NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Nhân tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập
Ads Top

Ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ đều chết cả. Họ ở chung với nhau một nhà. Người anh tính nết tham lam, còn em đang ít tuổi có phần khờ dại. Rồi đó người anh lấy vợ. Cũng như chồng, người đàn bà ấy vừa tham lam vừa độc ác. Không muốn cho em ở chung với mình, hai vợ chồng quyết định chia gia tài, lấy cớ rằng để ai lo phân nấy. Khi chia của, họ chiếm hết gia tư, điền sản quý giá của cha mẹ để lại, chỉ để cho em một gian nhà nhỏ, với mấy thửa ruộng xấu.

Nhưng người em không chút ganh tỵ, vui vẻ nhận lấy phần của mình. Anh ta cày bừa tất lực. Không có lúa giống, anh tìm đến nhà anh một mình năn nỉ xin vay. Hai vợ chồng bằng lòng cho vay, nhưng trước khi giao lúa cho em, người đàn bà đem luộc lên tất cả. Người em vô tình cứ thế đem gieo. Và thế là những hạt lúa ấy đều không nảy mầm, trừ có mỗi một hạt vì sót trong mủng không luộc đến. Thấy lúa không mọc, người em buồn quá, nhưng không biết làm thế nào. Anh đành đem cây mạ độc nhất ra cấy ở ruộng. Anh chàng chăm chút tưới bón và bắt sâu cho lúa.

Không ngờ cây lúa mỗi ngày một cao lớn vùn vụt. Nó vượt lên quá đầu người, gốc tỏa ra không biết bao nhiêu là nhánh. Dần dần nó to như một cây đại thụ, bông nở chi chít che kín cả ruộng. Anh chàng sung sướng không nói hết, hàng ngày vun tưới chẳng rời. Đến ngày lúa chín, anh ra ở luôn ngoài ruộng canh giữ.

Tự nhiên một hôm có con chim đại bàng ở đâu sà xuống bên cạnh cây lúa của anh mổ lấy mổ để. Tiếc công sức vun trồng, anh cầm gậy xông đến toan đánh nhau với chim. Chim bỗng nói to lên: – “Đừng đánh ta, ta ăn ta sẽ trả ơn cho!”. Anh chàng dừng tay hỏi: – “Trả ơn như thế nào?”. – “Tối nay ta sẽ đưa đến một nơi có nhiều vàng bạc, lấy về mà tiêu”. Quả nhiên, đêm ấy chim đại bàng đến bảo anh ôm lấy chân mình, rồi vỗ cánh bay mãi ra tận một hòn đảo ở ngoài biển Đông. Từ trên cao, anh đã thấy vàng ngọc sáng rực cả một vùng. Nhưng hòn đảo này ở gần chỗ mặt trời đi qua, mỗi lần mặt trời mọc, ánh nắng thiêu đốt dữ dội không một giống vật nào có thể chịu nổi. Vì thế chim đại bàng vừa đặt anh xuống, đã giục anh lấy nhanh mà về để tránh tai nạn xảy ra. Nghe nói, anh chàng lượm vội một ít vàng ngọc giắt vào người rồi nhờ chim đưa về.

Từ đó, anh tậu ruộng làm nhà, sắm đồ ăn thức mặc, mượn kẻ hầu người hạ, trở nên giàu có sung sướng. Hai vợ chồng người anh thấy em tự nhiên có nhiều của thì lấy làm lạ, bèn đến nhà chơi hỏi thăm cho biết. Nghe kể rõ đầu đuôi, người anh cũng muốn được may mắn như em. Hắn hỏi mượn bụi lúa khổng lồ của em để may chi có thể gặp con chim đại bàng. Người em không đợi anh nài nỉ, vui vẻ ưng thuận.

Quả nhiên chim lại đến ăn lúa. Người anh cầm gậy xông ra, chim cũng hứa với hắn như đã hứa với người em và sau đó đưa hắn đi lấy vàng ngọc. Được rơi xuống giữa một quả núi đầy châu báu, hắn hoa cả mắt. Không biết nên lấy thứ gì và nên bỏ thứ gì, hắn loay hoay tìm tòi mãi trong tối, quên mất cả lời chim dặn. Trời gần sáng mà chim vẫn chưa thấy người trở lại để bay về. Thời gian đã kíp lắm rồi vậy mà hắn vẫn còn mải mê chọn lựa, không nghe tiếng chim gọi. Mãi đến khi cơn nóng bắt đầu làm rát cả lưng, hắn mới trở lại tìm chim thì chim đã bay đi từ lúc nào rồi.

Không thấy anh về, người em rất lo lắng. Anh chàng tìm gặp chim đại bàng, cố nhờ chim bay ra biển Đông lần nữa, có gì không hay thì mang hộ xác anh mình về. Chim lại đến hải đảo, đã thấy xác của người nọ bị thiêu chín như thịt quay. Con vật ngửi thấy mùi thịt chưa bao giờ thơm và ngon đến thế, bèn sà xuống rỉa lấy rỉa để. Ngon miệng chim mải mê ăn quên mất cả về. Khi mặt trời nhô lên, chim muốn cất cánh nhưng không kịp nữa. Bộ lông bén lửa rất mau và chỉ một chốc toàn thân đều bốc cháy.

Do truyện này mà người ta có câu: “Nhân tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong[1]”.

KHẢO DỊ

Người miền Bắc kể truyện trên trong hai dị bản, đều khá tiêu biểu:

Một là truyện Cây khế: Có hai anh em, cha mẹ mất sớm, người anh tham lam, bủn xỉn còn em thì hiền lành. Khi chia gia tài, anh chiếm hết cả, chỉ để cho em độc mảnh vườn trong đó có một cây khế ngọt. Em vẫn không trách móc gì anh, chỉ lo chăm chỉ làm thuê cuốc mướn nuôi thân. Đến mùa khế có quả, bỗng một hôm có một con chim rất lớn từ đâu bay đến, chọn quả nào chín mổ ăn bằng hết. Người em buồn phiền, kêu xin với chim, chim đáp: – “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”. Anh làm theo lời.

Chim bèn vượt biển, đưa anh đến một hải đảo đầy vàng bạc châu báu. Anh chỉ lấy vừa đầy túi, rồi lại được chim cho qua biển, về nhà yên lành.

Thấy em phút chốc trở nên giàu có lớn, người anh hỏi biết sự tình, liền đòi đổi gia sản của mình lấy cây khế của em, ít lâu sau, chim lại đến cây khế tìm ăn, câu chuyện diễn ra như lần trước, và chim cũng dặn hắn may túi ba gang theo mình vượt biển. Nhưng muốn lấy được thật nhiều vàng nên hắn đã làm trái lời chim dặn, may một cái túi chín gang. Khi xuống hải đảo, hắn lấy đầy túi xong còn giắt vàng ngọc vào khắp người, đến nỗi lúc chim cất cánh, chỉ bay ra đến giữa biển là chao đảo sả cánh, vì quá nặng. Người anh rơi khỏi mình chim, lăn tòm xuống nước mà chết[2].

Thứ hai là truyện Chim phượng hoàng có thêm một đoạn kết nói về cái chết của con chim:

Người anh trong chuyện này cũng hết sức tham lam và biển lận. Mà theo tục truyền, ruột gan người biển lận thường có chứa nọc độc rất mạnh. Hắn cũng chia cho em một cây khế (hay cây ổi), người em cũng gặp chim phượng hoàng và việc cũng xảy ra như truyện Cây khế. Nhưng ở đây người anh rơi xuống đất tan xác, ruột gan lòi cả ra ngoài. Chim thấy ruột người, xuống rỉa ăn kỳ hết. Ăn xong nọc độc thấm vào, chim ngã lăn ra chết nốt[3].

Ở Trung-quốc cũng có truyện cổ tích giống hệt truyện Nhân tham tài nhi tử điểu tham thực nhi vong[4].

Người Mèo có truyện Người tham vỡ bụng giống truyện của ta và truyện Trung-quốc, nhưng kết thúc có khác. Một người anh đã có vợ chiếm hết gia tài của bố mẹ rồi đuổi em đi. Em phát nương khỏe, nhưng không có hạt giống, đến xin anh chị ngô giống rồi thóc giống, nhưng người chị dâu có dã tâm, tuy có cho em hạt giống song lại ngầm rang lên tất cả. Hai lần trỉa không mọc, anh bỏ đi tìm Bụt để hỏi lý do. Bụt cho biết tình thực và bảo cứ về nhặt thóc lép sau nhà anh chị mà trỉa cũng đủ. Cuối cùng mọc lên ba cây lúa khổng lồ, hạt to bằng cái chĩnh. Khi chim đến tha hạt, anh đâm bổ đi tìm. Đến một cái hang gặp một bà tiên, bà thú thực là chim của mình trót ăn mất, muốn gì bà sẽ đền. Anh không mong gì hơn là được một ít ngô giống. Nhưng bà tiên lại cho anh một cái cối xay bé tí có thể cầu được đủ thứ kể cả thóc ngô giống.

Từ đấy anh trở nên giàu có, nương ngô tốt như mây. Hai vợ chồng người anh đi qua nương ngô của em thì ngợp mắt, vội tìm đến nhà để hỏi lý do. Biết em có cái cối xay mầu nhiệm, anh liền mượn về, hy vọng xay ra tiền ra bạc, nhưng hắn chỉ xay ra rắn ra rết, bèn quẳng cối xuống suối vỡ tan. Khi em đến hỏi thì ở chỗ ném cối đã mọc lên thành cây, em bèn chặt về đục làm máng lợn ăn. Không ngờ lợn nào ăn vào máng cũng lớn như thổi. Người anh thấy lạ lại mượn máng về, nhưng lợn của y ăn vào máng đều trở nên gày gò, cuối cùng chết cả. Tức giận, y bèn đốt quách. Người em đến chỉ còn vài miếng gỗ cháy dở, bèn nhặt về làm lược chải đầu, chải bao nhiêu đầu tóc trở nên đẹp bấy nhiêu. Còn anh chị khi mượn lược chải, càng chải tóc càng rụng cho đến trọc cả đầu. Khi em sang đòi lược thì lược đã bị đốt thành tro. Em bới tro nhặt được một hạt đỗ tương bèn bỏ vào mồm nuốt. Sau khi đi ngoài, hạt đỗ mọc thành bụi, từ bụi ấy tỏa ra đầy nương chi chít những quả. Anh chị cũng đến xin mỗi người một hạt nuốt vào. Hạt đỗ không chịu ra mà trương lên làm cho chúng vỡ bụng chết[5].

[1] Theo lời kể của người miền Nam.

[2] Truyện này theo Nguyễn Văn Ngọc (Phượng hoàng đậu cây khế) thì con chim (phượng hoàng) không đưa người em đi lấy vàng ngoài hải đảo, chì “nhả trong mồm rơi xuống một cây khế khác,bao nhiêu hoa tính là bạc, bao nhiêu quả tính là vàng cả”. Đến lúc người anh đổi cả ruộng vườn cho em lấy cây khế. Những ước mong phượng hoàng lại đến ăn quả và cho cây khế bằng vàng bằng bạc như em. Nhưng hắn đợi mãi chẳng thấy phượng hoàng nào đến, chỉ có một bầy quạ đen ngày nào cũng rủ nhau kêu “xấu hổ! xấu hổ!”.

[3] Theo Tạp chí chúng tôi (1910).

[4] Trong Thiếu niên tạp chí. Ở đây câu tục ngữ trở thành “Nhân vị tài: tử, điểu vị thực: vong”.

[5] Theo Doãn Thanh… Sách dã dẫn.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer