Vào đời Hồng Đức, có một người học trò nghèo, cha mẹ chết sớm, trọ học ở phường Bích-câu, phía Nam thành Thăng-long. Chàng rất hay chữ, tuy chưa đỗ đạt gì, người ta cũng gọi chàng là Tú Uyên.
Một ngày, vào mùa xuân, chùa Ngọc-hồ mở hội Vô-già, thiện nam tín nữ ở kinh đô và bốn phương tụ họp rất đông. Tú Uyên không bỏ lỡ cơ hội đi tìm người đẹp. Chàng vui chân đi quanh quẩn mãi đến tận chiều, bèn ngồi nghỉ ở gốc đa gần chùa. Chợt trông thấy một cái lá bay đến trước mặt, chàng nhặt lên xem, thì ra sau lưng lá có đề một bài thơ đầy những lời trêu ghẹo. Chàng tưởng có người nào ở trên lầu cao ném xuống rồi nấp vào một chỗ. Nhưng ngước nhìn mọi nơi, mãi chẳng thấy gì cả. Đương lúc ngơ ngác, Tú Uyên bỗng thấy một đám người từ trong chùa đi ra, trong đó có một cô gái rất đẹp. Thấy nàng liếc mắt đưa tình, chàng tiến lại bắt chuyện. Hai người vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ. Lòng Tú Uyên như nở hoa. Nhưng khi sắp đến đỉnh Quảng-văn thì người con gái bỗng biến mất. Tú Uyên đứng ngẩn ra rất lâu, mãi đến tối mới trở về nhà.
Từ đấy, Tú Uyên đêm ngày mơ tưởng không thiết gì ăn uống học hành. Nghe tin đền Bạch-mã rất thiêng, chàng đến xin quẻ thẻ rồi ngủ quên tại đền cầu mộng. Đêm ấy thần hiện ra trong giấc mộng của chàng, bảo rằng: – “Này anh chàng mê sắc kia, sáng mai hãy đến cầu Đông, ta sẽ cho biết một tin rất tốt”.
Hôm sau, chàng y hẹn đến cầu Đông. Đợi mãi chẳng thấy ai cả, cuối cùng mới gặp một ông già bán tranh, ông đưa tới mời chàng một bức tố nữ. Chàng mở ra xem thì không ngờ hình dạng người tố nữ trong tranh trông chẳng khác gì người mà mình mong đợi. Chàng mua ngay, đem về treo bên cạnh chỗ ngồi. Đến bữa ăn chàng dọn ra hai đôi đũa, hai cái bát mời người trong tranh ăn như mời người thật. Chàng hơi ngạc nhiên cảm thấy tố nữ trong tranh hai má đỏ bừng dường như có ý thẹn.
Một hôm Tú Uyên đi học về thì thấy giữa giường đã sẵn sàng một mâm cơm có thức ăn ngon, khác với cơm rau thường ngày. Tuy chưa hiểu là của ai cho, nhưng đói bụng, chàng cũng ngồi vào ăn. Tiếp mấy hôm sau, mâm cơm đều dọn sẵn như thế. Chàng nửa ngờ nửa mừng, không hiểu ra làm sao.
Hôm khác chàng giả tảng đi học, nửa đường lộn về nấp ngoài cửa sổ dòm vào. Chàng thấy tố nữ từ trong tranh bước ra dọn dẹp nhà cửa và xuống bếp làm cơm. Chàng đột ngột xô cửa bước vào nắm chặt tay nàng mà rằng:
– Để tôi bấy lâu trông đợi mỏi mòn con mắt! Thôi bây giờ nhất định không cho nàng ra khỏi đây đâu.
Nói xong Tú Uyên giật bức tranh trên tường xé đi.
Người con gái đỏ hai gò má, sẽ đáp lại:
– Sao chàng ác thế! Thiếp đã lạc vào nhà chàng rồi đâu dám không vâng lời. Rồi nàng cho biết tên nàng là Giáng Kiều, vốn có duyên nợ với chàng nên được xuống trần cùng kết làm đôi lứa. Tú Uyên không còn gì sung sướng hơn thế nữa. Chàng giơ tay lên trời thề bồi. Hai người chuyện trò hồi lâu. Tú Uyên giục nàng thành thân, Giáng Kiều bảo:
– Để thiếp mở tiệc mời các bạn tiên đến chứng kiến cho lễ cưới của đôi ta đã.
Nói xong nàng rút trâm trên đầu hóa phép thành một nơi màn gấm rèm ngọc, kẻ hầu người hạ rầm rập, đồ ăn thức đựng lộng lẫy. Chỉ một lát cỗ bàn bày ra, đàn sáo vang lừng, các bạn tiên lần lượt đến ăn uống trò chuyện, ca hát nhảy múa rất là vui vẻ.
Nhưng từ ngày được vợ đẹp, Tú Uyên không buồn giở đến sách nữa. Suốt ngày chàng ở bên vợ và đặc biệt một điều là chàng thích uống rượu và ăn ngon. Giáng Kiều khuyên can mãi nhưng Tú Uyên vẫn giữ tật ấy. Ba năm trôi qua, chàng không lai vãng đến nhà học. Dần dà chàng trở nên nghiện rượu, đã uống là uống đến say, khi say không còn biết trời đất gì nữa, thậm chí nhiều lần chửi mắng vợ. Giáng Kiều giận lắm. Một hôm chồng từ tửu quán khật khưỡng bước về, nàng vực vào giường rồi nhân chồng ngủ thiếp đi, nàng liền bay về trời.
Tỉnh rượu, Tú Uyên không thấy vợ, rất lấy làm hối hận. Suốt một tháng, chàng bỏ ăn bỏ ngủ, kêu khóc thảm thiết. Bạn bè hết lời khuyên dỗ nhưng chàng không sao giảm được ưu sầu. Giận thân, chàng chỉ muốn tự tận cho xong đời. Nhưng khăn vừa vắt lên xà nhà thì bỗng có trận gió thoảng đưa mùi hương đến: Giáng Kiều đã hiện ra trước mặt. Chàng vừa vui vừa thẹn, thề xin chừa hẳn rượu. Hai vợ chồng lại vui vẻ như xưa.
Chẳng bao lâu, Giáng Kiều sinh được một trai. Đứa bé lớn lên rất thông minh, học ngày một giỏi.
Một đêm nọ bỗng có hai con hạc đến đón ở sân. Hai vợ chồng dặn con ở lại, rồi cưỡi hạc lên trời [1].
KHẢO DỊ
Truyện này đã được tín đồ đạo thần tiên uốn nắn để đề cao tư tưởng thoát ly. Truyền kỳ tân phả và Bích câu kỳ ngộ khi kể truyện này đã chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng đó.
Ở đây chúng tôi dựa vào lời kể của nhân dân, không có thơ từ xướng họa giữa hai.nhân vật, không có việc hai thị nữ đi theo Giáng Kiều, cũng không có việc Giáng Kiều khuyên chồng học đạo tiên. Việc Tú Uyên xé rách tranh cũng do nhân dân kể, không có trong các sách trên.
Loại mô-típ người bí mật hiện ra từ một vật nào đó, quét dọn nhà, làm cơm canh sẵn rồi lại thu hình chui vào, nhiều truyện cổ tích của ta và của các dân tộc đều có, tuy rằng có biến dạng nhiều hay ít. Trong truyện Tấm Cám (số 154, tập IV), Tấm từ trong quả thị bí mật ra dọn cơm cho bà già, truyện Lấy chồng dê, truyện Sọ dừa (số 128, tập III), Người lấy cóc (số 126, tập III) cũng gần như vậy.
Trong Sưu thần ký có truyện Nàng tiên trong vỏ ốc:
Một người nghèo khổ sống một thân một mình, thường khẩn Long Vương để được số phận khá hơn. Một hôm, nhặt được một vỏ ốc rất đẹp. Như truyện trên, cô gái trong vỏ ốc cũng bí mật chui ra nấu ăn quét dọn cho anh khi anh vắng mặt. Cho đến một hôm, anh về đột ngột bắt gặp, nàng nói mình là con gái Long vương vâng lệnh cha lên giúp đỡ. Rồi nàng biến mất. Từ đó mỗi lần anh túng thiếu thì thấy trong vỏ ốc có tiền. Khi anh chết, vỏ ốc cũng biến mất[2].
Một truyện khác của Việt Nam là Sự tích cửa ô Cầu-dền, có những hình ảnh phần nào gần gũi với truyện Tú Uyên:
Đời nhà Mạc, ở làng Kim-liên có một người học trò cha mẹ chết sớm, nhà nghèo lắm, phải đi dạy học kiếm ăn qua ngày.
Một hôm, ngày giỗ cha, anh trở về ngôi nhà nát của mình. Thấy không có gì cúng, anh chỉ ngồi mà khóc. Khóc đoạn ngủ quên. Đêm khuya anh giật mình tỉnh dậy thì thấy trên bàn thờ đèn hương đầy đủ; nhìn vào bếp thấy có một cô gái đẹp đang giục đầy tớ dọn cỗ. Anh chạy vào ôm lấy cô gái hỏi duyên cớ, cô gái cho biết là thiên đình thấy anh nghèo khổ mà hiếu hạnh nên sai xuống kết bạn.
Sau đó, cô gái ở lại làm vợ anh. Được tám năm, cô gái hết hạn về trời. Thấy anh kêu khóc, cô bảo: số anh còn sống đến 99 tuổi, ngày đoan ngọ sắp tới sẽ có vợ mới, nhưng có mấy mẫu ruộng mới tậu được hãy trồng rau dền cho nhiều vào.
Anh làm đúng lời cô gái dặn. Mấy năm đói kém, nhờ có mấy mẫu ruộng rau dền nên anh đã cứu giúp được nhiều người qua khỏi nạn đói. Vì thế, người ta gọi chỗ ở của anh là Cầu-dền[3].
Về những khả năng hình thành cảm hứng cho truyện Tú Uyên, xem lại tập I, phần nghiên cứu, chương II, mục 4: Quá trình hình thành một truyện cổ tích.
[1] Dựa theo Đoàn Thị Điểm (Truyền kỳ tân phả), Sử Nam chí dị, và theo lời kể của người Hà-tĩnh, Bắc-ninh, Hà-đông.
[2] Một truyện Trung-quốc khác là Nàng tiên ốc cũng kể đại khái như trên nhưng kết cục là anh nghèo khổ sau khi giấu biến vỏ ốc đã lấy được nàng tiên ốc làm vợ. Hai vợ chồng sống bằng lao động của mình, đầy hạnh phúc.
[3] Theo Sê-ông (Chéon), sách đã dẫn.