Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi kiết xác, chưa có vợ. Nhà anh ta lại ở bên cạnh nhà một phú ông có cô con gái đến tuổi lấy chồng. Anh ta cũng võ vẽ năm ba chữ, có ý ngấp nghé con gái phú ông, nhưng ngặt vì nhà phú ông với nhà hắn như trời với vực; đời nào phú ông lại chịu gả – “Lấy được cô ả mới gỡ được nạn nghèo, mà muốn lấy cô ả phi dùng mẹo không xong!”. Nghĩ thế, hắn mới quyết chí tìm cách để lấy cho được.
Một hôm anh ta thấy có người bán hai con sấu bằng sành, một thứ đồ cổ không đáng mấy hột tiền. Hắn bỗng nghĩ ra một kế, bèn mua về chôn xuống đất, được ít lâu lại moi lên. Ít bữa sau, hắn sang nhà phú ông mượn cái cân. Phú ông thấy hắn vô cớ mượn cân, hỏi: – “Mượn làm gì?”. Hắn đáp: – “Cháu mượn về cân ít đồ vặt”. Buổi chiều hắn mang cân sang trả, phú ông thấy cân có dính đất, trong bụng lấy làm ngờ vực. Sự ngờ vực của phú ông tăng lên khi thấy sau đó vài ngày hắn lại lọt tọt chạy sang mượn cân lần nữa. Lần này khi hắn mang trả cân, phú ông thấy cân của mình không những dính đất mà còn dính cả những cái gì như là gỉ đồng. Lần thứ ba cũng lại thế. Phú ông từ đó để ý rình mò anh hàng xóm của mình thì thấy đêm đêm hắn vác cuốc thuổng đi, sáng tinh sương lại mò về: – “Chắc là hắn đào được của”. Nghĩ thế, một hôm phú ông giả mượn cớ sang nhà dò xem thế nào. Một điều làm phú ông lấy làm lạ là xưa nay chưa từng thấy hắn chơi đồ cổ bao giờ cả, thế mà nay trên bàn thờ nhà hắn có bày hai con sấu sành còn dính đất chưa chùi sạch. Thấy phú ông hỏi, hắn giả bộ ấp úng và sau cho biết là mua ở chợ.
Phú ông về bảo vợ:
– Thằng này hẳn là đào được kho vàng hũ bạc chi đây. Hắn ranh khôn lắm. Nhưng bộ hắn không thể giấu được mắt ta.
Từ đó phú ông có cảm tình với hắn. Từ cảm tình tiến lên thân tình. Thấy hắn cũng có vẻ nho nhã, phú ông có ý muốn gả con gái cho hắn, mới mượn mối đánh tiếng. Anh chàng nhận lời nhưng cho mối biết là mình nghèo quá không biết lấy gì dẫn cưới được. Phú ông cười, cho là hắn giấu của nhưng cũng cam đoan xin chu tất cả phí tổn cưới xin.
Thế là anh chàng bỗng chốc ngẫu nhiên là chồng cô gái phú ông. Hôm về nhà chồng cô gái thấy chồng chỉ khư khư giữ độc có một chiếc hòm gỗ rất nặng, trong bụng đoán chắc là của ở đây rồi, nên không nói gì hết. Nhưng ngày một ngày hai, vợ thấy chồng không có vẻ gì là giàu có thì nảy mối ngờ vực. Nhân một hôm chồng đi vắng, nàng trộm chìa khóa mở ra xem thì chỉ thấy một hòm toàn là đá cuội, chẳng có đồng sứt nào hết.
Biết là bị lừa, người vợ chỉ còn ngồi nhà mà khóc. Nhưng sau đó nàng bào chồng:
– Kể ra anh cũng cao mưu thật. Nhưng bây giờ anh phải làm cách gì lấy được một cô gái nào thật giàu hơn tôi. Được như vậy tôi sẽ ăn ở với anh trọn đời, bằng không tôi nhất định không cho nằm cùng giường đâu.
Nghe nói, hắn gật đầu rồi bỏ nhà ra đi.
Anh chàng đến một tỉnh khác làm đầy tớ cho một nhà phú thương. Phú thương là một tay giàu có nứt đố đổ vách. Cả một dinh cơ, vườn tược rất đồ sộ ở bên bờ sông. Phú thương lại có ba cô con gái chưa chồng, cô nào cô ấy rất xinh đẹp. Anh chàng mới đến ở làm việc tất lực. Không bao lâu hắn được chủ rất tin cậy. Một hôm vào khoảng chập tối có một cái thây trôi qua bên nhà phú thương. Hắn bỗng nghĩ được một kế, bèn vớt trộm thây lên bờ giấu ở chỗ kín trong vườn. Đoạn hắn đi tìm một người quen bảo y giả xưng làm chú ruột mình đến thăm cháu. Người ấy đến, hắn lên nhà trên xin phép chủ cho chú mình ở chơi ít ngày. Phú thương nể hắn nên tiếp đãi chú hắn tử tế, sai dọn cơm nước ra mời. Đến nửa đêm hắn cho ông chú giả của mình cất lẻn ra về rồi lấy quần áo mặc vào xác chết, vực lên giường. Thế rồi hắn làm bộ tri hô lên. Hắn nói với chủ:
– Không biết ông cho chú tôi ăn uống những gì mà bây giờ chú tôi nằm chết cứng không dậy được nữa.
Nghe nói, phú thương thất kinh lại thấy hắn định làm to chuyện thì không còn hồn vía nào nữa. – “Nếu hắn làm ra chuyện thì chuyến này gia tư điền sản của mình sẽ đội nón ra đi mà thôi. Bọn quan lại chỉ béo bụng nhờ những dịp này”. Nghĩ vậy, phú thương đấu dịu, đưa hắn vào buồng thương lượng. Ông bảo hắn muốn gì được nấy miễn là hắn giấu gọn chuyện này cho là được. Bấy giờ anh chàng mới nói toạch nguyện vọng thầm kín của mình là chỉ muốn lấy một trong ba cô con gái làm vợ. Phú thương thấy mặt mũi anh chàng cũng không đến nỗi hèn kém lại thấy hắn làm việc đắc lực nên vui lòng đem cô con gái lớn gả phứt cho hắn.
Thế là anh ta lại được vợ mới. Người vợ này của riêng bộn bề, ăn đứt vợ cũ. Lấy nhau được ít lâu, hai vợ chồng đưa nhau về thăm nhà. Khi hai người đàn bà gặp nhau, họ kể chuyện cho nhau biết. Nghe cô con gái phú thương nói hết ngọn nguồn, cô con gái phú ông lắc đầu, bảo nàng rằng:
– Vậy là dì phải thằng chết trôi, còn tôi phải đôi sấu sành đó![1]
KHẢO DỊ
Người miền Bắc có truyện Con nghê ngói (con nghê ngói tức là con sấu bằng sành) cũng là một dị bản của truyện trên (nhưng người kể chỉ nhớ có mỗi đoạn đầu). Trong truyện này, cô gái phú ông lúc biết mình bị lừa đành chỉ ngồi ôm con ru rằng:
Con nghê là con nghê ngói,
Bố mày khéo nói, nó hóa ra con nghê vàng
Ông ngoại mày nghe quàng, gả con cho bố.
Vả cả hai truyện, về hình thức đều tượng tự với truyện Hữu Ké từ xưa đã được diễn thành văn vần, nhan đề Hữu Ké tân truyện:
Huyện Thạch-hà có một chàng trai nghèo tên là Hữu Ké muốn lấy cô Ngọc Dong, con gái của một cụ huyện hưu trí cùng một xã. Biết cụ huyện không đời nào gả con gái cho mình, hắn cũng bắt mẹ mang trầu cau tới hỏi để cho người khác biết hoa đã có người để ý. Sau đó, hắn bàn với chú là xã trưởng, mời làng, trong đó có cụ huyện, lập khoán ước hễ bắt được trai gái tình tự thì buộc hai bên phải kết làm vợ chồng.
Đây là mấy câu khoán:
Hoàng hiệu năm nay,
Trên dưới đều hay:
Khoán lập ra đây,
Cho nghiêm phong hóa,
Trai lớn lấy vợ,
Gái lớn lấy chồng;
Duyên bởi tơ hồng,
Lẽ thông mối lái,
Có cheo có cưới,
Phải đạo vợ chồng;
Nhược bằng gian thông,
Nương dâu bến bộc.
Không kỳ thế tộc,
Chẳng quản sang hèn;
Bắt được hiện tiền,
Kết làm phu phụ…
Một hôm, làng làm lễ kỳ phúc, ban đêm có hát chèo, trai gái trong làng đều đổ xô ra xem. Chú của Ké đã lập mưu sẵn đang cầm chầu bỗng dưng nổi hiệu trống họp làng. Khi mọi người đổ xô đến, chú của Ké nhân danh xã trưởng nói mình thấy bóng một cặp trai gái tình tự ở bụi rậm sau đình nên mời làng lại thi hành khoán lệ. Người ta ra đấy thấy dưới một gốc cây ké có một cái ổ bằng rơm ngồi đã nhẵn chỗ. Họ đoán cặp trai gái tuy đã chạy trốn nhưng trên đầu vẫn còn dính trái ké, vậy cứ tìm người nào trên đầu có trái ké thì bắt. Liền đó người ta tìm thấy chỉ có Hữu Ké và Ngọc Dong đầu và áo đều dính đầy ké. Cụ huyện đành phải cắn răng gả con gái cho Hữu Ké theo đúng lệ làng, rồi tức uất mà chết. Vì không có con trai, gia tư điền sản về tay con gái – tức là về tay Ké cả. Nhưng Ngọc Dong cũng ra điều kiện: nàng không chịu nằm chung với hắn, nếu hắn không lập mưu lấy được một cô gái khác cũng giàu, cũng đẹp như nàng. Hữu Ké vâng lời nhưng bắt vợ phải ăn thề và giao rằng lúc nào mình về với người lạ thì nàng phải giả nhận làm chị ruột mình. Ké còn cho người làng tiền và dặn lúc nào mình về phải đứng dậy chào hỏi cung kính.
Ké đi ở với một phú ông, hắn làm việc rất đắc lực. Hắn hát gợi tình làm cho cô con gái phú ông phải cảm. Rồi một hôm hắn xin về giỗ mẹ. Phú ông phú bà đi theo hắn và rất ngạc nhiên khi thấy mọi người chào hắn bằng ông, bằng cậu; lại thấy hắn cón người chị – tức Ngọc Dong – rất đẹp, đón tiếp rất xứng ý.
Thế là phú ông cho Ké là con quan huyện trá hình đi kén vợ, bèn đem con gái cấm cung gả cho hắn. Ké làm bộ từ chối đôi ba lần mới nhận. Phú ông mở tiệc linh đình cho hai bên làm lễ kết hôn. Ba ngày sau, Ngọc Dong mới cho cô nàng biết sự thật. Nàng khóc lóc trách cha trách mẹ, nhưng ván đã đóng thuyền còn nói gì được nữa. Ngọc Dong cho biết mình còn khổ hơn nàng, chỉ vì một nắm ké mà bị buộc phải lấy hắn.
[1] Theo Phụ nữ tân văn (1930)