NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Dốc Hết Trái Tim – Cách Starbucks Xây Dựng Công Ty Bằng Từng Tách Cà Phê

Phần Một: Khám phá mới về cà phê Những năm trước 1987 – Chương 1. Trí tưởng tượng, ước mơ, và xuất thân hèn kém

Tác giả: Howard Schultz
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Chọn tập
Ads Top

Chỉ bằng trái tim ta mới nhìn đúng được vạn vật.

Những thứ cốt lõi đều không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Antoine de Saint-Exupéry, Hoàng tử bé

Starbuck ngày hôm qua là thành quả của hai nhân tố quan trọng. Nhân tố thứ nhất là Starbucks thời kỳ đầu, thành lập năm 1971, một công ty tràn đầy nhiệt huyết với quyết tâm mang lại cho khách hàng loại cà phê đẳng cấp thế giới và mong muốn chứng tỏ cho khách hàng thấy rằng cà phê có thể trở nên tuyệt vời đến thế nào.

Nhân tố thứ hai là tầm nhìn và những giá trị mà tôi mang đến cho công ty: sự kết hợp giữa định hướng cạnh tranh và khao khát muốn tất cả mọi người trong tổ chức đều có thể sánh bước cùng nhau đi đến chiến thắng. Tôi muốn pha cả sự lãng mạn vào từng tách cà phê, muốn can đảm nỗ lực để đạt được điều mà người khác cho rằng không thể, muốn thách thức nghịch cảnh bằng những ý tưởng sáng tạo, và muốn làm tất cả những điều này bằng sự tinh tế và bằng phong cách của riêng mình.

 

Trên thực tế Starbucks sẽ khó lòng đến vị trí ngày hôm nay nếu không có tác động của cả hai nhân tố đó.

 

Vào thời điểm tôi khám phá ra Starbucks, thương hiệu này đã phát triển được mười năm. Tôi biết được lịch sử hình thành ban đầu của nó qua lời kể của những thành viên sáng lập và tôi sẽ thuật lại cho các bạn nghe câu chuyện đó ở Chương Hai. Trong cuốn sách này, tôi sẽ kể lại câu chuyện theo đúng cái cách mà tôi kinh qua nó, bắt đầu những năm tháng đầu tiên của đời tôi, bởi lẽ đa số các giá trị hình thành nên sự lớn mạnh của Starbucks ngày hôm này bắt nguồn từ một căn hộ chung cư chật chội ở Brooklyn, New York.

 

XUẤT THÂN HÈN KÉM CÓ THỂ KHƠI DẬY TRONG BẠN CẢ NGHỊ LỰC LẪN TÌNH YÊU

 

Có một điều tôi nhận thấy ở những người theo chủ nghĩa lãng mạn: Họ cố gắng tạo ra một thế giới tươi mới và tố đẹp hơn sự buồn tẻ của cuộc sống thường nhật. Đó cũng chính là cái đích mà Starbucks nhắm tới. Chúng tôi cố gắng biến những cửa hiệu của mình thành một ốc đảo, nơi bạn có thể nghĩ ngơi sau một ngày mệt nhọc, thưởng thức một bản jazz và suy nghĩ vẫn vơ về cuộc sống bên tách cà phê.

 

Những kiểu người nào thường mơ về một nơi như thể?

 

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi tin rằng khi xuất thanh của bạn càng tầm thường, bạn lại càng có xu hướng muốn dùng trí tưởng tượng của mình để khám phá những thế giới nơi mọi thứ dường như đều có thể xảy ra.

 

Điều này tất nhiên hoàn toàn đúng trong trường hợp của tôi.

 

Khi tôi mới ba tuổi, gia đình tôi chuyển khỏi căn hộ của bà nội để sống ở Khu Quy Hoạch Bayview vào năm 1956. Khu này nằm ngay trung tâm Canarsie, trên vịnh Jamaica, cách sân bay và đảo Coney khoảng 15 phút chạy xe. Thời đó, Khu Quy Hoạch chẳng tệ chút nào, nó trông khá thân thiện, lại bề thế và sum suê cây cối với khoảng một tá khu nhà xây gạch cao tám tầng, tất cả đều mới toanh. Trường tiểu học P.S. 272 nằm ngay bãi đất quanh Khu Quy Hoạch, có cả sân chơi, sân bóng rổ, và sân trường thì được lát gạch tinh tươm. Thế nhưng, chẳng ai tự hào khi được sống ở Khu Quy Hoạch cả, bố mẹ chúng tôi đều là những người mà ngày nay gọi là “dân lao động nghèo”.

 

Tuy vậy, tôi vẫn có rất nhiều ký ức hạnh phúc trong suốt thời thơ ấu của mình. Lớn lên ở Khu Quy Hoạch góp phần hình thành trong tôi một hệ thống giá trị cân bằng vì nó buộc tôi phải sống hòa đồng với rất nhiều kiểu người khác nhau. Riêng khu chúng tôi đã có tới 150 gia đình, và chúng tôi dùng chung một cái thang máy bé tẹo. Căn hộ nào cũng nhỏ xíu, và gia đình tôi lúc đầu phải nhồi nhét nhau trong một căn chật nêm chỉ có hai phòng ngủ.

 

Bố và mẹ tôi đều xuất thân từ tầng lớp lao động, đã hai đời sinh sống ở nhánh Tây New York thuộc Brooklyn. Ông nội tôi mất sớm nên bố tôi phải thôi học và làm việc khi mới thanh niên. Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra, ông làm quân y cho Quân đội tại Nam Thái Bình Dương, New Caledonia và Saipan, nơi ông mắc bệnh số vàng da và sốt rét. Hậu quả là phổi ông rất yếu, và thường xuyên bị cảm hàn. Chiến tranh kết thúc, ông làm một loạt các công việc tay chân khác nhau nhưng không tìm được việc đúng với ước mơ của mình, bố tôi chưa bao giờ vạch ra được một hướng đi nào cho cuộc đời mình.

 

Mẹ tôi là một phụ nữ mạnh mẽ và đầy nghị lực. Tên bà là Elaine, nhưng người ta gọi là Bobbie. Về sau, bà làm tiếp tân cho một khách sạn, nhưng khi chúng tôi còn bé, bà phải dành thời gian cả ngày để chăm sóc chúng tôi.

 

Em gái tôi, Ronnie, suýt soát tuổi tôi, cũng trãi qua thời thơ ấu đầy khó khăn như tôi. Nhưng ở một chừng mực nào đó, tôi đã xoay xở để em trai tôi, Michael, không bị ảnh hưởng bởi những thiếu thốn kinh tế của gia đình và chỉ bảo em cách vạch ra những hướng đi trong cuộc đời, điều mà bố mẹ đã không thể mang lại cho tôi. Hễ tôi đi đâu là Michael theo đó. Tôi thường gọi em là “Cái bóng”. Tuy cách nhau tám tuổi, chúng tôi đã xây dựng được một mối quan hệ hết sức gần gũi, tôi thay bố chăm sóc em. Tôi hãnh diện thấy em trở thành một vận động viên giỏi, một sinh viên xuất sắc và rồi cuối cùng đã đạt được thành công trong sự nghiệp kinh doanh của mình.

 

Hồi bé ngày nào tôi cũng chơi thể thao với bọn trẻ hàng xóm từ sáng tới tối mịt. Hễ có thời gian là bố lại cùng chơi với chúng tôi, sau giờ làm hoặc vào dịp cuối tuần. Cứ sáng thứ Bảy và Chủ Nhật, bắt đầu từ 8 giờ, hàng trăm đứa lóc nhóc chúng tôi lại tập trung lại sân trường. Bạn phải chơi thật giỏi, vì nếu không giành chiến thắng, bạn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, bị buộc phải ngồi xem nhiều giờ đồng hồ chờ tới lượt mình. Thế nên lúc nào tôi cũng ra sức giành chiến thắng.

 

May mắn thay, tôi là một vận động viên có năng khiếu bẩm sinh. Dù là bóng chày, bóng rổ hay bóng bầu dục, tôi luôn lao vào chơi hết mình cho đến khi thật giỏi mới thôi. Tôi thường khởi xướng các trận bóng chày hay bóng rổ với bất kể lũ trẻ hàng xóm nào – từ những đứa người Do Thái, đến những đứa người Ý và những đứa da đen. Chẳng cần ai thuyết giảng cho chúng tôi nghe về sự khác biệt màu da; chúng tôi sống cùng nó.

 

Lúc nào trong tôi cũng tràn đầy đam mê không thể kiểm soát nổi đối với những thứ tôi yêu thích. Đam mê đầu tiên của tôi là bóng chày. Thời đó ở New York mọi cuộc đối thoại đều bắt đầu và kết thúc bằng chuyện về bóng chày. Người ta liên kết hay đối nghịch nhau không phải vì màu da hay tôn giáo mà vị đội bóng họ hăm mộ. Lúc đó đội Doegers vừa rời khỏi Los Angeles (điều này đã làm bố tôi đau khổ biết bao nhiêu, ông không bao giờ tha thứ cho họ), nhưng chúng tôi vẫn có nhiều đội bóng chày tuyệt vời khác. Tôi còn nhớ khi cuốc bộ về nhà mà hai bên đường ầm ĩ những tiếng bình luận trực tiếp trên đài phát thanh qua những cánh cửa sổ mở.

 

Tôi là cổ động viên cứng cựa của đội Yankees, và số trận bóng chày mà bố đưa tôi và em tôi đi xem thật không tài nào đếm xuể. Chẳng bao giờ chúng tôi có được chỗ ngồi tốt cả, nhưng chẳng vấn đề gì. Chỉ riêng việc được có mặt ở đó đã quá tuyệt vời rồi. Mickey Mantle là thần tượng của tôi. Số áo của anh, số 7, nằm chễm chệ trên áo sơ mi của tôi, giày thể thao của tôi, mọi thứ mà tôi sở hữu. Khi chơi bóng chày, tôi bắt chước cả tư thế và những cử chỉ của Mickey Mantle.

 

Khi Mick giải nghệ, tôi đã thực sự không thể tin vào tai mình. Sao anh ấy lại có thể thôi chơi bóng được cơ chứ? Bố đưa tôi đến cả hai Ngày kỷ niệm Mickey Mantle ở Sân Yankee, ngày 18 tháng Chín, 1968 và ngày 8 tháng Sáu, 1969. Chứng kiến buổi lễ, thấy mọi người tôn vinh anh, đồng đội tạm biệt anh, và nghe anh nói, tôi cảm thấy buồn khủng khiếp. Bóng chày từ đó đối với tôi chẳng bao giờ còn được như trước nữa. Mick đã trở thành một dấu ấn lớn lao trong cuộc đời chúng tôi đến nỗi nhiều năm sau, khi anh mất, tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại chia buồn từ những người bạn thuở nhỏ, những người đã mấy mươi năm tôi chẳng có chút tin tức gì.

 

Cà phê không phải là cái gì đó quá đặc biệt trong tuổi thơ của tôi. Mẹ lúc nào cũng dùng cà phê pha sẳn. Khi bạn bè đến chơi, bà sẽ mua ít cà phê đóng hộp và lôi chiếc máy pha cà phê trong tủ ra. Tôi nhớ cảnh mình lắng nghe những tiếng rền trầm phát ra từ cái máy và ngắm nhìn cái nắp thủy tinh nhỏ bé cho đến tận lúc cà phê bật mạnh

 

ra như một hạt đậu biết nhảy.

 

Chỉ đến khi lớn lên tôi mới bắt đầu nhận ra kinh tế gia đình tôi eo hẹp đến mức nào. Thảng hoặc chúng tôi đến ăn ở một nhà hàng Trung Hoa, và bố mẹ sẽ tranh cãi nhau xem phải gọi món gì, mối quan tâm duy nhất là hôm đó trong ví bố có bao nhiêu tiền. tôi cảm thấy vô cùng giận dữ và xấu hổ khi phát hiện ra rằng buổi cắm trại qua đêm mà tôi tham gia hồi hè là một chương trình bao cấp dành cho lũ trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó tôi không bao giờ đồng ý tham gia vào chương trình đó nữa.

 

Khi lên trung học, tôi mới thấu hiểu cảm giác tủi thân khi phải sống ở Khu Quy Hoạch. Trường Trung học Canarsie chỉ cách khu chúng tôi chưa đầy một dặm, nhưng muốn đến đó tôi phải đi bộ dọc các con phố chằng chịt những ngôi nhà sang trọng hai ba tầng chỉ với một gia đình sinh sống. Tôi biết những người sống ở đó luôn coi thường chúng tôi.

 

Có lần tôi xin phép mời một cô gái đi chơi, cô ấy sống ở một vùng khác cũng thuộc New York. Tôi còn nhớ khuôn mặt của ông bố đã trượt dài thảm não thế nào khi ông ấy hỏi:

 

“cậu sống ở đâu?”

 

“Gia đình con sống ở Brooklyn,” tôi trả lời.

 

“Chỗ nào?”

 

“Canarsie.”

 

“Chỗ nào?”

 

“Khu Quy Hoạch Bayview.”

 

“Ồ.”

 

Tuy không nói ra nhưng phản ứng của ông ấy cho tôi thấy rõ là tôi đang bị xem thường, và điều này khiến tôi khó chịu.

 

Là con lớn trong nhà với hai đứa em nhỏ, tôi phải trưởng thành thật sớm. Tôi bắt đầu kiếm tiền từ khi còn nhỏ. Mười hai tuổi, tôi thường xuyên đi giao báo khắp các nhà; sau đó làm việc ở quầy thu ngân của một tiệm ăn địa phương. Mười sáu tuổi, tôi làm việc sau giờ học tại trung tâm may mặc ở Manhattan, ở bộ phận chế biến lông thú, lột da động vật. Đó là một công việc kinh tởm và đã để lại những vết chai dày trên hai ngón tay cái của tôi. Tôi trãi qua mùa hè nóng nực trong một xí nghiệp bóc lột nhân công tàn tệ, hấp sợi cho một nhà máy dệt. Tôi luôn dành một phần tiền kiếm được gửi cho mẹ – không phải vì bà bảo tôi mà vì tự thân tôi thấy thương cho hoàn cảnh mà bố mẹ tôi đang sống.

 

Thế rồi, vào những năm 1950 và đầu những năm 1960, giấc mơ Mỹ trở thành một khái niệm gây tác động mạnh mẽ, và tất cả chúng tôi đều cảm thấy mình là một phần của giấc mơ đó. Mẹ đã truyền cảm giác đó cho chúng tôi. Bản thân bà chưa bao giờ tốt nghiệp được trung học, và giấc mơ lớn nhất đời bà là cho cả ba đứa con đi học đại học. Bằng sự khôn khéo, thực tế và cương quyết của mình, bà đã mang lại cho tôi một

 

niềm tin to lớn. Hết lần này đến lần khác, bà đặt tấm gương của những con người thành công trước mắt tôi, chỉ cho tôi thấy những người đã tạo nên một điều gì đó lớn lao trong cuộc sống và khăng khăng rằng tôi cũng có thể đạt được bất cứ thứ gì tôi muốn, nếu tôi dành cả trái tim mình cho nó. Bà khuyến khích tôi thử thách bản thân bằng cách tự đặt mình vào những tình huống khó khăn, để tôi có thể học được cách vượt qua trở ngại. Tôi không biết bằng cách nào bà có được sự thông thái đó, vì đó không phải những nguyên tắc sống của bà. Nhưng bà đã buộc tôi phải thành công.

