NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Lắng Nghe Trong Gió

Quyển 2 – Chương 6

Tác giả: Mạch Gia
Chọn tập
Ads Top

Tất nhiên là phòng 301. Vào phòng, tôi đến bên cửa sổ, nhìn cây táo ngoài kia, đang ngả nghiêng theo gió, ầm ào như sóng biển ập đến, cành táo như đang ra sức quật tôi, nhưng không sao với tới mà chỉ chới với cách tôi vài ba mét. Tôi nghĩ, nếu là một con mèo, có thể nó đã nhảy được vào phòng, nhưng người thì phải có bản lĩnh như trong truyện Thủy Hử. Tôi tin rằng, mình là người cẩn thận, nhưng càng tin hơn, đối với người của 701 – ai cũng thế – cẩn thận là cần thiết. Bởi như lời lãnh đạo Tổng cục, người của 701 có giá trị thể ngang với một sư đoàn dã chiến.

Đúng như vậy. Lúc bấy giờ, điện đài JOC của nước X hàng ngày đều ra rả chiêu dụ người trong hệ thống chúng tôi, mong chúng tôi chạy sang hàng ngũ của họ, họ ra giá, cao đến mấy trăm ngàn đô-la Mĩ, thấp cũng mấy chục ngàn. Như tôi, không được mấy trăm ngàn cũng phải hơn trăm ngàn. Ấy là nói, nếu có ai đưa tôi sang nước X, có thể được hơn trăm ngàn đô-la. Tất nhiên cũng có những người trọng tiền tài. Nói thật, lúc bấy giờ đi đâu tôi cũng lo lắng, nghi ngờ kẻ gian. Có thể vì tôi đã trải qua quá nhiều sự việc, có thể vì tình thế… Nói về tình thế, mọi người đều biết lúc này đang rất căng thẳng, sẽ còn tiếp tục căng thẳng, không ai biết cuối cùng căng thẳng đến mức nào. Cứ thử nghĩ, ông anh cả Liên Xô trước đây, có ai ngờ ngày nay trở thành đối thủ của chúng ta. Từ bạn chuyển thành thù, trong chớp mắt rút kiếm giương cung, tranh cãi đấu đá. Bên cạnh đó, tình hình Đài Loan mỗi ngày một căng thẳng. Tưởng Giới Thạch mưu toan “Quang phục Đại lục”… Trong tình hình đó, tôi rõ ràng cảm thấy mình ngày càng nhát gan, ngày càng đa nghi, ngày càng cẩn thận. Đúng vậy, phải cẩn thận. Cẩn thận không phải là nhát gan. Nhưng trong sự cẩn thận của tôi ẩn chứa sự nhát gan. Căn phòng này tốt hơn căn phòng vừa rồi, nghe nói buồng bên còn bố trí hai nhân viên bảo vệ. Tôi rất thích cảm giác ấy. Cảm giác an toàn. Xem ra ông Bí thư không như những gì tôi nghe nói: “Một học giả không am hiểu thế sự”.

Dáng cao, đầu to, tướng mạo đàng hoàng, mặc đồ Tôn Trung Sơn phẳng lì, giọng nói oang oang, cử chỉ nhã nhặn, đấy là ông Bí thư Vương. Tại sao lúc tôi trông thấy ông ở đại sảnh lại không nghĩ ông là Bí thư? Nguyên nhân bởi ấn tượng không giống một Bí thư hoặc lãnh đạo nói chung. Ông không đeo kính, hoàn toàn không giống một vị lãnh đạo cơ quan khoa học. Nhưng rồi tôi nhanh chóng phát hiện, trên người ông có sự cố chấp và tinh tế của người làm khoa học, ví dụ lúc bắt đầu và kết thúc câu chuyện, ông cố ý nhìn đồng hồ, chứng tỏ ông có quan niệm chính xác về thời gian; đối với những vấn đề tôi nêu lên, ông tỏ thái độ không xem nhẹ, suy nghĩ kĩ rồi mới trả lời. Trước khi nói chuyện, thậm chí ông còn đòi xem giấy tờ của tôi để chứng minh tôi là An Tại Thiên từ đơn vị 701 đặc biệt cử đến. Xem xong giấy tờ, ông vẫn chưa yên tâm, còn hỏi vặn vẹo chuyện này chuyện khác.

Ông nói: “Tôi xin nói thẳng, nhận được thông báo của trên, lẽ ra anh ngồi xe Jeep…”.

Tôi nói: “Lẽ ra thông báo nên nói rõ cả số xe”.

Ông nói: “Đúng vậy, nhưng tại sao anh không ngồi xe?”.

Tôi nói: “Xe hỏng dọc đường”.

Thật ra, để giữ kín, tôi bảo lái xe chỉ đưa tôi đến gần nhà khách, không cho xe vào. Không ngờ, chỉ vài trăm mét đường mà ông trời không chiều lòng người, bỗng sầm sập đổ mưa, khiến tôi đâm lúng túng, khó xử. Ông không tin tôi nói xe hỏng dọc đường, nhưng lại không biết phải chất vấn tôi thế nào, chỉ ngồi lặng im. Để có được lòng tin của ông, tôi gọi điện cho đồng chí lãnh đạo chiều nay đã thông báo với ông tôi đến. Kì thực, khi vị lãnh đạo gọi điện cho ông, tôi đã ở bên ông rồi. Tôi đưa diện thoại cho ông. Nghe điện của lãnh đạo, ông tươi cười hẳn lên. Đặt máy xuống, ông nắm chặt tay tôi, nói xin lỗi. Ông kéo tôi ngồi xuống sofa, mời thuốc, mời nước. Tôi đi ngay vào chủ đề câu chuyện: Tôi đến để xin người. Ông hỏi tôi cần người thế nào? Tôi vừa suy nghĩ, vừa mở xà cột, nói với ông:

“Để đồng chí cân nhắc”.

Đầu tiên tôi lấy ra một phong bì lớn bằng giấy dày, sau đó lấy ra một lọ nhỏ như lọ mực, rồi lấy một cây bút lông, để tất cả lên mặt bàn. Sau đó tôi lại lấy từ phong bì ra một tập văn bản, rút một tờ giấy giống như giấy thừa bỏ đi. Tôi nhìn tờ giấy, rồi đặt nó lên mặt bàn cho ông xem.

Tôi nói với giọng pha chút hài hước: “Đồng chí thấy không, tôi cần người như thế nào đều ghi cả trên trang giấy này”.

Ông nhìn gần, nhìn xa, nhìn bên phải, nhìn bên trái, cầm lên xem, lại đặt xuống nhìn, nhưng không trông thấy gì.

“Đây là tờ giấy trắng, tôi không thấy gì cả”. Cuối cùng, không nén nổi nghi ngờ, ông nhìn tôi.

Đúng, đây là một trang giấy trắng, có điều hơi khác những tờ giấy khác một chút, hình như dày hơn, giống như được phủ một lớp keo, mặt giấy thô ráp.

Tôi nói: “Xin đừng vội, rồi đồng chí sẽ thấy trên trang giấy ấy viết gì”. Nói xong, tôi mở nút lọ nước, dùng bút lông thấm vào nước trong lọ, bôi lên mặt giấy chứ không phải là viết. Tôi bôi nhẹ, rất cẩn thận, giống như vẽ. Trên mặt tờ giấy không hiện bất cứ màu sắc gì, nhưng lại có một làn khói trắng bốc lên, đồng thời có tiếng ti tách khe khẽ, tưởng như tờ giấy đang được hơ nóng, nước chạm vào lập tức bốc hơi.

Ông ngạc nhiên, hỏi tôi: “Anh đang làm gì thế?”.

Tôi nói: “Đồng chí cứ nhìn kĩ đi đã”.

Trên trang giấy nét chữ dần dần hiện lên, từng nét, từng chữ một, giống như có một bàn tay vô hình đang viết nét bút tuần tự, con chữ hoàn chỉnh, chữ đầu tiên là “Kính gửi”, rồi từng chữ khác lần lượt hiện lên như hồn ma…

Đây là một văn thư đã được xử lí bằng kĩ thuật tàng hình.

Tại sao phải xử lí tàng hình, tất nhiên là để bảo mật và an toàn. Như vậy, nếu dọc đường tôi có gặp chuyện gì, ví dụ không may bị mất, người khác nhặt được văn thư này cũng sẽ không bị lộ thân phận bí mật và nhiệm vụ tuyệt mật của tôi. Nhiệm vụ của tôi đến đây – trận địa đầu tiên của khoa toán học Trung Quốc – là để tìm một nhân tài cấp cao giúp 701 phá khóa mật mã Quang phục số Một.

Bản thân việc phá khóa mật mã của nước khác là một âm mưu, một công việc trong bóng tối, là cuộc đấu tranh âm thầm một sống một chết giữa quốc gia và quốc gia, giữa tập đoàn chính trị này và tập đoàn chính trị khác. Lúc này cục diện Đài Loan rất căng thẳng, chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, phá khóa mật mã Quang phục số Một là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, và cũng là nhiệm vụ bí mật nhất của đất nước, không được phép xảy ra bất ngờ, cho dù chỉ một chút xíu, một khi để lộ, phía chúng ta sẽ bất lợi vô cùng, thậm chí ảnh hưởng đến sự thành trong hành động “Quang phục” và “chống Quang phục”, tức là vấn đề an toàn của nước Trung Hoa mới. Nói cho cùng, việc này không được phép bại lộ. Nói khó nghe một chút, cho dù có bại lộ cũng không thể lộ trên tay tôi, nếu không cuộc đời tôi coi như xong. Chính vì xem lo lắng khía cạnh ấy, trước khi đi tôi phải xử lí tàng hình văn bản này, phủ một lớp bột tàng hình màu trắng trên mặt giấy.

Bột tàng hình màu trắng dưới sự tác động của nước H2O2 sẽ biến mất theo làn khói trắng, giống như tuyết tan dưới nắng. Lớp ngụy trang bị xóa, cái bí mật của tôi trở thành giấy trắng mực đen, tôi trang trọng nhìn ông Bí thư, vẻ mặt ông bỗng trang nghiêm. Ông hỏi tôi, cần bao nhiêu người, tôi giơ một ngón tay, nói:

“Một người”.

“Một thôi à? Vậy thì…”. Ông nghi hoặc hỏi tôi: “Có yêu cầu gì không?”.

“Đầu tiên, phải là một chuyên gia có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu toán học”.

Ông lấy sổ tay ra ghi, rồi lẩm bẩm: “Phải là một chuyên gia toán học, đấy là thứ nhất…”.

“Thứ hai”. Tôi tiếp lời ông, “Biết tiếng Nga, tốt nhất đã từng học ở Liên Xô”.

“Biết tiếng Nga, tốt nhất đã từng học ở Liên Xô”.

“Thứ ba, tin cậy về mặt chính trị”.

“Đấy là thứ ba, còn thứ tư?”.

“Không lớn tuổi quá, tầm trung niên, chưa có gia đình thì tốt”.

“Đấy là thứ tư, còn thứ năm?”.

“Thế thôi”. Tôi nói.

Ông hỏi: “Chỉ thế thôi ư?”.

Tôi nói: “Chỉ thế thôi”.

Ông nói: “Có bốn điểm, một người”.

Tôi nói: “Vâng, chủ yếu có bốn điểm, ba điểm trên là quan trọng nhất. Tóm lại, nguyên tắc của chúng tôi không cần nhiều người, càng ít càng tốt, có lí tưởng là đủ rồi. Đây không phải chiến thuật biển người, người đông sức mạnh lớn mà là dùng một nhà toán học khác phá mê hồn trận của một nhà toán học đã dày công bố trí, bất luận là nhà toán học bố trí mê hồn trận hay là nhà toán học phá mê hồn trận đều phải chọn một trong một trăm, không thể khác. Chúng tôi muốn tìm là một trong số một trăm, người đó chứ không ai khác. Mong đồng chí đề cử cho chúng tôi vài người”.

“Chừng bao nhiêu người?”.

“Chẳng nhẽ đồng chí có nhiều?”.

“Hơn một chục người cũng có”.

“Vậy cho tôi được gặp mặt”.

“Lúc nào?”.

“Càng sớm càng tốt”.

“Sớm nhất là ngày mai”.

“Đồng chí cứ cho sớm nhất”.

Có thể vì tôi quá nghiêm túc, có thể vì ông quá căng thẳng, cuộc nói chuyện của chúng tôi đầy không khí công việc, không có những lời lẽ thừa, không hài hước, không nhẹ nhàng, không khách sáo, thậm chí lúc ông ra về, ngay cả một câu chào nhau cũng không.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer