NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Những Huyền Thoại

Vụ Án Dupriez

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập
Ads Top

Vụ án Dupriez

VỤ ÁN Gérard Dupriez (anh ta sát hại cha mẹ mình không rõ động cơ) cho thấy những mâu thuẫn rành rành trong ngành Tư pháp của chúng ta. Điều này là do lịch sử tiến triển không đồng đều: tư tưởng của con người đã thay đổi nhiều từ một trăm năm mươi năm nay, các khoa học mới về thăm dò tâm lý đã xuất hiện, nhưng bước tiến của một bộ phận Lịch sử đã không kéo theo thay đổi nào trong hệ thống các biện giải hình sự, bởi ngành Tư pháp là trực tiếp chịu ảnh hưởng của Nhà nước, và Nhà nước của chúng ta đã không đổi chủ từ khi ban bố luật hình sự.

Vì thế mà tội lỗi vẫn luôn luôn được ngành Tư pháp xây dựng theo những chuẩn mực của tâm lý học cổ điển: sự việc chỉ tồn tại như yếu tố trực tuyến của tính hợp lý, nó phải hữu ích, nếu không nó mất bản chất của nó, người ta không thể thừa nhận nó. Để có thể gọi tên hành động của Gérard Dupriez, thì cần phải tìm ra nguồn gốc: thế là toàn bộ vụ án đã lao theo hướng tìm kiếm một nguyên nhân, dù là nhỏ; luật sư bào chữa, nói một cách nghịch lý, chỉ còn việc quy cho tội lỗi ấy một thứ trạng thái tuyệt đối, hoàn toàn không xác định được, chính là biến nó thành một tội lỗi không tên.

Ủy viên công tố thì đã tìm ra một động cơ – ngay sau đó bị các chứng cứ phủ định: có lẽ cha mẹ của Gérard Dupriez đã phản đối cuộc hôn nhân của anh ta, vì thế mà anh ta giết bố mẹ. Vậy là ở đây chúng ta có một dẫn chứng về cái mà ngành Tư pháp xem là mối quan hệ nhân quả hình sự: cha mẹ của kẻ sát nhân đã tình cờ gây phiền hà: anh ta đã giết bố mẹ để loại bỏ trở ngại. Và ngay cả nếu anh ta giết bố mẹ vì tức giận, thì nỗi tức giận ấy vẫn cứ là một trạng thái hợp lý tính bởi vì nó trực tiếp phục vụ cho cái gì đấy (điều đó nói lên rằng dưới con mắt của ngành tư pháp, các hành vi tâm lý chưa phải là để đáp trả, do phản ứng tâm lý, mà luôn luôn vị lợi, do tính toán mà ra).

Vậy chỉ cần quy cho hành động nhằm mục đích có lợi một cách trừu tượng là đủ để gọi tên tội lỗi. Uỷ viên công tố chỉ xem việc không tán thành cuộc hôn nhân của Gérard Dupriez là nguyên nhân dẫn đến trạng thái hầu như mất trí, là nỗi tức giận; có quan trọng gì đâu là về mặt hợp lý mà nói (cái tính hợp lý vừa mới lúc nãy là căn cứ để buộc tội), tội phạm không thể hy vọng hành vi của mình đem lại bất cứ lợi ích gì (cuộc hôn nhân chắc chắn không thành do việc sát hại cha mẹ hơn là do sự phản đối của cha mẹ, bởi Gérard Dupriez đã chẳng làm gì để che giấu tội lỗi): ở đây người ta bằng lòng với tính nhân quả bị cắt cụt; điều quan trọng là nỗi tức giận của Dupriez có lý do ở căn nguyên chứ không phải là hệ quả; người ta cho rằng trạng thái tinh thần của tội phạm đủ lô-gích để hiểu được tội lỗi của mình là hữu ích biết đâu đấy, nhưng lại không hiểu được những hậu quả thật sự của tội lỗi ấy. Nói cách khác, chỉ cần sự mất trí có căn nguyên hợp lý là đủ để người ta có thể gọi tên nó là tội lỗi. Tôi đã chỉ rõ tính chất của lý lẽ hình sự nhân nói về vụ án Dominici: nó thuộc lĩnh vực “tâm lý”, và vì thế cũng là thuộc lĩnh vực “văn chương”.

Các nhà tâm thần học không chấp nhận rằng một tội lỗi chẳng lý giải được thì không còn là tội lỗi, họ đã để cho bị cáo hoàn toàn chịu trách nhiệm, mới nhìn thoáng qua tưởng rằng như vậy là họ đối lập với các biện giải hình sự truyền thống: theo họ, thiếu quan hệ nhân quả không hề ngăn cản gọi tên vụ sát nhân là tội lỗi. Nói một cách nghịch lý, như vậy là ở đây tâm thần học bảo vệ quan niệm cho rằng con người kiểm soát được bản thân mình một cách tuyệt đối, và kẻ phạm tội là có tội, ngay cả trường hợp ở ngoài ranh giới của lý trí. Ngành Tư pháp (uỷ viên công tố) đặt tội lỗi trên cơ sở nguyên nhân và như vậy là dành một phần nào cho khả năng mất trí; còn tâm thần học, chí ít là tâm thần học chính thống, dường như muốn lùi lại càng lâu càng tốt việc định nghĩa tình trạng điên cuồng, nó không thừa nhận bất cứ giá trị nào cho quyết định và bắt gặp lại phạm trù thần học cổ xưa về tự do ý chí; trong vụ án Dupriez, nó đóng vai trò của Giáo hội giao nộp cho thế tục (ngành Tư pháp) các bị cáo mà nó phải buông ra vì không thể quy họ vào bất kỳ “phạm trù” nào của mình; thậm chí để làm việc ấy, nó tạo ra một phạm trù khuyết, chỉ có tên gọi mà thôi: đó là hư hỏng. Như vậy, đối diện với ngành Tư pháp sinh ra dưới thời tư sản, tất nhiên được dựng lên để duy lý hoá thế giới, phản ứng lại sự chi phối của thần linh hoặc vua chúa, và còn để lại dấu vết vai trò tiến bộ của nó nay không còn hợp thời, Tâm thần học chính thống kế tục quan niệm rất xa xưa về sự hư hỏng phải chịu trách nhiệm, và việc kết án nó cần phớt lờ mọi cố gắng giải thích. Chẳng hề tìm cách mở rộng lĩnh vực của mình, tâm thần học hợp luật định trả về cho đao phủ những kẻ mất trí mà ngành Tư pháp, có tính duy lý hơn song còn rụt rè, có lẽ chẳng đòi hỏi gì hơn là bỏ mặc.

Đấy là vài mâu thuẫn của vụ án Dupriez: giữa Tư pháp và bào chữa; giữa tâm thần học và Tư pháp; giữa bào chữa và tâm thần học. Nhiều mâu thuẫn khác tồn tại ngay trong lòng của mỗi quyền lực ấy: Tư pháp, như ta đã thấy, tách rời một cách phi lý nguyên nhân ra khỏi kết cục, đi đến chỗ biện giải một tội lỗi tuỳ theo tính chất khủng khiếp; tâm thần học hợp luật định tự nguyện từ bỏ đối tượng của mình và giao trả kẻ sát nhân cho đao phủ, chính vào thời điểm các khoa học tâm lý ngày càng đảm trách phần lớn hơn trong con người; và việc bào chữa bản thân nó lại do dự giữa yêu sách của một tâm thần học tiên tiến muốn xem mỗi tội phạm như một kẻ mất trí, và giả thuyết về một “thế lực” ma quái chắc là sẽ bủa vây Dupriez, như vào những thời kỳ đẹp đẽ nhất của trò phù thuỷ (lời biện hộ của luật sư Maurice Garçon).

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer