NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Liêu Trai Chí Dị – Tập 2

Quyển 3 – Chương 56: Em Lấy Chồng Thay Chị (Tỷ Muội Dịch Giá)

Tác giả: Bồ Tùng Linh
Chọn tập
Ads Top

Tướng quốc họ Mao* ở huyện Dịch (tỉnh Sơn Đông) lúc nhỏ nhà nghèo, cha phải đi chăn trâu cho người ta. Lúc ấy nhà thế tộc họ Trương trong huyện có khu mộ ở sườn núi phía đông, có người đi qua nghe trong phần mộ có tiếng quát tháo “Các ngươi phải đi ngay, không được ở lâu trong ngôi đất của quý nhân”. Trương nghe kể cũng chưa tin lắm, kế chợt nằm mơ thấy thần nói “Khu mộ của gia đình ngươi vốn là ngôi đất quý của ông Mao, sao lại mượn lâu thế?”. Từ đó trong nhà liên tiếp gặp mấy chuyện rủi ro, có người môn khách khuyên nên dời mộ qua nơi khác thì hay, Trương nghe theo bèn cải táng. 

*Tướng quốc họ Mao: bản Hương Cảng chú nhân vật này tên Tự, tự Duy Chi, thi đỗ Giải nguyên năm Bính ngọ niên hiệu Thành Hóa thời Minh (1486), thi đỗ Tiến sĩ năm Đinh mùi (1487), làm quan tới chức Cẩn Thân điện Đại học sĩ, chết được truy tặng hàm Thái bảo. 

Một hôm cha Tướng quốc đi chăn trâu, ra tới khu mộ cũ nhà họ Trương thì trời chợt mưa lớn, bèn núp dưới huyệt mộ cũ. Kế mưa càng lớn như trút, nước tràn xuống huyệt, đất lở sụp xuống nên chết đuối dưới đó. Lúc ấy Tướng quốc còn là trẻ con, bà mẹ bèn tới nhà Trương xin cho vài thước đất chôn cha đứa nhỏ. Trương hỏi biết họ tên lấy làm lạ, tới xem nơi cha ông chết thì thấy đất nổi lên như cái gò, càng thêm hoảng sợ bèn cho chôn luôn ở đó, lại bảo dắt đứa nhỏ tới. Chôn cất xong bà mẹ dắt con tới nhà Trương tạ ơn, Trương vừa nhìn thấy đã mừng rỡ, giữ lại ở nhà mình dạy cho học, coi như con cháu, lại xin gả con gái lớn cho. Bà mẹ sợ hãi không dám đáp, vợ Trương nói “Nếu đã nói ra thì không giữa chừng thay đổi đâu” bà mẹ bèn ưng thuận. 

Nhưng con gái lớn Trương rất coi thường nhà họ Mao, oán hận hổ thẹn hiện ra nét mặt, nếu có ai nhắc tới chuyện đó thì bịt tai không thèm nghe, thường nói với người ta rằng “Ta thà chết chứ không lấy thằng chăn trâu”. Đến hôm làm lễ rước dâu, chàng rể đã vào ăn tiệc, kiệu hoa chờ ngoài cửa mà cô gái cứ lấy tay áo che mặt quay vào vách khóc lóc, giục trang điểm thì không chịu, khuyên giải mấy cũng không nghe. Kế chàng rể xin về, đàn sáo đã trỗi mà cô gái mắt còn ngấn lệ, tóc còn rối tung. Cha nàng bèn ngăn con rể lại, tự vào trong khuyên cô gái, nàng cứ khóc lóc như không nghe thấy, cha nổi giận lôi kéo càng khóc lớn, cha không biết làm sao. 

Lại có người nhà vào thưa là chàng rể muốn lên đường, cha vội chạy ra nói “Áo quần còn chưa sắp xếp xong, xin con chờ thêm một lúc”, rồi lại lập tức chạy vào xem con gái ra sao, chạy ra chạy vào không nghỉ chân. Dằng dai thêm một lúc, việc càng gấp rút, cô gái rốt lại vẫn không chịu đổi ý, cha không biết làm sao, định tự tử. Cô con gái thứ hai đứng bên cạnh, cho là chị làm thế rất không phải, ra sức khuyên lơn. Chị giận nói “Con nhãi cũng học đòi múa mép, sao ngươi không lấy người ta đi?,” Cô em nói “Cha vốn chưa từng hứa gả em cho chàng Mao, chứ nếu cha hứa gả em cho chàng thì không cần chị phải khuyên dỗ đâu!” 

Cha thấy lời nàng khẳng khái hào sảng bèn cùng mẹ nàng bàn riêng, định lấy em thay chị. Mẹ lập tức gọi nàng hỏi “Con nhãi ngỗ nghịch kia không vâng lời cha mẹ, cha mẹ mượn lấy con thay nó, con có chịu không?”. Cô gái khẳng khái thưa “Cha mẹ dạy con đi lấy chồng, giả như chồng là ăn mày cũng không dám từ chối, vả lại chắc gì chàng họ Mao đã phải đói rét mà chết đâu?”. Cha mẹ nghe thế cả mừng, bèn lấy quần áo cưới của chị cho cô gái mặc, rồi vội đưa nàng lên kiệu đi. Về tới nhà chồng, vợ chồng rất yêu thương nhau, nhưng cô gái có bệnh rụng tóc cứ nơm nớp lo ông chê, lâu sau ông nghe phong thanh chuyện tráo người nên lại càng cám ơn nàng là kẻ tri kỷ. 

Không bao lâu, ông được lấy làm Giám sinh, đi dự thi hương, đường đi ngang qua quán trọ của Xá nhân họ Vương. Đêm trước chủ quán nằm mơ thấy thần nói “Sáng mai sẽ có Thủ khoa họ Mao tới đây về sau sẽ giúp ngươi thoát được tai ách”, vì vậy dậy sớm ra đứng chờ những khách từ phía đông vào. Đến khi gặp ông mừng lắm, cung phụng hầu hạ rất kính trọng, không chịu nhận tiền trọ, lấy việc giấc mộng ra kể, coi đó là trách nhiệm của mình. Ông cũng rất tự phụ, nghĩ thầm vợ mình rụng trụi cả tóc, sợ bị những người quyền quý chê cười, định là lúc thi đỗ xong sẽ cưới vợ khác. Kế đó ra bảng thì ông thi rớt, than thở rằng mình lận đận, trong lòng chán nản, thầm hổ thẹn với chủ quán trọ bèn đi đường khác về nhà. 

Ba năm sau lại đi thi, chủ quán trọ vẫn tiếp đãi nồng hậu như trước. Ông nói “Lời ông nói lần trước không đúng, ta rất xấu hổ được đối xử như thế này”. Chủ quán nói “Tú tài vì ngầm muốn bỏ vợ nên bị âm ty đánh rớt, đâu phải ta mơ mộng quàng xiên”. Ông kinh ngạc hỏi, thì ra sau khi chia tay chủ quán lại nằm mơ thấy thần nói thế. Ông nghe kể áy náy hối hận, đứng thừ ra như tượng gỗ. Chủ quán trọ nói “Tú tài nên tự giữ mình, rồi thế nào cũng đỗ Thủ khoa mà”. Không bao lâu quả nhiên ông đỗ Thủ khoa, tóc phu nhân cũng dần dần dài ra, ngày thêm mượt mà, càng xinh đẹp hơn. 

Người chị thì lấy chồng là con nhà giàu trong làng, càng thêm kiêu hãnh, nhưng chồng chơi bời lêu lổng, nhà dần dần sa sút, đến nỗi trong nhà không còn gì, dưới bếp không nổi lửa. Nghe nói em gái đã là vợ Hiếu liêm càng thêm xấu hổ, đi đường gặp em là tránh mặt. Không bao lâu người chồng chết, nhà càng nghèo túng, kế đó ông Mao lại thi đỗ Tiến sĩ, người chị nghe thấy vô cùng hối hận, uất ức xuống tóc vào chùa làm ni cô. Đến khi ông được phong chức Tể tướng về thăm nhà, ni cô ép lòng sai đệ tử tới phủ Tể tướng khuyến hóa, có ý chờ ông tặng tiền bạc. Tới nơi thì phu nhân lấy vải vóc the lụa như thường lệ đưa cho, nhưng ngầm gói vàng bên trong. Người đệ tử không biết, đem gói vải về đưa thầy, thầy thất vọng bực tức nói “Cho tiền bạc thì còn có thể mua củi gạo, chứ những thứ quà biếu này thì ta cần gì”, rồi sai đem trả lại. 

Ông Mao và phu nhân ngờ vực đến khi mở ra xem thì vàng đều còn đó, mới hiểu ý người chị từ chối. Phu nhân bèn cất vàng đi, cười nói “Thầy của ngươi có hơn trăm lượng vàng cũng không giữ được, làm sao có phúc lấy quan Thượng thư nhà ta?”. Rồi lấy năm mươi lượng vàng đưa cho người đệ tử đem về, dặn “Đem về đưa cho thầy ngươi chi dùng, nhiều hơn thì sợ là kẻ ít phúc không nhận nổi đâu”. Người đệ tử về kể hết mọi chuyện với thầy, người chị im lặng thầm than thở, nghĩ thấy những việc mình làm lúc trước đều dại dột, lẫn lộn người hay kẻ dở. Ôi, há có phải chỉ do người thôi đâu? Về sau chủ quán trọ dính líu vào việc án mạng bị bắt giam, nhờ ông Mao ra sức giúp đỡ mà được khỏi tội. 

Dị Sử thị nói: Khu mộ cũ nhà ông Trương lại là ngôi đất quý của họ Mao, kể cũng lạ thật. Ta nghe người thời ấy có vở tuồng Chồng cô chị thành chồng cô em, Giải nguyên trước thành Giải nguyên sau, đó há phải là những người khôn ngoan tinh ranh bịa đặt mà viết ra được đâu? Than ôi, trời xanh kia lâu lắm không ai hỏi được, sao lại có ông Mao, nhân quả báo ứng mau lẹ như thế! 

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer