Câu chuyện xảy ra thật ly kỳ và biết bao đau xót, thương tâm. Người ta bảo đầu mối mọi việc xảy ra bắt nguồn từ cái chết của Androgée.
Androgée là con trai của vua Minos, vốn là một thanh niên tuấn tú, tài ba. Bữa kia nhân vị vua Égée ở đô thành Athènes mở hội tổ chức các cuộc thi đấu võ nghệ và các trò vui, Androgée biết tin liền sang tham dự. Trong những cuộc thi đấu, chàng thanh niên của đất Crète đã giành được thắng lợi rực rỡ. Chàng đoạt hầu hết các giải. Thôi thì tất cả, giải chạy, giải vật, giải phóng lao, ném đĩa… đều rơi vào tay người con trai vua Minos này cả. Ghen tức vì một người ngoại lai tài giỏi, vua Égée bắt chàng phải đi trừng trị một con bò mộng hung dữ đang tàn phá vùng đồng bằng Marathon. Con vật này rất kinh khủng. Nghe đâu mũi nó phun ra lửa. Nó đã tàn phá mùa màng ở vùng này trong hàng bao nhiêu năm khiến cho nhân dân vô cùng khốn khổ. Androgée đọ sức với con vật. Nhưng tiếc thay chàng không chiến thắng được nó. Chàng bị nó húc chết. Có người kể chuyện này hơi khác đi một chút. Androgée sau khi đoạt hết các phần thưởng ở Athènes bèn sang Thèbes tham dự hội nhưng dọc đường chàng bị những người Athènes, vì ghen tị, ám hại.
Được tin con trai chết, Minos liền chiêu tập chiến thuyền, hội nghị tướng lĩnh rồi định ngày hạ thủy, tiến sang đất Athènes, hỏi tội nhà vua Égée, rửa hờn cho vong linh đứa con yêu quý. Cuộc chiến tranh giữa Crète với Athènes diễn ra dằng dai không biết mấy năm trường. Người Athènes lâm vào một tình thế rất nguy kịch. Thần Zeus chấp nhận lời cầu xin của Minos, đã gây ra một vụ dịch bệnh khủng khiếp để trừng phạt Athènes về tội đã vi phạm vào truyền thống quý người trọng khách. Trước tình cảnh đó, các tướng lĩnh Athènes chỉ còn cách sắm sanh lễ vật hiến tế các thần để xin lời chỉ dẫn. Sau khi giết biết bao súc vật để làm lễ hiến tế, và giết cả những nàng trinh nữ nữa, người Athènes mới nhận được lời phán truyền: “Muốn giải trừ tai họa chỉ có cách chấp nhận những đòi hỏi của Minos!” Thật khắc nghiệt! Nhưng làm thế nào được. Thế là Athènes bại trận buộc phải đem triều cống trong chín năm liền, mỗi năm bảy chàng trai và bảy cô gái cho Minos để Minos nuôi đứa con Minotaure.
Nhân dân Athènes phải cắn răng chịu đựng cái khoản cống nạp nhục nhã đó. Một năm, hai năm… cho đến năm thứ ba thì không sao chịu được nữa. Khắp trong dân gian đó đây đều nổi lên những tiếng kêu than và những lời xì xào, bàn luận đầy bất bình đối với vua Égée. Tình hình đó đã khiến cho Thésée, người anh hùng con trai của Égée băn khoăn suy nghĩ. Cuối cùng chàng quyết định xin với vua cha cho phép mình đi trừng trị Minotaure, bằng cách chàng sẽ đi vào cung điện Labyrinthe với đoàn người cống vật để quyết một phen sống mãi với con quái vật đó. Lão vương Égée than khóc, khuyên con đừng dại dột mạo hiểm mà thiệt mạng. Nhưng mặc cho lời khuyên can của người cha già có thống thiết đến đâu chăng nữa thì cũng không làm nhụt chí khí anh hùng của người con trai dòng dõi thần Poséidon. Chàng nói với người cha thân yêu:
– Xin cha cứ yên tâm. Con phải ra đi vì danh dự. Con nhất quyết sẽ chiến thắng con quái vật tai họa đó. Cha sẽ vô cùng sung sướng và tự hào khi thấy con mai đây trở về với đô thành thân yêu của chúng ta.
Và Thésée ra đi. Tiễn con ra bờ biển, lão vương Égée chỉ còn biết dặn lại:
– Thésée con hỡi! Cha đã không giữ được con. Vả lại cha cũng không nên ngăn cản con trong một sự nghiệp anh hùng vì hạnh phúc của nhân dân đô thành chúng ta. Nhưng nếu con không trở về thì điều đó đối với cha thật vô cùng đau xót và nặng nề không biết đến mức nào. Vì ngoài con ra cha không còn ai cả. Vậy giờ phút chia tay gần như vĩnh biệt này, con thuyền của con hãy kéo tấm buồm đen lên. Nhưng mai kia khi chiến thắng trở về, con hãy giương lên tấm buồm trắng để cho cha ngày ngày mong đợi con ở bờ biển sớm biết được tin mừng. Cha sẽ lo loan báo cho nhân dân biết, Thésée người anh hùng của Athènes vinh quang đã thanh trừ cho đô thành ta một tai họa, xóa bỏ được khoản cống nạp nhục nhã và nặng nề, và đô thành vinh quang của chúng ta sẽ làm lễ đón rước con với những nghi lễ long trọng vốn chỉ dành riêng cho các bậc thần linh.
Thuyền từ từ rời bến. Égée đứng ở bờ biển nhìn với mãi theo cho đến khi nó chỉ còn là chiếc chấm đen trên mặt biển và khuất bóng vào chân mây mặt nước xa vời.
Tới đảo Crète. Những người cống nạp phải đến trình diện trước vua Minos. Nhà vua thấy chàng trai khỏe đẹp và có một phong thái khác thường, bèn lẩm bẩm trong miệng: “Chà, sao mà những người Athènes lại đem cống nạp một chàng trai đẹp đẽ, cường tráng như thế này! Hay là họ hết người rồi chăng? Ta xem ra hắn có lẽ không phải là người bình thường”. Nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp-Aphrodite, vị nữ thần mà Thésée trước khi lên đường đã làm lễ cầu xin sự che chở, bảo hộ, lúc này đã ở bên chàng. Nữ thần thấy công chúa Ariane đang đứng bên cha xem đoàn người cống vật. Nữ thần bèn khơi lên trong trái tim nàng một dục vọng yêu đương, và khi Ariane nhìn thấy Thésée thì trong lòng vô cùng xúc động. Nàng thương cho số phận chàng. Nàng không muốn một chàng trai tuấn tú, đáng yêu như thế kia phải chết oan uổng.
Sau khi xem xét đoàn người cống vật, Minos chọn trong số bảy thiếu nữ phải làm vật hy sinh ra một người đẹp nhất, và không kìm hãm được dục vọng ái ân đang thiêu đốt trái tim, nhà vua đã hành động như một con vật bờm xơm, lơi lả hết sức bỉ ổi trước mặt mọi người. Thésée phẫn nộ, tiến lên, đứng chặn ngang trước mặt Minos, bảo vệ cho người thiếu nữ. Minos tức điên người, trợn mắt quát:
– Đồ súc sinh to gan lớn mật! Mi không biết Minos này là người như thế nào à? Ta nói cho mi biết, Minos, đứa con vinh quang của thần Zeus sẽ không tha thứ cho một hành động phạm thượng như thế đâu!
Thésée cũng kiêu hãnh đáp lại:
– Hỡi Minos, nhà vua dâm bạo và tàn ác! Mi đừng có coi thường ta. Nếu mi vênh vang vì được là con của thần Zeus vĩ đại thì ta đây, ta cũng tự hào được là con của vị thần Poséidon-Lay chuyển Mặt đất, người có cây đinh ba vàng có thể gọi gió bảo mưa, sai khiến các loài thủy quái như mi sai khiến gia nhân. Ta sẽ không tha thứ cho một kẻ nào làm nhục một người thiếu nữ Athènes trước mặt những người Athènes.
Minos thử thách:
– Chà, thì ra mi là con của thần Poséidon đáng kính đấy ư? Thật không, ta cứ coi như mi đích thực là con của vị thần đã giáng tai họa xuống thần dân của hòn đảo Crète quanh năm sóng vỗ này. Vậy mi hãy chứng tỏ cho mọi người biết mi là kẻ không hề nhận xằng dòng dõi, man khai lai lịch để lòe bịp người khác.
Vừa nói Minos vừa tháo chiếc nhẫn vàng đeo trên tay và ném xuống biển, rồi hất hàm bảo Thésée:
– Ta chỉ thừa nhận mi là dòng dõi của thần Poséidon chừng nào mi lấy được chiếc nhẫn đó lên!
Thésée không chút sợ hãi, không một giây chần chừ. Chàng cầu khấn người cha kính yêu của mình là vị thần Poséidon vĩ đại rồi lao mình xuống biển. Biển khơi tung sóng lên nuốt chửng người anh hùng. Mọi người ai nấy đều kinh hãi. Chẳng ai tin rằng Thésée có thể lấy được chiếc nhẫn vàng từ dưới đáy biển lên được cả. Nàng công chúa Ariane xinh đẹp vô ngần nhìn biển khơi mênh mông mà xót xa, thất vọng. Người con trai đẹp đẽ, uy nghiêm tựa thần linh kia làm sao có thể trở về được nữa. Nếu như nàng được một vị thần giúp đỡ, ban cho nàng phép lạ, nàng sẽ giúp chàng lấy chiếc nhẫn từ dưới đáy biển lên để trả lại cho vua cha. Nhưng tiếc thay, nàng không có cách gì giúp chàng!
Thésée vừa bị sóng biển mặn chát trùm kín lên và nhấn chìm xuống thì thần Triton, vị thần có chiếc tù và báo gió chướng, biển động, thân hình kỳ quái nửa người nửa rắn, liền đón luôn lấy chàng và đưa chàng về cung điện của thần Poséidon. Hai cha con gặp nhau thật là sướng vui khôn tả. Thần Poséidon bèn vẫy tay ra hiệu. Lập tức một con cá mồm ngậm chiếc nhẫn bơi vào dâng lên cho thần. Thésée đeo nhẫn vào tay rồi cúi chào người cha vĩ đại kính yêu. Thần Triton cắp ngang người chàng bơi lên mặt biển, trả chàng về đúng quãng biển mà chàng lao xuống lấy chiếc nhẫn đeo vào tay. Còn nàng Ariane mắt ngời lên những tia mừng rỡ. Nàng nhìn chàng lòng đầy khâm phục và mỉm một nụ cười.
Đã đến lúc đoàn người cống vật phải đi vào cung điện Labyrinthe. Đằng kia cánh cửa lớn của tòa lâu đài mở rộng ra như một cái miệng khổng lồ há hốc đen ngòm. Chỉ giây lát nữa nó sẽ nuốt gọn lũ người xấu số vào trong bụng. Lợi dụng lúc vắng người, Ariane liền đến gặp Thésée để nói cho chàng biết tất cả những nỗi nguy hiểm đang chờ đợi chàng, dù chàng có giết được quái vật Minotaure thì cũng không thể nào lần tìm được đường ra. Để giúp Thésée, nàng tháo cho chàng một cuộn dây dặn chàng cứ thả dần dần nó ra theo bước đi của mình. Chỉ có cách ấy mới có thể hy vọng thoát chết. Nàng lại cẩn thận hơn trao cho Thésée một con dao nhọn để chàng có thể chiến thắng Minotaure nhanh chóng hơn, thuận lợi hơn. Ariane chỉ mong muốn có một điều nếu Thésée chiến thắng trở về Hy Lạp, thì cho nàng cùng về theo.
Đoàn người cống vật đã đi vào cung điện Labyrinthe. Ariane đứng chờ ở ngoài cung điện lòng đầy hồi hộp. Nàng cầm lấy đầu sợi dây mà Thésée thả ra, theo dõi những biến động của nó với tất cả tấm lòng thương yêu tha thiết, niềm hy vọng cũng như nỗi băn khoăn, lo lắng cho số phận của chàng. Bỗng từ trong cung điện vẳng ra tiếng gầm rống của Minotaure. Sợi dây nằm trên lòng bàn tay nàng rung lên giần giật. Trái tim nàng đập dồn dồn. Sợi dây đã báo cho Ariane biết cuộc vật lộn khốc liệt giữa Minotaure với Thésée.
Cuộc giao tranh giữa Thésée và Minotaure diễn ra khá lâu. Minotaure thấy người lạ rống lên và chĩa đôi sừng nhọn lao thẳng vào. Thésée tránh hết đòn này đến đòn khác của nó khiến cho nó bực tức, lồng lộn. Cho đến một lúc nào đó thì chàng không tránh được nữa. Chàng nắm ngay lấy sừng, ghìm đầu nó lại và nhanh chóng rút con dao nhọn ở bên sườn ra đâm liên tiếp vào gáy nó. Bị thương, Minotaure không còn hung hăng như lúc đầu, và bây giờ mới là lúc Thésée tiến công bằng những đòn quyết định. Minotaure nhận thêm nhiều vết thương nữa, cuối cùng nó không còn đủ sức đứng được bằng đôi chân. Nó ngã vật xuống đất, thở hồng hộc kết thúc số phận của mình. Có chuyện kể, Thésée ngoài đôi tay, không có một vũ khí gì kèm theo vì quân canh khám xét rất ngặt.
Thésée lần theo sợi dây để thoát ra khỏi cung điện Labyrinthe. Sợi dây trên tay Ariane rung lên, và kia Thésée từ trong cung điện bước ra. Ariane sung sướng đến trào nước mắt. Nàng ngã vào vòng tay chàng, ngây ngất vì xúc động.
Nhờ vào cuộn dây của Ariane, Thésée đã hoàn thành được sứ mạng thiêng liêng cao quý của mình. Lập tức chàng cùng với anh em, bạn hữu tổ chức ngay một cuộc vượt biển. Phải vượt ngay không một phút giây chậm trễ. Nếu không thì khó bảo toàn được tính mạng. Giữ trọn lời hứa với Ariane, chàng đưa nàng cùng trở về Hy Lạp với mình. Chàng còn mưu trí ra lệnh cho anh em phá hủy những con thuyền của người Crète đậu trên bờ biển để khi họ biết chuyện cũng đành chịu bó tay.
Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Cuộn dây Ariane hoặc Sợi dây, sợi chỉ Ariane (Le fil d’Ariane) để chỉ một biện pháp (đường lối, phương châm, phương pháp, kế hoạch…) giúp ta thoát khỏi tình trạng bế tắc, khó khăn, lúng túng tương ứng như Sao Bắc đẩu, Kim chỉ nam, Ngọn đuốc soi đường, Bức cẩm nang mà chúng ta thường dùng.
Nói về cuộc hành trình trở về Hy Lạp của Thésée. Thật sung sướng biết bao đối với những người vừa thoát khỏi một cái chết tưởng như cầm chắc trong tay! Và có lẽ người sung sướng hơn cả phải là đôi lứa Thésée-Ariane. Một buổi chiều kia thuyền của những người Hy Lạp neo lại hòn đảo Naxos186. Mọi người lên bờ nấu ăn và nghỉ ngơi. Sau một ngày mệt nhọc, đêm hôm ấy họ ngủ thiếp đi, một giấc ngủ say rất ngon lành. Nhưng sáng hôm sau khi nàng Bình minh vừa ló khuôn mặt có đôi má ửng hồng trên mặt biển mặn chát làm Ariane thức dậy thì… hỡi ôi, quanh nàng chỉ còn lại bãi cát trắng dài với gió vi vu và sóng biến rì rào! Cánh buồm đen của thuyền Thésée đã biến mất tăm từ lúc nào mà nàng không biết. Tại sao lại xảy ra cái chuyện lạ lùng như thế? Nguyên do là như sau. Đêm hôm đó, Thésée gặp một giấc mộng, thần Dionysos hiện ra trên cỗ xe uy nghiêm, rực rỡ ánh hào quang. Thần nhìn Thésée với đôi mắt nghiêm nghị và hạ lệnh cho chàng phải lập tức lên đường vượt biển ngay, không được trì hoãn. Thần cấm không được đưa Ariane đi theo. Thésée buộc phải tuân theo lệnh thần, lòng đau như cắt, nước mắt ngấn ra, vội vã truyền lệnh cho thủy thủ. Thật là đau xót cực lòng hết chỗ nói. Nhưng làm thế nào được. Những người trần thế đoản mệnh bấy yếu, không thể nào cưỡng lại ý định của các vị thần. Thésée đành lòng bước chân đi. Chàng cũng không được phép đánh thức Ariane dậy để nói cho nàng rõ sự thể của việc chia ly này. Có người lại giải thích sự việc này hơi khác. Họ cho rằng Thésée vốn đã yêu một người thiếu nữ nào đó trước lúc gặp Ariane nên mới bỏ rơi Ariane. Việc chàng hứa hẹn với Ariane chẳng qua chỉ nhằm mục đích thực hiện mưu đồ của chàng.
Hôm sau tỉnh dậy, Ariane bàng hoàng ngơ ngác. Thésée và những con thuyền đã không cánh mà bay. Ariane vô cùng đau đớn và giận dữ. Nàng khóc than ai oán, kêu gào thảm thiết trên bãi biển vắng hoang. Nàng căm giận nguyền rủa Thésée, cho rằng gã đã phản bội lời thề ước. Nhưng đáp lại nàng chỉ là biển vô tư cuộn sóng và những cánh chim trời thờ ơ bay lượn trên không. Khóc than vật vã mãi, cuối cùng nàng mệt quá thiếp đi, và đó cũng là lúc ánh hoàng hôn vàng rượi nhạt dần, bóng đen của đêm tối huyền bí trùm xuống. Đêm hôm đó một kỳ tích đã xảy đến với đời nàng.
Khi những vì sao vừa xuất hiện trên bầu trời tỏa sáng ngời ngợi thì bỗng có một vệt sáng bay vút từ phía tây sang phía đông. Vệt sáng đó ngày càng tỏa ra to lớn, to lớn mãi lên, cuối cùng bùng nở ra những tia sáng chói lọi muôn màu sắc. Thần Dionysos hiện ra oai nghiêm lộng lẫy. Các thần tùy tòng Satyre, Silène và Bacchantes vây quanh lấy Ariane chào đón nàng như chào đón một vị hoàng hậu. Thần Dionysos từ trên cỗ xe do các con báo kéo bước xuống đưa tay ra thân mời Ariane lên ngồi bên thần để trở về đỉnh Olympe làm lễ kết hôn. Dionysos đặt lên đầu nàng một chiếc vương miện bằng vàng dát những hạt kim cương ngọc thạch vô cùng quý giá do bàn tay khéo léo của vị thần Thợ rèn Chân thọt-Héphaïstos làm ra. Thế là nàng Ariane được yên lòng vì những vinh quang mới bên vị thần Dionysos vĩ đại. Cỗ xe thần do những con báo kéo đưa họ bay vút lên đỉnh Olympe, nơi ở thiêng liêng, vĩnh cửu, cao quý của các vị thần.
Còn Thésée, trên đường về lòng nặng trĩu nỗi đau buồn thương nhớ. Như người mất hồn, chàng chẳng còn nhớ gì đến lời lão vương Égée căn dặn lúc ra đi. Con thuyền của chàng vẫn cánh buồm đen như buổi tiễn đưa đầy nước mắt hôm nào. Ở Athènes, ngày ngày người cha già yêu dấu đứng ngóng đợi con ở bến Pirée. Đây kia cánh buồm ai thấp thoáng xa xa. Lão vương Égée khom khom tay đưa lên che trên mi mắt để nhìn cho rõ. Cánh buồm đen hay cánh buồm trắng? Ánh nắng và hơi nước biển bốc lên mờ mờ khiến cho lão vương Égée chẳng trông rõ chút nào. Nhưng dần dần con thuyền ngày càng hiện rõ ra trên nền trời xanh thẫm. Égée khóc nấc lên: “Ôi, cánh buồm đen rồi! Thế là con ta, đứa con yêu quý của ta đã bỏ mình”. Mặc cho bao lời khuyên giải, an ủi, can ngăn của mọi người xung quanh, Égée vẫn không bình tâm đợi con thuyền cập bến xem hư thực thế nào. Người cha già khốn khổ đó chắc chắn đứa con mình đã chết, nếu không, sao con thuyền lại mang cánh buồm đen u ám, tang tóc thế kia. Tuổi già chỉ còn hy vọng trông cậy vào con, và khi đứa con đó chết, nguồn hy vọng đó coi như tắt mất. Làm sao mà sống nổi khi hy vọng tiêu tan, nhất là đối với những người gần cái chết hơn là sự sống như lão vương Égée, và thế là lão vương Égée lao mình từ trên ngọn núi cao xuống biển tự vẫn.
Cập bến, được tin sét đánh, Thésée lòng vô cùng hối hận. Nỗi đau buồn nọ chưa qua đi thì nỗi đau buồn kia đã ập tới. Chàng đứng trên ngọn núi cao hồi lâu nhìn biển khơi cuộn sóng tưởng như lòng mình tan tác ra thành những giọt nước mắt thương đau. Để tưởng nhớ mãi mãi tới lời người cha già kính yêu của mình, chàng đặt tên cho vùng biển đó là “biển Égée”, vùng biển nằm giữa đất Tiểu Á và Hy Lạp mà phía nam của nó là đảo Crète, và xa hơn chút nữa, giáp mạn bờ biển Tiểu Á về phía đông, là đảo Chypre.
Tin vui cùng đến với tin buồn. Athènes chấm dứt được cái họa phải cống nạp nhục nhã nhưng đồng thời cũng mất một vị vua anh minh. Tuy nhiên niềm vui vẫn lớn hơn, nhân dân vô cùng vui mừng, phấn khởi trước chiến công thanh trừ quái vật Minotaure của người anh hùng Thésée. Mọi người đón rước chàng long trọng như một vị thần, một vị cứu tinh của đô thành Athènes thiêng liêng, đô thành được nữ thần Athéna có đôi mắt cú mèo bảo hộ. Đó là một trong những chiến công của Thésée, chiến công mà người anh hùng đã phải đổi bằng những mất mát, đau thương của mình để đem lại cuộc sống yên lành cho nhân dân.
Môtíp “cánh buồm trắng, cánh buồm đen” sau này được lặp lại trong một chuyện kỵ sĩ hay nhất thời Trung cổ ở châu Âu: Tristan và Iseut.