Qua khỏi đường cái ngoằn ngoèo, xe chạy vào con đường vắng quanh ngôi nhà, từ đó có thể trông thấy ngôi nhà đồ sộ kiên cố bằng gạch đỏ đứng sừng sững trên một cái gò dòm xuống một thung lũng dài vàng rực hai bên là hai dãy đồi mang màu vàng và màu đỏ của cảnh vật mùa thu. Khoảng một trăm thước về bên phải, nép dưới bóng một chòm cây sồi là khu lán trại, với kiểu xây dựng đơn sơ quê mùa ngược hẳn tính cách nguy nga của toà nhà chính.
Qua cửa kính ở xe, Flame nhìn toà nhà ba tầng uy nghi, với hàng cột ở mặt tiền và các cửa sổ lá sách sơn trắng bóng loáng. Đây là trang trại Morgan, do ông cố nội của nàng là Christopher Morgan vẽ kiểu. Nàng bỗng cau mày băn khoăn tại sao ông đã bỏ đi xứ khác. Vì lý do gì ông đã đến ở San Francisco? Hattie chưa hề giải thích cho nàng biết về điều ấy. Thật ra, nàng chưa hề bận tâm đến những lý do của ông, vì nghĩ rằng San Francisco rõ ràng là tốt hơn vùng Oklahoma thuở đó còn hoang vu. Nhưng nàng không ngờ ông đã bỏ lại đằng sau một cơ sở có giá trị như thế này. Tại sao?
Chiếc xe hơi hiệu Lincoln đậu vào phía sau hai chiếc xe khác đã đậu trên đường vòng vào nhà. Không kịp tắt máy, Charlie Rainwater ra khỏi xe và mở cửa cho Flame. Thấy ông tỏ vẻ khẩn trương, nàng cũng lật đật bước xuống đi theo ông.
– Xe của bác sĩ Gibbs, còn đây. Tôi hy vọng đó là dấu hiệu tốt – Ông lão hất hàm về phía chiếc xe ngay chiếc Lincoln, rồi đỡ tay nàng hướng dẫn nàng đi vào nhà.
Bên trong, ánh nắng chiều xuyên qua các cửa kính nhuộm vàng sàn gỗ đắt tiền ở tiền sảnh rộng thênh thang.
– Tôi cũng hy vọng thế.
Nàng đáp và xúc động nhớ lại cũng những chuyến đi khẩn cấp như vậy sau tai nạn xe hơi cha nàng đã phải bỏ mình và mẹ nàng cũng mất sau đó. Flame lơ đễnh liếc qua các chi tiết trang trí nổi ở trần nhà, cái đèn treo bằng thuỷ tinh, và bàn ghế kiên cố ở tiền sảnh; nàng phải công nhận rằng sự trang trí bên trong cũng xứng đáng với vẻ ngoài uy nghi của toà nhà. Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất lại là sự im lặng, yên tĩnh của toà nhà.
– Tôi sẽ đem hành lý của bà vào ngay, thưa bà, nhưng tốt hơn là tôi đưa bà vào gặp bà Hattie đã.
– Dĩ nhiên.
Ông lão dẫn nàng đi trên cầu thang bằng gỗ sồi đánh xi bóng loáng uốn cong đến lên tầng lầu hai. Trong khi bước lên các bậc thang, Flame vuốt bàn tay lên thanh vịn trơn láng, màu gỗ đỏ sẫm lại vì được biết bao nhiêu bàn tay vuốt lên nó trước nàng… những bàn tay của dòng họ Morgan. Một lần nữa, nàng có cảm giác sống lại quá khứ, và hiếu kỳ về những con người đã sống ở toà nhà này.
“Lá rụng về cội!” Hattie đã bảo nàng như thế. Có phải việc đó đang xảy ra cho nàng chăng? Hattie ắt là nói vậy. Hattie. Flame ngước lên nhìn đèn cầu thang, đầu óc nàng bây giờ nghĩ tới bà lão.
Lên đến đầu cầu thang, Flame nhìn về phía hai cánh cửa lớn dẫn vào dãy phòng chủ nhà, nhưng Charlie Rainwater ra hiệu cho nàng đi về phía bên phải.
– Phòng của bà Hattie ở phía này – Ông nói, và đi trước dẫn đường.
Bước vào trong phòng, Flame liền thấy nghẹn ngào ở cổ, vì đột nhiên cảm thấy sợ hãi. Tất cả các màn cửa đều kéo kín lại ngăn không cho nắng chiếu lọt vào và các góc phòng tối om om. Trên bàn trang điểm có một cây đèn chiếu ra một ánh sáng yếu ớt.
– Tại sao để tối quá như thế này? – Nàng muốn kéo màn mở toang ra và xua đuổi cái cảm giác như là thần chết đang ẩn núp ở các góc phòng âm u.
– Ánh sáng làm bà ấy đau mắt – Câu trả lời do một người đàn ông cao lớn, mặt có vẻ mệt mỏi, đứng phía bên phải nàng, hai vạt áo vét căng ra ở bụng phệ và cổ tay áo xăn lên cao.
– Đây là bác sĩ Gibbs, thưa bà.
Ống nghe lủng lẳng ở cổ ông ta đã cho Flame biết ông ta là ai trước khi nghe ông đốc công giới thiệu. Ông ta nhếch mép mỉm cười để lộ vẻ buồn rầu và thương tiếc.
– Chắc cô là Margaret Rose! Tôi vui mừng vì cô đã đến được. Bà ấy hỏi cô mãi.
Flame liếc nhìn vào thân người nằm bất động trên cái giường có bốn cột ở bốn góc trong bóng tối che hết một nửa, và hỏi:
– Ông không đưa bà vào bệnh viện có hơn không?
– Bây giờ không còn giúp ích được chút gì cho bà ấy nữa! – Bác sĩ Gibbs nói với giọng bất đắc dĩ, để lộ sự thất vọng vì không làm gì được với khả năng nghề nghiệp của mình và không phủ nhận điều đó – Và đó cũng là ước muốn của bà Hattie muốn được ở đến phút cuối cùng trong ngôi nhà của bà, và trên chiếc giường của bà.
Ông sờ vào túi dụng cụ để trên bàn trang điểm; ở đó có một ống tiêm đã sẵn sàng.
– Tôi định chích cho bà một mũi thuốc để bà khỏi đau nhức, nhưng bà không chịu cho chích.
– Bà ấy muốn tỉnh táo khi bà đến, bà Stuart ạ.
Giọng nói thứ ba ấy do một người đứng trong bóng tối. Giật mình nàng quay lại thì một người thấp, béo tròn bước ra chỗ sáng. Ông ta chỉ cao vào khoảng một thước năm lăm, mặc bộ đồ cũ rích, thắt một chiếc cà vạt màu xanh lục lộ liễu, mang đôi vớ ngắn trắng và đầu hói gần hết chỉ còn một rìa tóc nâu chung quanh khuôn mặt tròn quay vui nhộn. Tuy nhiên, ông có cặp mắt nâu dịu dàng nàng chưa từng thấy.
– Ông đây là Ben Canon, luật sư của bà Hattie – Charlie Rainwater giải thích.
– Chào ông Canon – nàng khẽ gật đầu chào.
Một giọng nói yếu ớt, mảnh như sợi chỉ, từ trong chiếc giường có bốn cột phát ra:
– Ai đấy? Ai đấy?
Người đốc công bước tới bên giường, quỳ xuống, và dịu dàng ép bàn tay lên bàn tay bà Hattie:
– Tôi đây, bà Hattie. Charlie đây! Bà ấy có ở đây… Tôi đã đi đón bà ấy như tôi đã hứa.
Có tiếng thở dài, rồi giọng nóng nảy:
– Maxine đâu?
– Suỵt! – Ông lão trấn an bà – Tôi đã cho chị ấy về nhà của chị ta sáng nay. Tôi bảo chị ta cần phải nghỉ ngơi sau khi đã thức hai đêm liền để trông cho bà.
– Tốt! – Chiếc đầu khẽ gật tỏ ý bằng lòng. Rồi giọng nói lớn hơn ra lệnh – Đưa cô ấy lại đây, Charlie. Đưa Margaret lại gặp ta.
Người đốc công nhìn Flame, rồi ngập ngừng, mắt liếc qua ông bác sĩ đứng bên nàng.
– Còn về ông bác sĩ thì sao, bà Hattie?
– Bảo ông ấy về – Bà cố gắng níu bàn tay người đốc công – Còn anh và Ben, tôi muốn hai người ở lại đây.
– Dạ được – Ông lão hất đầu ra dấu cho bác sĩ ra cửa, rồi ra hiệu cho Flame đến cạnh giường.
Ông bác sĩ có vẻ bất bình, nhưng không cãi lại. Ông nói:
– Tôi sẽ ở ngay bên ngoài nếu ông cần, Charlie.
Rồi ông nhè nhẹ đi ra và đóng cửa lại. Flame chầm chậm bước tới bên giường, nàng có cảm giác cảnh này quen thuộc đối với nàng. Tình huống, cảnh vật chung quanh và các nhân vật thì khác hoàn toàn. Đây không phải là một phòng bệnh viện. Người nằm trên giường không phải là mẹ nàng. Ở đây không xảy ra tai nạn gì. Thế nhưng, nàng cũng cảm động như vậy, vì có lẽ đây là lần cuối cùng nàng thấy Hattie còn sống.
Charlie Rainwater tránh qua một bên, nhường chỗ cho Flame. Bóng tối hình như giảm bớt, cho thấy rõ bà già đang nằm gối đầu và tựa vai lên một chồng gối nhồi bông. Mái tóc bạc vẫn vậy, nhưng gương mặt già hơn, già hơn nhiều. Làn da mặt mỏng như giấy, đầy những nếp nhăn nói lên sự đau đớn, và đôi môi tái nhợt mím lại. Vẻ mặt trắng bệch như xác chết càng nổi bật lên giữa các tấm phủ giường xa tanh màu hồng.
Nuốt nước bọt để khỏi bị khô cổ, Flame mỉm cười yếu ớt. Nàng nói:
– Chào bà Hattie. Tôi đây, Margaret Rose đây!
Hai mí mắt của bà chớp chớp rồi mở ra, để lộ cặp mắt sắc sảo, gần như đen, cố gắng tập trung vào Flame.
– Margaret Rose? – Trán bà cau lại – Tới gần thêm chút nữa. Ta không nhìn thấy cháu. Flame nghe lời ngồi ghé lên mép giường và cúi xuống về phía bà lão. Cặp mắt đen sáng lên, để lộ vẻ nhẹ nhõm.
– Tóc cháu! – Một bàn tay xương xẩu đưa lên như để sờ tóc Flame, nhưng rơi xuống lại vì bà quá yếu – Đúng là cháu! – Bà nói qua hơi thở yếu ớt.
– Vâng – Flame áp bàn tay nàng lên bàn tay xương xẩu già nua và khẽ bóp.
Bỗng cặp mắt Hattie loé lên giận dữ:
– Cháu đã hứa với ta. Cháu đã cam kết. Sao cháu lại làm vậy?
– Làm gì? Tôi không hiểu.
Nàng cau mặt, cố nhớ xem đã hứa gì, nhưng quá mơ hồ. Như thể không nghe nàng hỏi lại, Hattie nhích qua nhích lại chiếc đầu trên gối và tiếp tục nói một cách nóng nảy.
– Cháu đã thề không làm bất cứ điều gì cho đến khi chúng ta gặp lại nói chuyện. Sao cháu lại để cho hắn ta lừa dối. Ta tưởng cháu khôn ngoan hơn thế chứ. Ta đã cố cảnh giác cháu về hắn. Ta đã cố gắng.
– Bà nói chuyện gì vậy? Bà nói về ai vậy – Flame, nàng cho rằng Hattie đau đớn quá nên nói sảng.
– Tại sao cháu phải lấy hắn? – Bà nắm chặt mấy ngón tay của Flame – Tại sao cháu không thấy được ý đồ của hắn?
– Chance? Bà nói về Chance chăng? – Nàng trân mình vì khó tin.
– Chưa trễ lắm, Margaret Rose – Cặp mắt đen của bà dán vào mặt nàng – Chúng ta có thể kiện xin huỷ bỏ cuộc hôn nhân. Ben có thể làm được việc đó.
– Tôi không muốn huỷ bỏ hôn nhân – Flame giựt bàn tay lại và liếc nhanh về phía đốc công – Bà nói sảng rồi.
– Xin bà hãy nghe – Lão ta năn nỉ.
– Hắn đã lợi dụng cháu, Margaret Rose ạ! – Giọng nói gay gắt vẫn phát ra – Stuart chỉ cưới cháu để nắm quyền kiểm soát trang trại Morgan.
– Phi lý! – Flame đứng bật dậy phủ nhận.
– Thật mà, ta bảo cháu thật mà! – Giọng nói cương quyết trong chốc lát, rồi Hattie nằm xẹp xuống gối, mặt nhăn nhó vì đau đớn – Đó là sự thật. Hắn đã tưởng ta phải để gia tài lại cho hắn khi ta chết. Nhưng ta đã lừa được hắn. Ta đã tìm ra cháu – Mắt bà nhắm nghiền lại – Tuy nhiên, hắn cũng tìm ra cháu. Ta không biết bằng cách nào. Cháu không thể để hắn chiếm được trang trại Morgan. Cháu phải chận đứng hắn, Margaret Rose – Đầu bà lắc lư trên gối, giọng bà càng yếu đi – Ta đã hứa với ông nội của ta trên giường bệnh nằm chờ chết là sẽ không bao giờ để cho trang trại Morgan lọt vào tay một người thuộc dòng họ Stuart. Cháu phải giữ lời hứa đó. Cháu có nghe ta không?
– Có, tôi nghe bà nói. Bà điên rồi – Flame chỉ thấy cố mọi cách để giải thích cho có lý. Chance vẫn yêu nàng và nàng yêu chàng. Cơ sở của cuộc hôn nhân là vậy, chứ không phải tất cả câu chuyện phi lý về trang trại Morgan. Nhưng tại sao bà cứ níu mãi như vậy? Bà ta có ý gì?
– Đừng… đừng bao giờ tin hắn. Dòng họ Stuart là một lũ vô lương tâm. Chúng có thể làm bất cứ hành động gì… ngay cả giết người để chiếm được cái mà… chúng muốn… – Bà có vẻ như không còn chống cự nổi sự đau đớn. Bà hình như biết thế và cố gắng thu hết can đảm chống cự lại một lần chót – Ben sẽ kể cho cháu nghe. Ben và Charlie. Họ có bằng chứng. Họ sẽ cho cháu xem. Cháu chịu xem chứ? Sao? Charlie – Giọng bà lần đầu tiên để lộ vẻ khiếp hãi.
– Chúng tôi ở đây – Người đốc công già vội vàng bước tới bên giường, nước mắt rưng rưng và úp hai bàn tay chai cứng hai bên bàn tay của bà. Lão nói – Ben và tôi, chúng tôi sẽ giải thích mọi chuyện đúng như ý bà muốn.
– Đau quá, Charlie! – Giọng bà nấc lên – Ta chắc không thể nào chịu được nữa.
– Bà không cần phải vậy, bà Hattie – Lão ta ngoái cổ lại nhìn người luật sư đứng thụt lùi phía sau, và nói bằng giọng khản đặc – Ông hãy đưa bà Margaret Rose vào phòng sách, Ben, và mời bác sĩ Gibbs trở vào.
– Đương nhiên.
Người luật sư nhỏ con tiến đến chạm vào tay nàng. Bối rối và sững sờ. Flame để cho ông ta dẫn nàng ra khỏi phòng
Phòng đọc sách nằm ở một góc ngăn riêng của tầng trệt, các cửa sổ có những tấm kính nhỏ trông ra bồn cỏ có cây bao quanh ở sau nhà. Ba mặt vách lát gỗ sồi màu đen đắt tiền, vách thứ tư gắn kệ để sách từ sàn lên đến trần. Hai bên bệ lò sưởi cẩn đá cẩm thạch, có hai chiếc ghế bành bọc da màu vang đỏ và nạm đồng, đối diện với các ghế nệm dài.
Một mình trong căn phòng, Flame thơ thẩn đi tới cạnh cái bàn giấy đồ sộ bằng gỗ gụ chiếm hết một góc phòng. Tuy nhiên nàng không tránh được cảm giác có cặp mắt của ai đó đang theo dõi nàng. Nàng quay phắt lại và đối diện với bức chân dung treo trên bục lò sưởi. Cặp mắt của người đàn ông trong tranh nhìn chăm chăm vào nàng với vẻ buộc tội. Nàng đứng ở đâu trong phòng cũng vậy.
Nàng nhìn lại trừng trừng vào người đàn ông trong tranh. Sau bao nhiêu năm, khói và bụi đã làm mờ nhạt các màu sắc, nhưng không làm giảm bớt những ấn tượng của khuôn mặt có cái quai hàm cương nghị và đôi mắt đen xoáy sâu vào người ta. Và mớ tóc lộ ra dưới cái mũ của người miền tây có một màu đỏ rõ rệt, tuy rằng Flame không chắc gì màu nguyên thuỷ của nó cũng đỏ rực như tóc nàng.
– Bà Hattie truớc đây cũng thường nhìn sững bức chân dung ấy như bà.
Câu nói phát ra từ vòm cửa của phòng đọc sách có những cánh cửa kéo. Flame quay phắt lại và kinh ngạc thấy người luật sư ở cửa, tay bưng một cái khay lớn trên đó có bộ đồ uống cà phê bằng bạc và sứ.
– Bệ vệ thật, phải không? – Ông ta bước vào phòng, đôi giày đế cao su gây tiếng động khẽ trên sàn gỗ cứng.
– Tôi chắc đây là ông Kell Morgan – Nàng nói, cả người nàng căng thẳng.
– Bà Hattie đã kể cho bà nghe về ông ta rồi à? – Ông nhìn nàng có vẻ dò hỏi và đặt khay xuống bàn nhỏ gần chiếc ghế bành.
Flame lại nhìn thấy cặp mắt tinh khôn của ông và tự nhủ ông ta không phải vui nhộn và vô hại như bề ngoài cho thấy. Nàng đáp:
– Bà ấy có nói bức chân dung của ông nội bà ta treo trên lò sưởi ở phòng đọc sách.
– Phải, đúng vậy – Ông cầm lên cái bình cà phê bằng bạc – Tôi biết bà đã bảo không dùng sữa, nhưng tôi vẫn mang lên. Charlie đã pha cà phê từ lâu, và quanh vùng này, những người chăn bò ưa uống cà phê đen sánh và đặc quẹo. Vì vậy, bà nên dùng thêm ít sữa cho loãng bớt.
Nhưng Flame không quan tâm đến chuyện cà phê hay sữa. Nàng muốn nghe trả lời về những câu nói buộc tội mà Hattie đã dùng với nàng.
– Tất cả những chuyện phi lý mà Hattie đã nói về Chance là có ý nghĩa gì?
Ben Canon ngần ngừ một giây, rồi rót cà phê vào cái tách:
– Tôi e rằng chuyện đấy không phải là phi lý.
– Ông lầm rồi! Trước hết, Chance không bao giờ mong được thừa hưởng trang trại Morgan, cho dù chàng có biết về địa điểm này. Bà ấy ắt đã nói sảng khi bảo vậy. Bà đã bảo tôi nó phải để lại cho một thân thuộc trực hộ.
– Chồng bà là cháu trai của bà Hattie.
– Nhưng mà, sao có thể như vậy được?
Từ trước đến nay nàng vẫn biết Chance không có gia đình thân thuộc gì cả.
– Mẹ ông ấy là em gái bà Hattie. Chắc ông không nói điểm ấy ra với bà.
– Không.
Tại sao? Tại sao chàng đã không nói với nàng? Tại sao chàng giữ bí mật điều đó? Hay cũng giống như nàng, chàng chỉ không có dịp đề cập đến Hattie?
– Tôi e rằng còn nhiều điều khác ông ấy cũng đã không nói với bà.
– Ông nói thế, nhưng tôi không tin ông. Tôi không tin chút gì về câu chuyện này. Hattie có nói đến bằng chứng, vậy nó ở đâu? Đưa cho tôi xem, nếu ông có.
Ông ta nhìn lại nàng một lát, có vẻ suy tính rồi lắc đầu.
– Tôi muốn chờ Charlie đến hẵng hay.
– Tại sao? Ông ấy có mặt hay không thì có gì khác? Hay bằng chứng của ông là ông ấy? Flame thách thức, vì nhớ Chance đã bảo “Dù cho ai có nói đông nói tây, em vẫn cứ nhớ rằng anh yêu em”.
– Chắc chắn ông không chờ đợi tôi tin lời ông ấy trong chuyện này, bởi vì tôi sẽ không tin.
Như có người nhắc, nàng nghe tiếng giày bốt ở hành lang ngoài phòng đọc sách, và nhìn ra cửa thì Charlie Rainwater hiện ra, hai vai oằn xuống vì buồn rầu và đôi mắt màu xanh nhạt mờ hẳn đi.
– Hattie?
Ben Canon chỉ hỏi một tiếng, tên của bà, nhưng một tiếng đầy ý nghĩa như cả một câu hỏi. Bất giác Flame nín thở, và thu hết can đảm chờ nghe người đốc công già trả lời. Dù nàng hờn giận Hattie đến thế nào, vì bà đã vu oan cho Chance, nàng vẫn không thể không cảm động khi bà già qua đời.
Charlie cố lấy sức để trả lời:
– Bà đang nghỉ cho lại sức. Bác sĩ đang ở cạnh bà để canh chừng.
Người luật sư gật đầu không nói gì, nhưng quay qua cái khay:
– Tôi đã đem lên đây bình cà phê của ông pha, Charlie. Ông muốn dùng một tách không? Không còn ai nên tôi phải lo mời khách.
– Vâng.
Ông lão nhận lời, và bước vào phòng. Tiếng giày bốt của lão dội lại từ trần nhà càng làm tăng thêm cảm tưởng của Flame là họ đang tụ họp để canh quan tài người chết.
– Bà có đổi ý và dùng một tách cà phê với chúng tôi không? Margaret Rose? Người Luật sư lại mời.
– Không! Và xin ông đừng dùng cái tên ấy nữa. Chỉ có mẹ tôi dùng tên ấy xưa kia mà thôi. Mẹ nàng và Hattie.
– Phải. Tên thường dùng của bà là Flame, phải không? Cái tên ấy rất hợp – Ông liếc vào mái tóc đỏ của nàng.
– Tôi không cần ông cho ý kiến, ông Canon, chỉ cần lời giải thích ông đã hứa đưa ra khi ông Rainwater đến.
– Vâng, tôi đã hứa – Ông nhấp một ngụm cà phê, rồi nhìn chòng chọc vào người đốc công cao lớn hơn ông nhiều, ông ta tiếp – Có vẻ như chồng bà đã không nói ông ta là cháu trai của bà Hattie.
– Ông ấy chính là cháu của bà Hattie, thưa bà. Cái đó là sự thật – Charlie nói – Ông ấy sinh ra ngay trong nhà này, trong gian phòng bên cạnh phòng bà Hattie. Nếu bà không tin tôi, bà có thể hỏi ông bác sĩ Gibbs, ông ta đỡ cho ông ấy lọt lòng.
Lão ngừng một lát, mắt nhìn đăm đăm vào tách cà phê, rồi tiếp:
– Ngày hôm ấy cũng thật là buồn thảm. Tôi chắc rằng không một ai trong ngôi nhà này trước đó đã chờ đợi có ngày một kẻ thuộc dòng họ Stuart có mặt trong nhà.
– Nhưng cha chàng…
Charlie không để nàng nói dứt câu mà ngước lên cặp mắt sáng quắc và lạnh lùng:
– Ring Stuart là một tên vô loại và lười biếng, vô tích sự. Anh ta không tha thiết gì tới cô Elizabeth, mà chỉ muốn được hưởng cuộc sống dễ dải ở trang trại Morgan. Bà Hattie đã cố sức nói cho cô Elizabeth biết, nhưng cô không chịu nghe. Mắt cô chỉ thấy có mình anh ta, không còn thấy gì khác – Ông lão lắc đầu – Cái đó cũng không lạ gì lắm, tôi đoán vậy. Bọn Stuart luôn luôn là vậy, trong ngón tay út của chúng có nhiều mùi quyến rũ hơn là trong toàn thân đa số những người khác. Cho nên cô Elizabeth bỏ nhà trốn đi và làm phép cưới với anh ta. Vì cô ấy đã trưởng thành, bà Hattie không làm gì được. Bà đã cố gắng. Nhưng một khi cô Elizabeth đã làm phép cưới với anh ta, bà Hattie không còn cách nào khác là mời cô ấy ra khỏi nhà. Việc đó làm cho bà đau khổ. Đau khổ vô cùng. Bà yêu thương cô Elizabeth như mẹ thương con. Bà đã nuôi cô ấy từ khi mới lọt lòng mẹ, và khi đó bà cũng chỉ là một cô bé.
– Nhưng làm sao Chance có thể sinh ra ở đây nếu Hattie đã đuổi mẹ chàng ra khỏi nhà?
– Bởi vì sau đó bà cho cô ấy trở về, cô Elizabeth bị ốm nặng thật sự, và ở chỗ của họ cô ấy không được chồng săn sóc đầy đủ như lẽ ra anh ta có bổn phận phải làm. Bà Hattie không chịu được điều đó và Stuart biết vậy. Kh bà chở cả hai về trang trại Morgan, tôi đã bảo với bà rằng bà đã trúng kế của anh ta, nhưng bà đã trả lời rằng tốt hơn là cho quỉ sứ ở gần để canh chừng nó và biết được nó âm mưu gì. Tất cả chúng tôi đều biết anh ta toan tính thế nào. Vì bà Hattie lớn tuổi hơn cô Elizabeth rất nhiều, anh ta nghĩ rằng bà sẽ chết trước và vợ anh ta sẽ thừa hưởng trang trại Morgan; anh ta sẽ nắm quyền kiểm soát trang trại. Nhưng sự việc đã không diễn ra như vậy. Cô Elizabeth bị bệnh ung thư máu. Nhiều lần người ta có thể thấy được đầu óc anh ta toan tính hại bà Hattie cho chết sớm, nhưng anh ta không thể động đến một sợi tóc của bà mà người ngoài không thấy. Cho nên vào lúc anh ta bắt đầu uống rượu, vì thất vọng là cớ chính. Tôi đoán rằng anh ta có lý do để thất vọng, bởi vì chắc chắn anh ta đã không chiếm được trang trại Morgan như anh ta muốn, và mưu toan làm.
– Để xem tôi có hiểu chuyện này đúng không – Flame gay gắt nói – Chỉ vì cha chàng lấy vợ để được quyền kiểm soát trang trại này, các người cũng bôi nhọ Chance với cây cọ ấy. Đó là bằng chứng của các người có phải không?
– Còn nhiều hơn là vậy, Flame ạ – Ben Canon xen vào, hơi ngần ngừ một chút khi gọi nàng bằng tên ấy – Nhiều hơn nữa. Thật ra, sự rắc rối do dòng họ Stuart gây ra đã bắt đầu từ thời ông cụ này – Ông day lại nhìn vào người đàn ông trong bức chân dung trên tường.
– Tôi đoán rằng chuyện ấy có dính líu đôi chút đến câu chuyện Hattie đã nói về lời hứa với người sắp chết trên giường bệnh.
Nàng nghe giọng nói của nàng đầy mỉa mai. Nàng một phần hối tiếc nhưng nàng chỉ còn cách châm biếm để tự vệ. Nàng không thể để cho mình tiếp nhận việc này với thái độ nghiêm túc.
– Tôi cho rằng câu đó liên quan tới những sự việc đã dẫn đến nó, thì gần với sự thật hơn. Có lẽ tốt hơn là tôi bắt đầu bằng cách kể cho bà nghe một ít về trường hợp sáng lập ra trang trại này, và lịch sử của vùng này. Dù sao, trang trại này sẽ về tay bà khi bà Hattie chết. Bà nên biết đôi chút về nó là hợp lý thôi, nếu không vì lý do khác, thì cũng vì tôn kính hương hồn của bà Hattie.
Nghe nhắc đến tên bà già, nàng hơi chột dạ vì tỏ ra xấc xược quá lắm với lão. Không phải nàng muốn vậy. Bởi vì nàng bị giằng co giữa quá nhiều thứ cảm xúc theo chiều hướng khác nhau, tức giận, bối rối, thương hại, buồn rầu và dù nàng không muốn thú nhận sợ hãi. Sợ rằng Hattie có thể nói đúng, rằng có lẽ nàng bị Chance lợi dụng. Vì vậy, nàng bị thúc đẩy mạnh mẽ trốn ra khỏi ngôi nhà này để không phải nghe thêm những chuyện đặt điều về chàng. Nhưng nàng vẫn ở lại. Dù muốn dù không, nàng phải biết.
– Ông nói đúng đấy, ông Canon. Nếu trang trại Morgan thuộc về tôi thì tôi nên biết thêm về nó.
– Tốt! – Ông gật đầu.
Nàng bất giác nhìn lên bức chân dung, và thấy ớn lạnh xương sống. Cặp mắt kia, cặp mắt người đàn ông trong bức chân dung, cặp mắt ấy đã không còn vẻ buộc tội và nhìn trừng trừng vào nàng như trước đấy mà lại nhìn nàng với vẻ hài lòng. Flame cố tự nhủ do trí tưởng tượng của nàng mà ra, rằng trí óc của nàng đang phỉnh gạt nàng, thế nhưng cảm tưởng ấy vẫn còn ở nàng.
Chột dạ, Flame bước đến cạnh khay cà phê, nói:
– Tôi nghĩ cũng nên uống một tách.
– Bà cứ tự nhiên.
Cà phê đậm đen như ông luật sư đã cảnh giác nàng, nhưng nàng không pha loãng với sữa, vì lúc này thấy cần uống thật đậm. Bưng tách cà phê, nàng ngồi xuống chiếc ghế bành gần đó. Charlie Rainwater ngồi theo vào chiếc ghế kia, và cả hai quay ra phía người luật sư nhỏ thó. Ông ta đang đứng một bên trước lò sưởi, đầu chỉ bằng ngang với bục lò sưởi bằng đá cẩm thạch. Nàng nhìn chằm chặp vào ông ta, để khỏi nhìn vào bức chân dung đang chi phối cả căn phòng, cũng như đầu óc nàng.
Người luật sư nói:
– Như bà đã biết qua các văn kiện tôi thay mặt bà Hattie gởi đến cho bà, Kell Morgan, tên chính thức là Kelly Alexandrer Morgan, sinh năm 1860 ở một nông trại nhỏ ở ngoại ô thị trấn Hattiesburg, Missisipi, mặc dầu người Miền Nam có thể gọi nó là một đồn điền. Khi cuộc nội chiến bùng nổ, cha ông cụ là Braxton Morgan, gia nhập quân đội Liên Hiệp miền Nam, đã gởi vợ và con trai còn nhỏ đến New Orleans ở nhà gia đình em gái của ông. Khi thành phố này rơi vào tay quân đội Liên Bang miền Bắc, bà cụ đem con chạy trốn và đến ở nhờ nông trại của người cậu gần Dallas, Texas. Khoảng sáu tháng sau khi chiến tranh chấm dứt, Braxton Morgan trở về sum họp với vợ con, ông bị mất một tay và bị què một chân. Khỏi cần phải nói, họ bị tình thế bắt buộc phải sống nhờ gia đình bên vợ ông. Một năm sau, ông cố của cô, Christopher John Morgan, ra đời.
– Đó là vào năm 1866 – Flame nói, nàng nhớ ngày năm sinh ghi trên chứng chỉ rửa tội.
– Phải. Có nhiều sách đã viết về những năm tái thiết miền Nam, tưởng chỉ cần nói rằng đó là những năm gian khổ cho trẻ con như ông cố của bà và người anh trai khi họ lớn lên. Tôi không biết bà có hiểu được ý ngầm trong các hàng chữ của thiệp báo tang do tôi gởi cho bà về cái chết của Braxton Morgan lấy từ một tờ báo ở Dallas hay không, nhưng hình như ông ấy bị giết chết trong một cuộc đánh lộn vì say rượu. Chắc chắn vì lý do bênh vực danh dự miền Nam. Đó là vào năm 1869. Hai năm sau, vợ ông chết, có lẽ kiệt sức vì làm việc thái quá. Người cậu của bà tiếp tục nuôi đứa trẻ. Năm 1875 Kell Morgan mới 15 tuổi đã tự lập thân. Dù tôi đoán rằng trong thời ấy, ở tuổi đó đã được coi là lớn khôn.
Khi ông luật sư nhìn lên bức chân dung, Flame cũng bị lôi cuốn nhìn theo. Nàng cố tìm lại nhưng không còn thấy vẻ mặt nghiêm khắc và khó ưa như trước đó. Bây giờ nhìn lại, nàng chỉ thấy vẻ kiêu hãnh và bất khuất trên nét mặt rắn rỏi, sắc cạnh người đàn ông trong tranh… và đôi mắt đen xoáy vào mắt nàng như thể áp đặt ý chí của ông lên nàng.
– Ông đăng ký làm người chăn bò, lùa đàn bò sừng dài lên phía bắc đến ga xe lửa ở Wichita, Texas – Ben Canon tiếp tục kể – Thời đó là thời hoàng kim của các chuyến lùa bò chăn nuôi lên phía bắc. Nói thế không phải là trước đó đã không có việc lùa bò từ Texas lên bán ở miền Bắc. Có, từ những năm 1850 kia. Đa số được lùa theo con đường mòn Shawce, mà có người gọi là đường mòn Texas. Nó đâm ngang qua nửa phía đông của tiểu bang và trải dài từ Texas đến tận St. Louis. Mà con đường ấy cũng rộng đáo để. Phải vậy để cho các đoàn tiếp liệu của quân đội, các xe chở hàng, và các xe ngựa của những người định cư đi trên đó.
Nhưng mùa xuân năm đó, Kell Morgan lùa bò đi theo đường mòn Chisolm. Phải chờ đến cuối mùa thu khi ông trên đường về nhà, ông mới nhìn thấy lần đầu tiên phong cảnh vùng này. Tôi thường tự hỏi cảm tưởng của ông thế nào khi ông qua khỏi đường đỉnh dãy đồi kia và trông thấy thung lũng này trải ra trước mặt, đầy cỏ cao ngả màu vàng trong mùa thu và con sông nhỏ lấp lánh màu bạc chảy dọc theo nó. Thuở nhỏ ông ta chỉ cắp sách đến trường được ba năm, vừa đủ biết đọc biết viết, nên ông không ghi lại trên giấy cảm tưởng của mình. Nhưng ông đã kể lại với Hattie rằng quang cảnh thung lũng này đã để lại trong trí ông hình ảnh đẹp đẽ mãi sau đó.
Charlie lên tiếng, mắt cũng nhìn vào bức chân dung:
– Theo lời bà Hattie nói, bức tranh này không xác thật lắm, không giống lắm con người thật của ông. Ông bỏ giày ra còn cao một thước tám hai, và theo bà thì vai ông cũng rộng chừng đó. Bà bảo mỗi lần trông thấy ông, bà có cảm tưởng trông thấy hai cây lớn mọc thành hai tầng trên cùng một phần thẳng đứng. Và không ai dám gọi ông là Red (tóc đỏ), ít nhất là gọi đến lần thứ hai. Không, người ta luôn luôn xưng với ông là Kell Morgan. – Ông lão liếc nhanh Flame – Tôi không hề được vinh dự gặp ông, bà hiểu không. Ông đã qua đời lâu trước khi tôi đến làm việc ở đây. Nhưng mọi người mà tôi có dịp trò chuyện đều nói ông là người cứng cỏi, nhưng công bằng. Hễ mình vẫn trung thành với trang trại, thì ông bênh vực mình tới cùng, dù đúng hay sai. Bà Hattie nói, ông ít khi cười, rằng ông truyền đạt phần lớn do cặp mắt. Khi ông nổi giận, mắt ông đen láy, nhưng khi ông hài lòng, chúng sáng rực như có đèn thắp bên trong. Và ông cũng mến yêu đất đai này lắm. Ông cưỡi ngựa thăm đồng và kiểm tra đàn bò cho đến ngày ông mất ở tuổi 65.
Bức chân dung không còn chỉ một chiều, bây giờ trên cái nền màu xanh ám khói mơ hồ nổi bật lên hình người đàn ông cao lớn, tóc đỏ. Và ánh mắt đen láy mà Charlie vừa nhắc đến đang có trong đôi mắt ông, đôi mắt như đang nhìn thẳng vào nàng.
– Mặc dầu ít học, Kell Morgan là một con người bẩm sinh đã thông minh, và có khiếu biết quan sát – Ben Canon tiếp lời – Khi trở về Texas, ông bắt đầu để ý đến những sự thay đổi đang diễn ra. Thời đại khu chăn nuôi thả rong đã qua. Mỗi năm, lại có nhiều hàng rào được dựng lên. Và các chuyến lùa đàn bò lên miền Bắc đến các ga xe lửa làm bò mất trọng lượng quá nhiều. Bốn năm liền, ông tham dự các chuyến đi gian khổ ấy lên miền Bắc với bò của người khác. Và lần nào, ông cũng dừng lại để nhìn thung lũng này của ông, và mỗi lần sau dừng lâu hơn lần trước.
– Bấy giờ bà nên nhớ rằng tất cả đất đai vùng này thuộc về quốc gia Creek. Và tôi dùng từ “quốc gia” là đích xác bởi vì đất đai của bộ lạc Creek là một thực thể riêng biệt, có biên giới riêng và chịu sự chi phối của luật lệ riêng của bộ lạc ấy. Vào những năm 1830, chính phủ Liên Bang, nói đích xác hơn là tổng thống Andrew Jackson quyết định một cách ngang ngược điển hình rằng lợi ích của năm bộ lạc văn minh Creeks, Cherokees, Choctaws, Chickasaws, và Seminoles, là bỏ lại đất đai của họ ở miền Nam là nơi họ đã ở từ khi chưa có người da trắng nào trên đại lục này, và di chuyển về phía tây để tránh khỏi tiêm nhiễm sự hư đốn của người da trắng. Hàng loạt các hiệp ước trò hề, họ đã thành công đẩy người da đỏ tới vùng này.
Bấy giờ theo luật lệ và tập quán của bộ lạc Creek; không ai được có quyền sở hữu mảnh đất nào. Tất cả đất đai là sở hữu chung. Điều đó có nghĩa là Kell Morgan không thể mua liền cái thung lũng mà ông thích. Nhưng trong những chuyến đi qua đây và những dịp ở lại trong cái làng của người Creek tên là Tallahassee gần đấy, được các người chăn bò trên đường mòn đặt tên là thị trấn Tulsi, ông đã quen với một người da đỏ lai có thế lực chính trị tên là Georgse Perryman. Qua người ấy, Kell Morgan được thuê dài hạn thung lũng này. Với tiền lương để dành, ông mua được một trăm con bò, lùa lên phía bắc tới thung lũng này, cho chúng ăn cỏ tốt suốt mùa đông, rồi lùa đến chỗ bán gần đấy trong mùa xuân – Ông ngừng một chút và mỉm cười ranh mãnh – Có lẽ bà không thấy đáng bao nhiêu, nhưng bà nên nghĩ rằng ông ấy đã mua bò với giá 75 xu một con và bán bò với giá trên 15 dollar một con. Có tiền lời, ông thuê thêm đất, mua thêm bò, và lặp đi lặp lại với kết quả như vậy.
Đến năm 1882, Kell Morgan được coi là một chúa trùm nuôi bò một cách rất xứng đáng. Trước đó ba năm, sở bưu điện Hoa Kỳ đã mở trạm Tulsa, thay đổi tên cũ chút ít. Và gần đến năm 1883, ngành đường sắt Frisco đã nối dài đường sắt đến Tulsa. Kell Morgan không còn phải lùa bò lên ga xe lửa; xe lửa đã tới tận chỗ của ông.
Người luật sư đầu hói quay qua nhìn lướt trên các hàng sách nằm trên hai cái kệ trước mặt ông. Ông ta nói tiếp:
– Trong suốt thời gian ấy, ông không quên đứa em trai nhỏ, Christopher, còn ở Texas. Lúc đó, Christopher không còn bé bỏng gì, đã là một thiếu niên 16 tuổi mạnh bạo. Với của cải giàu có, Kell gởi cậu vào đại học ở miền Đông, nhất định cho em có học vấn mà bản thân ông đã không có điều kiện để học – Ông ta rút lấy một cuốn sách to bản ở kệ và mở ra rồi quay lại nhìn Flame – Khi Christopher tốt nghiệp đại học với mảnh bằng kỹ sư, ông trở về đây, ở trang trại Morgan này. Trong khoảng thời gian đó, Kell đã được bộ lạc Creek chấp nhận làm dân của bộ lạc. Và giống như mọi người khác của bộ lạc Creek, ông có toàn quyền sử dụng thung lũng. Ông cho Christopher vẽ kiểu và xây dựng toà nhà này. Trước đó chỉ có một căn lều cho chó ở và một căn nhà bằng thân cây cho người chăn bò làm công.
Ngừng lại sau lưng Flame, ông luật sư đưa nàng quyển album bọc da đã cũ.
– Hattie nghĩ rằng có lẽ bà muốn xem một ít hình ảnh của tổ tiên. Đây là một tấm ảnh của ông cố của bà, Christopher Morgan.
Một chàng thanh niên ngồi với điệu bộ cứng ngắc, một bàn tay to lớn đặt trên đầu gối, còn tay kia cầm một cái mũ rộng vành màu đen. Anh ta mặc bộ đồ đen, cái áo vét mở nút để lộ sợi dây đồng hồ sáng loáng và cái cổ áo cứng. Mặc dầu không mỉm cười, khuôn mặt nhẵn nhụi có vẻ ham sống. Khuôn mặt ấy không cứng cỏi và khép kín như của người trong tranh, tuy rằng đường nét mạnh mẽ và sắc cạnh giống nhau. Mầu tóc họ khác nhau, dĩ nhiên. Tấm ảnh màu nâu sepia, tóc của Christopher Morgan có vẻ như màu nâu nhạt xen lẫn với một màu còn nhạt hơn.
– Có thể thấy họ là anh em – Flame nói, và lật qua xem các ảnh khác.
– Bà Hattie bảo thời đó họ rất thân nhau – Charlie nói – Tuy nhiên, họ khác nhau xa về tính nết, tôi nghe nói lại, như ánh sáng và bóng tối. Nhưng cũng như phải có cả ánh sáng và bóng tối mới đủ một ngày, họ sống với nhau như vậy đó.
– Trong trường hợp này ông cố của bà có lẽ đã tôn thờ người anh trai như một thần tượng – Ben Canon nói – Và Kell Morgan có lẽ nhìn thấy ở cậu em trai hình ảnh con người có học vấn cao mà ông đã ước mong được vậy. Tôi nghĩ rằng họ đã chia sẻ kiến thức với nhau rất nhiều, Christopher dạy cho Kell về lịch sử và triết học, và Kell dạy cho Chris về động vật và thực vật ở trong trại.
Ở các trang sau của cuốn album là các ảnh chụp ngôi nhà đang được xây dựng, tấm có người tấm không, trong đó Flame nhận ra Christopher Morgan hai lần. Rồi nàng thấy một bức ảnh thứ ba hai người chụp chung. Khi họ đứng bên nhau, sự khác biệt giữa hai cá tính thấy rõ ràng, Kell có vẻ bồn chồn bất an, còn Christopher, bình thản và tươi cười.
– Tôi không hiểu được – Flame quay qua người luật sư với vẻ mặt bối rối – Nếu họ rất thân nhau, tại sao Christopher bỏ đi mà không bao giờ trở lại?
– Tôi sắp đến chỗ đó – Ông ta nói.
Nàng nóng nảy lật qua trang khác, bực mình vì vẻ bí mật ấy. Nàng ước chi ông ta nói ngay vào đề và không quanh co kéo dài. Và rồi mắt nàng gặp tấm ảnh chụp một mình một người phụ nữ mặc áo dài thời đó. Trí nàng nghĩ ngay tới hai tính từ để tả người phụ nữ ấy: yểu điệu và thanh tao. Trông bà mong manh như một cái chén uống trà bằng sứ, và Flame có thể tưởng tượng ra ngón tay út của bà cong lên một cách duyên dáng khi bà nhấp một tách nước trà. Mái tóc sẫm của bà chải ngược lên, từng lọn nhỏ ló ra bên dưới vành mũ hẹp của cái mũ cao cắm lông đà điểu và buột dải bông loáng. Khuôn mặt trái xoan của bà trắng như ngà voi và hơi tái, không cần dùng đến son phấn để làm tăng vẻ đẹp có sẵn như một con búp bê.
– Bà này là ai vậy? – Flame hỏi người luật sư.
Không nhìn ảnh, ông ta đáp ngay:
– Ảnh Compton Morgan, vợ của Kell Morgan. Bà thấy không, sau khi xây nhà xong, và tất cả đồ đạc đã được đưa đến, Kell quyết định đã đến lúc ông lấy vợ. Dĩ nhiên, không phải bất cứ người đàn bà nào. Ông đã có một bản liệt kê các đặc tính phải có ở người vợ tương lai. Trước nhất, ông muốn có một người vợ thanh tao, có giáo dục có văn hoá và học vấn, có phong cách và duyên dáng, đẹp càng hay, nhưng ưa nhìn là được. Nhưng trên hết, cô ta phải là con gái một gia đình hoạt động tích cực hoặc trong ngành chính trị, hoặc trong ngành ngân hàng, hoặc trong ngành đường sắt. Nói tóm lại, vợ ông phải vừa là một phụ nữ quí phái, vừa là một mối liên hệ có lợi.
Nhìn thấy Flame nhướng một chân mày có vẻ phản đối, Ben Canon mỉm cười:
– Nếu bà thấy như thế là thô lỗ và kỳ thị, thì bà nên nhớ Kell Morgan là con người thực dụng. Christopher là người ưa lý tưởng.
– Cái đó thấy rõ – nàng lẩm bẩm.
– Mùa thu năm 1889, Kell Moragan đi đến Kansas City để kén vợ. Và ông đã liệng bản liệt kê của ông làm sẵn qua cửa sổ khi gặp Ann Comtonp – Charlie Rainwater nói và cười khúc khích, rồi đứng dậy rót thêm cà phê vào tách – Phải lòng bà ấy ngay khi bị bắn rơi từ trên không xuống đất.
– Thật à? – Flame hỏi, ngạc nhiên vì Kell Moragn thuộc loại đàn ông lấy vợ không cần có tình yêu mới phải.
– Thật vậy, ông ta yêu chết yêu sống bà ấy. Bà là con gái của một bác sĩ có tiếng tăm trong cộng đồng, nhưng không có liên hệ với giới kinh doanh quan trọng nào. Như vậy là không đạt được một tiêu chuẩn quan hệ để làm vợ ông. Sự kiện ông vẫn cưới bà sau một tháng tán tỉnh như vũ bão, chỉ chứng tỏ rằng Kell Morgan cũng có những nhược điểm, như đa số đàn ông.
Ông trở lại gần kệ sách, và lấy ra một cuốn mỏng, đóng bìa bọc vải màu hồng gáy và góc đã sờn đến tận chỉ. Ông nói:
– Tuy nhiên, về các phương diện khác, bà ấy đúng như ông muốn ở một người vợ: Có học thức, rành về nghệ thuật, văn chương, về phép lịch sự, xã giao, và vô cùng xinh đẹp. Khi nào đọc tập nhật ký của bà ấy, bà sẽ thấy rằng Kell được bà ấy mê tít. Người con gái nào mà chẳng vậy, khi người tán tỉnh họ là chúa trùm chăn nuôi gia súc đẹp trai và giàu sụ với một toà nhà đồ sộ nguy nga nằm trên đồng cỏ chờ bà về biến nó thành tổ ấm. Cuốn nhật ký của bà có nhiều đoạn kể lại những cảm nghĩ lãng mạn của bà về cuộc sống ở biên thuỳ. Bà chờ đợi nó là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Và hình như Kell Morgan ít khi tìm cách thay đổi các cảm nghĩ ấy. Ông ta quá chú trọng vào việc tranh thủ tình cảm của bà, và cưới được bà làm vợ.
Chỉ về sau, rất lâu về sau, ông mới tự lên án đã để cho bà thất vọng. Theo cuốn nhật ký của bà, mấy tháng đầu của đời sống vợ chồng ở trang trại Morgan cực kỳ sung sướng. Rồi thì tôi chắc rằng cái mới đã trở thành cũ. Bà không hề được chuẩn bị trước cho cuộc sống buồn tẻ và cô đơn ở trại chăn nuôi gia súc, cho những giờ đôi khi luôn mấy ngày, dài đăng đẳng bà ở nhà một mình trong khi chồng bà bận công việc ở xa. Bà lớn lên ở thành thị nên đã quen với những tiệc trà, chiêu đãi, tiếp tân thường xuyên hay bạn bè ghé nhà thăm. Ở đây bà không có hẹn; khách thì ít hoặc lâu lắm mới có, và người láng giềng gần nhất cũng xa nửa ngày xe ngựa. Bà không có điểm chung nào với những phụ nữ có nước da sạm nắng thành nâu sống chung quanh bà. Hầu hết những người ấy chưa khi nào thấy một cái dù che nắng trước khi bà đến, và không biết gì về văn chương cổ điển hay âm nhạc thính phòng. Dĩ nhiên, Tulsa là thành phố gần nhất nhưng ngoại trừ hoạ hoằn mới có một buổi lễ chiêu đãi ở nhà thờ vào một chiều chủ Nhật hay các buổi chiêu đãi ở các nhà riêng, các sinh hoạt khác chỉ xoay quanh các người chăn bò trong vùng nhiều hơn, để họ có dịp xả hơi chiều thứ Bảy bằng cách uống rượu, đánh bạc, và đú đởn với gái.
Flame lơ đễnh đưa bàn tay vuốt bìa vải của cuốn nhật ký. Lạ kỳ thay, nàng không muốn mở cuốn nhật ký và đọc những ý nghĩ riêng tư của người phụ nữ ấy. Làm vậy có vẻ như xâm phạm vào đời tư của người khác. Nàng nói:
– Qua những gì ông vừa nói với tôi về bà ấy, tôi có cảm tưởng bà ấy có nhiều điểm chung với Christopher hơn là với chồng bà.
Vừa nói ra, nàng chợt có ý nghĩ “Có phải chuyện đã xảy ra là như vậy? Phải chăng bà ấy là nguyên nhân khiến ông Christopher bỏ đi mà không bao giờ trở lại?”. Rồi nàng cau mày, vì thấy còn mù mờ hơn trước. Tại cả câu chuyện này có dính dáng gì đến dòng họ Stuart?
Người luật sư mỉm cười:
– Bà lại đi xa hơn câu chuyện tôi kể, Flame ạ!
– Tôi thấy Annie Morgan không bao giờ có thể sống sung sướng ở nơi đây. – Charlie Rainwater nói và tiến tới lò sưởi nhìn lên bức chân dung – Dĩ nhiên, ông ta luôn luôn tin rằng vợ ông có lẽ trở nên yêu mến chỗ này nếu bà không có con ngay trong năm đầu mới cưới.
– Phải, sự cô lập trong thời kỳ mang thai cộng với sự cô đơn và buồn chán sẵn có ở bà làm bà càng không sung sướng – Ben Canon nói – Thậm chí nỗi vui sướng khi hạ sinh một đứa bé khoẻ mạnh trong năm sau cũng không đủ bù đắp lại. Nhân thể xin nói đứa bé ấy là cha của Hattie sau này, tên là Jonathan Robert Morgan.
Lẽ tự nhiên, cậu bé Johnny cũng là một lý do để giữ Ann ở nhà, mặc dù đã có nuôi người vú cho cậu bé. Kell cố hết sức làm cho bà sung sướng. Tất cả các cuốn sách này, chiếc đàn dương cầm bằng gỗ mun ở phòng khách, một chiếc xe ngựa dành riêng cho bà do hai con ngựa xám cao cẳng kéo, ông không tiếc thứ gì với bà ngoại trừ một thứ có lẽ có thể có hiệu quả: sự có mặt của ông bên cạnh bà. Như bà thường ghi lại trong cuốn nhật ký, một đứa con trai không thể thay thế một người chồng. Và đến mùa thu 1893, là có thể cảm thấy rõ sự cô đơn, bất mãn…. và tuyệt vọng của bà – Ông luật sư đưa tay chỉ vào cuốn nhật ký Flame đang cầm ở tay, còn gấp lại – Bà Hattie đã đánh dấu trang bắt đầu câu chuyện.
Flame ngần ngừ, rồi nhìn xuống cuốn sách mỏng trong tay nàng, để ý thấy cái nhũ vàng dính ở bìa sau, có sợi chỉ cột nối vào một cái đánh dấu trang sách kẹp giữa các trang giấy ở gần bìa sau cuốn nhật ký. Nàng muốn cưỡng lời khuyên tế nhị của người luật sư nên đọc quyển nhật ký riêng của người phụ nữ ấy, nhưng rồi nàng chợt hiểu đó là một phần của bằng chứng mà Hattie đã hứa cung cấp. Nàng miễn cưỡng mở cuốn nhật ký ra ở trang được đánh dấu. Nàng ngẩn ra một lúc, nhìn đăm đăm vào những chữ có nét nhỏ, sắc sảo, chữ này phân biệt rõ ràng với chữ khác, rồi nàng bắt đầu đọc.