Ngày xưa có một tay phú thương tên là Phong. Hắn ta có mười chiếc mành lớn chở hàng hóa bán khắp trong Nam ngoài Bắc. Mỗi một chiếc mành đều có một người lái do một thủ hạ tin cẩn cai quản. Trong số các lái có một người tên là Ninh, vốn tính nhanh nhảu được việc, nên được chủ rất tin cậy. Nhưng từ lâu, Ninh đã tằng tịu với vợ Phong mà Phong không hay. Hai người say mê nhau và điều ước muốn của họ là cuối cùng được công khai lấy nhau mới thỏa dạ.
Một hôm, vào ngày đầu năm, mười chiếc mành sắp sửa xuất phát. Theo lệ thường khi đến cửa sông, các mành buôn có ghé lại trước miếu Ông để làm lễ rồi mới ra khơi. Lần này, Phong theo các mành của mình đến miếu làm lễ, đãi các lái và thủy thủ ăn một bữa linh đình, rồi mới trở về nhà bằng đường bộ. Thấy chủ về một mình, lại về vào lúc khuya khoắt, Ninh lẻn theo đường tắt đón ở một bụi rậm xông ra đánh chết. Đoạn, hắn nhanh chân chạy về mành, vừa kịp lúc sắp sửa nhổ neo. Thế là mười chiếc mành dong buồm ra khơi, trừ tên sát nhân, không một ai biết rằng chủ mình bị giết, và cũng không một ai ngờ cho lái Ninh là thủ phạm.
*
Án mạng đưa lên, quan địa phương phải chờ đến khi tất cả mọi người trên mười chiếc mành trở về, mới bắt đầu tra xét. Nhưng không có một chứng cớ gì để ngờ cho một người nào. Sau bao nhiêu ngày hỏi cung không tìm ra manh mối, quan địa phương đành phải đệ vụ án lên quan trên xét xử. Bọn quan tỉnh khi nhận được hồ sơ rất lấy làm bối rối. Những cuộc hỏi cung lại tiếp tục nhưng không có kết quả gì. Sau cùng, có một người trong đám ty thuộc, một hôm đến gặp quan tổng đốc xin hiến một mẹo nhỏ có thể tìm ra thủ phạm. Hắn ghé và tai quan nói thầm mấy câu.
Lập tức quan sai bắt bọn lái và các thủy thủ đến miếu Ông. Quan bảo mọi người phải làm lễ và chầu chực ở miếu suốt đêm. Đến canh hai, quan cho gọi tất cả mọi người dậy và bắt mỗi người phải ngậm một đoạn bấc vào miệng, đồng thời mắt nhìn thẳng vào ngọn nến trên pho tượng thần. Quan nói:
– Thần ở miếu này rất thiêng. Thần đã chứng kiến cái ngày ông Phong bị giết và đã biết ai là thủ phạm. Ta đã khấn xin thần: bấc này ngậm vào, nếu người ngay thì không việc gì cả, nếu là người gian thì nở dài hơn của những người khác.
Theo lệnh quan, mọi người ngồi im lặng như thế cho đến sáng rõ mặt người. Trước án thư, mỗi người lần lượt đưa bấc tới đo. Quả nhiên, trong đó có một sợi khác với các sợi khác, nhưng không nở dài ra mà chỉ ngắn đi. Sợi bấc ấy chính là của lái Ninh. Khi nghe quan bắt ngậm bấc, Ninh sinh ra bàng hoàng lo lắng. Ngậm được một chốc, hắn cảm thấy sợ bấc trong miệng dài ra thật. Cho nên lúc gần sáng, hắn đã cắn bớt đi một tý. Khi đo bấc, hắn có ngờ đâu, chính vì thế mà bấc của hắn khác với của mọi người. Biết là sa vào mẹo của quan, và cũng nghĩ rằng oan hồn đến ngày báo phục nên lái Ninh đành thú nhận tất cả. Người ta bắt hắn cùng với người đàn bà bất chính kia đền tội[1].
KHẢO DỊ
Người Ấn Độ có một truyện kể, có kết cấu gần giống truyện trên:
Một đội quân đến đóng tại một làng nọ. Bỗng trong quân xảy ra một vụ mất trộm ví và giấy tờ. Có bảy người bị tình nghi là thủ phạm. Viên sĩ quan bèn nhờ cụ già chuyên xử án trong làng tên là Đam-xát tìm hộ. Ông này gọi bảy người đến nhà lấy khẩu cung rồi cho về. Chập tối, ông cho mỗi người một chiếc đũa bảo đó là đũa thần đem gối ở đầu giường, dặn hễ sáng mai đũa của ai dài thêm ba phân thì biết đó là kẻ gian. Sáng hôm sau, Đam-xát đến từng nhà thu lại đũa và cuối cùng ông trỏ vào một người bảo là thủ phạm lấy trộm ví. Hắn thú nhận ngay. Thì ra đêm qua, hắn đã bẻ bớt đi ba phân, tin rằng đũa đã dài ra[2].
[1]. Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn.
[2]. Theo báo Cải tạo (1948)