(Pierre Paul, “L’individualité de Tartiste”, 1936, Paris: Librairie Bon-court, 164 p.)
Sự buồn tẻ, thứ đặc trưng cho phần lớn các tác phẩm lí thuyết Đức, ở người Pháp ít khi bắt buộc phải có. Tất nhiên, kể cả những cuốn sách vượt quá tính chất bình luận. Phần lớn các tác phẩm lí thuyết của Pháp viết rất tuyệt vời, khiến người đọc không thể rời mắt. Nhưng rồi người ta ngán ngẩm đặt xuống, bởi sự rỗng tuếch của chúng.
Chỉ đôi khi có những tác phẩm ngoại lệ, ví dụ như của Jourdain. Ông viết ba công trình nghiên cứu về tính chất cá nhân của nghệ sĩ (Nghệ sĩ cổ điển và lãng mạn, Hiện thực của nghệ thuật, Nhìn và hành động). Và tri thức chứa đựng trong tác phẩm đúng là tri thức. Phần lớn dựa trên các tài liệu tham khảo của Nga và Anh, có thể cả từ dòng Guyau-Gide, điều có thể hiểu được. Những tham khảo của ông không theo kiểu dữ liệu mà đi thẳng vào bản chất.
Ông không trích dẫn mà nêu những hiện tượng từ kinh nghiệm ông đã thu thập. Có thể nhận ra từ tác phẩm của ông dấu ấn của Darmstad và triết học hiện sinh, nhận ra các nhà lí luận Nga, và cả tác động của tri thức Anh đương đại. Ngoài ra tác giả là một độc giả nghiêm túc, am hiểu văn chương cổ điển trong lịch sử nghệ thuật, trong âm nhạc, về người nguyên thủy, ông quan tâm đến tâm lí học và am hiểu các tác phẩm mĩ học chuẩn mực.
Ở một tác giả nghiên cứu đa ngành, rộng lớn, phức tạp và thứ tự như thế tính hệ thống hay gián đoạn đều không đủ. Như thế nào đấy ông đứng giữa cả hai: vừa hệ thống vừa gián đoạn. Cùng lúc đó các tư tưởng của ông rất rõ ràng và sâu sắc.
Trong tác phẩm nghiên cứu đầu tiên, Jourdain giải thích tính chất cá nhân của người nghệ sĩ từ phương diện tâm lí học. Có một loại nghệ sĩ tính chất của họ là tỉ lệ, là sự sáng sủa, là hình thức và sự đơn giản. Đây là dạng nghệ sĩ tinh thể, dạng pha lê. Còn một loại nghệ sĩ khác mang tính chất gây tác động, thức tỉnh, thường xuyên gây nhiễu loạn và náo động. Đây là dạng nghệ sĩ sâu sắc. Thế là nảy sinh ra trong nghệ thuật và trong giới nghệ sĩ sự trái chiều của hai dạng người sáng tạo tinh thể và sâu sắc.
Dạng nghệ sĩ tinh thể, pha lê là dạng nghệ sĩ cổ điển: sáng tạo hình thức. Đặc tính của họ là sự điềm đạm, tươi tỉnh, phẳng lặng, tham dự. Đấy là Homeros, Horatius, Cornelle, Radne, Raffaello, Mozart. Trong cái họ sáng tạo luôn luôn có một cái gì đó giản dị rạng ngời. Đầy an ủi, kể cả khi bi thương, khiến người ta ngây ngất, kể cả khi gây chấn động. Chất liệu của nó là ánh sáng, đến màn đêm cũng trở nên trầm ngâm, kể cả khi hình thức của nó đầy hỗn loạn. Ở con người này niềm vui là sự vẹn toàn, là tích tụ của cảm xúc và kính nghiệm, được gọt giũa, ngắm nghía, rõ ràng và giản dị.
Dạng thứ hai là dạng sâu sắc, dạng nghệ sĩ lãng mạn: mang đặc tính bất an, buồn bã, đầy oán giận, nặng nề, thô thiển và tăm tối. Những nghệ sĩ dạng này: Victor Hugo, Cervantes, Dostoyevsky, Swift, Michelangelo, Shakespeare, Wagner.
Trong cái họ sáng tạo, luôn luôn là những đứt đoạn đe dọa. Làm bất an, kể cả khi vui vẻ, để lại lo lắng, khi cười. Trong cái họ sáng tạo, không có sự tươi tỉnh, cùng lắm có sự hài hước.
Tính chất của tác phẩm mơ hồ, ngay đến ánh sáng cũng vẩn hơi mù sương. Niềm vui của dạng người này là sự bần thần, ngây ra nhìn vào sâu thẳm, là sự bới tìm, phân tích, sự tấn công, chế giễu, đến những nhân vật kiên định nhất cũng bị mổ xẻ, bị tháo rời từng mảnh và phân tích thành từng mảnh.
Đến đây tác giả (Jourdain) bỏ lại lời giải thích về từng loại người sáng tạo, mà quay về với vấn đề hiện thực của người nghệ sĩ. Thoạt đầu có vẻ chủ quan. Chỉ sau cùng mới thấy ông đã làm đúng, bởi vai trò của tâm lí học chấm dứt, tiếp đến chính là hiện thực của người nghệ sĩ.
Con người, ông viết, trong cuộc sống thường nhật sống trong một hiện thực đầu óc tỉnh táo. Trong cái hiện thực này từ nền tảng thỏa thuận chung, giá trị, kí hiệu, ý nghĩa và hình thức của mọi người như nhau. Con người thực tế, thương gia, thầy giáo, nhà chính trị, luật sư, nhân viên hành chính, không ngoại lệ, đều là những thực thể kém hiệu quả. Không chỉ từ quan điểm sáng tạo tri thức.
Bởi – Jourdain tuyên bố: cái công việc một thương gia thực hiện không làm cho nhân loại lớn thêm một milimet, không biết thêm gì về thế giới, cuộc sống không đẹp hơn và cũng chẳng nhiều cảm xúc hơn. Tại sao thế?
Phải chăng bởi vì giữa công việc và sự sáng tạo khác hẳn nhau về bản chất? Phải chăng chỉ có sự sáng tạo có hiệu quả, còn công việc thì không? Phải chăng công việc không là gì khác ngoài sự phục hồi cái không hiệu quả? Và công việc đã chứng minh cho một số người đúng là cuộc sống của họ hoàn toàn vô nghĩa. Điều này nghe thật phù hợp. Nhưng vấn đề không phải chỗ đó.
Thương gia, luật sư, người nông dân sống trong hiện thực, một cách hoàn toàn, từ trong ra ngoài, hiện thực đến tận xương. Nhưng cái hiện thực này hoàn toàn vô hiệu quả. Tại sao? Bởi vì nó tan rã ra thành ngày tháng, giây phút, thành các nhiệm vụ, một cách như thế nào đó thiếu hẳn một chất kết dính, gắn bó, một sức mạnh tạo ra hình thức từ đời sống.
Khi đời sống bắt đầu được cô đọng lại, tạo thành hình thức, khoác lên bộ mặt và cá tính, khi thời gian bắt đầu mang ý nghĩa, cuộc sống bắt đầu có nội dung, có phương hướng và vẻ đẹp, từ giây phút ấy con người bắt buộc bước ra khỏi cái thế gian mang tính chất hiện thực trần trụi.
Jourdain cho rằng có những sự kiện lớn xảy ra với con người, khiến họ dừng lại ở đó, và tất cả những gì sau đó xảy ra với họ, cùng lớn lên, hòa nhập và tinh lọc trong cái vòng sự kiện cảm nhận đó. Hiện thực đối với những người này không bao giờ còn trong cái nghĩa hiện thực như đối với các sĩ quan chẳng hạn.
Đây là những kẻ mơ mộng, những kẻ giàu trí tưởng tượng. Những nghệ sĩ. Và chừng nào một kẻ như vậy – chưa có một sự kiện xúc cảm trọng tâm, lớn lao, tác động đến sâu thẳm tính cách cá nhân, làm rung động trái tim nó, chừng nào cuộc sống và số phận của nó chưa bắt đầu kết tinh giữa cái vòng sự kiện cảm nhận nảy mầm đâm chồi này, chừng đó nó chưa bắt đầu nhìn nhận tất cả bằng một cái nhìn khác: tất cả, từ một sự kiện cảm xúc, để ngẫm nghĩ, so sánh kinh nghiệm, nhưng khi nó vẫn chưa sáng tạo, chưa lập dựng hình thức, chưa tìm thấy chất liệu kết dính lớn lao, một sức mạnh duy trì vững chắc, chừng đó con người vẫn chưa phải là một nghệ sĩ.
Cái gọi là sự tỉnh táo lí trí đối với người nghệ sĩ là một sự trả thù. Phán xét sự việc như một nhà đại lí bất động sản không mang lại ý nghĩa gì cho họ. Bởi vậy từ quan điểm lí trí tỉnh táo nhà đại lí bao giờ cũng thực tế, nhưng từ phương diện hiện thực đích thực ông ta luôn luôn phi thực tế. Hiện thực với nhà đại lí là thế gian, là tiền, là quyền hành, là tiện nghi, nhưng người nghệ sĩ ở trong hiện thực ấy luôn luôn xa lạ, đơn điệu và điên rồ.
Nhưng không điên rồ không có nghệ thuật. Thậm chí một cuộc sống (gọi là) hiệu quả cũng không có luôn. Bởi vì, đây mới là điều quan trọng nhất: sự phi thực tế của người nghệ sĩ chỉ là ngộ giác của điên rồ; trong thực tế đấy mói chính là hiện thực thực tế nhất. Thế giới của nhà đại lí chỉ ngỡ là hình ảnh thực tế mà thôi.
Làm thế nào lại có nghịch lí này? Sự việc như sau: Cái có hiện thực, là cái mang tính chất cảm nhận. Tất nhiên. Bởi vì đối với chúng ta chỉ có một hiện thực duy nhất là cảm nhận riêng của chúng ta. Chúng ta không biết tí gì về những sự việc khác của thế gian.
Trong thế giới của nhà địa lí không có những cảm nhận. Chỉ là ngộ giác, bởi vậy nó rơi xuống thành từng mảnh rời, như vụn bánh hoặc như cát. Cái hình ảnh mà nhà đại lí mang trong mình về thế gian cũng vụn vặt, không hình dáng, hoặc không hiện thực. Thế gian thực sự không như nhà chính trị hoặc nhà thương gia nhận biết, trong hiện thực, như nó có, như là nó, mà như người nghệ sĩ nhận biết.
Tại sao? Bởi vì người nghệ sĩ nhận ra thế gian như một cảm xúc, như một sự căng thẳng, một hình ảnh, một vở kịch. Thế giới của thương gia đầy rẫy hoang tưởng và giả định, bởi thương gia sống một cuộc đời không hiện thực, không có xúc cảm nhận thức; còn người nghệ sĩ, số phận của nó từng trải, hay nói cách khác vì xây dựng số phận từ hiện thực, nó nhìn thấy tất cả.
Cứ như vậy tác giả dẫn giải đến công trình nghiên cứu thứ ba: liên hệ giữa sự kiện cảm nhận với dạng nghệ sĩ tinh thể, và thế giới phi hiện thực với dạng nghệ sĩ sâu sắc.
Nghệ sĩ cổ điển là người có sự cảm nhận lớn, nhìn thấu suốt thế giới một cách tinh túy, nhào nặn hình thức như bản thân nghệ sĩ cho là đúng. Còn nghệ sĩ lãng mạn nhìn thấy sự khuấy động phi hình dáng của các sự vật nho nhỏ, vụn vặt.
Cổ điển không là gì khác ngoài: trật tự, vũ trụ, cái đẹp.
Lãng mạn không là gì khác ngoài sự lộn xộn, khuấy đảo và hỗn loạn.
Điều sau cùng có vẻ như là hiện thực, nhầm! Sự hỗn loạn không thể hiện thực hơn vũ trụ. Thậm chí: chúng ta đang sống trong trật tự của vũ trụ. Sự sống hỗn loạn là hiện thực, đấy là nhận định của các nhà đại lí, những kẻ tin vào cái hiện thực như họ muốn.
Công trình nghiên cứu này còn tiến thêm một bước nữa. Nó tuyến bố: nghệ thuật cổ điển là hiện thực, là tham dự, là trong sáng, cho nên thụ động. Lãng mạn là đam mê, là đau khổ, bởi vậy là điều tích cực.
Gần như có thể định nghĩa như sau: chỉ kẻ đau khổ mới cần phải hành động. Nhưng chỉ kẻ không thấy mới đau khổ. Và chỉ kẻ không sống trong thế giới hiện thực mới không thấy.
Đây là định nghĩa chính xác nhất có thể của người nghệ sĩ lãng mạn: phi hiện thực, bởi không thấy rõ ràng; bởi không thấy, nên đau khổ – bởi đau khổ, nên cần phải hành động. Đây là nguyên nhân của sự ưa thích hành động không bờ bến, của sự chạy trốn, sự bồn chồn, bối rối.
Người cổ điển trái lại, họ thấy, bởi vậy họ thực tế, bình thản và không cần hành động, họ thụ động. Kẻ ở thế cao không phải là người hành động và chiến thắng, mà là kẻ thấy và mỉm cười Bởi vì thấy nhiều hơn là hành động. Luôn luôn đã và sẽ là như thế.
Không phải đạt đến mục đích, khi ta đã hoàn toàn cạn kiệt mà khi ta đã tìm ra cái vô tận.