NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Nàng Iđo

Chương 14

Tác giả: Gárdonyi Géza
Ads Top

Ở Viên, Tro-bo đã đánh điện đi cho Mi-key Pisto bạn của chàng ở Muy-chen.

“Tám giờ tối, mình sẽ đến ga cùng vợ mình. Bạn hãy tìm cho mình một căn buồng có hai phòng ở khách sạn, bạn sẽ ở lại ăn tối cùng chúng mình”.

Sau cuộc hành trình dài, I-đo cảm thấy mệt mỏi. Giờ cuối cùng, nàng đã buồn ngủ, ngồi gật gù bên cạnh Tro-bo.

Cuối cùng thì ánh đèn lấp lánh của thành phố Muy-chen đã hiện ra. Tàu kéo còi và đi chậm lại. Tro-bo hạ hành lý xuống sàn, và tìm vé để lấy đồ đạc gửi theo tàu.

– Chúng ta đến nơi rồi.

Tàu dừng lại. Hành khách nhớn nhác đi xuống. Tro-bo thò người qua cửa sổ nhìn ra ngoài. Trên sân ga có tiếng reo hoan hô rầm rĩ.

I-đo nghe thấy, nhìn sang Trô-bo vẻ dò hỏi. Tro-bo mỉm cười với nàng.

Khi họ vừa bước xuống bậc thang cửa tàu, những tiếng hoan hô lại vang lên trong bầu không khí sặc sụa mùi than đá. Một nhóm người hân hoan mỉm cười vẫy họ. Đứng đầu là một người đàn ông trẻ râu quai nón, tóc rậm rạp. Họ vẫy mũ reo hò. Trong nhóm đó có ba người phụ nữ.

– Chào bạn! chúa đã mang bạn tới! – họ hân hoan chào Tro-bo.

Tro-bo đỡ vợ xuống, rồi quay ra ôm lấy anh chàng trẻ tuổi tóc rậm rạp mà hôn. Chàng giới thiệu với I-đo:

– Đây là Mi-key Pisto.

Tất cả lại hoan hô, những đôi mắt lấp lánh nhìn I-đo. Ba người phụ nữ giúc Tro-bo mau mau giới thiệu vợ chàng với họ.

Chàng Mi-key Pisto, khuôn mặt nhỏ hơi có chất Di-gan da nâu nâu, ôm trong tay một bó hoa to. Anh ta vẫy gọi các bạn rồi họ đứng thành một vòng cung trước I-đo và Tro-bo. Mi-key nhanh chóng giới thiệu từng người và họ lần lượt bắt tay I-đo. Sau đó anh đọc diễn văn:

– Tro-bo thân yêu của chúng tôi, ở đây, chúng tôi rất biết ơn đức chúa đã mang anh đến với chúng tôi, nhưng không phải việc anh đến đây đã làm chúng tôi ngạc nhiên, mà chúng tôi ngỡ ngàng vì anh đã mang theo anh một nữ thần của nghệ thuật và thơ ca. Anh đã đeo vào cuộc đời anh một chiếc nhẫn quý báu. Thưa quý phu nhân, bó hoa này là của chúng tôi đón chào phu nhân, xin quý bà nhận lấy.

Họ đi ra khỏi ga. I-đo đi giữa những người phụ nữ. Sau lưng họ là Tro-bo và những người bạn của chàng.

– Có khách sạn chưa? – Đó là câu hỏi đầu tiên của Tro-bo đối với Mi-key.

– Có chứ, cứ yên tâm! – Mi-key nói.

– Thế thì cậu hãy cho người mang hành lý của mình lên xe đi.

Mi-key đã lo chu đáo. Anh quay ra vẫy một chàng thanh niên khiêm nhường đi bên cả hội vui nhộn, người thanh niên đó chưa có ria mép, đôi mắt nhìn như thôi miên vào I-đo, y như đây là lần đầu tiên cậu chàng thấy phụ nữ.

– Cậu hãy vác hành lý của Tro-bo cho lên xe, rồi quay lại đây ngay.

Chàng thanh niên chạy vội.

– Nhưng này, Tro-bo lay lay cánh tay Mi-key, – cậu thuê cho chúng mình khách sạn nào đấy? bởi vì tối nay chúng mình có lẽ sẽ chia tay nhau muộn mất.

– Chúng mình không vào khách sạn đâu chiến hữu ạ. Sẽ có một căn phòng sạch, đẹp tuyệt vời của bà chủ nhà mình cho vợ chồng cậu ngủ đêm ở đấy. Các cậu sẽ ngủ trên một cái giường mà vua Laj-os cũng không có mà ngủ đâu. Giường triển lãm đấy, anh bạn của tôi ạ, đã được giải rồi đấy!

Tro-bo không kịp phản ứng gì, vì vừa lúc đó có năm người xúm vào hỏi chàng.

– Các cậu đi đường có mệt không? Chúng mình kéo đến ăn tối cùng các cậu cho vui. Các cậu dành cho chúng mình một giờ đồng hồ nhé, chúng mình sẽ rất thích nếu như được nghe các tin tức về tổ quốc Hung. Cả đám phụ nữ cũng thích nghe chuyện, vì thế họ kéo đến. Ngoài ra họ cũng tò mò xem người vợ mà cậu chọn sẽ ra sao đấy.

– Có đúng là vợ Tro-bo đẹp hơn tất cả các cô ở đây không các cậu?! – anh chàng râu quai nón, đầu tóc rậm rì đi bên phải Tro-bo lên tiếng.

Đầu tiên họ đưa vợ chồng Tro-bo đến căn buồng trọ của họ. Một phụ nữ đầu đội chiếc mũ trắng theo kiểu chiêu đãi viên lịch thiệp đón tiếp họ, mời họ vào thăm buồng ngủ.

– Em đừng có lo lắng, – Tro-bo mỉm cười nói với I-đo khi họ nhìn thấy một cái giường đôi thật lộng lẫy và đẹp đẽ. – Sau bữa ăn tối, anh sẽ tiễn em về đây, còn anh sẽ đi ngủ ngoài khách sạn nào đó gần đâu đây.

Bữa ăn tối mà các bạn Tro-bo đã đặt trong một phòng riêng của tiệm ăn. Tất cả khoảng mười lăm người. Họ là những người quen biết với Tro-bo. Nhưng những người ở nước ngoài dù ở tỉnh nào cũng đều trở thành họ hàng đồng hương của nhau cả. Trong đám đó, có tất cả năm người phụ nữ. Một chị họa sĩ có bộ ngực đồ sộ, tuổi quãng bốn mươi, đeo một đôi hoa tai tòng teng màu đen trên có viên kim cương lóng lánh, cổ chị đeo một dây chuyền có mặt là đồng hồ vàng nhỏ. Người thứ hai là một nữ điêu khắc người mảnh dẻ, có khuôn mặt gầy nhỏ; đôi mẳt màu xanh nhỏ, ấm áp, trong mắt có vẻ dò hỏi (trên cổ tay chị đeo một vòng vàng đẹp). Người phụ nữ thứ ba có vẻ ốm yếu, trông giản dị giống người Hi-lạp. Dưới đôi mắt nhanh nhẹn màu đen như mắt chuột, có hai quầng thâm in vết. Còn lại hai cô gái trẻ đều là sinh viên cao đẳng mỹ thuật. Họ không đẹp, một cô gái cắt tóc ngắn như con trai, nhưng tóc cô được uốn cụp vào bằng máy uốn tóc. Cô tự giới thiệu với I-đo tên là Ju-li-a. Còn cô kia mặc áo khoác có cổ như của đàn ông, khuôn mặt tròn trịa đỏ hồng như một đứa trẻ. Trông cô hơi giống người Mông Cổ.

Đối với I-đo, ngay từ phút giây đầu tiên, nàng đã cảm thấy hội bạn của Tro-bo thật là đặc biết, những người đàn ông thì tóc dài, áo khoác nhung rộng thùng thình, và những người phụ nữ thì nồng nhiệt, tự nhiêm ôm lấy nàng như là đã quen biết từ lâu.

– Lại đây, I-đo, lại đây ngồi vào chỗ chủ tiệc này.

– Các chị mới xứng đáng ngồi vào chỗ đó hơn em. – I-đo nói với chị điêu khắc có khuôn mặt nhỏ và chị họa sĩ to béo.

– Nhưng hôm nay em là bà chủ cuộc vui cơ mà.- Chị họa sĩ khích lệ nàng.

Trước mặt ghế chủ tọa có một lọ hoa trắng đẹp lộng lẫy, khăn trải bàn trắng muốt nổi lên từng chùm hoa in màu tím. Tiệm ăn đó chưa phải đã là nơi cực kỳ sang trọng, nhưng cũng có những chàng trai bồi bàn mặc quần áo đen thắt nơ trắng ở cổ đứng bên cạnh bàn với ánh mắt kính trọng, phục tùng.

– Em cứ ngồi xuống chỗ đó đi, I-đo thân yêu. Hôm nay em là người chủ tiệc đấy. – Trước mặt mọi người Tro-bo âu yếm động viên I-đo.

I-đo ngồi vào vị trí chủ tiệc, bên phải nàng là chị họa sĩ to béo. Bên trái nàng là chị điêu khắc có khuôn mặt nhỏ nhắn, hấp dẫn. Tro-bo ngồi giữa chị phụ nữ giống người Hi-lạp và anh bạn Mi-key. Người ta bắt đầu bưng món đầu tiên là xúp đậu lên khi quanh bàn những tiếng chuyện trò nổi lên rì rầm.

Tro-bo kể cho bạn bè nghe về những hoạt động của giới họa sĩ ở thủ đô Bu-đa-pest. Chàng cũng thú nhận rằng ở đó chàng chẳng vẽ vời được gì cả, vì thế nên chàng cũng chẳng gửi gì cho phòng triển lãm tranh. Các họa sĩ và điêu khắc ở Bu-đa-pest làm việc cũng nhiều, nhưng ban giám khảo vẫn còn tranh luận với nhau chưa đi đến một quyết định nào. Chàng kể tên các họa sĩ, điêu khắc trong nước và tên các tác phẩm gần đây của họ. Chàng báo tin có một họa sĩ là Cô-e-les-tin bây giờ lại xoay sang say sưa sáng tác trên chiếc đàn vi-ô-lông đến nỗi không thiết tìm tòi bí mật của nghệ thuật tạo hình nữa. Nghe vậy Mi-key lắc đầu chêm vào:

– Sự chuyển hướng của anh ta thật là nguy hại; Một tác phẩm hội họa hay còn có giá trị gấp ngàn lần một bài đàn vi-ô-lông.

Các bạn của chàng cũng kể cho Tro-bo nghe về những tin tức ở -chen. Hiện tại mới mở một phòng triển lãm nghệ thuật tạo hình. Lầnm đầu tiên I-đo được nghe những tên, những từ chuyên môn lạ lùng đó, họ nói nhiều đến: Phác họa, Tổng thể, Nghệ thuật lớn, Tập sự, Ban giám khảo, Thế bí, Thạch cao, Bột mầu, Sơn dầu, Được xới lên, Đào tạo, Khỏa thân, Phấn màu và còn nhiều từ khác nữa. Họ cũng nói tới tên nhiều họa sĩ mới vào nghề. Họa sĩ người Đức có Stuck. Họa sĩ người Pháp có Dag-nan Bou-ve-ret, – người có bức tranh vẽ Ma-ri-a mà viện bảo tàng tranh của thành phố mới mua, đúng lúc Tro-bo vừa rời Muy-chen đi.

– Trong bức tranh đó có cái tinh tế và có cái rất tầm thường. – Chàng râu quai nón đầu óc rậm rì nói, – như tác phẩm đó là của một họa sĩ kỳ tài cùng một anh chàng sơn vẽ kẻ biển cùng làm vậy, bởi vì có lúc họa sĩ vẽ trên bức tranh bôi bác như vẽ những khúc xúc xích và những cốc bia ấy, những điều đó thì Dag-nan Bou-ve-ret không thể sửa chữa được.

Họ cười phá lên.

“Đúng là chém to kho mặn…” – I-đo nghe thấy một giọng bình luận có vẻ khinh thị. Nàng nhìn sang người nói thì thấy đó là một anh chàng ăn mặc lịch sự, cổ cao như hươu cao cổ, nét mặt nghiêm túc. Chiếc cổ áo của anh ta dựng lên rộng thùng thình.

Ngừng một chút anh ta lại nói tiếp:

– Còn đức mẹ Ma-ri-a trong tranh ấy mà, thân hình đúng là của một cô ả ngồi ngoài chợ. Nếu như nhìn vào nét mặt là có thể thấy ngay một bà hàng tôm hàng cá.

– Đúng đấy, nét mặt Ma-ri-a thế đấy. – Mi-key lắc đầu nói, – Tro-bo, cậu không thể hình dung Ma-ri-a như vậy đâu. Có lẽ phải tìm người có nét mặt giống vợ cậu mới có đủ các nét thánh thiện của đức mẹ Ma-ri-a được.

I-đo lắng tai nghe tất cả mọi câu chuyện xung quanh. Các nữ họa sĩ, điêu khắc cũng xúm vào hỏi I-đo:

– Em cũng là nữ họa sĩ ư? – Chị điêu khắc hỏi.

I-đo mỉm cười trả lời:

– Em chưa bao giờ thử vẽ cả.

– Thế thì em làm mẫu phải không?! Nàng cũng chưa hiểu “làm mẫu cho chồng vẽ” là thế nào. Những người phụ nữ cũng tò mò hỏi I-đo xem Tro-bo làm thế nào mà quen được I-đo?

Cũng may I-đo không phải trả lời những câu hỏi đó, vì người khác đã lại hỏi tiếp điều khác, nào là: Hai vợ chồng có thuê nhà ở không? Nấu ăn lấy hay ra tiệm?

– Điều này thì em chưa bàn với nhà em, – I-đo bối rối trả lời.

– Tất nhiên: Tình yêu lớn mà!…

Rồi họ cười rộ lên.

– Chỉ cần lấy được nhau thôi, còn thì quên tất cả!

– Các em cưới từ bao giờ? – chị họa sĩ to béo hỏi I-đo.

– Hôn lễ mới chỉ được gần một tuần thôi.

– Chỉ một tuần ư?

Tro-bo luôn luôn là một người đặc biệt – Mi-key lắc đầu bình luận, – cậu ta không hề viết dù chỉ một dòng rằng cậu ta có vị hôn thê, có con bồ câu của cậu ta, và cậu ta đã có đôi. Ít nhất, cậu cũng phải khai xem cậu hái được bông hồng này ở đâu?

Tro-bo hơi bất ngờ vì câu hỏi. Còn I-đo vẻ mặt nghiêm trang nhìn xuống bàn.

– Ở đâu ư? Cuối cùng Tro-bo trả lời, – ở cạnh chiếc đàn Pi-a-nô, ở trong phòng khách chứ đâu. Cứ một trăm cuộc hôn nhân thì chín chín cuộc bắt đầu bên cạnh chiếc pi-a-nô trong phòng khách. Những chuyện thế này thì tìm ở trong cuốn tiểu thuyết còn thú vị hơn. Cậu xúc cho mình một ít thịt nấu ớt nữa đi.

Một chàng họa sĩ có đôi tai dựng đứng lên, ngồi bên cạnh người phụ nữ mắt nhỏ giống người hi-lạp, nói giọng ngọt ngào:

– Cứ nhìn vợ Tro-bo thì hiểu ngay, vì sao Tro-bo lại phải lấy vợ thôi.

Cả hội cười rộ lên vui vẻ. Không khí hân hoan, chuyện nở như ngô rang.

I-đo bắt đầu đưa mắt nhìn một lượt những người quanh bàn. Mi-key có khuôn mặt nồng nhiệt, da nâu. Anh là người đã trao cho nàng bó hoa lúc vừa xuống tầu. Nếu như để cây đàn vi-ô-lông vào tay anh, thì ai mà chẳng bảo rằng anh sinh ra là người Di-gan. Anh luôn nhìn Tro-bo với ánh mắt thân thiết.

Anh chàng có đôi tai dựng, tuổi khoảng ba mươi, nhưng nom hình thức như là ở trại tế bần từ nhỏ, toàn ăn ớt để sống, bởi vì khuôn mặt anh gầy, mũi nhỏ mà tai lại đỏ lự. Anh buộc cái ca-ra-vat ở cổ nom dày cộp như không phải làm bằng vải mà may bằng một loại thảm vậy, nhưng đôi mắt anh tươi tắn và vui nhộn.

Bên cạnh là anh chàng râu rậm, tóc bù xù. Trông anh quãng bốn mươi tuổi. Khuôn mặt đầy râu chỉ trừ cái đỉnh mũi là nhẵn nhụi thôi. Anh ngồi yên lặng bên đĩa ăn của mình và chỉ động ddậy lông mày, lông mi mỗi khi chiếc đĩa nhấc lên chạm đến gần bộ râu.

Cuối bàn là chàng trai trẻ chưa có râu ria, chàng mà lúc ở ga bị Mi-key sai đi vác hành lý. Nàng đã biết tên chàng trai này là Trôr-bo Ma-chi, bởi vì chính chàng thanh niên này đã trân trọng hôn tay I-đo. Các chị đã giới thiệu với I-đo rằng chàng thanh niên này là người đồng bằng Hung và chàng đang là học sinh trường mỹ thuật. Tội nghiệp chàng trai đó ngồi đúng vào phía cuối bàn, vì thế bồi bàn bưng thức ăn đều đưa qua chỗ đó, ngay trên đầu chàng.

– Cúi người xuống, cẩn thận đấy Trôr-bo! – Mỗi lần chuyển thức ăn lên, mọi người lại gọi anh chàng như vậy.

Rồi mọi người lại cùng cười sự khổ ải của chàng trai trẻ.

Trong cả nhóm người bên bàn có ba người phụ nữ rất được chú ý, đó là hai cô sinh viên và người phụ nữ có đôi mắt nhỏ giống Hi-lạp. Có lần nàng nghe thấy anh chàng có đôi tai dựng, tóc nâu đỏ nói với người phụ nữ mắt nhỏ đó giọng đầy âu yếm:

– Mi-lus-ka của anh, em hãy ăn đi, trong món này không có hạt tiêu đâu.

Còn chính anh chàng đó cũng ăn vội vàng như là sắp chét đói.

Sau vài cốc rượu đào, mà bồi bàn vừa rót. Có một giọng kêu lên:

– Nâng cốc chúc tụng đi, Be-re-ky Bia!

Tất cả hội reo lên:

– Đúng rồi, chúng ta hãy nghe Be-re-ky Bia!

Anh chàng râu tóc rậm rì đứng lên, anh sửa lại chiếc ca-ra-vat dưới cổ mà đã bị bộ râu quai nón che lấp không thể thấy. Sau đó, anh nhìn về phía I-đo và Tro-bo. Cả hai vội đặt dao đĩa xuống, nghiêm chỉnh ngồi nghe.

– Kính thưa các quý vị, – anh nói giọng trịnh trọng, – Na-pô-lê-ông đã nói ở dưới chân thành Au-ster-lit câu bất hủ: “ngày hôm nay không phải là chuyện đùa!” (mọi người cùng cười). Trong giới nghệ sĩ hội họa chúng ta vui mừng đón tiếp một người bạn tốt của chúng ta trở về sau một thời gian dài. (Mọi người hoan hô). Anh đã mang đến cho kho tàng nghệ thuật chúng ta một kho báu, một tình yêu… (tất cả hoan hô). Này các vị đừng có reo hoan hô như những con khỉ nữa đi!… Tình yêu tuyệt diệu đó đã có sức cảm hóa anh, đã mang đến cho thế giới phàm tục của chúng ta nữ thần thứ mười, nữ thần của nghệ thuật, của thi ca,… (mọi người cùng reo hoan hô).

“Nữ thần thứ mười…muôn…năm…”

Chàng thanh niên Trôr-bo kêu to, nhưng những từ cuối tắc nghẹn trong cổ anh ta bởi vì một anh bồi rót bia đến chỗ đó đã rỏ giọt bia xuống cổ anh ta.

Mọi người cười trêu anh ta và lại hét lên:

– Chúng ta nghe nào!

– … Nữ thần thứ mười, mà tất cả các họa sĩ, điêu khắc đều đã từng tưởng tượng phác họa trên tranh, tượng của mình thì đến nay chúng ta đã được nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tên nàng đó là I-đo…(mọi người lại hoan hô). Các bạn đừng hò hét như những con tinh tinh nữa!… Nhưng Tro-bo luôn gặp may. Nếu tôi mà được tự chọn số phận của mình, tôi sẽ chọn số phận giống của anh. Tôi sẽ nói ngắn thôi. Từ khi anh mang đến cho chúng ta người vợ trẻ đáng quí của anh, thì ai cũng đều cảm thấy hoa mùa xuân đang nở, – chúng ta mong rằng vợ anh sẽ coi chúng ta như những người bạn, và mong nàng sẽ được hạnh phúc dài lâu cả cuộc đời…(mọi người hoan hô). Các bạn đừng có hô như đười ươi ấy! Ánh sáng hạnh phuc chiếu rọi đến trái tim và tâm hồn các bạn cho đến tận cùng đời người. Các bạn hãy sống hạnh phúc như những giây phút đầu tiên, các bạn nhìn thấy nhau. Các bạn hãy sống như là ngày đầu tiên các bạn động đến trái táo vàng, như tuần trăng mật đầu tiên của lứa đôi. Nào xin chạm cốc!

Tất cả đều tung hô và chạm cốc nhau, họ xiết chặt tay nhau.

Đôi vợ chồng mới có vẻ cảm động, Tro-bo thay mặt vợ cảm ơn bạn bè đã tiếp đón nồng nhiệt.

– Tôi xin đặc biệt cảm ơn bạn, bạn Be-re-ky Rượu (mà các bạn vẫn gọi đùa là Be-re-ky Bia) bằng những tình cảm sâu nặng, bởi các bạn đã chúc tụng chúng tôi bằng những lời tốt đẹp, vui vẻ nhất. Hôm nay, lần đầu tiên người vợ bé bỏng của tôi được ngồi giữa các bạn, nhưng chưa bao giờ vợ tôi được vui vẻ như giờ đây nàng được nói chuyện cùng các bạn nghệ sĩ. Tôi cũng xin nói trước rằng cô ấy sẽ dễ dàng thông hiểu các bạn hơn, bởi vì ngay cả những người phụ nữ trong hội cũng đều đối xử với vợ tôi thương mến, nhiệt tình. Tôi đặc biệt yêu cầu các chị, các cô hãy đón lấy vợ tôi làm bạn bè.

– Điều đó với chúng tôi quá dễ. – Những người phụ nữ kêu lên.

– Ngay ngày mai phải đến tôi trước, – chị họa sĩ to béo phản đối, – Tôi sống gần buồng trọ của họ hơn. Ngày kia tôi sẽ dẫn họ đến nhà bạn, Ô-lê-phi-a ạ.

I-đo ngần ngại nói:

– Nhưng mà ngày mai, thậm chí cả ngày kia nữa, chúng em còn bận, chúng em phải tìm nhà ở cái đã. Nếu như các chị có biết căn nhà bốn buồng kha khá nào đó thì mách cho em với…

– Nhà bốn buồng kia à? – Chị họa sĩ to béo ngạc nhiên, – bốn buồng mà làm gì kia chứ? Một đôi vợ chồng mới cưới mà thuê nhà bốn buồng thì nhiều tiền lắm! – Chị nhìn lên cổ tay I-đo, và chị thấy rõ tay I-đo không vòng, ở cổ không có dây chuyền, ngón tay chỉ đeo có một chiếc nhẫn cưới rất giản dị, bình thường.

– Em cũng chẳng biết anh Tro-bo định thế nào nữa, chúng em chưa bàn kỹ về việc này. – I-đo chống chế.

– Nhà thuê cũng chẳng đến nỗi đắt đâu.- Chị điêu khắc Ô-lê-phi-a đỡ hộ. – Chỉ cần phải tính đến đồ gỗ trong nhà thôi. Mi-key cũng đã nói rồi, nếu như vợ chồng em muốn thì có thể thuê luôn căn buồng trọ tối nay ấy. Căn buồng ấy có một phòng vẽ sáng sủa, cửa sổ nhìn ra phía bắc.

I-đo lúng túng nghe. Nàng nghe thấy tiếng chàng trai Trôr-bo Ma-chi đang nói gì đó về nàng với Tro-bo. Hình như anh chàng đang vật nài Tro-bo:

– Anh Tro-bo ạ, tôi chỉ cần đôi mắt của vợ anh thôi, cần lắm, cần như một miếng bánh cứu đói vậy. Anh hãy cho phép tôi đến phòng vẽ của anh hai buổi thôi, mỗi buổi nửa tiếng là đủ.

I-đo càng không hiểu gì cả, khi anh chàng quay sang nàng mà nói:

– Xin chị quí mến thứ lỗi cho, nhưng tôi đang vẽ Mag-đôl-na. Một nhân vật nữ đứng nghe đức chúa Jê-xu thuyết giáo. Tôi đã vẽ hình nàng rất đẹp chỉ thiếu có đôi mắt. Nhìn thấy chị là tôi đã sướng rơn người, dường như đức Chúa đã gửi chị đến để bù đắp sự thiếu thốn của tôi, tôi sẽ hoàn tất bức vẽ ấy.

Tro-bo có vẻ bực mình nói với anh chàng:

– Cậu nói gì mà điên vậy! Đó không phải là đôi mắt giống của Mag-đôl-na!

Anh chàng có cổ dài như cổ hươu cũng đưa đôi mắt lạnh lùng của mọt họa sĩ nhìn lên mặt I-đo và rồi lắc đầu:

– Đúng rồi, một đôi mắt như vậy không thể đưa vào đôi mắt Mag-đôl-na được. Cậu hãy đi tìm đôi mắt của một cô gái Do thái ấy.

– Chồng tôi nói đúng đấy.- Chi điêu khắc nhỏ nhắn Ô-phê-li-a tán thành.

Anh chàng Trôr-bo phẩy tay vẻ thất vọng.

– Chị thì hiểu gì trong chuyện này, Ô-phê-li-a!

Những người họa sĩ khác cũng đổ dồn mắt nhìn vào I-đo. Đúng là I-đo có đôi mắt trong, đẹp như gương. Hồi ở trường dòng nàng đã nghe mọi người bàn tán đôi mắt nàng nom lúc nào cũng vô tội và trong sáng như mắt trẻ thơ.

Be-re-ky Rượu cũng trầm trồ:

– Tôi lại cần vẽ cái cổ của nàng hơn. – Anh nói vẻ đứng đắn, – tôi vẽ Bea-tri-xê mà. Tro-bo, chắc mình không nói cậu cũng hiểu. Đối với chủ đề Đan-tê thì nàng Bea-tri-xê cần thế nào?!

Rồi một họa sĩ lại khen ngợi cơ thể cân đối đẹp đẽ của nàng, còn người kia lại trầm trồ khen ngợi đôi bàn tay.

I-đo sung sướng hãnh diện ngồi nghe những lời tán tụng lịch sự đẹp đẽ. Nàng chưa bao giờ được nghe nhiều lời ca ngợi sắc đẹp của mình đến như vậy. Nàng cảm thấy những người đàn ông đều có vẻ ghen tị với may mắn của Tro-bo. Còn cô sinh viên tóc cắt ngắn uốn cong cụp vào cổ thì đưa mắt xét nét kiểm tra sự thực xem I-do có đúng như những lời khen ngợi ấy không?!

Dù sao, I-đo cũng không thể hiểu được vì sao Tro-bo lại kết hôn với nàng? Vì sao chàng không lấy cô gái ở nông thôn, cái cô nàng đã ôm chầm lấy chàng ấy? Vì sao chàng lại không đưa cô ta đến đây? Chắc chắn là cô ta đã có chồng, và cả vì cô ta không xinh đẹp bằng nàng. Trông cô ta thật buồn tẻ. Mà Tro-bo là một họa sĩ, chàng cần phải có một người xinh đẹp bên cạnh như một vật triển lãm vậy. Chắc chắn vì thế chàng đã chấp thuận cưới nàng mà không cần tình vợ chồng thực sự! Còn cô gái kia thì chàng thấy không được đẹp và lại nhiều tuổi hơn nàng. Chắc là vì thế! Ý nghĩ đó lại bắt đầu xuất hiện, len lỏi trong đầu óc I-đo.

Trong phòng ăn, khói thuốc lá bốc lên mù mịt. Tro-bo cũng hút thuốc. Chị họa sĩ to béo, vợ của anh Mi-key cũng rút trong sắc ra hộp thuốc lá và mời I-đo:

– Em không hút ư? – chị hỏi.

Rồi họ lại nói cười rôm rả, to giọng hơn:

– Ja-nôs mang ghi ta lại đây! – Có tiếng người kêu lên.

Ngay lập tức có năm giọng kêu lên:

– Đúng đây, Be-re-ky đánh ghi-ta hát một bài gì đi!

Tro-bo đứng lên, vẫy I-đo, rồi chàng thoái thác tìm cách rút lui:

– Thôi, hôm nay thế là đủ, vợ mình cũng mệt rồi. Các bạn thử nghĩ xem, chúng mình lên tàu từ sáng sớm đấy.

