NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Những Huyền Thoại

Thoát Y Vũ

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập
Ads Top

Thoát y vũ

THOÁT Y VŨ – ít ra là thoát y vũ ở Paris – dựa trên nền tảng sự mâu thuẫn: phi giới tính hoá phụ nữ ngay trong lúc người ta lột trần cô nàng ra. Vậy ta có thể xem đó như một cảnh tượng hoảng hốt, hay đúng hơn là “Hãy làm cho tôi hoảng hốt đi”, dường như tính chất khiêu dâm ở đây vẫn còn là một thứ e sợ thú vị, mà chỉ cần nhắc đến những dấu hiệu lễ thức là đủ để vừa khêu gợi ý nghĩ về bộ phận sinh dục vừa xua đuổi ý nghĩ ấy đi.

Chỉ riêng quá trình trút bỏ quần áo từ từ là khiến công chúng trố mắt tò mò; nhưng ở đây, cũng như ở bất cứ cảnh huyễn hoặc nào, cách bài trí, các đạo cụ và những điệu bộ lặp lại máy móc góp phần ngăn cản sự khêu gợi ban đầu của chủ định và cuối cùng chẳng còn ai để ý đến nữa: người ta trương cái xấu ra để làm cho nó thêm lúng túng và phù phép nó tốt hơn. Thoát y vũ của Pháp dường như bắt nguồn từ cái mà tôi đã gọi ngay ở đây là thao tác Astra, biện pháp huyễn hoặc chủ trương tiêm cho công chúng một mũi vắc-xin ác độc để sau đó dìm công chúng vào cái Đức độ từ nay đã được miễn dịch: vài nguyên tử khiêu dâm được nêu ra ở ngay tình huống của cảnh, trong thực tế đã bị hấp thụ bởi lễ thức nguôi ngoai nó át đi da thịt chắc chắn như liều vắc-xin hay điều cấm kỵ khu trú và kìm nén bệnh tật hoặc lỗi lầm.

Vậy là trong thoát y vũ sẽ có cả loạt những thứ để đậy lên cơ thể của người phụ nữ khi cô nàng làm bộ như phơi bày dần cơ thể mình ra. Tính chất xa lạ là yếu tố đầu tiên của những giãn cách ấy, bởi vì bao giờ tính chất xa lạ được cố định hoá cũng đẩy cơ thể lùi xa vào chốn hoang đường hoặc cõi mơ mộng: cô nàng Trung Hoa ngậm tẩu thuốc phiện (biểu tượng bắt buộc của đặc điểm Tàu), cô đào quyến rũ uốn éo ngậm chiếc tẩu hút thuốc lá to tướng, khung cảnh Venise với du thuyền gondole*, váy có khung phồng và ca sĩ hát khúc nhạc chiều, tất cả nhằm ngay từ đầu khiến người đàn bà giống như một vật thể được che đậy; vì thế mục đích của thoát y lúc đó không còn là trưng ra ánh sáng sự sâu kín nữa, mà là biểu đạt sự trần trụi như áo quần tự nhiên của người phụ nữ qua việc lột bỏ những thứ che đậy kỳ cục và giả tạo, rốt cuộc là thấy lại trạng thái hoàn toàn trong trắng của da thịt.

Những đạo cụ cổ điển của sân khấu tạp kỹ, được huy động ở đây không loại trừ thứ nào, cũng luôn luôn khiến cho thân thể trần trụi như lùi xa ra, đẩy nó vào chỗ được che chắn quen thuộc: những chiếc áo khoác, những chiếc quạt, những đôi găng, những chiếc lông vũ, những đôi tất lưới, tóm lại cả một lô đồ trang sức không ngừng khiến cơ thể sống động chẳng khác gì loại đồ vật xa hoa vây bọc người đàn ông trong bối cảnh huyền ảo. Cài chiếc lông vũ hoặc xỏ găng tay, người phụ nữ hiện ra như yếu tố đã thành lễ thức của sân khấu tạp kỹ; và trút bỏ những đồ vật lễ thức như thế không còn mang tính chất lột bỏ mới nữa: chiếc lông vũ, cái áo lông và chiếc găng tay dù đã vứt bỏ đi rồi vẫn tiếp tục thấm vào người phụ nữ chất kỳ ảo của chúng, khiến cô nàng như phảng phất vẫn được bao bọc bởi lớp vỏ xa hoa, vì một quy luật hiển nhiên là thoát y vũ bao giờ cũng được trình diễn ngay trong bản chất của lớp che phủ ban đầu: nếu lớp che phủ này chưa chắc đã đúng, như trường hợp cô nàng Trung Hoa hoặc người phụ nữ khoác áo lông, thì bản thân sự trần truồng tiếp theo cũng không thật, nhẵn nhụi và kín đáo như một đồ vật đẹp trơn bóng do người ta dùng mãi đã lâu ngày: chính ý nghĩa sâu xa của bộ phận sinh dục bằng kim cương hoặc đồi mồi là mục đích của thoát y vũ: hình tam giác cuối cùng ấy, với dạng thuần khiết và ngang bằng sổ thẳng, với chất liệu sáng bóng và rắn chắc, cản bộ phận sinh dục lại như một thanh gươm tinh khiết và đẩy hẳn người đàn bà vào thế giới khoáng vật, mảnh đá (quý) ở đây gợi ý niệm dứt khoát về vật thể trọn vẹn và vô dụng.

Trái với thành kiến hiện hành, vũ điệu đi kèm suốt quá trình thoát y vũ không hề là một nhân tố khiêu dâm. Thậm chí có lẽ có ngược lại nữa: động thái uốn éo chỉ hơi nhịp nhàng ở đây xua đuổi đi nỗi e sợ trước tình trạng bất động; chẳng những nó đem lại cho cảnh tượng sự bảo lãnh của Nghệ thuật (các vũ điệu trên sân khấu tạp kỹ bao giờ cũng “có tính nghệ thuật”), mà đặc biệt nó còn là lớp vây bọc cuối cùng, lớp vây bọc hiệu quả nhất: vũ điệu, gồm những động tác đã thành lễ thức, được xem đi xem lại cả ngàn lần, có tác dụng như loại mỹ phẩm bằng hành động, nó che đi da thịt trần truồng, nó vùi cảnh tượng dưới lớp láng bóng gồm những động tác vô ích nhưng chính yếu, bởi vì sự trần truồng ở đây bị dồn xuống hàng các thao tác ký sinh, diễn ra ở một nơi xa xăm mơ hồ. Vì vậy ta thấy các vũ nữ thoát y chuyên nghiệp như được bao bọc trong sự thoải mái kỳ lạ không ngừng đắp quần đắp áo cho họ, đẩy họ ra xa, đem đến cho họ thái độ dửng dưng trơ lì của các cô nàng hành nghề khéo léo, kiêu kỳ vững tin vào kỹ thuật của mình: tài nghệ của họ che đậy cơ thể họ như quần như áo.

Tính chất xua đuổi bộ phận sinh dục một cách tỉ mỉ như thế có thể được xác minh a contrario* trong các “cuộc thi quần chúng” (theo nguyên văn) thoát y vũ tài tử: ở đấy các “cô nàng mới võ vẽ” cởi bỏ áo quần ra trước vài trăm khán giả, chẳng nhờ cậy đến huyền ảo hoặc nhờ cậy rất tồi, khiến cho cảnh mang tính chất khiêu dâm không chối cãi vào đâu được: ở đây, ngay từ đầu, rất ít các cô nàng Trung Hoa hoặc Tây Ban Nha, chẳng có lông vũ hoặc áo khoác lông (những váy áo chật ních, những chiếc măng tô ăn diện), ít những hoá trang nguyên lai; những bước đi vụng về, những điệu múa dở dang, cô nàng không ngừng sững lại, và nhất là lúng túng “về kỹ thuật” (cởi mãi mới được chiếc quần lót, chiếc váy, chiếc nịt vú) khiến cho các động tác thoát y bất ngờ lôi cuốn sự chú ý, cô nàng không được nghệ thuật đánh lạc hướng, không được đồ vật che chắn, cô nàng bị bối rối thiếu tự tin và e sợ.

Thế nhưng, ở Moulin-Rouge* lại nổi lên kiểu xua đuổi khác, có lẽ điển hình cho Pháp, kiểu xua đuổi nhằm chế ngự tính chất khiêu dâm hơn là xoá bỏ nó: người giới thiệu cố làm cho ai nấy an tâm theo kiểu tiểu tư sản với thoát y vũ. Trước hết, thoát y vũ là môn thể thao: có Câu lạc bộ Thoát y vũ, tổ chức những cuộc tranh tài lành mạnh với các vũ nữ thoát y đoạt giải được tôn vinh, được trao tặng những phần thưởng bổ ích (một khoá học thể dục miễn phí), một cuốn tiểu thuyết (chỉ có thể là cuốn Kẻ nhìn trộm* của Robbe-Grillet) hoặc những thứ hữu ích (một đôi tất ny lông, năm ngàn franc). Và rồi, thoát y vũ được xem như một nghề (mới vào nghề, bán chuyên nghiệp, chuyên nghiệp), nghĩa là được xem như việc hành nghề chuyên môn vẻ vang (các vũ nữ thoát y là những cô thợ lành nghề); thậm chí người ta có thể còn hoá phép xem đấy như một thiên hướng: cô nàng này nọ đang “đi đúng hướng” hoặc “đầy hứa hẹn”, hoặc trái lại, “bước những bước đầu tiên” trên con đường chông gai của thoát y vũ. Cuối cùng và đặc biệt, các vũ nữ tranh tài đều có công ăn việc làm trong xã hội: cô này là nhân viên bán hàng, cô kia là thư ký (có rất nhiều thư ký trong Câu lạc bộ Thoát y vũ). Thoát y vũ ở đây trở lại sàn diễn, trở thành quen thuộc, được tư sản hoá, như thể người dân Pháp, ngược lại với công chúng Mỹ (ít ra như lời thiên hạ đồn đại), và theo xu hướng không thể kìm nổi ở cương vị xã hội của họ, chỉ có thể quan niệm tính chất khiêu dâm như một đặc tính nữ công, được viện lý do bảo lãnh là môn thể thao hàng tuần hơn là lý do cảnh tượng huyền ảo: vì vậy mà ở Pháp, thoát y vũ được dân tộc hoá.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer