Xưa có một người đàn ông tính rất vũ phu. Đối với vợ con, hơi động một tý là hắn đánh đập không tiếc tay. Hắn ham chơi gà chọi, ham đến nỗi trên đời ngoài gà ra, hắn cho không còn thú gì tiêu khiển hơn thế được. Lần đó hắn mua được một con gà thật tốt. Con gà ấy có nước đá rất hay, đã từng đoạt được nhiều giải. Hắn quý gà vô cùng, chăm sóc từng ly từng tý một.
Một hôm hắn đi chơi xa, dặn vợ ở nhà trông nom con gà cho mình. Hắn dọa:
– Mạng của nó tức là của mày đó!
Ngày hôm đó gà mấy lần chạy ra ăn đỗ phơi ở sân. Người vợ ngồi chặt củi gần đấy đuổi mãi không được. Một lần, sẵn con dao chặt củi, chị cầm ném đuổi gà. Không ngờ dao trúng vào cổ, con gà giãy lên đành đạch, một lát thì chết.
Thấy con gà cưng của chồng chẳng may vì mình mà chết, người vợ xanh cả mặt. Nghĩ đến những trận đòn của chồng, nàng gạt nước mắt khóc. Nàng bảo mẹ chồng:
– Con không may đánh chết gà. Chồng con về chắc sẽ không để yên cho nào. Nhưng con đã có mang được bốn tháng nay, biết làm sao bây giờ?
Bà cụ đáp:
– Con đừng lo, để mẹ nhận là mẹ ném cho. Chả nhẽ nó lại ăn thịt mẹ nó hay sao?
Người chồng trở về, vừa bước chân vào nhà đã hỏi vợ:
– Con gà đâu?
Người vợ run rẩy chưa kịp đáp thì người mẹ đã bảo:
– Tao nhỡ tay trót ném chết nó. Rồi ta sẽ đền tiền cho mày mua con khác.
Hắn ta nổi giận đùng đùng, hất hàm hỏi vợ:
– Mày thổi cơm mau mau cho bà ấy ăn no đi!
Cả nhà tưởng hắn dọa dẫm bà cụ. Nhưng cơm nước xong hắn cầm thuổng đi trước, bảo vợ lấy dây trói tay mẹ lại, dắt đi sau. Ra đến cánh đồng, hắn hì hục đào một cái huyệt, quyết định chôn người đã làm chết con gà quý của mình. Nhưng ở trên thiên đình, Ngọc Hoàng đã thấy hết được tội ác của thằng con bất hiếu, liền sai Thần Sét xuống trị tội ngay. Vì thế, huyệt vừa đào xong bỗng đâu trời nổi một cơn gió lớn, giữa đồng có một tiếng nổ rất to. Thần Sét đã nhảy xuống từ khi nào, đánh hắn ngã xuống một bên huyệt và thích mấy chữ vào mặt.
Thiên hạ nghe tin đồn đổ xô đến xem rất đông. Khi quan về khám, sai lấy dấm bôi vào mặt, thấy nổi lên tám chữ “Quý gà chôn mẹ, tội ác không tha”. Ngày nay ở vùng Bắc-ninh có còn cái bia ghi câu chuyện trên[1]. Câu rủa Con trời đánh cũng là do truyện ấy mà có.
[1] Theo Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề.