NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Ngôi Nhà Quái Dị

Chương 13

Tác giả: Agatha Christie
Ads Top

Tôi đi đến Ngôi nhà Quái dị (tôi đặt tên theo ý riêng) với một cảm giác hơi tội lỗi. Mặc dù tôi đã thuật cho Taverner nghe những lời kể lể của Josephine về Roger, nhưng tôi không nói chuyện con bé bảo Brenda và Laurrence Brown có thư từ qua lại với nhau.

Tôi tự thứ lỗi cho mình vì đó chỉ là chuyện tình cảm và cũng không có lý do để tin là sự thật. Nhưng giờ đây, tôi thấy mình miễn cưỡng một cách kỳ lạ trong việc thu thập thêm chứng cớ chống lại bà Brenda. Lúc ở trong ngôi nhà đó, tôi đã cảm thương vai trò vị trí của bà – bị một gia đình đoàn kết chặt chẽ vây quanh thù địch. Nếu các bức thư đó quả có thật, Taverner và các thuộc hạ của anh sẽ tìm ra chúng. Tôi không muốn mình là kẻ mang mối nghi ngờ mới cho người đàn bà đang ở trong một tình thế khó khăn. Hơn nữa, bà đã long trọng đảm bảo với tôi không có chuyện như thế giữa bà và Laurence, tôi cảm thấy thiên về tin tưởng bà hơn là tin con nhóc ma lanh Josephine. Brenda đã chẳng nói Josephine ‘ngớ ngẩn điên khùng’ đó sao?

Tôi dập đi cái sự thực khó chịu là Josephine điên khùng hết cỡ. Tôi nhớ đôi mắt đen tuyền tròn xoe thông minh của nó.

Tôi gọi điện thoại cho Sophia và hỏi nàng tôi có thể đến nữa hay không.

“Đến đi, anh Charles.”

“Tình hình thế nào?”

“Em không biết. Mọi sự đều ổn. Họ tiếp tục lục lọi căn nhà. Họ tìm cái gì thế?”

“Anh không rõ.”

“Cả nhà đang rất căng thẳng. Anh đến càng sớm càng tốt. Nếu em không có ai để nói chuyện chắc em phát điên mất.”

Tôi nói tôi sẽ đến ngay.

Khi tôi đến cửa nhà thì không thấy ai. Tôi trả tiền taxi, xe chạy đi. Tôi cảm thấy ngần ngại không biết nên nhấn chuông hay đi thẳng vào. Cửa nhà đang mở.

Khi tôi đang đứng đó phân vân thì bỗng nghe có tiếng động nhỏ sau lưng. Tôi quay đầu lại. Josephine, một phần mặt bị một trái táo rất to che khuất, đang đứng bên hàng rào cây thủy tùng nhìn tôi.

Khi tôi quay đầu, nó quay lưng đi.

“Chào em, Josephine.”

Nó không trả lời mà biến mất sau hàng rào. Tôi băng qua đường và đi theo nó. Nó ngồi trên cái ghế dài xù xì bất tiện gần một hồ cá kiểng, hai chân đưa tới đưa lui, miệng cắn trái táo. Bên trên trái táo đó, đôi mắt con bé nhìn tôi vẻ u ám, khiến tôi không thể không cảm thấy vẻ thù địch.

“Anh lại đến nè, Josephine,” tôi nói.

Một cách bắt chuyện yếu ớt, nhưng sự im lặng và cái nhìn chằm chằm không chớp mắt của Josephine khiến tôi khá nản lòng.

Với chiến lược khôn ngoan đó, nó vẫn không nói một lời.

“Táo có ngon không?” tôi hỏi.

Lần này Josephine mới chịu trả lời. Từng từ một:

“Có lông tơ.”

“Khổ thật,” tôi nói vuốt. “Anh không thích táo có lông.”

Josephine khinh khỉnh đáp:

“Không ai thích.”

“Tại sao em không nói chuyện với anh khi anh chào em?”

“Em không muốn.”

“Tại sao thế?”

Josephine lấy quả táo ra khỏi mặt để nói rõ lời buộc tội của nó.

“Anh đến và mách lẻo với cảnh sát,” nó nói.

“Ôi! Sao kỳ vậy. Ý em – là về…”

“Bác Roger.”

“Nhưng tất cả đều đúng mà, Josephine.” tôi trấn an nó. “Hoàn toàn đúng. Họ biết bác Roger không làm điều gì sai – ý anh là – bác không biển thủ bất cứ số tiền nào hay làm chuyện gì loại đó.”

Josephine ném cho tôi một cái nhìn khó chịu.

“Anh ngu ngốc quá chừng.”

“Anh xin lỗi.”

“Em không lo gì về bác Roger. Đơn giản chỉ vì đó không phải là cách làm của công tác trinh thám. Anh có biết là anh không hề kể cho cảnh sát cho hết không?”

“Ôi, anh hiểu,” tôi nói. “Anh xin lỗi, Josephine. Anh thật sự rất xin lỗi.”

“Anh đáng thế.” Nó nói, giọng đầy trách móc. “Em đã tin tưởng anh.”

Tôi nói xin lỗi đến lần thứ ba. Josephine có vẻ hơi nguôi ngoai. Nó cắn một miếng táo.

“Nhưng cảnh sát buộc phải tìm ra tất cả mọi thứ,” tôi nói. “Em – anh – chúng ta không thể giữ bí mật.”

“Ý anh là vì bác ấy sắp phá sản?”

Con bé Josephine lại nắm được thông tin chính xác như thường lệ.

“Anh cho rằng chuyện đó sẽ xảy ra.”

“Tối nay họ sẽ bàn bạc đấy,” Josephine nói. “Cha và mẹ, bác Roger và bà dì Edith. Bà dì Edith sẽ cho bác Roger số tiền của bà – chỉ có điều bà chưa có số tiền ấy – nhưng em không nghĩ cha em sẽ làm như bà. Cha nói nếu bác Roger bị nguy khốn thì bác ấy chỉ nên tự trách mình và phí thêm tiền vào chỗ thua lỗ cũng chẳng ích gì. Mẹ sẽ không chịu cho bác ấy tiền bởi vì mẹ muốn cha bỏ tiền cho vở Edith Thompson[11]. Anh có biết gì về Edith Thompson không? Cô ta lập gia đình, nhưng không ưa chồng. Cô ta yêu một chàng trai trẻ tên Bywaters đã bỏ tàu, đi vào một con đường khác sau buổi coi hát và đâm vào sau lưng.”

Lần nữa tôi ngạc nhiên về sự hiểu biết rộng và đầy đủ của Josephine; về cái giác quan nhạy bén, chỉ cần một số lời mù mờ, đã trình bày tất cả các sự kiện nổi bật bên trong một bí ẩn.

“Có vẻ thế,” Josephine nói, “nhưng em không cho rằng vở kịch sẽ diễn ra y như thế. Nó sẽ lại giống vở Jezebel.” Con bé thở dài. “Em ước em biết tại sao lũ chó không ăn bàn tay của bà ấy.”

“Josephine,” tôi nói. “Em nói em hầu như biết chắc ai là kẻ giết người phải không?”

“Đúng vậy!”

“Ai vậy?”

Con bé nhìn tôi khinh khỉnh.

“Anh biết,” tôi nói. “Tới hồi kết mới biết chứ gì? Ngay cả khi anh hứa không kể gì cho Thanh tra Taverner nghe thì em cũng không cho anh biết ư?”

“Em muốn có thêm một vài manh mối.” Josephine nói. “Tuy nhiên,” nó vừa nói vừa quăng hột táo vào hồ cá kiểng, “em sẽ không nói với anh. Anh là người không quan trọng, anh là Watson[12].”

Tôi nuốt lấy lời sỉ nhục đó.

“Được rồi,” tôi nói. “Anh là Watson. Nhưng Watson cũng được cho dữ liệu.”

“Dữ liệu gì?”

“Các dữ kiện. Sau đó ông ta đã suy diễn sai lầm các dữ kiện đó. Em sẽ khoái chí khi thấy anh phạm một lô một lốc những suy diễn sai lầm phải không?”

Josephine trầm ngâm một lúc, sau đó lắc đầu.

“Không đâu,” nó nói, xong rồi thêm: “Dẫu sao, em cũng không mê Sherlock Holmes. Ông ta dùng phương pháp quá xưa. Họ đi trên xe chó kéo.”

“Còn về chuyện các bức thư?”

“Các bức thư nào?”

“Các bức thư mà em nói Laurence Brown và Brenda viết cho nhau.”

“Em dựng chuyện đó.”

“Anh không tin.”

“Em thường dựng chuyện. Nó làm em vui.”

Tôi nhìn nó chòng chọc. Nó chòng chọc nhìn lại tôi.

“Thôi nào, Josephine. Anh biết một người ở Viện Bảo tàng Anh, ông ấy biết nhiều chuyện trong Kinh Thánh. Nếu qua ông ấy anh biết tại sao lũ chó không ăn bàn tay của Jezebel thì em có nói cho anh nghe chuyện các bức thư đó không?”

Lần này Josephine thực sự do dự.

Bỗng ở đâu đó, không xa lắm, một nhánh cây nhỏ gãy kêu một tiếng ‘rắc’ khô khan. Josephine nói dứt khoát:

“Không, em không nói.”

Tôi đành chịu thua. Hơi muộn màng, tôi sực nhớ lời khuyên của cha tôi.

“Thôi được,” tôi nói, “chỉ là trò chơi thôi mà. Dĩ nhiên em thật sự không biết gì hết.”

Mắt Josephine chớp chớp, nhưng nó không mắc bẫy.

Tôi đứng dậy. “Giờ anh phải đi,” tôi nói, “tìm chị Sophia. Đi cùng không?”

“Em ở lại đây,” Josephine đáp.

“Không được, em nên đi với anh.”

Tôi không nhân nhượng, kéo con bé đi. Nó có vẻ bất ngờ, định phản đối, nhưng nhượng bộ một cách dễ thương – có lẽ, nó muốn trông thấy phản ứng của người nhà nó trước sự hiện diện của tôi.

Vào lúc đó, tôi không thể nói tại sao tôi quá lo lắng phải buộc nó đi theo tôi. Câu trả lời chỉ đến khi chúng tôi đi ngang qua cửa trước.

Chính là vì tiếng nhánh cây đột ngột gãy.

Bình luận
Ads Footer