NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Dạy con làm giàu – Tập 2

Chương 5: Bảy Cấp Bậc Đầu Tư

Tác giả: Robert Kiyosaki - Sharon Lechter
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Ads Top

Có một lần người bố giàu hỏi tôi, “Con cho ta biết đâu là sự khác nhau giữa người cá ngựa với người chơi chứng khoán?”.

Tôi trả lời, “Con không biết”.

Người nói, “Chẳng khác nhau nhiều con ạ. Đừng bao giờ trở thành một người chỉ biết mua chứng khoán. Việc mà con cần nhắm tới khi con lớn lên là trở thành người tạo ra chứng khoán mà các nhà môi giới sẽ bán và người khác mua”.

Trong một khoảng thời gian rất lâu, tôi đã không hiểu được lời Người nói. Mãi cho tới khi tôi bắt đầu dạy môn đầu tư cho mọi người, tôi mới thực sự hiểu được sự khác nhau giữa các loại đầu tư.

Khi viết chương này, tôi rất cám ơn John Burley. John được coi là một trong những bộ óc khôn ngoan nhất trong thế giới đầu tư bất động sản. Khi anh ngoài 30 tuổi, anh đã mua hơn 130 căn nhà mà không dùng một đồng bạc nào của mình. Đến tuổi 32, anh hoàn toàn tự do về tài chánh và không bao giờ phải làm việc lại để kiếm tiền. Giống như tôi, anh đã chọn con đường dạy học, truyền đạt lại những kinh nghiệm làm giàu của mình cho người khác. Kiến thức hiểu biết của anh không chỉ gói gọn trong lĩnh vực địa ốc. Anh lập nghiệp bằng nghề kế hoạch tài chánh, cho nên anh hiểu biết rất sâu về thế giới tài chánh, và thuế. Thế nhưng, anh có một khả năng độc nhất vô nhị là giải thích mọi việc rất rõ ràng. Anh có tài diễn dịch những thứ phức tạp, rối rắm thành những khái niệm đơn giản dễ hiểu. Khi truyền đạt lại kinh nghiệm của mình, anh đã xác định và phân chia người đầu tư thành 6 bậc dựa trên mức độ kinh nghiệm đầu tư của họ cũng như sự khác nhau về tính cách cá nhân. Tôi đã phát triển cách xếp bậc này của anh chi tiết hơn và tăng thêm một bậc tảy cho các loại nhà đầu tư này.

Sử dụng phương pháp định dạng theo Kim tứ đồ đã giúp tôi dạy những người khác về thế giới đầu tư. Khi các bạn đọc qua những cấp bậc đầu tư này, có thể bạn sẽ nhận ra một người đầu tư nào đó mà bạn quen biết ở mỗi cấp bậc.

CÁCH HỌC LỰA CHỌN

Ở cuối phần trình bày mỗi cấp bậc, tôi sẽ chừa một khoảng trống mà bạn có thể điền tên những người bạn biết – theo nhận xét của bạn – phù hợp với cấp bậc này hay không. Và khi bạn nhận ra một cấp bậc đầu tư nào đó đúng với con người của bạn, bạn có thể điền tên mình vào đó.

Như tôi đã trình bày, đây chỉ là một cách lựa chọn nhằm mục đích nâng cao hiểu biết của bạn về các cấp bậc đầu tư khác nhau. Điều đó không nhằm hạ cấp hay phê phán những người bạn của bạn. Đề tài về tiền bạc rất dễ nhạy cảm và biến động như đề tài về chính trị, tôn giáo hay tình dục. Và đó cũng chính là lý do tại sao tôi đề nghị các bạn hãy giữ kín riêng tư những suy nghĩ cá nhân của mình. Khoảng trống ở cuối mỗi phần trình bày chỉ nhằm mục đích làm tăng sự hiểu biết của bạn – nếu như bạn chọn dùng nó.

Tôi thường dùng danh sách cấp bậc này khi bắt đầu các lớp học về đầu tư. Phương tiện ấy sẽ làm cho việc tiếp thu mau chóng hơn và đã giúp nhiều người học trở nên ý thức rõ ràng hơn về cấp bậc họ đang ở và cấp bậc đầu tư họ muốn nhắm tới.

Qua nhiều năm, được sự cho phép của John, tôi đã đ chỉnh lại nội dung của mỗi cấp bậc sao cho phù hợp với kinh nghiệm thực tế mà tôi đã trải qua. Mong các bạn hãy đọc kỹ bảy cấp bậc đầu tư này.

BẢY CẤP BẬC ĐẦU TƯ

BẬC 0: NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ ĐẦU TƯ

Những người này không có tiền để đầu tư. Hoặc là họ tiêu hết mọi thứ kiếm được, hoặc là họ chi nhiều hơn thu. Có nhiều người giàu rơi vào cấp bậc này bởi vì họ tiêu xài quá mức họ kiếm được. Điều không may là hết 50 phần trăm những người lớn đều rơi vào cấp bậc zero này.

Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 0 hay không? (tùy chọn).

______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

 

BẬC 1: NGƯỜI ĐI VAY

Những người này thường giải quyết vấn đề tiền bạc bằng cách đi vay mượn. Thường thường họ đầu tư bằng số tiền vay được. Quan điểm về kế hoạch tài chánh của họ là vay quít trả cam. Cuộc sống tiền bạc của họ chẳng khác nào như con đà điểu vùi đầu vào cát, cứ hy vọng và cầu nguyện mọi thứ sẽ suôn sẻ. Họ có thể có vài tài sản đó, nhưng thực tế là mức nợ của họ lại quá nhiều. Hầu như họ không ý thức gì về tiền bạc và thói quen tiêu xài của mình.

Bất cứ thứ giá trị nào họ làm chủ cũng đều có bóng dáng nợ trong đó. Họ dùng thẻ tín dụng một cách bốc đồng, rồi dồn các khoản nợ tín dụng đó vào khoản nợ nhà dài hạn, “rửa sạch” thẻ tín dụng và bắt đầu dùng tiếp. Nếu trị giá căn nhà họ ở tăng lên, họ liền đi vay dùng khoản giá trị căn nhà tăng lên đó làm thế chấp, hoặc mua một căn nhà lớn hơn, đắt tiền hơn. Họ tin là trị giá bất động sản chỉ có một chiều đi lên.

Những từ, những câu khuyến mãi như “trả góp hàng tháng thấp, dễ dàng” luôn hấp dẫn họ. Họ thường mua những đồ chơi sụt giá như du thuyền, hồ bơi, đi du lịch hay xe ô-tô với những câu khuyến mãi đó trong đầu. Họ liệt kê những đồ chơi sụt giá này thành tài sản của họ, quay lại ngân hàng để vay mượn tiếp và khi bị ngân hàng từ chối, họ cứ thắc mắc không hiểu tại sao.

Mua sắm là một cách vận động ưa thích với họ. Họ mua những thứ không cần mà vẫn biện hộ cho mình bằng những câu như: “Ồ, cứ việc mua đi. Mình đáng được hưởng kia mà”, hay như “Nếu mình không mua bây giờ, sẽ chẳng bao giờ mua được nó với giá hời như thế”, “Hàng đang giảm giá”, “Tôi muốn bọn trẻ có những thứ mà tôi trước đây không bao giờ được hưởng”.

