NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Nàng Iđo

Chương 19

Tác giả: Gárdonyi Géza
Ads Top

Sau khi đưa đám bác Bo-laz về, ngồi ăn trưa, Tro-bo nói:

– Tiểu thư có cho phép tôi hỏi một câu chăng?

– Xin mời ngài.

– Vì sao tiểu thư không đeo đồ trang sức như là những phụ nữ khác?

– Để làm gì, thưa ngài?

– Để cho mọi người nhìn thấy. Đặc biệt là những người nghệ sĩ hay dùng nhất.

– Xin lỗi ngài tôi chưa hiểu.

– Dễ hiểu thôi. Nếu như người ta nhìn thấy người phụ nữa nào đó không đeo đồ trang sức thì lập tức người ta sẽ nghĩ rằng các đồ trang sức đã được đem ra hiệu cầm đồ.

– Xin lỗi ngài, tôi không biết điều đó.

– Còn các họa sĩ hoặc vợ họa sĩ phải dùng đồ trang sức là vì nếu như những người mua tranh đến nhà mà không thấy bà chủ đeo đồ trang sức, họ sẽ cho là nhà nghèo khó và họ sẽ bắt chẹt giá cả. Tiểu thư không có đồ trang sức nào sao?

– Tôi không có gì, thưa ngài.

– Sao lại thế? Cha tiểu thư là triệu phú kia mà?

I-đo nhún vai:

– Cả cha tôi, cả tôi đều không nghĩ đến điều đó.

– Tiểu thư không có cả đồng hồ ư? Đồng hồ nữ ấy.

– Tôi cũng chẳng cần đến đồng hồ.

– Tiểu thư cần phải mua: đồng hồ, vòng đeo tay, nhẫn, hoa tai.

– Hoa tai thì tôi không thích.

– Thế thì đồng hồ, và vòng đeo tay vậy.

I-đo mỉm cười nhẹ nhàng cúi đầu.

– Tôi sẽ sắm theo ý ngài.

– Không phải yêu cầu mà chỉ là mong ước của tôi thôi. Tôi nghĩ nó cũng phù hợp với mong muốn của tiểu thư đấy. Tất nhiên, là mua trong hóa đơn riêng của tiểu thư.

– Tôi cũng nghĩ như thế.

– Còn trang phục của tiểu thư… tiểu thư không phải là người hà tiện đấy chứ.

– Không phải vậy, nhưng tôi mặc đẹp làm gì chứ?

Tro-bo nghĩ ngợi một lúc rồi chàng trả lời:

– Mặc đẹp cho mọi người, thưa tiểu thư. Tôi không bao giờ xuất hiện trước tiểu thư mà không thắt ca-ra-vát cũng như tiểu thư không bao giờ ra trước mặt tôi mà lại mặc áo, đi dép trong nhà. Bởi vì chúng ta đều là những người lạ trước mặt nhau, như là tôi vẫn thường tôn trọng phụ nữ… Tiểu thư cũng biết điều đó. Tôi không cần phải nói nữa, nếu như chúng ta chỉ cần giữ lịch sự đối với nhau. Nhưng mà phụ nữ thời nay đâu phải là những người chỉ ru rú trong góc nhà, nhìn qua cửa sổ.

– Đối với tôi như thế cũng đủ rồi.

– Nhưng trang phục của tiểu thư quá đơn giản và màu tối quá…

– Tôi không bao giờ thích lòe loẹt cả.

– Tôi cũng không can thiệp gì vào ý thích của tiểu thư đâu.

– Tôi đang đặt may một bộ đồ màu xanh, mốt mới hơn. Nhưng nếu ngài thích màu và kiểu khác thì ngài hãy nói…

– Không, tôi không có ý nói như vậy. Tôi chỉ muốn nhắc tiểu thư trang phục như vậy thường chứng tỏ sự nghèo khó.

– Thế muốn làm thượng lưu chỉ cần may mặc đẹp và sạch sẽ sao?

Nàng lại im tiếng, nụ cười phớt trên môi.

Tro-bo không nói đến chuyện đó nữa. Chàng cũng không nhìn I-đo. Chàng khuấy tách cà phê và hút xì-gà.

Một lúc sau, I-đo lên tiếng trước:

– Thưa ngài, tôi có một việc muốn nói.

– Xin mời tiểu thư.

Và chàng lịch sự quay về phía I-đo.

– Hôm qua các chị ấy đến đây chơi và có thể chủ nhật này các chị ấy sẽ tổ chức đi chơi ở ngoài thành phố, đến Num-phen-burg chơi.

– Tất cả bạn bè người Hung ư?

– Chỉ có người Hung, cả vợ chồng anh Ken-đer nữa.

– Ôi, tôi quên nất, tiểu thư cần phải đến thăm chị Ken-đer đi.

– Tôi đã đến rồi thưa ngài, bởi vì chính chị ấy đã đến đây cầm theo giấy giá thú nữa.

– Thế là tiểu thư đã nhận lời đi chơi rồi ư?

– Tôi mới nói rằng, nếu như chồng tôi không bận…

– Tiểu thư đã trả lời đúng đấy, tôi còn bận việc. – Chàng lại quay mặt nhìn sang hướng khác. Hít vài ba hơi thuốc, sau đó nói giọng dịu hơn:

– Nhưng tôi không thể để tiểu thư lỡ một cơ hội thoải mái được. Chúng ta sẽ đi chơi!

– Ô nếu vì tôi thì thôi…

– Không chúng ta sẽ đi. Tiểu thư rất cần được tham gia các hội sinh hoạt, vui chơi mà trong đó có cả đàn ông.

I-đo hơi giật mình. Nàng nghĩ đến những lời cha nàng nói trước đây giống như Tro-bo bây giờ. Trên môi màng mỉm một nụ cười buồn buồn.

– Cám ơn ngài đã nghĩ tới tôi như một trái tim của người cha – Nàng nói nhỏ, giọng hơi mai mỉa, – nhưng mà ngài không cần phải bận tâm đến thế, tôi đã linh cảm trước, tương lai của tôi nằm trong bàn tay đức chúa.

Lần này đến lượt Tro-bo giật mình. Chàng rít một hơi thuốc nữa rồi nghiêm trang nói:

– Như vậy là chúng ta sẽ đi. Nhưng tôi chỉ xin báo trước, những người nghệ sĩ rất tinh nghịch và hay đùa quá trớn đấy. Nếu như có nhiều phụ nữ, họ sẽ chơi trò tìm bạn ấy.

I-đo nhún vai:

– Trò chơi đó thì có gì đáng sợ nhỉ, chúng ta cứ đi.

– Hừm, không phải đơn giản đâu.