Phần lớn bạn bè đã tiễn họ về đến tận cổng nhà trọ.

Khi Tro-bo đã đi, I-đo bỏ mũ ra mà đứng trước gương trang điểm, nàng bật hết đèn lên.

Tóc của nàng vẫn mượt mà. Khuôn mặt nàng chưa bao giờ lại đẹp đến vậy. Nàng ngắm rất lâu đôi mắt. Đôi mắt của nàng phải chăng là đôi mắt đẹp. Hồi trong trường dòng nàng vẫn thường nghe các bạn xì xào khen đôi mắt nàng, nhưng mà giữa sự đánh giá của phụ nữ và đàn ông cũng có khác nhau, nhất là những lời khen của các họa sĩ và điêu khắc thì lại càng có giá trị hơn. Nàng nhìn đôi mắt và rồi ánh mắt nàng tỏ ra khâm phục khi nàng thả bộ tóc xuống. Rồi đôi bàn tay mịn màng mà nàng đã được trầm trồ khen cầm lược chải lên bộ tóc óng ả.

Nàng ngắm xuống cái cổ. Cổ nàng trông mảnh mai như cổ thiếu nữ. Hồi còn ở trong trường dòng nàng chưa bao giờ nghe thấy ai bình luận gì về cổ nàng cả. Mà nàng cũng chẳng bao giờ biết đánh giá nó. Bây giờ nàng mới biết nàng có cái cổ đẹp. Chị họa sĩ to béo thì không có cổ. Còn chị điêu khắc thì cổ gầy quá, hễ chị quay đi quay lại là trên cổ chị lại hiện lên những sợi gân to. Nàng không nhìn những người khác. Chưa bao giờ nàng để ý xem cổ đẹp là ra sao?

Nàng quay đầu sang bên trái rồi lại sang phải. Thực tế, cổ nàng không có vết gân nào. Trắng ngần và cao quí. Nàng hạnh phúc ngắm nghía.

Nàng bật đèn ngủ đầu giường, rồi đôi mắt đã díu vào buồn ngủ, nàng xỏ tay vào chiếc váy ngủ, xỏ chân vào đôi guốc đi trong nhà. Nàng đã mệt. Những âm thanh nhộn nhịp của cả buổi tối như vẫn còn vang bên tai nàng. Nàng ngồi bên giường, rồi co chân lên, tay ôm đầu gối mơ màng:

“Ôi buổi tối mới thân mật làm sao! Họ đón tiếp mình như là đón một hoàng hậu vậy. Ngay cả các cô gái phục vụ bữa ăn đeo tạp dề trắng và mũ vành trắng trên đầu cũng nhìn mình chăm chú, khâm phục. Anh Be-re-ky Rượu mà được gọi là Be-re-ky Bia ấy đùa mới có duyên làm sao, anh ấy tỏ ra thân ái khi nói những câu đẹp lòng người. Cả các chị phụ nữ cũng tỏ ra thân thiết.Chị Flô-ra, tên chị họa sĩ to béo đã đối xử với mình hệt như chị em ruột thịt đi xa mới về. Chị ấy cũng yêu thích âm nhạc. Khi chia tay, bọn mình đã ôm hôn nhau. Trước khi đi chị ấy còn nói:

– Chị hy vọng một tuần nữa các em sẽ đến nhà chị chơi.

Chị cũng là người phụ nữ theo mốt mới đấy chứ. Chị ấy đeo hoa tai có mặt kim cương. Mọi người khác cũng rất thân mật theo kiểu người Hung. Ngay cả hai cô sinh viên trường mỹ thuật tóc cắt ngắn cũng vậy, tuy rằng họ cũng tỏ ra hơi ghen tị tí chút. Nhưng làm thế nào được nếu như tạo hóa đã cho mỗi người một nhan sắc khác nhau.

Mà vì sao mọi người lại yêu thích Tro-bo như vậy? Nàng vốn coi thường Tro-bo vì cung cách lấy vợ của chàng như một người thầy dạy nhảy đi kiếm cơm vậy. Nàng vẫn coi sự lịch sự của chàng như lớp sơn đẹp quét ngoài cái ca sắt. Lớp sơn đó tróc đi, thì cái ca sẽ hiện ra nguyên hình đen xì, xấu xí. Vậy mà hình như nàng đã nhầm. Hôm nay nàng mới thấy được phần nào đó giá trị của chàng, cái người mà nàng bắt buộc phải nhận làm chồng ấy. Giữa đám bạn bè, chàng cười tươi làm sao. Từ khi họ kết hôn giả với nhau đến giờ, chàng chưa bao giờ cười vui như vậy, lúc nào cũng thấy mặt chàng cau có hoặc mai mỉa. Lúc chàng vui, khuôn mặt mới đổi khác làm sao. Nụ cười nồng nhiệt, hồ hởi, cao quí. Chàng cư xử với nàng tự nhiên như họ không phải là đôi vợ chồng ép buộc ấy. Chàng rất dễ chịu thoải mái khi ở giữa các họa sĩ. Chỉ khi nghe Be-re-ky Rượu nói lời chúc tụng là nom chàng có vẻ nghiêm trang mà thôi. Nhưng dù sao nàng cũng cảm thấy tự ái đôi chút. Vì nếu như chàng hiểu biết như vậy, vì sao chàng lại không tỏ ra chú ý chút nào tới nàng? Vì sao chàng lại không nói với nàng rằng nàng có đôi mắt, có cái cổ và thân hình đẹp, đôi tay tuyệt vời? Chàng cũng là họa sĩ, vậy thì chàng phải biết điều đó chứ? Vì sao chàng cũng chẳng nói thật chàng là họa sĩ nữa? Chàng chỉ nói chàng là nhà báo, rồi làm điêu khắc. Thế là chàng nói dối ư vì sao lại nói dối? Vì sao chàng lại không cư xử với nàng như là một ông chủ mua được con ngựa quý đem khoe với bạn bè, khoe những nét hoàn mỹ trên cơ thể người mà chàng có được bằng mối hôn nhân? Vì sao chàng lại cố tình không muốn thấy đôi tay nàng đẹp? Chàng đã có thể có cơ hội để hôn tay nàng. Chàng không hôn tay nàng thì cũng tốt thôi, nhưng mà chàng đã có thời cơ… Thế mà cái ông nhạc trưởng nàng tưởng là người Pháp kia lại sẵn sàng hôn tay nàng nếu có thời cơ, mặc dù ông ta không phải là họa sĩ. Vậy mà chàng lại không hề lợi dụng cơ hội nào cả… Chàng thực là một con người đặc biệt, Mi-key chả đã nói:

“Tro-bo luôn luôn tỏ ra đặc biệt”.

Chàng thật đặc biệt, và cũng cần phải hiểu chàng là người đứng đắn, khôn ngoan.

Bên tai nàng văng vẳng tiếng chúc tụng của anh râu tóc rậm rì Be-re-ky.

Ánh sáng hạnh phúc chiếu rọi trái tim, tâm hồn các bạn cho đến tận cùng đời người…

Nàng không làm cho Tro-bo cảm thấy hãnh diện sao? Ngược lại Tro-bo cũng không làm cho nàng vui lòng sao? Vậy mà sự hiện diện cuả chàng lại khuấy động tâm hồn bạn bè đến thế. Nguyên nhân vì đâu? Dù sao lời chúc tụng của Be-re-ky cũng rất thân thiết, dễ thương. Khi Tro-bo tiễn nàng về buồng, nàng đã định nói những lời tốt đẹp:

– Tôi cần phải cảm ơn ngài về buổi tối thân mật này.

Nhưng nàng chưa kịp nói thì người phụ nữ trông coi nhà đã mở cửa vào hỏi:

– wũnschen sie noch etwas, gnũdige Frau?

Và thế là Tro-bo lại trầm ngâm đi đi, lại lại trong phòng, còn I-đo nhìn lên cái khăn phủ chiếc giường triển lãm trứ danh khiến bà coi nhà sững sờ, ngạc nhiên.

– Ngày mai, – cuối cùng Tro-bo nói, – khoảng tám hoặc chín giờ sáng tôi sẽ đến đây, và chúng ta sẽ đi ăn sáng ở tiệm ăn. Sau đó nếu tiểu thư muốn, chúng ta sẽ đi tìm nhà. Nếu không có, thì chúng ta phải phải đi tìm một buồng có hai phòng ở khách sạn thôi, chúng ta không thể ở thế này được!

Chàng cúi xuống nhìn đồng hồ:

– Trời, đã nửa đêm rồi đấy! Thôi, sáng mai tôi sẽ đến sau chín giờ vậy. Tôi mệt mỏi quá, tiểu thư chắc cũng mệt lắm rồi. Tiểu thư hãy đi ngủ ngay đi. Chúc ngủ ngon!

Chàng gật đầu chào định đi nhưng rồi quay lại:

– Suýt nữa tôi quên mất…

Chàng lấy chìa khóa trong túi ra, và với đôi mắt buồn ngủ, chàng mở hòm đồ của chàng ra, lấy một chiếc túi xách nhẹ. Chàng thận trọng khóa hòm vào rồi cho chìa khóa vào túi.

– Chúc tiểu thư ngủ ngon.

Vì sao chàng lại khóa hòm vào? Có lẽ vì nàng mà chàng phải cẩn thận vậy sao?… Không, không phải vì nàng, mà vì những người hầu cũng đi lại ở đây.

Bây giờ còn lại nàng ngồi một mình…

Nàng ngồi trong giường, cầu nguyện, nhưng nàng không tập trung được hết bài. Trước mắt nàng hiện lên hình ảnh chị nữ điêu khắc Ô-phê-li-a dáng dấp xinh xắn và câu nói của chị:

– Không phải ánh mắt của Mag-đôl-na.

Nàng nhắm mắt lại và ngủ thiếp đi trong cảm giác sung sướng, mãn nguyện

Bình luận
Ads Footer