NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Liêu Trai Chí Dị – Tập 2

Quyển 4 – Chương 77: Hòa Thượng Họ Kim (Kim Hòa Thượng)

Tác giả: Bồ Tùng Linh
Chọn tập
Ads Top

Hòa thượng họ Kim là người Chư Thành (tỉnh Sơn Đông), cha là kẻ vô lại, đưa mấy trăm đồng tiền đem Kim lên gởi vào chùa trên núi Ngũ Liên. Kim lúc nhỏ ngu si đần độn không thể học kinh, chỉ làm được những việc chăn heo đi chợ như tôi tớ. Sau sư phụ của Kim chết, cũng có chút ít tiền bạc để lại, Kim cuỗm đi trốn khỏi chùa làm nghề buôn bán, rất giỏi những việc treo dê bán chó, tráo đấu lường thăng nên chỉ mấy năm vụt trở nên giàu có. Bèn mua ruộng đất nhà cửa ở làng Thủy Pha, đệ tử rất đông, hàng ngày có hàng ngàn người ăn cơm, quanh làng có mấy ngàn mẫu ruộng tất đều là của Kim, trong làng có vài mươi gian nhà lớn đều là sư ở. Nếu là người khác thì cũng là kẻ nghèo khó không sản nghiệp nên dắt vợ con tới đó ở nhà thuê làm ruộng mướn mà thôi, có mấy trăm gia đình như thế. 

Mỗi nhà thì cất phòng sát tường san sát cho họ ở, sư thì ở giữa, phía trước có sảnh đường, rường sơn cột chạm sơn son thiếp vàng lóa mắt, bàn ghế bình phong trong sảnh bóng loáng có thể soi được. Phía sau thì làm phòng ở, rèm đỏ màn thêu xông lan xạ thơm phức, giường nằm chạm trổ khảm xà cừ, trên giường trải nệm dày hơn thước, trên vách thì treo kín các bức vẽ mỹ nhân sơn thủy nổi tiếng. Trong nhà gọi to một tiếng thì ngoài cổng có mấy mươi người dạ ran như sấm ào ào chạy vào xếp hàng im lặng lắng tai nghe lệnh. Khách tới bất ngờ thì trong vòng mười mâm có thể bày lên trong chớp mắt, cơm canh rượu thịt ngon lành bưng lên tới tấp. Chí là không dám công nhiên nuôi ca kỹ nhưng cũng có mười mấy tiểu đồng đẹp trai, đều lanh lợi khéo léo có thể làm vừa lòng người, sai đội khăn đen ca hát thì người nghe kẻ xem cũng không thấy chướng. 

Kim mỗi lần ra khỏi nhà thì trước sau có vài mươi kỵ mã đeo cung dẹp đường, bọn tôi tớ đều gọi là gia gia, dân trong huyện người gọi là ông, người gọi là chú chứ không gọi là sư hay Thượng nhân, cũng không gọi theo pháp hiệu. Môn đồ Kim ra ngoài thì nghi vệ có kém hơn nhưng áo đẹp ngựa khỏe cũng gần như các công tử con quan. Kim lại giao du rộng, cho dù ngoài ngàn dặm cũng biết được tin tức, vì vậy các quan lớn nhỏ trong vùng nếu ngẫu nhiên làm Kim mất lòng cũng run sợ lo lắng. Nhưng Kim là người thô lỗ, từ đầu tới chân không có chút nào là văn nhã, bình sinh không đọc một câu kinh, tụng một câu sấm, chân không lui tới chùa chiền, phòng không bày biện chuông mõ, những vật ấy thì bọn môn đồ chưa từng thấy mà cũng chưa từng nghe. Phàm những gia đình tới thuê nhà ở thì phụ nữ trang sức như gái kinh đô, phấn sáp gương lược đều do sư cấp, sư cũng không bỏn xẻn. Vì vậy các gia đình không có ruộng mà làm nông trong vùng có tới vài trăm. 

Thỉnh thoảng lại có chuyện tá điền giết sư trên giường, Kim cũng không tra xét gì lắm, chỉ đuổi đi nơi khác, dần dần thành lệ. Kim lại mua trẻ con khác họ nuôi làm con mình, rước thầy về dạy cho học hành. Đứa nhỏ thông minh học giỏi, bèn sai vào học trường huyện, kế theo lệ mua cho chức Thái học sinh. Không bao lâu y lên thi hương ở phủ Thuận Thiên đỗ Cử nhân, từ đó Kim được gọi là Thái công, những người gọi là gia gia trước đây càng khúm núm, con cháu của họ đều chắp tay làm lễ với Kim như ông tổ mấy đời. 

Không bao lâu Thái công chết, Hiếu liêm mặc tang phục cư tang, tự xưng là con mồ côi, các môn đồ chống gậy đứng đầy quanh giường, nhưng sau linh sàng chỉ có một mình phu nhân Hiếu liêm khe khẽ sụt sùi mà thôi. Sĩ phu có người dắt vợ ăn mặc đẹp đẽ tới điếu tế an ủi, mũ lọng xe kiệu chen chúc tắc cả đường. Ngày chôn cất thì nhà táng cao chạm mây, cờ phướn rợp mặt trời, khi chôn thì bó cỏ dán giấy vàng bạc ngũ sắc làm vật tuẫn táng, gồm mấy mươi cỗ kiệu, một ngàn con ngựa, một trăm mỹ nhân. Làm thần dẹp đường đội khăn gấm đen, đầu cao chạm mây, nhà đám thì lầu gác phòng ốc rộng tới mấy mẫu, ngàn cửa trăm cổng, ai vào cũng lạc không biết đường ra, những vật đưa lên cúng tế đều không thể gọi tên. 

Những người tới dự đám tang mũ lọng chen nhau, các quan lớn cũng lom khom vào quỳ lạy tám lần, các Giám sinh, Cống sinh và quan nhỏ ở huyện thì bò ra đất dập đầu làm lễ không dám để công tử và các sư thúc lạy trả. Cả vùng đổ tới xem đám ma, đàn ông dắt vợ, đàn bà bế con mồ hôi nhễ nhại đứng đầy đường, tiếng người ồn ào át cả tiếng chiêng trống, người đứng chỉ hở có từ vai trở lên, hàng vạn cái đầu ngoảnh qua ngoảnh lại mà thôi. Có kẻ có thai chuyển bụng sinh nở thì chị em bạn kéo xiêm giáng quanh làm màn che, nghe tiếng trẻ khóc cũng không buồn hỏi là trai hay gái, lập tức xé áo làm tã bế lên rồi kẻ dìu người kéo sản phụ chập choạng bước đi, thật là kỳ quan vậy! Sau khi chôn cất xong, đem những tiền của Kim để lại chia đôi, con Kim một phần, các môn đồ một phần. Hiếu liêm được nửa gian nhà, bốn phía nam bắc đông tây toàn là sư ở nhưng đều là hàng anh em, đau ngứa gì cũng có nhau. 

Dị Sử thị nói: Một phái ấy thì hai dòng* chưa có, sáu tổ** không truyền, có thể nói là một mình mở ra một pháp môn vậy. Nhưng vẫn nghe ngũ uẩn đều không, lục trần không nhiễm là Hòa thượng, trong miệng thuyết pháp, trên ghế tham thiền là Hòa dạng, giày thơm đất Sở, nón nặng trời Ngô là Hòa chàng, chiêng trống ồn ào, đàn sáo ầm ĩ là Hòa xướng, chơi bời lăng nhăng, cờ bạc bợm bãi là Hòa chướng. Như Kim là Hòa thượng chăng, là Hòa dạng chăng, là Hòa chàng chăng, là Hòa xướng chăng, hay là Hòa chướng ở địa ngục chăng? 

* Hai dòng: tức Nam tông và Bắc tông trong Phật giáo đại thừa Trung Hoa. 

** Sáu tổ: tức sáu vị sau Đạt Ma trong Phật tâm tông của Phật giáo đại thừa Trung Hoa, gồm Tuệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Tuệ Năng, Thần Hội. 

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer