NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Bão Lửa U23 – Thường Châu Tuyết Trắng

Từ Kỳ Tích U23 Việt Nam

Tác giả: Nhiều Tác Giả
Chọn tập
Ads Top

TỪ KỲ TÍCH U23 VIỆT NAM, NGHĨ ĐẾN TRIẾT LÝ GIÁO DỤC ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Nguyễn Sóng Hiền
(NCS chuyên ngành giáo dục – thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA) – Đại học Newcastle, Australia)

Khi một nền giáo dục được sự quan tâm và động viên của toàn xã hội, ắt hẳn sẽ có những biến chuyển tích cực. Và khi nền giáo dục được xã hội hóa và nhận được sự ủng hộ tối đa và vô điều kiện của xã hội thì chắc chắn nền giáo dục đó sẽ phát triển bền vững.

Kết quả tuyệt vời của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam và trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho tinh thần tự tôn dân tộc, cho bản lĩnh và ý chí kiên cường của thế hệ trẻ. Nhưng đó không phải là kết quả “từ trên trời rơi xuống”, nó là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu và thậm chí là sự trả giá bằng mồ hôi, xương máu của các cầu thủ.

Nhưng trên tất thảy một phần trong đó là nhờ vào sự đầu tư và tầm nhìn chiến lược của những nhà đào tạo và những câu lạc bộ bóng đá tư nhân vì nền bóng đá nước nhà. Họ đã có công lớn trong việc ươm mầm và phát triển những tài năng bóng đá. Đó là việc phát triển và tuyển chọn các tài năng bóng đá không quan trọng nguồn gốc, hoàn cảnh hay dân tộc, miễn là các em có đam mê, có năng khiếu với bóng đá.

Đó là sự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo tốt nhất để tạo điều kiện phát huy hết khả năng của các em.

Đó là việc bỏ ra những khoản kinh phí lớn để lựa chọn HLV tốt nhất thậm chí là các HLV ngoại giỏi để có thể giúp các em phát triển hoàn thiện các kỹ năng chơi bóng ở cấp độ quốc tế.

Đó là các chính sách lương thưởng và chế độ đãi ngộ HLV cũng như các cầu thủ.

Và hơn hết đó là sợ định hình rõ ràng triết lý bóng đá “fair play” mang đậm bản sắc Việt Nam. Chơi đẹp không có nghĩa là không quan tâm đến hiệu quả – chơi đẹp biểu trưng cho một lối chơi mà ngay cả khi ta thua đối thủ cũng phải cúi mình kính phục. Và U23 chúng ta đã chứng minh được triết lý đó.

Một thực tế phải khẳng định rằng nếu không có những người làm bóng đá tâm huyết hẳn gì đã có thế hệ U23 như hôm nay, hẳn gì có được kỳ tích khơi gợi nguồn cảm hứng đẹp đẽ của cả một dân tộc? Từ kỳ tích của U23 Việt Nam, nhiều bài học đã được chiêm nghiệm và đúc rút. Vậy liệu chăng trong triết lý bóng đá đã làm nên kỳ tích cho lịch sử thể thao Việt Nam ấy chúng ta có thể rút ra bài học gì đó cho riêng bối cảnh giáo dục nước nhà?

HÃY GIÚP CÁC EM THEO ĐUỔI ĐAM MÊ CỦA MÌNH

Từ câu chuyện theo đuổi đam mê bóng đá của thủ môn Bùi Tiến Dũng, nhà nghèo không có tiền mua bóng về nước vỏ bưởi cho mềm lại để làm thành trái bóng, hai câu chuyện của tiền đạo Công Phượng phải học lại lớp 4 vì quá mê bóng đá, hai tiền vệ Quang Hải đi làm con nuôi từ năm 9 tuổi để được theo đuổi nghiệp quần đùi áo số…, chúng ta nhận ra rằng để phát huy năng lực của trẻ, điều quan trọng nhất là phải nhận ra những gì các em đam mê và theo đuổi.

Các em chỉ thật sự phát huy được hết năng lực của mình khi để cho các em theo đuổi sở thích, đam mê của chính các em. Giáo dục phải quan tâm tới sở thích và đam mê riêng của trẻ. Mỗi em đều sở hữu trong mình một năng lực riêng không ai giống ai. Sẽ có em học rất kém toán nhưng các em có thể vẽ rất đẹp, hoặc có những em không thể viết nổi một câu văn tả cảnh nhưng các em có thể là một người rất giỏi về sửa chữa máy móc. Điều quan trọng, những nhà giáo dục phải nhìn ra và tạo điều kiện để các em theo đuổi những đam mê và sở thích riêng của mình.

Nghịch lý là nền giáo dục hiện tại của chúng ta lại đang chú trọng thành tích, thậm chí chạy đua thành tích mà quên đi vai trò quan trọng nhất của mình là định hướng và phát triển khả năng riêng của mỗi em. Chưa có đất nước nào mà dạy thêm, học thêm trở thành một “vấn nạn” của quốc gia như chúng ta hiện nay. Trẻ bị nhồi nhét kiến thức và học chỉ mang tính đối phó cho các kỳ thi.

VAI TRÒ GIÁO DỤC CỦA GIA ĐÌNH

Câu chuyện mẹ của Phạm Xuân Mạnh đưa con trai của mình từ miền quê xa xôi tìm xuống thành phố để cho con thi vào đội tuyển bóng đá khi hai mẹ con chỉ có vỏn vẹn 10 nghìn đồng trong tay, hay mẹ Công Phượng dành tiền bán lúa để mua trái bóng cho con cho thấy rằng điều quan trọng nhất là cha mẹ phải đóng vai trò là người ủng hộ tối đa cho đam mê và sở thích của con. Thay vì áp đặt con theo suy nghĩ của người lớn thì cha mẹ cần phải thấu hiểu, chia sẻ và tôn trọng quyết định của con cái.

Nghịch lý là hiện nay rất nhiều phụ huynh lại gây áp lực cho con em mình để theo đuổi những nghề nghiệp mà phụ huynh mong muốn. Họ hoàn toàn không quan tâm việc con mình có khả năng hay không, có yêu thích nghề đó hay không. Kết quả chúng ta cũng đã thấy là rất nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp. Dường như quan niệm trọng bằng cấp và học để làm quan từ thời phong kiến còn ăn sâu vào tiềm thức của các phụ huynh và trở thành một thứ định kiến của xã hội.

Thực tế ở những quốc gia phát triển như Singapore, Đức, hay Australia, học sinh tốt nghiệp cấp 2 đã được định hình để lựa chọn những nghề các em yêu thích và có khả năng. Việc theo đuổi con đường học thuật chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Giáo dục nghề nghiệp ở những quốc gia này không phải dành cho những học sinh học lực yếu kém và các quốc gia này cũng không xem giáo dục nghề nghiệp  là dành cho những học sinh như vậy mà nó là sự phân hóa nghề theo sở thích và khả năng của các em.

Có những em thích nấu ăn có thể học nấu ăn và trở thành những đầu bếp chuyên nghiệp, hay có những em thích hát có thể theo đuổi con đường ca hát để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Tất cả mọi nghề nghiệp là bình đẳng như nhau và không nhất thiết phải học để trở thành tiến sĩ hay giáo sư bởi đó cũng chỉ là một nghề – nghề nghiên cứu khoa học như các nghề khác.

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI “LÁI ĐÒ”

Hình ảnh HLV Park Hang Seo ôm cầu thủ ngủ, thơm má cầu thủ sau mỗi trận đấu, hay cùng trò chuyện và tâm sự với cầu thủ như những người bạn, người anh… – điều đó cho thấy khoảng cách giữa HLV và cầu thủ dường như không có. Chính điều này đã khiến cho cầu thủ cảm nhận được sự yêu thương, gần gũi và bình đẳng. Học trò cảm nhận được sự tôn trọng từ HLV vì vậy dễ dàng có thể chia sẻ với thầy của mình. Học trò trở nên tự tin hơn, mạnh mẽ hơn và bản lĩnh hơn. Đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên chất xúc tác cho thành công của đội tuyển.

Trong giáo dục, khi mà thầy cô luôn tự tạo ra khoảng cách với học sinh, tôi xem mình là người có quyền năng quan trọng hơn cả thì chúng ta chỉ tạo ra một thế hệ trẻ sợ hãi và bạc nhược. Các em không dám nói lên tiếng nói của mình, không đủ tự tin để đưa ra những quan điểm và ý kiến của mình. Sự sáng tạo bị bóp chết thay vào đó là sự tuân lệnh một cách vô điều kiện và giáo dục thúc đẩy tư duy phản biện, sáng tạo được biến thành lối giáo dục hà khắc, bắt chước và làm theo. Trong cuốn “Dân chủ và giáo dục”, nhà giáo dục vĩ đại John Dewey cho rằng một nền giáo dục dân chủ và khai phóng, thầy cô chỉ đóng vai trò như là một người hướng dẫn hay như là một HLV.

VAI TRÒ CỦA XÃ HỘI

Người hâm mộ bóng đá đã cháy hết mình vì đội tuyển, bất chấp cả thời tiết khắc nghiệt họ vẫn sát cánh và cổ vũ cuồng nhiệt cho các tuyển thủ. Nếu không có tinh thần cuồng nhiệt ấy ắt hẳn không thể tạo nên hiệu ứng kỳ diệu cho tinh thần bóng đá của một dân tộc như vừa qua.

Khi một nền giáo dục được sự quan tâm và động viên của toàn xã hội, ắt hẳn sẽ có những biến chuyển tích cực. Và khi nền giáo dục được xã hội hóa và nhận được sự ủng hộ tối đa và vô điều kiện của xã hội thì chắc chắn nền giáo dục đó sẽ phát triển bền vững.

VÀ TRIẾT LÝ CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM?

“Fair play” là tinh thần/triết lý của bóng đá Việt hiện nay, nó đã góp phần đưa nền bóng đá Việt Nam dần vượt khỏi tầm khu vực và trở thành hiện tượng mới nổi của nền bóng đá châu lục. Một nền giáo dục không có một triết lý làm nền tảng không khác gì chúng ta đang lái một con tàu không có la bàn định hướng và kết quả mọi cải cách giáo dục chỉ mang tính tạm bợ, nửa vời. Nó sẽ không thể giải quyết hết mọi căn cơ của nền giáo dục nước nhà hiện nay.

Vì vậy, nền giáo dục Việt Nam hiện nay cần phải minh định cho mình một triết lý giáo dục rõ ràng để từ đó tạo tiền đề và nguồn cảm hứng cho công cuộc đổi mới nền giáo dục nước nhà bắt kịp với những tiến bộ không ngừng của nền khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới cũng như cuộc các quốc gia phát triển khác. Một nền giáo dục tiến bộ là nền giáo dục phải vì sự phát triển của trẻ chứ không phải là nền giáo dục phục vụ cho những mong muốn của người lớn.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer