NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Chàng đốn củi và con tinh

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập
Ads Top

Ngày xưa có một anh chàng nghèo khó, sống một thân một mình. Tuy làm việc tất lực nhưng đói rách vẫn hoàn đói rách. Những bông lúa đẹp do bàn tay chàng vun bón thì cứ thi nhau chạy về nhà lão trọc phú. Cuối cùng, chàng đành bán tất cả những thứ còn lại trong nhà để mua một lưỡi búa, với ý định từ nay làm nghề đốn củi nuôi thân, may chi thay đổi được số phận.

Nhưng kiếm được một gánh củi không phải là dễ. Một hôm, theo lệ thường chàng tiến vào rừng sâu tìm củi. Sắp giơ búa giáng vào một cây đại thụ bỗng có một con tinh từ trong thân cây hiện ra trước mặt van lạy, van nài. Chàng dừng tay hỏi:

– Mày muốn gì?

Đáp:

– Xin ngài làm ơn đi chặt chỗ khác, tha cho chúng tôi ở đây được yên ổn.

Thấy thế, chàng càng làm già:

– Không được. Tao hết hơi, hết sức mới tìm được cây gỗ này chặt về lấy tiền nuôi thân mà mày lại bảo tao đi đâu. Hãy cút ngay cho tao làm việc.

Con tinh thấy anh chàng lại giơ búa, hốt hoảng:

– Cây này với chúng tôi như bóng với hình, không thể nào rời được. Ngài hãy thương cho, chúng tôi sẽ xin kính biếu ngài một vật.

– Vật gì? Đưa ra đây. Mau! Nếu không thì đừng có trách.

Con tinh bảo chờ một lát, đoạn mang đến một cái mâm đồng và nói:

– Ngài chỉ cần gõ vào mâm ba tiếng là có ăn ngay, muốn thức ngon vật lạ bao nhiêu cũng có.

Nghe nói, anh chàng vô cùng mừng rỡ, vội nhận lấy mâm ra về, không quên hứa để cho con tinh được yên ổn.

Khi đi qua chợ, chàng ghé ngay vào quán cơm, nơi mà thường ngày mình vẫn đặt gánh củi nặng trước cửa vào một cái bánh, vài đĩa xôi ăn đỡ đói và đỡ mệt. Lần này, chàng có ý khoe với nhà hàng là từ nay mình sẽ không cần ăn chịu và cũng không cần ăn khổ như trước nữa. Nghĩ vậy, bèn đặt mâm của mình trước mặt vợ chồng chủ quán và mọi người, gõ lên ba tiếng. Tự nhiên trong long mâm tuôn ra những bát cơm, bát canh, những đĩa cá, thịt, giò, chả đầy tú ụ, những chén rượu cúc tràn trề, v.v…, toàn là những thức ăn chưa bao giờ được nếm. Trước con mắt ngạc nhiên của đám đông khách ăn trong quán, chàng đốn củi đắc chí mời họ cùng ngồi dự tiệc.

Ăn xong, say rượu, chàng nằm lăn ra giường làm một giấc ly bì. Lão chủ quán thấy thế thì động lòng tham lam. Thừa dịp mọi người tản đi, hắn vào buồng chọn một cái mâm giống với chiếc mâm màu nhiệm kia, rồi đánh tráo vào. Chàng đốn củi thức dậy không biết là mâm đã bị đánh tráo, hý hửng mang về. Sắp về tới làng, anh nghĩ bụng nên cho mọi người biết số phận của mình từ nay đã khác trước và nhân thể đãi làng xóm chén một bữa ra trò. Cho nên chàng rẽ ngay vào đính đánh trống gọi làng ầm ĩ. Tất cả mọi người từ ông tiên thứ chỉ cho đến anh mõ, ai nấy đều tưởng là có việc, lục tục đổ ra đình đông như hội. Anh chàng trịnh trọng lên tiếng:

– Không mấy khi cháu có bữa rượu, vậy mời quý cụ và đồng dân thượng hạ ngồi vào dự cuộc.

Nói rồi đặt mâm xuống chiếu, gõ lên thành mâm mấy cái. Nhưng anh ngạc nhiên thấy lần này mâm không còn mầu nhiệm như trước nữa. Chàng gõ mãi, gõ mãi, mâm vẫn trơ trơ bất động. Cho là đánh lừa mọi người, ông xã trưởng liền sai tuần đinh xông lại nện cho chàng một trận nên thân.

Trở về nhà, chàng đốn củi bực mình vô hạn. Chắc chỉ có con tinh nó lừa mình nên chuyện mới xảy ra như thế. Cho nên qua ngày mai, anh lại vác búa lên rừng tìm đến cái cây cũ ra sức giáng búa vào. Con tinh hốt hoảng chạy ra van lạy chí chết và xin tặng một con ngựa ỉa ra vàng để được tha tính mạng.

– Đưa ngay ra đây cho ta. Đồ lừa đảo!

Chàng quát lên như thế và chỉ lát sau một con ngựa đã hiện ra. Chàng cưỡi lên phi một đoạn để cho ngựa ỉa, quả nhiên có rất nhiều vàng vụn văng ra sáng giấp giới. Chàng mừng quá, giắt búa vào lưng và cưỡi ngựa ra về.

Đến chợ, chàng lại xuống ngựa, vào khoe với vợ chồng lão chủ quán:

– Lần này tôi có con ngựa vô cùng quý báu. Trong bụng nó là cả một kho vàng đấy ông bà ạ! Rồi nó sẽ làm cho mà xem!

Lão chủ quán thấy quả đúng như thế thì hoa cả mắt. Hắn sung sướng được chàng biếu trọn số vàng rơi ra. Nhưng hắn còn muốn được cả con ngựa. Hắn vội dọn cho anh một mâm đầy rượu thịt. Rồi chờ lúc anh chàng ngủ say, hắn lại đi tìm một con ngựa khác cũng có màu lông hung hung y hệt để thay vào, rồi dắt con kia đi biệt.

Khi tỉnh dậy, chàng đốn củi vẫn không ngờ vực gì cả. Chàng lại nhảy lên ngựa cưỡi về đến đầu làng. Bụng bảo vệ: – “Lần trước vì con tinh khiến cho ta mang tiếng là đánh lừa mọi người. Lần này ta phải biếu bà con một ít vàng để bà con thấy ta thực bụng”. Thế rồi, chàng lại vào đình đánh trống ầm ĩ. Làng lại đổ ra đình. Chàng nói:

– Tôi lần này có con ngựa rất có phép ỉa ra vàng. Vậy mời làng ra đây để nhận cho tôi một ít của báu.

Đoạn chàng phi cho ngựa ỉa, nhưng con ngựa ấy thì làm gì mà có vàng. Nhìn thấy đống phân ngựa vãi ra không hơn gì những đống phân ngựa khác, các cụ cho là thằng cha đã xỏ xiên cả làng nên không nên được cơn tức giận. Cuối cùng, chàng bị làng tịch thu con ngựa và còn bị tuần nọc xuống đánh ba mươi roi.

Qua ngày hôm sau hắn lại dậy sớm vác búa lên rừng quyết trị cho con tinh một mẻ. Lần này chàng bổ những nhát búa rất dữ dội. Thấy con tinh hiện ra quỳ lạy khóc lóc, chàng quát to:

– Sao mày dám lừa ông làm ông mang oán với mọi người. Mâm và ngựa của mày chỉ là những của vứt đi, không đáng một đồng kẽm.

Con tinh hết sức phân trần, vạch tội lão chủ quán, rồi nói tiếp:

– Để tôi xin biếu ngài cái ống này, lúc về có thể lấy lại những của đã mất.

Hắn đưa ống ra và dặn:

– Cái ống này có phép làm cho bất kỳ bao nhiêu người cũng phải chống ngược lên trời nếu cầm ống chỉ lên không ba lần. Cho đến khi nào gõ xuống đất ba lần thì mọi sự trở lại như cũ.

Nghe bùi tai, chàng đốn củi lại dừng tay búa, cầm ống phép bắt con tinh phải chống đít lên trời xem thử, thấy quả nghiệm rồi mới ra về.

Đến chợ, chàng lại ghé vào quán cơm tươi cười hỏi mọi người:

– Các ông các bà có muốn chống chăng?

Vợ chồng lão chủ quán tưởng có món gì bở nên vội đáp:

– Cơm ăn no, trầu đầy đây, không chống để làm gì?

Lập tức cái ống mầu nhiệm đã bắt cả nhà lão chủ quán chống hai tay xuống đất, chân giơ lên trời không cụ cựa.

Chắc là lần này chàng đốn củi đã rõ mưu mô gian dối của mình nên cố tâm phạt mình với phép thuật thần dị, lão chủ quán van khóc hết lời. Hắn hứa trả lại mâm và ngựa để xin tha mạng. Anh chàng chỉ cần có mấy món bảo vật cũ, nên vui lòng làm phép tha cho cả nhà lão đứng dậy.

Khi châu đã về hợp phố, chàng phi ngựa nước đại trở về làng. Chàng không quên tiến vào đình thúc một hồi trống lớn mời làng như mấy lần trước. Thế rồi trước mặt quan viên và đồng dân thượng hạ, chàng đặt mâm xuống chiếu mời mọi người chia hàng ngồi vào.

Tiếng gõ mâm lúc này rất có hiệu quả. Cơm rượu và mọi thức ngon vật lạ tuôn ra đầy mâm đầy chiếu. Cả làng không đợi mời nhiều, ai nấy cắm đầu ăn uống mặc sức.

