Trong phần đầu (tr. l-72), ông Nguyễn Đồng Chi nghiên cứu cổ tích và truyền thuyết nói chung. Ông thử vạch ranh giới của lĩnh vực nói đây và của những thể loại thuộc lĩnh vực ấy, điểm qua những hệ phân loại đã được đề xuất trước ông, nhằm phê bình và nhận ra các mặt yếu. Ông nhắc lại các thể nghiệm phân loại khác nhau. Thoạt tiên là thể nghiệm của Nghiêm Toản trong Việt-Nam văn học sử yếu, với cách phân chia như sau: 1. Truyện luân lý ngụ ngôn; 2. Truyện mê tín hoang đường. 3. Truyện phúng thế và hài đàm; 4. Sự tích các thánh. Rồi đến thể nghiệm của Thanh Lãng trong Văn học khởi thảo: Văn chương bình dân, trong đó cổ tích, truyền thuyết, truyện, được phân thành bảy loại: 1. Truyện thần tiên; 2. Truyện ma quỷ; 3. Truyện anh hùng dân tộc; 4. Truyện ái tình. 5. Truyện luân lý. 6. Truyện phong tục; 7. Truyện khôi hài.
Sau đó, ông Nguyễn Đổng Chi lại đưa ra cách phân loại cũng hoàn toàn hình thức của Nguyễn Văn Ngọc trong Truyện cổ nước Nam: truyện thần kỳ: truyện luân lý; truyện dân gian và những câu ngạn ngữ, ca khúc triết lý, truyện khôi hài… Rồi thì cách phân loại của Trường Tửu trong Văn nghệ bình-dân Việt-nam : tác giả này thử tập hợp các cổ tích và truyền thuyết lại thành hai tổng thể lớn, truyện thần kỳ và truyện thế sự[1]. Đáng tiếc là trong hai tổng thể lớn đó Trương Tửu lại đưa vào vô vàn phân cắt, khiến ta lại bị dẫn dắt về các cách phân loại đã nói trên.
Ông Nguyễn Đổng Chi đã cảm thấy nỗi khó khăn trong việc phân loại truyện đời xưa sao cho duy lý. Ông thử thu hẹp lĩnh vực các truyện ấy bằng cách tách chúng khỏi truyện ngụ ngôn, truyện khôi hài, truyện tiếu lâm, truyện thời sự, và bằng cách quy cho chúng ba điều kiện: phải có phong cách cổ; không tách xa khỏi truyền thống dân gian; nhằm một mục đích luân lý[2].
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đồng Chi lại không đi sâu vào vấn đề do điều kiện thứ nhất đặt ra: quả vậy, đâu là ranh giới giữa cái “kim” và cái “cổ”? Những truyện cổ tích có liên quan đến thời Tự Đức (1848 – 1883) phải được xem là “cổ” hay là “kim”? ấy thế mà nhiều truyện cổ lại được quy vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX): xem những truyện do Lăng-đờ (Landes) thu thập[3].
Sau tất cả những hạn chế nói trên, đến phiên ông Nguyễn Đổng Chi đưa ra cách sắp xếp của mình, mà theo ý chúng tôi, cũng hình thức không kém gì của những người đi trước ông: 1. Truyện cổ tích hoang đường; 2. Truyện cổ tích thế sự; 3. Truyện cổ tích lịch sử.
Ông Nguyễn Đổng Chi không đề cập đến khả năng phân loại theo đề tài, một cách phân loại cho phép định nghĩa và nhích lại gần nhau những đề tài của các cổ tích vô danh và thiếu niên đại, còn cho phép theo dõi quá trình truyền đạt và những biến đổi của chúng.
Trong giai đoạn sơ sử, cổ tích chủ yếu là truyện hoang đường mà nhân vật là thần, hay anh hùng được thần thoại hóa (Phù Đổng thiên vương, Cao Sơn đại vương, Thục An Dương Vương, v. v…), hoặc thần súc vật (rồng, rắn, hổ. v. v…). Cuộc đô hộ của Trung hoa đã du nhập những tín ngưỡng của Phật giáo, Đạo giáo, và cổ tích cũng chịu ảnh hưởng của các tín ngưỡng ấy.
Mặt khác, những anh hùng dân tộc từng đấu tranh chống lại người Trung-hoa (Hai bà Trưng, Bố Cái đại vương, v. v…) cũng gây cảm hứng cho cổ tích và truyền thuyết. Dưới các triều đại Việt-nam, cổ tích và truyền thuyết đạt được thành tựu lớn. Dưới triều Trần (1225- l400), sân khấu Nguyên và các tiểu thuyết Trung hoa được du nhập, nhưng lòng mê say của dân chúng đối với truyện cổ vẫn nguyên vẹn. Dưới các triều Lê và Nguyễn (thế kỷ XV-XIX), ảnh hưởng của các tầng lớp thống trị, của quan lại xuất thân từ thi cử, lộ ra qua sự thịnh hành của các nhân vật cổ tích nhiều khi đã đỗ trạng nguyên hoặc là nhà nho. Dưới triều Nguyễn, những cuộc nổi dậy của các tầng lớp dân chúng, nhất là của nông dân, lại đi song song với một nền văn học truyền miệng nặng chất công kích hơn: truyện cổ bắt đầu mang tính phê phán và trào phúng.
Trong phần thứ hai (tr. 75-255), ông Nguyễn Đổng Chi cung cấp một sưu tập những truyện cổ tích mà cứ nhìn bề ngoài thì ông đã sắp xếp lại theo một trật tự nhất định: những cổ tích và truyền thuyết giải thích nguồn gốc một số vật hay loài vật (dưa hấu, trầu cau, sầu riêng, huyết dụ, các loài chim khác nhau, ếch nhái, khỉ, cá heo, con sam, con công, con quạ); những cổ tích và truyền thuyết giải thích nguồn gốc một số đặc thù của thiên nhiên hay loài vật (tiếng kêu của một số loài chim, tục ăn Tết); những cổ tích và truyền thuyết có liên quan đến một số thắng cảnh hay địa mạo bất thường ở Việt-nam: hồ Ba-bể, hồ Gươm, đầm Nhất-dạ, đầm Mực, sông Nhà-bè, sông Tô-lịch, sông Thiên-phù, sông Cẩm-lệ, sông Hòn Vĩnh-điện (tr. 254 – 255), tảng đá Mẹ-con, tảng đá Bà-rầu, núi Ngũ-hành, và một vài tháp Chăm (thành Lồi, tháp Nhạn, tháp Dương-lệ).
Khi nào có thể, ông Nguyễn Đổng Chi lại thêm vào từng truyền thuyết một vài lời bình và một số dị bản cũng phát triển những đề tài tương tự hoặc gần như thế. Theo ý chúng tôi thì các lời bình có phần còn mỏng quá. Đáng ra chúng phải bao gồm nhiều mảng đối chiếu hơn, hay ít nhất cũng chỉ ra nhiều điểm tham chiếu hơn: văn học dân gian Việt nam cũng đủ phong phú để cho phép làm thế. Mặt khác nếu cuốn sách của ông Nguyên Đổng Chi nhằm phục vụ các nhà nghiên cứu, chứ không phải công chúng rộng rãi, thì nó lại phô ra nỗi bất tiện sau đây: cổ tích và truyền thuyết được kể ra theo các dị bản của tác giả, mà tác giả lại thường phối hợp nhiều dị bản với nhau. Có lẽ tốt hơn là cứ trình với người đọc tất cả những bản mà mình trực tiếp sưu tầm được, chưa có biến cải gì.
Trái lại, ông Nguyễn Đồng Chi rất thận trọng trong việc minh giải các cổ tích và truyền thuyết. Ông không kiến tạo gì cả, không khai thác bằng cứ, trừ khi ông sẽ làm trong các tập sau đã được thông báo.
Dù sao, chúng ta chỉ đánh giá được việc làm của ông Nguyễn Đổng Chi một khi ông đã công bố trọn vẹn công trình của mình.
MAURICE DURAND
Tập san trường Viễn Đông bác cổ
[B. E. F. E. O. ], số 1-1964, tr. 243-244.
NGUYỄN TỪ CHI dịch
[1] “Truyện thế sự”, dịch từng chữ là “chose de ce monde”, gồm những truyện mà các nhân vật, diễn biến và khung cảnh đều như thực, chứ không thần kỳ và hư ảo
[2] Thực ra, trong nguyên tác, điều kiện thứ hai là: truyện cổ tích không được xa lạ với bản sắc dân tộc, và điều kiện thứ ba là: truyện cổ tích phải có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đạt đến một cấp độ cao trong văn xuôi tự sự truyền miệng. Xin xem các trang 48- 52 bản in lần này (N. D).
[3] Trong các bản viết tay để lại cho Hội Á châu (Société Asiatique), và đã được sứ dụng một phần trong tạp chí Du lãm và quan sát (Excursions et Reconnaissances).