Cách nay đã lâu, qua khỏi những dãy núi rất xa, giữa hai ông vua có chuyện xung đột và ông vua nước mạnh đã tuyên chiến với ông vua láng giềng, như thường xảy ra trong những trường hợp như vậy. Thần dân của hai nước vì vậy phải chém giết nhau và ông vua nước thắng trận có lẽ đã đúng. Dĩ nhiên là ông vua nước yếu không muốn có chiến tranh lắm, không phải vì thương xót những người lính tội nghiệp của mình mà vì địch thủ có quân đội lớn mạnh hơn sẽ thắng. Vì vậy ông gởi thông điệp sau đây:
– Dân của chúng ta giết nhau thì có ích gì? Chúng ta không thể giải quyết sự bất đồng mà không cần đổ máu sao? Tại sao phải đưa thần dân tới chỗ chết không có lý do? Ta nên cho họ một công việc phải hoàn thành thì hơn: nước nào có dân chúng tỏ ra khéo léo hơn sẽ thắng.
Đề nghị này không làm ông vua nước mạnh khó chịu lắm, vì mỗi khi lâm chiến ông mất nhiều người mà sau đó ông rất cần. Nghề thủ công sẽ không phát đạt nữa và đất nước chịu đói kém và nghèo khổ trong một thời gian dài. Ông biết rằng thần dân của ông có bàn tay khéo léo và đầu óc minh mẫn. Hơn nữa, ông biết quí trọng người thông minh. Vì vậy ở hoàng cung có một nữ phù thủy là người khôn ngoan nhất nước. Bà ta là cố vấn của vua.
Vua cho gọi bà tới và nói:
– Hãy chỉ bảo ta làm sao để thắng nước láng giềng mà không cần tới chiến tranh. Hãy tìm ra một công việc mà dân của họ không làm được. Nếu dân ta tỏ ra tài giỏi hơn đối thủ, chúng ta sẽ chiếm được nước láng giềng không cần tới chiến tranh.
Nữ phù thủy suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Trong nước của đức vua có nhiều người Di-gan. Dân Di-gan là thợ rèn giỏi. Hãy ra lệnh cho họ chế tạo một chiếc xe bằng sắt, không chỉ chắc chắn mà còn phải chạy nhanh và dễ điều khiển. Dân của nước láng giềng cũng phải làm việc đó. Sau đó, vua cho tổ chức đua xe. Xe nào tới trước và chịu được sự va chạm mạnh nhất sẽ thắng.
Ý kiến này cũng không làm nhà vua khó chịu. Ông ban thưởng bà phù thủy và cho vua láng giềng biết phải chế tạo chiếc xe. Sau đó ông cho gọi tất cả thợ rèn tới và bảo người nào rèn được một chiếc xe sắt chắc chắn nhưng đồng thời phải nhanh, nhẹ, dễ điều khiển, sẽ được trọng thưởng.
Vua nước láng giềng cũng giao phó công việc đó cho thợ rèn của mình. Một trong số thợ rèn có một thợ phụ là người Di-gan. Người học việc này là một đứa trẻ bị bỏ rơi và không có cả tên. Vả lại anh ta cũng không cần tên lắm, vì người chủ thợ rèn đã nuôi anh từ nhỏ luôn luôn gọi anh là ”đồ Di-gan”. Nhưng thằng bé khéo léo và thông minh dầu không biết đọc cũng không biết viết. Người thợ rèn đã sớm giao cho anh những công việc khó khăn nhất.
Khi người học nghề được mười tám tuổi, anh đã biết nghề hơn chủ. Nhưng anh không được một xu tiền công và người chủ cũng không muốn cấp chứng nhận lành nghề cho anh. Ông ta sợ khi đã thành người thợ lành nghề, anh thanh niên Di-gan không còn thân thiết với ông và có thể bỏ ông.
Khi người thợ rèn nghe lệnh vua, ông ta bảo vợ nấu một nồi thịt hầm thật ngon, rồi gọi anh thợ học nghề tới, bảo:
– Anh có thể một mình ăn hết nồi thịt này nếu anh rèn được cho ta một chiếc xe sắt chắc như đá, nhưng cũng phải nhanh và dễ điều khiển: Anh nghĩ có làm được không?
– Sao lại không? anh Di-gan trả lời.
Anh ngốn hết nồi thịt hầm ngay; anh còn xin bà chủ cho anh bánh mì và anh vét nồi sạch đến nỗi người ta không cần phải rửa. Kế đó anh nói:
– Thưa ông chủ, nếu ngày nào ông cũng cho tôi ăn như vầy, ông sẽ ngạc nhiên về những việc tôi có thể làm.
– Được, ngày nào anh cũng sẽ ăn như vầy và ta sẽ mua quần áo đẹp và giày mới cho anh.
– Nhưng ông cần chiếc xe đó để làm gì? anh hỏi.
– Đây là một cuộc thi để ta có thể cấp bằng chứng nhận cho anh – ông chủ trả lời.
Thế nên anh Di-gan hăng hái làm việc. Bữa trưa và bữa tối, anh ăn bằng bốn người, nhưng cả ngày anh làm việc không ngừng đến nỗi những tia lửa bắn tung tóe đầy lò rèn. Anh hát và huýt, gió vui vẻ trong khi làm việc và công việc tiến triển thấy mà thích.
Cuối cùng anh làm xong chiếc xe: Ông chủ xem xét và nhận thấy đó là một tác phẩm chưa lừng có. Thùng se trơn nhẵn, làm bằng một tấm sắt mỏng, không có một vết trầy và không một bọt khí. Gọng xe uyển chuyển và chắc chắn có thể đóng tới mười hai con ngựa và bánh xe sắt quay quanh trục nhanh như con vụ.
Người thợ rèn đóng con ngoẽo ốm ô của anh vào xe, nhưng nó kéo cái xe cũng không khó khăn chút nào. Ông ta đánh xe tới hoàng cung. Vài người thợ rèn cũng đem xe của họ tới, nhưng không có chiếc nào chắc chắn và dễ điều khiển như chiếc của anh thợ học nghề. Vua trả một số tiền lớn cho người thợ rèn. Ông ta đi mua một đống quần áo đẹp cho vợ và cho mình, nhưng chỉ nhân tiện mua ở tiệm giẻ rách một số quần áo và giày cho người thợ học nghề như đã hứa.
Nhưng anh thợ Di-gan vẫn rất hài lòng vì quần áo anh đang mặc đã rách mướp và giày thì anh chưa từng mang từ lúc ra đời tới giờ. Anh cám ơn ông chủ và, sau đó anh hỏi về bằng chứng nhận của anh.
– Sao mà gấp vậy? Anh không vui lòng ở nhà ta nên muốn ra đi sao.
– Tôi không muốn đi đâu, nhưng ông đã hứa cấp cho tôi bằng chứng nhận khi tôi chế được chiếc xe mà ông đã đem bán ở thành phố.
– Ta có nói là ta không cấp bằng cho anh đâu. Nhưng ta nghĩ rằng bây giờ không phải là lúc cháy nhà và anh có thể chờ vài ngày hoặc vài tuần để ta có đủ thì giờ!
Rồi người thợ rèn quay lưng, bỏ đi.
Anh Di-gan thở dài và trở lại làm việc. Lúc đó có một người khách vào lò rèn, yêu cầu đóng móng ngựa. Trong khi anh thợ làm việc, người khách cho biết tin tức ở thành phố. Ông nói:
– Này anh bạn, chủ anh là người thợ khéo. Ông đã chế tạo một chiếc xe sắt cho đức vua và người trong nước đã tới xem. Chuyện đó không phải là lạ. Mọi sự phụ thuộc vào chiếc xe đó, vì nhờ nó chúng ta có thể thắng cuộc chiến tranh.
– Cuộc chiến tranh nào? anh Di-gan không hiểu.
– Anh không bao giờ ra khỏi lò rèn và làm việc nhiều đến nỗi không biết chuyện gì xảy ra trên đời nữa. Người khách kể cho anh nghe sự thỏa thuận giữa hai ông vua. Thế là anh Di-gan biết ràng đích thân đức vua đã mua chiếc xe của anh, vì nó là chiếc xe tốt nhất. Người khách cũng nói rằng đức vua muốn đóng mười hai con ngựa bạch giỏi nhất của mình cho cuộc đua xe. Cuộc đua sẽ diễn ra ở biên giới giữa hai nước. Hai chiếc xe sẽ xuất phát từ hai điểm cách đều biên giới. Chiếc nào tới trước sẽ được coi là chiếc xe nhanh nhất. Nhưng tại biên giới, hai chiếc xe phải đâm vào nhau. Sau tai nạn, chiếc nào không bị hư hỏng sẽ được coi là chiếc xe chắc chắn nhất. Chiếc xe nào đạt được cả hai thắng lợi, chủ của nó sẽ là người thắng trận.
Khi người khách đi rồi, anh Di-gan cởi bỏ chiếc tạp dề, mặc quần áo mà chủ anh mua ở thành phố, mang cả giày nữa, và ra đi. Bây giờ anh đã biết tại sao chủ anh bảo anh rèn chiếc xe và lý do ông ta cho anh ăn rất ngon trong những ngày gần đây. Chủ anh nhất định đã nhận được nhiều tiền của vua, thế mà ông ta chỉ mua cho anh quần áo rách. Tệ hơn cả, ông ta không cấp cho anh bằng chứng nhận mà ông ta đã hứa từ nhiều năm nay.
Anh Di-gan đi thẳng tới hoàng cung. Một đám đông chen chúc trên một khoảng đất rộng. Mọi người nhìn chiếc xe sắt và thán phục công trình chế tạo. Anh Di-gan thấy rõ đó là chiếc xe anh đã rèn nên. Anh thúc khuỷu tay chen vào đám đông để tới gần tác phẩm của mình. Anh lắng nghe người ta nói…
– Với cái này, chắc chắn chúng ta sẽ thắng trận – một người khẳng định. Suốt đời tôi chưa thấy chiếc xe nào đẹp bằng.
– Và ngựa của nhà vua chạy rất giỏi – một người nữa nói. Đó là người giữ ngựa của vua.
– Tôi đánh cuộc bất cứ thứ gì là với chiếc xe này, ngựa của chúng ta sẽ tới biên giới trước.
– Và chúng sẽ chạy nhanh hơn nữa nếu tôi đóng móng cho chúng – anh Di-gan xen vào.
– Anh là ai? Người giữ ngựa hỏi.
– Là người học nghề thợ rèn đã đóng chiếc xe này – anh trả lời.
Thế là mọi người xúm lại khen ngợi anh.
– Đức vua đã trả cho anh bao nhiêu? một người hỏi.
– Tôi không được gì cả – anh nói. Chủ tôi đã bỏ túi tất cả số tiền và chỉ mua cho tôi những thứ áo quần và giày dép này…
– Đi với tôi, anh bạn nhỏ, tôi sẽ đưa anh gặp đức vua – người giữ ngựa nói.
Anh ta nắm tay anh Di-gan, dẫn anh đi gặp đức vua.
– Cậu trai này xác nhận rằng chính cậu ta đã chế tạo chiếc xe mà đức vua đã mua của chủ cậu ta, còn cậu ta thì không được gì cả – người giữ ngựa nói.
Vua nhìn hai bàn tay của anh Di-gan.
– Ta thấy rằng anh đúng là một người thợ rèn. Nếu quả thật chủ anh không trả công anh, anh hãy đi thưa với pháp quan.
– Tôi không muốn kiện cáo. Nhưng tôi nghe rằng ngựa của đức vua sẽ chạy thi. Cho phép tôi đóng móng sắt cho chúng và đức vua sẽ thấy chúng chạy nhanh hơn gió.
Nhà vua chấp thuận. Ông cho anh một túi vàng:
– Ta ứng trước một phần lương của anh.
Từ trước tới nay, chưa bao giờ anh Di-gan thấy một món tiền lớn như vậy.
Vì đức vua ban thưởng tôi trọng hậu như vậy, tôi xin hiến thêm một lời khuyên. Xin đức vua ra lệnh bọc sắt con đường ngựa sẽ chạy thi. Xe của đức vua chắc chắn sẽ tới đích trước nhất.
– Đó không phải là ý kiến dở – vua nói – nhưng cuộc đua sẽ diễn ra trong vài ngày nữa. Ai có thể chế tạo một tấm thảm sắt dài nhanh như vậy?
– Xin đức vua ra lệnh cho tất cả thợ rèn bắt đầu làm việc ngay – anh Di-gan khuyên. Nếu họ làm việc ngày đêm, chắc chắn họ sẽ làm xong đúng hạn. Nếu đức vua bằng lòng, tôi sẽ trông nom để họ làm việc nhanh và tốt.
– Anh thông minh lắm – nhà vua nói. Nếu anh muốn, anh hãy ở lại với ta. Anh sẽ là cố vấn của ta.
Anh thợ Di-gan ở lại. Ngay hôm đó, nhà vua bổ anh làm chức cố vấn thứ nhất kiêm võ quan của tổ chức thợ rèn. Anh thợ học việc cũ bấy giờ đã có tương lai xán lạn. Nhưng anh không để mất thì giờ. Anh cẩn thận đóng móng cho những con ngựa đua của nhà vua và trông nom việc chế tạo tấm thảm sắt. Thợ rèn của cả nước đập sắt suốt ngày đêm. Trong số đó có cả người chủ cũ của anh Di-gan. Đó là người thợ chậm chạp nhất và vụng về nhất, và ông ta không nhận ra viên võ quan có quyền khiển trách ông ta nặng nề chính là anh thợ học việc cũ. Một hôm khi viên cố vấn mới của đức vua tới chuồng ngựa, anh gặp công chúa ở đó. Nàng nhìn kỹ anh và thấy anh dễ thương. Và vì nàng rất tò mò, nàng hỏi ngay anh là ai. Anh Di-gan giải thích và hỏi lại lai lịch của nàng. Công chúa ngạc nhiên:
– Tôi là công chúa mà, anh không biết tôi sao? Ngày nào đó hãy tới thăm tôi.
Anh Di-gan hứa sẽ tới. Nhưng trong lúc đó, ngày thi xe đã tới. Hai vị quốc vương, cố vấn của họ và các truyền cáo sứ gặp nhau ở biên giới hai nước. Hai vua lạnh nhạt bắt tay nhau, rồi quay lưng và ra hiệu cho các truyền cáo sứ. Kèn lệnh nổi lên cùng một lúc. Các chiến xa lập tức phóng đi…
Anh Di-gan đã được vua cho phép điều khiển những con ngựa mà anh đã đóng móng sắt. Những con ngựa bạch của đức vua chạy rất giỏi. Nhưng ngựa của đối phương, những con ngựa ô thuần chủng hăng hái, cũng không kém. Xe của đối phương cũng được chế tạo hoàn hảo và nếu không có tấm thảm sắt, có lẽ những con ngựa ô đã thắng, vì bà phù thủy tinh ranh đã cho chúng ăn kiều mạch trộn với dược thảo nên chúng có sức hăng hái man dại. Cũng phải nói rằng anh Di-gan biết cách điều khiển ngựa hoàn hảo. Chúng chạy trên thảm sắt nhanh như gió. Bà phù thủy ngồi bên cạnh vua giận run khi thấy tấm thảm sắt. Bà ta mất bình tĩnh vì đã không tìm được cách nào thông minh như vậy. Nhưng bấy giờ không còn làm gì được, những con ngựa trắng và đen đang phóng như bay tới biên giới. Rõ ràng là những con ngựa bạch sẽ về đích trước. Hai chiếc xe tới gần nhau với tốc độ chóng mặt. Quả nhiên những con ngựa bạch vượt qua biên giới trước đúng một thân xe. Nhưng những con ngựa ô cũng đã tới. Vào lúc cuối cùng, trước khi hai xe đâm vào nhau, anh thợ Di-gan nhảy xuống đất. Ngay sau đó, sắt thép gầm thét, ngân nga khi hai xe đâm vào nhau và nghiêng ngã.
Khi ban giám khảo do hai bên chọn lựa cùng khảo sát, họ phải nhìn nhận sự thật hiển nhiên: xe của vua nước mạnh gãy gọng và sút mất một bánh, còn xe kia không một vết trầy xước. Và vì nó đã tới đích trước, hiển nhiên nó là chiếc xe thắng cuộc.
Như vậy vua nước yếu đã thắng. Đối phương giận như điên, nhưng không thể nuốt lời hứa. Người thắng và kẻ bại quay về nước.
Nhưng ông vua thua cuộc giận lắm và dọa đánh đòn mụ phù thủy vì mụ đã khuyên bậy.
– Xin đức vua đừng nóng – bà phù thủy nói. Lần này tôi không thành công, nhưng tôi sẽ tìm được mưu kế khác.
Sau đó ít lâu, ba sứ giả của ông vua thua cuộc tới triều đình của ông vua nước yếu, mỗi người mang một nhánh cây.
– Vua chúng tôi gởi ba nhánh cây này tới cho ngài – sứ giả nói – và ngài phải đoán ra nhánh nào được chặt trước, nhánh nào được chặt sau và nhánh nào tươi nhất. Nếu ngài không đoán được, vua chúng tôi sẽ tuyên chiến.
Nhà vua hoảng sợ. Ba nhánh cây giống hệt nhau. Ông yêu cầu sứ giả đợi một lúc và ông đi hỏi ý kiến cố vấn của mình. Khi nhà vua giải thích xong, anh Di-gan mỉm cười, nói:
– Dễ lắm. Xin đức vua ra vườn, tôi sẽ chỉ cách đoán.
Trong vườn có một hồ cá vàng. Quan cố vấn ném ba nhánh cây xương nước. Một nhánh chìm ngay, nhánh kia chìm chậm hơn nhưng nhánh thứ ba nổi trên mặt nước.
Nhánh chìm đầu tiên đã được chặt trước, vì gỗ khô chìm dễ hơn gỗ tươi. Vì vậy, nhánh chìm chậm hơn được chặt sau và nhánh nổi còn tươi nhất.
Anh vớt các nhánh cây lên và lấy dao làm dấu. Nhà vua trở lại gặp các sứ giả, trả các nhánh cây được đánh dấu và cho họ về.
Khi đối phương thấy vua láng giềng tìm được lời giải đáp, ông ta giận lắm. Ông cho đòi bà phù thủy cố vấn tới và hét lớn:
– Vua láng giềng cũng thông minh như ngươi ? Ông ta đã đoán được.
– Ông ta không tự mình tìm ra lời giải đâu – bà phù thủy nói. Không ông vua nào trên đời có đủ trí khôn để biết được chuyện như vậy. Nhất định có người chỉ bảo ông ta. Hãy đặt cho ông ta một câu hỏi khó hơn và xem lần này ông ta làm sao thoát được.
Sau đó ít lâu, các sứ giả lại mang ba con ngựa tuyệt đẹp tới triều đình.
– Vua chúng tôi bảo nói với ngài rằng ngài phải đoán xem con ngựa nào già nhất, con ngựa nào có tuổi trung bình và con ngựa nào non nhất. Nếu ngài không đoán được, vua chúng tôi sẽ tuyên chiến.
Ba con ngựa giống hệt nhau và nhà vua rất bối rối. Ông yêu cầu sứ giả kiên nhẫn và ông chạy đi tìm cố vấn.
– Dễ đoán thôi – anh Di-gan mỉm cười.
– Anh bảo đem tới một nắm kiều mạch, một nắm đại mạch và một nắm cám. Anh để ba thứ dưới đất và nói:
– Thả ba con ngựa ra, để cho mỗi con chọn thứ nó thích. Một con ngựa đi thẳng tới nắm kiều mạch, một con chọn cám và con thứ ba, đại mạch. Con ngựa đã chọn kiều mạch là con thông minh nhất, vậy chắc chắn là con ngựa già nhất. Con ăn cám có tuổi trẻ hơn và con thích đại mạch là con khờ nhất, vì vậy cũng trẻ nhất.
Anh đánh dấu ba con ngựa và nhà vua trả chúng cho các sứ giả.
Khi bà phù thủy thấy nhà vua tìm được lời giải, bà tức mình suýt ngạt thở. Khi bình tĩnh lại, bà nói:
– Người cố vấn cho ông vua này là người hiểu biết về loài ngựa hơn cả tôi nữa. Đó chỉ có thể là một người Di-gan. Tôi phải tới đó để xem phải xử trí ra sao.
Thế nên bà phù thủy cải trang làm bà thầy bói, tới gặp ông vua láng giềng. Bà ta xin đoán tương lai cho vua. Vua đưa bàn tay trái cho bà xem. Bà cau mày:
– Đức vua nguy rồi. Trong đám thân cận của ngài có một người thông minh hơn ngài; y sẽ làm hại ngài để chiếm ngôi. Phải trừ khử y ngay, nếu không ngài khó tránh khỏi cái chết.
Nhà vua sợ lắm. Khi bà thầy bói đi rồi, ông tự hỏi ai có thể là người muốn làm hại ông. Còn ai khác hơn viên cố vấn Di-gan! Anh ta ở trong số người thân cận và thông minh hơn ông, vì anh ta chỉ bảo ông mọi chuyện. Thế nên vua ra lệnh bắt anh Di-gan nhốt vào một cái tháp. Nhưng vì ông sợ trí thông minh của anh nên ông cho gọi thợ nề tới, ra lệnh cho họ xây tường bít kín cái tháp lại. Như vậy tù nhân không thể trốn thoát, dầu anh ta có là người tinh ranh nhất. Trong khi thợ nề xây tường, công chúa nhìn qua cửa sổ và hỏi họ đang làm gì.
– Chúng tôi xây tường nhốt đệ nhất cố vấn của đức vua – thợ nề trả lời.
– Có phải đó là người chế tạo chiến xa giúp chúng ta chiến thắng không?
– Chính anh ta.
– Vậy tại sao các ngươi muốn nhốt anh ta?
– Đó là lệnh vua.
– Tại sao vua lại muốn giết người luôn luôn chỉ dẫn mình cách thoát khỏi mọi khó khăn?
– Chúng tôi không biết – đám thợ trả lời và tiếp tục làm việc.
Công chúa bảo người thợ ở gần nàng nhất:
– Anh lại đây. Nếu anh làm cách nào có một viên gạch gỡ ra được trong bức tường bên phía cửa sổ thấp nhất, tôi sẽ cho anh chiếc nhẫn này.
Nàng cho anh ta thấy chiếc nhẫn có một viên kim cương lớn.
Người đó hứa sẽ không tô hồ viên gạch.
Anh chàng Di-gan tội nghiệp không biết tại sao mình bị giam cầm. Anh suy nghĩ nát óc cũng không tìm được lý do khiến đức vua muốn giết anh. Tất cả những lời khuyên của anh đều đã phục vụ đắc lực cho đức vua!
Thình lình, hình như anh nghe tiếng động nhẹ; anh nhìn tới chỗ có cửa sổ thấp nhất ở nơi giam cầm anh và anh thấy gì? Bức tường có một lỗ hổng và có một người đang nhìn vào trong tháp. Và anh nghe một giọng nói có vẻ quen quen.
– Tôi là công chúa đây – một giọng phụ nữ dịu dàng. Tôi đem đồ ăn cho anh.
Anh Di-gan vui mừng tới gần tường, chỗ viên gạch được gỡ ra. Công chúa đưa qua lỗ hổng một đĩa thịt ngỗng nướng. Chúa ơi, ngon quá! Anh Di-gan ăn ngon lành trong khi công chúa nhìn anh với nét mặt hài lòng. Khi anh ăn xong, nàng nói:
– Chính tôi đã cho làm cái cửa nhỏ này trên tường. Tôi sẽ tới thăm anh mỗi ngày và đem đồ ăn ngon cho anh.
– Cô tử tế lắm – người tù cám ơn. Nhưng làm ơn cho tôi biết tại sao đức vua trừng phạt tôi độc ác như vậy. Tôi đâu có làm gì bậy.
– Có lẽ người nào đó đã nói xấu anh với đức vua. Cha tôi thường quyết định hơi vội vàng. Tôi không biết ông giận anh chuyện gì, nhưng tôi sẽ tìm hiểu và sẽ cố nói chuyện phải trái với ông. Từ nay tới lúc đó, anh phải sống, bằng cách này hay cách khác.
Trong lúc đó, bà phù thủy đã trở về nước. Bà nói với ông vua nước mạnh:
– Tôi đã làm cho người cố vấn của kẻ thù không còn khả năng làm hại chúng ta. Bây giờ tôi sẽ đưa ra cho ông ta một việc mà chắc chắn ông ta không làm nổi.
Sau đó ít lâu, mười hai thanh niên sang trọng và giống hệt nhau ra mắt đức vua. Một người nói:
– Hoàng tử, con trai duy nhất của vua chúng tôi, có mặt trong số mười hai người. Đức vua đoán xem người nào là hoàng tử. Nếu ngài lầm, vua chúng tôi sẽ tuyên chiến.
Bấy giờ nhà vua rất cần một lời chỉ bảo. Làm sao ông có thể đoán được người nào là con của kẻ thù trong khi mười hai người giống hệt nhau. Ông yêu cầu các sứ giả để cho ông suy nghĩ ít nhất một ngày. Các thanh niên chấp nhận và ông cho tiếp đãi họ trong hoàng cung. Sau đó ông đi tìm công chúa để cho cô biết hoạn nạn mới này. Công chúa chăm chú nghe ông rồi nói:
– Vấn đề lần này khó thật. Đáng tiếc là cha đã cầm tù cố vấn của cha. Có thể anh ta sẽ giúp cha được.
– Người ta nói với cha rằng y muốn làm hại cha – ông thở dài.
– Ai đã nói thế? công chúa hỏi.
– Một người đàn bà báo rằng ta sẽ chết nếu không trừ khử một người thân cận làm cố vấn cho ta.
– Cha thấy chưa? Có thể nói rằng ông vua đã đưa những câu đố cho cha và đe dọa gây chiến với cha, cần phải trừ khử người cố vấn của cha, hơn cả cha nữa.
– Ta đã không nghĩ tới chuyện đó! Nhà vua kêu to. Ta thấy rằng ngay con gái của ta cũng thông minh hơn ta nữa.
– Có lẽ cha cũng sắp cầm tù con – công chúa chế nhạo. Con sợ rằng, nếu cha muốn trừ khử hết những người thân cận thông minh hơn cha, chắc cha sẽ cảm thấy cô đơn ngay trong nhà của mình.
Nhà vua cảm thấy rất bối rối và một lúc sau ông nói:
– Thật tình cha tin rằng cha đã hành động hơi hấp tấp… Nhưng làm sao bây giờ? Phá bỏ bức tường ư? Anh chàng khốn khổ đó hẳn đã chết đói từ lâu rồi. Có thể là chưa. Cha vẫn có thể thử xem.
Nhà vua ra lệnh phá bức tường xây quanh tháp. Ông ngạc nhiên khi người ta dẫn người tù tới: anh ta sống nhăn và không có vẻ ốm đói chút nào.
– Anh hãy tha lỗi cho ta – vua nói. Ta hối tiếc đã giam cầm anh và ta muốn chuộc lỗi nếu anh vui lòng chỉ bảo ta một lần nữa.
Rồi ông cho anh biết chuyện mười hai thanh niên. Anh Di-gan suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Hãy mời cả mười hai người dự tiệc. Thay vì muỗng nĩa bạc, hãy cho họ dùng muỗng sắt. Nếu họ phản đối, nói với họ rằng đức vua đã phải bán hết đồ vàng bạc để chế tạo chiếc xe. Người nào vẫn không chịu ăn bằng muỗng sắt người đó chính là hoàng tử. Chớ có thả anh ta ra, ngược lại phải giam anh ta thay chỗ của tôi.
– Nhưng đó là con trai duy nhất của vua láng giềng – nhà vua nói. Nếu ta làm theo lời anh, ông ta sẽ nổi giận và tuyên chiến.
– Ông ta đã đe dọa ngài khá đủ rồi – viên cố vấn nói – và, để thay đổi, nếu ngài đe dọa lại thì cũng không có hại gì cho ông ta đâu. Chính vì đó là con trai duy nhất của ông ta, nên ông ta sẽ không để người thừa kế phải chết đói trong tù, chuyện đó nhất định phải xảy ra nếu ông ta tuyên chiến, vì không ai có thể không ăn uống suốt một cuộc chiến tranh. Ngài hãy cho ông ta biết ngài sẽ thả hoàng tử ra ngay nếu ông ta đưa người đàn bà cố vấn của ông ta tới để trao đổi. Đó là mụ ác phụ đã bày ra tất cả những câu đố. Và chắc chắn chính mụ đã khuyên ngài cầm tù tôi.
– Làm sao anh biết được tất cả chuyện này? nhà vua ngạc nhiên.
– Một con chim nhỏ bay quanh tháp đã cho tôi biết, trước khi đức vua cho xây tường – anh Di-gan nói.
Dĩ nhiên không phải một con chim nhỏ mà chính công chúa đã cùng anh bày ra mưu kế đó.
Nhà vua theo lời khuyên của anh Di-gan. Ông mời mười hai thanh niên dự tiệc, cho họ ăn bằng muỗng sắt. Những người khách bất bình nói:
– Sao? Chúng tôi phải ăn bằng muỗng sắt ư? Tại sao ngài không cho chúng tôi dùng thìa nĩa xứng đáng?
– Bởi vì ta không còn thìa nĩa bạc nữa – nhà vua trả lời. Ta đã nghèo đi vì vua các ngươi không ngừng đe dọa gây chiến với ta. Ta phải nuôi một đạo quân tại ngũ rất tốn kém. Vậy thì các anh nên có gì ăn nấy. Ngay ta là vua mà cũng chỉ có một cái muỗng sắt thôi.
Các vị khách xì xào, nhưng khi đầu bếp dọn thức ăn, mùi thơm khêu gợi quá nên các thanh niên không cưỡng nỗi. Họ lần lượt cầm muỗng và thưởng thức món ăn. Chỉ có một người giữ vẻ mặt bực bội, không cầm muỗng, không nếm một miếng. Thế là đức vua đứng dậy, tức giận hét lớn:
– Có thứ gì ngon nhất thì ta đã đem mời, thế mà ngươi không thèm nếm món ăn của ta. Ngươi là hoàng tử! Nhưng ta sẽ cho giam ngươi vào một cái tháp và bít kín tường vì người đã dám xúc phạm ta. Các người khác về đi và nói lại cho vua các ngươi biết. Giải thích với ông ta rằng nếu ông không muốn con mình chết đói trong tù thì phải đưa ngay mụ cố vấn của ông tới đây. Nếu không, ta sẽ không thả hoàng tử ra.
Khi mười một thanh niên đem tin về cho vua của họ, ông giận quá nên đã cho đánh đòn mụ phù thủy. Kế đó ông ra lệnh cột bà ta lên lưng ngựa, giải đi nạp ngay cho ông vua láng giềng. Ngoài ra, ông còn gởi một xe đầy vàng ngọc để làm quà hòa giải. Ông cũng báo rằng ông sẽ không bao giờ tuyên chiến nữa và ông sẽ chung sống trong hòa bình và thân hữu, nếu vua láng giềng vui lòng thả con ông.
Đức vua của chúng ta rất sung sướng khi nhận được quà và thư của người từng là kẻ thù ghê gớm nhất từ trước tới giờ. Ông thả ngay hoàng tử ra và đối đãi như thượng khách, tiệc tùng trọng hậu đến nỗi hoàng tử không còn hờn giận. Khi đức vua giải thích mọi chuyện, chàng phải nhận rằng cha mình đã hành động không đúng lắm và vị vua láng giềng có quyền tự vệ. Chàng hứa rằng, khi lên ngôi, chàng sẽ không gây chiến với ai cả và sẽ sống hòa hảo với mọi người.
Nhà vua cho giam mụ phù thủy vào ngôi tháp mà người xây tường bít kín. Sau đó ít lâu, cố vấn người Di-gan cưới công chúa. Khi vua cha già và chết, anh Di-gan lên ngôi. Anh cai trị công bằng và khôn ngoan và sống hòa thuận với nước láng giềng. Hai vị vua trẻ thường thăm viếng nhau và nói với nhau rằng những người tiền nhiệm của họ đã sai lầm biết bao khi gây chiến và làm cho đất nước điêu linh. Dân hai nước rất hài lòng và mọi chuyện diễn ra tốt đẹp như trong chuyện thần tiên.