Điông là học trò của triết gia Platông, đã từng theo thầy học đạo ở học đường Acađêmi. Điông là một người có lượng cả bao dung.
Song Điông lại là em vợ của tên bạo chúa Đơnít cha.
Sau khi tên bạo chúa này chết, con của y là Đơnít con là một kẻ từ bé không được học hành gì, vì cha hắn sợ hắn giỏi sẽ cướp ngôi. Điông muốn giúp tên bạo chúa trẻ này trở thành một người tốt: một mặt ông khuyên nhủ Đơnít con lấy đức mà trị dân, mặt khác ông yêu cầu mời Platông đến dạy bảo.
Nhưng những kẻ cận thần ghen ghét với Điông và Platông, xúc xiểm Đơnít không nên tin ở Điông và Platông. Chúng lại bịa chuyện khiến tên bạo chúa trẻ nghi ngờ Điông và đầy ông ra khỏi đảo Xixin.
Điông sang Hi Lạp, đến thành quốc Xpáctơ. Đến đâu, ông cũng được người ta quý mến vì đạo đức cao cả của ông.
Tên bạo chúa, sau một thời gian, lại đuổi cả Platông đi. Bạn bè của Điông khuyên ông về giải phóng đảo Xixin. Họ thành lập một đạo quân hùng mạnh đặt dưới quyền chỉ huy của Điông.
Đạo quân này đổ bộ vào đảo Xixin trong khi Đơnít con ở trong nội địa nước Ý. Điông tiến quân vào thành Xiraquidơ, được nhân dân đón chào nồng nhiệt.
Bảy ngày sau, Đơnít trở về đảo Xixin, cho người đến báo với Điông là đồng ý bỏ quyền bạo chúa. Điông bằng lòng và tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ Đơnít.
Nhưng chẳng qua chỉ là một sự lừa bịp: Đương đêm Đơnít tiến quân vào thành Xiraquidơ. Tuy bị đánh bất ngờ, đạo quân của Điông đã chiến đấu dũng cảm và quân lính của Đơnít chết như rạ.
Lúc đó có một viên tướng bị đi đày đã được trở về, tên là Hêraclít. Hêraclít tỏ lòng phục Điông, nên ông đã cử y làm thủy sư đô đốc. Ngoài mặt, Hêraclít ra vẻ kính phục Điông, nhưng ngấm ngầm tuyên truyền trong dân Xiraquidơ là Điông dựa vào quân đội ngoại bang (vì họ là người Hi Lạp) để thiết lập lại chế độ bạo chúa. Hêraclít tìm mọi cách nói xấu Điông và quân đội của ông là người Hi Lạp. Đồng thời, dùng cách mị dân, xúi giục dân chúng chống lại những người lính Hi Lạp. Khi quân dân thành Xiraquidơ xông vào đánh quân Hi Lạp, Điông không muốn chống lại nhân dân của Tổ quốc mình, đành rút quân khỏi thành Xiraquidơ.
Nhân dịp ấy, Đơnít đem quân vào phá thành Xiraquidơ, nhiều nhà cửa tan nát, nhân dân hãi hùng. Lúc đó nhiều người nghĩ đến một bậc anh hùng có thể cứu vãn tình thế, nhưng ai nấy đều ngại ngùng, vì xấu hổ đã đối xử tệ bạc với người ấy. Nhưng khi một người nói lên là phải mời Điông về thì toàn thể nhân dân đều hoan hô. Điông đồng ý trở về.
Khi nghe tin Điông chuẩn bị trở về cứu nhân dân Xiraquidơ, tên bạo chúa Đơnít đốt phá thành trì.
Điông và quân đội trở về, nhân dân ùa ra đón tiếp, còn quân của Đơnít chạy tán loạn. Điông ra lệnh cho binh lính đi dập tắt các đám cháy.
Hêraclít liền xin ra mắt Điông và nhận tội. Các chiến hữu của Điông muốn xử tội tên phản bội. Điông nói với họ: “Khi tôi ở học đường Acađêmi, tôi đã học được đức tính dẹp sự nóng nảy và lòng tham vọng, nên rộng lượng tha thứ những kẻ định hại mình.”
Sau đó, Điông tha bổng cho Hêraclít, lại cho y chỉ huy lính hải quân.
Song chứng nào vẫn giữ tật ấy, Hêraclít một mặt tuyên truyền trong quân lính chống Điông, mặt khác bí mật liên minh với Đơnít để đánh bại Điông.
Nhân khi nhân dân thành Xiraquidơ bị nạn đói đe dọa, lại có những cuộc nổi loạn ở trong thành, Hêraclít đem quân về để đánh đổ Điông. Nhưng chính quân bản bộ của Hêraclít đã nổi lên chống lại nên mưu gian của hắn không thành.
Nhiều lần Hêraclít, vì tham vọng đã chống đối Điông, nhưng không đạt mục đích đê hèn của nó.
Các chiến hữu của Điông khuyên ông phải trị tội Hêraclít, nhưng ông vẫn không nghe.
Một hôm Hêraclít đang ở trong nhà, những người bạn của Điông đột nhập và kết thúc cuộc đời tên phản bội.
Được tin, Điông đã cho tổ chức lễ an táng trọng thể và thân chinh đi đưa đám.
Nhân dân Xiraquidơ đều ngạc nhiên trước thái độ bao dung của Điông.