Năm 416 trước Công nguyên, vua nước Ngô là Hạp Lư đem quân sang đánh nước Việt, nhưng quân Ngô bị thua, Hạp Lư bị trúng tên. Khi sắp chết, Hạp Lư dặn lại con là Phù Sai phải trả thù cho cha.
Phù Sai quyết chí làm theo lời cha, nên cho người đứng ở giữa sân, để mỗi khi Phù Sai đi qua thì người ấy nói to:
– Hỡi Phù Sai, nước Việt giết cha anh mà anh quên ư ?
Phù Sai liền trả lời:
– Vâng, không dám quên đâu !
Ba năm sau, quả Phù Sai đánh được nước Việt.
Vua nước Việt là Câu Tiễn, nghe lời khuyên của Phạm Lãi, xin nhận làm bề tôi của vua Ngô. Nhưng trong lòng vẫn quyết chí phục thù.
Hằng ngày Câu Tiễn chất củi gai làm giường nằm và treo ở trước mặt một cái mật đắng, khi ăn nếm mật rồi mới ăn. Một mặt bản thân cùng vợ con chịu khó lao động, mặt khác tôn trọng và biệt đãi những người có tài, cứu giúp những người nghèo.
Trong hai mươi năm, Câu Tiễn không lúc nào quên chuyện rửa thù.
Khi đã thấy lòng dân theo mình, và tình thế nước Ngô bê bối, Câu Tiễn đem quân tiến đánh nước Ngô. Quân Ngô thua, Câu Tiễn lập lại cơ đồ.
Như thế là vì quyết chí Phù Sai trả thù được cho cha, nhưng cũng vì quyết chí mà Câu Tiễn lấy lại được đất nước.