Họ cứ nghĩ việc kéo dài nợ ra một thời gian dài là một hành động khôn ngoan, luôn tự đùa với mình rằng họ sẽ làm việc nhiều hơn để kiếm được nhiều tiền hơn trả hết nợ vào một ngày đẹp trời nào đó. Họ tiêu xài hết những gì họ kiếm được. Những người này còn được coi như là người tiêu dùng. Các chủ tiệm và đại lý bán xe rất yêu mến những hạng người này. Nếu họ có tiền, họ sẽ tiêu xài ngay. Nếu họ không có tiền, họ cũng đi vay mượn để tiêu xài.

Khi được hỏi vấn đề của họ là gì, họ đều nói họ không kiếm đủ tiền. Họ nghĩ tiền bạc sẽ giải quyết hết mọi khó khăn. Nhưng cho dù họ kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa, họ chỉ càng ngập sâu hơn vào nợ. Hầu hết những người này không nhận ra rằng số tiền mà họ đang tiêu xài hôm nay vốn từng là giấc mơ ao ước của họ, thậm chí là cả một gia tài mà họ thường mong có trong ngày hôm qua. Thế nhưng đến ngày hôm nay, khi họ đã thực sự đạt được mức thu nhập họ mơ ước, số tiền ấy vẫn không đủ với họ.

Họ không chịu nhận thấy rằng vấn đề khúc mắc không nhất thiết là số tiền kiếm được (hay thiếu tiền), mà chính là thói quen tiêu xài của họ. Một vài người cuối cùng thực sự tin rằng tình huống khó khăn của mình hoàn toàn tuyệt vọng và cam chịu bỏ cuộc. Cho nên, họ cứ tự chôn vùi mình sâu hơn và buông theo lối sống như trước. Thói quen đi mượn tiền, mua sắm, tiêu xài hoàn toàn mất sự kiểm soát của chính họ. Cũng giống như một dân nhậu chè chén kiếm gì ăn sau khi tỉnh rượu và mệt mỏi, những người này tiêu xài khi họ phiền muộn và bị ức chế. Họ cứ tiêu tiền, chán nản phiền muộn, và tiêu xài tiếp.

Họ thường tranh luận với người thân của họ về tiền bạc, nhất là tự biện hộ khi họ cần mua thứ này hay thứ kia. Họ hoàn toàn sống trong sự chối bỏ tài chánh, cứ ảo tưởng một ngày nào đó các khó khăn tiền bạc của họ sẽ tự nhiên biến mất, hay họ cứ giả vờ cho rằng họ sẽ luôn kiếm đủ tiền tiêu xài những thứ họ mong muốn.

Hạng người đầu tư ở cấp bậc này trông có vẻ giàu có. Họ có thể có những căn nhà lớn, lái những chiếc xe bóng loáng đắt tiền. Thế nhưng nếu bạn có cơ hội kiểm tra, bạn sẽ thấy họ đều mua những thứ ấy bằng nợ. Họ có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng họ không cách xa mấy sự phá sản nếu có một tai nạn nghề nghiệp align=”justify”>Trong một lớp học của tôi có một người từng là chủ doanh nghiệp trước đây. Anh ta khá nổi tiếng trong giới “kiếm lớn xài lớn”. Anh ta có một dãy cửa hàng vàng bạc tồn tại trong nhiều năm. Rồi thì một lần, nền kinh tế bị xuống dốc thê thảm và anh ta mất hết các cửa tiệm của mình. Thế nhưng các khoản nợ lại không mất đi. Chỉ không đầy 6 tháng, các khoản nợ này làm anh ta phá sản. Anh ta đến tham dự lớp học của tôi để tìm kiếm một giải pháp mới, một hướng đi mới, vậy mà anh ta vẫn khăng khăng không chịu chấp nhận ý tưởng là hai vợ chồng anh ta chỉ là những nhà đầu tư bậc 1.

Anh ta xuất thân từ nhóm C, hy vọng có thể làm giàu trong nhóm Đ. Anh ta cứ cho rằng một khi anh ta đã từng là một nhà doanh nghiệp thành công, anh ta có thể vận dụng cùng công thức của mình để đạt đến sự tự do tài chánh bằng các đầu tư của anh ta. Đó là một bản ngã rất phổ biến ở một số nhà doanh nghiệp hay cho rằng mình có thể tự động trở thành những nhà đầu tư thành công. Các quy tắc kinh doanh không phải lúc nào cũng giống như các quy tắc đầu tư.

Nếu những người đầu tư kiểu này không dám tự thay đổi mình, tương lai tài chánh của họ sẽ rất ảm đạm trừ phi họ cưới được một ai đó giàu có và chịu đựng được những thói quen tiêu tiền như nước của họ.

Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 1 không? (tùy chọn)

______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

 

BẬC 2: NGƯỜI TIẾT KIỆM

Những người này thường để dành một khoản tiền “nhỏ” đều đặn. Họ bỏ tiền vào những công cụ thấp rủi ro, thấp lãi suất như tài khoản tiết kiêm, tài khoản định kỳ.

Nếu họ có tài khoản hưu trí cá nhân, họ sẽ đầu tư vào một ngân hàng hay một tài khoản tiền mặt trong một quỹ hỗ tương.

Những người này thường tiết kiệm để tiêu dùng hơn là để đầu tư (chẳng hạn họ tiết kiệm để mua một ti-vi mới, chiếc xe mới, hay đi du lịch, v.v…). Họ rất trung thành vào việc trả tiền mặt. Họ rất sợ nợ hay tín dụng. Thay vào đó, họ thích sự “an toàn” của tiền bạc để trong ngân hàng.

Ngay cả khi chứng minh với họ trong bối cảnh kinh tế ngày nay, tài khoản tiết kiệm chỉ đem lại lãi suất âm (sau khi trừ lãi suất tiết kiệm của ngân hàng với mức lạm phát và mức thuế thu nhập), họ vẫn không dám chấp nhận rủi ro. Họ không biết rằng đồng đô-la Mỹ đã mất 90 phần trăm trị giá từ năm 1950, và tiếp tục mất giá ở mức hàng năm nhiều hơn mức lãi suất mà ngân hàng trả cho họ. Những người này thường mua những kế hoạch bảo hiểm nhân thọ bởi vì họ yêu thích cảm giác của sự an toàn và ổn định.

Những người thuộc nhóm này thường phí phạm thời gian vốn là tài sản quý giá nhất của họ, cố dành dụm từng đồng cắc lẻ. Họ bỏ hàng giờ cắt những mẫu phiếu khuyến mãi trên báo, còn ở trong siêu thị thì cản trở những người khác để cố tranh thủ tiết kiệm vài đồng mua sắm.

Thay vì chỉ để dành từng đồng xu, lẽ ra họ nên dùng thời gian học cách đầu tư. Nếu họ bỏ 10.000 đô vào quỹ John Templeton vào năm 1954 và quên bẵng nó đi, đến năm 1994 họ sẽ có 2,4 triệu đô trong tay. Hoặc giả như họ bỏ 10.000 đô vào quỹ Quantum của George Soros vào năm 1969, đến năm 1994 họ sẽ kiếm được 22, triệu đô. Thay vì thế, chính nhu cầu đòi hỏi sự an toàn tận sâu trong lòng họ phát sinh từ nỗi sợ đã khiến họ tiết kiệm trong những khoản đầu tư có mức lời ít ỏi, như tài khoản tiết kiệm của ngân hàng chẳng hạn.

Bạn thường nghe họ nói, “Tiết kiệm 1 xu là kiếm được 1 xu”, hay như, “Tôi đang tiết kiệm cho mấy đứa nhỏ”. Sự thực lại là thường chính sự bất ổn điều khiển chi phối họ và cuộc đời của họ. Mặt khác, họ lại thường thay đổi xoành xoạch chính bản thân họ cũng như những đối tượng mà họ muốn để dành tiền cho. Hầu như họ hoàn toàn đối lập với kiểu người đầu tư bậc 1.

Tiết kiệm là một ý tưởng tốt trong thời đại Nông nghiệp. Nhưng một khi chúng ta bước vào thời đại Công nghiệp, tiết kiệm không phải là một chọn lựa khôn ngoan. Việc chỉ biết để dành tiền thậm chí đã trở nên tệ hại khi đồng đô-la Mỹ không còn được bảo chứng bằng vàng, và khi chúng ta gặp phải thời kỳ lạm phát khiến cho chính phủ in tiền như điên. Người nào tiết kiệm tiền trong thời lạm phát chỉ là những kẻ thua cuộc. Dĩ nhiên, khi xảy ra giai đoạn giảm phát, họ có thể là người thắng cuộc… nhưng chỉ khi nào đồng tiền được in vẫn còn có giá trị bằng một thứ gì đó.

Tiết kiệm là một thói quen tốt. Bạn nên có một nguồn tiền mặt bằng tổng chi phí sinh hoạt từ 6 tháng đến 1 năm. Thế nhưng sau khi tiết kiệm được khoản tiền đó, hãy nên nhớ có những công cụ đầu tư tốt hơn và an toàn hơn nhiều so với tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng. Bạn bỏ tiền tiết kiệm vào ngân hàng ở lãi suất 5%, trong khi khối người khác kiếm được 15%, đó có phải là một cách đầu tư khôn ngoan không vậy bạn?

Thế nhưng, nếu bạn không chịu muốn học cách đầu tư và thường xuyên âu lo về các rủi ro tài chánh, thế thì tiết kiệm là một chọn lựa tốt hơn đầu tư. Bạn sẽ không phải lo nghĩ nhiều nếu như bạn chỉ giữ tiền trong ngân hàng và các chủ ngân hàng sẽ yêu thích bạn lắm. Mà tại sao không yêu thích bạn cơ chứ? Bạn hãy nhìn xem, cứ mỗi 1 đồng bạn bỏ vào tài khoản tiết kiệm, ngân hàng cho vay từ 10 đến 20 đồng ở mức lãi suất “chặt đẹp” đến 19%, trong khi chỉ trả cho bạn không quá 5% một năm. Tại sao tất cả chúng ta lại không trở thành ngân hàng nhỉ?

Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 2 không? (tùy chọn)

______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

 

BẬC 3: NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TƯ “MA LANH”

Có ba hạng đầu tư khác nhau trong nhóm này. Nhóm đầu tư này có ý thức rõ về nhu cầu đầu tư. Họ có thể tham gia vào các chương trình hưu trí ở công ty nơi họ làm việc hay các quỹ hưu trí tư khác. Họ thỉnh thoảng cũng có những khoản đầu tư bên ngoài với các quỹ hỗ tương, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, v.v…

Nhìn chung, họ là những người thông minh có nền học vấn vững vàng. Họ chiếm hai phần ba dân số nước Mỹ, và được các nhà xã hội học xếp thành “giai cấp trung lưu”. Tuy nhiên, khi đề cập đến chuyện đầu tư, họ thường không được giáo dục về lĩnh vực đó, hoặc không có sự “tinh vi chuyên nghiệp” của giới đầu tư. Họ ít khi đọc báo cáo tài chánh hàng năm hay bản cáo bạch của công ty. Mà làm sao họ đọc được nhỉ? Họ không được dạy cách đọc hiểu báo cáo tài chánh. Họ thiếu kiến thức về tài chánh. Có thể họ có nhiều bằng cấp cao, có thể là bác sĩ hay thậm chí là kế toán viên, nhưng rất ít người trong số họ được đào tạo chính thống về những thắng thua trong thế giới đầu tư.

Ở bậc này có ba hạng đầu tư khác nhau. Họ thường là những người thông minh, có học thức cao, kiếm được nhiều tiền và chịu đầu tư. Thế nhưng vẫn có sự khác nhau rõ rệt.

Bậc 3-A. Những người thuộc bậc đầu tư này tạo thành một nhóm gọi là “không muốn bị làm phiền”. Những người này tự thuyết phục mình là họ không hiểu gì về tiền bạc và sẽ không bao giờ muốn hiểu. Họ thường nói những câu đại loại như:

“Tôi không giỏi tính toán lắm với mấy con số”.

“Tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được thế nào là đầu tư”.

“Tôi quá bận rộn”.

“Sao mà lắm công việc giấy tờ đến thế”.

“Vấn đề đó quá phức tạp đối với tôi”.

“Đầu tư là rủi ro”.

“Tôi thích để các nhà chuyên nghiệp quyết định tiền bạc giùm tôi”.

“Chuyện ấy sao mà phiền phức đến thế”.

“Chồng (vợ) tôi lo chuyện đầu tư của gia đình tôi”.

Những người này chỉ biết bỏ tiền vào kế hoạch hưu trí còn không thì giao hết cho một chuyên viên kế hoạch tài chánh luôn khuyên họ nên “đa dạng hóa”. Họ gạt ra khỏi đầu mình, chỉ biết mỗi ngày đi làm cật lực mà vẫn tự nói với chính mình: “Ít nhiều gì thì ta cũng có một chương trình hưu trí”.

Khi họ về hưu, họ sẽ biết những khoản đầu tư hưu trí của họ đã hoạt động như thế nào ngay mà.

Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 3-A không? (tùy chọn)

______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

Bậc 3-B. Nhóm thứ hai này được gọi là nhóm của những kẻ “đa nghi”. Những người này biết hết mọi lý do tại sao một khoản đầu tư sẽ bị thất bại. Có những người này bên cạnh bạn thật là nguy hiểm. Họ nghe có vẻ thông minh, lý luận chặt chẽ, lời nói của họ lại có trọng lượng với bạn vì vị trí công việc họ đang giữ. Họ thành công trên lĩnh vực chuyên môn của họ, nhưng thực tế họ chỉ là những tên hèn thấp nhát nấp sau cái vỏ trí thức của mình. Những người đó có thể bảo cho bạn biết chính xác làm thế nào và tại sao mà mỗi chuyện đầu tư của bạn sẽ bị người ta lừa gạt. Khi bạn đến hỏi ý kiến của họ về một loại cổ phiếu hay một công cụ đầu tư nào đó, bạn sẽ ra về với tâm trạng hết sức hoang mang và sợ hãi. Những người này thường nói những câu đại loại như, “Ồ, trước đây tôi đã từng bị như vậy. Bạn ấy đừng hòng lường gạt tôi một lần nào nữa”.

Họ thường khoe khoang những thứ như, “Đại lý môi giới của tôi ở hãng Merill Lynch hay Dean Witter…” Dùng những tên nổi danh như thế chẳng qua họ chỉ muốn che giấu nỗi bất ổn sâu kín trong lòng họ.

Nhưng mà kỳ lạ thay, những người “đa nghi” như thế lại là những người hay hùa theo đám đông như những con cừu ngoan ngoãn. Ở sở làm họ tranh thủ đọc những trang tài chánh hay tạp chí Wall Street. Rồi sau đó họ kể lại những gì họ đọc được cho người khác trong giờ giải lao. Ngôn ngữ của họ toàn những tiếng lóng, những thuật ngữ của giới đầu tư. Họ bàn về những mối đầu tư lớn nhưng không bao giờ tham gia. Họ tìm kiếm những cổ phiếu được đăng trên trang nhất, và nếu như bài bình luận tốt, họ sẽ đi mua những cổ phiếu đó. Nhưng điều đó thường là quá trễ. Những nhà đầu tư khôn ngoan thực sự đã mua chúng từ lâu trước khi giới nhà báo đưa tin về chúng. Những người “đa nghi” lại không hề biết điều đó.

Khi gặp tin xấu, họ phê phán và nói những câu như, “Tôi biết mà”. Họ nghĩ họ là người chơi, nhưng thực sự họ chỉ là những kẻ bình luận đứng ngoài lề. Họ rất muốn tham gia trò chơi, nhưng tận sâu trong lòng họ lại bị ám ảnh nỗi sợ bị thua, bị mất tiền. Sự bảo đảm lấn lướt cả sự thú vị và khích động của trò chơi đó.

Các nhà phân tâm học cho biết sự đa nghi là tổng hợp giữa nổi sợ và sự ngu dốt, từ đó dẫn đến sự kiêu căng. Những người như thế thường nhảy vào thị trường khá trễ khi có sự biến động lớn, chờ đợi đám đông hay có chứng cứ rõ ràng là quyết định đầu tư của họ là đúng. Vì họ chợ đợi những dấu hiệu thông tin đó, họ nhảy vào thị trường trễ, mua ở giá cao và bán với giá thấp khi thị trường suy sụp. Họ gán từ “bị lừa đảo” cho việc mua cao bán thấp đó. Những điều mà họ sợ xảy ra cứ xảy ra với họ hết lần này đến lần khác.

Họ mua cao và bán thấp. Tại sao vậy? Bởi vì họ quá “ma lanh” cho nên họ trở nên quá cẩn thận. Họ khôn ngoan đó, nhưng họ lại sợ rủi ro và bị sai lầm, cho nên họ cố học hỏi nhiều hơn để khôn ngoan hơn. Nhưng một khi họ càng biết nhiều, họ chỉ càng thấy nhiều rủi ro hơn, và lại khiến họ miệt mài tìm hiểu nhiều hơn. Sự cẩn thận đến mức đa nghi thái quá của họ đã khiến họ cứ lần lữa mãi và làm cho họ chậm hơn so với mọi người. Họ nhảy vào thị trường khi lòng tham thắng thế nỗi sợ trong lòng họ.

Tuy nhiên, khía cạnh xấu nhất của loại người này là họ tiêm nhiễm những người xung quanh với nỗi sợ khủng khiếp của họ được che giấu bằng sự trí thức. Khi đề cập đến đầu tư, họ có thể bảo cho bạn biết tại sao mọi chuyện không suôn sẻ, nhưng họ lại không thể bảo bạn làm sao cho mọi chuyện trơn tru. Những người này thường có mặt ở khắp mọi nơi, từ trong các học viện, chính phủ cho đến tôn giáo, hệ thống thông tin đại chúng. Họ ưa nghe những chuyện khủng hoảng tài chánh hay những vụ bê bối để họ có thể “truyền bá” đi. Thế nhưng, họ hầu như rất hiếm có những điều gì đó tốt để kể về những thành công tài chánh. Người đa nghi rất dễ khám phá ra những gì sai lầm. Đó chính là cách họ tự bảo vệ mình không bị lộ tẩy sự thiếu hiểu biết của mình.

Những người đầu tư này được gọi là Cynics. Từ này có nguồn gốc xuất phát từ một trường phái thuộc thời Hy Lạp cổ đại. Thời ấy, trường phái này thường bị xã hội khinh bỉ vì sự kiêu căng và thái độ dè bỉu mỉa mai của họ đối với thành công hay công trạng của người khác. Khi đá động đến tiền bạc, có rất nhiều người thuộc loại này mà những người đó thường có học vấn cao và thông minh. Hãy cẩn thận trước những người này và đừng bao giờ cho phép họ soi mói đến những giấc mơ tài chánh của bạn. Dĩ nhiên, trong thế giới tiền bạc không thiếu những hạng người lừa đảo, mánh mung bịp bợm, nhưng thử hỏi có ngành nào mà lại không có những con sâu ấy?

Bạn có thể làm giàu nhanh mà không cần nhiều tiền và không phải chịu nhiều rủi ro. Điều đó hoàn toàn có thể như bạn sẵn sàng cho phép con người bạn dám tin tưởng vào khả năng hiện thực đó. Một trong những việc bạn cần phải làm là hãy để cho đầu óc của bạn cởi mở và phóng khoáng, và hãy đề phòng trước những hạng người đa nghi hay những kẻ bịp bợm. Cả hai loại người đó đều rất nguy hiểm về tiền bạc.

Bạn có biết ai thuộc cấp 3-B hay không? (tùy chọn)

______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

Bậc 3-C. Nhóm thứ ba trong bậc đầu tư này là những người “cờ bạc”. Trong khi những kẻ “đa nghi” quá cẩn thận, nhóm này lại khá cẩu thả. Họ nhìn vào thị trường chứng khoán, hay bất cứ thị trường đầu tư nào, giống như cách họ nhìn vào những sòng bạc ở Las Vegas. Đó chỉ là may mắn. Họ ném con xúc xắc và cầu nguyện.

Nhóm này không hề có một quy tắc hay một quy luật đầu tư nào cả. Họ muốn hành động như những “tay chơi lớn”, cho nên họ cứ ngụy trang như những đại ca lắm tiền cho tới khi họ thắng hay thua hết. Cơ hội thua thường xảy ra nhất. Họ tìm kiếm những “bí mật” đầu tư hay những thứ phép thuật mê tín như “chiếc chén thánh”. Họ luôn tìm những cách đầu tư mới mẻ và hồi hộp. Thay vì cần phải có sự cần mẫn dài hạn để học hỏi và hiểu biết, họ chỉ quan tâm đến những “mánh khóe” hay những ngõ tắt.

Họ nhảy vào mua bán những hàng hóa, những cổ phiếu lần đầu bán ra công chúng, gas và dầu, gia súc, hay bất cứ thứ công cụ đầu tư nào mà con người có. Họ thích dùng những kỹ thuật đầu tư “phức tạp” như biên độ giao dịch, quyền mua bán cổ phần, v.v… Họ nhảy vào chơi mà không hề biết ai là người chơi và ai là người đặt ra luật chơi. align=”justify”>Những người này là những người đầu tư tệ hại nhất trên hành tinh. Họ luôn cố đánh nhanh thắng nhanh và biến. Khi được hỏi tình hình đầu tư như thế nào, họ luôn miệng nói “chỉ huề vốn”, hay như “lời được một tí tẹo”. Thực tế là họ chỉ mất tiền, và mất rất nhiều tiền. Loại người đầu tư này thường mất tiền đến 90 phần trăm cơ hội. Họ không bao giờ bàn về chuyện thua cuộc của họ cả. Họ chỉ nhớ đến “cú thắng ngoạn mục” cách đây 6 năm. Họ tự cho mình là khôn ngoan và không chịu thừa nhận họ chỉ may mắn mà thôi. Họ nghĩ tất cả những gì họ cần làm là chỉ cần thắng “một cú lớn” thôi là họ sẽ sống thoải mái và giàu có. Xã hội gọi những kẻ này là những “tay cờ bạc hết thuốc chữa”. Thực tế sâu xa là khi đề cập đến chuyện đầu tư tiền bạc, họ chỉ là những kẻ lười biếng.

Bạn có biết ai thuộc cấp 3-C không? (tùy chọn)

______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

 

BẬC 4: NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TƯ DÀI HƠI

Những nhà đầu tư này ý thức rất rõ về sự cần thiết đầu tư. Họ chủ động trong quyết định đầu tư của mình. Họ có một kế hoạch đầu tư dài hạn được vạch sẵn để có thể giúp họ đạt được mục tiêu tài chánh của mình. Họ thường tìm tòi và học hỏi trước khi bắt tay thực sự mua một khoản đầu tư nào đó. Họ tận dụng cách đầu tư định kỳ, và khi có thể họ biết đầu tư một cách khôn ngoan về mặt thuế. Quan trọng nhất là họ biết tìm kiếm tư vấn từ những nhà kế hoạch tài chánh lão luyện

Xin bạn đừng nghĩ những người đầu tư loại này là những nhà đầu tư lớn và nổi tiếng. Đến được trình độ đó còn xa lắm. Những người này thường không đầu tư vào địa ốc, kinh doanh, hàng hóa hay bất kỳ công cụ đầu tư nào khác. Mà thay vào đó, họ đi theo con đường đầu tư dài hơi bảo thủ được những nhà đầu tư chuyên nghiệp nổi tiếng đề nghị như Peter Lynch hay Warren Buffet.

Nếu bạn chưa là một nhà đầu tư dài hạn, bạn hãy tự mình đến đó càng nhanh càng tốt. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là bạn hãy ngồi xuống và vạch ra một kế hoạch. Hãy kiểm soát những thói quen tiêu xài của bạn. Hãy giảm mức nợ xuống đến mức tối thiểu. Hãy sinh hoạt bằng những gì bạn có và sau đó mới tăng lên những phương tiện sinh hoạt chỉ khi nào bạn có thu nhập dư dả. Hãy tìm hiểu xem bạn cần đầu tư bao nhiêu mỗi tháng, trong vòng bao lâu ở một mức lãi thực tế để đạt được mục tiêu của bạn. Những mục tiêu như: Bạn muốn nghỉ làm vào lúc mấy tuổi? Bạn sẽ cần bao nhiêu tiền sinh sống cho một tháng?

Chỉ cần có một kế hoạch tài chánh dài hạn như thế sẽ làm giảm số nợ tiêu dùng của bạn, trong khi có thể dành ra một khoản tiền nhỏ (trên cơ sở định kỳ) vào một quỹ hỗ tương hàng đầu. Làm như thế sẽ tạo ngay cho bạn có cơ hội về hưu một cách giàu có, nếu bạn bắt đầu đủ sớm và biết theo dõi những gì bạn đang làm.

Ở cấp bậc này, hãy giữ mọi thứ đơn giản. Đừng mơ mộng và tưởng tượng nhiều quá. Hãy quên đi những cách đầu tư phức tạp. Chỉ tập trung vào những chứng khoán mạnh và những khoản đầu tư quỹ hỗ tương. Nếu bạn chưa biết gì cả, hãy học cách mua những khoản đầu tư đóng kín của quỹ hỗ tương. Đừng cố khôn hơn thị trường. Hãy dùng những công cụ bảo hiểm một cách thông minh cho mục đích bảo vệ chứ không phải tích lũy của cải. Có thể sử dụng một quỹ hỗ tương như quỹ chỉ số 500 Vanguard làm tiêu chuẩn, vì trong quá khứ quỹ này đã làm tốt hơn hai phần ba các quỹ hỗ tương khác. Trong khoảng thời gian 10 năm, loại quỹ này có thể đem lại cho bạn mức lãi vượt xa 90% mức lãi mà các nhà quản lý quỹ hỗ tương “chuyên nghiệp” khác cộng lại. Nhưng hãy luôn nhớ rằng không bao giờ có một khoản đầu tư nào an toàn 100% cả. Các quỹ chỉ số có chỗ sai lầm chết người cố hữu của chúng.

Hãy đừng đợi những mối “làm ăn lớn” nữa. Hãy nhảy vào cuộc chơi và bắt đầu từ những trò nhỏ (như căn nhà nhỏ đầu tiên mà tôi bắt đầu đầu tư chỉ bằng một vài đô làm ăn). Lúc đầu, bạn đừng lo lắng đúng hay sai mà chỉ bắt đầu chơi thôi. Bạn sẽ học được nhiều hơn một khi bạn bỏ tiền ra, nhưng nhớ là chỉ bỏ chút ít thôi để chơi nhé. Tiền bạc có cách làm tăng sự thông minh tài chánh của bạn nhanh chóng. Sợ hãi và do dự sẽ làm bạn thối lui. Bạn có thể tham gia những trò chơi lớn hơn bất cứ lúc nào bạn muốn, nhưng bạn sẽ không bao giờ lấy lại được thời gian và kiến thức bị mất khi bạn chỉ ngồi đó chờ đợi làm những điều đúng hay những mối lớn. Nên nhớ, những mối làm ăn nhỏ sẽ dẫn đến những mối làm ăn lớn, nhưng với điều kiện duy nhất là bạn phải bắt đầu chơi.

Hãy bắt đầu trong ngày hôm nay mà đừng chờ đợi nữa. Hãy cắt bớt việc tiêu xài bằng thẻ tín dụng, bỏ bớt những “đồ chơi” đắt tiền giảm giá, và hãy gọi cho một quỹ hổ tương nổi tiếng. Bạn hãy ngồi xuống với những người thân của mình vạch ra một kế hoạch, gọi một nhà kế hoạch tài chánh hay đi đến thư viện và tìm đọc về kế hoạch tài chánh, tự mình để dành tiền (chẳng hạn mỗi tháng để dành khoảng 50 đô). Bạn càng chờ đợi chừng nào, bạn sẽ càng lãng phí một trong những tài sản quý giá của bạn đó chính là thời gian của mình.

Một điểm thú vị cần chú ý. Bậc 4 chính là điểm xuất phát của các nhà triệu phú nước Mỹ. Quyển sách Nhà Triệu phú hàng xóm đã mô tả một nhà triệu phú bình thường là một người lái chiếc Ford hiệu Taurus, làm chủ một công ty và sống tri túc bằng những gì mình tạo được. Họ học hỏi, tìm tòi về đầu tư, có một kế hoạch đầu tư dài hạn. Họ chẳng làm điều gì kỳ thú, chịu nhiều rủi ro hay kêu gọi gì cả khi đầu tư. Họ thực sự là những người bảo thủ, và chính những thói quen tiền bạc biết cân đối của họ đã làm cho họ giàu có và thành công trong suốt một khoảng thời gian dài.

Đối với những người không thích rủi ro, muốn tập trung vào nghề nghiệp chuyên môn hay công việc của mình thay vì bỏ nhiều thời gian học hỏi cách đầu tư, bậc 4 là bậc bắt buộc đối với họ nếu như họ muốn sống một cuộc đời giàu có và trù phú. Đối với những cá nhân này, điều quan trọng hơn hết là họ phải đi kiếm tư vấn từ những chuyên gia kế hoạch về tài chánh. Những người này có thể giúp bạn vạch ra một chiến lược đầu tư và giúp con đường bạn đi đúng hướng theo cấu trúc đầu tư dài hạn đó.

Bậc đầu tư này đòi hỏi sự kiên nhẫn và biết tận dụng thời gian. Nếu bạn biết đầu tư sớm và đều đặn, bạn có thể trở nên giàu có. Nếu bạn bắt đầu trễ, chẳng hạn ở tuổi 45, kiểu đầu tư bậc này sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn, nhất là trong khoảng thời gian từ lúc này cho đến năm 2010.

Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 4 không? (tùy chọn)

______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

 

BẬC 5: NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP

Những nhà đầu tư này có “đủ sức” tìm kiếm những chiến lược đầu tư có nhiều rủi ro hơn hay chủ động hơn. Tại sao vậy? Bởi vì họ có thói quen tiền bạc rất tốt, một nền tảng tiền bạc vững chắc và hiểu biết về đầu tư. Trò chơi đối với họ chẳng mới mẻ gì. Họ tập trung chứ không thường đa dạng hóa. Họ có một kỷ lục dài về những trận thắng mà họ đạt được đều đặn, và họ có đủ trận thua để có thể tìm thấy những kinh nghiệm, những bài học đáng giá rút ra từ những sai lầm đó.

Những nhà đầu tư này thường mua “sỉ” các khoản đầu tư hơn là mua “lẻ”. Họ đặt những mối đầu tư của chính họ lại với nhau để tự sử dụng. Hoặc họ chuyên nghiệp đến mức đủ để tham gia những mối đầu tư mà những người bạn bậc 6 của họ cần vốn.

Những yếu tố nào quyết định sự chuyên nghiệp của những nhà đầu tư này? Họ có một nền tảng tài chánh với nguồn thu nhập kinh doanh hay về hưu đáng kể từ nghề nghiệp của mình, hay có những khoản đầu tư bảo thủ nhưng vững chắc. Những người này kiểm soát được tỷ lệ vốn/nợ của mình, nghĩa là họ có nhiều thu nhập hơn so với mức chi phí sinh hoạt hàng ngày. Họ có một hiểu biết cặn kẽ về thế giới đầu tư và tự mình chủ động đi tìm kiếm những hiểu biết, những thông tin mới. Họ cẩn thận, nhưng không đa nghi, và luôn mở rộng đầu óc của mình.

Trong mối đầu cơ, họ chịu rủi ro thấp hơn 20% số vốn họ bỏ vào. Họ thường bắt đầu nhỏ, bỏ ra một ít tiền, để có thể hiểu biết về cách làm ăn trong47;u tư cho dù đó là cổ phiếu, hay mua lại một doanh nghiệp kinh doanh, một hùn hạp đầu tư địa ốc, hay mua lại những tài sản bị tịch thu đấu giá thế nợ, v.v… Nếu họ bị mất 20% số vốn này, điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến họ. Họ coi thất bại đó như một bài học kinh nghiệm, rồi quay lại cuộc chơi để học hỏi tiếp, coi thất bại chỉ là một phần quá trình của thành công. Mặc dù họ không thích bị mất tiền, họ không hề sợ bị mất. Thất bại chỉ càng khiến họ tiến tới trước, để học hỏi, hơn là để mình bị đắm chìm trong cảm xúc thua cuộc và tìm luật sư để kiện tụng.

Nếu mọi người trở nên chuyên nghiệp, họ có thể tự tạo ra những mối đầu tư có mức lãi từ 25% đến vô hạn. Những nhà đầu tư được gọi là chuyên nghiệp bởi vì họ có dư tiền, có một đội ngũ cố vấn chuyên nghiệp mà họ tự tay lựa chọn, và một kỷ lục chứng minh những thành công của họ.

Như đã đề cập trước đây, các nhà đầu tư ở cấp bậc này thường sắp đặt những mối đầu tư của chính họ lại với nhau. Cũng giống như có nhiều người mua nguyên bộ máy vi tính từ gian hàng bán lẻ, có những người khác đi mua các bộ phận rời và sau đó tự lắp ráp thành một máy vinh tính có nhu cầu sử dụng của mình. Các nhà đầu tư bậc 5 này có thể lắp ráp các khoản đầu tư khác nhau thành một mối đầu tư lớn y như vậy.

Những nhà đầu tư này biết rõ rằng chính những thời điểm khi nền kinh tế đi xuống là lúc thị trường đang trao cho họ những cơ hội thành công ngàn vàng. Họ nhảy vào thị trường khi những người khác nhảy ra. Họ thường biết khi nào nên nhảy ra. Ở cấp bậc này, một chiến lược thoát ra còn quan trọng hơn chiến lược nhảy vào thị trường.

Họ rất rõ ràng về những nguyên tắc hay những quy luật của chính họ về đầu tư. Công cụ đNư lựa chọn của họ có thể là địa ốc, trái phiếu giảm giá, doanh nghiệp kinh doanh, các doanh nghiệp bị phá sản hay những đợt cổ phiếu mới phát hành. Trong khi họ chấp nhận rủi ro nhiều hơn một người bình thường, họ rất ghét chuyện cờ bạc. Họ có một kế hoạch và những mục tiêu cụ thể. Họ không ngừng học hỏi mỗi ngày. Họ đọc báo, tạp chí, đăng ký với những đặc san đầu tư và tham dự những buổi thảo luận về đầu tư. Họ hiểu rõ tiền bạc và biết cách bắt tiền bạc làm việc cho mình. Họ tập trung chính vào việc làm tăng tài sản của họ hơn là đầu tư bởi vì họ có thể kiếm thêm thu nhập. Họ tái đầu tư những khoản lời kiếm được để xây dựng và mở rộng nền tảng tài sản của họ. Họ biết rõ ràng việc xây dựng một cơ sở tài sản vững chắc đem lại lợi nhuận hay lãi suất cao mà không bị đánh thuế nặng sẽ chính là con đường dẫn họ đến sự giàu có dài lâu trong cuộc đời của họ.

Họ thường truyền dạy những hiểu biết này cho con của họ và để lại tài sản qua nhiều thế hệ theo sau dưới hình thức công ty, tập đoàn, tổ hợp ủy thác hay đối tác. Bản thân họ hầu như không sở hữu nhiều thứ nào cả. Chẳng có nhiều tài sản đứng dưới tên của họ vì mục đích giảm thuế và bảo vệ khỏi những người kiểu Robin Hood cứ tin vào chuyện lấy của giàu chia cho người nghèo. Nhưng mặc dù họ không sở hữu thứ gì, họ kiểm soát tất cả mọi thứ qua các tập đoàn. Họ kiểm soát những thực thể có tư cách pháp nhân sở hữu các tài sản của họ.

Họ có một hội đồng giám đốc của chính họ để có thể giúp họ trong việc quản lý những tài sản này. Họ lắng nghe những lời tư vấn và học hỏi. Hội đồng không chính thức này bao gồm một đội ngũ chuyên gia ngân hàng, kế toán viên, luật sư và nhà môi giới. Họ bỏ khá nhiều tiền cho những cố vấn tài chánh vững chắc không chỉ làm tăng tài sản của họ mà còn bảo vệ số tài sản này đối với gia đình, bạn bè, tranh tụng và chính phủ. Ngay cả khi họ đã từ giã cõi đời, họ vẫn còn kiểm soát được tài sản của họ. Những người này thường được gọi là “những người quản lý tiền bạc”. Ngay cả sau khi chết, họ vẫn tiếp tục chi phối số phận đồng tiền mà họ đã tạo ra.

Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 5 không? (tùy chọn)

______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

 

BẬC 6: NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ THỰC SỰ

Rất ít người trên thế giới này đạt được trình độ đầu tư tuyệt vời này. Ở Mỹ, cứ vài trăm người mới có một người là nhà đầu tư thực sự. Người này không chỉ là nhà đầu tư thuộc nhóm Đ mà còn là nhà doanh nhân tài giỏi thuộc nhóm C, bởi vì người này có thể vừa tạo ra một chuyện kinh doanh lại vừa tạo ra cơ hội đầu tư đúng lúc.

Mục đích của nhà đầu tư thực sự là tạo ra nhiều tiền hơn bằng cách tổng hợp hài hòa nguồn vốn, tài năng và thời gian của những người khác. Họ thường là những kẻ làm “lay động và thúc đẩy” xã hội, làm cho nước Mỹ và nhiều quốc gia to lớn khác trở thành những trung tâm quyền lực tài chánh đồ sộ. Đó là những người thuộc dòng họ Kennedy, gia đình Rockefeller, Ford, J.Paul Getty, và Ross Perot. Chính những nhà đầu tư thực sự này đã tạo ra công ăn việc làm, chuyện kinh doanh và hàng hóa giúp cho một quốc gia phát triển và thịnh vượng.

Những nhà đầu tư bậc 5 thường tạo ra những khoản đầu tư cho riêng họ sử dụng đồng vốn của mình. Trong khi đó, những nhà đầu tư thực sự tạo ra những khoản đầu tư không những cho chính họ mà cho những người khác, sử dụng tài năng và nguồn vốn của mọi người. Những nhà đầu tư thực sự không cần có tiền mới tạo ra tiền, chỉ bởi vì họ biết cách sử dụng tiền và thời gian của người khác. Những nhà đầu tư bậc 6 tạo ra những khoản đầu tư cho nhiều người khác mua lại.

Họ làm cho nhiều người khác cùng giàu lên, tạo ra công ăn việc làm, và làm cho mọi thứ có thể thực hiện được. Trong những giai đoạn nền kinh tế phát triển, chuyện đầu tư và làm ăn của họ rất suôn sẻ. Trong giai đoạn nền kinh tế bị khủng hoảng và đi xuống, những nhà đầu tư thực sự này lại càng giàu hơn. Họ biết rằng những biến động kinh tế mở ra nhiều cơ hội mới cho họ. Họ là những người thường tham gia sớm nhất vào một dự án, một sản phẩm, một công ty hay một quốc gia cả hàng nhiều năm trước khi đám đông nhận ra và tham gia. Khi bạn đọc trên báo về một quốc gia đang gặp khó khăn hay đang lâm vào chiến tranh hay một thảm họa, bạn có thể chắc chắn là một nhà đầu tư thực sự nào đó chẳng bao lâu sẽ có mặt ở đó, thậm chí đã có mặt ở đó rồi. Một nhà đầu tư thực sự sẽ đi đến nơi mà hầu hết mọi người đều tránh né, “Đừng đi đến đó, quốc gia đó hay ngành kinh doanh đó, đang gặp rối loạn. Rủi ro nhiều lắm”.

Những nhà đầu tư thực sự thường nghĩ đến những lãi suất từ 100% đến vô hạn. Đó là vì họ biết cách quản lý rủi ro và làm ra tiền mà không cần tiền. Họ có thể làm được điều đó bởi vì họ biết tiền bạc không phải là một thứ đồ vật hữu hình, mà chỉ là một ý tưởng được tạo ra trong đầu họ. Những người này cũng có cùng nỗi sợ như nhiều người khác, nhưng họ đã biến nỗi sợ thành sự kích thích thúc đẩy họ tiến tới. Họ biến nỗi sợ thành những kiến thức mới, những tài sản mới. Trò chơi trong cuộc đời của họ chính là trò chơi tiền tạo ra tiền. Họ yêu thích tiền bạc đó hơn bất cứ trò chơi nào khác, hơn cả chơi gôn, làm vườn hay bất kỳ trò dở hơi nào khác. Đó chính là trò chơi làm nên cuộc sống của họ. Cho dù có thắng hay thua, bạn cũng đều nghe họ nói, “Tôi yêu thích trò chơi này”. Và đó chính là những gì tạo nên một nhà đầu tư thực sự.

Cũng giống như những nhà đầu tư bậc 5, những nhà đầu tư thực sự là những người “quản lý tiền bạc” xuất sắc. Khi nghiên cứu những con người này, bạn thường thấy họ rất rộng rãi với bạn bè, gia đình, nhà thờ và giáo dục. Hãy nhìn những người nổi tiếng đã lập ra những học viện nổi tiếng trên toàn thế giới. Rockefeller đã giúp dựng lên Đại học Chicago, J.P.Morgan đã ảnh hưởng đến Đại học Harvard không chỉ bằng tiền bạc. Những nhà đầu tư thực sự khác đã để lại tên tuổi của mình như những người sáng lập những trường Đại học nổi tiếng như Vanderbilt, Duke, Stanford. Họ là những người thuyền trưởng vĩ đại không những trong ngành công nghiệp mà cả trong giáo dục.

Ngày nay, Ngài John Templeton vẫn còn cống hiến rộng rãi cho tôn giáo, và George Soros hiến tặng hàng triệu đô cho những tổ chức tôn giáo mà ông ta tin vào. Và cũng đừng quên tổ chức Ford, tổ chức Getty, cũng như Ted Turner đã từng chu cấp hàng tỷ đô cho tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Cho nên, trái ngược với những gì mà nhiều kẻ đa nghi học thức mỉa mai hay những chỉ trích từ các trường học, chính phủ, nhà thờ và hệ thống thông tin đại chúng hay tuyên truyền, những nhà đầu tư thực sự đã cống hiến cho xã hội nhiều cách khác nhau không chỉ như là những người chỉ huy trong ngành công nghiệp, mà còn tạo ra công ăn việc làm và tạo ra rất nhiều tiền. Để có một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta cần có nhiều hơn những nhà đầu tư thực sự, chứ không phải ít hơn mà nhiều kẻ đa nghi thường thuyết phục chúng ta.

Thực tế lại có nhiều kẻ đa nghi hơn những nhà đầu tư thực sự. Kẻ đa nghi, thường ồn ào và làm cho hàng triệu người sợ sệt, bất an, chỉ biết đi kiếm sự ổn định, đảm bảo hơn là sự tự do.

Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 6 không? (tùy chọn)

______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

TRƯỚC KHI ĐỌC TIẾP

Đến đây, quyển sách đã hoàn tất phần giải thích Kim tứ đồ. Chương này chủ yếu giải thích nhóm Đ trên tứ đồ. Trước khi các bạn đọc tiếp, dưới đây là một số câu hỏi dành cho bạn:

 

1. BẠN LÀ NGƯỜI ĐẦU TƯ THUỘC BẬC NÀO?

Nếu bạn thực tình muốn làm giàu nhanh chóng, hãy đọc đi đọc lại bảy cấp bậc đầu tư đó. Cứ mỗi lần tôi đọc qua những cấp bậc, tôi lại phát hiện thêm một phần về con người mình được phản ánh trong bảy cấp bậc đó. Tôi không chỉ nhận thấy những ưu điểm của mình, mà còn, như Zig Ziglar nói, “những tính cách yếu điểm” đã kềm hãm tôi lại. Con đường đi đến sự giàu có tiền bạc lớn lao chính là củng cố sức mạnh con người bạn và khắc phục những yếu kém của mình. Đểược điều đó, trước hết bạn hãy nhận diện chúng hơn là giả vờ con người bạn không có những yếu kém đó.

Tất cả chúng ta đều muốn nghĩ tốt về mình. Tôi đã mơ ước trở thành nhà đầu tư bậc 6 trong suốt cuộc đời của mình. Tôi biết đây chính là điều mà tôi mong muốn trở thành từ lúc người bố giàu giải thích sự giống nhau giữa một kẻ chơi chứng khoán với một kẻ cá ngựa. Nhưng sau khi tìm hiểu về những cấp bậc khác nhau trong danh sách này, tôi có thể phát hiện những tính cách yếu điểm đã kềm giữ con người tôi lại. Mặc dù ngày hôm nay tôi đang hoạt động như một nhà đầu tư bậc 6, tôi vẫn tiếp tục đọc đi đọc lại bảy cấp bậc này và không ngừng trau dồi hoàn thiện mình.

Tôi tìm thấy những tính cách yếu kém của mình từ bậc 3-C thường ngóc đầu dậy trong những lúc bị áp lực.. Tên cờ bạc đó trong tôi là điều tốt, nhưng nó cũng có khía cạnh xấu. Do đó, nhờ có sự hướng dẫn của vợ tôi và bạn bè, cộng thêm việc tìm tòi nghiên cứu, tôi bắt đầu nhận ra ngay những yếu kém của mình và chuyển hóa chúng thành những sức mạnh cá nhân. Tính hiệu quả trong con người tôi như nhà đầu tư bậc 6 được cải thiện ngay lập tức.

Còn đây là một câu hỏi khác.

2. BẠN MUỐN TRỞ THÀNH NHÀ ĐẦU TƯ CẤP BẬC NÀO NGAY BÂY GIỜ HAY TRONG TƯƠNG LAI?

Nếu bạn trả lời câu 2 giống như câu 1, thế thì đó chính là cấp bậc bạn muốn đạt tới. Nếu bạn cảm thấy hạnh phúc ở vị trí hiện tại so với việc trở thành một nhà đầu tư, thế thì bạn cũng chẳng cần nên đọc tiếp để làm gì. Chẳng hạn, nếu hiện tại bạn đang là một nhà đầu tư vững vàng ở bậc 4 và không có ý muốn trở thành đầu tư bậc 5 hay bậc 6, thế thì bạn đừng đọc tiếp quyển sách nữa. Một trong những niềm vui lớn nhất của cuộc đời chính là sự hạnh phúc bằng lòng với hiện tại. Và tôi xin thành thực chúc mừng bạn!

CẢNH BÁO

Bất cứ ai có mục tiêu trở thành nhà đầu tư bậc 5 hay bậc 6 đều phải phát triển những kỹ năng của mình TRƯỚC HẾT ở bậc 4. Bậc 4 không thể nào bỏ qua được trên con đường mà bạn muốn nhắm tới bậc 5 hay bậc 6. Những ai cố gắng trở thành nhà đầu tư bậc 5 hay bậc 6 mà không có những kỹ năng cần thiết của nhà đầu tư bậc 4 chỉ là một nhà đầu tư bậc 3, tức là một kẻ cờ bạc không hơn không kém!

Nếu bạn vẫn muốn và cần biết nhiều hơn về tài chánh, vẫn cố theo đuổi mục tiêu của sự tự do tài chánh, xin mời bạn đọc tiếp quyển sách. Những chương còn lại sẽ chủ yếu tập trung vào những tính cách của một người thuộc nhóm C và Đ. Qua những chương này, bạn sẽ học cách “đột phá” từ phía bên trái của tứ đồ sang phía bên phải một cách dễ dàng và ít rủi ro. Sự di chuyển từ bên trái sang bên phải sẽ tiếp tục tập trung vào những tài sản vô hình của bạn dùng để tạo ra những tài sản hữu hình ở phần bên phải của tứ đồ.

Trước khi tiếp tục, tôi xin hỏi bạn một câu cuối cùng: Từ lúc không có nhà cửa cho đến khi trở thành triệu phú trong thời gian không quá 10 năm, bạn nghĩ hai vợ chồng tôi cần phải nằm trong cấp bậc đầu tư nào? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong chương kế, mà ở đó tôi sẽ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm học hỏi được từ chuyến phiêu lưu của bản thân tôi trên con đường nhắm tới sự tự do về tài chánh.

Bình luận
Ads Footer