NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Liêu Trai Chí Dị – Tập 2

Quyển 1 – Chương 11: Vị Tiên Họ Thành (Thành Tiên)

Tác giả: Bồ Tùng Linh
Chọn tập
Ads Top

Chu sinh người huyện Văn Đăng (tỉnh Sơn Đông) cùng Thành sinh học chung từ nhỏ nên kết thành bạn thân. Thành nhà nghèo, quanh năm phải nhờ vả Chu, so về tuổi thì Chu lớn hơn nên Thành gọi vợ Chu là chị dâu, giỗ tết qua lại như một nhà. 

Vợ Chu sinh được một trai thì bị bạo bệnh chết, Chu cưới vợ kế họ Vương, Thành vì nàng nhỏ tuổi nên chưa từng xin gặp mặt. Một hôm em trai Vương thị tới thăm chị, Chu bày tiệc mời ở nhà trong. Gặp lúc Thành tới chơi, người nhà vào báo, Chu sai mời vào. Thành không vào mà từ tạ ra về, Chu bèn dời tiệc ra nhà ngoài rồi đuổi theo gọi Thành quay lại. Vừa ngồi vào bàn thì có người vào báo tin đầy tớ giữ trại cho nhà Chu bị quan huyện phạt đánh rất đau. 

Nguyên là đầy tớ chăn trâu nhà quan Lại bộ họ Hoàng để trâu xéo lên ruộng của Chu nên đôi bên cãi nhau, tên chăn trâu chạy về báo với chủ bắt đầy tớ của Chu giải lên quan phạt đánh thật nặng. Chu hỏi rõ đầu đuôi rồi nổi giận nói “Thằng đầy tớ chăn lợn họ Hoàng kia sao dám làm thế. Cha nó còn phải hầu hạ ông nội ta, vừa đắc chí đã không coi ai ra gì à?”. Rồi giận sôi lên đứng phắt dậy định qua tìm Hoàng, Thành ấn ngồi xuống nói “Thời buổi ngang ngược này vốn không phân đen trắng, huống chi quan lại ngày nay quá nửa là lũ cướp, chỉ là không cầm giáo đeo cung thôi”. 

Chu không nghe, Thành năn nỉ mấy lần rơi cả nước mắt mới chịu thôi nhưng vẫn không nguôi giận. Trằn trọc suốt đêm, sáng ra nói với gia nhân “Họ Hoàng khinh ta thì ta tức, nhưng cứ để đó. Còn quan huyện là quan của tnều đình chứ không phải là quan của bọn quyền thế, nếu có chuyện tranh chấp thì cũng phải hỏi cả đôi bên chứ sao lại như con chó suỵt đâu chạy đó được? Ta cũng kiện đầy tớ nhà kia xem y phân xử thế nào”. 

Đám gia nhân đều vun vào, Chu bèn quyết ý cầm đơn kiện tới gặp quan huyện. Quan huyện xé đơn ném xuống đất, Chu tức giận chửi mắng, quan vừa thẹn vừa tức bèn bắt giam Chu. Gần trưa Thành qua thăm mới biết Chu đã lên huyện thưa kiện, vội đuổi theo cản lại thì Chu đã bị giam vào ngục, giẫm chân không biết làm sao. 

Lúc bấy giờ vừa bắt được ba tên giặc biển, quan huyện và Hoàng đút tiền dặn chúng khai Chu là đồng đảng rồi vịn vào đó mà lột mũ áo nhà nho, tra tấn tàn nhẫn. Thành vào ngục thăm nhìn nhau cay đắng, bàn việc lên kinh kêu oan. Chu nói “Nay vướng vào trọng án như chim trong lồng, tuy có chú em yếu ớt cũng chỉ làm được việc đưa cơm tù mà thôi”. 

Thành sốt sắng nhận đi, nói “Đây là phận sự của ta, lúc có nạn không giúp nhau thì còn bạn bè làm gì”. Rồi lập tức lên đường, em Chu định đưa tiền lộ phí thì đã đi lâu rồi. Thành tới kinh đô, chưa biết tới cửa nào kêu thì nghe đồn vua sắp đi săn bèn tính toán núp trong khu chợ gỗ, kế xa giá đi qua liền ra sụp lạy kêu khóc. Sớ được chuẩn xét giao cho dịch trạm chuyển về bộ viện thẩm tra tâu lại. 

Lúc ấy vụ án đã qua hơn mười tháng, Chu đã bị khép bừa vào tội hình. Hình viện nhận được ngự phê hoảng sợ, cho thẩm xét lại bản cung khai và lời nghị án. Hoàng cũng sợ, mưu giết Chu bèn hối lộ cho người coi ngục để tuyệt đường cơm nước. Em Chu mang thức ăn vào thăm cũng bị cấm ngặt, Thành lại tới Hình viện tố cáo sự khuất khúc, Chu được gia ơn đem ra hỏi cung thì đã đói lả không dậy nổi. Quan Hình viện tức giận cho đánh chết người coi ngục, Hoàng khiếp đảm phải bỏ ra mấy ngàn lượng vàng chạy chọt nên được mập mờ xóa tội, quan huyện thì vì làm trái pháp luật bị đi đày. Chu được thả về, càng phục Thành là can đảm. 

Thành sau vụ kiện tụng thì tình đời nguội lạnh bèn rủ Chu cùng đi ở ẩn, nhưng Chu còn đắm đuối vợ trẻ nên nghe nói thì cười là viễn vông, Thành tuy không đáp song đã quyết ý. Sau khi chia tay, mấy ngày không thấy tới, Chu sai qua nhà thăm dò thì người nhà nghĩ rằng đang ở nhà Chu, cả hai nơi đều không thấy mới nghi ngờ. Chu biết là có chuyện lạ, sai người đi dò hỏi khắp các chùa quán hang động, thỉnh thoảng lại đem vàng lụa chu cấp cho con Thành. 

Tám chín năm sau Thành chợt tìm về, đội khăn vàng mặc áo lông, rõ ràng là đạo sĩ. Chu cả mừng nắm tay hỏi “Anh đi đâu làm ta tìm khắp nơi?”, Thành cười đáp “Mây ngàn hạc nội không ở nơi nào nhất định, nhưng sau khi chia tay may vẫn mạnh khỏe”. 

Chu sai bày tiệc, nói qua nỗi niềm xa cách, muốn Thành hoàn tục nhưng Thành chỉ cười không nói. Chu bảo “Ngu thay! Sao có thể bỏ vợ con như đôi giày rách được?”. Thành cười nói “Không phải thế, người định bỏ ta chứ ta đâu bỏ được ai?”. Hỏi nơi ở, Thành đáp là trên cung Thuợng Thanh núi Lao Sơn. Kế nằm gác chân ngủ, Chu mơ thấy Thành trần truồng đè lên người mình nặng muốn tức thở, kinh ngạc hỏi làm gì nhưng Thành không đáp. 

Giật mình tỉnh dậy gọi không thấy Thành lên tiếng, nhỏm dậy mò thì đã đi đâu mất. Lát sau định thần mới biết đang trên giường của Thành, hoảng sợ nói “Tối qua không say mà sao lẫn lộn đến thế này?”. Bèn gọi người nhà, người nhà thắp đèn lên thì thấy rõ ràng là Thành. Chu vốn nhiều râu bèn lấy tay sờ thì thấy cằm lơ thơ chỉ có vài sợi, liền cầm gương soi rồi ngạc nhiên nói “Thành sinh ở đây thì ta đi đâu?”. Kế sực hiểu ra, biết Thành dùng ảo thuật gọi mình đi ở ẩn, muốn vào phòng vợ nhưng em trai thấy mặt mũi khác hẳn nên ngăn lại không cho. Chu cũng không có cách nào làm rõ liền sai sắp ngựa và đầy tớ đi tìm Thành. 

Mấy ngày thì tới núi Lao, ngựa chạy nhanh nên đầy tớ theo không kịp, Chu dừng lại dưới gốc cây chờ. Thấy khách mặc áo lông qua lại rất đông, trong có một đạo nhân đưa mắt nhìn, Chu nhân hỏi Thành thì đạo sĩ cười đáp “Cũng có nghe tên, hình như ở cung Thuợng Thanh”, nói xong bỏ đi. Chu nhìn theo thấy ông ta đi xa khoảng hơn một tầm tên lại dừng lại chuyện trò với một người, cũng chỉ vài câu rồi đi. Người kia dần dần tới gần thì ra là một người bạn học, thấy Chu kinh ngạc hỏi “Bao nhiêu năm không gặp, nghe người ta nói ông lên non học đạo mà nay còn dạo chơi ở nhân gian sao?”. Chu kể lại chuyện lạ, người kia giật mình nói “Thế thì ta vừa gặp Thành sinh mà tưởng là ông. Mới đi chưa bao lâu, chắc cũng không xa đâu”. 

Chu rất lạ lùng, nói “Quái thật, sao mặt mũi của mình mà nhìn thấy lại không nhận ra được thế?”. Người đầy tớ cũng vừa tới, vội đuổi theo nhưng không thấy bóng dáng Thành đâu, nhìn lên chỉ thấy mịt mù xa tắp, không biết nên đi hay về. Kế tự nghĩ không biết về đâu bèn quyết ý đuổi theo tới cùng, nhưng đường cheo leo hiểm trở không đi ngựa được bèn đưa ngựa cho đầy tớ dắt về, lần mò đi tiếp. Thấy xa xa có đứa tiểu đồng ngồi một mình vội rảo bước tới gần hỏi đường, nói rõ duyên cớ. Tiểu đồng tự xưng là đệ tử của Thành rổi mang giúp khăn gói dẫn Chu cùng đi, dãi gió dầm sương lặn lội rất xa, ba ngày mới tới lại không phải nơi thế gian vẫn gọi là cung Thượng Thanh. 

Bấy giờ là giữa tháng mười mà hoa rừng nở đầy lối đi, không giống như đầu mùa đông. Tiểu đồng vào báo tin khách tới, Thành lập tức ra đón, Chu mới nhận ra hình dáng của mình. Thành cầm tay dắt vào bày tiệc trò chuyện, Chu thấy có nhiều chim chóc màu sắc lạ lùng dạn dĩ, tiếng như đàn sáo cứ tới đậu ngay chỗ ngồi mà hót, rất lấy làm lạ nhưng lòng trần còn tha thiết không có ý ở lại. Dưới đất trải hai tấm bồ đoàn, Thành kéo cùng ngồi, đến quá canh hai thì muôn mối lo nghĩ đều lặng xuống, chợt như chớp mắt bỗng thấy mình và Thành lại đổi thân hình cho nhau, ngờ vực đưa tay sờ cằm thì thấy rậm râu như cũ. 

Sáng ra Chu muốn về ngay, Thành cố giữ lại, qua ba ngày thì nói “Xin cứ nghỉ một lúc, sáng sớm sẽ đưa ông về”. Vừa thiu thiu thì nghe Thành gọi “Hành trang đã sẵn rồi?”, bèn trở dậy theo đi, thấy đường khác hẳn lối cũ. 

Không bao lâu thì thấy làng quê hiện ra trước mắt, Thành ngồi đợi bên đường bảo cứ tự về. Chu lôi kéo không được đành lủi thủi đi, về tới cổng nhà gõ không thấy thưa, đang định trèo tường vào thì cảm thấy thân nhẹ như chiếc lá, nhảy một cái đã qua khỏi, vượt mấy lớp tường thấp thì tới phòng ngủ. Thấy bên trong đèn đuốc sáng trưng, vợ còn chưa ngủ mà đang rì rầm trò chuyện với người khác. Chu nhấm nước bọt chọc thủng giấy dán cửa sổ nhìn vào thì ra vợ đang uống rượu với một tên đầy tớ, bộ dạng rất lả lơi. Chu giận sôi lên toan xông vào bắt nhưng sợ có một mình không thắng nổi bèn lặng lẽ lui lại mở cửa chạy ra nói với Thành nhờ giúp sức. Thành hăng hái đi theo thẳng tới phòng ngủ, Chu vác đá đập cửa, bên trong hoảng sợ nháo nhác. Chu càng đập gấp nhưng cửa đóng rất chặt, Thành rút gươm đưa một nhát, cánh cửa toác ra. Chu sấn vào, tên đầy tớ lao ra cửa chạy, bị Thành đứng ngoài vung gươm chém đứt cánh tay tới tận vai. Chu bắt vợ tra vấn mới biết lúc mình bị giam thì nàng đã tư thông với tên đầy tớ, bèn mượn gươm chặt đầu vợ, khoét ruột treo lên cành cây trước sân rồi theo Thành trở ra. 

Đang tìm đường về núi chợt giật mình tỉnh dậy thì thấy vẫn còn nằm trên giường, hoang sợ nói “Mộng mị bậy bạ làm rợn cả người”. Thành cười nói “Mơ thì ông cho là thật, thật thì lại cho là mơ”. Chu ngạc nhiên hỏi, Thành đưa gươm ra cho xem thì vết máu vẫn còn, Chu sợ phát khiếp nhưng thầm ngờ là Thành dùng ảo thuật lừa dối. Thành biết ý bèn sắp sửa hành trang đưa Chu về. Phút chốc tới đầu làng, Thành nói “Đêm ấy chảng phải là ta chống kiếm đợi ở đây sao! Ta đã chán cuộc đời nhơ đục, xin lại đợi ông ở đây. Nếu quá trưa mà ông không ra, ta sẽ đi”. 

Chu tới nhà thấy cổng ngõ tiêu điểu như không có người ở, bèn vòng qua nhà em. Em Chu thấy anh thì sa nước mắt kể “Sau khi anh đi, đang đêm cướp vào giết chị rồi khoét ruột bỏ đi, vô cùng thê thảm, đến nay quan lùng bắt chưa được”. Chu như chợt tỉnh mộng bèn kể lại tình thật, dặn đừng truy cứu nữa, em Chu sững sờ hồi lâu. Chu hỏi thăm con trai mình, em gọi bà vú bế tới, Chu nói “Đứa nhỏ còn bọc tã lót này quan hệ tới việc nối dõi tông đường, em nên cố chăm sóc chứ anh nay muốn từ giã cõi trần rồi”. 

Rồi đứng lên đi ra, em trai nước mắt giàn giụa đuổi theo giữ lại, Chu chỉ cười đi thẳng không ngoái lại. Ra tới ngoài làng gặp Thành liền cùng đi, đi xa mới quay lại dặn “Ở đời thì việc nhẫn nhục là vui nhất”. Em còn muốn nói thì Thành khoát tay một cái, lập tức không thấy đâu nữa, bèn ngẩn ra hồi lâu rồi khóc lóc trở về. 

Em Chu là người chất phác vụng về, không biết coi sóc người nhà làm ăn nên qua vài năm nhà càng nghèo, con Chu dần lớn lên không thể đón thầy nên phải tự mình dạy cháu học. 

Một hôm sáng sớm tới phòng sách, thấy trên bàn có một phong thư dán kín, ngoài đề gởi em trai. Cầm xem thì đúng là nét chữ của anh, mở ra thì trong không chẳng có gì, chỉ thấy một cái móng tay dài khoảng hai đốt tay, lấy làm kỳ quái. Bèn đặt cái móng lên nghiên mục rồi bước ra hỏi người nhà thư từ đâu tới nhưng không ai biết, quay vào nhìn thì cái nghiên đá đã biến thành vàng lóng lánh, vô cùng ngạc nhiên, đem thử lên đồng sắt đều như thế. 

Từ đó giàu to, đem ngàn vàng cho con Thành, vì thế người ta đồn rằng hai nhà này có thuật điểm kim.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer