Dionysos đến vùng đồng bằng Attique. Nhiều người biết tiếng vị thần nhân đức đã không quản ngại khó khăn, vất vả đến tận nơi để nghênh tiếp thần. Trong số những người đến để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và thành kính đối với Dionysos có bác nông dân Icarios. Sự chân thành và sùng kính của bác đã làm cho thần Dionysos xúc động. Thần trao tặng bác một chùm nho, truyền dạy cho bác nghề trồng nho và nghề ép rượu.
Vườn nho của Icarios, tặng phẩm quý giá mà thần Dionysos đã trao cho bác, tuy vậy, vẫn thường bị xúc phạm, phá hoại. Nhưng may thay không phải ai thù ghét bác mà rắp tâm phá hoại. Đó chỉ là loài dê rừng, loài dê rừng thèm khát lá non trái chín. Bác nông dân Icarios quyết không để cho tài sản thiêng liêng của mình bị tiếp tục phá hoại. Bác rình mò, đặt bẫy để giết bằng được lũ dê rừng tham ăn, tai quái. Và một hôm bác đã bắt giết được một con dê. Bác gọi mọi người đến chứng kiến chiến công của bác. Và mọi người đều đồng thanh nhất trí với bác nhân dịp này mở lễ hiến tế thần Rượu nho-Dionysos để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với vị phúc thần, cũng như biểu lộ lòng mong ước được vị thần bảo hộ cho mùa nho khỏi bị tai họa làm thiệt hại. Từ đô trở đi trong những ngày tế thần, người ta thường giết một con dê. Căn cứ vào huyền thoại này, người ta giải thích ngọn nguồn của từ “bi kịch”. Tiếng Hy Lạp, bi kịch là “tragodia” cấu tạo do hai từ “tragos”: con dê và “ode”: bài ca. Vậy những bài ca trong lễ hiến tế thần Rượu nho-Dionysos, trong đó có bài ca về con dê, là nguồn gốc của bi kịch. Tất nhiên đây chỉ là một cách giải thích, thật ra quanh chuyện “bài ca về con dê”, “bài ca dê” còn có nhiều cách giải thích khác nhau với nhiều bằng chứng khá thú vị về mối liên quan hữu cơ giữa rượu nho – con dê – thần Dionysos – đội đồng ca hóa trang dê – bi kịch.
Nhưng số phận bác Icarios thật chẳng may chút nào. Bác gặp phải một sự hiểu lầm tai hại. Một hôm, khi đó sản phẩm Rượu nho của thần Dionysos chưa được mấy ai biết đến, bác mời những người chăn chiên, mục đồng thưởng thức thứ nước tuyệt diệu của bác. Mọi người đều tấm tắc khen thứ nước uống lạ và ngon chưa từng thấy và bày tỏ lòng cảm ơn bác. Thế nhưng một lúc sau họ thấy trong người choáng váng đầu óc nặng chình chịch, cảnh vật trông một hóa hai, có khi lại quay cuồng, lộn ngược. Có người hoa chân múa tay, ăn nói huyên thuyên, cái đầu không bảo được cái lưỡi, không sai khiến được cái tay, không điều khiển được cái chân. Họ nghĩ rằng Icarios mưu toan đầu độc họ, giết họ để cướp đàn súc vật. Thế là họ túm lấy bác đánh cho đến chết rồi đem xác vào chôn trong núi dưới một gốc cây. Con gái của Icarios là Érigoné thấy cha không về nhà liền bổ đi tìm. Nàng đi tìm hết nơi này đến nơi khác nhưng không thấy. Sau nhờ có con chó Méra dẫn đường Érigoné tìm thấy mộ cha. Đau xót quá đối với cái chết thê thảm của người cha thân yêu, Érigoné treo cổ tự sát. Thần Dionysos vô cùng tức giận về hành động hung bạo của người dân Attique, liền giáng xuống vùng đồng bằng này một tai họa khủng khiếp để trừng phạt: bệnh dịch hạch. Thần lại còn làm cho những thiếu nữ Athènes bỗng dưng nổi một cơn điên, kéo nhau đi treo cổ lên cây, tự sát, gây ra biết bao nỗi đau thương cho gia đình.
Để thưởng công cho Icarios và Érigoné, thần Dionysos ban truyền cho nhân dân Attique phải thờ phụng họ như những người anh hùng. Thần còn biến Icarios thành ngôi sao Mục đồng (Bunvier), Érigoné thành ngôi sao Trinh nữ (Vierge) và con chó Méra thành ngôi sao Con Chó lớn (Thiên Lang tinh, Le Grand Chien).