NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Cô gái lấy chồng hoàng tử

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập
Ads Top

Ngày xưa ở một làng nọ có một cô con gái đẹp. Thấy mọi người đều trầm trồ về nhan sắc của mình, cô bỗng có cái nguyện vọng thầm kín là được lấy hoàng tử làm chồng. Ngày ngày cô đi chợ mua hương đến một ngôi đền trong vùng cầu thần phù hộ cho mình lấy được chồng như nguyện.

Ở chợ hồi ấy có một người lái buôn hương. Thầy cô gái xinh đẹp lui tới gánh hàng của mình, hắn thường thả lời chòng ghẹo, nhưng lần nào cũng bị cô nghiêm sắc mặt cự tuyệt. Tuy vậy hắn vẫn tìm cách lân la gạ chuyện không nản. Một hôm, hắn chợt có ý muốn tìm biết ngày nào cô gái cũng chịu khó mua hương để làm gì. Nhân khi cô vừa mua bán xong sắp sửa ra về, hắn vội gửi gánh hàng cho người quen rồi lén đi theo bén gót. Thấy cô gái vào đền, hắn cũng theo vào. Nấp sau một cánh cửa, hắn nghe được tất cả những lời khấn khứa rì rầm của nàng và hiểu được điều nàng muốn.

Lần khác, sau khi cô gái mua hương xong, hắn đã ba chân bốn cẳng chạy trước tới đền, nấp sau pho tượng thần. Khi nghe cô khấn vừa dứt, hắn nói vọng xuống, giả làm lời thần phán:

– Con gái như thế kia làm sao dám đòi lấy chồng hoàng tử. Trên thiên đình đã định cho con làm vợ người lái buôn hương ở chợ. Số con là thế: không thể khác được!

Nghe lời truyền phán rõ ràng, cô gái lủi thủi ra về, trong bụng đinh ninh không thể tránh được số trời đã định. Ngày hôm sau, khi cô đi chợ, người buôn hương lại thả lời ong bướm, nhưng khác với các lần trước: lần này hắn được cô gái bắt lời. Biết là mưu mẹo của mình có kết quả, hắn hết sức tán tỉnh và cuối cùng cá đã cắn câu. Nhưng người buôn hương nghĩ rằng mình đã nhiều tuổi, nếu đưa lễ vật đến dạm hỏi, chắc chắn bố mẹ nàng không đời nào chịu gả. Vì thế hắn có ý định tìm cách dỗ dành cho cô gái theo không, rồi kín đáo đưa nàng trốn về quê. Mà phải làm sao cho bà con xóm giềng của nàng không có ai hay, kẻo họ tìm cách ngăn trở. Khi thấy miếng mồi mười phần đã chắc ăn cả mười, hắn bèn hẹn nàng một ngày nọ tới chờ mình ở một lùm cây sau chợ, hắn sẽ đưa đi trốn.

Đúng hẹn, hai người gặp nhau ở lùm cây. Người buôn hương bảo cô gái ngồi vào trong một chiếc bồ lớn đậy mẹt và buộc chặt lại để hắn gánh đi cùng với một bồ khác đựng hàng. Hắn ghé vào tai dặn nàng: – “Làm như thế sẽ không bị lộ, qua một thời gian anh sẽ về thú thật với bố mẹ sau”. Cô gái nọ cả tin ở số phận nên vâng theo lời hắn không chút ngần ngại.

Đường đi phải qua một khu rừng vắng. Trong khi người lái buôn hương lòng mừng khấp khởi với gánh hàng quý trên vai, thì tiếng thét của một toán lính làm cho hắn giật nẩy mình. Hắn không ngờ rằng ngày hôm ấy có một hoàng tử đang đi săn ở khu rừng này. Đầu cửa rừng, người, ngựa, chó săn đang vây bọc các ngả. Vì đang làm việc gian lận, lái hương ta sợ quá, vội quẳng cả gánh hàng mà chạy. Sau đó, có mấy con chó săn đi qua cái bồ, ngửi thấy hơi người bèn lên tiếng cắn sủa inh ỏi. Nghi ngờ, bọn lính dừng lại lục soát. Khi thấy trong bồ có một cô gái đẹp, bọn chúng rất đỗi kinh ngạc, vội dẫn nàng đi gặp hoàng tử lúc đó cũng vừa phi ngựa đến nơi.

Hoàng tử chưa bao giờ thấy có một người con gái xinh đẹp đến thế, bèn xuống ngựa bảo nàng ngồi lại chuyện trò. Nghe cô gái kể hết nỗi lòng, hoàng tử ngỏ ý đưa nàng về cung làm vợ. Nhân săn được một con hổ, hoàng tử bèn sai bỏ con thú vào bồ đậy mẹt và buộc chặt lại như cũ. Đoạn ra lệnh cho mọi người trở về kinh thành.

Sau khi hoàng tử và quân lính đi đã xa, người lái hương từ chỗ trốn lại quay về tìm gánh hàng quý của mình. Thấy cặp bồ vẫn còn nguyên chỗ cũ, hắn vội vã đặt gánh lên vai và rảo bước một mạch về nhà. Đến nơi, người nhà xúm lại, hỏi hắn:

– Bồ gì mà nặng thế?

Hắn đáp đùa để dọa:

– Đừng có nhìn mà chết. Hổ đấy?

Nói đoạn, hắn vội xách bồ quý vào buồng đóng cửa lại. Nhưng vừa mở mẹt thì con hổ từ trong đã nhảy ra, vồ hắn ăn thịt[1].

KHẢO DỊ

Một truyện của người Can-múc (Kalmouks) chép trong sách Cái chết mầu nhiệm gần giống với truyện của ta:

Có hai ông bà già đẻ được một cô gái, thường đến chùa cầu khẩn đức Phật cho con mình được lấy chồng khá, hứa sẽ cho con một món ngọc quý làm của hồi môn. Một người bán quả cây đi qua, nghe lỏm được câu chuyện. Một hôm, hắn nấp sẵn vào ruột pho tượng Phật, chờ cho hai vợ chồng nhà ấy đến cầu, nói vọng ra: – “Phải gả cho người nào đến hỏi đầu tiên”. Sáng hôm sau hắn đến sớm, hai vợ chồng gả con gái ngay và cho cả ngọc quý. Hắn bèn đưa cô gái về, và vì đã có vợ con, dọc đường hắn nghĩ cách giải thích sao cho mọi người khỏi nghi ngờ về nguồn gốc của cải và cô gái mà mình sắp đưa về. Hắn bèn bỏ ngọc quý và cô gái vào một cái hòm, chôn xuống đất có lỗ thông hơi, rồi về báo tin rằng mình học được phép lạ, sẽ đọc bùa chú lấy của cải từ dưới đất lên. Nhưng khi hắn chôn xong về nhà, một người con vua (khan) đi qua có mang theo một con hổ săn được. Thấy có đất mới lấp, hoàng tử cho đào lên xem, không ngờ lại được cô gái đẹp; hoàng tử muốn lấy cô làm vợ, bèn bỏ con hổ vào hòm thay cho cô gái, lấp đất lại rồi đưa nàng về. Anh kia lúc đến nhà dặn vợ con rằng hễ mình có đưa hòm gì về thì dù thế nào cũng cấm không được vào buồng. Khi mở hòm, hồ nhảy ra vồ lấy hắn, hắn kêu van ầm ĩ nhưng vì đã được dặn dò nên chẳng một ai đến cứu.

Một truyện của Ấn-độ cũng tương tự:

Một người làm nghề đổi bạc có cô con gái rất đẹp. Một người tu hành theo kiểu im lặng (vô ngôn), ngày ngày đi xin của bố thí, một hôm đến nhà nàng. Thấy cô gái, hắn kêu lên một tiếng. Bố cô gái chạy ra, hắn nói: – “Ta từ lâu không nói với ai một lời, nay ta nói ra là vì thương hại cho nhà ngươi. Người con gái này đẹp nhưng sẽ là mối họa ghê gớm. Ba ngày nữa cả vùng này sẽ bị phá hủy. Muốn cứu vãn hãy bỏ nó vào một cái thùng, trong thắp đèn sáng rồi quảng xuống sông Gô-đa-va-ri”. Tin là bậc tiên tri bố cô gái làm theo không ngần ngại. Khi trở về chùa, hắn bảo các môn đồ rằng ngày mai, có một cái thùng trôi sông, nếu vớt được sẽ được tám phép lạ, chớ để mất thời cơ. Nhưng một hoàng tử đi săn nhân mỏi mệt ngồi ở bờ sông thấy có cái thùng trôi, nên sai người vớt lên. Thấy cô gái đẹp, hoàng tử sai giữ lấy cô gái và bỏ một con khỉ độc già thay vào, đóng nắp lại như cũ rồi lại quẳng xuống sông. Môn đồ của thầy tu vớt được thùng lên, đưa vào chùa. Thần dặn trò: – “Dù các người có nghe tiếng gì đi nữa cũng không được vào buồng ta, sau đó các ngươi sẽ sung sướng”. Khỉ độc xông ra vồ lấy hắn. Hắn kêu to lên nhưng chẳng một ai vào. Một người lính hầu được hoàng tử phái đi theo dõi cái hòm, trở về kể lại mọi việc xảy ra, hoàng tử cười ngất. Sau đó chàng cưới cô gái làm vợ.

Truyện của người Ca-phrơ (Cafres) châu Phi:

Một tay ăn thịt người đi dọc đường bắt được một cô gái. Hắn dỗ dành cô, bỏ cô vào một cái túi, đi từ làng này đến làng khác xin ăn trước khi về nhà. Ai cho thịt ăn, hắn bảo cô gái trong túi hát ít câu nhưng không mở túi, chỉ nói đó là chim hát. Đi đến làng quê cô gái, người em cô này nghe tiếng, đoán ra tiếng của chị mình, bèn chỉ cho hắn một nơi có thể đến xin được nhiều thịt (nhưng chính là nơi có tù trưởng, bố cô gái). Nghe tiếng con hát, ông này lừa cho tay ăn thịt người đi xa, hứa sẽ không mở túi, nhưng khi hắn đi rồi liền mở cho con ra và bỏ rắn, cóc thay vào. Trở về, hắn thấy túi y nguyên, bèn xách về nhà rồi mời bạn hữu đến “dự bữa tiệc người no nê”. Nhưng khi mở túi thấy cóc rắn, khách dự tiệc cho là giễu cợt họ, bèn giết hắn ăn thịt.

Truyện của người Ca-ta-lan (Catalans):

Một cô gái trèo cây anh đào. Một người đi qua xin một quả không được, bèn bắt cô bỏ vào bị. Đi đến một làng khác, hắn muốn dự lễ nhà thờ, bèn vào một nhà nọ gửi nhờ cái bị. Hắn không ngờ nhà này là nhà bà dì của cô gái. Bà mở bị đưa cháu ra, bỏ chó mèo vào. Khi về, hắn vừa mở ra bị chó đuổi, bỏ chạy.

Một loạt truyện khác phổ biến ở nhiều dân tộc cũng có kết thúc giống với các truyện trên nhưng mở đầu lại khác: ở đây người đi lừa lần lượt thu được thắng lợi bằng cách bắt vạ người ta. Chúng tôi kể ra dây ba truyện tiêu biểu:

Truyện của Ý (Italia):

Một người ăn mày được một người đàn bà cho một hạt đậu to. Đến một nơi, người ấy gửi hạt đậu lại cho chủ nhà, dặn dừng để cho gà mổ mất. Khi hắn đến thì gà đã ăn mất hạt đậu. Hắn bắt vạ, được người ta đền cho con gà. Đến nhà một người đàn bà khác, hắn nhờ giữ hộ con gà đừng để lợn cắn. Sau đó lợn cắn chết con gà và hắn được bồi thường con lợn. Lại mang lợn đến một nơi có bò, dặn đừng để bò giết mất lợn. Bò làm chết mất lợn và hắn được bồi thường con bê. Lại đến nhà một người đàn bà khác có cô gái ốm thèm ăn thịt bò, hẳn gửi bê nhưng dặn đừng ăn tim. Hắn đòi phải đền cô gái, khi cô này giết mất bê. Người đàn bà đành phải đền, bèn lừa khi cô gái ngủ bỏ cô vào bị, trao cho hắn vác về. Từ đây truyện phát triển giống với các truyện kể trên. Đến một nơi nọ hắn đặt bị vào một chỗ để nghỉ, mai lại đi. Nhưng nhà chủ đã lén giải phóng cô gái thay vào một con chó dại, và sau đó, chó cắn hắn chết.

Một truyện của người Ka-bi-lơ (Kabyles):

Một con lang giẫm phải gai nhờ một bà già nhể hộ. Sau đó lang ta cố đòi cho được cái gai mà bà già đã vô tình quẳng mất, và rồi được đền bù một cái trứng. Đến một làng nọ, lang gửi trứng cho người khác đặt ở chỗ máng dê. Đêm lại, nó lén ăn trứng đi rồi sáng dậy bắt chủ nhà phải đền dê. Được dê, nó dắt đến làng một người khác gửi ở chuồng ngựa. Nó lại lén ăn thịt dê và được đền con ngựa. Đến một làng khác nữa nó gửi ngựa ở chuồng bò. Lại ăn thịt ngựa và được đền con bò. Đến một làng khác nữa nó gửi bò nhưng không biết cột bò vào đâu. Người ta bảo cột vào giường của một cô gái. Đến đêm nó lại ăn thịt bò, và quẳng lòng lên người cô gái. Sáng dậy nó đòi phải bồi thường cô gái. Người ta đành phải bỏ cô gái vào một cái bị đưa cho. Đến một cái đồi nó mở bị toan ăn thịt cô gái, không ngờ trong bị nhảy ra một con chó săn cắn nó chết.

Một truyện sưu tầm ở vùng Phlăng-đrơ (Flandre), tức là truyện Jăng đuy Gô-ghê đi Héc-nhi ăn ngỗng.

Jăng được người ta cho một nắm lúa. Ngủ ở bờ rào bị gà ăn mất lúa, hắn khóc lóc bắt vạ, được chủ đền cho con gà. Đến một nơi khác gà bị bò đạp chết và được đền con bò. Sau đó hắn ngủ lại ở một trại nọ, nhốt bò ở chuồng. Chủ nhà sai cô đầy tớ vắt sữa. Bò không chịu để vắt, quất đuôi vào mặt. Cô này đâm thủng bụng bò. Jăng khóc to lên và được đền cô gái. Hắn trói lại bỏ vào bị vác lên vai, nghĩ bụng: – “Đến Héc-nhi, ta sẽ cưới cô này làm vợ và ăn thịt ngỗng”. Dọc đường ghé lại một nhà nọ, để bị ở ngoài cửa. Một người thấy cái bị cựa quậy, mở ra thấy cô gái, bèn giải phóng cho cô mà bỏ vào một con chó. Đến Héc-nhi, hắn tay mở bị, miệng hỏi: – “Có muốn lấy ta không?” Nhưng một tiếng sủa phát ra làm hắn sợ, thả dây, chó nhảy ra toan cắn. Jăng trèo lên một cây liễu già, nhánh gãy rơi xuống chó, chó chạy. Jăng nhìn thấy trong hốc cây liễu có cái gì sáng chói, hóa ra đó là một con ngỗng vàng[2].

[1] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn và Trương Vĩnh Ký. Chuyện đời xưa.

[2] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin). Truyện cổ tích dân gian miền Lo-ren, sách đã dẫn, tập I.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer