NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Liêu Trai Chí Dị – Tập 2

Quyển 15 – Chương 374: Người Đàn Bà Nhà Quê (Nông Phụ)

Tác giả: Bồ Tùng Linh
Chọn tập
Ads Top

Làng Từ Diêu phía tây huyện có người đàn bà nhà quê khỏe mạnh như đàn ông, thường cứu giúp kẻ hoạn nạn, can ngăn chuyện xích mích trong làng, ở khác huyện với chồng. Chồng là người huyện Cao Uyển (tỉnh Sơn Đông), thỉnh thoảng mới ghé, ngủ một đêm rồi đi. Người đàn bà tự làm lụng kiếm ăn, làm nghề thồ đồ gốm đi bán, nếu có hôm dư dật thì cho đám ăn xin. Một đêm đang ngồi chơi nói chuyện với hàng xóm, chợt đứng dậy nói “Thấy bụng hơi đau, chắc sắp sinh rồi”, rồi chào về. Trời sáng, người đàn bà hàng xóm qua thăm, thấy nàng vác hai cái khạp đụng rượu lớn đang bước vào cửa, theo vào tới phòng trong thì có đứa bé mới sinh nằm trên giường, hoảng sợ hỏi thì nàng vừa sinh xong đã mang vật nặng đi hàng trăm dặm. Người đàn bà vốn thân thiết với người cô ở am bắc, kết nghĩa làm chị em với nhau. Sau nghe người cô làm điều xấu xa, giận dữ vác gậy qua định đánh cho một trận, mọi người xúm vào năn nỉ hết lời mới thôi. Một hôm gặp người cô trên đường, người cô dè bỉu hỏi ta có tội gì? Nàng cũng không đáp, cứ đánh đá như mưa, đến khi người cô không kêu được nữa mới tha cho bỏ đi. 

Dị Sử thị nói: Những người mà đời gọi là nữ trượng phu còn tự biết là không phải trượng phu, song người đàn bà này đã quên mình là kẻ khăn yếm vậy. Hào sảng tự vui, có khác gì bậc kiếm tiên thời cổ đâu. Hay chồng nàng cũng là loại người mài gươm chăng? 

Phụ: Truyện Nữ Hiệp Khách Ẩn Nương

(Kiếm Hiệp Nữ Ẩn Nương Truyện) 

Nhiếp Ẩn nương là con gái Đại tướng Ngụy Bác Nhiếp Phong trong niên hiệu Trinh Nguyên thời Đường (785-804). Năm nàng mười tuổi có người người cô khất thực ở nhà Phong, nhìn thấy Ẩn nương rất thích, hỏi xin Phong. Phong tức giận, người cô nói “Cho dù có cất kín trong hòm sắt ta cũng bắt trộm được”. Đến đêm thì Ẩn nương mất tích. Năm năm sau người cô đưa Ẩn nương về gia đình hỏi được dạy gì, nàng đáp “Đầu tiên sư phụ cho con uống một viên thuốc, sai cầm kiếm đuổi chém khỉ vượn cọp beo, đều chặt đứt đầu. Được ba năm thì đâm chim cắt, chim ưng, nhát nào cũng trúng. Được bốn năm thì có đâm người trong chợ giữa ban ngày cũng không ai trông thấy ánh kiếm. Được năm năm thì sư phụ mở cho một cái hốc sau đầu, giấu lưỡi chủy thủ vào đó, lúc nào dùng thì tuốt ra. Nhân đó lại nói với con rằng: “Kiếm thuật của ngươi đã thành tựu rồi, nên trở về nhà, rồi đưa con về. Lại dặn rằng về tới nhà, gặp chàng trẻ tuổi làm nghề mài gươm thì lấy làm chồng”. Trong niên hiệu Nguyên Hòa (806- 828), Thống súy Ngụy Bác có hiềm khích với Tiết độ sứ Trần Hứa là Lưu Xương Duệ, sai Ẩn nương tới giết Lưu. Lưu biết trước là Ẩn nương sẽ tới bèn ra đón, Ẩn nương nói “Quan Bộc xạ ở đây tả hữu không có người, ta xin bỏ bên kia theo ông”, đại khái nàng biết Thống súy Ngụy Bác không bằng Lưu vậy. Kế Lưu từ đất Hứa về kinh bái kiến Thiên tử, Ẩn nương không chịu theo, về sau không biết là đi đâu. 

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer