NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Một Giọt Từ Sự Đọa Đầy

Giải Phẫu Sự U Buồn

Tác giả: Hamvas Béla
Thể loại: Triết Học
Ads Top

(Robert Burton – triết gia hiện sinh của thế kỉ XVIII)

1.

Tác phẩm Giải phẫu sự u sầu của Robert Burton lần đầu xuất bản cách đây khoảng hơn ba hăm năm, và nếu ai bỏ ra vài ba tuần để đọc những phần chính trong cuốn sách dày cộm ba tập này, người đó sẽ vỡ lẽ, họ đang làm quen với một trong những cuốn sách lớn nhất của thế gian.

Burton là một người giữ thư viện. Mẩu tư liệu tiểu sử này không hề vớ vẩn, như thoạt đầu tưởng thế. Đôi khi một từ lại nói lên điều quan trọng nhất. Burton từng là một người giữ thư viện. Và người giữ thư viện là người mà với họ sách là dinh dưỡng, là đam mê, là số phận, là tình yêu, là sự ngây ngất, là cuộc phiêu lưu và là định mệnh, như biển với thủy thủ, đất với nông dân, thực vật với người làm vườn.

Nhà bác học chi coi sách là chất liệu: để xem, đọc, trích dẫn và đặt sang một bên; với nhà thơ sách chỉ là tác phẩm: tạo ra và quên đi; với người giảng dạy, sách là công cụ: chắt lọc từ đấy và cho đi tiếp tục; với người bình thường sách là sản phẩm công nghiệp: để đọc và thưởng thức.

Không ai động đến sách như người giữ thư viện, lặng lẽ và chậm rãi làm sao, như cái cách con người có quan hệ với những sự việc vĩnh hằng: với biển, với đàn bà, với đất.

Không ai biết, ngồi xuống bên cạnh một tác giả lí thú nghĩa là gì, mở sách ra một cách ngẫu nhiên và đắm chìm vào đó. Ghi chép, tóm tắt, đút mẩu giấy vào túi, trèo lên sườn đồi, ngồi xuống và đọc to nó lên, rồi gạch dưới những từ quan trọng.

Trong toàn bộ nền văn học thế giới thực ra chỉ có hai tác phẩm lớn của người giữ thư viện: một là Đạo đức kinh của Lão Tử, và hai là Giải phẫu sự u sầu của Burton. Lão Tử làm nghề giữ thư viện bảy mươi năm, bảy mươi năm đọc, chắt lọc, thu thập, sàng sảy, cất giữ, để sau cùng nhận được một giọt sương. Giọt sương ấy là Đạo đức kinh. Bên cạnh tác phẩm ấy không có thứ triết học nào tinh khiết hơn.

Và cái đặc biệt trong tác phẩm ấy, là bản chất triết học hoàn thiện nhất, nếu có thể nói như sau: là tính chất thư viện hóa, chính là sự suy ngẫm yên bình ngọt ngào, là thứ chỉ giữa những cuốn sách con người học được, chứ không thể ở nơi nào khác. Sách là hiện thực của một thế giới im lặng nhất, cô độc nhất, bình yên nhất – và người giữ thư viện, nếu sống cùng sách, sẽ trở thành như sách, lặng lẽ, cô độc và bình thản.

Không nhanh, mà là chậm

Không nhiều, mà là ít.

Không là cái nặng nề mà là cái nhẹ nhõm.

Sách của Burton lại khác. Thật xứng đáng đếm xem ông đã trích dẫn bao nhiêu cuốn sách. Burton không chắt lọc, không sàng sảy, không cất giữ: ông ôm đồm, xây lên, lập hệ thống, phân loại. Burton, nếu có thể, đúng là người giữ thư viện. Không cuốn sách nào lặng lẽ hơn, chậm rãi hơn, bình thản hơn, thản nhiên hơn. I am not poor, I am not rich, I have little, I want nothing – Tôi không nghèo, tôi không giàu, tôi có ít, tôi không muốn gì cả.

Ông không có vợ, không con, không bạn, không có đám đông, không có kẻ thán phục, Ipse mihi theatrum. Lí tưởng của ông là Demokritos, và ông sống ở Monastic life, trong tu viện, như một người Hi Lạp, không tính kiêu ngạo. Thou canst not think worse of me than I do of myself – người ta không thể nghĩ về ông tồi tệ hơn ông nói về bản thân. Ông không có tham vọng: my leisure would not permit – Lối sống thanh nhàn không cho phép tôi.

Người giữ thư viện giống như con dế, Burton viết trong một chương hay nhất, khi trích dẫn Platon và tả Socrates bên bờ Illinsos dưới bóng cây sồi trò chuyện với Phaidros. Những người giữ thư viện là hậu duệ của những thực thể đã tồn tại từ rất lâu, trước khi các Muse (Nàng Thơ) ra đời. Khi các Muse cất tiếng hát, các thực thể này say mê nghe, quên mất cả ăn, uống. Thần Zớt bèn hóa phép biến chúng thành các con dế, và cho phép chúng không phải khổ sở kiếm cơm ăn áo mặc mà cả cuộc đời có thể sống như các Muse, ngây ngất, hưởng thụ, đọc, chiêm ngưỡng, lặng lẽ sống.

Thật tội nghiệp chăng? Sự nghèo khó là của hồi môn của các Muse. Họ không màng tới của cải, quyền lực, công danh, tên tuổi. Các con dế – có thể sống không cần ăn và uống, hạnh phúc trong nỗi bình thản siêu việt, một dạng của sự bất tử.

Người Anh có một từ mà Burton viết ngay trên dòng thơ đầu tiên trong tác phẩm của mình: I am musing. Không dịch nổi. Có nghĩa là tôi trong trạng thái Muse và tôi không làm gì cả, tôi chỉ chiêm ngưỡng ngây ngất, chìm đắm vào thế gian và đời tôi sẽ như một bài ca hoặc một thi phẩm. Người giữ thư viện cũng là một thực thể-musing như thế, kẻ giống như con dế, trầm ngâm chậm rãi, sống trong sự thản nhiên tươi tỉnh lặng lẽ, trong trạng thái Muse, nhưng không phải như nhà thơ, sáng tạo thơ trong tim, mà bản thân nó đã là một bài thơ.

Thoạt nhìn một đời sống như vậy ai cũng bị thu hút. Nhưng hỡi ôi con người! Hỡi ôi số phận! – Tất cả như thể giống lũ dế, sinh ra đã như thế. Nhưng không, cần phải đạt tới đời sống-dế này, cần phải tranh đấu. Và không dễ dàng.

Nhưng nếu con người để ý, nó cảm thấy gì khi bước vào thư viện nó sẽ hiểu ngay. Ấn tượng đầu tiên là sự mơ hồ. Những tòa nhà hiện đại như muốn thể hiện thư viện nên làm từ nhà kính. Nhưng đặc tính của thư viện thì lại tối. Và sự mơ hồ này không tan ra, cả bụi lẫn không khí trong đó. Tất cả đi kèm cả với giấy và chữ.

Và trong sự mơ hồ bụi bặm này, trong cái mùi không được thông gió này những thực thể đặc biệt sống: những kẻ giữ thư viện. Trong số họ ít ai từ cái nhìn đầu tiên không là một kẻ thiển năng dạng gì đấy. Kẻ thì bị gù, kẻ bị thọt, kẻ chột, kẻ bụng phệ, kẻ hói trán, kẻ bộ dạng méo mó, kẻ gầy gò. Khuôn mặt của họ xám, ánh mắt nhợt, họ cận thị và cử động của họ vặn vẹo.

Nếu con người đi hết dãy phố vùng ngoại ô bẩn thỉu và hôi thối, nhiều khi bất giác tự đặt cấu hỏi: Ai có thể sống được ở đây nhỉ? Câu trả lời đơn giản và ngắn gọn: Những kẻ đến đây. Họ có quyền đi nơi khác. Tại sao họ không đi? Họ thật sự ở lại nơi đây từ ý muốn tự do của họ, thậm chí vì lí do sâu hơn: họ thuộc về nơi đây. Nào: thế ai có thể là kẻ giữ thư viện? Kẻ nào muốn trở thành. Kẻ cảm thấy mình quen thuộc như ở nhà trong sự mơ hồ tranh sáng tranh tối đầy bụi, giữa các ngóc ngách và các mê cung giá sách của thư viện.

Ngay lập tức có thể nhận ra người giữ thư viện. Người giữ thư viện chỉ là nguyên mẫu và là ý tưởng sống động của con người. Nhưng tính chất này cũng có thể thấy từ một cậu học trò, được gọi là trò ngoan. Đặc biệt thấy rất rõ ở những người thầy giáo, các nhà ngôn ngữ học, hoặc chủ yếu ở những kẻ buôn sách, các chủ hiệu sách cũ. Và nếu ai nhìn thật kĩ cái tính chất thư viện hóa này sẽ nhận ra những sự việc đặc biệt. Những kẻ thiểu năng? Lũ cận thị? Bọn vẹo vọ? Tại sao thế? Một lũ tẩn mẩn và quá tỉ mỉ, sống trong thứ ánh sáng tranh tối tranh sáng, và xám xịt, như những con bọ dưới tầng hầm.

Có gì đó liên quan họ hàng sâu sắc giữa đứa trò giỏi, người thầy giáo, nhà ngôn ngữ học và kẻ bán sách cũ, tóm lại giữa những con người sách và lũ quỷ sứ. Quỷ sứ là hình ảnh cổ của những thực thể ác, là con bọ kì lạ và xấu tính, sợ ánh sáng, chui rúc trong những xó bụi bặm, mờ tỏ và cũ kĩ. Vềtoàn bộ, một cách tổng quát nhất: đây là tính chất của nền văn hiến học: sự bám giữ khăng khăng vào chữ một cách có chủ ý và từ sự ghen tị đời sống. Trốn tránh trước cuộc đời. Trốn đi đâu? Vào chữ.

Mọi con người-sách đều là quỷ sứ, dù là người thầy giáo, kẻ học trò, quan tòa, luật sư, nhà bác học, bác sĩ, linh mục, những kẻ gắn bó với chữ, với câu vãn, với sách, kẻ đặt Lời lên trên đời sống. Tính chất sách hóa là một tội chống lại đời sống: tên của tội đó là: bibliolatria, – sự sùng bái sách vở như một thần tượng. Con người-sách bằng chữ muốn điều chỉnh trật tự đời sống. Sự điều chỉnh trật tự này gọi bằng từ khác: sự thống trị. Và sự thống trị là một cách diễn tả nhẹ nhàng hơn của từ: giết.

Kẻ người-sách-quỷ là một thực thể căm thù đời sống, và muốn tiêu diệt đời sống, có lẽ vì nó sợ đời sống, hoặc vì cái gì khác, tuy điều này chỉ là thứ yếu. Con quỷ là kẻ thù cổ xưa của đời sống và mang cái Chết đến, cho dù người ta gọi cái Chết này là gì đi chăng nữa: là ánh sáng, là tinh thần, là tri thức, là đạo luật. Nó tiêu diệt một cách say sưa tất cả những gì đồng bóng, ngất ngây, phi luật, đa dạng, sặc sỡ, – những nhà hát, những phiên chợ, tình yêu, chiến tranh, – và là kẻ bằng chữ, bằng câu văn muốn điều khiển thế gian. Đây là kẻ phàm tục (philister) quỷ sứ, có thể là nhà ngôn ngữ, người thầy giáo, kẻ học trò, quan tòa, linh mục, thế nào cũng được. Và truyền bá sự phàm tục quỷ sứ này: người giữ thư viện.

Như vậy điểm xuất phát là: Tất cả những kẻ giữ thư viện có một mối quan hệ mạnh mẽ và sâu sắc với thế giới bên kia. Những kẻ tồn tại gần gũi với sách bắt buộc phải rơi vào sự sùng bái sách (bibliolatria) và biến thành kẻ phàm tục quỷ sứ (demonikus philister). Đây là bước đầu tiên để hiểu cái hiện tượng phàm tục quỷ sứ này, và từ đó hiểu quan hệ mạnh mẽ với thế giới bên kia của Robert Burton.

Thực ra Giải phẫu sự u sầu thực sự là một cuộc thám hiểm (catabasis) có tầm vóc – hay nói cách khác: là cuộc thám hiểm thế giới ngầm, như Dante, hoặc Odusseu hoặc Vergilius đã làm.

Xuống địa ngục, hay bằng một từ khác diễn tả cuộc phiêu lưu sang thế giới của những người đã chết: descensus – bước sang thế giới bên kia – đều xảy ra một cách bất ngờ trong nhiều cuộc khủng hoảng có tính chất quyết định của con người, nhiều khi một cách vô thức.

Burton, về chuyến đi dưới địa ngục, và trong cuốn sách của mình viết về cuộc hành trình này, ông không hề biết. Như cách thức nửa tỉnh nửa mê của Dostoiepxki viết trong Bút kí dưới hầm, hay trong Những đêm trắng, hoặc trong Tội ác và trừng phạt, nhà văn đã viết lại một cuộc thám hiểm mà họa sĩ Bosch hay Kubin không hề biết, nhưng lại nhìn rất rõ sẽ rơi vào đâu: Blake hay Swedenborg.

Kẻ nào mang mối tương quan với thế giới bên kia, chỉ một chút xíu thôi cũng có thể rơi xuống địa ngục. Mặc dù trong ai cũng mang mối liên hệ này. Nhưng điều đặc biệt nhất: không thể hình dung nổi một nền nghệ thuật, triết học, hoặc những số phận lớn lại thiếu mối tương quan với thế giới bên kia.

Tác phẩm cũng giống như số phận, sự sâu sắc của nó do mối quan hệ với tính chất thế giới bên kia mang lại. Với kẻ, dù không đi hết hành trình địa ngục, như Aeneas hay Dante, hoặc Burton, và với kẻ chưa một lần bước vào và ở đó, chưa một lần nhìn quanh và trải qua trạng thái thế giới bên kia, với kẻ đó, thực sự không có gì để nói.

Tại sao? Đơn giản vì con người cần trở nên vô thức trong mọi câu hỏi đen tối và bí hiểm nhất của số phận nó, khi chưa nhận ra lĩnh vực sâu thẳm nhất của sự sống. Điều này liên quan như nhau đến toàn bộ nền văn học, hội họa, triết học, âm nhạc hay mọi sáng tạo tinh thần.

Không cần sa xuống địa ngục, để có một ấn tượng nhất định như Strindberg, người đã viết về trạng thái này của con người hiện đại trong tác phẩm Interno. Trạng thái này đôi khi chỉ thoảng qua như trong vở Don Juan của Mozart, hoặc thể hiện liên tục trong hành vi như ở Schumann hoặc Baudelaire, ở E. T.A. Hoffmann.

Quả thật, ở kẻ nào mối quan hệ với thế giới bên kia yếu ớt hoặc tuyệt đối không có, hoặc bị thui chột, kẻ đó không hiểu nổi những câu hỏi lớn và cơ bản của số phận. Thậm chí, có kẻ không biết thế giới bên kia là cái gì, không hình dung và không có nổi khái niệm về số phận con người, thậm chí không hiểu nổi cả bản thân thế gian là cái gì. Còn kẻ, hoặc cố tình quên hoặc che giấu thế giới bên kia đi, kẻ đó không còn lí do gì để không biến thành một kẻ khô khan, nông cạn và phi bản chất.

Cánh cửa của thế giới bên kìa mở ra trước con người trong những cơn khủng hoảng lớn nhất và có tính chất quyết định nhất của đời nó. Trên nửa chặng đường đời của con người – theo- Dante, hoặc trên những giới hạn, trên những vạch phân chia đời sống và cái chết. Cũng có trường hợp trong mối quan hệ với những căn bệnh lớn, trong những cuộc chu du đặc thù hoặc trong các trường hợp thay đổi nơi sống. Hoặc chảy ra từ các tình bạn, tình yêu, hôn nhân, từ các mối quan hệ đặc biệt. Có lẽ như vậy, bởi tất cả những điều này xuất hiện cùng một lần và chồng chất lên nhau.

Burton như một người giữ thư viện và như một kẻ “phàm tục quỷ sứ” (diabolikus philister) không cần đến một nguyên nhân đặc thù. Kẻ phàm tục quỷ sứ thường xuyên đứng ở cổng của thế giới bên kia. Có lẽ vì thế nó không nhận ra là nó đã bước vào hoặc đang ở trong đó. Theo chiêm tinh học nghề giữ thư viện mang tính chất sao Thủy. Còn thần Mercurius là người dẫn đường những kẻ đã chết xuống thế giới bên kia, chịu sự thống trị của Hermes. Hermes là psychopompos – kẻ chỉ huy các linh hồn và là người dẫn dắt những kẻ đã chết,

Thần thoại đầy rẫy các mô tả về những kẻ thám hiểm đặc thù. Người phương Đông đều biết, Manda d’Haye, Nergal, Gilgames, Marduk đã từng xuống địa ngục. Istar xuống để đưa người yêu của mình Tamuz về dương thế. Chàng được dẫn qua bảy lần cửa, và mỗi nơi đều cần phải làm một cái gì đó có liên quan đến đời sống. Nữ chúa thần của địa ngục Ereskigal phái sáu mươi ma quỷ bệnh tật đến chiến đấu với chàng và Istar suýt mất mạng nếu không có sự giúp đỡ của nữ thần Ea.

Vớinhững người Hi Lạp, ngoài Odusseus ra còn có Orpheus, Herades, Theseus, Peirithoos từng đi xuống địa ngục. Người ta từng ghi chép rằng có một nhà triết học tên gọi Menedemus Lampsacus, kẻ: “sống giữa mọi người và thường kể rằng y đi từ địa ngục lên, y là gián điệp của quỷ sứ, và y lên trần thế để báo về thế giới bên kia, ai, sống một đời sống như thế nào.”

Theo một vài nhà thần học đây là một bước của thuyết thế mạt luận (eschologia) chỉ cho thấy một số người ưu tú đã bẻ gãy được quyền lực của cái chết, sống sót bước qua ngưỡng cửa vương quốc của thần Chết, và từ đấy nhiều người đã quay trở lại trần thế. Một số khác lại dạy rằng con người rơi vào hậu quả của những tội lỗi của nó, và có cơ hội để chuộc lỗi, và trong sạch quay trở về. Đây là trường hợp của Strindberg.

Và nói chung đấy là sự giải thích và ý nghĩa của sự sa xuống địa ngục liên quan đến các bệnh tật. Dù yếu ớt và vụng về, tâm lí học, phân tâm học hiện đại, môn tính cách học và cả chủ nghĩa hiện sinh cũng hướng đến một mục đích giải thích như vậy. Mọi dạy dỗ đều tuyên bố sự hồi sinh có thể thu nhận sau cuộc thám hiểm địa ngục, và sự thanh tẩy liên quan đến chuyến đi này.

Trường hợp của Robert Burton cũng thế. Ông xuống địa ngục, để giải thoát khỏi một căn bệnh khủng khiếp hành hạ, thứ bệnh đã làm rối loạn và đổ vỡ đời sống của ông. Bởi vậy cuốn sách của Burton có quan hệ họ hàng sâu sắc với sự phân tích phân tâm học hiện đại, nhất là với chủ nghĩa hiện sinh, sự khác biệt chỉ là tác phẩm của Burton bên cạnh các triết gia hiện đại trong sạch không gì sánh nổi và tri thức lớn hơn đến mức không thể diễn tả nổi.

Giải phẫu sự u sầu là một văn bản thám hiểm – Burton rơi xuống địa ngục để thanh tẩy, để giải thoát, để chữa khỏi một căn bệnh khủng khiếp – căn bệnh có tên gọi: sự u sầu – melankolia.

I turn my inside outward – ông viết hên một vị trí quan trọng trong tác phẩm – Tôi lộn cái bên trong của tôi ra ngoài.

Bằng câu này Burton thực ra không nói điều gì khác hơn điều mà tâm lí học hoặc chủ nghĩa hiện sinh đã nói. Ngày nay người ta cũng làm đúng như thế: lộn ngược cái bên trong của họ ra ngoài. Hay nói cách khác: người ta ý thức hóa cái vô thức, hợp lí hóa cái vô lí, đưa hiện sinh từ nơi ẩn náu của nó ra ánh sáng mặt trời. Điều này không là gì khác, ngoài việc con người từ thế giới hữu hình của các khuôn mặt bay xuống thế giới của các thực thể phi vật chất. Chỉ có điều Burton không đặt tên nơi hạ cánh là vô thức hoặc hiện sinh.

Hạ cánh xuống đâu? Vực sâu của Burton tuyệt vời, và sự thông thái của nó có một không hai. Ông nói, xuống lâu đài của Psyché. Và nếu người ta không hiểu đấy là cái gì, cần nói ngay lập tức, con người ngày nay thực ra không hề làm điều gì khác ngoài việc bay xuống lâu đài của Psyché, họ chỉ không biết điều đó, cũng như họ không biết rằng, lâu đài của Psyché là địa ngục.

Ở điểm này có một điều chưa rõ, không chỉ vì sự hiểu lầm bởi từ ngữ. Điều chưa rõ ràng này xuất phát từ chỗ, kể cả Burton, cả các nhà nghiên cứu tâm lí học và các nhà triết học hiện sinh đều không hiểu: nghiên cứu các tầng sâu của linh hồn và hiện sinh là một dạng thám hiểm tinh thần, và họ cũng không biết rằng linh hồn, hoặc tính cách, hoặc hiện sinh thực chất đều là lâu đài của Psyché, và lâu đài của Psyché chính là địa ngục.

Không có gì khó hiểu, nếu con người thử nghĩ kĩ, thế giới của linh hồn, đất nước của Psyché không gì khác ngoài là một lĩnh vực đằng sau và nằm dưới thế giới của các hình thức, của các khuôn mặt hữu hình: Psyché là thế giới của các thực thể vô hình, phi khuôn mặt. Ở đây thực vật, động vật, con người, thần linh không sinh sống. Và thực tại ở nơi đây tuyệt đối không hề sống. Chúng chỉ: Có.

Các thực tại ấy là gì? Là trí tưởng tượng, hồi ức, các hình ảnh, các khái niệm, các lí tưởng của tư tưởng. Đây là các thực tại mang tính chất linh hồn: các giấc mộng, nửa mộng, các ảo giác, các hình ảnh, các tưởng tượng. Sự sống tồn tại trong một lĩnh vực hoàn toàn đặc thù của nó, biểu lộ khác hẳn so với sự biểu lộ của các khuôn mặt hữu hình.

Các khuôn mặt hữu hình nhìn thấy tựa như một vật thể, một cách khách quan. Còn các thực thể vô hình và phi khuôn mặt tồn tại một cách chủ quan. Ở linh hồn, hay trong lâu đài của Psyché, trong ý thức hay trong vô thức, trong trí tưởng tượng, hay trong giấc mộng, trong khát vọng hay trong hồi ức, thế nào cũng được. Nhưng luôn luôn: Psyché ở đằng sau và dưới thế giới hữu hình. Không phải trong thế gian này mà dưới thế gian này – trong thế giới bên kia – trong lâu đài của Psyché.

Giải phẫu sự u sầu là một văn bản tâm lí học và triết học hiện sinh vĩ đại, với một khác biệt cơ bản là ở đây, ý nghĩa thật sự của sự tồn tại giữa linh hồn và các yếu tố ẩn khuất của hiện sinh lập tức hiện ra. Và sự xuất hiện này chu yếu ở chỗ, cuộc đột nhập vào linh hồn không là gì khác ngoài một cuộc thám hiểm vào thế giới bên kia.

Chìa khóa để hiểu văn bản này một cách toàn diện ngay từ đầu là từ: melankolia – sự u sầu.

Ở Burton, việc khái niệm hóa, mô tả, phân tích, chiếu sáng từ ngữ này là vô tận. Ông trích dẫn Famelius, người cho rằng sự u sầu là “Bệnh truyền nhiễm của cơ thể chống lại thiên nhiên”. Còn với Galenus: “U sầu là một cơ thể đã hư hoại, là thứ đối ngược với thiên nhiên và không biết sử dụng tự nhiên một cách tự do”. Ông trích dẫn một loạt tác giả chứng minh sự u sầu là một “Tính cách sai lạc”. Theo Gellius: “Là căn bệnh của tế bào thần kinh trung ương”.

Theo Arataeus: “Là sự run rẩy thường trực của linh hồn”, hoặc: “Là sự ghê sợ từ tinh thần”, hoặc: “Là sự sợ hãi và run rẩy vô lí và phi bằng chứng.”

Burton xuất phát từ các khái niệm trên. Một mặt ông dành phần xứng đáng cho sự nồng nhiệt của các tác giả mà một người giữ thư viện như ông cần đánh giá cao. Mặt khác ông xây dựng một nền tảng giản dị cho tác phẩm của mình, ông gây dựng một bầu không khí trong đó thông điệp riêng của ông ngân vang trong như bạc. Khái niệm sự u sầu của Burton bắt đầu trực tiếp bằng việc cho rằng, sự GIẢI PHẪU thực chất là cuộc thám hiểm vào lâu đài của Psyché.

Khái niệm này được xác định như sau: Sự u sầu sinh ra trong bóng tối u minh (born in hellish darkness) – Các Furia nuôi dạy, Megaera cưu mang, Alecto nuôi dưỡng bằng sữa cay đắng của nó. Các họ hàng của sự u sầu: Gorgo, Styx và các Erinnus. Sự u sầu là căn bệnh của số phận Prometheus, không phương cứu chữa. A melancholy man is that a true Prometheus which is boundto Caucasus “ Con người u sầu là một Prometheus đích thực, kẻ bị xiềng trên dãy núi Caucaus.

Ông trích dẫn Khrusostomos: “Không một sự đau đớn cơ thể nào, bị sỉ nhục, bị hành hạ, đói rách, bị roi vọt, mang vết thương, sự trừng phạt có thể so sánh với nó.” Đây là một thực thể khủng khiếp và kinh dữ, một Quái Vật Buồn (sad monster) – “Giữa mọi tiếng cười là nỗi đau đớn ngồi đó.” – trên cái ghế giữa lâu đài của Psyché, ở nơi sâu thẳm nhất của hố địa ngục.

Ai còn nghi ngờ một cuộc thám hiểm, một sự tiếp cận với lâu đài của Psyché trong tác phẩm Giải phẫu sự u sầu, sẽ nhận được nơi đây lời giải đáp cho mọi thắc mắc. Sau mọi phân tích liên quan đến bản chất của sự vật họ sẽ không còn phân vân và lầm lẫn nữa. Burton không tung ra những hình ảnh thuyết phục, không cường điệu, không khăng khăng giữ ý đồ cá nhân, và không đi quá mục đích.

Không: không bao giờ có thể thấy một tác giả nào bình thản hơn, chừng mực hơn và thông thái hơn. Đối với ông, sự u sầu lên ngôi giữa các loại địa ngục, không cần dùng ẩn dụ hoặc hình ảnh sặc sỡ. Và nếu ông nói rằng sự u sầu ngồi giữa địa ngục, điều đó có nghĩa là, lâu đài của Psyché chính là thế giới bên kia, là địa ngục. Và nếu đây là địa ngục, tất nhiên điều ấy có nghĩa là khi Giải phẫu sự u sầu rơi xuống địa ngục, nó không là gì khác chính là một cuộc thấm hiểm sang thế giới bên kia.

Khi con người đi đến tận cùng hành trình tư tưởng này, đừng quên rằng diễn giải này ngay từ đầu theo sát từng bước với văn bản của Burton, nhưng được phản ánh trong một thế giới mà dimezio lớn hơn so với thế giới của Burton. Burton biết và nhìn thấy tất cả những điều này. Nhưng có một điều ông không biết, và vì thế thế giới của ông nghèo hơn một chiều (dimezio). Ông không biết tại sao sự u sầu lại ngồi chính giữa lâu đài của Psyché.

Điều này ngay cả Dürer, kẻ gần như cùng quan điểm về u sầu như Burton cũng không biết. Đôi khi ông ám chỉ trong một vài câu trong văn bản, như thể ông hướng tới điều đó. Nhưng sự trình bày minh bạch về điều này không hề thấy ở đâu. Mặc dù Burton không phải loại người nếu biết một điều gì đấy, lại không nói thẳng ra, ngắn gọn và dễ hiểu.

Ở vị trí quan trọng nhất, hướng thẳng tái bản chất thực sự của sự u sầu, có một câu như sau: melancholy… is the character of mortality – sự u sầu là đặc trưng của cái chết không tránh được, của tính tạm thời.

Một cách ngắn gọn, rõ ràng và bằng những từ ngữ đơn giản cần nói như sau: Robert Burton, người giữ thư viện xứ Oxford, một kẻ sống trong thế kỉ XVII,cực kì quằn quại trong căn bệnh u sầu. Muốn chữa khỏi căn bệnh này, ông đi khai thác nguyên nhân và đặc tính của u sầu. Ông rơi xuống thế giới bên kia, và thấy, căn bệnh này ngồi giữa trung tâm của thế giới ấy. Cùng lúc đó, ông hiểu, u sầu không là gì khác chính là đặc tính của sự tạm thời.

Tại sao? Sự vật cực kì khó hiểu chỉ vì nó cực kì đơn giản. Nghĩa là Burton xâm nhập vào chính giữa lâu đài của Psyché, và ở đó ông nhìn thấy một cái gì đó, cái là linh hồn, là đời sống, là số phận, là con người, là sự tạm thời, là tính chất sẽ trôi qua của thế gian.

Rõ ràng: rơi xuống linh hồn, kiểu gì cũng cần tiêu hóa tính chất tạm thời, tạm bợ này. Nó nằm chính giữa linh hồn, ở sâu bên trong, một cách giấu giếm. Nó ngồi đó, tạo vật vô tận, đấy là sự mất đi đau đớn, là thứ sẽ trôi qua, là con người, là số phận, đời sống, sắc đẹp, tình thương yêu, nỗi đam mê, tri thức, sự cao cả – sẽ trôi qua, ngay chính cả thế gian nữa.

Và kẻ nào đã trải qua, nếm trải tính chất tạm bợ bất di bất dịch này, thứ mà ý thức không tiêu diệt, không xé rách mà còn nhiều hơn thế nữa: phủ đầy lên bằng một cái gì đấy êm dịu, dày đặc, khó khăn và mờ mịt. Một thứ gì đấy êm dịu, dày đặc, chật vật, mờ mịt có tên gọi: nỗi u sầu.

Nỗi u sầu là thứ bệnh con người ai cũng nhận được, khi ở chính giữa lâu đài của Psyché nó biết mình sẽ chết. Tất cả mọi người sẽ hóa u sầu, kẻ nhận ra: nó không bất tử. Usầu là căn bệnh của nỗi bất tử – hay nói đúng hơn: u sầu là trạng thái mà tất cả các đời sống đều sẽ rơi vào, khi ý thức thức tinh rằng nó không bất tử, mà nó chỉ tạm thời và sẽ trôi qua,

Tri thức không thể với tới được của Burton không chỉ ở chỗ ông đã phát hiện ra ý thức sẽ mất (chính là sự u sầu) ở vị trí con người ít chờ đợi và ít tin nhất: ở giữa vương quốc của linh hồn, chính là cái người ta cho rằng bất tử.

Tri thức sâu sắc độc nhất của Burton thực ra đã tìm thấy trong sự u sầu tính chất “kép” khủng khiếp của nó: tìm thấy khát vọng bất tử. Prometheus, khát vọng của linh hồn muốn trở thành Thượng Đế, vĩnh viễn tồn tại, đừng trôi qua – ông nhìn thấy điều này, nỗi say đắm- hiện thực vĩnh cửu không thể tách rời cùng với ý thức vì sự sẽ trôi qua, sẽ mất đi, sẽ biến mất.

Burton không nói linh hồn vĩnh cửu, cũng không nói linh hồn sẽ mất. Ông chỉ nói sự u sầu là tính chất kép sau cùng, không thể lí giải, chỉ: có và không – không thể giải quyết.

Chính vì vậy ở Burton lâu đài của Psyché cũng có hai khuôn mặt: đây là địa ngục, là sự khủng khiếp, là các bóng ma, là những con bệnh, những ác mộng, là lũ ma quỷ, những thế giới của nỗi nguyền rủa, sự dằn vặt, sự trăn trở. Đây là địa ngục nhưng cùng lúc cũng chính là thế gian tuyệt đẹp nóng bỏng, là cái đẹp dịu ngọt, là những sự kì diệu ngây ngất, là một thế gian của ảo ảnh, của sự rạng rỡ và của niềm hạnh phúc không lời nào diễn tả nổi.

Linh hồn là thế gian của nỗi đau đớn sâu sắc nhất và của niềm vui cao nhất. Và trong cung điện của Psyché tất cả tan hòa vào nhau, nỗi đam mê ngây ngất, sự kì diệu ngọt ngào cùng những lời nguyền rủa đen tối, sự tuyệt vời cùng bộ mặt ma quỷ gớm ghiếc, lời mặc khải cùng những đổ vỡ chấn động, nỗi hân hoan, niềm hi vọng hòa cùng với sự đau buồn, khổ nhục, cái đẹp rạng ngời vĩnh cửu cùng vái nỗi đau mất mát xé nát con tim, nỗi run sợ trước cái chết cùng niềm hạnh phúc vô tận.

Với một đời sống, như Robert Burton đã từng trải, người ta thường nói: một đời sống phi sự kiện. Thật đặc biệt. Đời sống của Alexandros hay của Caesar hay của Napóleon có chắc nhiều sự kiện hơn không? Và đời sống của Columbus hay Pizarro có chắc quan trọng hơn một đời sống như của Burton? Kolumbus chinh phục châu Mĩ, còn Pizarro chinh phục Peru. Burton thăm viếng địa ngục, nhìn tận mắt nỗi u sầu.

Những kẻ nhìn thấy vạch ranh giới của các số phận, có kẻ trong số họ chưa hề ra khỏi thành phố của họ, nhưng giành được những chiến thắng lớn lao như Octavianus; có người dùng cả cuộc đời trong phòng thư viện, có vẻ đơn độc, im lìm, phi sự kiện nhưng những cuộc phiêu lưu hoang dã, những nguy hiểm điêu đứng, những thí nghiệm cay đắng, những vực sâu thăm thẳm của số phận họ còn lớn hơn cả của một kẻ đi chinh phục, từng đi qua ba phần lục địa và tham dự ba trăm trận đánh.

Những số phận nhìn có vẻ đơn độc và lặng lẽ nhiều khi sôi động, nhiều đứt đoạn và phong phú hơn của những kẻ làm ra bộ như vậy. Nhiều đời sống tưởng như phi sự kiện đôi lúc lí thú hơn cả trăm cuộc phiêu lưu. Bí ẩn của các số phận đơn độc đôi khi lớn hơn cả của những người như Caesar.

Có lẽ tất cả phụ thuộc vào việc ai đạt tới cái gì. Burton phiêu lưu trong địa ngục, nhìn thấy Quái Vật Buồn, và quay trở lại trái đất. Ai có thể từ đó quay về, kẻ đó không thể khác ngoài trở thành một kẻ hết sức lặng lẽ. Người ta mời y sự giàu sang, tiền, quyền lực, sự hưởng thụ, tiêu khiển – y cảm ơn, nhưng không nhận gì hết. Ai có thể cho y cái gì cao hơn thứ y đã nhận từ số phận? Có thể có một giá trị nào lớn hơn cái giá trị mà con người đã sống trải qua?

Đi qua bảy cổng địa ngục, cần phải để lại bên cạnh thần Istar tất cả: vàng, quyền lực, sắc đẹp, tri thức, kỉ niệm. Con người không giữ lại cái gì khác ngoài bản thân mình, rồi sau cùng cái đó cũng đánh mất nốt, có thể lắm. Ai mà biết được? Sự phân vân này chính là nó: nỗi u sầu.

Nhưng khi con người từ thế giới bên kia quay trở về, như kẻ từng nếm trải tất cả những gì đã có ở nơi ấy, từ lúc ấy con người không bao giờ u buồn nữa. Từ lúc đó trở đi nó sẽ vô cùng chậm rãi, vô cùng bình thản, vô cùng yên bình. Nó bắt đầu hiểu triết học của giọt sương: khoảnh khắc trong sạch, trong suốt, lấp lánh.

Cần tham vọng, sắc đẹp, của cải, danh tiếng? – my leisure would not permit – sự bình thản không cho phép. Nó chỉ ca hát, như dế. Một dạng của sự bất tử này mãi bền vững và đẹp đẽ làm sao. I am musing – tôi chiêm nghiệm trong trạng thái Muse, cuộc đời của tôi mới bình thản và vô hạn làm sao, như một thi phẩm.

Bình luận
Ads Footer