 

Nhiều năm sau, trong một lần mẹ tôi đến thăm Settle, tôi khoe với bà những văn phòng mới của chúng tôi ở Trung tâm Starbucks. Khi chúng tôi dạo bước quanh các phòng ban và nhà xưởng, nhìn mọi người tất bật trả lời điện thoại và gõ liên tục các bàn phím máy tính, tôi biết chắc rằng mọi thứ đang quay mòng mòng trong đầu bà khi chứng kiến tầm cỡ và quy mô của công việc này. Cuối cùng, bà ghé sát tai tôi thì thầm: “Ai trả nổi tiền cho từng này người vậy con?” điều đó vượt ngoài sức tưởng tượng của bà.

 

Trong suốt quãng đời thời thơ ấu, tôi chưa bao giờ mơ có ngày mình sẽ làm kinh doanh. Người doanh nhân duy nhất tôi biết là chú tôi, Bill Farber. Chú có một nhà máy giấy nhỏ ở Bronx, nơi về sau chú thuê bố tôi làm đốc công. Tôi không biết chắc rốt cuộc rồi mình sẽ làm công việc gì, nhưng tôi biết mình phải thoát khỏi sự vất vả mà bố mẹ tôi phải chịu đựng hàng ngày. Tôi phải thoát khỏi Khu Quy Hoạch, thoát khỏi Brooklyn. Tôi còn nhớ có lần nằm dài trên giường lúc giữa đêm và nghĩ: Sẽ thế nào nếu mình có một quả cầu pha lê và có thể nhìn thấy tương lai nhỉ? Nhưng rồi tôi nhanh chóng dập tắt suy nghĩ đó, vì tôi nhận ra mình sẽ sợ hãi đến mức không dám nhìn vào nó.

 

Lúc đó tôi chỉ biết có một con đường duy nhất: thể thao. Như lũ trẻ trong bộ phim Hoop Dreams, bạn bè tôi và cả tôi tin rằng thể thao chính là tấm vé đưa chúng tôi đến với một cuộc sống sung sướng. Hồi trung học, tôi chỉ ép mình vào chuyện học hành nếu bị bắt buộc, bởi vì tôi thấy những thứ thầy cô ra giảng ở lớp học chẳng ăn nhập vào đâu cả. Thay vào đó tôi dành hầu hết thời gian để chơi bóng.

 

Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày tôi chính thức trở thành thành viên đội bóng. Biểu trưng của niềm vinh dự này là một chữ C màu xanh lam thật to in trên áo jacket, chữ C khẳng định tôi đã trở thành một vận động viên thực thụ. Nhưng mẹ tôi không thể xoay nổi 29 đô-la để mua cho tôi cái áo jacket in chữ ấy, mẹ bảo tôi ráng đợi thêm khoảng một tuần nữa chờ bố đến ngày nhận lương. Tôi thất vọng tràn trề. Mọi người ở trường đều đã lên kế hoạch mặc đồng phục in chữ vào một ngày cố định rồi. Tôi không thể xuất hiện mà không có cái áo jacket được, nhưng tôi cũng không muốn làm mẹ tôi phiền lòng thêm nữa. Vậy là tôi mượn tiền của một người bạn để mua chiếc jacket đó và mặc nó vào đúng ngày, nhưng tôi giữ kín không cho bố mẹ biết chuyện này cho đến tận khi họ xoay xở đủ tiền.

 

Chiến thắng lớn nhất của tôi thời trung học là trở thành tiền vệ, điều này khiến tôi thành ra nổi tiếng giữa 5.700 sinh viên ở Canarsie High. Trường tôi nghèo đến mức chúng tôi chẳng có nổi một sân bóng riêng, và chúng tôi chưa bao giờ có khái niệm chơi bóng trên sân nhà. Đội tôi chơi cực tệ, nhưng ít ra tôi cũng nằm trong nhóm những tay khá khẳm nhất.

 

Rồi một ngày nọ, một người đàn ông đến theo dõi một trong số những trận đấu của chúng tôi để chọn ra một cầu thủ chơi phòng ngự xuất sắc. Tôi không hề biết đến sự có mặt của anh ta. Vài ngày sau, tôi nhận được một lá thư gửi từ trường Đại học Bắc Michigan, nơi mà trong tâm trí tôi luôn coi như một hành tinh hoàn toàn khác cái hành tinh tôi đang sống. Họ đang tuyển người cho đội bóng bầu dục. Bạn tự hỏi tôi có thích không ư? Tôi hò hét và nhảy loạn cả lên. Cảm giác tuyệt vời như thể nhận được lời mời vào nhóm biệt phái NFL (*Liên đoàn bóng đá Quốc gia Mỹ) vậy.

 

Trường Bắc Michigan rốt cuộc đã trao cho tôi một suất học bổng bóng bầu dục, đó cũng là suất học bổng duy nhất mà tôi nhận được. Nếu không có nó, tôi chẳng biết mình phải làm thế nào để biến giấc mơ của mẹ tôi thành sự thật, để tôi có thể đặt chân vào cổng trường đại học.

 

Trong kỳ nghĩ xuân năm cuối cấp 3, bố mẹ đã lái xe đưa tôi đến một nơi tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng của tôi. Chúng tôi vượt gần một ngàn dặm đường để đến Marquette, nằm ở vùng phần Thượng của bán đảo Michigan. Trước giờ chúng tôi chưa hề đi đâu khỏi New York, nên bố mẹ tôi thực sự hứng khởi với chuyến phiêu lưu này. Chúng tôi băng qua hết núi rừng rậm rạp đến đồng bằng mênh mông, qua những hồ nước rộng lớn chẳng kém gì đại dương. Khi đến nơi, hình ảnh khu học xá của trường ập vào mắt tôi, một hình ảnh nước Mỹ mà tôi chỉ thấy trên phim ảnh, với những cây cao đang đâm chồi, những sinh viên cười nói pha trò vui vẻ, những chiếc đĩa nhựa Frisbee bay khắp không trung.

 

Vậy là cuối cùng tôi đã rời khỏi Brooklyn.

 

Thật tình cờ, cũng chính năm đó Starbucks được thành lập tại Seattle, một thành phố mà ngay cả trí tưởng tượng của tôi cũng không nghĩ tới.

 

Tôi mê rít sự tự do và phóng khoáng của cuộc sống đại học, tuy ban đầu tôi có thấy hơi cô đơn và lạc lõng. Tôi thân được vài người bạn trong năm nhất và may mắn được ở cùng phòng với họ trong suốt bốn năm đại học, và cả sau khi tốt nghiệp nữa. Có hai lần tôi gọi em trai tôi và nó đã bay đến thăm tôi. Một năm nọ, vào Ngày Của Mẹ, tôi bí mật xin quá giang xe về New York để khiến bà bất ngờ.

 

Hóa ra tôi không giỏi chơi bóng bầu dục như tôi tưởng và rốt cuộc chẳng được thi đấu chính thức trong đội bóng. Để tiếp tục ở lại trường, tôi phải vay tiền và làm thêm bán thời gian cũng như toàn bộ lỳ nghĩ hè để trang trãi mọi chi phí. Tôi từng làm nhân viên quầy bar ca đêm cho một quán rượu, và thậm chí tôi còn đôi lần bán máu nữa. Dù vậy, đó vẫn là những năm tháng vô cùng hạnh phúc, chẳng phải bận tâm với quá

 

nhiều trách nhiệm. Với số hiệu nhập ngũ 332, tôi không phải lo lắng đến chuyện bị đưa ra chiến trường.

 

Tôi chọn chuyên ngành truyền thông và theo học các khóa diễn thuyết trước công chúng và giao tiếp. Vào năm cuối tôi học thêm một số lớp kinh doanh, bởi lẽ lúc đó tôi bắt đầu lo lắng không biết sau khi tốt nghiệp mình sẽ làm gì. Tôi giữ được điềm trung bình ở mức B. chỉ ép bản thân vào chuyện học hành khi sắp đến kỳ thi hay đến lượt mình phải thuyết trình.

 

Sau bốn năm, tôi trở thành người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học. Trong mắt bố mẹ, tôi đã đạt được một phần thưởng to lớn: tấm bằng đại học. Nhưng tôi hoàn toàn mất phương hướng. Không ai giúp tôi nhận thức được giá trị của những kiến thức mà tôi học được. Từ đó trở đi tôi thường nói vui rằng: Nếu có ai đó hướng dẫn và định hướng giúp tôi, tôi chắc chắn trở thành một nhân vật mà nhiều người phải kiên dè.

 

Phải mất nhiều năm tôi mới tìm được niềm đam mê của mình trong cuộc sống. Từ đó mỗi bước tôi đi lại là một bước nhảy vọt tiến về phía xa bên ngoài hiểu biết của tôi, mỗi thời khắc lại chứa đựng ngày càng nhiều mạo hiểm. Nhưng việc thoát khỏi Brooklyn và kiếm được tấm bằng đại học đã mang lại cho tôi dũng kí để tiếp tục ước mơ.

 

Tôi luôn cố dấu việc mình lớn lên ở Khu Quy Hoạch. Tôi không lừa dối ai cả, chỉ có điều tôi không muốn nhắc đến chuyện đó, vì nó chẳng phải cái gì hay ho để mà đem khoe. Nhưng dù tôi có cố chối bỏ đến đâu đi chăng nữa, những ký ức thời thơ ấu vẫn mãi in sâu trong tâm trí tôi. Tôi không bao giờ quên được cảm giác sợ hãi đứng qua một bên, không dám nhìn vào quả cầu pha lê để nhìn thấy tương lai của mình.

 

Tháng Mười Hai 1994, một bài viết trên New York Times nói về thành công của Starbucks có đề cập rằng tôi lớn lên ở Khu Quy Hoạch vùng Canarsie. Sau khi lên báo, tôi nhận được rất nhiều lá thư gửi từ Bayview và các vùng lân cận. Hầu hết người viết là những bà mẹ đang cố gắng định hướng cho các con mình, họ nói rằng câu chuyện của tôi đã mang lại cho họ niềm hy vọng.

 

Những trở ngại ngăn tôi thoát khỏi ngheo khổ để đến được vị trí của ngày hôm nay thật không bút mực nào kể xiết. Tôi đã vượt qua chúng như thế nào?

 

May mắn đã mỉm cười với tôi, điều đó hoàn toàn đúng, Michael em trai tôi lúc nào cũng bảo vậy. Nhưng trong câu chuyện của tôi, tính bền chí và nghị lực cũng quan trọng không kém gì tài năng và vận may. Tôi đã buộc thành công phải đến. Tôi nắm cuộc sống trong tay mình, học hỏi từ kinh nghiệm của tất cả những người tôi gặp, tận dụng mọi cơ hội tôi nhận được, và từng bước một định hình nên thành công cho mình.

 

Ban đầu tôi hoàn toàn bị lấn át bởi nỗi sợ thất bại, nhưng khi tôi dần qua được từng thử thách, nỗi lo lắng trong tôi được thay thế bằng một sự lạc quan ngày càng

 

lớn. Một khi bạn vượt qua được những trở ngại tưởng chừng không vượt qua nổi, mọi rào cản khác sẽ hóa ra tầm thường hơn rất nhiều. Hầu như ai cũng có thể đạt được những thứ còn tuyệt vời hơn mơ ước của mình nếu họ kiên trì theo đuổi. Tôi luôn khuyến khích mọi người mơ những giấc mơ thật lớn, gắng xây nên nền móng vững chắc, luôn hút thông tin nhanh như một miếng mút, và không ngại ngần bất chấp những gì mà người ta luôn cho là đúng. Một việc mà từ trước đến nay chưa ai làm được không có nghĩa là bạn không nên thử sức mình.

 

Tôi không thể mang tới cho bạn bất kỳ một bí quyết thành công hay một kết hoạch hoàn hảo để chiến thắng trong thế giới kinh doanh nào cả. Nhưng chính trãi nghiệm của tôi sẽ cho bạn thấy rõ rằng ta hoàn toàn có thể bắt đầu bằng hai bàn tay trắng và đạt được những thứ còn tuyệt diệu hơn cả trong mơ.

 

Trong một chuyến đi New York gần đây, tôi trở lại Canarsie, để nhìn ngắm Bayview lần đầu tiên sau gần hai mươi năm. Thật ra trông cũng chẳng tệ, ngoại trừ cái lỗ đạn chỗ cửa ra vào và những vết cháy xém gần chuông cửa. Khi tôi còn sống ở đây, chúng tôi làm gì có khung cửa sổ bằng sắt, mà hồi đó chúng tôi cũng chẳng có điều hòa không khí. Tôi thấy một đám trẻ đang chơi bóng rổ, như tôi vẫn hay chơi ngày xưa, và ngắm một bà mẹ trẻ đang nựng con trong một chiếc xe đẩy. Chợt một em bé ngước lên nhìn tôi, và tôi tự hỏi: “Ai trong số những đứa trẻ này sẽ vượt lên và đạt được giấc mơ cho bản thân mình?”

 

Tôi dừng chân cạnh trường Trung học Canarsie, nơi đội bóng đang luyện tập. Trong không khí mùa thu ấm áp, những bộ đồng phục màu xanh lơ và hiệu lệnh thi đấu mang cái cảm giác phấn khích thời thơ ấu tràn về trong tôi. Tôi hỏi xem huấn luyện viên ngồi ở đâu. Từ giữa đám trai trẻ vai u thịt bắp, hình ảnh một người nhỏ bé đội mữ đỏ hiện lên. Tôi hết sức ngạc nhiên khi chạm mặt Mike Camardese, đồng đội cũ của tôi ngày trước. Anh cập nhật cho tôi tình hình đội bóng, kể cho tôi nghe cuối cùng thì trường cũng có được sân bóng riêng như thế nào. Thật tình cờ, mọi người đang lên kế hoạch chuẩn bị cho buổi lễ hôm thứ Bảy để đặt tên sân bóng theo tên huấn luyện viên của chúng tôi ngày xưa, thầy Frank Morogiello. Nhân dịp này, tôi quyết định cam kết tài trợ cho đội bóng trong năm năm. Nếu không có sự giúp đỡ của thầy Morogillo, sẽ chẳng có tôi của ngày hôm nay. Có lẽ món quà của tôi sẽ giúp một vận động viên nào đó ở Canarsie, một người có quyết tâm của tôi ngày xưa, vươn lên vượt qua số phận và đạt được điều mà không ai tưởng tượng được.

 

Tôi thường nghe kể rằng một số huấn luyện viên thường đối mặt với một tình huống éo le rất kỳ lạ. Những cầu thủ đẳng cấp thế giới trong đội bóng – những cầu thủ với tài năng và phong độ vượt trội – đôi khi lại sa sút khi đến thời điểm quyết định. Lại có một cầu thủ khác trong đội, một nhân vật vốn hết sức bình thường và chẳng có gì nổi trội, nhưng đến thời điểm quan trọng, anh ta lại chính là người mà huấn luyện viên đưa ra sân. Anh ta quyết tâm và khao khát chiến thắng đến mức anh

 

ta có thể chơi xuất sắc hơn hẳn những cầu thủ đỉnh cao nhất trong những thời khắc quyết định.

 

Tôi tự thấy mình cũng giống gã cầu thủ bình thường đó. Tôi lúc nào cũng đầy quyết tâm và khao khát, nên khi đến thời điểm quyết định, nhiệt huyết trong tôi luôn căng tràn. Rất lâu sau khi các cầu thủ khác đã dừng lại nghỉ ngơi lấy sức, tôi vẫn mãi miết chạy, đuổi theo cái mà không ai khác ngoài tôi có thể nhìn thấy được.

 

ĐỦ NGHĨA LÀ CHƯA ĐỦ

 

Mọi trải nghiệm đều giúp bạn sẵn sàng hơn cho trải nghiệm kế tiếp. Chỉ có điều bạn không tài nào biết được trãi nghiệm kế tiếp đó sẽ ra sao.

 

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1975, như nhiều sinh viên trẻ khác, tôi không biết tiếp theo sẽ phải làm gì. Tôi chưa sẵn sàng trở lại New York, thế nên tôi đã ở lại Michigan, làm việc cho một nhà nghỉ dành cho dân trượt tuyết gần đó. Tôi chẳng có người kèm cặp, chẳng có hình tượng nào để noi theo, chẳng có thầy cô nào giúp tôi đưa ra những lựa chọn cho cuộc đời mình. Vì vậy tôi cố gắng ngồi vắt óc suy nghĩ, nhưng vẫn chẳng có chút cảm hứng nào cả.

 

Sau một năm, tôi trở lại New York và kiếm được một việc ở Xerox, theo chương trình đào tạo nhân viên kinh doanh. Quả là một điều may mắn khi tôi có thể góp mặt trong môi trường kinh doanh tốt nhất nước, trung tâm trị giá 100 triệu đô của Xerox tại Leesburg, Virginia. Tôi đã học được rất nhiều tại đây, hơn hẳn khoảng thời gian đại học, về thế giới lao động và kinh doanh. Họ đào tạo tôi về bán hàng, tiếp thị, cũng như các kỹ năng thuyết trình, và tôi đã hoàn thành khóa học với sự tự tin đúng mực về bản thân mình. Xerox là một công ty có truyền thống và uy tín lớn, nên mọi người đều rất nể khi biết tôi làm cho họ.

 

Sau khi hoàn thành khóa học, trong sáu tháng liền ngày nào tôi cũng chủ động đến gõ cửa tầm năm mươi công ty mỗi ngày. Tôi gõ cửa vô số văn phòng ở trung tâm Manhattan, trong khu từ Phố 42 đến Phố 48, từ Sông Đông đến Đại Lộ Năm. Khu này thật tuyệt, nhưng tôi không được phép ký kết thỏa thuận kinh doanh, nhiệm vụ của tôi chỉ là tìm kiếm triễn vọng và các khách hàng tiềm năng mà thôi.

 

Đây là một hoạt động rất hữu ích trong kinh doanh. Nó đã dạy tôi cách tư duy độ lập. những cánh của đóng sầm trước mặt tôi nhiều lần tới mức tôi ngày càng dạn hơn và miệng lưỡi cũng khôn ngoan hơn, việc này giúp tôi rất nhiều khi đảm trách việc giới thiệu một chủng loại máy khá mới lạ vào thời điểm đó – máy xử lý văn bản. Nhưng công việc này khiến tôi say mê, và vì thế tôi tiếp tục dấn thân vào cuộc phiêu lưu của mình đầy hứng khởi. Tôi ngày càng trưởng thành, luôn nỗ lực vươn lên vị trí dẫn đầu, để trở nên nổi bật và được chú ý, để mang lại thành tích tốt nhất cho đội kinh doanh của chúng tôi. Tôi muốn chiến thắng.

 

Cuối cùng tôi đã thành công: tôi trở thành nhân viên kinh doanh chính thức của công ty tại khu vực đó. Tất nhiên tôi đã làm việc cực kỳ chuyên nghiệp, vét-tông

 

chỉnh tề, ký kết một thương vụ, và kiếm được bộn tiền huê hồng trong ba năm liền. Tôi bán được rất nhiều sản phẩm và vượt trội hơn hẳn các đồng nghiệp. Tôi càng chứng tỏ được khả năng của bản thân, niềm tin của tôi lại càng tăng cao. Tôi khám phá ra rằng việc buôn bán đòi hỏi ta phải biết nhìn nhận giá trị đích thực của chính mình. Dù vậy, tôi không cho rằng đã có lúc nào đó tôi sinh lòng say mê những cái máy xử lý văn bản này.

 

Tôi trả hết các khoản vay thời đại học rồi thuê một căn hộ ở làng Greenwich cùng một người bạn. Chúng tôi kiếm được bộn tiền, và mọi chuyện đều rất tuyệt. Một mùa hè nọ, tám người chúng tôi thuê một căn nhà tranh ở Hamptons để nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần, và chính tại đây, trên bãi biển, vào ngày Bốn tháng Bảy 1978, tôi đã gặp Sheri Kersch.

 

Với mái tóc dài gợn sóng vàng óng cùng sự năng động của mình, Sheri đã lôi cuốn tôi bởi phong cách và vẻ đẹp hoàn hảo của nàng. Lúc đó Sheri đang theo học cao học thiết kế nội thất và quyết định nghỉ cuối tuần cùng bạn bè ở biển. Nàng không chỉ xinh đẹp mà còn xuất thân trong một gia đình nề nếp, mang đậm những giá trị cao đẹp của người vùng Trung tây nhưng vẫn tràn đầy tình yêu thương. Lúc đó chúng tôi đều đang mới bắt đầu sự nghiệp, chẳng có chút vướng bận nào trong cuộc đời cả. Chúng tôi bắt đầu hẹn hò, và tôi àng biết nhiều về nàng, tôi càng nhận ra sự tuyệt vời của nàng.

 

Tuy vậy, khoảng năm 1979, tôi điên cuồng với công việc. Tôi muốn tìm kiếm những thử thách mới. Có người bạn bảo tôi rằng một công ty Thụy Điển tên là Perstorp đang lên kế hoạch thành lập chi nhánh tại Hoa Kỳ chuyên về đồ gia dụng của mình là Hammarplast. Có vẻ đây là một cơ hội tốt để đầu quân cho một công ty đang có tiềm năng phát triển. Perstorp nhận tôi và cử đi đào tạo ba tháng tại Thụy Điển. Tôi sống trong thị trấn Perstorp nhỏ xinh với những con đường rải đầy đá cuội, ở gần Malmo, và cứ dịp cuối tuần tôi lại đi khám phá Copenhagen và Stockholm. Châu Âu thực sự khiến tôi choáng ngợp bởi lịch sử lâu đời và nhịp sống tươi vui của nó.

 

Ban đầu công ty đưa tôi vào một cơ sở khác, chuyên bán vật dụng cho xây dựng. Họ chuyển tôi đến Bắc Carolina, ở đây tôi phải bán đồ gỗ nội thất và các vật liệu xây nhà bếp. Tôi cực ghét các sản phẩm này. Ai mà mê được mấy cái đồ nhựa thò ra thụt vào này kia chứ? Sau mười mấy tháng kinh khủng, tôi không thể chịu đựng thêm nữa. Tôi muốn bỏ việc rồi theo học một trường diễn xuất nào đó, bất cứ điều gì giúp tôi trở lại New York và ở cạnh Sheri.

 

Khi tôi dọa sẽ thôi việc, Perstorp không những thuyên chuyển tôi về lại New York mà còn thăng chức cho tôi lên làm phó chủ tịch và giám đốc điều hành tại Hammarplast. Tôi phụ trách hoạt động của công ty tại Mỹ, quản lý khoảng hai mươi đại diện kinh doanh độc lập. Họ không chỉ dành cho tôi mức lương 75.000 đô-la mà còn cấp cho tôi một chiếc xe hơi công ty, một tài khoản tiêu vặt, và tôi được đi du lịch

 

thoải mái, trong đó có cả những chuyến bay đến Thụy Điển bốn lần một năm. Cuối cùng thì tôi cũng được bán những sản phẩm mình thích: những trang thiết bị nhà bếp và đồ dùng trong nhà cao cấp của Thụy Điển. Bản thân từng là một nhân viên kinh doanh, tôi biết phải làm thế nào để tạo động lực cho đội ngũ nhân viên của mình. Tôi nhanh chóng đưa các sản phẩm của mình đến với các đơn vị bán lẻ lớn và đẩy mạnh doanh số bán hàng.

 

Tôi làm công việc đó trong ba năm và rất yêu thích nó. Ở tuổi hai mươi tám, có thể nói tôi đã thành công. Sheri và tôi chuyển đến vùng Bờ Đông Thượng Manhattan, nơi chúng tôi mua cho mình một căn hộ. Sheri lúc đó đang thăng tiến trong sự nghiệp, nàng làm việc cho một nhà sản xuất đồ gỗ Italia trong vai trò nhà thiết kế và quảng bá sản phẩm. Nàng sơn tường màu hồng nhạt và bắt đầu dùng những kỹ năng nghề nghiệp để tạo nên một mái ấm thực thụ trong khoảng không gian khiêm tốn mà chúng tôi sở hữu. Cuộc sống thật tuyệt vời, chúng tôi thường xuyên đi nghe hòa nhạc, ăn tối tại các nhà hàng sang trọng, hoặc mời bạn bè đến nhà dùng bữa. Thậm chí chúng tôi còn thuê một ngôi nhà ở Hamptons để đến nghỉ ngơi vào mùa hè.

 

Bố mẹ không tin nổi tôi đã bay xa nhanh như thế. Chỉ trong sáu năm sau khi tốt nghiệp tôi đã đạt được thành công trong sự nghiệp, lương cao ngất ngưởng và còn tậu được cả một căn hộ. Cuộc sống mà tôi đang sống còn vượt xa cả những giấc mơ mà bố mẹ tôi vẫn hằng mơ. Hầu hết mọi người sẽ thỏa mãn với một cuộc sống như thế.

 

Vậy nên chẳng một ai – nhất là bố mẹ – có thể hiểu được tại sao tôi tại cứ đứng ngồi không yên. Nhưng tôi có cảm giác mình đang thiếu một cái gì đó. Tôi muốn nắm giữ vận mệnh của chính bản thân mình. Có lẽ đó là một nhược điểm của tôi: lúc nào tôi cũng tự hỏi không biết sẽ phải làm gì tiếp theo. Đủ không bao giờ là đủ cả.

 

Mãi cho đến khi khám phá ra Starbucks tôi mới biết được cảm giác khi công việc thực sự chiếm trọn cả trái tim và tâm trí ta là như thế nào.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer