hỏi” nữa, mà phải quyết tâm làm được hơn thế, phải tin rằng chúng ta làm được hơn thế. Đó chính là buổi tối quyết định, buổi tối đặt nền móng cho cú sút cháy lưới Australia của Quang Hải và mở ra con đường lịch sử của đội tuyển U23 Việt Nam tại Thường Châu.

Muốn làm nên điều khác biệt, đầu tiên phải xuất phát từ suy nghĩ khác biệt. Vâng, nếu như Xuân Trường và đồng đội cứ để cái buổi tối hôm ấy trôi đi như thường lệ mà không tập hợp nhau lại, hối thúc tinh thần, sự tự ái nghề nghiệp, và xa hơn là niềm tự hào dân tộc… thì liệu chiến công có thể đến? Nhưng một vấn đề nữa đặt ra: nếu người đội trưởng không đủ năng lực, phẩm chất, uy tín như Xuân Trường thì liệu anh ta có thể tập hợp được đồng đội của mình, cùng nhau nhìn về một hướng?

Hãy nghe Xuân Trường trả lời một nhà báo nước ngoài khi được hỏi “Theo anh, ai là ngôi sao của đội tuyển U23 Việt Nam?”: “U23 Việt Nam không có ngôi sao. Ngôi sao duy nhất chúng tôi có nằm ở bên ngực trái của mình”. Một câu trả lời khiến tất cả phải rung động. Nó thể hiện toàn bộ tư chất của một thủ lĩnh. Một người đội trưởng như thế, làm sao các đồng đội của anh có thể không đồng lòng?

ĐỘNG LỰC ĐỂ TỈNH THỨC?

“Sự thành công được tạo nên không từ bất cứ bí mật nào. Đó chỉ là kết quả của sự chuẩn bị, làm việc hết sức mình và rút ra kinh nghiệm từ những thất bại”. Câu nói của cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell có lẽ đã lột tả đầy đủ chiến tích của thầy trò HLV Park Hang Seo tại giải U23 châu Á.

Đã có rất nhiều bài báo phân tích về nguyên nhân tạo nên kỳ tích của thầy trò HLV Park Hang Seo tại giải này mà trong đó yếu tố may mắn cũng được nhấn mạnh. Tuy nhiên, may mắn sẽ không thể tìm đến nếu chúng ta không lao động nghiêm túc , dành toàn bộ tâm trí và sức lực cho công việc với một tinh thần bất vụ lợi.

Xét ngay trong lĩnh vực bóng đá, chưa bao giờ tính từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với quốc tế (1991), chúng ta có một dàn cầu thủ mà từng hơi thở, từng bước chạy của họ đều được tin tưởng tuyệt đối về sự trong sạch.

Ngay cả thế hệ được xem là “vàng” (nhưng chưa từng vô địch Đông Nam Á) như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh…, hay thế hệ “vàng” thật (đem về một chức vô địch AFF năm 2008) như Công Vinh, Minh Phương, Tài Em… cũng bị đặt không ít dấu hỏi sau mỗi thất bại “lãng xẹt”. Bên cạnh đó, một thế hệ đong đầy kỳ vọng như Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Bật Hiếu… thực sự đã tạo nên một vết nhơ tại SEA Games 2005 và là nguyên nhân lớn, góp phần khiến người hâm mộ tẩy chay bóng đá nước nhà. Thất bại của họ nhận nhiều oán trách hơn cảm thông, bởi họ đã không thực sự tận lực và dấn thân.

Ngoài việc làm tấm gương cho đồng nghiệp, ông Park và các học trò còn giúp  Liên đoàn bóng đá Việt Nam “ngộ” ra dđiều gì đó chăng? Nếu thực sự cầu thị, các quan chức của VFF cần xem thành công của U23 Việt Nam là cơ hội vàng để họ ngồi lại với nhau một cách nghiêm túc, phân tích thật kỹ lưỡng và căng cơ tiềm năng phát triển của bóng đá nước nhà để rồi có một chương trình hành động thực sự hiệu quả. Và điều quan trọng nhất, họ phải là một tập thể đoàn kết chứ không phải tập hợp những cá nhân rời rạc, chỉ biết lo cho lợi lạc của bản thân.

Và không chỉ bóng đá. Trong cuộc tiếp đón các tuyển thủ trẻ tại phòng họp Diên Hồng chiều 29/1, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, “giải Á quân mà U23 giành được đã cho thấy dân tộc Việt Nam có thể làm được nhiều điều to lớn trên các lĩnh vực. Thành công đó có giá trị thúc đẩy thế hệ trẻ Việt Nam tiếp tục rèn luyện, phấn đấu giành được những thành tựu lớn hơn nữa cho đất nước”.

Quả là thành công của đội tuyển U23 Việt Nam đã đi quá xa so với nhiều lĩnh cự của đất nước.

 Chúng ta có cảm thấy hổ thẹn không khi cho đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa có tên trong top 300 trường đại học hàng đầu châu Á? Những người làm cha mẹ có thực sự an tâm ở công sở khi thỉnh thoảng lại xuất hiện những clip học sinh bị bạn bạo hành?

Chúng ta có đau lòng không khi liên tục có những sự cố y tế sơ đẳng khiến biết bao gia đình phải mất người thân? Vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm thì luôn thời sự và nhức nhối hằng ngày.

Hai lĩnh vực giáo dục, y tế là nền móng, là chỉ số căn bản phản ánh sự phát triển của một đất nước và hạnh phúc của người dân.

Con số tăng trưởng GDP 2017 vược dự kiến hết sức đáng ghi nhận và vui mừng. Nhưng chỉ có thể nói là thành công nếu các doanh nghiệp không còn phải khổ sở vì nạn “tham nhũng vặt”, bớt đi sự lo toan bởi những chính sách thay đổi bất thình lình. “Trên rải thảm, dưới rải đinh” – câu nói nổi tiếng của một đại biểu quốc hội phản ánh chính xác thực trạng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân, được chính phủ xác định là động lực của nền kinh tế hiện nay.

Kỳ tích của U23 Việt Nam không chỉ làm nức lòng hơn 90 triệu người dân, mà nó còn vô cùng ý nghĩa khi diễn ra vào thời điểm chúng ta đang chuẩn bị đón mùa xuân mới. Làn gió ấm áp của học trò HLV Park Hang Seo sẽ là nguồn cảm hứng lớn, khiến tất cả chúng ta như tỉnh thức, cùng đồng lòng lập nên kỳ tích trên mọi lĩnh vực, xứng danh con Rồng cháu Tiên?

(Bài viết đăng trên Báo Tuổi trẻ & Đời sống ngày 1/02/2018)

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer