Trong thời Xuân Thu, một người nước Sở tên là Chung Nghi bị bắt bỏ tù ở nước Tấn.
Một hôm vua nước Tấn là Cảnh Công cho dẫn người tù đó đến trước mặt và hỏi:
– Ông cha anh xưa nay làm nghề gì?
– Ông cha tôi xưa nay làm nhạc quan.
– Vậy anh có biết nhạc không?
– Tôi vẫn giữ nghề của ông cha.
Cảnh Công cho đưa ra một cây đàn cầm vũ bảo Chung Nghi gảy một khúc.
Chung Nghi tấu một bản nhạc nước Sở.
Cảnh Công lại hỏi:
– Vua nước anh là người thế nào?
– Tôi tài hèn, trí kém, sao biết được đức cao của vua nước tôi.
Khi Cảnh Công kể lại cuộc đối thoại này cho một cận thần, ông này phân tích:
– Tên tù nước Sở này giữ được nghiệp nhà là người không quên gốc; chơi nhạc vẫn tấu nhạc nước Sở, tức là không quên nước; khi hỏi đến vua nước Sở, tuy nói không biết gì, nhưng vẫn tôn là đức cao, như thế là vẫn giữ được lòng tôn quân. Vậy người ấy thực là một người quân tử.
Cảnh Công cho lời nói đó có lí, nên hậu đãi Chung Nghi và cho đưa về nước Sở để đặt mối hòa hiếu giữa hai nước.