Ăn uống xong đâu đấy, chàng chỉ vào con ngựa và nói:

– Nếu quý cụ và mọi người vui lòng nhận một ít vàng tôi sẽ bảo con ngựa này làm ngay.

Không một người nào từ chối lòng tốt của chàng. Họ đứng ra hai hàng, mỗi người cầm một cái rá chực hứng phân ngựa. Quả nhiên, ngựa chạy đến đâu, người ta đổ xô nhau nhặt đến đấy vì họ thấy lấp lánh trên mặt đất bao nhiêu là vàng vung vãi.

Xong cuộc nhặt vàng, anh chàng giơ ống lên và hỏi:

– Bây giờ còn ống phép này, bà con ta ai muốn chống xin mời đứng về phía này.

Bấy giờ người đã no say lại được vàng giắt lưng, ai nấy chắc mẩm lại có món quà gì nữa, nên chẳng một ai từ chối. Ống vừa giơ lên, tất cả mọi người đều chổng đít lên trời, dù cố gắng thế nào cũng không buông xuống được.

Hôm ấy, không ngờ lại có lão trọc phú và con gái lão cũng có mặt ở đấy. Con gái lão là người đã làm cho chàng đốn củi chết mê chết mệt. Mọi ngày, tuy thấy anh nghèo khổ mà nàng vẫn tỏ lòng quyến luyến, những lúc chàng đến làm công cho lão trọc phú, hai bên từng có cơ hội gặp gỡ, chuyện trò. Nhưng đối với lão thì đừng có hòng tính chuyện lấy nhau. Bây giờ đây, thấy lão van như vạc, chàng tới thỉnh cầu lão gả con gái cho mình. Lão gật. Thế là chiếc ống lại gõ xuống đất buông tha tất cả mọi người.

Rồi đó, anh chàng đốn củi lấy được vợ như ý muốn. Với ba món bảo bối, chàng đi khắp thiên hạ giúp đỡ những người nghèo khổ và trị tội những bọn tham lam độc ác[1].

KHẢO DỊ

Một dị bản sưu tầm ở Nghệ-an còn có thêm một đoạn mở đầu:

Một chàng đốn củi một hôm ngồi nghỉ ở một gốc cổ thụ, thấy một con chó đen chạy ra. Biết là con tinh, liền gọi chó lại. Khi hai bên đã quen nhau rồi, con tinh mới bảo: – “Anh ở đây với tôi, tôi sẽ cho tiền tiêu”. – “Tiền lấy ở đâu?”, chàng đốn củi hỏi. – “Đây là nhà tôi, tôi ở đây được vài trăm năm rồi”. – “Sao không làm người lại làm chó?” – “Hóa làm chó để cho dễ ẩn”. Giơ búa lên, chàng hỏi: – “Mày có sợ cái này không?” – “Chỉ sợ cán búa lấy ở cây vạn tuế mà thôi”. – “Tại sao lại sợ cây ấy?”. – “Vì đó là cây thiêng, tôi chỉ sống có vài năm, nó sống muôn năm, nên tôi mới sợ.”

Anh chàng bèn về kiếm gốc cây vạn tuế đẽo thành một cái cán búa. Một hôm lên rừng chặt cây, một con tinh chạy ra van lạy, xin đưa một tặng vật. Kết cục cũng gần như truyện vừa kể[2].

Một truyện khác do người Phú-thọ kể cũng có kết cấu như truyện trên nhưng về hình tượng thì có biến dạng chút ít:

Một người nghèo khổ lại đông con, kiếm ăn rất chật vật. Một hôm đói quá, một mình lên rừng đào khoai mài, bỗng gặp một tiên ông. Nghe hắn giãi bày nỗi khổ, tiên ông cho một cái hũ có phép mầu nhiệm là muốn bao nhiêu tiền, chỉ cần nói lên ít tiếng là có ngay. Anh ta đem về nhà và nhờ có món bảo vật, cha con sống rất đầy đủ.

Nhưng hắn lại tiết lộ bí mật cho một người láng giềng biết. Người láng giềng đi báo quan. Lập tức quan đến nhà hắn chiếm lấy cái hũ.

Anh ta đau xót mà không biết kêu ai, bèn lại lên rừng than thở với tiên ông. Lần này ông trao cho hắn một hòn đá với hai câu phù chú: một câu làm cho đá văng túi bụi vào mặt người khác; một câu làm cho đá thôi văng, trở về tay mình.

Thấy hắn về với vật lạ cầm tay, quan tưởng lại có món bở, nên bắt hắn dâng nộp. Nhưng hòn đá đã văng vào mặt quan không biết bao nhiêu lần, đến mỗi người trốn đi đâu đá văng theo đó. Cuối cùng quan phải xin trả cái hũ mầu nhiệm để anh ta thu hồi hòn đá về.

Cả hai truyện trên đều dễ dàng tìm thấy trong kho tàng cổ tích của số đông dân tộc trên thế giới.

Một truyện lưu truyền ở Nam Ấn:

Một người bà-la-môn nghèo quá bắt buộc phải gả con gái cho một con lang (kỳ thực thì đó là một hoàng tử biến hình). Một hôm, ông già đói quá, đến xin con rể tư cấp ít nhiều. Rể biếu ông một quả bầu bảo về trồng. Sau khi cây bầu mọc, có đến hàng trăm quả chín. Người bà-la-môn vội trẩy bán hết cho xóm giềng. Về sau, khi biết trong ruột quả bầu có nhiều vàng ngọc, ông mới đi chuộc lại những quả bầu đã bán nhưng nhà nào cũng đuổi ông ra khỏi cửa.

Ông già lại đến nhà chàng rể xin tư cấp. Con lang cho một cái vại, hễ muốn ăn là có cỗ bàn hiện ran ngay. Ông mừng quá đưa về. Một hôm, ông mời một lão nhà giàu hàng xóm đến ăn. Lão lấy làm lạ khi thấy thức ăn lạ và quý, bèn dỗ dành để ông cho biết sự thực. Nắm được bí mật, lão bèn đi mách vua. Vua tìm đến nhà người bà-la-môn và sau khi được đãi một bữa cơm, liền chiếm ngay cái vại.

Ông già lại đến nhà chàng rể kể việc mất chiếc vại quý. Con lang lần này cho một cái vại khác với phép mầu nhiệm là mỗi lần mở nắp, tự nhiên có dây và gậy nhảy ra trói và đánh người. Nhờ có cái vại này mà người bà-la-môn trị tội lão nhà giàu và tên vua, lấy lại những vật đã mất.

Một truyện khác lưu hành ở dân tộc Ca-ma-ôn dưới chân núi Hi-mã-lạp (Himalaya):

Một em bé có tính nghịch ngợm, một hôm bảo mẹ làm bánh để đi du lịch. Đến một cái hồ, hắn để bốn tấm bánh ở bốn góc hồ và nói: “Tao sẽ ăn một này, ăn hai này, ăn ba này và sẽ ăn cả bốn”. Đó cũng là một câu rủa. Lúc đó, dưới hồ có bốn con rắn từ lâu chia nhau ở bốn góc, nghe câu rủa sợ quá. Con thứ nhất bèn cho em bé một cái giường biết bay, tùy ý muốn đi đâu cũng được. Con thứ hai biếu những miếng vải có thể gọi ra tiền vàng. Con thứ ba biếu một cái chén có thể gọi ra cơm thịt. Con thứ tư cho một cái thìa có thể đưa một vật đến cho mình theo ý muốn.

Em bé mừng quá mang về. Dọc đường trời tối, nghỉ ở nhà một bà già. Thấy em khoe những món đồ mầu nhiệm, bà già chờ khi em ngủ đánh tráo tất cả. Sáng dậy, em mang những thứ này về nhà. Đến nơi bảo mẹ đưa thùng lại để đựng vàng. Nhưng những vật đánh tráo này chả gọi ra được gì cả.

Em bé lại đến hồ dọa nạt rắn. Bốn con rắn lần này cho em một đoản côn và một sợi dây có thể hô một tiếng là trói và đánh người. Em về bắt bà già trả các vật quý.

Một truyện ở Bang-la-dex (Bangladesh):

Một người Bà-la-môn vốn sùng bái nữ thần Đuyếc-ga, một hôm bỏ lên rừng than phiền với thần nông nỗi nhà mình nghèo khổ, con cái đông. Nữ thần cho một cái bình có thể làm xuất hiện một trận mưa bánh ngọt nếu lật đít bình lên trời. Anh ta đưa về nhà làm thử, quả nghiệm. Sắp ăn, bỗng nhớ tới việc cúng thần, bèn gửi bình cho chủ quán, dặn giữ bình cho mình rất cẩn thận, còn hắn thì xuống ao tắm gội để trai giới làm lễ.

Chủ quán nghe dặn thì ngờ vực, bèn lật ngược bình ngắm nghía. Cũng như các truyện trên, khi thấy sự mầu nhiệm của chiếc bình, hắn đánh tráo vào một chiếc khác. Anh chàng Bà-la-môn về nhà thấy bình mất linh nghiệm bèn đến hỏi, bị chủ quán đẩy ra khỏi cửa.

Anh ta lại lên rừng cầu khấn với nữ thần. Thần cho anh một cái bình khác mà mỗi lần lật ngược, có đến vài chục con quỷ to lớn hung ác hiện ra đánh phá. Lão chủ quán quen mùi, cướp lấy cái bình, nhưng lần này bị quỷ xông ra đánh, phải van xin trả lại cả cái bình trước.

Mấy đứa con người Bà-la-môn lẻn vào buồng cha tranh nhau lật bình để ăn bánh ngọt, chẳng may để rơi vỡ tan tành. Người Bà-la-môn lại lên rừng. Thương tình, nữ thần cho một cái bình thứ ba có phép làm vọt ra sữa ngọt. Bố con đem sữa đi bán lấy tiền tiêu. Một hôm ông quan dò biết việc đó liền bắt anh ta mang bình đến dự lễ cưới con gái mình rồi chiếm lấy bình. Nhờ có phép mầu nhiệm của cái bình thứ hai nên người Bà-la-môn lại bắt viên quan trả lại cái bình cũ[3].

Người Pháp có một số truyện cũng tương tự với truyện Chàng đốn củi và con tinh. Dưới đây là một truyện mà hầu hết các dân tộc châu Âu đều kể gần giống nhau:

Một người nghèo, đông con, bỏ đi lang thang kiếm cách nuôi gia đình. Một vị thần gặp anh giữa đường nghe trình bày nỗi khổ thì thương hại, cho một cái khăn có thể gọi ra được thức ăn. Về dọc đường, vào nghỉ ở quán, anh để lộ sự mầu nhiệm của cái khăn, bị chủ quán đánh tráo vào một cái khác. Cũng như các truyện trên, cái khăn mang về không có kết quả gì và hắn lại đi tìm thần. Lần thứ hai, được thần cho một con lừa có phép sinh ra vàng, nhưng cũng bị lão chủ quán đổi mất. Lần thứ ba, được một cái gậy với hai câu phù chú: “Ta-pa-la-pau-tau” thì gậy đánh vào kẻ thù; “A-la-pau-tau” thì gậy dừng lại. Cuối cùng, gậy phang cả nhà chủ quán gẫy tay chân, chúng phải van lạy và trả tất cả những thứ đã ăn trộm của anh, mới được tha.

Truyện của người Tây-ban-nha (Espana) có một ít tình tiết hơi khác:

Ông Luy-rô mất hết sản nghiệp, trước tình cảnh nghèo túng và sự giày vò của vợ con, toan treo cổ ở cây ô-liu. Một con ma hiện ra cho một gói tiền. Ở đây cũng có một lão chủ quán đánh tráo mất. Bị vợ đánh, ông lại định đi thắt cổ. Ma lại cho một chiếc chiếu gọi được thức ăn ngon; rồi lần thứ ba cho một cái gậy có thể tự động đánh kẻ thù theo ý muốn. Sau khi lấy lại những vật ở tay chủ quán, Luy-rô về nhà. Con thấy bố không có gì, xông ra đánh chửi, bị gậy của bố phang cho ngã xuống nền nhà. Vợ xông lại cũng bị gậy đánh chết. Quan đến bắt, cũng bị gậy giết. Quân đội của nhà vua kéo về cũng bị gậy đánh cho thất điên bát đảo. Nhưng chúng rình lúc Luy-rô ngủ, đến trói gô lại. Khi người ta đưa đi treo cổ thì ông lại tìm thấy gậy và sai khiến được gậy làm cho đao phủ bị giết, những người khác thương vong vô số. Vua buộc lòng phải thả Luy-rô và cho ông một ít sản nghiệp ở châu Mỹ. Ông đến Cu-ba lập một thành phố. Ở đây chiếc gậy còn giết khá nhiều người nên thành phố ấy mang tên là Ma-tăng-giáx (Matanzas) do tiếng Ma-tar (matar) nghĩa là giết.

Truyện của người Pháp ở Thượng Brơ-ta-nhơ (Haute-Bretagne) như sau:

Một cặp vợ chồng có một đám ruộng trồng cây lanh. Thu hoạch về bị thần Gió (Nô-ru-át) làm bay xuống biển. Chồng giận, đi tìm. Dọc đường hết lương ăn, vào xin nghỉ nhờ ở quán và hỏi đường. Gặp thần, hắn quát, bắt trả. Thần cho một cái khăn gọi ra thức ăn. Về quán bị chủ quán đổi. Lại đi lên núi, được thần cho một con lừa có vàng. Lại bị đổi. Lần cuối cùng thần cho một cái gậy có hai câu chú. Hắn mang về, sai gậy đánh chủ quán lấy lại những vật đã mất.

Giàu có, hắn mua hai chiếc tàu. Người ta vu cho hắn ăn trộm. Hắn bị quan bắt và kết án chém. Cũng như đoạn kết của truyện trên, sắp sửa lên đài xử tử, hắn xin một ân huệ cuối cùng là xin được nhìn lại cái gậy trước khi chịu rơi đầu. Gặp lại gậy, hắn đọc câu chú sai gậy đánh chết đao phủ, làm thương vong bọn cảnh sát, lật đổ đài, đánh cả người đi xem. Mọi người kêu van xin quan tha hắn để hắn sai gậy trở về[4].

Truyện của người Xy-ri (Syrie):

Một con chồn bị vợ đuổi, được một vị thần cho một cái đĩa gọi ra thức ăn và dặn đừng cho vợ biết. Nhưng hắn lại để cho vợ biết và vợ lại dọn tiệc mời vua chồn ăn. Vua chồn chiếm lấy đĩa. Lần thứ hai, được một con lừa làm ra vàng. Vợ cưỡi đến nhà tắm bị chủ nhà tắm đánh tráo. Lần thứ ba, được một cái túi gọi một tiếng có hai người khổng lồ nhảy ra. Nhờ đó, chồn ta mang về giết vợ, giết vua chồn và giết chủ nhà tắm, lấy lại những vật quý.

Truyện của người Mông-cổ, Chiếc roi trả hận:

Một anh chàng nghèo khổ tên là I-khơ-hu-xu, một hôm có con chim vàng bé nhỏ mang đến tặng một cây tùng, dặn đem về trồng, khi cây nở hoa, chỉ cần rung cây ba lần, ước có vàng là có ngay. Cây này sau đó bị tên địa chủ cướp đi, nhưng khi hắn rung để ước thì chỉ được toàn là cóc.

Chim vàng lại mang đến tặng một cái giỏ, bảo khi nào muốn có bánh chỉ nói một tiếng là có ngay. Giỏ cũng lại bị tên địa chủ cướp, nhưng khi hắn ước, cũng như lần trước chỉ được cóc là cóc.

Chim vàng lại mang đến một cái roi bảo anh muốn đánh ai chỉ nói một tiếng là nó làm theo. Được roi, I-khơ-hu-xu mang đến nhà tên địa chủ bảo roi quất cho hắn tới tấp. Hắn kêu bộ hạ tới, roi lại quất vào chúng làm chúng thương vong. Anh lấy lại được hai vật quý kia về[5].

Truyện của người Hy-lạp (Grèce):

Một ông già tài sản chỉ có một cây đậu, bỗng nghe thần mùa Đông và thần mùa Hạ cãi nhau, mỗi bên tự cho mình đúng. Gặp lão, hai vị thần nhờ làm trọng tài. “Cả hai vị đều phải cả, thật khó mà chọn”, lão đáp. Hai vị thần hài lòng mới cho lão một cái bình đất, dặn cầm lấy sẽ cầu được ước thấy, nhưng chớ tiết lộ cho ai biết. Lão mang về xin một bữa ăn ngon, quả được như ý. Nhưng sau đó vợ lão biết được bí mật.

Ít lâu sau, một người con của lão yêu một công chúa, bảo mẹ đi hỏi, vua thách phải dựng được một cái lầu đẹp hơn lầu vua. Nhờ có cái bình, mẹ làm được ngay và được vua cho cưới. Nhưng vua lại phục rượu cho lão phun ra bí mật của cái bình mầu nhiệm. Vua bèn lấy trộm thay vào một cái bình khác.

Mất bình, lão lại leo cây và lần này được một cái gậy và sợi dây có thể trói đánh người nếu muốn. Lão đem về bắt tên vua phải trả lại như các truyện trên.

Truyện của một dân tộc ở châu Phi:

Trong một trận đói, A-năng-xê vào rừng bắt được một cái bình. Hắn reo lên: – “A! Ta được một cái bình!”. Nhưng bình bảo: – “Ta không gọi là bình mà là Hô-ho-rơ (cái chày) có phép làm ra thức ăn”. Hắn đưa bình về giấu trong buồng. Một hôm, những người con của hắn lấy ra bắt bình dọn cỗ đánh chén nhưng không may chúng làm vỡ tan.

A-năng-xê buồn quá lại vào rừng gặp một cái roi ngựa treo ở cây. Hắn reo lên: – “A! Ta được một cái roi!”. Nhưng roi bảo: – “Ta không gọi là roi mà là A-bơ-ri-đi-a-bơ-ra-du” (đánh bằng roi). Hắn đưa về giấu trong buồng. Những đứa con của hắn tò mò mở cửa buồng lẻn vào. Roi quất cho chúng nhừ tử. Nhưng sau đó chúng cắt roi ra làm nhiều mảnh. Cũng vì thế mà về sau trong thế gian mới có lắm roi, đáng lý chỉ có một cái[6].

Truyện của người Chi-lê (Chili):

Một bà già bép xép một hôm đến van vỉ với một bà phù thủy người cùng làng: – “Đói khổ quá, bà làm ơn cho xin một phép gì lạ để nhờ đó tôi có thể sống được”. – “Bà có cái lưỡi dài quá, cho bà để bà thóc mách cho thiên hạ biết ư”. – “Cứ cho đi tôi sẽ giữ mồm giữ miệng” – “Được, cho bà một cái túi này, khi đói bà chỉ nói: – “Túi ơi, hãy làm thức ăn đầy bàn cho ta”. Bà lão sung sướng vì thấy phép mầu nhiệm. Đến chủ nhật, đi nhà thờ sợ để túi ở nhà có người lấy trộm, bèn mang sang gửi cho bà hàng xóm: – “Này, bà giữ hộ tôi cái túi này. Bà đừng có bảo nó: – “Túi ơi, hãy làm thức ăn đầy bàn cho ta nhé!”. Bà hàng xóm ngồi nhà một mình, thử nói câu kia chơi, hóa ra có thức ăn thực, mới đánh tráo một cái túi khác.

Bà già bép xép mất vật mầu nhiệm lại đến khóc lóc với bà bạn phù thủy. Thương hại, bà phù thủy cho một cái sừng phép và dặn chỉ cần gọi: – “Làm đi sừng ơi!” là nó sẽ chế tạo đồ gỗ bán lấy tiền mà sắm ăn sắm mặc. Đến ngày đi lễ nhà thờ, bà già lại đưa sang gửi bà hàng xóm nhưng giấu kín không nói gì về câu chú cả. Biết chắc là vật quý, bà hàng xóm trả lại cái sừng tử tế nhưng để ý rình xem như thế nào. Quả thấy bà già vừa đọc câu chú xong thì nhiều người sừng hiện ra, kẻ bào, người đục, kẻ cưa, người đóng đinh, chỉ một buổi là xong một món đồ có giá trị. Chủ nhật sau, khi bà già lại đưa sừng đến gửi, bà này vội đọc ngay câu chú, nhưng lại sợ rằng trong một buổi làm được ít quá chăng, mới đọc câu chú liên tục để giục giã chúng làm cho chóng. Thế là người sừng làm lia lịa; đồ đạc hết thứ này lại làm thứ khác, để đầy cả gian nhà. Khi không có chỗ đề làm nữa, họ nhảy tới bà chủ, người bào tóc, kẻ cưa mũi, người đóng đinh vào thân, đau không thể tả. Lại có kẻ đánh véc-ni cho da, thành da đen kịt, v.v… Bà ta kêu la khóc lóc xin thôi mà không được.

Bà già đi lễ xong trở về thấy tình cảnh như vậy, vội chạy đến bà bạn phù thủy để nhờ giải chú. Kết quả, bà phù thủy thu lại phép lạ. Bà hàng xóm tham lam bị một trận nhừ tử nhưng may không chết. Khi lành trở thành người mũi tẹt da đen. Cả bà hàng xóm lẫn bà già bép xép từ đó nhờ vào những đồ đạc người sừng làm ra để sống qua ngày[7].

Truyện của người Kan-múc (Kalmouks) trong sách Cái chết mầu nhiệm: Ở một nước nọ có anh chàng bướng bỉnh, bị nhà vua (khan) trục xuất. Hắn ta qua một đồng cỏ thấy có con ngựa chết, bèn cắt lấy cái đầu buộc vào lưng khố rồi trèo lên một cây cọ để ngủ. Tối đến có một lũ quỷ ngồi ăn dưới gốc cây. Mải nhìn, hắn để đầu ngựa rơi lúc nào không biết. Bọn quỷ toáng đảm chạy mất cả. Hắn xuống tìm, nhặt được một cái bát vàng có thể gọi ra thức ăn. Lại tiếp tục cuộc hành trình. Dọc đường, gặp một người cầm cái gậy có thể sai khiến nó giết người. Hắn đề nghị đổi và được người kia đồng ý. Khi được cái gậy, bất thình lình hắn sai gậy giết người kia và chiếm lại cái bát. Cũng với cách đó, hắn còn chiếm được hai vật nữa: một cái búa gõ chín lần xuống đất thì hiện lên một cái tháp chín tầng; một túi da nếu lắc vài lần thì có thể làm ra mưa.

Hắn cầm bốn thứ bảo bối trở về trả thù nhà vua. Nửa đêm, hắn cho dựng một cái tháp chín tầng ở sau lầu vua. Vua giận, sai lính chất củi đốt, nhưng hắn ở trên lầu lắc cái túi da làm ra mưa. Cuối cùng vua bị gậy giết chết.

Truyện của đồng bào Mèo: Sự tích cây chuối rừng, là dạng kết hợp loại hình cổ tích trên đây với một số hình tượng của truyện Tấm Cám:

A Páp làm công cho một chúa đất giàu có quyền thế. Tới ngày hội, anh rất buồn vì không có gì để đi dự hội. Một ông tiên làm phép cho anh có áo quần đẹp và ngựa ô. Thấy chàng đẹp và lịch sự, con gái chúa đất yêu mến. Chúa đất bèn chọc mù mắt anh rồi đuổi vào rừng. Ở đây, anh kết bạn với voi. Ông tiên hiện ra cho anh một hòn đá ước nhờ đó mắt anh sáng ra và giàu có. Thấy A Páo giàu, chúa đất mời đến nhà uống rượu rồi ăn cắp hòn đá ước. Về sau ông tiên lại cho một cái roi. Chúa đất quen mùi lại đến toan chiếm roi thần, bị anh khấn cho roi quật túi bụi. Chúa đất xin nộp tất cả, kể cả cô con gái, để được tha, nhưng roi thần vẫn được lệnh của anh quất tới tấp cho đến chết. Cuối cùng, hắn hóa thành cây chuối rừng[8]. Tất cả những truyện trên có lẽ xuất phát từ một truyện của Ấn-độ trong Kinh Đại tạng:

Một người nghèo cố tìm kiếm thức ăn dâng cúng cho một nhà sư trong một năm, được sư cho một cái vại đồng có phép gõ vào miệng thì ước gì được nấy, nhưng dặn chớ có mời vua đến nhà. Anh ta trở nên giàu có, quên mất lời dặn. Vua đến nhà thấy cái vại bèn cướp lấy. Anh ta kêu khóc với nhà sư, được người này cho một cái bình có thể gọi gậy và đá văng ra, bảo mang đến đòi vua cái vại. Đến cửa cung, anh ta gọi ầm lên. Vua giận, sai mười người hầu ra bắt, những người này bị gậy và đá vụt cho vỡ đầu. Vua lại sai một ngàn lính đến vây. Gậy và đá tung hoành như gió, xác đầy cả cửa. Vua hoảng sợ, trả lại cái vại để được tha. Anh ta lấy vại về, trở nên giàu có[9].

Cũng từ Kinh Đại tạng còn có một truyện nữa, tuy nội dung và kết cấu khác hẳn nhưng nó vẫn có nhiều liên hệ với truyện trên về mặt hình tượng:

Có hai vợ chồng không con, bèn cầu trời xin một đứa. Từ đấy, vợ có mang. Nhưng khi sinh ra thì không phải là người mà là bốn thứ đồ vật: 1. Đấu bằng trầm hương đựng gạo không khi nào vơi; 2. Vại đầy thức ăn của thần; 3. Túi ngọc; 4. Gậy phép có bảy mắt. Hai vợ chồng kinh ngạc, lại cố lạy lục trời xin một đứa con. Trời hỏi: – “Có con lợi được những gì?”. Đáp: – “Nó sẽ giúp chúng tôi khi cần”. – “Vậy thì cái đấu này có gạo vô tận, cái vại này có thức ăn và mật vô tận lại còn có thể chữa khỏi vạn bệnh, cái túi này giúp các ngươi không bao giờ túng thiếu, và cái gậy này bảo vệ các ngươi. Một đứa con có làm nổi như thế không?”. Hai vợ chồng bèn trở về. Nghe tin họ có vật quý, nhà vua sai lính tới cướp, nhưng gậy bảy mắt đã đánh cho chúng thất điên bát đảo[10].

[1] Theo lời kể của người Hà-tĩnh.

[2] Theo Bản khai của sách Hữu-tập, sách Vĩnh-lại, sách Nhiêu-hợp, đã dẫn.

[3] Truyện này theo Sát-téc-gi (Chatterji) Dưới những cây xoài thì bà Chúa Tiên sau khi nghe lời khẩn cầu của anh chàng, tặng cho một cái bình có thể làm ra mưa kẹo. Bị chủ quán đánh tráo, anh lại xin được Chúa Tiên một cái bình khác có thể gọi quỷ đến, nhờ đó lấy lại được bình cũ. Một chủ đất làm lễ cưới vợ cho con, nghe tin, mời anh đến nhờ làm hộ kẹo. Anh xin vào một buồng kín để làm nhưng chủ đất cho người rình biết, bèn chiếm lấy bình của anh. Hôm cưới, anh mang cái bình thứ hai đến gọi quỷ ra đánh cả hai họ và chủ đất, buộc nó phải trả cho mình cái bình kia.

[4] Theo Đờ-la-ruy (Delarue) và Tê-ne-dơ (Ténèze), sách đã dẫn.

[5] Theo Truyện dân gian Trung-quốc (bản dịch của Thái Hoàng và Bùi Văn Nguyên).

[6] Truyện này và một số truyện trên đều theo Cô-xcanh (Cosquin). Truyện cổ tích dân gian miền Lơ-ren, đã dẫn.

[7] Theo Tạp chí dân tộc học, tập IV (1923).

[8] Theo Truyện cổ dân tộc Mèo, sách đã dẫn.

[9] Sa-van-nơ (Chavanne), sách đã dẫn.

[10] Sa-van-nơ (Chavanne), Truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích Ấn-độ trích từ Kinh Đại tạng.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer