NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Lý Trí Và Tình Cảm

Chương 26

Tác giả: Jane Austen
Ads Top

Khi bắt đầu chuyến đi dưới quyền bảo mẫu cùa bà Jennings mà cũng là khách của bà, ngồi chung cỗ xe với bà, Elinor nghĩ về mình mà ngạc nhiên về tình cảnh hiện giờ: chỉ qua thời gian ngắn quen biết với bà, hoàn toàn không hợp nhau về tuổi tác và tính khí, và quá nhiều chống đối lại kế hoạch này chỉ vài ngày trước! Nhưng qua hào khí trong hạnh phúc của tuổi trẻ mà Marianne và bà mẹ cùng chia sẻ, các chống đối này đã bị lấn át hoặc phớt lờ. Dù đôi lúc nghi ngờ sự chung thủy của Willoughby, Elinor chứng kiến sự bộc phát của ước vọng lấp đầy trong tâm hồn và tỏa ra trên đôi mắt của Marianne mà cảm thấy so với em gái, viễn cảnh của mình thật trống rỗng, tâm trạng của mình thật vô vị. Cô ước ao được ở trong hoàn cảnh của Marianne để có cùng mục đích sinh động trước mắt, ấp ủ cùng điều khả dĩ về hy vọng.

Tuy nhiên, bây giờ, trong một thời gian ngắn, rất ngắn, sẽ đủ để nhận ra những ý định của Willoughby là như thế nào; rất có thể anh đã đến thành phố. Thái độ nôn nóng của cô em về chuyến đi cho thấy cô trông mong được gặp lại anh ở đó. Elinor chủ định không những sẽ tìm hiểu những khía cạnh mới trong tính cách của anh so với những gì cô đã quan sát và nghe người khác nhận xét, mà còn để ý xem xét cử chỉ của anh đối với em gái, hầu nhận ra anh là người như thế nào và có ý định gì. Nếu điều cô quan sát không được khả quan, cô nhất quyết sẽ làm cho em gái sáng mắt ra. Còn nếu kết quả ngược lại, cô sẽ có phản ứng khác – lúc ấy cô sẽ gắng không có so sánh ích kỷ nào, dẹp bỏ mọi tiếc nuối có thể khiến cô kém vui với hạnh phúc của em gái.

Cuộc hành trình của họ kéo dài ba ngày. Thái độ của Marianne trong chuyến đi là ví dụ sinh động cho bà Jennings thấy những ngày sắp đến cô sẽ xuề xòa và dễ kết bạn như thế nào khi đi cùng với bà. Elinor im lặng gần suốt đường đi, đắm chìm trong các suy tưởng của riêng mình, ít khi tự bắt chuyện, ngoại trừ khi có phong cảnh đẹp trong tầm mắt khiến cô thốt lên lời ca ngợi chỉ nói với cô em.

Sau đấy, để chuộc lỗi cho thái độ này, Elinor lập tức nhận lấy vai trò lịch sự mà cô tự chỉ định cho mình, tỏ ra chăm sóc bà Jennings, trò chuyện với bà, cười đùa với bà, lắng nghe bà nói mỗi khi có thể được. Riêng bà Jennings đối xử thật tử tế với cả hai, luôn hỏi han xem hai cô có thoải mái và vui thích không; chỉ phiền hà khi không thể bảo họ tự chọn thức ăn ở quán trọ và cũng không được nghe họ thú nhận thích món cá hương hơn là cá thu, hoặc thịt gia cầm hơn là sườn cừu.

-o0o-

Họ đến thành phố vào lúc ba giờ chiều ngày thứ ba, vui mừng được giải thoát khỏi cỗ xe tù túng, sẵn sàng hưởng thụ mọi xa xỉ của một lò sưởi ấm cúng.

Ngôi nhà có kiến trúc đẹp, lại được trang bị nội thất đẹp; và hai cô gái trẻ lập tức được đưa vào một phòng ngủ thật thoải mái. Trước kia đây là phòng của Charlotte, và phía trên bệ lò sưởi vẫn còn treo bức tranh phong cảnh bằng lụa màu mà cô yêu thích, để làm bằng chứng là cô đi học ở một trường nổi tiếng trong thành phố.

Vì còn hai giờ mới đến bữa ăn, Elinor quyết định dùng thời giờ để biên thư cho bà mẹ, và cô ngồi xuống để bắt đầu. Trong chốc lát, Marianne cũng sửa soạn viết một lá thư.

Elinor nói:

Marianne, chị đang viết thư về nhà; nếu em trì hoãn thư của em một, hai ngày có phải tốt hơn không?

Em không viết cho mẹ.

Elinor không nói gì thêm. Cô chợt nghĩ ra rằng em gái muốn viết thư cho Willoughby. Kết luận theo ngay sau đấy là, dù hai người muốn giữ quan hệ của họ cho có vẻ bí ẩn, họ hẳn đã hẹn ước với nhau. Suy đoán này, dù không hoàn toàn thỏa đáng, cũng khiến cô hài lòng; và tiếp tục lá thư của mình bằng mọi sốt sắng. Marianne kết thúc chỉ trong vài phút; đấy không thể dài hơn lời nhắn tin. Cô gấp lá thư, dán phong bì, nhanh chóng ghi địa chỉ. Elinor nghĩ cô đã nhận ra một chữ “W” theo hướng ngòi bút; và ngay sau khi viết xong Marianne nhấn chuông, yêu cầu người hầu mang lá thư đi gửi ở bưu điện. Việc này xác định nghi vấn ngay lập tức.

Tinh thần cô em vẫn cao hứng; nhưng có phần kích động khiến ngăn cản mang niềm vui đến cho cô chị, và nỗi xao động này tăng lên khi chiều xuống. Cô không ăn uống được nhiều trong bữa tối, và sau đấy khi họ trở vào phòng gia đình, cô bồn chồn lắng nghe tiếng mỗi cỗ xe chạy qua.

Elinor vui mừng nhận ra bà Jennings không nhìn thấy nhiều những gì đang xảy ra vì bà mãi bận rộn trong phòng riêng. Trà được mang đến, và sau khi Marianne đã bị thất vọng vài lần bởi tiếng gõ cửa bên nhà lân cận, thình lình có một tiếng gõ lớn không thể nhầm với nhà nào khác. Elinor an tâm chờ báo tin Willoughby đến; còn Marianne đứng lên, đi đến cánh cửa. Mọi thứ đều yên lặng; việc này không thể kéo dài nhiều giây. Cô em mở cánh cửa, bước ít bước về phía cầu thang, và sau nửa phút lắng nghe, trở vào phòng với mọi phấn khích cho thấy chỉ có lý do duy nhất là nghe anh sắp đến. Trong giây phút cảm xúc tột cùng này, cô chẳng đặng đừng thốt lên “Ôi, chị Elinor, đấy là Willoughby, đúng thực là anh ấy!”; và dường như sẵn sàng ngả bổ vào vòng tay của anh, thì Đại tá Brandon xuất hiện.

Cô bị sốc quá mạnh nên không thể giữ điềm tĩnh, lập tức bước ra khỏi phòng. Elinor cũng thất vọng, nhưng cùng lúc sự tôn kính của cô dành cho Đại tá Brandon khiến cô chào hỏi ông. Cô cảm thấy có phần thương tổn rằng một người đã có lòng yêu mến em gái cô đến thế lại nhận ra rằng em cô đau khổ và thất vọng khi trông thấy ông. Cô thấy ngay là ông cũng nhận ra điều này, rằng ông đã quan sát khi em gái cô bước ra, quá ngạc nhiên và âu lo đến nỗi ông không còn nhớ ra phải giữ lịch sự với cô chị.

Ông hỏi:

Em của cô không được khỏe à?

Elinor khổ sở trả lời rằng đúng như ông đoán, rồi nói về những chứng nhức đầu, tinh thần sa sút và những mỏi mệt – mọi thứ mà cô có thể gán cho cử chỉ của em gái.

Ông đặc biệt chú tâm lắng nghe cô, nhưng rồi dường như lấy lại tự chủ, không hỏi thêm gì, bắt đầu nói lên niềm vui của ông được gặp lại hai cô ở London, hỏi han theo thông lệ về chuyến đi của họ, về các người thân còn ở nhà.

Trong cách thức trầm tĩnh như thế mà mỗi bên không mấy tập trung tư tưởng, hai người tiếp tục trò chuyện, cả hai đều mất hào hứng; ý nghĩ của mỗi người bận rộn nơi khác. Elinor rất muốn hỏi liệu Willoughby đang có mặt trong thành phố hay không, nhưng cô e ông buồn vì câu hỏi về tình địch của ông. Cuối cùng, để tìm cách nói chuyện gì đấy, cô hỏi có phải ông đã lưu lại thành phố từ khi họ chia tay với nhau hay không.

Ông đáp:

Vâng, hầu như từ lúc ấy; tôi đi Delaford một hoặc hai lần trong vài ngày, nhưng không có cơ hội trở lại Barton.

Chuyện này, và qua cách nói, khiến cô lập tức nhớ lại mọi tình huống khi ông rời nơi ấy làm cho bà Jennings hoang mang và thắc mắc, và cô e câu hỏi của cô đã hàm ý hiếu kỳ hơn là cô nghĩ trong thâm tâm.

Chẳng bao lâu, bà Jennings đi vào. Qua giọng vui vẻ ồn ào cố hữu, bà nói:

Ố! Đại tá, tôi vui ghê gớm được gặp lại ông – rất tiếc tôi không thể đến sớm hơn – xin ông thứ lỗi, nhưng tôi phải lo ít việc cho mình, xem xét công việc nhà vì tôi đã đi vắng khá lâu, và ông biết đấy, người ta luôn có cả núi công việc không đâu sau khi vắng mặt; và rồi tôi phải làm việc với Cartwright để giải quyết mọi việc. Chúa tôi, tôi bị bận túi bụi từ lúc ăn chiều xong! Nhưng này, Đại tá, làm thế nào ông biết được tôi về thành phố hôm nay?

Tôi may mắn được biết tin qua gia đình anh Palmer khi tôi đến ăn ở đó.

À, thế sao; tất cả gia đình thế nào? Charlotte ra sao? Tôi đảm bảo với ông lúc này cơ thể con nhỏ đã khá nặng nề.

Cô Palmer trông vẫn khỏe, và tôi được nhờ nhắn là chắc chắn bà sẽ gặp cô ấy ngày mai.

Được, chắc thế rồi, tôi cũng nghĩ vậy. À, Đại tá, tôi đã dẫn về hai thiếu nữ trẻ, ông thấy … ý tôi nói, bây giờ ông chỉ thấy một cô, nhưng còn cô kia ở đâu đó. Còn có bạn của ông, cô Marianne nữa – mà ông sẽ hài lòng được nghe. Tôi không biết giữa ông và anh Willoughby sẽ tính toán ra sao về cô ấy. Tốt, còn trẻ và đẹp là một điều hay. À! Có thời tôi cũng còn trẻ, nhưng chưa bao giờ được đẹp – vô phúc nhất cho tôi. Tuy nhiên, tôi có một người chồng thật tốt, và tôi không biết một sắc đẹp xuất chúng nhất có thể được gì hơn. À! Tội nghiệp cho ông ấy! Đã qua đời được hơn tám năm. Nhưng Đại tá, ông đã đi đâu từ lúc chúng ta chia tay? Công việc của ông ra sao? Này, này, giữa bạn bè không nên có bí mật.

Ông trả lời mọi chất vấn của bà qua thái độ mềm mỏng cố hữu, nhưng không làm bà mãn nguyện về lời đáp nào. Bây giờ Elinor bắt đầu dọn trà, và Marianne bắt buộc phải xuất hiện trở lại.

Sau khi cô bước vào, Đại tá Bradon trở nên tư lự và im lặng hơn, và bà Jennings không thể mời ông lưu lại lâu hơn. Không có người khách nào khác buổi tối hôm ấy, và các phụ nữ nhất trí đi nghỉ sớm.

Marianne thức dậy sáng hôm sau với tinh thần hồi phục và dáng vẻ hạnh phúc. Nỗi thất vọng tối qua dường như đã sớm đi vào quên lãng đề chờ đón chuyện sẽ đến hôm nay. Khi vừa xong bữa ăn sáng, cỗ xe ngựa kéo to của cô vợ Palmer dừng trước cổng, và vài phút sau cô đi vào cười vang, vui mừng được gặp lại mọi người đến nỗi khó biết cô vui hơn vì mẹ cô hay vì hai cô nhà Daswood. Cô ngạc nhiên vì hai cô bạn đã đến thành phố tuy cô đã chờ đợi từ trước, giận dỗi vì hai cô nhận lời bà mẹ sau khi đã khước từ lời mời của mình, tuy cùng lúc cô sẽ không bao giờ tha thứ cho họ nếu họ không đến!

Cô nói:

Anh Palmer sẽ rất vui được gặp lại hai cô. Khi anh ấy nghe tin hai cô đến cùng mẹ, hai cô có biết anh này nói thế nào không? Bây giờ tôi quên rồi, nhưng mà buồn cười lắm!

Sau một hoặc hai giờ trải qua việc mà bà mẹ gọi là chuyện phiếm thoải mái, hoặc nói cách khác, một loạt những câu hỏi từ phía bà Jennings về những người quen biết và những chuỗi cười không duyên cớ của cô Palmer, cô này đề nghị mọi người tháp tùng cô đi xem vài cửa hiệu nơi cô có ít công việc buổi sáng này. Bà Jennings và Elinor nhận lời ngay vì muốn mua ít món, và Marianne sau khi đã từ chối lúc đầu cũng được thuyết phục đi theo.

Mọi nơi họ đến, Marianne đều dòm ngó quanh quất. Nhất là ở Phố Bond nơi họ đến mua sắm, đôi mắt của cô luôn tìm kiếm. Trong mỗi cửa hàng khi họ đang bận bịu, đầu óc cô bị phân tán, không còn để ý đến những gì trước mặt mà mọi người khác đang chú mục và bận rộn. Bồn chồn và bất mãn mọi nơi, cô không đáp lại lời người chị hỏi ý kiến về bất cứ món hàng nào cho dù có liên quan đến cả hai. Cô không thấy thích thú gì cả, chỉ nôn nóng muốn trở về. Cô còn bực mình về cô Palmer đã quá ham mê bị bắt mắt với mọi thứ sang trọng, đắt tiền hoặc mới lạ; muốn mua mọi thứ nhưng không thể quyết định chọn món nào, bỏ thời gian đi la cà trong phấn khích và phân vân.

Họ về đến nhà lúc gần trưa. Ngay sau khi họ bước vào, Marianne hối hả nhảy các bậc cầu thang, và khi Elinor đi theo, cô thấy em mình bước đi khỏi bàn viết với nét mặt buồn thảm chứng tỏ Willoughby đã không có ở đó.

Cô hỏi người quản gia lúc ông này mang các gói hàng vào:

Có lá thư nào để lại cho tôi từ lúc chúng tôi đi ra ngoài không?

Ông trả lời là không.

Ông có chắc thế không? Ông có chắc gia nhân hoặc người khuân vác không để lại lá thư hoặc tin nhắn gì chứ?

Ông trả lời là không có gì.

Quay mặt về hướng cửa sổ trong nỗi thất vọng, cô nói nhỏ:

Thật lạ lùng!

Lo lắng nhìn em gái, Elinor lặp lại trong tâm tư: “Đúng, lạ thật! Nếu con nhỏ không biết anh ấy đang ở thành phố nó sẽ không viết cho anh; đáng lẽ nó viết gửi đi Combe Magna; và nếu anh ấy đang ở thành phố, thật lạ lùng khi anh không đến thăm hoặc biên thư! Ôi! Mẹ thân thương của con ơi, bà đã sai lầm khi cho phép một đứa con gái còn trẻ như thế hẹn ước với một người đàn ông còn xa lạ như thế, theo cung cách thật đáng ngờ, bí ẩn! Con muốn tìm hiểu, nhưng làm thế nào sự can dự của con được chấp nhận?”

Sau khi suy nghĩ, cô quyết định là nếu mọi vẻ bề ngoài tiếp tục nhiều ngày như hiện giờ, cô sẽ cứng cỏi đề nghị với bà mẹ cần thiết phải dọ hỏi nghiêm túc về vụ việc.

Cô Palmer và hai bà bạn của bà Jennings được mời ăn tối với họ. Cô Palmer ra về sau khi dùng trà để lo nốt những việc còn lại, và Elinor phải phụ giúp bày cỗ bài uýt° cho những người khác. Marianne không giúp ích gì trong các dịp này vì không bao giờ muốn học chơi bài; nhưng mặc dù có thời giờ nhàn rỗi, cô không được vui thú trong buổi tối như Elinor khi cứ mãi lo lắng vì mong đợi và khổ sở vì thất vọng. Thỉnh thoảng cô gắng gượng đọc sách nhưng chỉ được một lúc lại để quyển sách qua một bên, bước qua bước lại quanh phòng, dừng lại một khoảnh khắc khi đi ngang cửa sổ, mong mỏi nhận ra một tiếng gõ cửa không thể nhầm lẫn nhưng lại phải chờ đợi đã lâu.

Chú thích:

° Bài uýt (Anh ngữ: Whist): loại bài đòi hỏi bốn người chơi chia ra làm hai cặp, mỗi cặp tìm cách thắng nhiều quân bài nhất.

Bình luận
Ads Footer