Vào đời nhà Lê người ta hay chơi trò chọi dế. Người ta cố tìm những con dế khỏe mạnh khéo chọi và bán giá cao. Mỗi lần có cuộc chọi dế, người đánh cuộc vây vòng trong vòng ngoài, chủ nhân của những con dế thắng trận vừa được những món tiền thưởng lớn lại vừa được đám đông trầm trồ thán phục. Vì thế, từ quan chí dân, ai nấy đua nhau nuôi dế chọi, chính nhà vua lại là người say mê thú chơi này đệ nhất. Có những viên quan chuyên có mỗi một việc nuôi và chăm sóc đàn dế chọi cho nhà vua. Có những viên nội giám chuyên đi lùng dế trong dân. Trong cung thường mở những ngày hội chọi dế, có nhiều quan lớn các trấn về dự các trận đấu. Để luôn luôn có dế tốt, vua ra lệnh cho mỗi tổng ở gần kinh kỳ phải tìm cho được ít nhất là một con dế chọi đem nộp, nếu quả là dế hay thì sẽ miễn trừ sưu thuế, trái lại nếu nộp dế xấu hay không có đế, thì phải tội nặng.
Bấy giờ vùng Kinh-bắc về tổng Đại-mão, có một ông cai tổng nuôi một con dế chọi hay lắm. Tất cả những con dế có tiếng là hay đem đến chọi với dế của ông cũng đều thua chạy. Vì thế ông quý dế mình hơn vàng, hết sức chăm chút để đợi ngày tiến vua. Ông nghĩ bụng: – “Có thể nhờ nó may ra vụ thuế năm nay được tỉnh giảm ít nhiều”.
Sắp tới ngày tiến dế, một hôm ông cai tổng đi chợ để sắm sửa hành trang. Ở nhà hôm ấy chỉ có mỗi một mình thằng con ông còn nhỏ giữ nhà. Buồn tình, nó gọi bọn trẻ lối xóm tới chơi. Chơi được một chốc, chúng nó bày trò chọi dế. Tuy biết dế của bố không được phép mó vào, nhưng nay nhân bố mẹ vắng nhà, thằng bé mở lồng bắt con dế quý ra, cho chọi với dế của chúng bạn. Chẳng biết chúng nó bắt lên bắt xuống thế nào mà chỉ được một chốc con dế quý tự nhiên ngắc ngoải, rồi lăn ra chết. Thấy dế chết, thằng bé vô cùng sợ hãi. Nghĩ đến những trận roi sắp tới của người bố nghiêm khắc, nó không còn hồn vía nào nữa. – “Mất con dế tiến, bố ta mà về thì sẽ vặn cổ không tha!”. Nghĩ vậy thằng bé vội bỏ nhà cắm cổ ra đi một mạch.
Khi ông cai tổng trở về, như thường lệ, đến ngay chỗ lồng nâng niu con dế tiến. Thấy dế chết, ông gầm lên. Và khi biết thủ phạm là con mình, ông tức tốc sai người đi tìm về toan đánh cho một trận. Nhưng người nhà tìm khắp nơi chẳng thấy thằng bé đâu cả. Ngày một ngay hai không thấy con về, ông đổi giận làm lo. Ông phải viết giấy cho các xã trưởng nhờ tìm tòi, song cũng vô hiệu. Chắc rằng con mình sợ tội, nên đã liều thân hoại thể ở đâu rồi, hai vợ chồng ông hết sức đau xót. Hai vợ chồng bảo nhau: – “Dế đã chết, không biết lấy gì để nạp lên vua, sự thể chắc thế nào cũng sẽ bị tội nặng, mà đứa con độc nhất cũng chẳng còn, thôi thì thiết sống làm gì nữa”. Thế rồi, họ định bụng tối đến sẽ ra vườn sau thắt cổ.
Lại nói chuyện đứa bé sau khi bỏ nhà ra đi, cứ nhắm đường rừng bước miết. – “Ta phải đi thật nhanh kẻo bố cho người đuổi theo”. Đi mãi đến chiều tối, phần thì mệt và đói, phần thì sợ hãi vì trong rừng sâu không một bóng người, đứa bé nằm vật trên một tảng đá kêu khóc. Bỗng từ sau tảng đá, một đạo sĩ hiện ra hỏi:
– Tại sao con khóc?
Thằng bé mếu máo kể chuyện đầu đuôi cho đạo sĩ nghe, và nói:
– Bây giờ bố cháu không có dế nạp vua, chắc là vua trị tội nặng.
Nghe đoạn, đạo sĩ bảo:
– Con đừng lo, để ta giúp con chuộc tội cho bố mẹ.
Nói rồi, đạo sĩ dắt đứa bé về hang, lấy cơm cho ăn và trải giường cho ngủ. Qua ngày sau, đạo sĩ gọi thằng bé dậy dặn rằng:
– Ta sẽ làm cho con hóa dế, con về giúp bố con có cái để nạp vua. Xong việc, tìm cách trốn về đây ta sẽ hóa phép cho con trở lại nguyên hình. Có muốn thế không?
Thằng bé gật đầu. Đạo sĩ đọc lên một câu thần chú. Tự nhiên thằng bé cứ nhỏ lại dần, nhỏ dần và cuối cùng hóa thành một con dế. Đạo sĩ khoát tay bảo:
– Hãy can đảm đi đi, rồi nhớ đường về đây.
Dế ta cất cánh nhằm đường cũ bay một mạch trở về. Khi về đến nhà thì vừa lúc hai vợ chồng ông cai tổng ra vườn sau toan buộc dây thắt cổ. Dế sán lại gần gáy lên từng hồi. Nghe tiếng dế rất gần, ông cai tổng lấy làm lạ, vội đốt đuốc ra soi thì dế bay đậu ngay vào lòng bàn tay ông. Thấy con dế có vẻ khỏe, lại quen người, ông cai tổng đổi buồn làm vui “Đây là trời xui đất khiến đưa dế cho mình để thay cho con hôm nọ đây!”. Ông quên ngay mọi việc xảy ra và bỏ ý định tự tử, bèn đem dế bỏ vào lồng để mai mang tiến vua cho kịp ngày hội.
Khi dế của ông cai tổng Đại-mão đưa vào cung, vua chưa thấy có con nào bé người mà khỏe đến thế. Vua cho nó đấu thử với các con dế khác, thì không một con nào dám đương đầu. Tất cả những con dế nổi tiếng ở kinh đô đều đại bại. Vua rất đẹp lòng về con dế vô địch, vội xuống chỉ ban cho người tiến dế phẩm hàm và hạ lệnh tha thuế cho tổng Đại-mão trong ba năm để thưởng công phu kiếm được dế tốt. Vua sai đưa con dế quý bỏ vào trong một cái lồng bằng vàng và sai mấy viên quan nội giám hết sức chăm chút. Mấy ngày sau, giữa ngày hội lớn, vua ra lệnh đưa con dế mới ra chọi với dế quan tổng đốc ba trấn miền Nam mới về dự hội. Đấu được ba hiệp, con dế mới đã cặp cho con dế quan tổng đốc gãy càng. Nhà vua chưa lần nào được sảng khoái như thế. Nhưng khi viên nội giám sắp bắt dế bỏ vào lồng thì bỗng dưng dế xòe cánh bay vút lên trời, và chỉ một chốc đã biến mất trước những con mắt ngơ ngác của đám vua quan.
Dế cứ lần theo đường cũ bay trở về hang của đạo sĩ. Trông thấy đạo sĩ, dế đậu ngay vào áo. Đạo sĩ bắt dế vào tay, đọc lên một câu thần chú. Tự nhiên dế lại lớn dần, lớn dần lên, và chỉ trong chớp mắt trở lại biến thành đứa con ông cai tổng. Đạo sĩ vỗ vào vai bảo:
– Thôi con trở về kẻo bố mẹ con mong!
Thằng bé lại tìm đường ra khỏi rừng rồi trở về nhà. Trông thấy con, hai vợ chồng ông cai tổng khôn xiết mừng rỡ[1].
KHẢO DỊ
Một bài vè sưu tầm ở miền Bắc nhắc đến truyện trên nhưng kết thúc câu chuyện thì không giống:
Nhà Lê, niên hiệu Chính Hòa,
Bốn phương phẳng lặng, âu ca thái bình.
Thôn quê cho chí thị thành,
Lối chơi chọi dế thường tình biết bao!
Lệnh vua, bất cứ tổng nào,
Cũng nuôi “dế chọi” tiến vào trong cung.
Dế hay, thăng thưởng tiền công,
Lại tha sưu thuế suốt vùng cả năm.
Bấy giờ ở phủ Thuận-thành,
Thầy cai Đại-mão hiền lành xưa nay.
Tưởng là vận đỏ hồi may,
Được con dế quý đợi ngày tiến kinh.
Lồng son nhốt dế cạnh mình,
Hàng ngày chăm chút thực tình dám sai.
Nào ngờ thần ám họa lai,
Đứa con đánh chết dế quay tức thời!
Sợ đòn, trốn bặt tăm hơi,
Làm cho thầy tổng rối bời ruột gan.
“Việc này lỡ đến tai quan,
“Khi quân” khép tội an toàn được nao!”
Một mình than vãn hồi lâu,
Liền ra chỗ vắng phía sau đình làng:
Treo đầu lên chiếc cành bàng,
Mượn dây oan nghiệt quyết đàng quyên sinh.
Nghĩ người cai tổng thương tình,
Vì con dế mọn thân mình xem khinh![2]
Người Trung-quốc cũng có truyện Con dế rất giống với truyện Người hóa dế của ta:
Ngày xưa, dưới triều vua Tuyên Đức, trong cung có tục chọi dế. Người ta nộp dế để thay cho thuế. Tri huyện Hoa-âm muốn đẹp lòng bề trên, buộc các lý trưởng cố tìm dế tốt và ra một thời hạn rất kíp. Một lý trưởng họ Trương cất công đi tìm nhưng đến hẹn vẫn không có nộp. Vì thế Trương bị đánh đòn.
Trong làng có thầy phù thủy gù lưng, vợ Trương đến cầu, thầy đưa cho mảnh giấy vẽ một con dế ở trong một cái bụi trên mô đất sau chùa. Trương bèn đến chùa làng như trong giấy vẽ tìm, quả bắt được một con dế to và khỏe. Cũng như truyện của ta, nhân lúc Trương đi vắng, đứa con bắt dế quý ra chơi làm gãy hai càng, chết ngay. Thằng bé sợ, nhảy xuống giếng. Vợ chồng vớt lên chỉ còn thoi thóp. Thằng bé sống lại nhưng hôn mê bất tỉnh. Trương buồn phiền toan tự tử. Sáng dậy thấy có tiếng dế ngoài cửa, vội chạy ra thì thấy một con dế tốt, đuổi bắt mấy lần đều trượt. Cuối cùng vẫn không bắt được, trong khi đó lại thấy có một con dế khác nhỏ, đen nhảy vào áo. Bèn đưa vào nhà. Trong làng có người chuyên nuôi dế hay, lúc nào cũng giành phần thắng. Qua nhà Trương thấy có dế mới, bèn đưa dế của mình đến chọi. Thoạt đầu con dế mới ngồi ngây bất động. Người ta lấy lông lợn khích nó ra đấu. Mấy lần vẫn ngồi trơ. Sau cùng nó nhảy ra chọi và thắng con kia. Một con gà ở đâu nhảy đến bắt dế. Trương hốt hoảng lo gà ăn mất, nhưng dế đã nhảy lên cắn lấy mào gà làm cho gà giãy giụa như bị cắt cổ.
Sau đó, Trương đưa dế nộp lên. Thấy dế bé, quan huyện la mắng, nhưng Trương vội kể chuyện vừa qua cho quan nghe. Sau khi thử thách, quan cho mang dế lên tổng đốc. Tổng đốc bỏ vào lồng vàng dâng vua. Vua thích thú vì con dế khôn và khỏe chưa từng có, bèn ban thưởng cho tổng dốc. Tổng đốc ban ơn cho tri huyện. Tri huyện ban ơn đến Trương. Nhờ thế, Trương đậu tú tài.
Một năm sau đứa con của Trương mới hồi tỉnh. Nó bảo rằng trong những ngày qua nó đã biến thành dế để bố tiến lên vua và từ đó đã phải dự nhiều trận đấu với đủ các loại dế từ khắp nơi trong nước dâng tiến. Nhà Trương về sau trở nên giàu có[3].
Về sự tích con dế xem thêm truyện Người dì ghẻ ác nghiệt, số 145.
Chú thích:
[1] Theo Sê-ông (Chéon). Sách đã dẫn.
[2] Tri tân, số 30 (1942).
[3] Theo Bồ Tùng Linh, Liêu trai chí dị.