Thời gian trôi.
Mới đó mà đã bảy năm. Dĩ vãng đi thụt lùi vào bóng tối. Cái chết của Trung Châu Nhất Kiếm Âu Dương Bình và người bịt mặt cũng bị mọi người lãng quên, không còn ai nhớ đến.
Trong rừng võ lâm, chỉ còn lại tiếng tăm của Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh được giới quần hùng ngưỡng mộ. Với tiếng tăm ấy Đàm Minh đã phát triển Phi Long tiêu cục của mình lan dần khắp một vùng rộng lớn, từ Giang Nam đến miền Bắc Trung Hoa.
Có thể nói đó là một việc làm hi hữu từ xưa đến nay chưa từng thấy.
Đối với Đàm Minh, khi thanh danh đã đến mức ấy thì những anh hùng hào kiệt khắp nơi quy tụ dưới tay ông không ít, vì vậy ông ta chỉ cần duy trì thanh danh để bảo vệ tổ chức của mình, rồi sai những tay con cháu bộ hạ đi bảo tiêu, còn mình thì nằm nhà hưởng lạc.
Dần dà những con cái của các tiêu đầu được ông ta đem về nuôi dưỡng cũng lớn lên dần. Hàng tháng, số tiền tiêu phí càng tăng. Tuy nhiên, nhờ việc làm của tiêu cục phồn thịnh nên không một ai sống trong tiêu cục mà bị vất vả, túng thiếu.
Đàm Minh lại không vì sự giàu sang của mình mà không chú ý đến tương lai của những kẻ hầu mình, do đó, trong cơ quan của tiêu cục có mở ra những lớp luyện võ để cho mọi người lớn lên có cơ hội tham gia trau dồi võ học. Võ đường thu hút rất đông. Phần nhiều là con cái các tiêu đầu muốn đạt đến một bản năng nào đó để nối dõi gia môn.
Bấy giờ vào tiết xuân!
Võ đường đông như hội! Mỗi sáng, từng đám môn sinh ba bốn mươi người, toàn là lứa tuổi từ mười ba đến mười sáu, mười bảy thi nhau luyện võ, trai có gái có, rất tấp nập. Sự đông đảo ấy đã làm cho lứa tuổi thiếu niên đua tranh với nhau rất mau tiến bộ.
Trong số các thiếu niên ở võ đường tiêu cục Phi Long ai cũng để ý đến một chàng trai khá đẹp, trạc mười lăm mười sáu tuổi, người không cao lắm, mặt sáng, mắt tròn, đôi mày xanh biếc, da mặt mịn hồng. Thiếu niên này tên Bùi Khương, con trai duy nhất của Bùi Dương, một vị tiêu đầu trước kia bị người bịt mặt hạ sát ở phía Nam thành Bắc Kinh, được Đàm Minh đem về nuôi dưỡng.
Nhưng, nếu mọi người chú ý đến sắc đẹp tuyệt trần của chàng thiếu niên Bùi Khương thì người ta cũng lại chú ý đến sự ngu đần, vụng về của chàng trai đó.
Trong một lứa với Bùi Khương chỉ có Bùi Khương là học hành lôi thôi, chậm tiến hơn cả. Tuy mỗi sáng chàng thức dậy sớm, ra công luyện tập suốt ngày nhưng học trước quên sau, thành thử rốt cuộc vẫn cứ tập mãi môn “Thác Công Quyền” là môn võ học khai phá, dùng để tập cho nở gân, cứng xương mà thôi, không phải dùng để đánh đấm với ai cả.
Nhiều lúc Đàm Minh, Tổng tiêu đầu cũng có ý chỉ dạy cho chàng học tập, nhưng vì thấy chàng ngu đần quá, nên đâm chán, không muốn truyền thụ, chỉ bỏ mặc cho chàng ra sao thì ra.
Tình trạng như vậy kéo dài đã ba năm qua.
Rồi một hôm như thường lệ, mỗi buổi sáng Bùi Khương lại ra sân luyện tập.
Nhưng chỉ luyện qua một lần là mồ hôi của chàng đã toát ra cả vầng trán và y phục, đủ thấy chàng chưa luyện được một phần nội công nào cả.
Đưa tay áo lên lau mồ hôi đang chảy dài xuống má, trên nét mặt đỏ hồng và sáng sủa của Bùi Khương lộ vẻ buồn rầu tự nhủ :
– “Mình đâu phải là kẻ biếng nhác. Tại sao bao năm trời siêng năng luyện tập mà chẳng thấy tiến bộ gì cả?”
Rồi đôi mắt nhìn xa vời, chàng mỉm cười chua chát thốt :
– Chỉ tại mình quá ngu nên chẳng thu thập được những điều của Long Hình Bát Chưởng đã dạy đó thôi.
Cũng đôi khi, lão chủ Phi Long tiêu cục đã nói là Bùi Khương chậm hiểu, và dốt hơn bạn đồng lứa, nên mặc cảm của Bùi Khương lại càng cao hơn. Bởi vậy, chàng suốt ngày lầm lỳ ít nói, ít đùa cùng bạn đồng lứa.
Chín thiếu niên cùng luyện võ chung với chàng đã được Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh chia ra mỗi người một nơi để luyện tập. Lão cũng cấm không cho Bùi Khương đến xem các tiêu đầu khác luyện tập. Ông viện lẽ là không nên đến quấy rầy người khác luyện võ để cấm Bùi Khương.
Bùi Khương chỉ được luyện tập một nơi riêng biệt với một người bạn nhỏ là Viên Tố Châu, con gái của tiêu đầu Viên Nhật Lương, cô ta lớn hơn Bùi Khương một hai tuổi, nhưng lại rất thông minh. Viên Tố Châu đẹp nhất là đôi mắt to tròn và đen láy, tính tình rất ôn hòa và dễ thương. Vì thế nên chỉ có nàng là có thể hòa mình để tìm hiểu và an ủi Bùi Khương, nên hai người rất tương đắc.
Sáng nay Bùi Khương ra sân luyện tập có một mình, khi luyện xong chàng lại nghĩ đến thân phận côi cút của mình mà đứng lặng với niềm suy tư. Mẹ của Bùi Khương đã chết khi vừa sanh chàng, nên chàng không thể nào hình dung ra được khuôn mặt người hiền mẫu. Nhiều lúc quá tưởng tượng, Bùi Khương cũng chỉ thấy một bóng người lờ mờ trong tâm não để an ủi mà thôi.
Mãi suy nghĩ vẩn vơ mà trời đã bừng sáng tự lúc nào Bùi Khương cũng không để ý. Đột nhiên một viên sỏi từ xa bay lại trúng ngay đầu Bùi Khương, khiến chàng giật mình quay lại.
Một thiếu nữ áo túi, trạc tuổi chàng đang mỉm cười, trên khuôn mặt lộ vẻ trêu đùa, thấy mặt Bùi Khương ngơ ngác, cô ta vội nói :
– Phụ thân tiểu muội chê Bùi huynh kém thông minh nhất, cũng phải.
Bùi Khương mấp máy định nói, nhưng lại thôi. Thiếu nữ áo túi thấy vẻ lúng túng của chàng, liền đi lại gần vừa nói :
– Bùi huynh, học võ nghệ đã lâu, thế mà có người lén hại phía sau mà cũng không phát giác được. Nếu gặp kẻ thù thì táng mạng chứ còn đây?
Thiếu nữ áo túi nói xong liền cười thật là vui vẻ. Bùi Khương cũng chỉ mỉm cười không đáp. Vì đối với chàng không riêng gì cô áo túi bảo chàng ngu, mà mọi người từ lớn đến bé đều gọi chàng như thế. Điều này Bùi Khương cũng đã chấp nhận nên khi ai gọi chàng là ngu dốt, chàng chỉ mỉm cười mà thôi.
Thiếu nữ áo túi đó không ai khác hơn là Đàm Tiểu Kỳ con gái cưng của Tổng tiêu đầu Đàm Minh. Thấy Bùi Khương chỉ mỉm cười không đáp, Đàm Tiểu Kỳ lại hỏi :
– Bùi huynh luyện xong chưa?
Bùi Khương gật đầu không đáp, Đàm Tiểu Kỳ phụng phịu nói :
– Nói chuyện với Khương huynh cũng như nói chuyện với người câm.
Rồi không đợi chàng kịp nói, Tiểu Kỳ lại tiếp :
– Tiểu muội biết rồi. Khương huynh đâu thèm nói chuyện với Tiểu Kỳ, mà chỉ muốn nói chuyện với Tố Châu tiểu muội của Khương huynh thôi phải không?
Bùi Khương sợ Tiểu Kỳ hờn giận, chàng đáp nhanh :
– Tại sao Kỳ muội lại nghĩ cho tôi như thế? Tiểu Kỳ hay Tố Châu, tôi cũng đều xem như người thân cả.
Chỉ nói được như vậy, Bùi Khương lại ngượng ngùng đứng yên.
Đàm Tiểu Kỳ hài lòng, nét mặt tươi hẳn lên trông lại càng xinh đẹp hơn.
Bùi Khương đứng nhìn chăm chú Đàm Tiểu Kỳ, thân hình cô gái mới đẹp làm sao. Nước da trắng mịn làm nổi bật đôi mắt tròn đen láy, đôi môi đỏ đang mỉm cười và chân tóc đen láy đang phất phơ theo gió bay như một tiên nữ.
Thấy Bùi Khương nhìn mình chăm chú, Đàm Tiểu Kỳ bẻn lẻn quay đi, nàng lấy trong túi ra một trái cầu, kết bằng lông gà nhiều màu rất đẹp, nói với Bùi Khương :
– Khương huynh có chơi đá cầu với tiểu muội không?
Bùi Khương gật đầu đáp nhanh :
– Tiểu huynh thích lắm.
Vậy là hai người lại rút thăm và kết cuộc Đàm Tiểu Kỳ tung trước.
Trái cầu nhịp nhàng lên xuống, theo thân hình uyển chuyển của Đàm Tiểu Kỳ.
Bùi Khương chẳng thèm chú ý đến trái cầu mà lại ngẩn người nhìn vào khuôn mặt cô gái. Đôi mắt Tiểu Kỳ nhìn trái cầu không chớp, đôi môi nhỏ vừa cười vừa đếm thật là xinh xắn.
Chẳng biết Tiểu Kỳ tung được bao nhiêu. Đến khi Tiểu Kỳ thấm mệt là ngừng lại đếm to :
– Hai trăm chẵn rồi đó. Khương huynh hãy tung cầu đi. Nếu thua tiểu muội thì coi chừng đó.
Bùi Khương giật mình cười hỏi :
– Nếu tiểu huynh thắng thì sao?
Tiểu Kỳ liền đáp :
– Tùy theo Khương huynh định hình phạt cho người thua chứ sao lại hỏi tiểu muội.
Bùi Khương hớn hở :
– Được nhé. Tùy tiểu huynh định liệu, chứ đừng cãi lại nhé.
Rồi chàng cẩn thận tung cầu, Đàm Tiểu Kỳ đứng cạnh, chăm chú đếm.
– … hai… ba… bốn…
Lúc đầu nàng vừa đếm vừa cười vì nghĩ rằng chưa chắc Bùi Khương đá cầu đến hai trăm cái. Khi đếm đến một trăm chín mươi lăm… một trăm chín mươi sáu…
mà sức lực của Bùi Khương thì còn có thể tung thêm nhiều hơn nữa thì Đàm Tiểu Kỳ hết cười nổi. Nàng vội tung người lên xớt lấy trái cầu trong tay, mím môi không nói.
Bùi Khương cười hỏi :
– Tại sao thế? Tiểu muội định ăn gian đấy hả?
Thấy vẻ mặt vui vẻ của Bùi Khương, Đàm Tiểu Kỳ cười nói :
– Tiểu muội xin chịu thua.
Vừa nói Tiểu Kỳ vừa đi lại tựa vào thân cây, cạnh Bùi Khương đang đứng.
Mặt trời ban mai chiếu qua kẽ lá, rọi lên mặt Tiểu Kỳ đỏ hồng như trái đào tươi. Nàng đứng cạnh Bùi Khương khiến chàng thiếu niên bồi hồi trong lòng.
Bùi Khương và Tiểu Kỳ đứng cạnh nhau, Tiểu kỳ vội hỏi :
– Khương huynh định phạt tiểu muội gì đây?
Rồi nàng ngước nhìn Bùi Khương chờ đợi.
Chàng thiếu niên như lạc hồn vì đôi mắt đẹp của cô gái. Rồi không cầm được lòng chàng cúi đầu hôn nhẹ lên bờ má mịn màng, đang đỏ hồng vì ánh dương rọi chiếu.
Đàm Tiểu Kỳ bàng hoàng ngơ ngẩn trong giây lát, vì cử chỉ bất ngờ của Bùi Khương, nhưng rồi nàng lại khép mắt nghe lòng rung động nao nao.
Trong lúc hai người đang ở trong cảm giác lâng lâng, thì có một tiếng “hừ” lớn, khiến cả hai cùng giật mình quay lại.
Lão Tổng tiêu đầu Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh đang đứng nhìn hai người với vẻ giận dữ, lão lạnh lùng nói :
– Tiểu Kỳ, đi về phòng ngay.
Nói đoạn ông bước đi về sảnh đường.
Tiểu Kỳ mặt còn lộ vẻ sợ hãi liếc nhìn Bùi Khương, trên đôi mắt đôi hạt châu vừa đọng lại chực rơi xuống má. Nàng vội vàng bước theo thân phụ vào trong.
Bùi Khương xót xa khi thấy Tiểu Kỳ rơi lệ, chàng vô cùng buồn tủi, khi thấy lão Tổng tiêu đầu lúc nào cũng ngăn cấm Tiểu Kỳ chơi đùa thân mật với chàng.
Rồi chàng thầm nhủ: “Tiểu Kỳ chơi với những bạn đồng môn khác, Tổng tiêu đầu có ngăn cấm như khi nàng chơi với mình đâu!”
Nghĩ đến đây, chàng cúi đầu cất bước và thốt :
– Phải rồi! Tại ta ngu dốt nên ông ấy không cho quen biết với Tiểu Kỳ.
Nghĩ vậy, Bùi Khương chợt có ý định rời tiêu cục Phi Long để học hỏi, sau này thành tài sẽ trở về, để cho mọi người thấy rằng chàng không còn là một người ngu dốt nữa.
Nghĩ là làm, Bùi Khương chạy nhanh đến góc rào, phóng mình nhảy lên để ra ngoài.
Bùi Khương nhảy qua rào thì rơi xuống một đường hẻm nhỏ. Chàng biết rằng, nếu đi về phía tả là phải đi qua cổng chính của Phi Long tiêu cục, nên chàng phải rẽ về phía hữu mà đi.
Bùi Khương cúi đầu lầm lũi bước nhanh, chẳng buồn ngước lên nhìn hai bên.
Đi mãi, chàng đã đến một thị trấn. Buổi sáng nên hoạt động trong thị trấn rất tấp nập. Người qua lại mua bán thật nhiều. Bùi Khương đi qua một tiệm ăn, mùi xào nấu ngào ngạt tỏa ra khiến chàng thấy đói cồn cào trong dạ.
Vì rời Phi Long tiêu cục vội vã, nên giờ này Bùi Khương không có một dồng dính túi, khiến chàng cảm thấy lo ngại: “Không tiền ta có thể nhịn cơm trưa, nhưng chiều thì sao?”
Nỗi lo lắng khiến Bùi Khương đứng khựng lại thốt lên :
– Hôm nay nhịn được, còn ngày mai, ngày kia đành chết đói hay sao?
Lặng người với nổi băn khoăn, chợt một bàn tay vỗ nhẹ lên vai Bùi Khương khiến chàng giật mình quay lại.
Người vỗ vai Bùi Khương là một hán tử lạ mặt không quen biết và đang mỉm cười nhìn chàng. Thấy nụ cười khó hiểu của hán tử nọ và rồi Bùi Khương cảm thấy mất cả tự chủ và bước theo hán tử nọ, khi ông ta quay người bước đi.
Hán tử nọ lúc thì đi mau, lúc thì chậm, nhưng Bùi Khương vẫn bám sát, như có một ma lực nào khiến chàng không thể tách rời ra được.
Bùi Khương đi theo hán tử nọ đến một ngõ hẻm, hán tử nọ vội bước vào một căn nhà ở cuối hẻm nhỏ. Căn nhà nhỏ mùi hôi mốc bốc lên khiến Bùi Khương cảm thấy khó chịu. Khó chịu nhất là ba người đàn bà đang lớn tiếng cãi cọ nhau thật là thô bỉ, ở Phi Long tiêu cục Bùi Khương chưa được thấy cảnh này lần nào.
Tuy nhiên sự khó chịu chỉ thoáng qua thôi rồi chàng lại lâm vào trạng thái mơ màng như cũ và đi theo hán tử nọ vào một căn phòng.
Bên trong căn phòng chỉ đặt một chiếc giường rộng. Ngoài ra chẳng có vật gì khác.
Hán tử vẫn yên lặng không nói. Y kéo dưới gầm giường ra một cái thùng nhỏ, trong thùng toàn xếp quần áo của nữ nhi. Y chọn một cái áo đỏ thay áo ngoài cho Bùi Khương, rồi đẩy chàng lên giường.
Bùi Khương không có một phản ứng nào, chàng cứ nhìn như người mất hồn, cho đến lúc y rời khỏi phòng và khóa cửa lại.
Bùi Khương nằm ở trên giường chẳng biết bao lâu thì chợt cửa phòng xịch mở, và một đại hán mập mạp tiến vào. Tên đại hán miệng sực nức mùi rượu nằm cạnh Bùi Khương và đưa tay cởi áo ngoài của chàng, với một cử chỉ hết sức lạ lùng.
Bùi Khương cảm thấy lo ngại, muốn phản kháng nhưng không thể cử động được đành phải nằm im.
Thấy cử chỉ lạ lùng của chàng, lão đại hán mập vội ngừng tay và chăm chú nhìn vào mặt chàng. Rồi như chợt hiểu, lão cười lên một tiếng và nhảy xuống giường và đi lấy nước mát vẩy vào mặt chàng.
Bùi Khương cứ ngẩn ngơ theo dõi cử chỉ của gã đại hán mập mà chẳng hiểu y định làm gì. Lúc được cứu tỉnh, Bùi Khương thấy lão đại hán mập đưa tay cởi áo của chàng, với đôi mắt đỏ ngầu kỳ lạ. Tuy chưa ý thức được việc lão ta làm, nhưng Bùi Khương vẫn mang máng hiểu là, sự việc xảy ra sắp đến sẽ chẳng tốt đẹp gì. Bản tánh tự vệ khiến Bùi Khương vung quyền đấm ngay vào mặt đại hán mập.
Bị một đòn bất ngờ, lão hán mập vừa giận vừa đau, vội chộp vai Bùi Khương lắc mạnh và quát :
– Cẩu trệ! Mi điên rồi hả?
Bị nắm chặt, lại còn bị chưởi mắng, Bùi Khương tức giận vùng khỏi đôi tay hộ pháp của lão ta, và vung tay đánh thêm mấy quyền vào ngay bụng mỡ của lão mập, khiến lão đau đớn la cầu cứu vang dội cả phòng.
Tiếng la cầu cứu của lão hán vọng ra ngoài, và từ dưới lầu hai tên hộ pháp chạy lên. Cửa phòng bị khóa bên trong, mà tiếng la của lão mập vẫn ong óng khiến hai tên thanh niên lực lưỡng sốt ruột. Cả hai vội hiệp lực phá cửa phòng để vào trong.
Trong khi cửa vừa bật mở, hai tên hộ pháp trông thấy Bùi Khương đang đánh đấm lão mập túi bụi. Chẳng những chúng chẳng trợ giúp Bùi Khương mà còn nắm cổ áo chàng lôi ra mà mắng :
– Súc sanh. Bộ mi chán sống rồi hay sao hử?
Vừa nói, chúng vừa lôi Bùi Khương xuống lầu. Vừa đi chúng vừa mắng chửi chàng thậm tệ. Một tên còn vung tay tát vào mặt chàng, đau gần tóe lửa, tức giận vô cùng, Bùi Khương thúc cùi chõ vào hông của hai tên hộ pháp nọ.
Bị trúng đòn bất ngờ, cả hai vội rú lên và buông lỏng tay nắm Bùi Khương, được dịp chàng vội chạy thoát ra ngoài.
Tiếng chân thình thịch của hai tên hộ pháp đang rượt theo khiến Bùi Khương lúng túng. Thấy bên trái có cửa sổ, chẳng kịp suy nghĩ, chàng vội lao mình ra ngoài. Vì cửa sổ ở lưng chừng lầu nên Bùi Khương bị rơi khá đau. Tuy đau nhưng Bùi Khương chẳng dám nấn ná, vội đứng lên và mải miết chạy.
Chạy được một đoạn khá xa, chàng cũng đã thấm mệt, và nghĩ rằng chẳng có ai rượt theo nữa nên vội ngừng lại nghỉ mệt.
Vừa mới nghỉ chân, bất ngờ có một tốp người đi lại hướng Bùi Khương thật nhanh, khiến chàng thiếu niên hoảng hồn cắm đầu chạy nữa, chẳng may chàng vấp phải mô đá, té nhào xuống đất.
Mấy bóng người đi lại, thấy vậy vội cười to lên và chạy lại. Thấy Bùi Khương khoác y phục nữ nhi, mặt mày chàng lại xinh đẹp, bọn hán tử tưởng chàng là một nữ nhi, liền giở trò ong bướm lả lơi, có đứa toan cởi áo, có đứa lại ông chầm lấy chàng hôn hít. Bùi Khương cống cự mãnh liệt nhưng vẫn bị bọn hán tử kềm chế.
May mắn làm sao, từ đàng sau có tiếng vó ngựa đang tiến lại, Bùi Khương mừng rỡ kêu cứu vang lên.
Mặc chàng kêu la cầu cứu, bọn hán tử vẫn không hề nao núng vì chúng ỷ lại vào sự đông người và hơn nữa đây lại là khu vực làm ăn thao túng của bọn họ.
Nghe tiếng la cầu cứu, người cưỡi ngựa vội vàng tiến lại phía Bùi Khương cất tiếng hỏi :
– Tại sao các người lạ uy hiếp một cô gái yếu đuối như thế chứ?
Nghe tiếng nói, cả bọn vội quay lại, chúng vội cười to lên khi nhận ra trên mình ngựa là một thư sinh trung niên. Vẻ mềm yếu của thư sinh khiến bọn hán tử coi thường, một tên trong bọn cười gằn và cất tiếng nói :
– Việc chúng tôi can dự gì đến công tử chứ? Nên tránh đi là hơn.
Thiếu niên mỉm cười thốt.
– Nhưng rất tiếc, ta đã thấy việc bất bình thì chẳng bao giờ bỏ đi cả.
Tên hán tử vừa lên tiếng lúc nãy, nghe thư sinh trung niên nói vậy vội gầm lên :
– A Tam hãy gửi con tiểu tỳ kia lại để bọn ta thanh toán tên bạch diện thư sinh này trước đã.
Vừa dứt, cả bọn vội vây lại định tấn công chàng thư sinh.
Cười khỉnh một tiếng, thư sinh trung niên vội vung roi da đang cầm trên tay, quay vun vút vào không khí.
Sợi roi da đang mềm nhũn đột nhiên thẳng cứng như một roi sắt, cũng đủ cho bọn hán tử thấy nội lực của thư sinh trung niên đến mức độ nào rồi. Khổ nỗi chúng vừa phát giác được thì đầu roi của thư sinh trung niên cũng đã điểm vào mê huyệt của mấy tên hán tử áo đen nọ.
Thấy đồng bọn có một số ngã quay ra đất mê man, bọn kia lại thấy đã gặp phải tay cừ nên vội vàng tìm đường tháo chạy.
Bùi Khương thấy người cứu thoát chàng có một nội lực cao cường thì nể phục vô cùng, vội tiến lại định cảm ơn nhưng thư sinh đã chặn lại hỏi :
– Tiểu cô nương! Nhà ở đâu mà lại đi trong đêm tối một mình như thế? Cũng may gặp ta, không thì khốn với bọn lưu manh rồi.
Bùi Khương thấy thư sinh nhận lầm mình là nhi nữ nên thẹn thùng chẳng thốt ra lời, chỉ lắc đầu quầy quậy mà không đáp.
Thư sinh ngạc nhiên nhìn chàng rồi hỏi tiếp :
– Tiểu cô nương không có nhà sao?
Bây giờ Bùi Khương mới để ý đến giọng nói của thư sinh và nhận thấy thư sinh này là người ở Giang Nam. Bùi Khương gật đầu đáp :
– Tôi chẳng có nhà! Và chỉ là một cô nhi.
Thấy Bùi Khương xinh đẹp dễ thương, thư sinh trung niên thương mến nói :
– Ta cũng là một kẻ phiêu bạt giang hồ. Nếu muốn theo ta thì ta sẽ truyền dạy võ học cho, để khỏi bị bọn côn đồ ăn hiếp.
Bùi Khương tuy thích lắm, nhưng rồi chàng lại buồn rầu đáp :
– Nhưng sư phụ chê tôi ngu, không thể học võ được.
Thư sinh ngạc nhiên hỏi :
– Thế ra cô bé đã có sư phụ dạy võ công rồi ư? Mà ai thế?
Bùi Khương chẳng do dự đáp :
– Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh.
Thư sinh nghe xong cười nhạt đáp :
– Học y thì đến bao giờ mới là một cao thủ được?
Thấy thư sinh có vẻ xem thường Long Hình Bát Chưởng, Bùi Khương lấy làm ngạc nhiên vô cùng. Vì đối với võ lâm, Long Hình Bát Chưởng là một người cũng có tên tuổi, địa vị, mà tiên sinh trẻ tuổi này lại tỏ ra xem thường ông ta, có lẽ y hơn Long Hình Bát Chưởng nên mới có ý như vậy.
– “Ta nên theo người biết đâu sẽ được học hỏi thành tài”.
Nghĩ vậy Bùi Khương liền gật đầu ưng thuận.
Thư sinh trung niên liền nắm bổng Bùi Khương đặt ở trước mình rồi ra roi cho ngựa chạy như bay.
Bùi Khương tựa mình vào thư sinh vì đà ngựa chạy quá nhanh. Thư sinh vẫn không nói gì, cứ ra roi, thỉnh thoảng lại kêu lên như thúc giục con tuấn mã trổ hết thần lực, thâu ngắn đoạn đường.
Mùi thơm từ thân thể thư sinh toát ra, mùi thơm dịu dàng là lạ khiến Bùi Khương thầm nghĩ :
– “Đàn ông mà lại mềm dịu và thơm như đàn bà vậy.”
Thoáng nghĩ vậy khiến Bùi Khương ngượng ngùng lặng im. Vì quá mệt mỏi lại gió mát nên Bùi Khương lim dim đôi mắt, mơ màng như được nằm ngủ ở Long Môn tiêu cục.
Vó ngựa lại sải đều trong đêm tối.