Trong vùng rừng núi miền Tuyên Hưng có giống khỉ gọi là dã nữ. Thỉnh thoảng người ta bắt được vài con đem về tập cho nói một vài tiếng người. Họ nuôi chơi làm cảnh, và quen gọi là đười ươi.
Ngày ấy ở kinh thành Thăng Long phố xá buôn bán đã mọc lên san sát. Nhiều cửa hiệu to lớn cất đủ mọi thứ hàng như gấm vóc, tơ lụa, pha lê, đồ sứ, v.v… Bọn chủ hiệu chỉ trông nhờ vào sự mua sắm của đám quan lại. Hồi bấy giờ hàng quan võ được coi trọng, mà quan võ thì phần nhiều là người đàng trong, quê hương nhà Chúa. Vợ con họ cũng theo đòi kiểu cách nhà quan: cũng hoa tai vành cánh, cũng cáng xá, cũng con hầu, đầy tớ xúm xít từng đoàn, v.v… Bọn chủ hiệu chỉ thích họ có mỗi một điều là khi mua hàng khai bao nhiêu họ giả bấy nhiêu, ít có sự cò kè bớt một thêm hai như bọn nhà quan xứ Bắc. Cho nên bọn chúng coi họ là khách bở, chào mời rất mực đon đả, nhiều khi cứ đưa hàng đến nhà rồi mới lấy tiền sau.
Chợt một hôm kia, trên đường phố có một cái cáng mui luyện, lá sắn buông kín mít, khiêng qua. Vẻ lộng lẫy của những người hầu: áo nỉ đỏ, cổ viền kim tuyến, làm cho người ta choáng mắt. Cáng dừng lại trước một dãy phố. Một người hầu tiến lại khúm núm bên cáng. Một lát sau, hắn tìm vào một hiệu buôn mà chủ nhân đã đón sẵn, chào mời những tiếng ngọt như mật.
Hắn nói nhỏ với bà hàng:
– Bà lớn tôi khó ở, không tiện xuống cáng xem hàng được. Bà lớn tôi muốn mua rất nhiều các thứ gấm, vóc, the, đoạn cùng một số đồ sứ, pha lê như kê trong giấy này. Vậy hiệu đây có những thứ hàng gì tốt hãy đưa để bà lớn tôi mua.
Đánh hơi thấy món hời, chủ hiệu mừng quá, vội dốc tủ đưa ra những thứ đắt tiền nhất. Hàng nào không đủ thì hắn lại sai người đến các cửa hiệu quen lấy về. Người đầy tớ hầu lần lượt mang hàng đến bên cáng để bà lớn xem và nói giá cả để bà lớn biết. Thứ hàng gì đưa vào cũng được bà lớn khen “được, được”, “tốt, tốt”. Chủ hiệu chưa bao giờ thấy một người khách sang dễ tính đến thế, trong lòng mừng khấp khởi, nhẩm tính tổng cộng số hàng có đến mấy trăm lạng bạc. Xong đâu đấy người hầu bảo:
– Bà lớn đây là vợ một quan lãnh mới ra kinh lĩnh chức. Dinh quan lớn tôi cách dinh quan tổng đốc mười ba ngô về phía Nam. Nhà hàng muốn lấy tiền hoặc bạc nên hãy chịu khó đến đó mà nhận.
Chủ hiệu vâng vâng dạ dạ rối rít. Thế rồi chỉ một lát sau, bọn quân hầu kẻ ôm vóc nhiễu, người cắp gấm đoạn, kẻ mang đồ lặt vặt chạy rầm rập theo sau cáng bà quan.
Đến nơi, bọn phu cáng dừng lại toan vén màn mời bà lớn xuống. Tên hầu gắt:
– Bà lớn đang ngủ! Chúng mày hãy lấy “ngạc” mà đặt cáng lên rồi đứng trông đây chờ bà lớn dậy. Chủ hiệu thì hãy vào ngồi trong hàng nước kia, đợi chúng tôi mang hàng vào để quan lớn xem đã, rồi sẽ gọi vào nhận tiền.
Sau đó, một toán mang hàng vào dinh. Chờ một hồi lâu, bọn phu cáng cũng lần lượt đi mỗi người một ngả. Cuối cùng chỉ còn trơ lại chiếc cáng với chủ hiệu. Sinh nghi, chủ hiệu bèn tiến lại gần xem sao thì vẫn nghe thấy tiếng ngáy đều đặn của bà lớn. Tuy vậy, hắn bạo dạn khẽ vén lá sắn lên xem thì thấy trong cáng chỉ có một con đười ươi mặc quần áo đàn bà bị buộc chặt với võng, chả có bà lớn nào cả. Đười ươi thoáng thấy người thì nói lên mấy tiếng “được, được”, “tốt, tốt”. Biết là bị mắc lừa, hắn hốt hoảng, chạy vội vào dinh thì mới hay đấy là mấy ngôi nhà, trước kia cũng là nơi đóng quân của đội túc vệ, nay bỏ hoang, phía sau có cổng bỏ ngỏ thông với các lối khác.
Sau một thời gian thuê người tìm kiếm mà không thấy tăm hơi lũ bợm đâu cả, hắn đành ôm hận trở về với chiếc cáng cũ và con đười ươi[1].
KHẢO DỊ
Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút cũng có kể một mẹo lừa của bọn lưu manh đời Lê mạt ở kinh thành Thăng Long tương tự với câu chuyện kể trên, chỉ khác là kẻ nằm trong võng không phải là đười ươi mà là một bà già ăn mày mù. Các truyện này phần nào phản ánh thái độ của nhân dân đối với tầng lớp thương nhân, trong điều kiện một xã hội thương nghiệp không phát triển như nước ta.
[1] Theo Đại Nam đồng văn nhật báo