Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nghèo mà không có con. Hai người khấn vái hết đền này đến chùa khác, mãi sau mới sinh được một mụn con trai. Thằng bé lớn lên như thổi. Nhưng càng lớn hắn càng ăn rất tợn: bung kia, chảo nọ nấu lên bao nhiêu cũng vơi. Hai vợ chồng cố sức làm lụng để nuôi con nhưng không nuôi nổi. Trong nhà có vật gì đáng tiền, họ đều bán sạch để cho con chèn dạ dày. Sau rồi họ nghĩ chỉ có cách cho con đi tha phương cầu thực thì mới đỡ khốn vì nó. Một hôm người cha gọi con lại bảo rằng:
– Nay con đã khôn lớn mà cha mẹ thì gần đất xa trời, yếu đuối không làm gì sinh lợi được nữa. Ngày xưa lúc nhà ta còn khá giả, có cho hoàng đế Trung-quốc vay vàng và bạc đến hơn 70 vạn lạng. Bây giờ con tìm cách sang bên đó đòi lấy mà ăn.
Nghe nói, người con vâng lời đi ngay. Chàng cứ dọc bờ biển đi lần về phương Bắc. Một hôm đến một xứ kia, bỗng gặp một người khổng lồ đang tát biển, anh chàng tiến lại, hỏi:
– Anh làm gì đấy?
Khổng lồ đáp:
– Tôi tát cho cạn biển, để tìm vàng ngọc ở dưới đó.
– Sức lực một mình làm sao mà tát cạn được.
– Ta có sức khỏe không ai bì kịp. Không tin anh cứ thử lại xách cái gầu của ta xem.
Nhưng khổng lồ lấy làm lạ vì thấy hắn cũng nhấc nổi cái gầu của mình, bèn mời về nhà kết nghĩa anh em. Anh chàng bèn rủ: – “Anh hãy đi theo tôi đòi nợ vua Trung-quốc lấy tiền ăn tiêu ngay, còn như tát biển thì chờ lúc nào về sẽ tiếp tục”. Khổng lồ nghe bùi tai liền cùng nhau ra đi.
Một hôm, họ đi đến một hòn núi. Thấy một anh chàng trẻ tuổi đang ngồi trên một tảng đá lớn có vẻ nhàn hạ, hai người tiến đến hỏi hắn làm gì mà ngồi đây. Hắn đáp:
– Tôi ngồi đây thỉnh thoảng lại thổi một hơi làm cho gãy cây ngã cối đưa về làm củi!
Nghe nói lạ, hai người bảo anh làm thử cho xem. Quả nhiên hắn vừa phùng má thổi một hơi thì cây cối ở trước mặt tự nhiên ngã rạp xuống như bị một trận bão nặng nề. Hai người bảo anh rằng:
– Bác có tài như thế nào không đi khắp thiên hạ làm cho nổi tiếng một phen, chứ lại sống chui rúc ở xó rừng này làm gì? Thôi! Bác hãy cùng với chúng tôi đi đòi nợ vua Trung-quốc ngó chừng còn thú vị hơn ở đây!
Anh chàng nghe nói bằng lòng ngay. Rồi đó cả bọn cùng lên đường.
Mười ngày sau, bọn họ lại đến một khu rừng khác. Thấy từ trong rừng sâu bước ra một người cao lớn vai gánh một đôi voi đi như bay, cả bọn kính phục vội gọi giật lại, hỏi:
– Bác gánh voi đi đâu thế?
– Tôi hằng ngày vào rừng tìm voi mà bắt. Bắt được con nào thì trói giò lại gánh về để cho rữa thịt lấy một hai cây ngà bán kiếm tiền ăn tiêu.
Cả bọn bảo:
– Thôi! Sức khỏe như thế thì tội gì cặm cụi trong rừng như thế cho khổ. Hãy đi với chúng tôi đòi nợ vua Trung-quốc về chia nhau đi?
Nghe nói anh chàng vừa ý vội bỏ voi lại nói:
– Ừ, thì đi.
Đến kinh đô Trung-quốc, bốn chàng tìm vào hoàng cung. Một toán lính gác cổng cản lại không cho vào. Cả bọn nổi xung lên, nói:
– Chúng ta sang đây đòi nợ chứ có phải đi chơi đâu mà không cho vào.
Và họ toan giã cho chúng một trận, nhưng anh chàng ăn khỏe càn lại rồi biên một bức thư đòi nợ, bảo tên lính đem vào cho vua. Hoàng đế Trung-quốc đọc xong lấy làm lạ, liền sai một viên cận thần ra xem thử người nào mà to gan đến thế. Viên cận thần ra một lát trở vào tâu rằng:
– Có bốn tên dị hình dị dạng ở nước An-nam sang, đưa nào cũng quyết đòi được nợ mới về. Chúng nó toan đánh cả lính.
Hoàng đế nghe nói không vui, nhưng cũng truyền dọn yến đãi đằng tử tế trước khi gặp họ.
Bốn chàng được mời vào phòng riêng ăn uống nghỉ ngơi trong vài ba ngày. Nhưng họ ăn uống hung quá đến nỗi qua ngày thứ ba, mấy viên quan trông nom về ngự thiện phải vào báo cáo với vua rằng kho thức ăn của hoàng đế vì tiếp đãi bốn người khách lạ đã vơi hết già nửa. Hoàng đế nghe nói giật mình, vội bảo mấy viên đại thần tìm cách ám hại họ đi cho khỏi phiền. Người ta được lệnh mời bốn anh chàng đi thuyền chơi hồ, rồi nhè lúc thuyền ra giữa hồ thì đánh đắm cho chết đuối tất cả.
Quả nhiên bốn anh em không ngờ sa vào mưu trí bị chìm xuống nước. Nhưng giữa lúc nguy cấp thì anh chàng khổng lồ đã nắm lấy chiếc thuyền như một chiếc gầu rồi tát lấy tát để. Chỉ trong một chốc đáy hồ khô cạn, cứu được ba bạn khỏi chết đuối.
Thấy họ sống yên lành, hoàng đế tức giận, vội sai dọn yến khoản đãi, rồi chờ lúc họ no say mới sai mấy đội quân xông vào vây chém. Hôm ấy bốn chàng vô tình cùng nhau chén tạc chén thù không nghi ngờ gì cả. Bỗng nhiên một tiếng hô vang, phục binh xông ra như kiến. Cả bọn toan chạy, nhưng anh chàng thổi khỏe đã ngăn lại mà rằng:
– Các anh cứ ngồi yên, để tôi cho bọn chúng xiêu giạt một phen!
Nói rồi phùng má thổi mấy hơi. Bọn lính chịu không nổi với sức gió, bay văng đi như những cái lá khô. Thế là ở trong này, bốn chàng vẫn cứ ung dung ngồi chén tỳ tỳ cho đến mãn tiệc.
Lần này hoàng đế Trung-quốc lo lắng hết sức. Vua sai triệu các vị Cơ mật đến tính cách đối phó. Nhưng mọi người khuyên vua nên trả quách đi, cho êm chuyện. Vua nói:
– Bảy mươi vạn lạng thì nhiều quá. Các khanh có cách gì bắt chúng giảm bớt được không?
Một viên tâu lên:
– Bệ hạ cứ giả cách bằng lòng trả, nhưng bắt các thần dần, các thuyền bè xe cộ, khắp trong nước không ai được đánh thuê, chở thuê cho chúng nó và bắt chúng nó không được chuyên chở làm nhiều lần. Như thế dù có sức như Hạng Vũ cũng chỉ mang ra được chừng dăm bảy trăm cân là hết nước.
Vua bằng lòng theo cách đó. Đến ngày nhận vàng bạc, người ta thấy một mình anh chàng gánh voi quảy hai sọt lớn vào kho. Chúng không ngờ chỉ một người đó mà thôi, đã thừa sức gánh 70 vạn lạng. Bọn quan coi kho không biết làm thế nào, đành cắm đầu cân lấy cân để, vơi hẳn cả kho vàng bạc.
Được của, bốn anh chàng cúi chào hoàng đế rồi ung dung đi ra khỏi cung. Về nước, họ chia nhau tiêu xài sung sướng trọn đời[1].
KHẢO DỊ
Truyện của ta gần giống với một số cổ tích của các dân tộc, trong đó có truyện Sáu tài tử, cổ tích nước Đức do Grim (Grimm) sưu tập là tiêu biểu: một bác lính đi đánh giặc, mãn hạn về được vua trả cho ba đồng bạc. Tức vì bị bạc đãi, bác bèn đi lập nghiệp. Dọc đường, bác gặp một người cao lớn đang nhổ cây dễ như nhổ cỏ, bèn rủ đi với mình. Người ấy bằng lòng theo đi. Đến một chỗ khác họ gặp một nhà thiện xạ có thể bắn trúng một con ruồi cách xa hai dặm. Nhà thiện xạ nghe lời rủ, cùng đi với họ. Tiếp đến, một người chỉ dùng một lỗ mũi thổi quay bảy cái cối xay, một người khác đi nhanh như gió nếu lắp cả hai chân vào; một người khác nữa có thể làm cho một vùng lạnh toát nếu đội ngay ngắn chiếc mũ chỉ bằng cái nắm tay: cả mấy người đều theo họ đi lập nghiệp. Đến một nước kia, họ thấy có bảng yết ai chạy thi múc nước nhanh hơn công chúa thì công chúa sẽ lấy làm chồng, trái lại thua thì bị chém. Anh chàng có thuật “phi hành” ra thi. Chàng vượt lên trước rất xa, đến máy múc đầy bình rồi chạy trở về. Dọc đường hơi mệt, chàng gối đầu lên một bộ xương sọ ngựa và ngủ quên lúc nào không biết. Đến lúc công chúa chạy về qua đó thấy hắn ngủ, liền đổ bình nước của hắn rồi chạy về trước. Từ xa nhìn thấy thế nguy, nhà thiện xạ bắn một phát vỡ bọ xương ngựa làm cho hắn bừng tỉnh dậy. Thấy bình nước của mình đã đổ mà công chúa thì sắp về tới nơi, hắn mới lật đật mang bình chạy trở lại máy, múc đầy nước rồi chạy về. Thế mà hắn vẫn đến đích trước công chúa.
Thấy con thua, vua bực mình, định bụng trừ cả bọn cho rảnh. Bèn sai dọn tiệc mời họ vào phòng ăn uống rồi sai đốt lửa ở dưới hầm cho chết. Nhưng nhờ có “Anh chàng đội mũ” sửa chiếc mũ của mình ngay ngắn lại nên họ vẫn không việc gì cả. Biết họ có tài, vua rất sợ, đành phải thương lượng với họ cho họ một số vàng bằng một người vác nặng, để khỏi phải gả công chúa. Bác lính ta bèn gọi bao nhiêu thợ may lại may một cái túi khổng lồ và giao cho “anh chàng nhổ cây” đến lấy vàng. Vua không ngờ tất cả vàng trong kho mang đến đều lọt thỏm vào túi của hắn mà vẫn chưa đầy. Bọn họ ra đi, vua cho binh mã đuổi theo định bắt lại. Nhưng “chàng thổi khỏe” đã làm cho chúng bay mọi ngả. Họ đưa vàng về xứ sở, chia nhau sống sung sướng.
Một dị bản khác của người Đức ở Sơ-va-ben:
Vua nước Phổ đau nặng, thầy thuốc bảo nếu trong 8 giờ nữa mà không có thứ cỏ hồi sinh lấy được ở Thụy-sĩ thì vua sẽ chết. Vua sai rao người nào mang được cỏ về chữa cho vua, muốn lấy bạc bao nhiêu tùy ý.
Có bốn anh em: một người Bắn giỏi, một người Chạy tài, một người Thổi mạnh, một người Nhổ cây. Nghe vua rao, Chạy tài đi lấy cỏ và mang về cho vua. Lành bệnh, vua giữ lời hứa, nhưng chỉ cho bạc vừa đủ một người mang nặng. Nhổ cây bèn vét hết kho của vua vào cái túi khổng lồ của mình, và Thổi mạnh làm cho mấy đại đội của nhà vua – vì tiếc của sai đuổi theo – rơi xuống hồ chết đuối (không thấy nói đến sự trổ tài của Bắn giỏi).
Truyện của người Mô-rơ (Maures) ở An-jê-ri (Algérie):
Một anh chàng nhà nghèo có giọng hát hay. Một hôm có một thầy pháp (ha-kim) đến bảo anh đi hỏi công chúa làm vợ, ông ta sẽ giúp cho thành công. Anh nghe lời, lập tức đến trước cung công chúa giữa ban đêm hát một bài. Công chúa nghe mê mệt. Khi người hát ra về, công chúa ngất đi. Sau khi tra xét, vua bắt anh hạ ngục, sai lính canh giữ nghiêm ngặt. Hôm sau nhờ phép màu của thầy pháp, anh vượt ngục mà lính canh không biết. Tối lại, anh đến hát ở cửa cung. Công chúa đang mê tự nhiên tỉnh dậy, chạy đến cửa sổ, rồi lại ngất đi. Thấy anh trốn thoát, vua rất bực, thề không gả con cho tên khốn nạn. Nhưng anh chàng theo lời thầy pháp đến gặp vua xin lấy công chúa. Trước mặt bách quan, vua đặt điều kiện nếu có “một chiếc tàu đi trên đất không cần ngựa hoặc gió” làm sính lễ, sẽ gả.
Nhờ thầy pháp, anh chàng tìm đến một vị thần; ở đây anh lần lượt nhận được một chiếc tàu và hai chiếc đũa vàng, khi cưỡi lên chỉ cần mỗi bên một chiếc đũa gõ vào là tàu chạy. Đưa tàu về đến bờ sông, anh gặp một người uống cạn nước sông, anh mời đi theo; lại gặp một người thứ hai có tài ăn một bữa một đống bánh ngọt to như đống rơm; lại gặp một người thứ ba có tài chạy nhanh như gió tuy mỗi chân đeo một hòn sắt nặng; người thứ tư có thể ghé tai “nghe được quả chín”; và người thứ năm có thể bẻ gãy đại thụ và nhổ bật rễ. Họ đều theo lời mời của anh, lên tàu cùng đi.
Vua tuy thấy có sính lễ như ý muốn vẫn chưa chịu gả “vì sợ các vua khác chế giễu”. Cố vấn của vua bày cho vua đặt điều kiện mới: phải uống cho hết nước các giếng trong vườn. Ông bạn đường “uống cạn sông” giúp anh làm mấy tu khô cạn ngay. Vua lại bắt phải ăn 10 đĩa, trên mỗi đĩa có một con cừu. Ông bạn tài ăn ngốn sạch, còn hỏi vua xem có còn mười đĩa nào nữa không. Lần thứ ba vua và cố vấn ghé tai nói nhỏ với nhau mấy câu, bảo đoán. Ông bạn “nghe được quả chín” giải quyết được việc này. Lần thứ tư vua bắt chạy thi với một kị sĩ ngựa phi nhanh như chim bay. Ông bạn tài chạy nhường cho ngựa chạy trước rồi mới lê hai hòn sắt đuổi theo, thế mà đuổi kịp ngựa, lại đỡ kị sĩ ngã ngựa trèo lên ngựa, xong rồi vẫn chạy về được trước. Điều kiện lần thứ năm là phải nhấc bổng và di chuyển một cột đá hoa, cấm thở. Ông bạn “bẻ gãy đại thụ” mời tất cả các người làm chứng ngồi lên cột, rồi nâng lên và đi lại trước mọi người.
Vua và quan thần bối rối, hẹn ba ngày nữa trở lại. Nhờ phép thần của thầy pháp, anh chàng được bí mật chứng kiến cuộc họp kín của vua quan. Một tên quan tâu xin ám sát anh cho đỡ phiền, nhưng cố vấn gạt đi, chỉ ra một điều kiện khó hơn là phải làm sao cho tàu chở được tất cả các thần dân bao gồm già trẻ lớn bé và quân đội trong nước, mới gả.
Nhờ thầy pháp, anh lại có cách làm cho tàu chở mấy cũng vừa. Đến ngày hẹn, vua cho rao khắp mọi nơi bắt tất cả dân trong nước tập họp lại để lên tàu. Tàu chạy. Vua giảng cho dân biết lý do gả công chúa cho anh chàng, và nói điều kiện mà vua đặt ra “từ xưa chưa hề có vua nào đặt ra như thế cả”. Lễ cưới tổ chức xong, chàng trai trẻ tuổi chặt đầu viên đại thần đã tâu xin vua ám sát mình.
Truyện của Ấn Độ:
Trên đường đi tìm một công chúa để kết hôn, một hoàng tử gặp một vị hung thần có tài đi như bay, vượt sông vượt núi, gọi là Tiểu hành giả. Hoàng tử gọi hắn bằng bác và thuyết phục được hắn đi theo giúp đỡ mình. Đi được ít lâu lại gặp một hung thần có tài ăn gọi là Tiểu thực giả, lần thứ ba gặp một hung thần khác có tài uống gọi là Tiểu ấm giả. Khi đến kinh đô một nước lọ, gặp lúc nhà vua (Rát-ja) ở đây đang kén rể với điều kiện: kẻ nào ăn một lúc một buồng đầy bánh ngọt, rồi nhảy qua được một con sông, rồi lại uống hết tất cả nước ở trong một bể nước thì được lấy công chúa. Hoàng tử vào cung nhận lời thách cưới của vua. Nhờ có ba người bạn đường biến hình giống hoàng tử lần lượt vào thực hiện xong các điều kiện vua nêu nên vua y ước gả công chúa cho hoàng tử.
Truyện của người Xen-tờ (Celtes) ở Ê-cốt-xơ (Écosse):
Ba công chúa con vua Lôch-liu mất tích. Một nhà thông thái cho biết có tên Khổng lồ đã mang nàng xuống dưới mặt đất, và chỉ có một điều kiện cứu thoát là làm cách nào chế một chiếc tàu đi trên đất cũng dễ dàng như đi dưới biển. Vua cho rao khắp nước, hứa gả công chúa đầu cho người nào cứu được cả ba chị em. Con trai một bà góa lật đật đi đến một bờ sông chặt gỗ đóng tàu. Đang làm, có một dị nhân hiện ra xin một miếng bánh ngọt. Anh ta không cho; kết quả việc đóng tàu thất bại. Việc cũng xảy ra như thế đối với người em thứ hai. Riêng người em út đã chia phần bánh của mình cho dị nhân. Người đó bảo anh hãy trở lại sau một năm và một ngày. Đến ngày hẹn, anh tới nới thì thấy con tàu đã đóng xong, mọi thứ đều sẵn sàng. Lập tức anh nhổ neo đi tìm. Cũng như truyện trên, tàu đi đến bến gặp một người uống cạn nước sông, sau đó gặp một người ăn tất cả bò của một cái trại, rồi gặp một người thứ ba ghé tai sát đất nghe được cỏ mọc. Anh ta lần lượt thuyết phục họ và mời lên tàu. Tàu đang chạy, bỗng người thứ ba báo tin là đã đến nơi có khổng lồ và công chúa. Đất ở đấy có một lỗ hổng to, cả mấy người tụt xuống trong một cái sọt. Đến nhà tên khổng lồ thứ nhất. Tên này bảo phải mang đến một người uống thi, nếu nó thua sẽ xin trả công chúa. Tên khổng lồ uống quá sức vỡ bụng chết. Đến tên thứ hai cuộc thi giữa nó và người ăn bò cũng làm cho nó vỡ bụng trong khi anh này mới no được một nửa. Đến nhà tên thứ ba, nó buộc anh chàng ở hầu nó một năm và một ngày. Đến hẹn, tên này cho diều mang anh ra khỏi thế giới dưới đất.
Truyện của người Xéc-bi (Serbie) có đoạn kết giống với các truyện trên:
Một anh chàng nằm chiêm bao thấy được làm rể nhà vua. Trải bao gian khổ, giấc mộng được thực hiện. Có ba đứa con của một lão đại thần (vi-dia) thấy thế thì ghen tức tìm cách bắt lấy công chúa. Chúng mời anh ăn một bữa tiệc và ra điều kiện nếu ăn không hết thì phải gán vợ và lính hầu lại.Trong khi đi dọc đường đến nơi ăn tiệc, tình cờ anh lần lượt gặp một người có thể nghe cỏ mọc, một người chạy như bay, một người ăn khỏe và một người uống cạn hồ. Thế là vào tiệc người ăn khỏe đã ngốn sạch mọi món ăn. Ba người kia lại đòi ra điều kiện nữa, nếu thua thì chúng sẽ gán cho họ vợ và toàn bộ của cải. Điều kiện thứ nhất là vào ngồi trong một lò lửa. Anh uống cạn hồ đã nhảy vào lò sau khi tuôn tất cả nước hồ vào lò. Những điều kiện ra sau làm cho anh chạy như bay và anh ném lao có dịp trổ tài. Cuối cùng chàng trai trẻ tuổi trở về với vợ và ba người đàn bà kia cùng tất cả của cải của lũ con đại thần.
Truyện của người Ác-mê-ni (Armênie):
Một chàng trai trẻ tuổi nằm chiêm bao thấy mình một lúc làm rể hai ông vua. Tỉnh dậy anh cười, ai hỏi cũng không nói. Sau đó anh trở thành con nuôi vua phương Đông, lấy công chúa con vua này. Cưới xong, xong lại lên đường lấy công chúa con vua phương Tây như lời vua đã hứa. Trên đường, anh đã lần lượt gặp và đưa đi theo một người nghe giỏi, một người chạy nhanh, một người bạo ăn, một người khỏe đến mức “bỏ lên vai cả thế giới và nâng lên”, một người uống khỏe, và cuối cùng một người chăn cừu chơi một chiếc sáo có thể làm cho người, vật, núi, đồi đều nhảy nhót. Vua phương Tây ra điều kiện khó khăn để nuốt lời hứa. Nhưng người bạo ăn đã giải quyết xong. Vua lại mời mọi người vào nghỉ trong một ngôi nhà rồi đốt lửa cho chết, nhưng người uống khỏe đã phun ra một hồ nước cứu thoát. Sau đó, người nghe giỏi lần lượt báo tin cho chàng trai trẻ tuổi biết những âm mưu khác của vua cùng quần thần. Nhưng người khỏe đã nâng lâu đài nhà vua lên và mang đi. Người chăn cừu làm cho núi đồi nhảy nhót, và người chạy giỏi cũng có công việc của mình. Vua đành phải gả con cho chàng trai trẻ tuổi. Trở về, anh mới kể lại câu chuyện chiêm bao của mình cho mọi người biết.
Truyện của người Xi-xin (Sicile):
Một chàng trẻ tuổi nhờ có Thánh Jô-dép giúp đỡ, đã gặp được nhiều vị anh tài, và nhờ họ, anh chàng đã thực hiện được những thử thách gay go của nhà vua. Vua không thể sai lời hứa, đành phải gả công chúa cho anh, nhưng ra lệnh rằng của hồi môn chỉ cho vừa đủ một người mang ra mà thôi. Anh bèn giao nhiệm vụ ấy cho vị anh tài “có thể đặt lên vai một nửa cánh rừng khiêng đi”. Và vị này đã mang tất cả những gì ở trong cung, kể cả cái mũ miện của vua rồi chất lên tàu. Tàu đưa công chúa và của cải về nước. Ở đây vua cũng sai một hạm đội đuổi theo hòng cướp lại, nhưng lại không có sự việc nhấn chìm đối phương bằng cách thổi gió. Một trong những vị anh tài đi theo chàng trai trẻ tuổi chuyên môn thu thập mây vào túi, được thánh Jô-dép ra lệnh cho mở túi, nhờ thế tàu được mây trùm kín, thoát khỏi sự tìm tòi của hạm đội, và cuối cùng về nước vô sự.
Hai truyện sau đậy lại giống với truyện của ta ở chi tiết đòi nợ vua. Truyện của người Ru-ma-ni (Roumanie)ở Tờ-răng-xin-van-ni (Transylvanie):
Một công chúa trái ý vua cha, yêu một viên tướng trẻ, hai bên muốn lấy nhau. Cuối cùng, vua bằng lòng và gả với điều kiện là viên tướng phải đi đòi nợ hoàng đế Thổ một số tiền lớn vay từ lâu. Viên tướng nhận lời ra đi. Dọc đường anh ta đã gặp nhiều anh tài và đưa họ đi theo. Vua Thổ sẵn sàng trả nợ nếu viên tướng hoàn thành trót lọt một số thử thách. Tất cả đều làm xong nhờ có các vị anh tài. Sau đó vị anh tài Nhổ cây đặt lên lưng mình tất cả số tiền nợ khoảng 100 tạ và khuân lên tàu. Khi tàu kéo buồm, vị anh tài Mắt nhìn thấu mọi nơi báo tin hoàng đế Thổ đã cho một hạm đội đuổi theo để đòi lại. Vị anh tài Thổi bèn gây ra một trận bão dữ dội làm tan tành hạm đội. Kết quả, viên tướng thắng lợi trở về được lấy công chúa.
Truyện do bà Ôn-nôi (madame d’Aulnoy) sưu tầm:
Một kỵ sĩ tốt số được vua sai đến vua Ma-ta-pa để đòi một kho tàng mà vua giành được trong một trận chiến tranh. Kỵ sĩ ra đi, và cũng như các truyện trên, dọc đường lần lượt gặp các anh tài và đưa họ đi theo. Đến nơi vua Ma-ta-pa liên tiếp buộc anh phải làm mấy việc, nhưng nhờ anh tài Ăn và Uống giải quyết xong. Không thể sai lời hứa, vua bảo kỵ sĩ hay một người nào đó một mình mang kho vàng ra. Chỉ một mình anh tài Cứng xương đã vét sạch cung vua. Khi ra về, anh tài Tai thính báo tin có một đội kỵ mã do nhà vua sai đuổi theo lấy lại. Anh tài Nhắm giỏi có con mắt nhìn thấu mọi nơi thấy họ đang trèo thuyền để qua sông. Anh tài Thổi vội vàng phồng má thổi một hơi làm cho thuyền lật, nhấn chìm đội kỵ mã[2].
Một truyện của đồng bào Tày Người bảy ống dường như là một dị bản của truyện ta, trong đó cũng có nói đến tình tiết đòi nợ nhưng diễn biến và kết quả thì lại khác hẳn:
Hai vợ chồng nhà nọ không con. Người vợ một hôm ngồi ở sàn nhà nhìn thấy có một đứa bé từ đâu rơi xuống ao, trong khi đó có một con bò đang uống nước ao. Đứa bé rơi qua đầu con bò thuận tay thoi một thoi vào mạng sườn, con bò gãy xương chết ngay. Người vợ ra vớt đứa bé lên đưa về mớm cơm nuôi làm con. Lớn lên mỗi bữa nó phải ăn bảy ống gạo mới no, nên có tên là Bảy ống.
Đứa bé lớn lên lại càng khỏe và hung dữ. Một đứa trẻ chơi với nó, nó chỉ búng một cái chết tươi. Người bố nuôi nghĩ rằng phải tìm cách giết đứa bé mới khỏi khốn vì nó. Một hôm bảo con cùng lên núi đi chặt cọc rào. Bố ở trên cao chặt cọc, vát nhọn, nhắm vào con mà lao, bảo nó bắt. Lao bao nhiêu bắt lẹ bấy nhiêu, rồi vác tất cả về nhà. Hôm khác, bố lại rủ con đi chặt cây làm cối. Chặt một cây kè từ sáng đến chiều, cây sắp ngã, bố bảo con cúi xuống nhặt quả rụng. Cây đè lên con, nhưng không ngờ đứa bé vác ngay cây về. Đến làng nọ dựng đứng cây ở bãi, gọi bọn trẻ lại nhặt quả. Khi bọn trẻ đến đông đủ, nó thả cho cây đè chết tất cả.
Bố lại bảo con: – “Ở một làng nọ có một ông già tên là Su-si-lá-nặm, ông ấy có vay của bố 10 thỏi bạc to bằng cột nhà, 9 thỏi vàng dài bằng cây tre và một mụn[3] bạc vụn. Con đến đòi hộ cho bố!”. Chủ ý của bố là muốn mượn tay ông già này giết chết đứa trẻ vì ông ta có sức khỏe phi thường. Hắn đến nơi, ngồi chờ đến tối, bỗng thấy trời u ám, gió bay tung, nhìn ra thấy ông già gánh mỗi bên một bó củi to bằng quả núi, mỗi bên lại có treo ba con hươu gạc. Su-si-lá-nặm quăng xuống sân tiếng kêu như sấm, bảo con gái: – “Con hãy đi nướng sáu con nhái này (chỉ sáu con hươu) ta ăn!”. Ăn xong ông ngủ ba ngày ba đêm. Kêu và lay mãi không được, Bảy ống dùng mõ trống đánh bên tai, rồi đi múc sáu ống nước đổ vào mũi cũng không ăn thua. Sau lấy lửa quạt vào mũi mới dậy nghe nói chuyện đòi nợ, Su-si-lá-nặm bảo: – “Đi mau không tao giết !”. Hai người bắt đầu đánh nhau, cuộc chiến đấu kéo dài từ trên rừng xuống đến dưới biển mà chưa biết ai thua ai được.
Lúc này ở biển có một ông Khổng Lồ (Cồm phả) đang cúi lom khom bắt cá nhưng lưng đụng trời. Thấy có hai người đánh nhau, Khổng Lồ nói: – “Sao lại có hai con nhái đánh nhau thế này!”. Nói rồi khuơ tay bắt lấy cả hai bỏ vào giỏ đeo sẵn ở lưng. Hai người vào giỏ vẫn còn đánh nhau khiến cho dây buộc giỏ đứt, giỏ rơi mất. Vì vậy, khi bắt được cá., Khổng Lồ phải ném lên ruộng gần đó, mỗi lần ném, cá đầy một đám ruộng cấy hai ngàn môi mạ. Một người tên là Sắc Sưa (giặt áo) đang giặt áo gần đó, hỏi xin cá. Khổng Lồ đáp: – “Muốn lấy bao nhiêu thì lấy”. Nhưng Sắc Sưa chỉ bốc một bốc là hết cả cá[4].
Về hình tượng một cái túi bỏ lọt hàng kho của mà không đầy, xem thêm truyện Khổng Lồ đúc chuông, (số 67) sau đây.
[1] Theo Trương Vĩnh Ký, sách đã dẫn, và lời kể của người miền Bắc.
[2] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin). Sách đã dẫn.
[3] Một mụn độ 12 ki lô.
[4] Theo Đơ-jor-jơ (Degeorge), đã dẫn, XVI-XVII (1921-1922). Theo chúng tôi đoạn kết của truyện này không thống nhất với đoạn đầu, dường như là hai đoạn của hai truyện khác nhau kết hợp lại.