– Tôi chẳng thấy có gì đáng ngại cả. Hồi còn ở trong trường dòng, chủ nhật nào, chúng tôi cũng chơi trò đó. Ngay đến các nữ tu, rồi các học sinh nhỏ hơn cũng chơi cùng kia mà.

– Trò này khác lắm, tôi đã chẳng nói với tiểu thư, các nghệ sĩ phóng túng như những con dê xổng chuồng chạy trên bãi cỏ ư?

– Tôi vẫn chưa hiểu, ngài lo chuyện gì đấy?

– Không phải là lo lắng mà là… ở đâu đó có các cô gái, là ở đó các họa sĩ thường hay chơi trò cầm đồ… Ngay cả các cô có chồng rồi họ cũng chẳng tha…

– Thế thì cũng có chuyện gì đâu. Ngài vẫn thường đóng vai ông chồng đạt lắm kia mà, ngay cả khi chẳng ở trong trò chơi cũng vậy.

– Đã đành vậy, nhưng mà… Tôi đã bắt đầu hiểu là trong trường dòng các trò chơi có khác ở ngoài đời. Ở đây các trò chơi như vậy thường được giới thanh niên ghép cho các hình phạt tếu lắm.

– Thế thế càng vui chứ sao. Cuộc sống của tôi ở trong trường dòng vốn đã u ám rồi, bây giờ là dịp được ra ngoài ánh sáng, sống với sự vui vẻ, chắc là sẽ vui lắm đây.

– Tiểu thư vẫn chưa hiểu. Có những hình phạt mà các chàng trai phải hôn các cô gái. Ngược lại các cô cũng phải hôn các chàng trai. Còn phụ nữ đã có chồng thì phải hôn chồng của họ.

Tro-bo nói giọng đau khổ như là người ta đang nói chuyện phải tiêm chủng đậu vậy.

I-đo bối rối nhìn Tro-bo.

– Nếu vậy chúng ta đừng tham dự vào những việc đó.

– Không được, nếu chúng ta cùng đi chơi, thì hành động lập dị của chúng ta sẽ làm cả nhóm mất vui. Chúng ta phải cư xử như là vợ chồng thật sự ấy. Chúng ta cần phải cười lẫn nhau, và phải tỏ ra thân yêu nhau như thật ấy. Đối với tiểu thư việc đó có khó khăn, còn đối với tôi cũng chẳng dễ gì.

– Thôi, nếu vậy thì chúng ta đừng đi nữa.

– Một lần không tham dự thì còn có thể nêu lý do này nọ. Nhưng mùa hè đã đến rồi, và giới họa sĩ không ai ngồi trong nhà cả. Các ông chồng vốn đã luôn phải ra ngoài trời rồi, dường như họ là những người phải sống lăn lóc giữa những viên đá. Còn những ngày chỉ nhật đẹp trời, hầu như cả hội đều kéo nhau đi rừng chơi. Họ sẽ nhạt nhẽo với chúng ta, nếu như chúng ta không cùng đi với họ. Nhất là chúng ta lại là những người Hung đang sống trên nước ngoài, vậy thì xã hội của chúng ta đâu phải là nhiều nhặn gì ngoài xã hội bạn bè Hung, vì thế chúng ta nên đi. Nếu như cần, chúng ta cũng vẫn tham dự trò chơi. Nếu như mọi người buộc tôi phải hôn tiểu thư, thì chúng ta sẽ làm như trên sân khấu vậy. Tiểu thư cứ gục đầu vào ngực tôi và tôi cúi xuống, nhưng tôi chỉ hôn hờ vào khoảng không thôi.

I-đo đỏ mặt nhìn vào cái đĩa.

– Còn tôi thì… I-đo hỏi nhỏ.

– Tiểu thư chỉ cần làm như vô tình quấn chiếc khăn khoác vai của tiểu thư vào đầu tôi, và rồi khi đã che chúng ta trước mặt mọi người tiểu thư cũng cúi gần vào mặt tôi một phút. Chúng ta là đôi vợ chồng mới cưới, tất nhiên họ thừa hiểu chúng ta còn ngượng ngùng.

I-đo buồn bã nghĩ ngợi, sau đó nàng lắc đầu lẩm bẩm:

– Không, chúng ta không nên đi nữa.

Rồi nàng đứng lên đi khỏi phòng.

Nhưng họ vẫn phải đi.

Bởi vì họ được báo tin rằng, hai cô sinh viên đã chuẩn bị về tổ quốc, mà hai cô lại đi đúng ngày chủ nhật đó. Vậy thì ở Muy-chen chỉ còn có ba người phụ nữ Hung-ga-ri ở lại, I-đo là người thứ tư. Tất nhiên như vậy sẽ không có trò chơi oái ăm kia.

Ngày hôm đó là ngày vui sướng của I-đo. Kể từ khi số phận trớ trêu, cay độc quàng lên cổ họ cái ách bất hạnh trong năm, thì chí ít ra tới tận bây giờ I-đo cũng còn có một niềm vui, như là các thiên thần xà xuống, ném cho nàng một niềm vui.

Ngày chu nhật đó, buổi sáng, I-đo nhận được một bức thư của cha nàng. Một bức thư gửi đảm bảo, phong bì mang nhãn hiệu cửa hiệu buôn bán rượu của ông Ô- Pê-ter, và ông Stern.

Thế có ngạc nhiên không chứ!

Ai là Stern? Có phải là ông bạn thân của cha nàng không? Vì sao lại có tên ông ta ở đây?

Trong phong bì có một cái gì cồm cộm như hình chiếc chìa khóa. Ngay đằng sau phong bì cũng có viết lên dòng chữ bằng hai loại tiếng Hung và tiếng Đức:

Vật bảo đảm: Chìa khóa!

Nhưng niềm vui không phải bắt nguồn từ chỗ cô con gái nhận được bức thư đó. Giữa hai cha con đã có một sự rạn nứt quá lớn, để trong cuộc sống không còn có một điều gì chung sống cả. I-đo từ khi tới đây, chỉ gửi cho cha một tấm bưu ảnh trên có viết: nàng sống ở Muy-chen, tên phố, số nhà nàng ở. Nàng cũng chẳng nghĩ phải có thư trả lời, mà nàng cũng chẳng mong đợi. Vì thế nàng cảm thấy sợ hãi, run rẩy, pha lẫn sự ngạc nhiên khi bóc thư. Cha nàng gửi chìa khóa gì vậy? để làm gì?

Bọc xung quanh chìa khóa là tờ giấy trắng, trên đó có viết vài dòng:

“Con gái thân yêu. Cô hầu gái yêu quý của con, cái cô Pan-ni mà con hôn cô ta lúc từ giã ấy, đã mang chiếc nhẫn cua con đi bán cho hiệu kim hoàn. Cảnh sát đã bắt giữ và cô ta khai đó là nhẫn của con. Cả ví tiền và tiền của con họ cũng tìm thấy trong hành lý của cô ta. Cha gửi tất cả theo đường bưu điện tên con.

Con hãy sống hạnh phúc.

Cha của con”

Và chiếc nhẫn kim cương đã được buộc chặt vào chiếc khóa.

Nàng còn nhìn thấy một bức thư đề tên Tro-bo. Nàng tưởng thư cha nàng viết cho Tro-bo, nhưng không phải, chữ ngoài phong bì không phải chữ của cha nàng, cũng chẳng phải nét chữ đàn ông. I-đo nhìn chăm chú vào chiếc tem xem dấu bưu điện gửi từ đâu đến, nhưng vô ích không thể thấy tên tỉnh được. Nàng đoán đó là bức thư của người phụ nữ yêu quý Tro-bo, cái người mà nàng đã thấy.

Nàng đưa bức thư cho Ka-ti và bảo:

– Em hãy mang thư này vào cho ông chủ, đưa chị rán thức ăn hộ cho.

Ka-ti ngạc nhiên nhìn I-đo, nhưng cô tưởng rằng, phong tục ở nước Hung là thế. Cô vâng lời mang bức thư vào cho ông chủ.

Chiếc nhẫn trở về tay I-đo, đó là một niềm vui lớn đầu tiên trong ngày đó. Niềm vui thứ hai là nàng sẽ đeo chiếc nhẫn để đi du lịch với bạn bè.

Sáng sớm I-đo đã nhận được một mẩu thư của chị Mi-key viết:

– “Hôm nay thời tiết đẹp, chúng ta sẽ đi Stanr-berg. Một giờ chiều các em sẽ ra khỏi nhà. Đúng hai giờ tàu chạy. Chúng ta sẽ chuẩn bị ăn chiều ở ngoài rừng. Các chị phân công em mang đi một cân thịt bò. Hãy mang thịt sống đi, và mang thêm bánh ngọt gì đó. Đúng hai giờ ở ngoài sân ga nhé!

Tái bút: Chúng ta sẽ ăn mặc đơn giản phù hợp với cuộc du lịch nhé”.

Tro-bo cũng chẳng quan tâm gì đến việc cần phải đi sớm cả. Chàng chỉ bận tâm chú ý tới chiếc nhẫn kim cương tuyệt vời đang lóng lánh trên ngón tay I-đo kia. Nàng lấy tiền đâu mà mua nó? Mới trưa hôm qua họ nói chuyện về đồ trang sức mà nàng bảo không có kia mà, và trong người I-đo giỏi nhất có hai trăm mác là cùng, chỉ đủ đi chợ mua thức ăn thôi. Khi I-đo đã xách giỏ đi chợ, chàng bí mật xem hộp chàng cất tiền, và thấy không thiếu một xu. Chàng tự cảm thấy ngượng vì sự nghi ngờ đó.

Nhưng cả bữa ăn trưa, chàng cứ trầm ngâm nghĩ ngợi vì sao từ trước đến giờ I-đo không đeo chiếc nhẫn đó? Vì sao, hôm qua nàng còn nói rằng nàng chẳng có đồ trang sức nào? Hay là nàng bắt được chiếc nhẫn đó. Nếu như đó là của bắt được thì, chắc chắn I-đo đã không dám đeo rồi. Thế vì sao lại phải bí mật? vì sao nàng lại giấu mình? Ai cho nàng chiếc nhẫn đó, hay đây chính là điều bí mật của nàng?

Tuy băn khoăn nhưng chàng lại chẳng hỏi gì cả.

Trong lòng chàng khó chịu không vui. Từ khi ông già Bo-laz phân tích cho chàng những thiếu sót của tranh tới giờ, chàng đâm chán cái tranh Đọc kinh thánh, và ghét cả tranh con dơi. Vậy mà chàng đã ném vào đó bao nhiêu là thì giờ và tiền bạc. Chàng còn tiêu tốn nhiều sức lực tâm huyết vào đó nữa chứ. Bây giờ chàng đứng vẽ một cách không hứng thú cái cổng đằng sau người phụ nữ có cánh. Phía trên cánh cổng là một vầng trăng, và những giọt máu chảy ra từ cổ tay và khuỷu tay cô gái. Chàng cũng vẽ màu tối đậm hơn, nhưng chàng làm mà cho rằng những công việc đó là vô ích.

Chàng nhìn thấy những điểm yếu của tranh mà trước kia chàng không thấy, tại sao chàng có thể vẽ một người phụ nữ bị treo với một tư thế như vậy trước con mắt của mọi người? Chàng hạ bảng vẽ xuống và úp nó dựng vào tường.

Hai giờ chiều, cả hội đã tề tựu đông đủ ở phía đông sân ga. Hầu như đó là tất cả những người bạn đã dự buổi tối hôm Tro-bo và I-đo vừa tới Muy-chen. Chị vợ Mi-key mặc chiếc áo lụa trắng thuê và chiếc váy màu xanh sẫm. Trên đầu chị đội một chiếc mũ phớt như mũ của các chàng trai chăn bò Mỹ. Chị điêu khắc nhỏ nhắn thì đội chiếc mũ mềm đánh ten-nit màu trắng, áo màu krem pha với lụa hồng, váy màu đen. Chị vợ Ken-đer mặc một bộ đồ kẻ sọc mầu trắng và hồng. Đội một chiếc mũ ca-lô mầu trắng. Ở ngang eo, chỉ buộc một sợi dây lớn màu đen, trên đó có treo một chiếc quạt lụa trắng. Tất cả phụ nữ đều mang ô che nắng.

Chị Mi-key mang theo cậu con trai, nét mặt kiêu hãnh trong chiếc áo lính thủy bằng vải mỏng màu xanh sẫm, trên đầu đội chiếc mũ kiểu lính thủy có hai cái tua. Chị điêu khắc cũng đem theo cô gái mặc một chiếc váy hồng dài đến đầu gối, và chiếc mũ có vành to ra phía trước như mũ trẻ sơ sinh màu đỏ, khuôn mặt xinh đẹp của cô bé tóc nâu đã làm cho cả hội vui hẳn lên.

– Pe-ti con hãy tự giới thiệu với em Kla-ri đi. – Chị Mi-key nói với con trai.

Pe-ti đưa mắt thăm dò nhìn sang “mục tiêu” phải tự giới thiệu, rồi cậu bé tay cầm mũ bước lên hai bước nghiêng mình nói:

– Anh là Xêl Pe-ti.

Đồng thời cậu bé liếc nhìn ra phía sau, sợi dây cậu đang cầm trong tay bị kéo căng ra bởi vì chú chó nhỏ màu đen đang cố giật dây để chạy rông.

Cô bé đỏ mặt đưa tay cho cậu bé, cả mấy nốt tàn hương ở trên đỉnh mũi cô bé cũng đỏ ửng vì ngượng.

Những người lớn cười trêu hai đứa nhỏ:

– Thế, được rồi, giờ thì con phải chú ý chăm sóc em Kla-ri dọc đường nhé. – Chị Mi-key nói, chị vươn cái ngực đồ sộ ra vẻ tự hào.

Cánh đàn ông, tất nhiên cũng không phải thồ nhiều đồ lắm, bởi vì họ đã chia nhau đồ đạc cần mang. Người thì xách sọt, người thì xách túi. Anh chồng đỏm dáng vẻ Ăng-lê của chị điêu khắc thì đeo sau lưng một cái ba lô du lịch màu xám, trong đó toàn là bia và đồ ăn, cái cổ dài ngoãng của anh lúc nào cũng nổi bật lên trong đoàn. Trên đầu anh là chiếc mũ lính thủy màu trắng. Sau lưng Tro-bo có đeo một cái túi trong đó có một cân thịt và ba chai bia. Họ mang cả bia từ nhà đi, bởi vì xuống ga là họ đi thẳng vào rừng ngay, quán rượu ngoại ô lại nằm khá xa rừng.

I-đo nhớ tất cả các nét mặt của mọi người. Chỉ có một người đàn ông quãng bốn mươi tuổi là nàng nom không quen. Sau lưng anh ta đeo chiếc ghi-ta, trên vai có vắt một chiếc áo choàng mỏng.

Người đàn ông tiến tới chào I-đo vẻ quen thuộc:

– Xin hôn tay cô vợ trẻ. Thế nào, cô đã quen với Muy-chen rồi chứ?

Anh ta ngả mũ trên đầu xuống. Tóc anh ta cắt ngắn và dựng như là bàn chải lởm chởm. Anh ta nghiêng người chào I-đo và thân thiện bắt tay I-đo.

Mọi người cười ồ lên, cả Tro-bo cũng phải mỉm cười. Chàng nói với vợ:

– Thế nào, em không quên anh ấy ư I-đo? Be-re-ky Rượu đó thôi. Cứ mỗi năm anh ấy lại cắt tóc và cạo râu một lần, tuần này lại đúng vào tuần anh ấy mới làm công việc đó.

Cả hội xúm vào trêu Be-re-ky. Bởi vì những ai mà thấy anh lúc chưa cạo râu, cắt tóc thì đều ngỡ ngàng như I-đo khi nhìn thấy anh đã cắt tóc cạo râu. Trong những trường hợp như vậy, tự anh không bao giờ nói tên mình. Anh cứ chào hỏi, chuyện trò với người kia y như anh vẫn còn râu tóc rậm bù và quen thuộc. Tàu đi chậm chạp như là tàu đi chợ vậy. I-đo mặc bộ đồ mới, đó là chiếc váy màu xanh, mỏng nhẹ, nom rất hợp với nàng, chiếc mũ rơm rộng vành buộc dải lụa trắng và đi đôi giày màu vàng. Tóc nàng cũng được chải lên theo kiểu của các quí bà.

Tất cả cánh đàn ông đều phải chú ý đến I-đo. Ngay cả Mi-key cũng phải đưa mắt ngắm I-đo qua khung cửa. Còn anh chàng Trô-bo Machi thì không thể rời khỏi đoạn hành lang ngăn tầu mà I-đo ngồi nữa. Chàng ta lượn qua, lượn lại như là chú mèo lượn quanh đụn rạ khi đã đánh hơi thấy chuột trong đó.

Trong ngăn tầu, bốn người phụ nữ và hai đứa trẻ con ngồi. Đám phụ nữ lôi hai đứa trẻ ra để mua vui. Họ đặt hai đứa trẻ ngồi đối diện nhau để xem ánh mắt của chúng nhìn vào nhau.

– Trời ơi, “chàng trai” này mới lịch sự với “phụ nữ” làm sao, “chàng ta” chẳng nói câu nào với “cô tiểu thư” cả! – Chị Ken-đer trêu hai đứa.

Cậu bé Pe-ti thì đang mải mê với con chó của nó. Nó ôm con chó lên lòng, vuốt ve vân vê tai chó. Cô bé Kla-ri cũng nhìn vào con chó, môi mỉm cười.

Pe-ti nghe những lời phê bình trên kia thì lúng túng nhìn Kla-ri.

Cô bé cũng đỏ mặt nhìn xuống. Cậu bé lại càng nghĩ phải xử sự một điều gì đó thật thông minh. Nhưng cái gì thì nó chưa biết?

Mẹ của Kla-ri, chị điêu khắc cũng khích bác chêm vào.

– Cô mang Kla-ri đi vì nghĩ sẽ có Pe-ti chơi với nó. Vậy mà xem ra không phải như vậy.

– Con đừng có nhút nhát như thỏ nữa đi. – Chị Mi-key lên tiếng bảo con trai.

– Cháu cứ mạnh dạn lên. – Chị Ken-đer động viên cậu bé, – những chàng trai trẻ phải biết tán tỉnh các cô gái đi chứ.

Pe-ti cảm thấy lúng túng và nhút nhát như thỏ đã khiến nó bực bội. Nó vuốt ve lưng con chó nhưng đến gần mông con chó nó vung tay lên đập vào mông chó một cái, khiến nó kêu ăng ẳng.

– Pe-ti con chó của cháu nó biết hát đấy à? – chị Ken-đer cười phá lên.

Tất cả đều cười.

Chỉ có hai đứa trẻ cảm thấy khổ sở vô tận và chẳng biết làm sao thoát nổi.

Rồi tàu cũng đã đến nơi. Ánh sáng ấm áp của mặt trời chiếu lên mặt hồ xanh lơ, xung quanh hồ là cảnh rừng núi yên tĩnh, mùi than bụi của thành phố đã được thay bằng không khí trong lành. Ngay cả con chó cũng vui vẻ nhảy cẫng lên.

– Pe-ti chạy lên trước với Kla-ri đi!

Họ đi bộ vào khoảng nửa tiếng.

Anh Mi-key đi trước với bọn trẻ. Sau lưng anh lủng lẳng cái ba lô chứa đầy thực phẩm. Từ miệng túi, còn thò ra cổ bốn chai bia. Hai bên vai treo hai quai ba lô. Đi sau đám phụ nữ là Trôr-bo Ma-chi với một cái sọt lớn vác trên vai. Anh ta đệm dưới sọt là một cái khăn lớn của phụ nữ.

– Chao ôi, hôm nay nóng quá.

Sau lưng anh đến những người đàn ông khác, ai cũng đeo trên lưng túi hoặc bị.

Be-re-ky vừa đi vừa đánh một bài ghi-ta, bản hành khúc Klap-ko, vài chàng họa sĩ huýt sáo theo nhịp điệu bài hát.

Họ đến một bóng râm rợp lớn, ở đó có một nguồn suối nhỏ chảy giữa các búi cỏ và đá cuội. Trong con suối đó có một hõm đất sâu một chút, nước trong. Cánh đàn ông thả cành lá xuống dưới rồi cho tất cả các chai bia xuống hõm nước mát, thả lá phủ lên trên mặt nước để làm lạnh các chai bia. Sau đó cánh đàn ông lôi tẩu ra hút.

Còn đám phụ nữ tất nhiên họ tản đi hái hoa. Họ bảo Pe-ti:

– Pe-ti cháu hãy đi hái hoa tặng Kla-ri đi.

Anh chàng Trôr-bo Ma-chi mặc dù không ai bảo cũng quẩn quanh bên đám phụ nữ, đám phụ nữ cũng tin tưởng giao cho anh chàng việc tìm những cành củi khô về để nhóm lửa.

Khi ngọn lửa đã được nhen lên, những người phụ nữ bắt đầu lấy thịt họ đã chuẩn bị ra và họ xiên thịt vào các que nướng, lúc đó họ sực nhớ ra là muối có ít quá.

– Trôr-bo Ma-chi đâu rồi, đi tìm muối cho chúng tôi nào!

– Cậu mua cho mình ba quả trứng sống nhé. – Be-re-ky gọi với theo khi Trôr-bo vừa chạy ra khỏi rừng đến một quán ăn nào đó ở gần đây.

Khi anh quay trở về, ngọn lửa bập bùng cháy đỏ và mọi người đang quay các xiên thịt nướng trên lửa. Các chai bia lạnh đã được lôi lên gom vào một đống.

– Nào hãy lấy các bánh mì dài, bánh mì tròn ra đi!

Thế là họ vui vẻ uống bia, ăn bánh thịt và tán gẫu.

Pe-ti cùng với Kla-ri dẫn con chó chạy quanh. Trôr-bo Ma-chi cần cái cốc để đi lấy nước. Khi anh vừa cúi xuống thì Mi-key nhảy qua người anh. Mi-key trượt chân ngã xuống, con chó nhảy qua người Mi-key. Thế là được một mẻ cười. Vợ chồng Ken-đer nửa nằm nửa ngồi, khuỷu tay chống xuống đất cả bọn ngầm nhét trứng sống dưới lưng hai vợ chồng để đợi trứng sẽ vỡ nhoe nhoét khi họ nằm xuống. Trôr-bo mang nước về, anh lịch sự đặt cốc nước lên mũ, làm khay mời I-đo. Họ còn bỏ ốc sên vào áo chị điêu khắc, khiến chị rú lên sợ hãi. Họ xô lại để dính con ốc sên lên cổ dài của chồng chị. Họ còn vui đùa nhiều trò nữa.

Vừa ăn uống, vừa vui đùa. Sau đó tráng miệng bằng bánh ngọt. Cánh đàn ông lấy thuốc ra hút, cánh đàn bà cũng ngậm trên môi các thuốc nhẹ. Đến cả I-đo cũng hút thuốc để hòa với mọi người. Trôr-bo Ma-chi cần mẫn đi nhặt những cành cây khô để ném vào đống lửa.

Be-re-ky cầm cây đàn ghi-ta lên tay, tiếng đàn vang lên. Anh đến gần I-đo rồi cúi người chào lịch sự. Anh khuỵu chân quì trước nàng và hát bằng tiếng nước nào đó:

“O buona Sera, bella Kalharina,

Meriteresti esse di regina.”

Giọng hát của anh nghe dễ chịu và êm tai như một diễn viên trên sân khấu thực thụ.

Mọi người vẫn thường khen ngợi giọng hát của anh, anh cũng đùa lại:

– Tôi học những bài hát này ở nhà đấy. Thầy dậy hát cho tôi là một con bò Thụy Điển.

Sau đó anh lại lần lượt quì gối trước những người phụ nữ khác và hát, lúc thì bằng tiếng Ý, lúc thì tiếng Tây Ban Nha, lúc thì bằng tiếng Đức. Sau đó anh ngồi lên một cái sọt và hát bài hát đó bằng tiếng Hung.

Người ta bảo, người ta không cho tôi con chim câu của tôi…

Cả hội đều hòa vào cùng giọng hát với anh. Rồi đến bài thứ hai, thứ ba nữa, tất cả đều là các bài dân ca của Hung-ga-ri. Đối với I-đo nàng thật vui. Chưa bao giờ nàng được tham dự vào cuộc vui như vậy, dưới vòm cây xanh bên cạnh hồ xanh, núi xanh tỏa không khí mùa hè, những khuôn mặt vui tươi của đàn ông, đàn bà. Nàng lại càng cảm thấy tuyệt vời, hớn hở. Nhất là nàng cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều, khi những đôi mắt của cánh đàn ông luôn luôn nhìn nàng với một vẻ bị chinh phục.

– Cứ đưa cho nữ bá tước trước đã! Be-re-ky nói như vậy khi có người mời anh ăn thịt nướng.

Vì sao anh ấy lại gọi I-đo là nữ bá tước, chẳng lẽ trông nàng giống chất quý tộc đó ư? Hay là chỉ vì tình cờ nghe những người phụ nữ kể lại là trường dòng mà I-đo học do một bà bá tước làm giám đốc? – I-đo không biết vì sao nhưng kể từ hôm nay, I-đo có thêm một biệt hiệu phụ là nữ bá tước, cũng như ở trong hội này thì anh Be-re-ky Rượu được gọi là Be-re-ky Bia. Anh Xêl thì được gọi là Mi-key, anh Len Pista thì được gọi là Ken-đer, chị vợ của anh được gọi là Mi-lus-ka, còn chị vợ anh Mi-key thì hay được gọi là Pri-ma-đô-na, còn chị điêu khắc thì được gọi là Ô-phê-li-a. I-đo cũng cảm thấy thích cái biệt hiệu của nàng. Sau bài dân ca đó, Be-re-ky bắt đầu chơi một bản nhạc nhanh, mạnh. Tất cả các phụ nữ đều vỗ tay tán thưởng, họ vận động hai đứa trẻ ra nhảy.

– Pe-ti hãy mời Kla-ri đi!

Đúng lúc đó, Pe-ti mới rút trộm hai điếu thuốc từ trong sọt ra. Cậu bé chưa kịp giấu nó vào áo. Cô bé nhìn cậu bé đôi mắt lo lắng.

Cũng may chị Ken-đer đã chạy ra, hai tay chống nạnh, môi mỉm cười tới mời chồng chị, rồi chị lại đến bên cạnh anh Mi-key có ý mời anh ra nhảy.

Mi-key khoác tay chị nhảy một vòng rồi quay lại chỗ anh Ken-đer và chị Mi-key đang nhảy với nhau. Còn chị điêu khắc đã cùng với Trôr-bo quay vòng. Khi chồng chị điêu khắc tới mời I-đo, nàng ngần ngại từ chối:

– Chỗ này nhiều cỏ quá.

Thực tế đó không phải là nơi có thể nhảy được. Trôr-bo Ma-chi, hiến kế cho cả hội:

– Ở dưới quán rượu kia có cả các nhạc công chơi đấy!

– Đi xuống quán rượu đi! Ken-đer kêu kên, như là bị chập điện, chúng ta xuống quán đi.

Lúc đó trời cũng đã xế chiều. Những đám mây sẫm dần lại, ráng chiều ở đỉnh núi thật là đẹp.

– Đợi chút đã các bạn. – Mi-key nói.

Các phụ nữ cũng như các họa sĩ đều thần người ngắm ráng chiều tuyệt đẹp đó.

Chỉ có chị điêu khắc là nhìn đến hai đứa trẻ, chị hỏi Pe-ti:

– Pe-ti, cháu khó chịu hay sao đó?

Pe-ti mặt xanh nhợt nằm dài trên cỏ, mẹ cậu ta chạy vội tới.

– Con làm sao vậy? Mẹ đã bảo rồi, con không được ăn nhiều quá đầy bụng mà. Con ăn cả suất của Kla-ri phải không?

– Không, con chỉ ăn có hai miếng thôi…

– Mẹ nhìn thấy con ăn bốn miếng, con đừng có nói dối!

– Nó uống bia đấy, – chị điêu khắc thêm vào, – tôi thấy nó lặng lẽ kéo một chai bia ra mà.

Cô bé gái mở to mắt nhìn Pe-ti rồi em nói nhỏ với mẹ:

– Anh ấy hút thuốc đấy.

– Cốc đây, con hãy ra lấy cho anh ấy cốc nước.

Cô bé định quay đi thì chị Mi-key nói;

– Chờ hãy cháu, Pe-ti, con hãy đứng dậy đi cùng với em, vận động tí chút đi.

Hai đứa trẻ đi ra phía con suối. Pe-ti cúi đầu xuống rửa mặt. Kla-ri nhìn cậu bé vẻ lo lắng. Cô bé cầm cốc nước cúi xuống múc.

– Đã nhiều năm nay bây giờ tôi mới lại thấy mây chiều đẹp như thế này đấy! Be-re-ky thốt lên thán phục. – Tôi tiếc là không có đồ vẽ ở đây.

Những đám mây phía tây từ mầu đỏ rực đã chuyển sang màu hồng.

– Đến mai anh cũng vẫn chưa quên được cảnh này kia mà, – Tro-bo an ủi anh.

Chàng nhìn ra bờ suối rồi chàng cười phá lên chỉ tay ra phía hai đứa trẻ:

– Các bạn nhìn kia kìa, một bức tranh tuyệt đẹp.

Khung cảnh lúc đó thật là đẹp, trên khung nền màu xanh của cỏ cây, chú bé đang cúi mình xuống con suối, chẳng phải cậu ra đang uống nước mà cậu ta đang rửa mặt. Kla-ri hai tay nắm chặt lấy cái cổ áo lính thủy của cậu bé, như cố giữ cho cậu bé khỏi ngã xuống.

Cuối cùng thì họ cũng bắt đầu đi xuống quán rượu. Trên mũ của các ông cài hoa, còn cánh đàn bà thì hoa đầy tay. Pe-ti nom có vẻ hơi xanh.

I-đo đợi cho Tro-bo tới khoác tay đi, nhưng Tro-bo lại bỏ nàng đấy, đi thẳng đến nắm tay chú bé Pe-ti ở giữa còn bên kia là mẹ chú bé.

– Đừng có nhìn quanh quất nữa Pe-ti, các hoàng tử cũng bắt đầu như thế này mà thôi. – Tro-bo an ủi chú bé.

Buổi chiều hôm đó, I-đo thấy Tro-bo không vui nhộn như mọi người. Chàng chỉ cười khi mọi người pha trò mà thôi.

– Chắc rằng chàng không thích những câu nói đùa thô tục. – I-đo nghĩ thầm. – Hay là bức thư buổi sáng chàng nhận được đã khiến chàng khó chịu.

I-đo đành phải chấp nhận việc chàng trai Trôr-bo Ma-chi đi cùng mình. Phía sau lưng họ còn Be-re-ky, lưng anh khoác cái ba lô kẹp lép.

Phía dưới là quán rượu đấy, giữa những cây bạch dương ấy. – Trôr-bo kêu to lên với những người đi trước. – Đấy, tiếng nhạc đã nghe thấy rồi.

– Chúng ta đi toàn trên cỏ. – I-đo nói nhìn xuống chân, – vậy mà giày tôi lại toàn là bụi.

Trôr-bo Ma-chi rút ngay trong túi ra chiếc khăc mùi xoa:

– Tiểu thư hãy cho phép.

Ở trên sân quán rượu, nhiều người cũng đang nhảy thao một bản nhạc quân hành. Tất nhiên ở đây người ta thổi sáo tự làm lấy, nhưng không hề gì, ở những nơi ồn ào như quán rượu thì âm nhạc như vậy cũng là đủ. Ở sân đã có quãng mười lăm đôi vui vẻ nhảy. Giữa họ có một chàng đội mũ chóp nhọn màu trắng đang nhảy, chân tay đập lia lịa vào nhau, bên cạnh là một phụ nữ béo tốt với chiếc gi-lê lụa xanh lá cây, đôi má đỏ bừng, mặt đầy vẻ kiêu hãnh.

Ở sân vẫn còn chỗ. Ba người phụ nữ đã cùng chồng mình nhảy vào cuộc. Còn Trôr-bo Ma-chi đôi mắt háo hức nhìn sang Tro-bo vẻ dò hỏi xem có thể mời vợ chàng được chăng…

– Thì cậu cứ nếm thử vị may mắn này đi. – Tro-bo cuối cùng phải thốt lên trước ánh mắt đó của anh chàng si tình.

I-đo thấy Trôr-bo Ma-chi mời thì ngần ngại nhìn sang Tro-bo.

– Em cứ nhảy đi! Tro-bo khuyến khích nàng giọng vui vẻ. – Cậu nhảy cùng vợ mình đi nhưng đừng có làm rụng gót giầy của cô ấy đấy nhé.

I-đo lập tức được kéo vào vòng. Nàng xoay tít như không hề nghĩ rằng mình nhảy ở một quán rượu bình dân, với một bản nhạc thôn dã. Cả quán rượu cũng như xoay tít trước mắt người nhảy, I-đo đã nhảy được khoảng hai giờ đồng hồ, nàng thở hổn hển, vẻ tràn đầy vui sướng hạnh phúc. Đôi lúc, các họa sĩ đến đập tay Trôr-bo Ma-chi nói:

– Hãy nhường nữ bá tước cho tôi một bài nào?

Nhưng rồi Trôr-bo Ma-chi lại tìm cách nhảy với I-đo mỗi khi mà người nhảy với nàng mệt mỏi, hoặc là quay nàng không cẩn thận, không nhịp nhàng.

Chỉ có Tro-bo, Ken-đer và Be-re-ky là không nhảy. Họ đứng ở cạnh sân hút thuốc, chuyện trò bàn luận xem liệu màu vàng của đồng thau có thể dùng trong tranh nghệ thuật không, hay chỉ vẽ được loại tranh hàng chợ? Chỉ tiếc Mi-key đã bị các bà bắt vào nhảy, không được tán chuyện cùng họ.

Còn tất cả các bà đều nhảy hăng hái.

I-đo nhảy đến giờ thứ hai thì nàng nghĩ, có lẽ đủ rồi. Nhưng chàng trai trẻ Trôr-bo Ma-chi lại quá nhiệt tình nhảy với nàng. Không phải trước khi đi, chính Tro-bo cũng đã nói với nàng hãy vui chơi đi sao, thậm chí còn có thể tìm được người theo đuổi nữa kia mà. Biết đâu, nàng đã chẳng tìm được cho mình một chàng trai nghệ sĩ, tóc dài và đẹp dáng.

Tiếng nhạc rộn ràng, những chiếc váy xoắn vào nhau, chân dậm cồm cộp.

– Van-xơ đi! – có ai đó kêu lên giọng đầy hơi rượu.

Một vài phút sau, nhạc chuyển sang điệu mà mọi người yêu cầu.

Bỗng từ trên cao một tiếng vang ùng oàng nổi lên rền rĩ!

Tất cả mọi người ngừng nhảy nhìn trời. Những người phụ nữ rời khỏi bạn nhảy, chạy đi cầm lấy khăn, gói, ô, dù của họ.

– Hãy ra sân ga nhanh lên! – Be-re-ky giục giã mọi người, – nếu để mắc mưa, chúng ta phải ở đây đến sáng mất!

Tất cả người đều hiểu ý anh, bởi vì mọi người đều kêu lên: mưa giông đấy!

Họ vội vã trả tiền quán rượu, rồi chạy đi trong tiếng sấm ì ầm. Chớp lóe sáng giữa các ngọn núi. Ô che mưa đâu? Ai có ô che mưa nào?… Ôi, thật là kinh khủng, cái gì đám đàn ông cũng nhớ, riêng ô che mưa thì không nhớ…

– Nhanh lên nào!

Chị điêu khắc nắm lấy tay con gái chạy. Pe-ti ôm con chó vào lòng. I-đo và Tro-bo chạy hai bên thằng bé. Những người khác cũng giục giã nhau:

– Nhanh lên, rảo chân lên!

Một làn chớp rạch ngang bầu trời. Tiếng sấm rền mặt đất và những giọt mưa đã nối nhau rơi xuống.

– Ô che mưa đâu nào! – Phụ nữ kêu lên, – Ai có ô che mưa?

Chị Mi-key sướng rơn khi nom thấy trong tay Trôr-bo Ma-chi có chiếc ô che mưa.

– Trôr-bo lại đây!

Trôr-bo cứ như người bị điếc, thay vì chạy đến bên chị Mi-key, chàng ta lại chạy đến bên I-đo và che chiếc ô lên đầu nàng.

Hai bên dường như không có mái nhà nào để trú mưa. Mưa ào ào trút xuống, chớp nhằng nhịt trên trời, và tiếng sầm ùng! Oàng!

I-đo giật mình ôm lấy tay Trôr-bo.

Cả đoàn người nấp xuống dưới gốc một cây du. Nhưng tán lá không đủ sức che mưa cho họ. Chị Mi-key giương ô che nắng lên che tạm cho con.

– Be-re-ky ơi, ô che nắng cho tôi hỏng mất thôi. – Chị rên lên với Be-re-ky.

– Tôi rất tiếc chị ạ, nhưng cái đàn ghi ta của tôi đắt hơn cái ô của chị rất nhiều.

Chị Mi-key quay ra cằn nhằn chồng:

– Tại sao anh lại đoảng vị đến thế được, có cái ô cũng không mang theo.

– Việc đó là của đàn bà chứ! – Mikey cũng cáu kỉnh gắt.

– Trời ơi, giày của tôi đi tong rồi! trời ơi, nó sẽ thành cái gì đây, – chị Ken-đer rên rỉ, – tôi mới mua nó hôm nay xong.

– Hôm nay trời ơi, ngày mai trời hỡi, em hãy lấy cái quạt mà che lên đầu ấ! – Ken-đer nói với vợ.

– Có anh hay trời hỡi thì có ấy! – Chị vặc lại ông chồng.

Chị điêu khắc cũng đang cằn nhằn chồng chị hãy che cho con gái xuống dưới tay anh. Còn chồng chị với cái cổ dài ngoẵng, tay cầm chiếc ô dường như không che được cho vợ con.

– Chúng ta chậm tầu mất thôi.

– Tầu chắc đến rồi đấy.

– Thôi chạy đi!

Thế là họ chạy trong mưa, ướt như chuột. Họ còn đợi tàu quãng một giờ.

Trong phòng đợi, cánh đàn ông chửi rủa. Nước mưa chảy trên tóc, trên người xuống đất ròng ròng.

Be-re-ky hồi hộp kiểm tra cây đàn của anh. Còn cánh đàn bà thì đau khổ ngắm nghía áo váy, giầy dép của họ và luôn mồm kêu trời ơi, đất hỡi…

Chị Mi-key hạ chiếc ô nắng mưa của chị xuống rồi nhìn xem, thế là hết, ô đã hỏng.

Giầy I-đo cũng đầy bùn, nhưng nàng lặng yên, bởi vì Tro-bo cũng im như thóc. Trông chàng ướt rượt từ đầu đến chân như con gà trống bị mưa vậy. Bùn phủ đến tận đầu gối. Chàng đứng nhìn vẻ nghiêm trang vào chiếc tủ bán giải khát tự động, như là trong tủ có chứa một thứ kỳ quặc.

Họ đứng đợi chán chường, mệt mỏi.

Cô bé Kla-ri ngáp, đôi mắt buồn ngủ của em nhìn sang cậu bé Pe-ti.

Quãng mười một giờ đêm họ về đến nhà.

Trên bàn hãy còn để phần thức ăn từ chiều cho họ.

I-đo đã thay bộ đồ khô. Tro-bo cũng sai cô giúp việc lau cho chàng đôi giầy rồi chàng mặc quần áo khô vào người, và khoác áo ngoài lên.

Họ im lặng ăn tối.

I-đo rất muốn cám ơn Tro-bo về ngày đi chơi vui vẻ đó, mặc dù cuối cùng kết thúc không được hay lắm, nhưng cả ngày rất vui. Nếu như nàng còn có thể cám ơn cả những người xa lạ, thì hà cớ gì nàng không thể cám ơn Tro-bo?!

Nàng cảm thấy nàng có thể nói với Tro-bo bằng giọng tin cẩn biết ơn…

Tất nhiên họ nói chuyện với nhau về cuộc vui đó từng phần một. Ví dụ như I-đo bảo Be-re-ky thực là một người vui vẻ, dễ thương! Còn anh chàng Trôr-bo Ma-chi thì lịch sự quá, ai có thể ngờ rằng chàng ta xuất thân là một người nông dân. Tro-bo nói thêm cho nàng biết về thân thế từng người một. Rồi họ còn cười nói với nhau như là những đôi vợ chồng bình thường khác.

Sau đó, bỗng nhiên Tro-bo lại im bặt, nàng cảm thấy bồn chồn khi thái độ của Tro-bo thay đôir.

Tro-bo châm thuốc hút, rồi nhìn I-đo nói:

– Tiểu thư cho phép tôi nói thật một điều, từ giờ tôi sẽ không dẫn tiểu thư đi chơi cùng cả hội nữa.

I-đo lạnh người hỏi:

– Vì sao vậy, thưa ngài.

– Bởi vì tiểu thư xử sự không như các quí bà đã có chồng.

– Tôi ấy ư?

– Đúng, tôi không hề biết rằng một cô gái được dậy dỗ trong trường dòng như tiểu thư lại có thể xử sự như vậy.

I-đo tái mặt.

– Ngài có quyền gì mà nói với tôi bằng giọng như vậy?

– Quyền của người chồng, thưa tiểu thư! Chính cách cư xử của tiểu thư đã khiến bất cứ người chồng nào cũng phải tức giận. Đối với danh dự một người chồng, tiểu thư đã xúc phạm tôi.

I-đo tự ái ngẩng đầu, người cứng lại như một pho tượng:

– Tôi đã làm gì thưa ngài.

Tro-bo nhún vai:

– Tiểu thư lại phải hỏi tôi như vậy sao? Không phải tiểu thư đã tốt nghiệp trung học ư? vậy mà tiểu thư không hiểu một người phụ nữ đã có chồng phải biết đối xử khác sao? đó là kiến thức tối thiểu nhất mà họ phải biết. Người ta còn biết không những đối xử với chồng trong cuộc đời riêng, mà ngay trước mặt mọi người cũng phải cư xử cho đứng đắn.

– Cư xử đứng đắn ư? – I-đo nói dường như không tin ở những gì tai mình nghe được nữa.

Tro-bo nhìn nàng, nói tiếp:

– Đứng đắn là một từ tiếng La-tinh. Tôi thiết tưởng một người phụ nữ có bằng cấp như tiểu thư thì phải hiểu từ đó có nghĩ gì?

– Nó có nghĩa gì, tôi cư xử thế nào mà lại không được đứng đắn?

– Thì tiểu thư tự cho mình là đứng đắn thôi. Thế những điều tiểu thư làm đã được mười lăm con người nhìn thấy, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Cả nửa ngày tiểu thư tỏ ra lẳng lơ với một chàng trai trẻ chứ sao?

– Lẳng lơ ư?

– Đúng vậy, lẳng lơ. Tiểu thư đã chấp nhận sự tán tỉnh của chàng trai ngay trước mặt chồng mình, trước mặt mọi người. Tiểu thư chấp nhận sự chú ý, chiều chuộng của chàng ta. Cho phép chàng ta ôm vào người tiểu thư suốt buổi. Thậm chí tiểu thư còn khoác vào tay chàng ta đi nữa. Tiểu thư ngả vào người chàng ta rồi đầu vào gục sát ngực chàng ta. Đi cùng chàng vào quán rượu rồi nhảy suốt buổi với chàng. Chỉ với anh chàng đó mà thôi! Lúc nào cũng có chàng bên cạnh, ngay trước mắt chồng mình, trước mắt mọi người! Tiểu thư cứ nhảy hoài mặc cho tôi đã chờ…

– Nhưng tôi xin phép đã…

– Còn những cái xiết tay, những chiếc hôn tay thắm thiết… và …

– Tôi yêu cầu ngài đừng nói nữa. – I-đo lắp bắp đôi môi run lên.

Từ đôi mắt nàng những giọt lệ ứa ea.

Tro-bo thở khói ra đằng mũi mù mịt như là con rồng trong chuyện cổ tích phun khói vậy.

– Thế đến giờ chia tay, chàng ta không lau giầy cho tiểu thư nữa sao?! Lại nữa, tôi yêu cầu tiểu thư trả lời xuất xứ của cái nhẫn mà tiểu thư đang đeo kia? Hôm qua tiểu thư còn không có nó, hôm nay chủ nhật cửa hiệu không mở, vậy thì chiếc nhẫn ở đâu ra?

I-đo không trả lời.

Nàng đứng dậy, đôi môi mím chặt, trên mặt, nước mắt tuôn đầm đìa.

Tro-bo nhìn nàng, đứng dậy lạnh lùng nói:

– Tiểu thư khóc chỉ càng làm cho tình trạng xa lạ của chúng ta thêm mạnh mà thôi. Tôi nói cũng chẳng có ích gì khi mà tiểu thư không thanh minh nổi cho mình… Tự tiểu thư sẽ nghĩ thêm những điều tôi chưa kịp nói. Thôi chúc tiểu thư ngủ ngon, bà vợ của tôi ạ.

Bình luận
Ads Footer